Bản án về tội trốn thuế (mua hóa đơn GTGT trái phép) số 134/2024/HS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

BẢN ÁN 134/2024/HS-PT NGÀY 14/08/2024 VỀ TỘI TRỐN THUẾ

Ngày 14 tháng 8 năm 2024, tại trụ sở toà án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 123/2024/TLPT-HS ngày 26 tháng 4 năm 2024, do có kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị L đối với bản án hình sự sơ thẩm số 163/2024/HS-ST ngày 29/02/2024 của toà án nhân dân thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa, theo quyết định đưa vụ án hình sự ra xét xử số 130/2024/QĐXXPT-HS ngày 03/6/2024.

-Bị cáo kháng cáo: Nguyễn Thị L - sinh năm: 1989; Nơi cư trú: Thôn Đ, xã H, huyện H, tỉnh Thanh Hóa; Giới tính: nữ; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: kinh; Tôn giáo: không; Trình độ văn hóa: 12/12; Nghề nghiệp: kinh doanh; con ông Nguyễn Thọ C và bà Lê Thị Q; có chồng là Đỗ Đức L1 và có 02 con, lớn sinh năm 2017, nhỏ sinh năm 2023; Tiền án, tiền sự: không; Hiện bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bằng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt.

-Có 06 bị cáo không kháng cáo và không bị kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Công ty TNHH B (gọi tắt là công ty B), có địa chỉ tại: Lô A N MBQH B, phường Đ, thành phố T, tỉnh Thanh Hóa do Nguyễn Thị L là giám đốc, người đại diện theo pháp luật.

Năm 2022, công ty B có ký hợp đồng kinh tế với Công ty TNHH M về việc cung cấp nguyên vật liệu đất san lấp phục vụ thi công gói thầu XL1 dự án đầu tư xây dựng đoạn quốc lộ 45-NS. Quá trình thực hiện hợp đồng, L có mua mặt hàng đất K95, cát hạt trung, cát hạt mịn của những đội xe, cá nhân có xe vận tải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, để vận chuyển đến công trình đang thi công nhưng không có hóa đơn giá trị gia tăng. Để có hóa đơn giá trị gia tăng kê khai hàng hóa, dịch vụ mua vào cho công ty B kê khai báo cáo thuế, L đã nhờ Lê Đình C1 liên hệ mua hóa đơn giá trị gia tăng không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo của công ty TNHH Đ (gọi tắt là công ty Đ, Giám đốc và người đại diện theo pháp luật là Nguyễn Hoàng S) và công ty TNHH X (gọi tắt là công ty X, Giám đốc và người đại diện theo pháp luật là Trần Văn Mỹ T) với giá 4.5% giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn chưa thuế; của công ty TNHH M1 (gọi tắt là công ty M1 do Cái Thị Minh T1 là người đại diện theo pháp luật, do công ty làm ăn thua lỗ, T1 chuyển nhượng lại công ty cho một người trên mạng xã hội có thông tin là Trương Văn V) với giá 3.8% giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn chưa thuế. Cụ thể:

Từ tháng 01 đến tháng 03 năm 2022, Lê Đình C1 đã thông qua Lê Thị Thanh H, Dương Văn T2, Lý Thị D, hai người đàn ông tên K và G mua 09 hóa đơn giá trị gia tăng của công ty Đ, với tổng tiền hàng là 4.952.162.182đ và tổng tiền thuế giá trị gia tăng 465.733.622đ; 02 hóa đơn giá trị gia tăng của công ty X với tổng tiền hàng là 1.752.321.750đ và tổng tiền thuế giá trị gia tăng 151.804.950đ.

Quá trình điều tra H, T2 và D khai nhận như sau: H và C1 là bạn học cũ; H và T2 là đối tác làm ăn. Khi C1 nhờ hỏi mua hóa đơn, H đã liên hệ với T2, T2 điện thoại cho hai người đàn ông tên G và K (không biết cụ thể họ tên, địa chỉ) hỏi mua hóa đơn. T2, K và G thỏa thuận phí phải trả để mua hóa đơn là 4.5% giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn chưa thuế, trong đó phí phải trả cho công ty Đ, công ty X là 2,5%, K được hưởng 1%, G được hưởng 0.5% và T2 được hưởng 0.5%. T2 báo lại chi phí mua hóa đơn cho H, H đồng ý. Sau đó, T2 chỉ đạo D là nhân viên kế toán của công ty cùng H và K thực hiện việc mua bán hóa đơn cho công ty B, trong đó nhiệm vụ của D là soạn thảo hợp đồng kinh tế, báo số lượng hàng hóa ghi trên hóa đơn để K xuất hóa đơn, nhận và chuyển tiền bán hóa đơn cho các bên. Nhiệm vụ của H là thực hiện việc hợp thức hóa đầu vào; K là người trực tiếp làm việc với công ty Đ và công ty X. Từ tháng 01 đến tháng 03 năm 2022, T2, H, K và D đã xuất bán 09 hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty Đ và 02 hóa đơn giá trị gia tăng của công ty X với tổng số tiền hàng của 11 hóa đơn trên là 6.704.483.932đ, tiền thuế giá trị giá tăng là 617.537.372đ.

Khoảng tháng 05/2022, thông qua mạng xã hội C1 đã liên hệ với Lê Thị Cẩm H1 để hỏi mua hóa đơn GTGT không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo. Do có quen biết với T1, H1 đã liên hệ với T1 hỏi mua hóa đơn. Sau đó, T1 đã liên hệ với V để hỏi mua hóa đơn với giá 3.3% giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn chưa thuế. Thư báo giá cho H1 là 3.6% giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn chưa thuế, T1 được hưởng 0.3%. Sau khi T1 báo giá, H1 báo lại cho C1 chi phí mua hóa đơn là 3.8% giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn chưa thuế, H1 được hưởng 0.2%, C1 đồng ý mua.

Từ tháng 5 đến tháng 06/2022, thông qua C1, H1 và T1, công ty M1 đã xuất bán 11 hóa đơn cho công ty B với tổng tiền hàng là 12.982.587.750 đ và tổng tiền thuế giá trị gia tăng 1.042.518.060đ.

Về cách thức mua bán hóa đơn: Khi có nhu cầu sử dụng hóa đơn, Loan báo C1 số lượng, giá trị hàng hóa cần ghi trên hóa đơn, C1 báo lại cho H1, Diễm làm hợp đồng kinh tế, xuất hóa đơn. Sau đó, H1, Diễm chuyển lại hợp đồng kinh tế bằng bưu điện, xuất hóa đơn điện tử đã ghi nội dung, giá trị hàng hóa, ký tên, đóng dấu công ty vào zalo cho C1 để C1 chuyển lại cho L. Sau khi nhận được tiền mua hóa đơn của L, C1 chuyển khoản thanh toán tiền mua hóa đơn cho H1, D.

Về thủ tục hợp thức hóa được thực hiện như sau: Lê Thị Thanh H và Cái Thị Minh T1 trực tiếp vào Thanh Hóa nộp tiền mặt vào tài khoản của Công ty B, sau đó, L chuyển tiền từ tài khoản của công ty B vào tài khoản của công ty Đ, công ty X và công ty M1.

Như vậy, trong quý 1 và quý 2 năm 2022, thông qua C1, H, T2, D, K, G, T1 và H1, Nguyễn Thị L đã mua trái phép 22 hóa đơn giá trị gia tăng của công ty Đ, công ty X và công ty M1 với tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn là 19.687.071.682đ. Số hóa đơn này đã được L hạch toán, kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng cho công ty B. Cơ quan điều tra đã ra Quyết định trưng cầu giám định về thuế đối với hành vi của công ty B.Tại Kết luận giám định tập thể ngày 31/10/2023 của Giám định tập thể Cục thuế tỉnh T đã kết luận: công ty B đã trốn thuế giá trị gia tăng số tiền 1.250.696.865đ; không đủ cơ sở để kết luận Công ty B trốn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài việc mua hóa đơn cho công ty B, C1 còn thông qua H, T2, D, K, G, H1 và T1 mua trái phép hóa đơn giá trị gia tăng cho một số công ty trên địa bàn thành phố T. Cụ thể: C1 đã mua 09 hóa đơn của Công ty Đ với giá 4.5% giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn chưa thuế cho Công ty TNHH T3 với tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn chưa có thuế giá trị gia tăng là 12.566.302.000đ và 05 hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty M1 với giá 3.8% giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn chưa thuế cho công ty TNHH O với tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn chưa có thuế giá trị gia tăng là 914.408.000đ. Như vậy, C1 đã mua trái phép 36 hóa đơn giá trị gia tăng không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo của công ty Đ, công ty M1 và công ty X cho công ty B, công ty T3 và công ty O1.

Thông qua C1, H, T2, D, G và K, công ty Đ đã bán trái phép 18 hóa đơn giá trị gia tăng cho công ty B; công ty T3 và công ty X đã bán trái phép 02 hóa đơn giá trị gia tăng cho công ty B với tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn chưa có thuế giá trị gia tăng là 19.270.785.932đ. Số tiền thu lời bất chính là 867.185.366đ, trong đó: Khôi được hưởng 674.447.508đ; D được hưởng 2.500.000đ, G được hưởng 95.103.929đ, T2 được hưởng 95.103.929đ. H không được hưởng lợi từ việc môi giới bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng của công ty Đ, công ty X.

Thông qua C1, H1 và T1, Công ty M1 đã bán trái phép 16 hóa đơn giá trị gia tăng cho công ty B và công ty O1 với tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn là 13.896.995.750đ. Số tiền thu lời bất chính là 528.085.838đ, tuy nhiên C1 mới chuyển có 286.392.000đ tiền mua hóa đơn nên số tiền H1 được hưởng là 15.073.263đ, T1 được hưởng 22.609.894đ; V được hưởng là 248.708.843đ.

Đối với ông Nguyễn Quốc H2 là người đại diện pháp luật của công ty T3, ông H2 không biết việc C1 mua hóa đơn giá trị gia tăng không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo của công ty Đ để xuất bán cho công ty T3, 09 hóa đơn giá trị gia tăng của công ty Đ, công ty T3 đã làm hồ sơ điều chỉnh và hủy toàn bộ số hóa đơn trên.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 163/2024/HS-ST ngày 29 tháng 02 năm 2024 của Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng điểm b khoản 3, khoản 4 điều 200; các điểm s, n khoản 1, khoản 2 Điều 51; điều 38 BLHS đối với bị cáo Nguyễn Thị L. Tuyên bố bị cáo L phạm tội “Trốn thuế”. Xử phạt bị cáo L 30 tháng tù. Ngoài ra bản án còn quyết định hình phạt đối với các bị cáo khác; quyết định xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 13/3/2024 bị cáo L kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo. Tại phiên toà phúc thẩm bị cáo giữ nguyên yêu cầu.

* Ý kiến của đại diện viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hoá: Bị cáo L nộp đơn kháng cáo trong thời hạn luật định. Tại cấp phúc thẩm bị cáo giao nộp thêm tình tiết giảm nhẹ mới: tự nguyện nộp tiền phạt bổ sung theo án sơ thẩm; hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355; điểm c khoản 1 Điều 357 BLTTHS, chấp nhận kháng cáo của bị cáo L, giảm cho bị cáo một phần hình phạt từ 4 tháng đến 6 tháng tù. Bị cáo không có ý kiến tranh luận.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hình thức: Đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị L nộp trong thời hạn luật định hợp lệ, được chấp nhận xem xét, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Về hành vi phạm tội: Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo thành khẩn khai báo và thừa nhận hành vi phạm tội của mình, cụ thể:

Trong quý 1 và quý 2 năm 2022, L đã mua trái phép 22 hóa đơn giá trị gia tăng không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo của công ty Đ, công ty M1, công ty X cho công ty B nhằm mục đích kê khai, quyết toán thuế với tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn chưa có thuế giá trị gia tăng là 19.687.071.682đ, tiền thuế giá trị gia tăng là 1.660.055.432đ. Số tiền công ty B trốn thuế giá trị gia tăng là 1.250.696.865đ.

Hành vi nêu trên của bị cáo L có đủ các dấu hiệu cấu thành tội “Trốn thuế” theo quy định tại khoản 3 Điều 200 BLHS. Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa xét xử đối với bị cáo L về tội “Trốn thuế” theo quy định tại khoản 3 Điều 200 BLHS là đúng pháp luật.

[3] Xét kháng cáo của bị cáo L xin được giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, thể hiện sự coi thường pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến hoạt động quản lý thuế của nhà nước. Bị cáo nhận thức được hành vi đã thực hiện là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý phạm tội. Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng vị trí, vai trò của bị cáo trong vụ án; xem xét đầy đủ các tình tiết về nhân thân, tính chất, mức độ phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và phạt bị cáo L 30 tháng tù.

Căn cứ vào tính chất mức độ phạm tội của bị cáo xét thấy việc cách ly bị cáo khỏi cộng đồng xã hội là cần thiết nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Tuy nhiên, tại cấp phúc thẩm bị cáo giao nộp tình tiết giảm nhẹ TNHS mới: tự nguyện nộp tiền phạt bổ sung theo án sơ thẩm; hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm, nên cần giảm nhẹ cho bị cáo thêm một phần hình phạt để bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật, yên tâm cải tạo trở thành công dân có ích cho gia đình, xã hội.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[5] Về án phí: Kháng cáo được chấp nhận nên căn cứ điểm h khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 bị cáo không phải chịu án phí HSPT.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ vào: Điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị L. Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 163/2024/HS-ST ngày 29/02/2024 của Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa, giảm mức hình phạt tù cho bị cáo.

Căn cứ vào: Khoản 3 Điều 200; Điểm s, n, t khoản 1; khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bọ luật hình sự. Điểm h khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Thị L phạm tội “Trốn thuế”.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thị L 24 (hai mươi bốn) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

2. Về án phí: Bị cáo L không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

11
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội trốn thuế (mua hóa đơn GTGT trái phép) số 134/2024/HS-PT

Số hiệu:134/2024/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thanh Hoá
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 14/08/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: [email protected]
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;