Bản án về tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép số 293/2021/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 293/2021/HS-PT NGÀY 13/07/2021 VỀ TỘI TỔ CHỨC CHO NGƯỜI KHÁC NHẬP CẢNH TRÁI PHÉP

Ngày 13/7/2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên toà công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 222/2021/TLPT-HS ngày 11/3/2021 do có kháng cáo của bị cáo Nông Văn A đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 06/2021/HS-ST ngày 27/01/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn.

* Bị cáo có kháng cáo:

Nông Văn A, tên gọi khác: Không, sinh ngày 10/10/1988 tại tỉnh Lạng Sơn;

Nơi đăng ký thường trú và chỗ ở: Thôn 2, xã B, huyện B1, tỉnh Lạng Sơn;

nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 9/12; dân tộc: Tày; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nông Văn C (đã chết) và bà Trần Thị C1; có vợ là Nông Thị C2 và có 02 con; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Ngày 01/01/2012 bị Công an huyện B1, tỉnh Lạng Sơn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội 1.500.000 đồng (đã được xóa); bị bắt để tạm giữ, tạm giam từ ngày 08-7-2020 đến nay; có mặt.

* Người bào chữa cho bị cáo: Bà Nguyễn Thị Trung V, Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lạng Sơn, có mặt.

* Ngoài ra còn có: Các bị cáo Tô Văn A1, Hứa Văn A2, Hoàng Văn A3, Ma Văn A4, và Trương Văn A5; một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, gồm: Từ Thị A6, Trần Thị A7, Trần Thị A8 và Ma Thị A9 không kháng cáo, không liên quan đến nội dung kháng cáo nên Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 08 giờ ngày 07-7-2020, Tô Văn A1 nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 086569xxxx của một người đàn ông tự giới thiệu tên là Đạt, người này đặt vấn đề về việc đưa người nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam và hẹn Tô Văn A1 ra thị trấn B2, huyện B1 gặp nhau. Khoảng 12 giờ cùng ngày, Tô Văn A1 đến nhà Hàng Xanh tại khu 5, thị trấn B2, huyện B1, tỉnh Lạng Sơn để gặp Đạt. Tại đây A1 gặp 03 người đàn ông, những người này giới thiệu cho Tô Văn A1 biết tên là Đạt, Dũng, Long. Đạt trực tiếp đặt vấn đề thuê Tô Văn A1 đưa 04 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam rồi đưa đến khu vực ngã ba Nà Pục (thuộc thôn 2, xã B, huyện B1, tỉnh Lạng Sơn), Tô Văn A1 cho biết không trực tiếp đưa được, phải hỏi những người sinh sống tại khu vực biên giới. Sau đó, Tô Văn A1 gọi điện thoại cho Hứa Văn A2 đặt vấn đề đưa người nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam, Hứa Văn A2 đồng ý và gọi điện cho đối tượng người Trung Quốc tên là Khang và được người này cho biết chi phí đưa dẫn qua biên giới là 1000 NDT/01 người, theo yêu cầu của Hứa Văn A2, Đạt và Tô Văn A1 gửi số điện thoại của người nhập cảnh bên Trung Quốc cho A2 để A2 gửi cho Khang liên lạc đón những người này. Đạt hỏi A1 về tiền công đưa người từ khu vực biên giới về ngã ba Nà Pục; sau khi A1 gọi điện cho Nông Văn A nhờ tìm lái xe ôm đưa người nhập cảnh trái phép từ khu vực biên giới đưa về ngã ba Nà Pục là giá bao nhiêu thì được Nông Văn A cho biết tiền công là 600.000 đồng/01 người. Sau khi nói chuyện với Nông Văn A, Đạt và A1 thống nhất là Đạt sẽ trả tiền công cho bên Trung Quốc là 1000 NDT/01 người, bên Việt Nam là 1000 NDT/01 người (bao gồm tiền công của Tô Văn A1 và những người xe ôm), tổng cộng là 2000 NDT/01 người, Đạt nhận được người sẽ trả tiền công cho A1, còn tiền công bên Trung Quốc sẽ đưa cho Tô Văn A1 trước để trả cho người đưa sang. Khoảng 16 giờ cùng ngày, Hứa Văn A2 gọi điện cho Tô Văn A1 thông báo bên Trung Quốc sẽ đưa người đến biên giới vào khoảng 19 giờ cùng ngày, Tô Văn A1 đi sang nhà Nông Văn A thông báo lại để Nông Văn A chủ động đón. Sau đó, Tô Văn A1 gặp Dũng và được Dũng đưa cho 4000 NDT để Tô Văn A1 trả tiền công cho bên Trung Quốc, Tô Văn A1 cầm tiền đi sang nhà Nông Văn A, trên đường đi Tô Văn A1 nhận được điện thoại của Đạt thông báo là chỉ có 03 khách. Khi gặp Nông Văn A, Tô Văn A1 cho Nông Văn A số điện thoại của Hứa Văn A2 và đưa cho Nông Văn A 2000 NDT để chuyển cho Hứa Văn A2. Sau đó, Tô Văn A1 gọi điện thoại cho Hứa Văn A2 thông báo đã nhận đủ số tiền công để trả cho bên Trung Quốc, nhưng chưa chính xác số người cần đón là 03 hay 04 người nên nhờ Nông Văn A đưa trước cho Hứa Văn A2 2000 NDT, nếu thiếu thì Hứa Văn A2 bù tiền vào, Tô Văn A1 sẽ trả lại sau, Hứa Văn A2 đồng ý. Sau khi được Tô Văn A1 đặt vấn đề tìm người để đón 04 khách nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam, Nông Văn A đã gọi điện thoại cho Ma Văn A4, Hoàng Văn A3, Trương Văn A5 bảo cùng đón khách nhập cảnh trái phép từ khu vực biên giới về đến ngã ba Nà Pục với tiền công là 500.000 đồng/01 người. Khoảng 16 giờ cùng ngày, Ma Văn A4, Hoàng Văn A3, Trương Văn A5 đến nhà Nông Văn A để cùng nhau đi chở khách, sau khi Nông Văn A thông báo chỉ có 03 khách, Hoàng Văn A3 không đi nữa.

Khoảng 17 giờ, Nông Văn A, Ma Văn A4, Trương Văn A5 đi lên khu vực biên giới để đón người, Nông Văn A gọi điện cho Hứa Văn A2 thì được biết hiện bên Trung Quốc chưa đưa người lên được. Khoảng 21 giờ, Hứa Văn A2 đi lên khu vực cột mốc biên giới 1021 gặp Nông Văn A, Ma Văn A4, Trương Văn A5, tại đây Nông Văn A đưa số tiền 2000 NDT cho Hứa Văn A2 rồi cùng nhau chờ đón khách từ bên Trung Quốc sang.

Khoảng 19 giờ, Dũng cho Tô Văn A1 biết bên Trung Quốc có 04 khách và có thêm 01 người phụ nữ muốn xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc theo đường mòn, Tô Văn A1 gọi điện cho Hứa Văn A2 nói là có 01 khách muốn đi sang Trung Quốc có đưa đi được không, tiền công bao nhiêu. Hứa Văn A2 gọi điện cho Khang để hỏi và báo lại cho Tô Văn A1 biết tiền công đưa 01 người từ biên giới vào nội địa Trung Quốc là 1000 NDT, Tô Văn A1 và Hứa Văn A2 thống nhất với nhau sẽ thu tiền công đưa dẫn bên Việt Nam là 1000 NDT, tổng số tiền sẽ thu là 2000 NDT. Tiếp đó, Tô Văn A1 gọi điện thoại cho Nông Văn A báo bên Trung Quốc có 04 khách và hỏi có đón được 01 người phụ nữ đưa lên biên để xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc không, do lúc này Nông Văn A đang ở biên giới nên không đón được nên Nông Văn A gọi điện thoại cho Hoàng Văn A3 thông báo lại có 04 khách nhập cảnh trái phép và có thêm 01 người phụ nữ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, Nông Văn A bảo Hoàng Văn A3 đi đón người phụ nữ đưa lên mốc 1021, tiền công là 500.000 đồng, rồi cùng nhau đón 04 khách về, Hoàng Văn A3 đồng ý. Nông Văn A gọi điện bảo Tô Văn A1 và Hoàng Văn A3 tự liên hệ với nhau đưa người phụ nữ xuất cảnh. Sau đó, người phụ nữ đi xuất cảnh trái phép gọi điện thoại cho Tô Văn A1 để hỏi về chi phí, Tô Văn A1 cho biết là 2000 NDT, người này bảo hiện không có đủ tiền, khi nào sang đến Trung Quốc sẽ trả. Tô Văn A1 thông báo cho Hứa Văn A2 biết và thống nhất sẽ đưa cho Khang 3000 NDT, còn người phụ nữ này khi sang đến chỗ làm ở Trung Quốc thì phải trả cho Khang 2000 NDT. Khoảng 21 giờ cùng ngày, theo hướng dẫn của Tô Văn A1, Long điều khiển xe ô tô chở người phụ nữ đến khu vực ngã ba Nà Luông, xã B, huyện B1, sau đó Hoàng Văn A3 điều khiển xe mô tô đến đón người phụ nữ rồi đưa đến khu vực mốc 1021.

Đến 03 giờ 20 phút ngày 08/7/2020, Khang đưa 04 người Trung Quốc lên đến cột mốc biên giới và ra hiệu liên lạc với Hứa Văn A2. Hứa Văn A2 dẫn người phụ nữ đi lên khu vực mốc 1021, trên đường đi Hứa Văn A2 nói cho người phụ nữ biết phải trả 2000 NDT cho Khang là tiền công đưa đón từ Việt Nam sang đến Quảng Đông, Trung Quốc; Hứa Văn A2 nói với Khang về việc này và Khang đồng ý, sau đó Hứa Văn A2 đưa cho Khang 3000 NDT (trong đó có 2000 NDT là tiền mà Tô Văn A1 nhờ Nông Văn A đưa cho Hứa Văn A2, còn 1000 NDT là tiền của Hứa Văn A2) rồi nhận 04 người Trung Quốc đưa đến giao cho Nông Văn A, Hoàng Văn A3, Ma Văn A4, Trương Văn A5 điều khiển xe mô tô mỗi người chở 01 khách đi theo hướng đến ngã ba Nà Pục, còn Hứa Văn A2 đi xe mô tô về nhà. Sau khi đón được khách, Nông Văn A gọi điện thoại cho Tô Văn A1 thông báo đã nhận được người, Tô Văn A1 thông báo lại cho Dũng và Long biết và bảo đi xe ô tô vào xã B để nhận người. Khi Nông Văn A, Hoàng Văn A3, Ma Văn A4 đi đến khu vực ngã ba Bản Slẳng, thôn 1, xã B3, huyện B1 thì bị lực lượng Biên phòng phát hiện bắt giữ, còn xe của Trương Văn A5 đi phía sau nên chạy thoát và Trương Văn A5 cho người khách Trung Quốc xuống xe gần Trạm y tế xã B3. Sau đó theo sự chỉ đạo của Đạt, Tô Văn A1 điều khiển xe mô tô đi tìm và chở người khách Trung Quốc này ra đến ngã ba đầu cầu Bản Trại rồi đón xe cho người này đi đến thành phố Lạng Sơn.

Với nội dung trên, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 06/2021/HS-ST ngày 27/01/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã quyết định: Căn cứ khoản 1 Điều 348, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 17, Điều 38, Điều 55, Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015; xử phạt bị cáo Nông Văn A 02 (hai) năm tù về tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”, 01 (một) năm 03 (ba) tháng tù về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”. Tổng hợp hình phạt chung bị cáo phải chấp hành là 03 (ba) năm 03 (ba) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giữ là ngày 08 tháng 7 năm 2020.

Ngoài ra bản án còn quyết định hình phạt đối với bị cáo các bị cáo khác trong vụ án; xử lý vật chứng, quyết định nghĩa vụ chịu án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 05/02/2021 bị cáo Nông Văn A có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo và trình bày: Bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã quy kết, nhưng với mức hình phạt 03 năm 03 tháng tù đối với bị cáo là quá nặng so với hành vi phạm tội của bị cáo. Bởi vì, bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, là người dân tộc thiểu số; mẹ bị cáo là dân công hỏa tuyến, có bác ruột là liệt sỹ mà bị cáo hiện là người thờ cúng, nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm: Sau khi phân tích, đánh giá chứng cứ thấy rằng cấp sơ thẩm quy kết đối với bị cáo về tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép” và tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” là có căn có, đúng pháp luật. Khi xét xử cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, hành vi phạm tội của bị cáo, đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên xử phạt bị cáo với mức án như bản án sơ thẩm là có căn cứ, đúng pháp luật không cao; tại cấp phúc thẩm không có thêm tình tiết giảm nhẹ nào mới, nên không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng dụng điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người bào chữa cho bị cáo phát biểu quan điểm: Không có ý kiến tranh luận gì về tội danh, hành vi phạm tội của bị cáo; chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, như: Quá trình điều tra và tại các phiên tòa bị cáo đều khai báo thành khẩn, bị cáo là ngưởi dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; mẹ bị cáo là dân công hỏa tuyến được hưởng chế độ; có bác ruột là liệt sỹ; hơn nữa so với mức hình phạt của các bị cáo khác trong vụ án thì mức hình phạt của bị cáo là cao. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình như bản án sơ thẩm đã quy kết, lời khai của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm phù hợp với lời khai trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm; phù hợp với lời khai của những bị cáo khác trong vụ án, phù hợp với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Vì vậy, Hội đồng xét xử có đủ căn cứ kết luận: Ngày 07, 08 tháng 7 năm 2020, vì mục đích vụ lợi bị cáo Nông Văn A móc nối với một số đối tượng khác, đã thực hiện hành vi tổ chức cho 01 người ở Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc và 04 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để lấy tiền công. Hành vi của bị cáo đã phạm vào tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép” và tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”; tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 348 Bộ luật hình sự, cấp sơ thẩm quy kết, xét xử bị cáo với các tội danh như trên là có căn cứ, đúng pháp luật, bị cáo không bị oan.

[2] Hành vi của bị cáo nguy hiểm cho xã hội, bị cáo nhận thức được việc tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài là vi phạm pháp luật, nhưng vì lợi nhuận nên bị cáo vẫn cấu kết để thực hiện nhằm hưởng lợi bất hợp pháp. Đặc biệt, thời điểm bị cáo thực hiện tội phạm là thời điểm đại dịch COVID-19 đã bùng phát trên toàn thế giới, trong khi Chính phủ đang nỗ lực tìm mọi cách để kiểm soát dịch bệnh, trong đó có việc thiết chặt việc kiểm soát những người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để chống lây lan dịch bệnh, nhưng bị cáo đã bất chấp, đi ngược lại chủ trương đúng đắn của Nhà Nước, tiếp tay cho những đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Do đó, cần phải có biện pháp xử lý thích đáng.

[3] Xét kháng cáo của bị cáo, Hội đồng xét xử thấy: Khi xét xử cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất hành vi phạm tội, đã phân hóa đúng vai trò của từng bị cáo trong vụ án, cũng như đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, như: Bị cáo phạm tội lần đầu, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; bị cáo thuộc diện hộ cận nghèo hoặc hộ nghèo, sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hiện đang thờ cúng Liệt sỹ Nông Văn H (là em trai của bố bị cáo) và được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, mẹ bị cáo tham gia dân công hỏa tuyến để xử phạt bị cáo mức án như bản án sơ thẩm là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, không cao. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không có thêm tình tiết giảm nhẹ nào mới, nên không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với bị cáo là có căn cứ.

[4] Do bị cáo không được chấp nhận kháng cáo nên phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị nên đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự; không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nông Văn A; giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số: 06/2021/HS-ST ngày 27/01/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn; căn cứ khoản 1 Điều 348, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 17, Điều 38, Điều 55, Điều 58 của Bộ luật hình sự năm 2015; xử phạt bị cáo Nông Văn A 02 (hai) năm tù về tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép” và 01 (một) năm 03 (ba) tháng tù về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”. Tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội buộc bị cáo phải chấp hành là 03 (ba) năm 03 (ba) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam bị cáo (là ngày 08 tháng 7 năm 2020).

Về án phí: Bị cáo Nông Văn A phải chịu 200.000đ án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm số 06/2021/HS-ST ngày 27/01/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

105
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép số 293/2021/HS-PT

Số hiệu:293/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 13/07/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;