Bản án 379/2023/HS-PT về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 379/2023/HS-PT NGÀY 22/05/2023 VỀ TỘI THIẾU TRÁCH NHIỆM GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

Ngày 22 tháng 5 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 1189/2021/TLPT-HS ngày 29 tháng 12 năm 2021, đối với bị cáo Nguyễn Tiến D và các bị cáo khác, do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 66/2021/HS-ST ngày 22 tháng 11 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang.

* Các bị cáo có kháng cáo:

1. Nguyễn Tiến D, sinh năm 1970; giới tính: Nam; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: tiểu khu 1, thị trấn N (nay là tổ dân phố số 1, thị trấn Nham B), huyện Yên D1, tỉnh Bắc Giang; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; nghề nghiệp: nguyên Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Yên D1; là Đảng viên, đình chỉ sinh hoạt đảng ngày 31/8/2017; trình độ văn hóa: 12/12; con ông Nguyễn Văn D2 và bà Nguyễn Thị T1 (đều đã chết); có vợ là Đỗ Thị H và có 02 con, con lớn sinh năm 1992, con nhỏ sinh năm 2000; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị bắt tạm giam ngày 22/8/2017, hủy bỏ biện pháp tạm giam ngày 07/02/2018, hiện tại ngoại; có mặt.

2. Vũ Thị T, sinh năm 1965; giới tính: Nữ; nơi ĐKHKTT và chỗ ở: số nhà 142, Tiểu khu 3, thị trấn N (nay là tổ dân phố số 3, thị trấn Nham B), huyện Yên D1, tỉnh Bắc Giang; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; nghề nghiệp: nguyên Kế toán trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng; Đảng viên: Không; trình độ văn hóa: 12/12; con ông Vũ Trí Ng (Ngh) và bà Nguyễn Thị C (đều đã chết); có chồng là Nguyễn Ngọc Tr và có 02 con, con lớn sinh năm 1990, con nhỏ sinh năm 1997; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị bắt tạm giam ngày 18/8/2017 đến nay, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tính Bắc Giang; có mặt.

3. Nguyễn Văn S, sinh năm 1968; giới tính: Nam; nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Tổ dân phố Quán Tr, thị trấn Tân D3 (nay là thị trấn Tân A), huyện Yên D1, tỉnh Bắc Giang; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; nghề nghiệp: Kinh doanh; trình độ văn hóa: 12/12; con ông Nguyễn Ngọc V và bà Trịnh Thị K; có vợ là Nguyễn Thị T2 và có 04 con, con lớn nhất sinh năm 1991, con nhỏ nhất sinh năm 2002; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị bắt tạm giam ngày 31/7/2018 đến nay, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang; có mặt.

* Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Tiến D: Luật sư Nguyễn Xuân A1 - Công ty luật TNHH ABA thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; có mặt.

* Người bào chữa cho các bị cáo Vũ Thị T, Nguyễn Văn S: Luật sư Đỗ Mạnh L - Công ty luật TNHH VIETSAVVY thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; có mặt.

Ngoài ra, trong vụ án còn có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không kháng cáo, không bị kháng nghị, Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Nguyên Tiến D làm Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội (viết tắt là LĐ-TB&XH) huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang thời hạn 05 năm kể từ ngày 20/7/2011 (theo Quyết định điều động số 1788/QĐ-UBND, ngày 19/7/2011 của Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng), là người chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện các hoạt động của đơn vị, làm chủ tài khoản, trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực tổ chức cán bộ, phụ trách công tác lao động, việc làm, xuất khẩu lao động, dạy nghề...

Ngày 28/4/2008, Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng có Quyết định điều động công chức số 576/QĐ-UBND đối với Vũ Thị T, sinh năm 1965 từ Phòng Nội vụ-LĐ-TB&XH đến nhận công tác tại Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng kể từ ngày 01/5/2008. Căn cứ vào quyết định phân công nhiệm vụ hàng năm của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng, với chức vụ là kế toán thì Vũ Thị T có nhiệm vụ tham mưu, giúp lãnh đạo đơn vị về công tác kế toán trực tiếp thực hiện nhiệm vụ theo quyết định phân công như: Quản lý tài chính, ngân sách, tài sản của Nhà nước đảm bảo đúng nguyên tắc, chế độ của Nhà nước hiện hành, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chế độ chính sách thuộc ngành quản lý theo quy định, phải chịu trách nhiệm toàn diện về chế độ tài chính kế toán, đảm bảo tính pháp lý của chứng từ kế toán theo quy định của pháp luật và Luật Ngân sách, thực hiện trách nhiệm về công tác chuyên môn nghiệp vụ của kế toán theo chế độ hiện hành, thực hiện giải quyết chính sách, chi trả chế độ đối tượng theo quy định của UBND tỉnh Bắc Giang, huyện Yên Dũng ban hành về quy trình và thời gian giải quyết từng loại chế độ chính sách; Phải xây dựng kế hoạch về chi trả chế độ cho đối tượng trước ngày 05 hàng tháng (đối với các khoản trợ cấp một lần tổ chức chi trả vào 1 đợt/tuần); thời gian cấp tiền đến tay đối tượng không quá 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, quyết định, thực hiện một số nhiệm vụ khác do Trưởng phòng phân công trực tiếp.

Ngày 15/5/2015, Tỉnh ủy Bắc Giang có Quyết định số 1107-QĐ/TU về việc chuẩn y bầu chức danh Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Yên Dũng nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Nguyễn Tiến D. Ông Phan Thế Huấn được bổ nhiệm thay Nguyễn Tiến D làm Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng. Khi nhận bàn giao, ngày 22/5/2015 thì Vũ Thị T - Kế toán không báo cáo, tổng hợp được số liệu về kinh tế tài chính thực tế, do vậy ông Phan Thế Huấn chỉ nhận số liệu được bàn giao trên giấy tờ (ông Huấn không ký biên bản bàn giao), quá trình điều hành hoạt động nhận được đôn đốc nộp tiền của Sở LĐ-TB&XH tỉnh và báo cáo của Thủ quỹ về việc thâm hụt quỹ tiền mặt, ông Phan Thế Huấn đã thông báo đến tập thể lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng và Nguyên Tiến D (nguyên Trưởng phòng) để giải quyết. Sau đó Huyện ủy, UBND huyện Yên Dũng thông báo sự việc, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang thành lập đoàn kiểm tra đã phát hiện được các vi phạm của Nguyễn Tiến D, Vũ Thị T và một số cá nhân có liên quan. Kết thúc kỳ kiểm tra, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Thông báo số 16-TB/UBKTTU, ngày 23/02/2017 thông báo kết luận kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Nguyễn Tiến D (nguyên Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng). Ngày 06/3/2017, UBKT Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang có Công văn số 205-CV/UBKTTƯ về việc chuyển hồ sơ vụ việc, đến ngày 21/3/2017 UBKT Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang đã bàn giao hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang để điều tra. Quá trình điều tra xác định hành vi phạm tội của Nguyễn Tiến D và đồng phạm như sau:

1. Hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của Nguyễn Tiến D:

Hằng năm công tác, Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng được Nhà nước cấp kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ như: công tác Bảo trợ xã hội, trẻ em; chính sách người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công; công tác lao động, việc làm, xuất khẩu lao động, dạy nghề, phòng chống tệ nạn xã hội, xóa đói giảm nghèo... lương, phụ cấp và chi phí chung. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện do một số khoản phải chi trực tiếp và để đảm bảo về thời gian như: chi trợ cấp, hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, chi trả công tác quản lý người có công cho cán bộ các xã, thị trấn... và chi phí chung của Phòng nên Nguyễn Tiến D đã đồng ý cho một số cán bộ trong phòng tạm ứng tiền từ quỹ để sử dụng. Nhưng do việc quản lý không chặt chẽ, nhiều khoản chi Kế toán không lập phiếu chi và làm thủ tục hoàn ứng; chi không đúng quy định, không có trong dự toán nên không được quyết toán (chi cho lãnh đạo đi công tác, chi thăm quan du lịch, chi tiếp khách...); việc tạm ứng không có sổ sách theo dõi riêng theo hệ thống kế toán, chỉ được thể hiện trên sổ của Thủ quỹ, nên hằng năm số tiền tạm ứng không hoàn trả tạm ứng nhưng Nguyễn Tiến D không nắm được.

Theo Báo cáo tài chính từ năm 2011 đến 2015, Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng được giao dự toán ngân sách và thực hiện việc chi ngân sách: Năm 2011: số dự toán được giao 81.670.798.000 đồng, số quyết toán là 81.241.397.700 đồng, số dư dự toán cuối kỳ là 429.400.300 đồng; năm 2012: số dự toán được giao 88.371.493.000 đồng, số quyết toán là 87.706.988.000 đồng, số dư dự toán cuối kỳ là 664.505.000 đồng; năm 2013: số dự toán được giao 100.244.391.000 đồng, số quyết toán là 99.540.465.400 đồng, số dư dự toán cuối kỳ là 703.925.600 đồng; năm 2014: số dự toán được giao 108.824.855.990 đồng, số quyết toán là 108.297.015.000 đồng, số dư dự toán cuối kỳ là 527.840.990 đồng; năm 2015: số dự toán được giao 113.921.045.590 đồng, số quyết toán là 108.088.347.200 đồng, số dư dự toán cuối kỳ 5.832.698.390 đồng. Số dư dự toán ngân sách hàng năm sẽ không được chuyển để chi tiếp vào năm sau, đây cũng không phải là số tiền mà Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng rút về chưa thực hiện việc thanh toán.

Trong thời gian từ tháng 7/2011 đến tháng 6/2015, Nguyễn Tiến D là Trưởng phòng, Vũ Thị T là Kế toán, ông Thân Văn Th là Thủ quỹ (từ năm 2011- 2012), ông Phạm Trí D3 là Thủ quỹ (từ năm 2013-2015) của Phòng LĐ- TB&XH huyện Yên Dũng, đã để xảy ra sai phạm trong việc thu, chi quản lý quỹ tiền mặt dẫn đến việc thâm hụt quỹ, lập chứng từ khống về việc mua bán hàng hóa, dịch vụ gây thất thoát tiền ngân sách nhà nước với số lượng lớn, cụ thể đã phát hiện ra một số khoản thu như: Thu hồi khoản tiền do cắt chế độ của đối tượng hưởng chính sách đã chết, tiền “thương binh giả”; để treo tạm ứng tại Kho bạc nhà nước Yên Dũng nhưng không thanh toán (hoàn ứng) được vì quỹ tiền mặt không còn để chi cho đối tượng theo quy định. Giải trình việc thâm hụt quỹ thì thủ quỹ Thân Văn Th (từ 2011-2012) và Phạm Trí D3 (từ 2013-2015) đã cho rằng từ năm 2011-2015 khi Nguyễn Tiến D là Trưởng phòng đã ký duyệt và chỉ đạo cho cán bộ ứng tiền mặt để chi, nhưng chưa làm thủ tục hoàn ứng.

Theo sổ ghi chép của thủ quỹ Thân Văn Th và Phạm Trí D3 thì thời điểm Nguyễn Tiến D chuyển công tác (22/5/2015), các cán bộ trong Phòng LĐ- TB&XH huyện Yên Dũng đã tạm ứng tiền mặt tại quỹ là 5.258.846.000 đồng, trong đó đã hoàn ứng là 113.357.000 đồng, chưa hoàn ứng là 5.145.489.000 đồng (năm 2011 là 782.119.000 đồng, năm 2012 là 998.719.000 đồng, năm 2013 là 838.906.000 đồng, năm 2014 là 1.546.885.000 đồng và năm 2015 là 978.860.000 đồng). Cụ thể: Vũ Thị T ứng 3.555.788.000 đồng, đã hoàn ứng 80.357.000 đồng, còn treo ứng 3.475.431.000 đồng; Phạm Trí D3 ứng 827.126.000 đồng, Thân Văn Th ứng 92.750.000 đồng, Lê Lan A ứng 102.900.000 đồng, Nguyễn Thanh S ứng 73.273.000 đồng, Nguyễn Thị N ứng 70.205.000 đồng, Nguyễn Thị T ứng 40.553.000 đồng, Đào Thị Hiền ứng 7.000.000 đồng, Nguyễn Thị Hằng ứng 38.744.000 đồng, Phạm Thị Tân ứng 16.650.000 đồng, Phan Huy Phú ứng 200.000 đồng, Hoàng Thị Lý ứng 4.900.000 đồng (đều chưa hoàn ứng); Trần Văn Quyền ứng 38.000.000 đồng, đã hoàn ứng 33.000.000 đồng, còn treo ứng 5.000.000 đồng; các đối tượng khác ngoài đơn vị ứng 390.712.001 đồng. Trong số tiền 5.145.489.000 đồng chưa hoàn ứng, quá trình điều tra Cơ quan điều tra đã phối hợp với Phòng LĐ- TB&XH huyện Yên Dũng kiểm tra, đối chiếu các chứng từ thanh toán lưu trữ tại đơn vị từ năm 2011-2015 với các khoản tạm ứng được Phạm Trí D3 và Thân Văn Th ghi chép theo dõi, xác định có 898.672.000 đồng số tiền cho tạm ứng đã được quyết toán (trong đó giai đoạn Phạm Trí D3 cho tạm ứng 379.672.000 đồng, giai đoạn Thân Văn Th cho tạm ứng là 519.000.000 đồng), tuy nhiên các bộ chứng từ này không được đối chiếu với thủ quỹ để xóa tạm ứng. Do Vũ Thị T không khai, nên không làm rõ được các khoản chi đó tại sao không được xóa tạm ứng, tiền chi được dùng nguồn tiền nào để chi.

Số tiền thâm hụt quỹ thực tế: Sau khi ông Phan Thế Huấn được bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng và nhận điều hành Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng (trong khi chưa ký biên bản bàn giao số liệu về tài chính ngày 22/5/2015 với ông Nguyễn Tiến D), ông Phan Thế Huấn nhận được Văn bản số 2239/LĐTB&XH- NCC ngày 01/7/2015 của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang về việc yêu cầu nộp số tiền đã thu hồi được của những người là thương binh giả vào ngân sách Nhà nước. Ông Huấn đã yêu cầu ông Phạm Trí D3 là Thủ quỹ báo cáo số dư quỹ tiền mặt hiện có, thì được ông D3 báo cáo quỹ tiền mặt đã hết. Ông Huấn đã thông báo với tập thể lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng và Nguyên Tiến D. Đến tháng 10/2015 ông Huấn có chỉ đạo ông Lê Văn Đan - Kế toán mới của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng rà soát, đối chiếu với Kho bạc nhà nước huyện Yên Dũng nhiều lần và phát hiện không còn tiền mặt tại quỹ, số tiền còn treo ứng (không có chứng từ), thiếu các khoản thu tiền cắt chế độ đối với người được hưởng chế độ đã chết tổng là 5.986.412.100 đồng. Ngày 02/10/2015, Phòng LĐ- TB&XH huyện Yên Dũng đã đối chiếu số dư tạm ứng tại Kho bạc Nhà nước Yên Dũng quý III/2015, xác định từ tháng 01/2015 đến tháng 5/2015 (thời gian Nguyễn Tiến D là Trưởng phòng, Vũ Thị T là Kế toán, Phạm Trí D3 là Thủ quỹ) thì Phòng LĐ-TB&XH huyện Yến Dũng có các hoạt động tạm ứng từ Kho bạc nhà nước huyện Yên Dũng với tổng số tiền 4.744.268.500 đồng (tạm ứng từ các nguồn: Ngân sách trung ương 2.444.268.500 đồng, ngân sách tỉnh 300.000.000 đồng, ngân sách huyện 2.000.000.000 đồng); cụ thể: Ngân sách trung ương tổng số tiền ứng đã rút là 2.444.268.500 đồng (ngày 09/01/2015 rút 124268.500 đồng, ngày 04/02/2015 rút 420.000.000 đồng, ngày 06/3/2015 rút 1.600.000.000 đồng, ngày 07/4/2015 rút 300.000.000 đồng), ngân sách tỉnh tổng số tiền rút là 300.000.000 đồng (rút ngày 04/02/2015), ngân sách huyện Yên Dũng tổng số tiền đã rút là 2.000.000.000 đồng (rút ngày 21/01/2015). Số tiền đã chi trả cho đối tượng từ tháng 01/2015 đến tháng 9/2015 có hồ sơ, chứng từ sau đó được Kho bạc nhà nước Yên Dũng chấp nhận thanh toán tạm ứng ngày 30/9/2015 là 733.908.000 đồng, số tiền còn lại tính đến thời điểm hết quý III/2015 theo số liệu đối chiếu tình hình sử dụng ngân sách tại Kho bạc nhà nước ngày 02/10/2015 không có chứng từ để hoàn ứng là 4.010.360.000 đồng (gồm: ngân sách trung ương 1.710.360.500 đồng, ngân sách tỉnh 300.000.000 đồng, ngân sách huyện 2.000.000.000 đồng).

Trong thời gian từ năm 2011 đến hết năm 2014 Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng đã thu hồi tiền của các đối tượng là “thương binh giả”; tiền cắt chế độ của đối tượng chính sách đã chết do cán bộ thuộc đơn vị đã thu được (có xác nhận của lãnh đạo đơn vị trong đó có Nguyễn Tiến D nhưng không nộp vào ngân sách nhà nước tổng số tiền là 1.976.052.100 đồng (gồm: tiền thu hồi “thương binh giả” là 1.014.557.000 đồng, tiền cắt chế độ đối tượng chính sách đã chết là 961.495.100 đồng), Nguyễn Tiến D là chủ tài khoản nhưng không nắm được, không đôn đốc nộp vào ngân sách nhà nước (đến khi bàn giao công việc cho ông Phan Thế Huấn vẫn chưa nộp).

Như vậy Nguyễn Tiến D đã buông lỏng quản lý tài chính, tài sản trong thời gian giữ chức vụ Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng (từ tháng 7/2011 đến tháng 6/2015), để xảy ra việc ứng tiền sai quy định, chi sai chế độ; không đôn đốc nộp các khoản tiền thu được từ những người là thương binh giả và cắt chế độ của những người hưởng chính sách đã chết, đến khi chuyển công tác đã để thâm hụt quỹ tổng số tiền 5.986.412.600 đồng (gồm số tiền ứng tại Kho bạc nhà nước Yên Dũng là 4.010.360.500 đồng và số tiền thu được từ những người là thương binh giả và tiền cắt chế độ của những người hưởng chính sách đã chết là 1,976.052.100 đồng - (trừ) số tiền Phạm Trí D3, Thân Văn Th và một số cán bộ trong đơn vị nộp về quỹ là 764.577.000 đồng = 5.221.835.000 đồng tiền thâm hụt quỹ thực tế mà Nguyễn Tiến D phải chịu trách nhiệm.

Sau khi sự việc bị phát hiện, Nguyên Tiến D đã thông qua ông Đỗ Văn N, sinh năm 1974 (là em vợ) công tác tại Thanh tra huyện Yên Dũng nộp về Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng 4.650.000.000 đồng (tháng 6/2015 nộp 650.000.000 đồng, ngày 08/12/2015 nộp 2.000.000.000 đồng, ngày 21/12/2015 nộp 500.000.000 đồng, ngày 15/01/2016 nộp 800.000.000 đồng, ngày 19/8/2016 nộp 700.000.000 đồng), ông Phạm Trí D3 nộp 300.000.000 đồng (ngày 08/12/2015 nộp 170.000.000 đồng, ngày 22/8/2016 nộp 130.000.000 đồng) để khắc phục hậu quả, tổng số là 4.950.000.000 đồng, số tiền này được Phòng LĐ- TB&XH huyện Yên Dũng nộp vào ngân sách nhà nước và chi trả cho các đối tượng hưởng chính sách của Nhà nước. Sau khi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố vụ án, Phạm Trí D3 tiếp tục tự nguyện nộp số tiền 323.900.000 đồng, Thân Văn Th nộp số tiền 92.000.000 đồng.

Ngày 27/6/2017, của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang có Quyết định trưng cầu giám định số 166/PC46, trưng cầu Phòng KTHS Công an tỉnh Bắc Giang giám định chữ ký dưới mục Thủ trưởng đơn vị trên 222 giấy đề nghị tạm ứng của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng (ký hiệu từ A1 đến A222) so với chữ ký của Nguyễn Tiến D trên tài liệu mẫu có phải do cùng một người ký ra hay không?; Chữ ký, chữ viết mang tên Vũ Thị T trên các tài liệu cần giám định (ký hiệu từ A1 đến A242) so với chữ ký, chữ viết của Vũ Thị T trên các tài liệu mẫu có phải do cùng một người ký ra hay không?; chữ ký dưới mục phụ trách bộ phận trên giấy đề nghị tạm ứng ngày 30/9/2014 mẫu số C32-HD cần giám định; chữ ký ở cột đánh số thứ tự (4) và (8) tương ứng với các ngày 25/3/2013, 10/4/2013, 15/4/2013 (ghi trong quyết định trưng cầu) trong sổ A4 màu đen ghi chép tạm ứng cần giám định và chữ ký của Vũ Thị T trên mẫu so sánh có phải do cùng một người ký ra hay không?.

Ngày 14/7/2017, Phòng KTHS-Công an tỉnh Bắc Giang có Kết luận giám định số 1083/KL-PC54 kết luận:

- Chữ ký tại mục “Thủ trưởng đơn vị” trên các tài liệu cần giám định (có 121 giấy) so với chữ ký, chữ viết của Nguyễn Tiến D trên các tài liệu mẫu (từ M1 đến M7) là do cùng một người ký ra;

- Chữ ký tại mục “Kế toán trưởng” trên tài liệu cần giám định (192 phiếu) so với chữ ký, chữ viết của Vũ Thị T trên các tài liệu mẫu (ký hiệu M2, M3, M4, từ M8 đến M12) là do cùng một một người ký ra;

- Chữ ký tại mục người đề nghị tạm ứng trên các tài liệu cần giám định (16 giấy) so với chữ ký, chữ viết của Vũ Thị T trên các tài liệu mẫu (ký hiệu M2, M3, M4, từ M8 đến M12) là do cùng một một người ký ra;

- Chữ ký tại mục “người đề nghị tạm ứng”, chữ ký tại cột “4-8” (có 80 mã ngày ứng) trên các tài liệu cần giám định so với chữ ký, chữ viết của Vũ Thị T trên các tài liệu mẫu ký hiệu (M2, M3, M4, từ M8 đến M12) là do cùng một người ký ra.

2. Hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” của Vũ Thị T, Nguyễn Tiến D và Nguyễn Văn S:

Do để cho cán bộ tạm ứng và chi sai nguyên tắc, nhiều nội dung ứng chi không được phép chi như: chi cho đối ngoại, lãnh đạo đi công tác, chi tết, nghỉ mát... nên không thể hoàn ứng và thanh quyết toán được. Muốn cân đối chi ngân sách hằng năm, Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng đã phải sử dụng ngân sách giao dự toán của năm sau để bù chi cho các khoản đã chi của năm trước. Để có tiền mặt bù vào khoản tiền chi không đúng quy định và để có chứng từ lập báo cáo quyết toán hàng năm, theo đề xuất của Vũ Thị T, Nguyễn Tiến D nhất trí để Vũ Thị T lập các bộ chứng từ khống thể hiện việc mua hàng hóa là văn phòng phẩm, công cụ, dụng cụ, thuê dịch vụ với chủ hộ kinh doanh Nguyễn Văn S, sinh năm 1968; địa chỉ: xã Tân An (nay là thị trấn Tân An), huyện Yên Dũng và làm thủ tục chuyển tiền từ tài khoản của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng mở tại Kho bạc nhà nước Yên Dũng đến tài khoản số 2511211906030 mở tại Phòng giao dịch Tân An thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Dũng của hộ kinh doanh Nguyễn Văn S, mục đích là để rút tiền mặt bù vào các khoản chí không đúng quy định. Trong thời gian từ tháng 7/2011 đến tháng 6/2015, tổng số tiền thể hiện trên chứng từ thanh toán cho Nguyễn Văn S là 2.950.993.200 đồng, gồm:

- Thanh toán bằng hình thức chuyển khoản là 2.224.216.200 đồng (ngân sách trung ương là 825.881.000 đồng, ngân sách huyện là 1.398.335.200 đồng), cụ thể: năm 2011 là 132.595.000 đồng, năm 2012 là 131.911.200 đồng, năm 2013 là 628.825.000 đồng, năm 2014 là 447.504.500 đồng và năm 2015 là 883.380.500 đồng.

- Thanh toán bằng hình thức trả tiền mặt tổng số tiền là 726.777.000 đồng.

Ngoài ra, Vũ Thị T còn đề xuất lập các bộ chứng từ khống về việc làm thêm giờ vào thứ 7 và chủ nhật với tổng số tiền làm thủ tục thanh quyết toán trong hai năm 2013 và năm 2014 là 240.827.769 đồng. Thực tế không có việc Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng tổ chức làm thêm giờ, các cán bộ LĐ- TB&XH các xã, thị trấn thuộc huyện Yên Dũng cũng không nhận được bất cứ khoản tiền làm thêm giờ nào. Sau khi hoàn thiện các chứng từ, hàng năm Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng đều lập báo cáo Quyết toán và được Sở LĐ- TB&XH tỉnh, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Yên Dũng duyệt quyết toán (theo từng nguồn Ngân sách) nhưng không phát hiện ra.

Việc thâm hụt quỹ của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng chỉ bị phát hiện khi Nguyễn Tiến D và Vũ Thị T thôi giữ chức vụ Trưởng phòng và kế toán của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng. Khi nhận bàn giao công việc ngày 22/5/2015 giữa Nguyễn Tiến D và ông Phan Thế Huấn thì Vũ Thị T - Kế toán không báo cáo, tổng hợp được số liệu về kinh tế tài chính thực tế, do vậy ông Phan Thế Huấn chỉ nhận số liệu được bàn giao trên giấy tờ (ông Huấn không ký biên bản bàn giao) để điều hành hoạt động.

Quá trình điều tra xác định: Toàn bộ chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ giữa Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng với hộ kinh doanh Nguyễn Văn S và chứng từ chi làm thêm giờ của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng được lập trong thời gian từ năm 2011 đến 2015 đều là lập khống, số tiền mặt thực tế không chi trả mà chỉ lập chứng từ để hợp lý hóa. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu giữ được 160 hóa đơn có chữ ký và chữ viết dưới mục người bán hàng tên Nguyễn Văn S, 40 hóa đơn bán hàng của cửa hàng Nguyễn Văn S nhưng không có chữ ký dưới mục người bán hàng và 01 ổ cứng máy tính để bàn do Vũ Thị T sử dụng.

Ngày 24/4/2017, Cơ quan CSĐT- Công an tỉnh Bắc Giang có Quyết định trưng cầu giám định số 111/PC46, trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết trên 200 hóa đơn bán hàng đề tên đơn vị bán hàng là hộ kinh doanh Nguyễn Văn S, địa chỉ: xã Tân An, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Ngày 09/5/2017, Phòng KTHS Công an tỉnh Bắc Giang có Kêt luận số 686/KL-PC54 kết luận: trong các hóa đơn gửi giám định (có 191 hóa đơn) là chữ ký của Nguyễn Tiến D; có 02 hóa đơn ký hiệu A20 và A200 là không phải chữ ký của Nguyễn Tiến D; có 151 hóa đơn có nội dung chữ viết và chữ số trên hóa đơn là do Vũ Thị T viết ra; có 160 hóa đơn có chữ ký và chữ viết dưới mục người bán hàng là do Nguyễn Văn S ký và viết ra, có 40 hóa đơn không có chữ ký dưới mục đơn vị bán hàng.

Ngày 24/11/2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang có Quyết định trưng cầu giám định số 06/PC46, trưng cầu Phòng KTHS Công an tỉnh Bắc Giang giám định chữ ký, mang tên Nguyễn Tiến D trên các tài liệu như: 100 Giấy rút dự toán ngân sách, 97 bảng kê chứng từ thanh toán; 01 chứng từ ghi sổ Hợp đồng, 139 HĐ kinh tế, 140 biên bản nghiệm thu, thanh lý HĐ; 02 HĐ cung cứng thiết bị tin học và 03 bản báo giá linh kiện; 15 HĐ thuê xe ô tô và 16 bản thanh lý HĐ; 04 QĐ về phê duyệt kết quả chỉ định thầu, 06 danh sách phát văn phòng phẩm cho lãnh đạo và cán bộ, 08 phiếu báo cơm tiếp khách; 37 phiếu chi mẫu số 31-B, 08 hóa đơn bán hàng.

Ngày 31/12/2017, Phòng KTHS Công an tỉnh Bắc Giang có Kết luận giám định bổ sung số 2055/KL-PC54 kết luận: chữ ký tại mục “Thủ trưởng đơn vị” so với chữ ký của D trên tài liệu mẫu là giống nhau; chữ ký tại mục “Kế toán trưởng” so với chữ ký của Vũ Thị T trên các tài liệu mẫu là do cùng một người ký ra; mẫu chữ ký trong các hợp đồng Hộ kinh doanh Nguyễn Văn S ký kết với Phòng LĐ-TB& XH huyện Yên Dũng, xác định chữ ký dưới mục đại diện đơn vị bán hàng trong hợp đồng và mẫu chữ ký của Nguyễn Văn S là do Nguyễn Văn S ký.

Ngày 31/8/2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang có Quyết định trưng cầu giám định số 207/PC46, trưng cầu Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an phục hồi dữ liệu máy tính xách tay và ổ cứng máy tính để bàn do Vũ Thị T sử dụng.

Ngày 19/10/2017, Viện khoa học hình sự - Tổng cục cảnh sát có Kết luận giám định số 4437/C54-P6 kết luận: kết quả không có dữ liệu nào liên quan đến hành vi phạm tội của Vũ Thị T.

Ngoài hành vi đồng phạm cùng Nguyễn Tiến D và Nguyễn Văn S thực hiện hành vi phạm tội như nêu trên, Vũ Thị T với chức vụ làm kế toán Phòng LĐ- TB&XH huyện Yên Dũng còn có hành vi tự ý ứng tiền, để cho những người trong đơn vị và ngoài đơn vị ứng tiền không theo dõi trong hệ thống sổ sách kế toán chưa hoàn ứng số tiền là 5.145.489.000 đồng; không thực hiện việc hoàn ứng, yêu cầu những người ứng tiền phải làm thủ tục hoàn ứng; không quản lý thu, nộp tiền “thương binh giả” của các đối tượng thương binh giả, tiền “cắt chết” chậm của những đối tượng; gây thiệt hại số tiền là 5.221.835.600 đồng.

Đối với số tiền 800.000.000 đồng tiền mặt ông Phạm Trí D3 trình bày đưa cho Vũ Thị T giữ vào dịp Tết Nguyên đán năm 2015: ông D3 khai vào dịp giáp Tết Nguyên đán năm 2015, ông D3 là Thủ quỹ quản lý quỹ tiền mặt lúc đó phòng còn tồn quỹ số tiền 800.000.000 đồng, do sợ để tiền qua Tết ở cơ quan không an toàn nên ông D3 đã gửi Vũ Thị T giữ hộ. Sau Tết, Vũ Thị T chỉ đưa trả lại cho D3 400.000.000 đồng, còn lại 400.000.000 đồng Vũ Thị T nói đã chi vào việc tập thể không trả lại ông Phạm Trí D3. Đến thời điểm bàn giao giữa Nguyễn Tiến D với ông Phan Thế Huấn, khi phát hiện quỹ tiền mặt bị thâm hụt nhiều, ông Phạm Trí D3 đã tự bỏ 400.000.000 đồng tiền cá nhân nộp trả quỹ Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng. Cơ quan điều tra đã làm việc yêu cầu Vũ Thị T giải trình về nội dung này, nhưng T không hợp tác, không giải trình gì về việc chi số tiền như thế nào. Hành vi không trả lại số tiền 400.000.000 đồng của Vũ Thị T có dấu hiệu chiếm đoạt số tiền trên, qua điều tra chưa có cơ sở vững chắc để xử lý, số tiền đã được nộp trả lại nên Cơ quan điều tra không đề cập xem xét trách nhiệm hình sự trong vụ án này.

Bị cáo Nguyễn Tiến D khai:

+ Đối với số tiền ứng, việc mua sắm văn phòng phẩm: Hàng năm, Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng được Ngân sách trung ương, Ngân sách tỉnh và huyện cấp kinh phí để hoạt động. Trong quá trình thực hiện, do một số khoản phải chi trực tiếp và để đảm bảo về thời gian như: Chi trợ cấp, hỗ trự cho các đối tượng chính sách, chi trả công tác quản lý người có công cho cán bộ các xã, thị trấn... và chi phí chung của Phòng, nên Nguyễn Tiến D với chức vụ là Trưởng phòng đã đồng ý cho cán bộ của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng ứng tiền. D biết quy trình cho cán bộ tạm ứng tiền mặt là: cán bộ được phân công nhiệm vụ đề nghị ứng tiền qua kế toán để được hướng dẫn xem xét nội dung, số tiền cần ứng và trình D là Trưởng phòng ký; D chỉ căn cứ vào việc xác nhận của Kế toán trong giấy đề nghị tạm ứng để ký xác nhận, nếu không có chữ ký của D trên giấy đề nghị tạm ứng mà thủ quỹ vẫn xuất tiền thì đó là trách nhiệm của Thủ quỹ, D không đồng ý việc không ký giấy đề nghị tạm ứng mà thủ quỹ vẫn xuất tiền. Do không có chuyên môn nghiệp vụ, nên kế toán có được phép ứng tiền không thì D không biết, D tin là kế toán có chuyên môn trong ứng tiền và chi tiền; không nắm và quản lý được số tiền tạm ứng đã được hoàn ứng hay chưa. Sau khi sự việc xảy ra, bản thân đã tự nguyện nộp tiền để chi trả kịp thời cho các đối tượng, tổng số tiền tạm thời khắc phục việc chi trả tiền cho các đối tượng và nộp vào ngân sách là 4.650.000.000 đồng.

Việc mua bán văn phòng phẩm và việc thanh toán (chuyển khoản, trả tiền mặt) với Nguyễn Văn S, địa chỉ ở xã Tân An (nay là thị trấn Tân An), huyện Yên Dũng: Nguyên nhân từ việc cho cán bộ tạm ứng chi không đúng nguyên tắc, một số nội dung ứng chi không thể lập chứng từ thanh toán đúng như nội dung đã chi như quà Tết, chi đối ngoại, chi cho lãnh đạo, tháng lương thứ 13, chi đi nghỉ mát... để hợp thức hóa và bù cho các khoản chi sai nguyên tắc, sai chế độ nêu trên, Vũ Thị T đã tham mưu lập các bộ chứng từ khống việc mua bán hàng hóa, dịch vụ với hộ kinh doanh Nguyễn Văn S; lập khống các bộ chứng từ chi làm thêm giờ, trình D ký duyệt với tư cách là chủ tài khoản, thủ trưởng đơn vị. D không chỉ đạo bất cứ cán bộ nào của Phòng và bất cứ ai đi mua hàng hóa, thuê dịch vụ của hộ kinh doanh Nguyễn Văn S; chưa gặp để nói chuyện hoặc được Nguyễn Văn S gặp để trao đổi về bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ cho Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng; toàn bộ các hợp đồng, biên bản nghiệm thu thanh lý hợp đồng và các chứng từ kèm theo đều do Vũ Thị T - Kế toán trình D ký, ngoài T ra không có ai khác trình D ký. Do Vũ Thị T nói Nguyên Văn S là người nhà của T, nên D yên tâm đồng ý để T lập các bộ chứng từ khống và thực hiện việc chuyển tiền vào tài khoản của Nguyễn Văn S, T sẽ có trách nhiệm lấy lại số tiền từ Nguyễn Văn S để nhập lại quỹ đơn vị; tuy nhiên do tin tưởng và không kiểm tra cụ thể về các khoản tiền này, nên không biết sau đó số tiền này có được Vũ Thị T nhập lại quỹ hay không. Quá trình bàn giao công việc Trưởng phòng cho ông Phan Thế Huấn, chỉ bàn giao số tài khoản trên Kho bạc mà không tiến hành kiểm kê và bàn giao quỹ tiền mặt của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng.

+ Đối với số tiền làm thêm giờ 240.827.769 đồng: Nguyễn Tiến D khai không ký bất cứ văn bản nào thể hiện yêu cầu trưng tập cán bộ LĐ-TB&XH cấp xã, thị trấn đến làm việc vào thứ 7, chủ nhật tại Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng. D không nhận được bất cứ văn bản nào của lãnh đạo cấp trên cho phép trưng tập và chi trả làm thêm giờ cho cán bộ LĐ-TB&XH cấp xã làm việc thứ 7 và chủ nhật. Vỉệc ký vào các chứng từ quyết toán tiền làm thêm giờ là do kế toán Vũ Thị T tham mưu trình ký, bộ chứng từ làm thêm giờ là chứng từ lập khống để hợp lý hóa.

+ Việc thu các khoản tiền từ cắt chế độ đối với các đối tượng chết, các đối tượng là thương binh giả: Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng thu được các khoản tiền từ việc cắt chế độ của các đối tượng thương binh giả và các đối tượng hưởng chính sách đã chết trên địa bàn huyện Yên Dũng. D có hỏi các khoản tiền thu đã nộp hay chưa thì T tham mưu là khi nào có yêu cầu, có công văn thì mới nộp. Chính vì vậy số tiền này khi D chuyển công tác vẫn chưa nộp, đến khi có công văn đôn đốc thì ông Phan Thế Huấn thông báo không còn tiền để nộp, nên D đã nộp để khắc phục trước cho các khoản này.

Quá trình điều tra lại Nguyên Tiên D thay đổi lời khai ở một số nội dung như: khai về trách nhiệm việc mua sắm tài sản, thuê dịch vụ cho Phòng LĐ- TB&XH huyện Yên Dũng được giao cho kế toán kiểm soát, kế toán phải có trách nhiệm kiểm tra thực tế việc cán bộ đi mua sắm tài sản, trang thiết bị và thuê dịch vụ khi mang về đơn vị và tin tưởng vào cán bộ thực hiện do đã có kế toán kiểm soát. Nguyễn Tiến D vẫn thừa nhận bản thân không chỉ đạo bất cứ cán bộ nào đi mua sắm tài sản, trang thiết bị, thuê dịch vụ của hộ kinh doanh Nguyễn Văn S, cũng không giao dịch với Nguyễn Văn S. Ngoài ra Nguyễn Tiến D còn khai không có việc âm quỹ như kết luận của UBKT Tỉnh ủy Bắc Giang và Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang kết luận, đồng thời đề nghị Cơ quan điều tra làm rõ ai là người hưởng lợi số tiền đã chuyển từ tài khoản của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng đến hộ kinh doanh Nguyễn Văn S từ những bộ chứng từ khống và cho rằng hàng năm đã thực hiện việc làm thủ tục thanh quyết toán đầy đủ. Tuy nhiên việc thay đổi lời khai của Nguyễn Tiến D là không có cơ sở và không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra cũng như các quy định của pháp luật về chức trách, nhiệm vụ; cố tình chối tội, không thành khẩn, chối bỏ trách nhiệm cũng như có thái độ không ăn năm hối cải về hành vi phạm tội đã gây ra.

Bị cáo Vũ Thị T khai: Quá trình làm việc với Cơ quan điều tra, Vũ Thị T không khai nhận và không giải trình việc ứng tiền từ quỹ tiền mặt của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng, về các hợp đồng, hóa đơn, chứng từ mua sắm tài sản, văn phòng phẩm, thuê xe của hộ kinh doanh Nguyễn Văn S, T trình bày cá nhân chỉ làm các thủ tục như lập bảng kê tên hàng hóa và lập giấy rút dự toán ngân sách cũng như ký các phiếu chi trình Nguyễn Tiến D - Trưởng phòng ký hoàn thiện thủ tục để chuyển khoản cũng như thanh toán tiền mặt cho hộ kinh doanh Nguyễn Văn S; bản thân không mua hàng hóa, dịch vụ của hộ kinh doanh Nguyễn Văn S, không lập hợp đồng mua bán, hóa đơn mua bán hàng. Ngoài những nội dung trên Vũ Thị T không trình bày bất cứ nội dung gì khác.

Bị cáo Nguyễn Văn S khai: Bản thân là chủ cửa hàng kinh doanh S Tâm, tại thị trấn Tân Dân (nay là thị trấn Tân An), huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang; Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh số 20J8.002.154, đăng ký lần đầu ngày 20/10/2010, đăng ký bổ sung lần thứ hai ngày 28/12/2014; ngành nghề đăng ký kinh doanh: Sản xuất kinh doanh mộc nội thất; mua bán và kinh doanh ô tô, xe máy; điện tử, điện dân dụng, thiết bị vệ sinh; văn phòng phẩm; vật liệu xây dựng; sơn... Trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2015, S đã nhiều lần ký Hợp đồng bán hàng với Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng do Nguyễn Tiến D đại diện, mặt hàng bán cho Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng chủ yếu là văn phòng phẩm, tủ đựng tài liệu, khóa cửa, điều hòa nhiệt độ và đồ dùng sinh hoạt; việc ký kết Hợp đồng, thanh lý Hợp đồng, giao nhận hàng hóa S trực tiếp liên hệ với Nguyễn Tiến D là Trưởng Phòng, S trực tiếp vận chuyển, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo nội dung hợp đồng đã ký, thực hiện xuất hóa đơn bán hàng liên 2 đề tên các loại hàng hóa, dịch vụ cung cấp và họ tên người mua hàng. S khẳng định toàn bộ chứng từ mua, bán hàng hóa với Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng đều là chứng từ phản ánh đúng việc mua bán hàng hóa; không xuất khống hóa đơn, ký khống các chứng từ giúp Vũ Thị T. Khi Cơ quan điều tra cho xem các hóa đơn bán hàng liên 2 và yêu cầu trình bày cụ thể việc bán hàng và cho thuê dịch vụ được thực hiện như thế nào thì Nguyễn Văn S không khai. Quá trình điều tra, S luôn có thái độ không hợp tác, không trình bày câu hỏi do Điều tra viên đặt ra liên quan đến hoạt động kinh doanh của cửa hàng, không ký biên bản và không nêu lý do tại sao không ký.

* Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án:

Đối với Phạm Trí D3, Thân Văn Th là chuyên viên của Phòng LĐ- TB&XH huyện Yên Dũng, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thì Thân Văn Th và Phạm Trí D3 còn phải kiêm nhiệm công tác Thủ quỹ đơn vị (Th kiêm nhiệm thủ quỹ từ tháng 01/2011 đến tháng 12/2012, D3 kiêm nhiệm thủ quỹ từ tháng 01/2013 đến tháng 12/2015). Nhiệm vụ của thủ quỹ: phải thực hiện thu, chi đúng chính sách, kiểm đếm tiền mặt chính xác và bảo quản an toàn quỹ tiền mặt của đơn vị; hạch toán, mở sổ sách ghi chép và làm báo cáo thống kê, cập nhật việc thu, chi của quỹ tiền mặt (quy định tại Quyết định số 21-LĐ/QĐ ngày 28/01/1983 của Bộ trưởng Bộ Lao động LĐ-TB&XH về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ của một số chức danh viên chức Nhà nước). Đối với Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng thì thủ quỹ thực hiện việc nhận tiền và nhập quỹ số tiền mặt theo giấy rút dự toán ngân sách với hình thức tạm ứng tại Kho bạc; nhập quỹ tiền mặt do các cán bộ thu hồi của đối tượng thương binh giả, cắt chế độ đối tượng hưởng chính sách đã chết; quản lý tiền từ các quỹ được vận động ủng hộ hàng năm. Thủ quỹ thực hiện chi (xuất tiền từ quỹ) cho các cán bộ theo giấy đề nghị tạm ứng và theo sự chỉ đạo của Thủ trưởng đơn vị để thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực LĐ-TB&XH.

Đối với Thân Văn Th: Trong thời gian kiêm nhiệm làm công tác thủ quỹ tại Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng từ 2011 đến 2012, Th đã xuất tiền tạm ứng cho các cán bộ để thực hiện nhiệm vụ theo phân công. Trên cơ sở thống kê theo dõi các khoản tạm ứng, Th xác định còn tổng số tiền 1.747.838.000 đồng chưa thực hiện việc lập chứng từ để hoàn ứng nên vẫn treo ứng. Cụ thể: cá nhân Th tạm ứng tổng số tiền 451.250.000 đồng, số tiền ứng có ký duyệt của Nguyễn Tiến D là 434.400.000 đồng, không có ký duyệt giấy đề nghị tạm ứng là 16.850.000 đồng; các cán bộ trong Phòng tạm ứng tiền mặt với tổng số tiền là 1.417.678.000 đồng, trong đó Nguyễn Tiến D ký duyệt số tiền 1.092.468.000 đồng, không ký duyệt số tiền 325.210.000 đồng.

Thân Văn Th khai, các khoản tạm ứng chưa thực hiện hoàn ứng trên Th có báo cáo với Nguyễn Tiến D khi là Trưởng Phòng và đề nghị Vũ Thị T - Kế toán thực hiện việc lập chứng từ quyết toán và hoàn ứng trong năm 2011 và 2012. Tuy nhiên, Vũ Thị T đã không thực hiện việc lập chứng từ để hoàn ứng với thủ quỹ nên Th vẫn giữ các giấy đề nghị tạm ứng (đã kê cung cấp cho Cơ quan điều tra) và để giải trình cho việc thâm hụt tại quỹ tiền mặt được phát hiện năm 2015 khi ông Phan Thế Huấn được bổ nhiệm thay ông Nguyễn Tiến D từ tháng 6/2015.

Trong tổng số tiền tạm ứng chưa thực hiện hoàn ứng có 342.060.000 đồng không có chữ ký duyệt của Thủ trưởng đơn vị là Nguyễn Tiến D, thì các cán bộ tạm ứng nói đã báo cáo Nguyễn Tiến D và trên giấy đề nghị tạm ứng có ghi đầy đủ nội dung tạm ứng, có chữ ký của kế toán Vũ Thị T, nên ông Th vẫn thực hiện xuất tiền tạm ứng theo đề nghị; sau đó, ông Th có báo cáo để Nguyễn Tiến D biết nhưng không trình các giấy đề nghị tạm ứng để D ký bổ sung vì cho rằng việc xuất tiền chỉ là tạm ứng, sau khi chi, phải cung cấp chứng từ để kế toán làm thủ tục trình Thủ trưởng đơn vị duyệt thanh toán tạm ứng. Nếu không được thủ trưởng đơn vị duyệt chi thì cán bộ tạm ứng phải nộp trả lại quỹ số tiền đã ứng.

Bản thân ông Th xác định đã tạm ứng 451.250.000 đồng để thực hiện chi cho các hoạt động và thực hiện nhiệm vụ chung của đơn vị theo ý kiến chỉ đạo của Nguyễn Tiến D, chứng từ chi tạm ứng kế toán Vũ Thị T có trách nhiệm lập chứng từ quyết toán. Các khoản tạm ứng đều được ông Th báo cáo và được kế toán lập giấy đề nghị ghi rõ lý do tạm ứng chi và ký xác nhận nên đối với các khoản tạm ứng này thì việc xác định chi như vậy có đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi theo quy định thì trách nhiệm là của kế toán, ông Th chỉ thực hiện việc chi theo đúng nội dung được kế toán ghi trên các giấy đề nghị tạm ứng, chi này theo nhiệm vụ được phân công. Chứng từ thanh toán như thế nào thì kế toán là người thực hiện và quản lý chứng từ, ông Th không được kế toán báo lại đã thanh toán khoản chi nào nên không biết là khoản chi của mình tạm ứng không được thanh toán.

Kết quả điều xác định trong thời gian làm thủ quỹ, ông Thân Văn Th ký các chứng từ thanh toán chi tiền mặt có nội dung thanh toán trả tiền cho hộ kinh doanh Nguyễn Văn S, địa chỉ: Tân An, Yên Dũng, Bắc Giang với số tiền là 493.497.000 đồng. Ông Th khai nhận thực tế không có việc mua bán hàng hóa, không phải xuất tiền từ quỹ để trả cho Nguyễn Văn S, các chứng từ đã ký là do kế toán Vũ Thị T lập và đưa ký để thực hiện việc quyết toán, hoàn thiện chứng từ cho kế toán và theo sự chỉ đạo của Nguyễn Tiến D; khi ký chứng từ thì đã có đầy đủ chữ ký của kế toán và thủ trưởng đơn vị, không biết đó là chứng từ khống; việc quyết toán các chứng từ này cho nội dung chi nào thì ông Th không biết, đã tự nguyện nộp số tiền 342.000.000 đồng để khắc phục một phần hậu quả (ứng và cho cán bộ tạm ứng không có chữ ký duyệt của Nguyễn Tiến D).

Đối với Phạm Trí D3: Từ tháng 01/2013 đến tháng 12/2015, Phạm Trí D3 được phân công kiêm nhiệm công tác thủ quỹ tại Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng. Trong quá trình làm thủ quỹ, D3 đã chi tạm ứng tổng số 3.397.651.000 đồng chưa hoàn ứng (treo ứng); cụ thể: tạm ứng có giấy đề nghị cho các cán bộ tạm ứng tổng số 2.768.667,000 đồng (trong đó: có ký duyệt của Nguyễn Tiến D 1.237.690.000 đồng, không có ký duyệt của Nguyễn Tiến D 705.365.000 đồng), tạm ứng ghi sổ cá nhân 825.612.000 đồng. Cá nhân ông D3 tạm ứng tổng số 629.341.000 đồng, trong đó: ứng có ký duyệt của Nguyễn Tiến D 170.440.000 đồng, ứng không có ký duyệt 59.961.000 đồng, ứng ghi sổ cá nhân 398.940.000 đồng.

Đối với số tiền tạm ứng nhưng không có chữ ký duyệt của Nguyễn Tiến D là Thủ trưởng đơn vị, ông D3 xác định khi cán bộ đề xuất tạm ứng đều nói là đã báo cáo nội dung tạm ứng với Nguyễn Tiến D - Thủ trưởng đơn vị và đã có kiểm soát của Vũ Thị T - Kế toán nên ông D3 mới xuất tiền tạm ứng; sau khi xuất tiền tạm ứng ông D3 đều báo cáo để Nguyễn Tiến D biết. Ông D3 cho rằng việc xuất tiền này chỉ là chi tạm ứng và còn phải chuyển lại chứng từ chi cho kế toán lập chứng từ trình Thủ trưởng duyệt chi tạm ứng. Do vậy ông D3 đã không trình Thủ trưởng đơn vị ký bổ sung lên các giấy đề nghị tạm ứng này. Về việc thiếu một số giấy đề nghị tạm ứng, ông D3 trình bày tất cả các mã chi tạm ứng đều có giấy đề nghị tạm ứng và được kế toán duyệt. Khi Nguyễn Tiến D khắc phục nộp lại tiền thâm hụt quỹ thì ông D3 đã đưa lại một số giấy đề nghị tạm ứng cho ông Đỗ Văn N (có biên bản giao nhận) và đưa lại một số giấy đề nghị tạm ứng cho Nguyễn Tiến D (không lập biên bản giao nhận), ông D3 không biết lý do tại sao không thu lại được đầy đủ các giấy đề nghị tạm ứng theo các mã tạm ứng đã chi ra. Đối với số tiền 629.341.000 đồng ông D3 tạm ứng là để thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ đạo và đồng ý của Nguyễn Tiến D; tài liệu chi đều được cung cấp cho Vũ Thị T để thực hiện việc lập chứng từ quyết toán; việc thực hiện chi theo các nội dung tạm ứng đều được kế toán ghi rõ lý do chi và ký xác nhận trên giấy đề nghị tạm ứng nên việc xác định các khoản chi này có đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi theo quy định không là trách nhiệm của kế toán Vũ Thị T.

Qua điều tra xác định: Khi làm thủ quỹ ông D3 có ký các chứng từ có nội dung trả tiền cho ông Nguyễn Văn S, địa chỉ: xã Tân An (nay là thị trấn Tân An), huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang với tổng số tiền 233.280.000 đồng là không đúng thực tế, không có việc mua hàng hóa, không xuất tiền từ quỹ để trả cho Nguyễn Văn S. Ông D3 trình bày, việc ký vào các bộ chứng từ là do kế toán Vũ Thị T lập đưa cho ký, khi đưa nói là để thực hiện quyết toán. Do tin tưởng Vũ Thị T và theo sự chỉ đạo của Nguyên Tiến D, nên ông D3 đã ký chứng từ; khi ký chứng từ thì trên chứng từ đã có chữ ký của Thủ trưởng, Kế toán và không biết đó là các bộ chứng từ lập khống.

Về số tiền 800.000.000 đồng gửi Vũ Thị T vào dịp tết Nguyên đán 2015, ông D3 trình bày: là do thời điểm giáp tết còn dư số tiền như vậy là rất lớn để ở cơ quan sẽ không an toàn, nên đã trao đổi và được Vũ Thị T - Kế toán cho ý kiến để T giữ hộ, sau tết sẽ đưa lại để ông D3 nộp quỹ tiền mặt, do tin tưởng nên ông D3 đã gửi số tiền này cho Vũ Thị T - Kế toán giữ hộ. Nhưng sau tết, Vũ Thị T chỉ trả lại ông D3 400.000.000 đồng, số tiền còn lại Tiền nói đã tiêu cho việc chung của đơn vị hết.

Quá trình làm việc tại Cơ quan điều tra, ông Phạm Trí D3 đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc quản lý quỹ tiềnị mặt, việc ký trên chứng từ có nội dung thanh toán không đúng thực tế là sai phạm; việc để thâm hụt quỹ tại Phòng Lao động-TB&XH huyện Yên Dũng là có phần trách nhiệm của mình, nên đã tự nguyện nộp số tiền 1.023.900.000 đồng.

Đối với ông Phan Thế Huấn, sinh năm 1973, trú tạỉ: tiểu khu 5, thị trấn N (nay là tổ dân phố số 5, thị trấn Nham B), huyện Yên Dũng: Ông Phan Thế Huấn được điều động và giữ chức vụ Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng từ tháng 5/2008, được phân công phụ trách bảo trợ xã hội và bảo vệ trẻ em, công tác giảm nghèo. Đến ngày 19/5/2015, được bổ nhiệm làm Trưởng phòng thay Nguyễn Tiến D. Ngày 22/5/2015, khi bàn giao công việc thì Vũ Thị T - Kế toán không báo cáo, tổng hợp được số liệu về kinh tế tài chính thực tế, do vậy ông Huấn chỉ nhận số liệu được bàn giao trên giấy tờ để điều hành hoạt động, không ký biên bản bàn giao. Tiếp sau đó ông Huấn nhận được ý kiến đôn đốc chỉ đạo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang về việc yêu cầu nộp tiền đã thu hồi được của những người là thương binh giả vào ngân sách nhà nước, ông Huấn đã yêu cầu ông Phạm Trí D3 là Thủ quỹ báo cáo số dư quỹ tiền mặt hiện biết quỹ tiền mặt đã hết, ông Huấn đã thông báo ngay với tập thể lãnh đạo Phòng và Nguyễn Tiến D. Trong quá trình điều hành hoạt động của Phòng LĐ-TB&XH ông Huấn yêu cầu đối chiếu, kiểm tra thấy quỹ tiền mặt bị âm lớn.

Khi làm Phó trưởng phòng, ông Huấn có ký giấy rút dự toán ngân sách ngày 30/12/2012 trả tiền tiếp khách, chuyển tiền đến số tài khoản 2511205151464 số tiền 22.080.000 đồng của ông Ong Thế Toàn; 02 giấy rút dự toán chuyển trả tiền cho Nguyễn Văn S vào ngày 26/01/2015 và và ngày 26/01/2015 trả tiền mua văn phòng phẩm, giấy bút mực... thanh toán qua tài khoản 17.700.000 đồng; trả tiền mặt 18.000.000 đồng. Khi Vũ Thị T trình ký thì ông Huấn thấy thực tế đơn vị có tiếp khách ăn cơm, nhưng làm nhiều lần mới thanh toán, do vậy khi trình thì ông Huấn ký, Nguyễn Tiến D không chi đạo, khi trình thì D không có ở cơ quan và Vũ Thị T nói cần làm thủ tục thanh quyết toán cho kịp thời gian với Kho bạc nhà nước Yên Dũng; đối với 02 giấy rút dự toán chuyển trả tiền cho Nguyễn Văn S, khi T trình ký có nói là nội dung này Nguyễn Tiến D đã ký duyệt trước đó, tuy nhiên khi ra Kho bạc nhà nước huyện Yên Dũng làm thủ tục thanh quyết toán thì Kho bạc có phát hiện thiếu sót một số nội dung cần phải chỉnh sửa trong giấy đề nghị rút dự toán ngân sách và bảng kê chứng từ thanh toán... và Nguyễn Tiến D đi vắng không có ở cơ quan do vậy T trình ông Huấn ký để làm thủ tục bổ sung ngay, ông Huấn tin tưởng nên ký mà không hỏi lại ý kiến Thủ trưởng đơn vị là Nguyễn Tiến D; thực tế ông Huấn không chỉ đạo ai đi mua hàng hóa nhà Nguyễn Văn S, không thấy có những hàng hóa cụ thể như trên được mang về Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng. Ngoài ra ông Huấn còn ký 05 giấy đề nghị tạm ứng với tổng số tiền 40.300.000 đồng, ký khi D vắng mặt tại đơn vị, việc này đều được cán bộ tạm ứng xin phép và Nguyễn Tiến D đều biết, do vậy ông Huấn ký duyệt để cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ chung của đơn vị.

Đối với các cán bộ khác của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng:

- Ông Nguyễn Thanh S, sinh năm 1986, làm viên chức khai tạm ứng tổng số tiền là 73.273.000 đồng, trong đó không có ký duyệt của Nguyễn Tiến D là 4.465.000 đồng; 8.500.000 đồng có ký duyệt của Nguyễn Tiến D; 8.500.000 đồng không thu lại được giấy đề nghị tạm ứng số tiền; ngoài ra có số tiền ứng 40.000.000 đồng tên ông Sơn, nhưng không phải ông Sơn ứng vì ông Sơn không ký phần người ứng tiền, người ứng số tiền này là Vũ Thị T.

- Bà Lê Lan A, sinh năm 1985, là viên chức quá trình công tác tại Phòng LĐ-TB&XH có được Nguyễn Tiến D - Trưởng Phòng phân công ứng tiền để thực hiện một số nhiệm vụ chi chung của đơn vị như mua quà, phát tiền cho các đại biểu dự hội nghị (phong bì, tiền cơm), bà Lan A có tạm ứng từ Thủ quỹ, các lần ứng tiền bà Lan A đều ký vào giấy đề nghị tạm ứng và giao lại cho thủ quỹ ký. Quá trình điều tra xác định bà Lan A ứng số tiền 102.900.000 đồng, trong đó 65.020.000 đồng không có ký duyệt của Nguyễn Tiến D; 27.200.000 đồng có ký duyệt của Nguyễn Tiến D; 10.680.000 đồng không thu lại được giấy đề nghị tạm ứng.

- Bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1985, là viên chức quá trình công tác tại đơn vị có ứng tổng số tiền 70.250.000 đồng để sử dụng vào việc chi hoa hoạt động chung của đơn vị, trong đó 53.052.000 đồng có ký duyệt của Nguyễn Tiến D; 13.250.000 đồng không có ký duyệt của Nguyễn Tiến D; 3.750.000 đồng không thu lại đựợc giấy đề nghị tạm ứng.

- Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1989, là viên chức có ứng tổng số tiền 40.553.000 đồng, trong đó 17.750.000 đồng có ký duyệt của Nguyễn Tiến D; 18.803.000 đồng không có ký duyệt của Nguyễn Tiến D; 4.000.000 đồng không thu lại được giấy đề nghị tạm ứng.

Những cán bộ ứng tiền trên của Phòng LĐ-TB&XH huyện xác định: họ có ứng tiền theo danh sách thủ quỹ đã ghi chép để đi thực hiện nhiệm vụ chung của cơ quan, Thủ trưởng đơn vị đều biết. Sau khi thực hiện chi tiền ứng xong họ đều mang chứng từ về nộp cho Vũ Thị T, nếu khoản chi không có chứng từ thì đều báo cáo lại để T làm thủ tục thanh quyết toán, còn việc T làm thủ tục như thế nào thì họ không rõ. Việc họ ứng tiền và chi tiền đều có giấy đề nghị tạm ứng và đều phải chịu sự giám sát chặt chẽ của kế toán và Thủ trưởng đơn vị, họ không sử dụng tiền chi tiêu cá nhân. Khi được yêu cầu giải trình về các khoản ứng chi thì do thời gian đã lâu nên họ không nhớ được cụ thể các khoản đã chi, tất cả đều cam đoan việc chi tạm ứng là theo nhiệm vụ được phân công và chịu sự kiểm tra giám sát của kế toán nên họ không thể tự ý chi sai nhiệm vụ đã được phân công.

Ngoài những cán bộ nêu trên, còn có các cán bộ khác của Phòng LĐ- TB&XH huyện Yên Dũng gồm: bà Đào Thị Hiền ứng 7.000.000 đồng, Nguyễn Thị Hằng (nguyên cán bộ) ứng 38.744.000 đồng, Phạm Thị Tân (nguyên cán bộ) ứng 16.650.000 đồng, Phan Huy Phú ứng 200.000 đồng, Hoàng Thị Lý ứng 4.900.000 đồng, Trần Văn Quyền ứng 38.000.000 đồng (đã hoàn quỹ 33.000.000 đồng). Những người này xác định có được ứng tiền để thực hiện nhiệm vụ được giao, sau khi thực hiện xong họ đã chuyển chứng từ, tài liệu cho kế toán là Vũ Thị T, việc T thanh toán như thế nào thì họ không biết.

Kết quả làm việc với 21 cán bộ lao động xã, thị trấn và 21 UBND xã, thị trấn thuộc huyện Yên Dũng: Kết quả điều tra, xác minh tại 21 xã, thị trấn thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, các cán bộ LĐ-TB&XH đều khẳng định khi lĩnh các khoản tiên để cấp phát cho các đối tượng của xã, thị trấn thì họ đều trực tiếp đến Phòng LĐ-B&XH huyện Yên Dũng để nhận tiền tại thủ quỹ rồi đem về xã cấp phát cho các đối tượng được hưởng. Không có ai là cán bộ hay lãnh đạo của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng đi xe ô tô về các xã để bàn giao tiền cho cán bộ LĐ-TB&XH các xã, thị trấn để cán bộ cấp xã phát tiền cho các đối tượng. Quá trình công tác họ không được Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng cung cấp văn phòng phẩm về xã, thị trấn cũng như không được nhận bất cứ khoản tiền nào liên quan đến việc làm thêm giờ vào thứ 7 và Chủ nhật. Họ có ký vào các chứng từ làm thêm giờ, nhưng là do quá trình công tác khi đến Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng thì Vũ Thị T có đưa các chứng từ và đề nghị họ ký nhận do vậy họ đã ký, bản thân họ không được bàn bạc hay được nhận bất cứ khoản tiền nào từ việc ký chứng từ làm thêm giờ do Vũ Thị T yêu cầu. Lãnh đạo của 21 UBND xã, thị trấn thuộc huyện Yên Dũng xác nhận, UBND các xã, thị trấn không nhận được bất cứ văn bản nào của cấp có thẩm quyền, cũng như không nhận được bất cứ văn bản nào của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng gửi cho các xã, thị trấn đề nghị trưng tập, cử cán bộ lao động cấp xã, thị trấn đến Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng để làm thêm giờ vào thứ 7 và Chủ nhật trong các năm 2013 và năm 2014, cũng không nhận được bất cứ thông tin gì về việc cán bộ lao động cấp xã được nhận tiền làm thêm giờ vào thứ 7, Chủ nhật từ Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng. Họ không được nhận văn phòng phẩm của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng và cũng không có cán bộ lao động nào liên hệ với chủ hộ kinh doanh có tên Nguyễn Văn S có địa chỉ tại xã Tân An, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang để mua văn phòng phẩm.

Những cơ quan có liên quan:

Làm việc với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang: Về việc cấp kinh phí ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh Bắc Giang hằng năm theo hình thức giao dự toán theo Luật ngân sách nhà nước, sau khi thỏa thuận với Sở Tài chính về việc giao dự toán, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang giao dự toán cho Phòng LĐ- TB&XH các huyện, thành phố.

Công tác thẩm định quyết toán hàng năm: Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang thực hiện thầm định, phê duyệt quyết toán chung cho toàn ngành theo quy định. Cụ thể, Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng lập báo cáo quyết toán theo quy định gửi Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang trước ngày 30/4 hàng năm. Theo quy định trong phạm vi thẩm duyệt, tổng hợp quyết toán báo cáo Bộ Lao động, việc thẩm định quyết toán chỉ kiểm tra, xem xét trên các hồ sơ, sổ sách, chứng từ quyết toán, nội dung chi. Vì vậy, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang không có trách nhiệm phải xác minh lại thực tế về tính trung thực, bản chất sự việc của chứng từ quyết toán.

Sau khi thực hiện việc nhập dữ liệu trên phần mềm chi trả trợ cấp, Sở LĐ - TB&XH sẽ gửi danh sách chi trà cho cấp Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng trước ngày 25 tháng trước để kịp thời rút kinh phí trả trợ cấp cho đối tượng tháng hiện tại; việc cắt chế độ đối tượng hưởng chính sách đã chết, thì tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang sẽ chậm hơn so với tháng thực tế đối tượng hưởng chính sách chết; ngoài ra đơn vị còn phải thu hồi lại tiền đã nhận trợ cấp của đối tượng hưởng sai chế độ, do vậy đơn vị rà soát và thu hồi lại kinh phí đã chi trả để nộp trả ngân sách nhà nước.

Việc chấp hành quy trình, quy định về việc xét duyệt thẩm định quyết toán hàng quý, năm đối với Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng: Sở LĐ- TB&XH tỉnh Bắc Giang hàng năm đều chỉ đạo Phòng Tài chính kế hoạch thẩm định duyệt quyết toán quý, năm của Phòng LĐ-TB&XH huyện với việc sử dụng nguồn ngân sách Trung ương và địa phương. Quá trình thẩm định chấp hành đúng quy định; thông qua việc xét duyệt, thẩm định quyết toán hàng năm đều có biên bản và thông báo của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các kiến nghị trong biên bản và theo quy định hiện hành.

Làm việc với Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng: Khi Nguyễn Tiến D bàn giao công tác Trưởng phòng cho ông Phan Thế Huấn (ngày 22/5/2015), do kế toán và thủ quỹ không đối chiếu được số liệu về tài chính nên ông Huấn chỉ tiếp nhận số dư tài khoản tại kho bạc để điều hành hoạt động tiếp, không ký biên bản. Việc rút tiền tại Kho bạc nhà nước Yên Dũng giai đoạn từ tháng 01/2015 đến tháng 5/2015 là do ông Phạm Trí D3 - Thủ quỹ trực tiếp đến Kho bạc Nhà nước Yên Dũng rút tiền.

Việc rút tiền tại Kho bạc Nhà nước Yên Dũng được thực hiện bằng giấy rút dự toán ngân sách có chữ ký phê duyệt của Nguyên Tiến D là chủ tài khoản và Vũ Thị T - Kế toán của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng; khi rút được tiền, ông D3 có chi số tiền tạm ứng từ Kho bạc của nguồn ngân sách năm 2015 cho các khoản chi của năm 2014 và ngoài ra cho cán bộ của Phòng ứng tiền mặt. Tháng 6/2015, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang đôn đốc nộp các khoản cắt chế độ của những đối tượng hưởng chính sách chết và tiền thu được từ những đối tượng thương binh giả, ông Phan Thế Huấn yêu cầu ông Phạm Trí D3 - Thủ quỹ báo cáo về số dư quỹ tiền mặt hiện có thì được ông D3 báo cáo là quỹ tiền mặt đã hết. Ông Phan Thế Huấn thông báo ngay với tập thể Phòng LĐ-TB&XH về việc thâm hụt quỹ. Ông Phan Thế Huấn đã yêu cầu ông Lê Văn Đan là kế toán của Phòng đổi chiếu số dư tạm ứng tại Kho bạc mới biết còn dư số dư tạm ứng tại Kho bạc số tiền 4.010.360.500 đồng chưa thanh toán hoàn ứng, việc này trước đó không ai báo cáo do vậy ông Huấn không biết. Phát hiện việc thâm hụt quỹ, ông Phan Thế Huấn đã báo cáo với Huyện ủy, UBND huyện và Nguyễn Tiến D. Sau đó Nguyễn Tiến D đã nộp 4.650.000.000 đồng tạm thời khắc phục hậu quả để chi trả cho các đối tượng hưởng chính sách. Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng đã tiếp nhận số tiền và chỉ đạo thanh toán các khoản chế độ cho đối tượng còn nợ và nộp tiền thương binh giả, cắt chế độ (tiền thu hồi thương binh giả là 1.014.577.000 đồng; cắt chế độ của đối tượng hưởng chế độ chết 961.495.100 đồng).

Việc chi thăm quan nghỉ mát, chi thưởng các ngày lễ, tết: Đại diện Phòng Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng cũng như các cán bộ thuộc đơn vị, xác định thời gian từ năm 2011 đến năm 2015 Phòng có tổ chức cho cán bộ của đơn vị đi lễ chùa vào dịp đầu năm hoặc đi thăm quan, nghỉ mát vào dịp giữa năm, mỗi năm một lần; nguồn kinh phí đi thăm quan, nghi mát của năm 2012 được Sở LĐ-TB&XH cho kinh phí, cụ thể thì ông Phan Thế Huấn và các cán bộ trong đơn vị không nắm được.

Các năm còn lại đi nghỉ mát, lễ hội, thăm quan thì do đơn vị chi tiền từ việc vận dụng giữ lại khoản tiền từ việc cán bộ đơn vị và cán bộ cấp xã, thị trấn làm thêm vào thứ 7, Chủ nhật nên Phòng vận dụng quyết toán ngân sách từ việc này, thực tể cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng và cán bộ LĐ-TB&XH các xã, thị trấn không nhận tiền làm thêm giờ. Khi có chương trình đi nghỉ mát thì đơn vị có họp thông báo cho các cán bộ biết và không phải đóng góp khoản tiền nào, cụ thể từng chương trình đi nghỉ mát, thăm quan lễ hội chi cụ thể bao nhiêu tiền thì những thành phần trên không biết rõ, thường mỗi năm đi nghỉ mát hoặc đi lễ chùa thăm quan một lần, chuyến đi xa nhất là đi Đà Nẵng vào năm 2012, phương tiện đi là xe ô tô do đơn vị tự thuê, việc thanh quyết toán tiền, theo dõi chi trong quá trình đi do Vũ Thị T, sau đó về Vũ Thị T trực tiếp làm thủ tục thanh quyết toán, việc làm thủ tục thanh toán như thế nào các thành phần đi không biết. Ngoài ra, hàng năm các dịp ngày Tết Phòng có chi cho mỗi cán bộ của đơn vị từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (tháng lương thứ 13), ngày lễ chi cho cán bộ từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng. Việc chi phí các khoản tiền đều sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước, cụ thể từng nguồn ngân sách nào do Thủ trưởng và Kế toán quyết định; Vũ Thị T có trách nhiệm làm chứng từ thanh quyết toán, cụ thể như thế nào thì không biết.

Làm việc với Kho bạc Nhà nước Yên Dũng: Ngày 02/10/2015 căn cứ vào bảng đối chiếu với Kho bạc Nhà nước Yên Dũng xác định từ tháng 01/2015 đến tháng 5/2015 (giai đoạn Nguyễn Tiến D làm Trưởng Phòng), Phòng LĐ- TB&XH huyện Yên Dũng đã tạm ứng số tiền 4.744.268.500 đồng (trong đó: ngân sách Trung ương là 2.444.268.500 đồng, ngân sách tỉnh là 300.000.000 đồng, ngân sách huyện là 2.000.000.000 đồng), số tiền đã có chứng từ chi (hoàn ứng) được chấp nhận là 733.908.500 đồng, số tiền còn lại số tiền 4.010.360.500 đồng không có chứng từ để hoàn ứng với Kho bạc nhà nước Yên Dũng. Với chức năng nhiệm vụ của mình, Kho bạc Nhà nước Yên Dũng có đôn đốc các đơn vị sử dụng ngân sách, trong đó có Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng thanh toán tạm ứng. Các lần đôn đốc Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng thanh toán, ké toán Vũ Thị T đều đưa ra lý do là chưa thu thập và tập hợp được đầy đủ chứng từ để làm thủ tục thanh toán với Kho bạc, nên việc thanh toán thường chậm. Từ năm 2011-2015 Kho bạc Nhà nước Yên Dũng tiến hành kiểm soát chi theo quy định, không phát hiện sai phạm gì của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng phải kiến nghị xử lý.

Làm việc với Phòng Tài chính và Kế hoạch huyện Yên Dũng: Cán bộ trực tiếp thẩm định quyết toán của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng thời gian năm 2011-2012 là bà Hà Thị Tân, giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015 là ông Hoàng Trọng Đảo, lãnh đạo phụ trách cả hai giai đoạn từ 2011-2015 là bà Tạ Thị Thủy - Phó trưởng phòng. Việc thẩm định quyết toán được thực hiện theo đúng quy định; quá trình thẩm định, xác định các năm 2011, 2012, 2014 Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng không có quy chế chi tiêu nội bộ, năm 2013 Phòng có cung cấp Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị cho Phòng Tài chính - Kế hoạch. Biên bản thầm định ngân sách năm 2015 Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng chưa ký và chưa chuyển lại cho Phòng Tài chính. Quá trình thẩm định xong, Phòng Tài chính chỉ lưu giữ báo cáo quyết toán, biên bản thẩm định, còn đối với hồ sơ tài liệu cũng như quy chế chi tiêu nội bộ của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng được bàn giao lại; việc tiếp nhận hồ sơ thẩm định cũng như trả hồ sơ thẩm định không có biên bản. Quá trình thẩm định quyết toán ngân sách đối với Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng các năm từ năm 2011-2015, cán bộ thẩm định của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Yên Dũng có phát hiện một số lỗi thiếu sót trong công tác lập hồ sơ, chứng từ quyết toán không phát hiện được các bộ chứng từ là khống; những thiếu sót phát hiện và những kiến nghị trong các năm từ năm 2011-2015 đều được nêu trong biên bản và giao cho Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng một bản để làm căn cứ khắc phục. Ngoài ra Phòng Tài chính - Kế hoạch không có bất cứ văn bản nào gửi cấp trên báo cáo và đề nghị xử lý các thiếu sót, sai phạm đối với Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng trong việc quyết toán ngân sách Nhà nước.

Làm việc với Chi cục thuế huyện Yên Dũng: Chi cục thuế huyện Yên Dũng cho biết đối với các tài liệu là bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa dịch vụ bán ra đối với hộ kinh doanh Nguyễn Văn S, Chi cục thuế huyện Yên Dũng giao cho ông Phạm Văn Đ - Đội trưởng đội thuế số 3 quản lý lưu trữ. Theo quy định về thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu ngành thuế, thì các tài liệu này được lưu trữ trong thời hạn 05 năm, do Đội thuế số 3 mà trực tiếp do ông Phạm Văn Đ quản lý và đến thời điểm năm 2015 vẫn phải được bảo quản lưu trữ. Tuy nhiên khi ông Đãi bị tai nạn giao thông, tháng 9/2015 đại diện Chi Cục thuế huyện Yên Dũng cùng đại diện gia đình tiến hành mở tủ sắt lưu trữ tài liệu của ông Đãi tại trụ sở đội thuế số 3 để tìm tài liệu, không phát hiện tài liệu thuế nào liên quan đến hộ kinh doanh Nguyễn Văn S. Chi cục thuế huyện Yên Dũng đã có biên bản làm việc với gia đình của ông Đãi để kiểm tra tại nơi ở của ông Đãi, quá trình kiểm tra nơi ở không tìm thấy tài liệu gì liên quan đến công việc của ông Đãi tại Chi cục thuế huyện Yên Dũng.

Theo quy định từ năm 2014 và 2015 hộ kinh doanh Nguyễn Văn S bắt buộc phải tự lập bảng kê hóa đơn chứng từ hàng hóa dịch vụ bán ra để nộp cho cơ quan thuế. Tuy nhiên do ông Phạm Văn Đ đội trưởng đội thuế số 3 đã chết nên không thu được các tài liệu liên quan đến việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh Nguyễn Văn S. Do hộ kinh doanh Nguyễn Văn S là hộ nộp thuế khoán, hàng tháng bán hàng cho nhiều đối tượng khác nhau, có trường hợp xuất hóa đơn, có trường hợp không xuất hóa đơn, do đó không thể tính được số thuế phải nộp theo hóa đơn đã xuất ra từ năm 2011-2015 là bao nhiêu. Chi Cục thuế huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang nhận thấy có sai sót và nhận trách nhiệm trong công tác quản lý đối với Đội thuế số 3 về việc quản lý hồ sơ tài liệu của hộ kinh doanh Nguyễn Văn S.

Làm việc với đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang và UBND huyện Yên Dũng: Quá trình điều tra, xác định hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây thất thoát tiền Ngân sách nhà nước từ việc lập chứng từ khống giữa Phòng LĐ- TB&XH huyện Yên Dũng với hộ kinh doanh Nguyễn Văn S gây thất thoát, không thu hồi được số tiền 2.224.216.200 đồng, trong đó có 825.881.000 đồng là nguồn ngân sách Trung ương, 1.398.335.200 đồng là nguồn ngân sách huyện Yên Dũng. Cơ quan quản lý ngân sách bị thiệt hại là Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang và UBND huyện Yên Dũng. Cơ quan điều tra đã đề nghị Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang và UBND huyện Yên Dũng cử người đại diện tham gia tố tụng trong vụ án hình sự. Người đại diện của UBND huyện Yên Dũng và Sở LĐ- TB&XH tỉnh Bắc Giang đã có đơn đề nghị làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo và yêu cầu phải bồi thường toàn bộ số tiền ngân sách nhà nước bị thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra.

Xác minh các khoản chi tạm ứng: Việc thu thập chứng từ liên quan đến việc hoàn ứng theo các nội dung đã tạm ứng hoàn ứng: xác minh việc chi số tiền đã tạm ứng của cán bộ theo danh sách tạm ứng thủ quỹ cung cấp từ 2011-2015.

Quá trình điều tra Cơ quan điều tra đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng để kiểm tra, đối chiếu tất cả các chứng từ thanh toán lưu trữ tại Phòng từ năm 2011 đến 2015 với các khoản tạm ứng được ông Phạm Trí D3 và ông Thân Văn Th ghi chép theo dõi. Kết quả xác định từ năm 2011-2015 có tổng số tiền cho tạm ứng là 898.672.000 đồng có các bộ chứng từ thanh toán hoàn ứng đã được quyết toán (trong đó chứng từ ông Phạm Trí D3 cho tạm ứng 379.672.000 đồng đã có chứng từ quyết toán, ông Thân Văn Th cho tạm ứng là 519.000.000 đồng đã có chứng từ quyết toán). Tuy nhiên các bộ chứng từ này không được đối chiếu với thủ quỹ để xóa tạm ứng.

Quá trình điều tra xác minh số tiền tạm ứng trái pháp luật nêu trên: số lượng các mã tạm ứng là nhiều, việc ghi chép theo dõi không đầy đủ, nhiều nội dung tạm ứng ghi nội dung chi cho công việc chung chung, không cụ thể. Đối với các mã tạm ứng chi có nội dung chi sai nguyên tắc, nhưng kết quả xác định không có cơ sở kết luận thực tế các nội dung chi đó có được thực hiện hay không như: người có tên nhận tiền là lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Yên Dũng, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang đều khai không được nhận tiền của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng để đi công tác. Đối với các mã tạm ứng cho một số cá nhân ngoài Phòng KĐ-TB&XH huyện Yên Dũng, Cơ quan điều tra đã làm việc với các tổ chức, đơn vị và các nhân được thực hiện các công việc hoặc dịch vụ liên quan và nhận tiền có nội dung tạm ứng xác định có sự việc thật (còn một cá nhân ứng số tiền 500.000 đồng do thủ quỹ ghi chung chung không cụ thể, nên không xác định được thông tin nên không làm rõ được).

Đồ vật, tài liệu thu giữ trong quá trình điều tra:

- Số tiền tạm giữ của Phạm Trí D3: Trước khi khởi tố ông Phạm Trí D3 đã nộp 700.000.000 đồng về Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng. Sau khi Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, D3 đã nộp 323.900.000 đồng cho Cơ quan điều tra tiếp nhận và nộp vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước Bắc Giang. Tổng số tiền ông Phạm Trí D3 nộp khắc phục hậu quả là 1.023.900.000 đồng.

- Số tiền tạm giữ Thân Văn Ihắng: Trước khi khởi tố ông Thân Văn Th nộp 250.000.000 đồng về Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng. Sau khi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố vụ án, ông Th nộp 92.000.000 đồng cho Cơ quan điều tra để nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Bắc Giang. Tổng số tiền ông Thân Văn Th nộp khắc phục hậu quả là 342.000.000 đồng.

- Quá trình điều tra thu giữ 01 máy tính xách tay do Vũ Thị T sử dụng trong thời gian làm kế toán; 01 ổ cứng máy tính để bàn do Vũ Thị T sử dụng trong quá trình làm kế toán; 01 USB nhãn hiệu “SanDisk” màu đỏ đen, thu giữ khi khám xét nơi ở của Nguyễn Văn S, những đồ vật này đã được Cơ quan điều tra nhập kho vật chứng theo đúng quy định; tạm giữ toàn bộ chứng từ lập khống giữa Phòng LĐ- TB&XH huyện Yên Dũng với hộ kinh doanh Nguyên Văn S.

Việc xác định tài sản phục vụ công tác thu hồi tài sản bị thiệt hại trong vụ án: Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã tiến hành xác minh xác định tài sản (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất đối với bị cáỏ Vũ Thị T; Nguyễn Văn S và có Công văn số 25/CQĐT-CSKT(Đ4), ngày 05/01/2021 gửi Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bắc Giang đề nghị chỉ đạo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Bắc Giang và huyện Yên Dũng thông báo đến Cơ quan điều tra để phối hợp giải quyết.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 66/2021/HS-ST ngày 22/11/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã quyết định:

- Áp dụng khoản 3, khoản 4 Điều 165; khoản 2, khoản 3 Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm b, điểm v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58; khoản 1 Điều 54; Điều 55; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015; xử phạt bị cáo Nguyên Tiến D 08 (Tám) năm 06 (Sáu) tháng tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và 03 (Ba) năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo Nguyễn Tiến D phải chấp hành hình phạt chung của hai tội là 11 (Mười một) năm 06 (Sáu) tháng tù; Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án, được trừ thời gian bị tạm giam từ ngày 18/8/2017 (22/8/2017) đến ngày 07/02/2018. Cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ liên quan đến quản lý kế toán tài chính kế toán 03 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù.

- Áp dụng khoản 3, khoản 4 Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999; Điều 17; Điều 58, Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015; xử phạt bị cáo Vũ Thị T 14 (Mười bốn) năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị tạm giam 18/8/2017. Cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ liên quan đến kế toán tài chính 03 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù.

- Áp dụng khoản 3 Điều 165 của Bộ luật hình sự năm 1999; Điều 17; Điều 58, Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015; xử phạt bị cáo Nguyễn Văn S 11 (Mười một) năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị tạm giam 31/7/2018.

- Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 2015, khoản 2 Điều 468, Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015;

+ Buộc Nguyễn Văn S phải bồi thường cho Phòng LĐTB&XH huyện Yên Dũng số tiền 2.224.216.200 đồng (Hai tỷ hai trăm hai mươi tư triệu hai trăm mười sáu triệu hai trăm đồng).

+ Buộc bị cáo Nguyễn Tiến D và bị cáo Vũ Thị T phải liên đới bồi thường cho Phòng LĐTB&XH huyện Yên Dũng 4.823.540.500 đồng (trong đó Vũ Thị T phải bồi thường 3.475.431.000 đồng, Nguyễn Tiến D phải bồi thường 1.348.109.300 đồng).

+ Buộc bị cáo Nguyễn Tiến D và bị cáo Vũ Thị T phải liên đới bồi thường cho Phòng LĐTB&XH huyện Yên Dũng 173.540.300 đồng (Một trăm bảy mươi ba triệu năm trăm bốn mươi nghìn ba trăm đồng).

+ Bị cáo Vũ Thị T phải hoàn trả bị cáo Nguyễn Tiến D toàn bộ số tiền mà bị cáo D đã nộp thay bị cáo Vũ Thị T.

Xác nhận bị cáo Nguyễn Tiến D đã nộp tiền bồi thường được 4.650.000.000 đồng (Bốn tỷ sáu trăm năm mươi triệu đồng) cho Phòng LĐTB&XH huyện Yên Dũng.

- Ghi nhận Phạm Trí D3 đã nộp 1.023.900.000 đồng (Một tỷ không trăm hai mươi ba triệu chín trăm nghìn đồng); Thân Văn Th nộp 342.000.000 đồng (Ba trăm bốn mươi hai triệu đồng) khắc phục các khoản tiền ứng không đúng chế độ.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 26/11/2021, bị cáo Nguyễn Văn S kháng cáo kêu oan.

Ngày 29/11/2021, bị cáo Nguyễn Tiến D kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, kêu oan.

Ngày 03/12/2021, bị cáo Vũ Thị T kháng cáo đề nghị trả hồ sơ để điều tra lại vụ án.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Các bị cáo Nguyễn Tiến D, Vũ Thị T, Nguyễn Văn S vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và cho rằng cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã truy tố, xét xử oan đối với các bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử minh oan cho các bị cáo.

Đại diện Viên kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội có quan điểm: Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa thấy rằng cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét toàn diện, khách quan vụ án, xác định bị cáo Nguyễn Tiến D trong thời gian giữ chức vụ Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Yên Dũng từ ngày 20/7/2011 đến ngày 22/5/2015 đã không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách nhiệm vụ được giao, không thực hiện việc kiểm tra tài chính, kế toán tại đơn vị, buông lỏng quản lý tài chính, duyệt chi tạm ứng sai quy định, quyết toán các khoản thu hồi của các đối tượng là thương binh giả, cắt chế độ của người hưởng chính sách đã chết không đúng quy định gây thiệt hại 5.221.835.600 đồng. Ngoài ra Nguyễn Tiến D đồng phạm với Vũ Thị T và Nguyễn Văn S lập khống chứng từ, hóa đơn mua hàng hóa của hộ kinh doanh Nguyễn Văn S để rút tiền, bù vào các khoản ứng cho không đúng gây thiệt hại 2.950.993.200 đồng. Tổng số tiền gây thiệt hại là 8.413.656.569 đồng. Nguyễn Văn S đồng phạm giúp sức cho D, T gây thiệt hại 2.950.993.200 đồng. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Nguyễn Tiến D 08 năm 06 tháng tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và 03 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 165 và khoản 2, khoản 3 Điều 185 Bộ luật hình sự 1999; bị cáo Vũ Thị T 14 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 165 Bộ luật hình sự 1999; bị cáo Nguyễn Văn S 11 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự 1999 là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan. Do vậy không có căn cứ chấp nhận kháng cáo kêu oan của các bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của các bị cáo D, T, S, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Người bào chữa cho bị cáo D có quan điểm: Không có đủ cơ sở pháp lý để kết tội đối với Nguyễn Văn D như Kết luận điều tra, Cáo trạng và Bản án sơ thẩm quy kết. Kết luận điều tra, Cáo trạng và Bản án sơ thẩm đều không làm rõ được bản chất vụ án, không phản ánh sự thật khách quan, các tình tiết trong vụ án còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ. Việc cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang quy kết bị cáo Nguyễn Tiến D phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm vì Nguyễn Tiến D chỉ quản lý nhà nước về hành chính, không có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán, không có trách nhiệm xác minh lại tính trung thực, bản chất của chứng từ do kế toán tham mưu và do tin tưởng kế toán Vũ Thị T nên bị cáo mới ký vào các chứng từ, khi ký vào các chứng từ, bị cáo D không hề có động cơ hay mục đích vụ lợi cá nhân; cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang xác định sai về thiệt hại, không xác định rõ được thiệt hại là bao nhiêu, không có việc thâm hụt quỹ, số tiền các cơ quan tố tụng cho rằng thâm hụt đó nằm ở việc ông Phạm Trí D3 tự ý để ngoài sổ sách về tiền thu hồi thương binh giả 1.014.000.000 đồng, tiền cắt chế độ của những người hưởng chính sách đã chết là 1.052.000.000 đồng bà Lê Lan A có trách nhiệm mang đi nộp nhưng bà Lan A không thực hiện theo sự đôn đốc của bị cáo D, số tiền 800 triệu đồng ông D3 tự ý để ngoài sổ sách trước tết nguyên đán 2015, sau đó chia cho Vũ Thị T 400 triệu đồng, đến sau khi khởi tố vụ án thì ông D3 mới nộp 400 triệu đồng, số tiền 92 triệu ông Thân Văn Th để ngoài sổ sách, sau khi khởi tố vụ án thì ông Th đã nộp lại số tiền này, số tiền 37 triệu đồng ông Phan Thế Huấn tự ý chuyển khỏi quỹ và số tiền còn lại là các cán bộ đơn vị tạm ứng nhưng chưa hoàn ứng. Bị cáo D có thiếu sót không kiểm tra sổ sách. Việc mua hàng hóa với hộ kinh doanh Nguyễn Văn S có chứng từ hóa đơn, biên bản giao nhận hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật, hàng hóa vật tư tiêu hao không xác định được nhưng hàng hóa lâu bền hiện vẫn còn tại Phòng LĐTB&XH huyện Yên Dũng, cơ quan điều tra chưa kiểm tra đối chiếu. Số tiền làm thêm giờ thứ 7, chủ nhật là có thật, bị cáo D đã ký duyệt còn việc thực tế các cán bộ chưa được nhận số tiền đó là thuộc trách nhiệm của ông D3. Việc quy kết các bị cáo là chưa đầy đủ căn cứ và khiên cưỡng, hành vi và hậu quả không có mối quan hệ với nhau, yếu tố khách quan, chủ quan trong vụ án không được làm rõ, cơ quan tố tụng quy kết chung chung không đủ căn cứ, chứng cứ thuyết phục, sai về áp dụng pháp luật. Bị cáo D phải chịu trách nhiệm về việc thiếu trách nhiệm trong việc đôn đốc, chứ không thể cùng một hành vi mà quy kết bị cáo D về 2 tội như Tòa án cấp sơ thẩm xác định. Mặt khác vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với Phan Thế Huấn, Thân Văn Th, Phạm Trí D3. Do vậy để đảm bảo việc xét xử công bằng, đúng người, đúng tội, đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vụ án hoặc xét xử bị cáo D về 01 tội “Thiếu trách nhệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Người bào chữa cho các bị cáo T, S có quan điểm: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét có việc thâm hụt quỹ số tiền 5.221.835.600 đồng hay không. Sổ quỹ được lập bởi ông D, bà T, ông D3. Sau ngày 30/9/2015 bị cáo Vũ Thị T đã bàn giao xong xuôi, nếu có sai phạm là của những người sau này. Các quyết toán được cơ quan chủ quản xác định Phòng LĐTB&XH huyện Yên Dũng thực hiện đúng quy định pháp luật về kế toán tài chính trong 4 năm liên tục họ làm tốt, làm đúng quy định. Việc quy kết bị cáo T lập khống chứng từ kế toán, đó là cách suy diễn của cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang. Bị cáo D khẳng định không ủy quyền cho bị cáo T mua bán hàng hóa, bị cáo S cũng khẳng định không có sự bàn bạc thỏa thuận với D, T về việc mua bán hàng hóa cho Phòng LĐTB&XH huyện Yên Dũng. Cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang đánh giá rất phiến diện dẫn đến quy kết bất lợi cho các bị cáo, đề nghị xác định rõ chi sai là sai cái gì. Thực tế có việc làm thêm giờ phục vụ công việc của Phòng LĐTB&XH huyện Yên Dũng. Bị cáo D khẳng định có việc chi tiền, nếu việc chi tiền mà các cán bộ không nhận được tiền thì trách nhiệm thuộc về thủ quỹ chứ không thể quy trách nhiệm cho các bị cáo D, T. Chưa đủ cơ sở xác định bị cáo T đồng phạm với D, S như bản án sơ thẩm xác định. Khoản tiền thương binh giả 1.014.557.000 đồng đã được nộp vào ngày 31/7/2018 nhưng vẫn xác định chưa nộp vào quỹ, nếu tính là thiệt hại thì các bị cáo bị tính 2 lần. Khoản tiền cắt chế độ đối tượng chính sách đã chết 961.495.100 đồng đã nộp vào ngân sách. Việc mua bán hàng hóa của hộ kinh doanh Nguyễn Văn S được thực hiên theo Hợp đồng đã ký bởi Nguyễn Tiến D đại diện cho Phòng LĐTB&XH huyện Yên Dũng với ông Nguyễn Văn S đại diện hộ kinh doanh, việc ký kết hợp đồng là đúng thẩm quyền, hợp đồng đó đến nay chưa bị hủy bỏ hay tuyên bố vô hiệu, việc thực hiện và thanh toán theo Hợp đồng đúng theo quy định và không có ý kiến phản hồi. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Tiền, S, tuyên các bị cáo Nguyễn Văn S và Vũ Thị T không phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tại lời nói sau cùng, các bị cáo D, T, S đề nghị Hội đồng xét xử minh oan cho các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng Về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố xét xử: Kể từ khi khởi tố vụ án hình sự, trong giai đoạn điều tra, truy tố vụ án, Điều tra viên, Kiểm sát viên và Luật sư bào chữa cho các bị cáo đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, không có vi phạm gì.

Kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Tiến D, Vũ Thị T, Nguyễn Văn S trong hạn luật định, đủ điều kiện xem xét tại cấp phúc thẩm.

[2] Về nội dung: Tại phiên sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Nguyễn Tiến D, Vũ Thị T, Nguyễn Văn S không thừa nhận hành vi phạm tội, tuy nhiên căn cứ vào lời khai ban đầu của các bị cáo tại cơ quan điều tra, lời khai của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, lời khai của các nhân chứng, kết quả giám định và các tài liệu, chứng cứ khác được thu thập hợp pháp có trong hồ sơ vụ án, có cơ sở để kết luận: Trong thời gian giữ chức vụ Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng từ ngày 20/7/2011 đến ngày 22/5/2015, Nguyễn Tiến D đã không thực hiện đúng và đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao; không thực hiện việc kiểm tra tài chính, kế toán tại đơn vị, buông lỏng công tác quản lý tài chính, duyệt chi tạm ứng cho một số đối tượng sai quy định; không thực hiện đúng quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Luật ngân sách năm 2002 trong việc thu hồi, quyết toán các khoản thu hồi của các đối tượng là thương binh giả, các khoản cắt chế độ của người hưởng chế độ chính sách đã chết, gây thiệt hại số tiền 5.221.835.600 đồng.

Cũng trong thời gian trên, Nguyễn Tiến D đồng phạm với Vũ Thị T và Nguyễn Văn S lập khống chứng từ, hóa đơn mua hàng hóa của hộ kinh doanh Nguyễn Văn S để rút tiền, bù vào các khoản ứng chi không đúng gây thiệt hại số tiền 2.950.993.200 đồng; lập khống chứng từ làm thêm giờ vào thứ 7, chủ nhật với tổng số tiền thanh quyết toán trong hai năm 2013, 2014 là 240.827.769 đồng. Tổng số tiền gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước ở hai khoản này là 3.191.820.969 đồng.

Vũ Thị T đồng phạm cùng Nguyễn Tiến D và Nguyễn Văn S lập khống các chứng từ, hóa đơn mua hàng hóa của hộ kinh doanh Nguyễn Văn S để rút tiền, bù vào các khoản ứng chi không đúng và lập khống các chứng từ làm thêm giờ vào thứ 7, chủ nhật với tổng số tiền làm thủ tục thanh quyết toán trong hai năm 2013, 2014 gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước tổng số tiền 3.191.820.969 đồng (trong đó: chứng từ khống mua bán hàng hóa, thanh toán cho Nguyễn Văn S 2.950.993.200 đồng; chứng từ khống làm thêm giờ vào thứ 7, chủ nhật, thanh quyết toán trong hai năm 2013, 2014 số tiền là 240.827.769 đồng); tự ý ứng tiền, cho những người trong đơn vị và ngoài đơn vị ứng tiền không theo dõi trong hệ thống sổ sách kế toán chưa hoàn, không thực hiện việc thu, chi tiền thương binh giả, tiền cắt chết của các đối tượng chính sách đã chết gây thiệt hại số tiền là 5.221.835.600 đồng.

Nguyễn Văn S đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Tiến D và Vũ Thị T gây thiệt hại là 2.950.993.200 đồng.

Tổng số tiền các bị cáo gây thiệt hại là 8.413.656.569 đồng.

Do có hành vi nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Nguyễn Tiến D về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 165 và khoản 2, khoản 3 Điều 285 Bộ luật hình sự 1999; Bị cáo Vũ Thị T về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 165 Bộ luật hình sự 1999; Bị cáo Nguyễn Văn S về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự 1999 là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan như kháng cáo của các bị cáo.

Hành vi của các bị cáo Nguyễn Tiến D, Vũ Thị T và Nguyễn Văn S trực tiếp xâm hại chế độ, nguyên tắc tài chính, chính sách quản lý kinh tế của Nhà nước, xâm hại sự hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội.

Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét về vai trò, nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của từng bị cáo, bị cáo D là thủ trưởng, là chủ tài khoản nên có vai trò cao hơn, bị cáo Vũ Thị T là kế toán tham mưu, bị cáo Nguyễn Văn S là người giúp sức tích cực; các bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; các bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Các bị cáo có nhân thân tốt, bị cáo D đã tích cực bồi thường thiệt hại, có thành tích xuất sắc trong công tác được tặng giấy khen, bằng khen, gia đình có công với cách mạng, do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 nên được áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự 2015. Các bị cáo Vũ Thị T và Nguyên Văn S không có tình tiết giảm nhẹ nào quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015. Từ đó Tòa án cấp sơ thẩm quyết định xử phạt: Bị cáo Nguyễn Tiến D 08 năm 06 tháng tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và 03 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; bị cáo Vũ Thị T 14 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Nguyễn Văn S 11 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là có căn cứ, đúng pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo kêu oan, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình là do nhận thức của các bị cáo, tuy nhiên Hội đồng xét xử thấy trong vụ án này các bị cáo đã khắc phục được gần hết hậu quả, các bị cáo có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội. Do đó, Hội đồng xét xử thấy cần giảm một phần hình phạt cho các bị cáo thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật, tạo điều kiện cho các bị cáo yên tâm cải tạo trở thành công dân tốt cho xã hội.

Quan điểm của các luật sư bào chữa cho các bị cáo không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận.

3. Về án phí: Các bị cáo Nguyễn Tiến D, Vũ Thị T, Nguyễn Văn S không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

QUYẾT ĐỊNH

1. Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Tiến D, Vũ Thị T, Nguyễn Văn S về hình thức, không chấp nhận nội dung kháng cáo kêu oan của các bị cáo; sửa quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm số 66/2021/HS-ST ngày 22/11/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang về hình phạt đối với các bị cáo, cụ thể như sau:

- Áp dụng khoản 3, khoản 4 Điều 165; khoản 2, khoản 3 Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999; điểm b, điểm v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58; khoản 1 Điều 54; Điều 55; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015; xử phạt bị cáo Nguyễn Tiến D 07 (Bảy) năm 06 (Sáu) tháng tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và 03 (Ba) năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo Nguyễn Tiến D phải chấp hành hình phạt chung của hai tội là 10 (Mười) năm 06 (Sáu) tháng tù; Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án, được trừ thời gian bị tạm giam từ ngày 18/8/2017 đến ngày 07/02/2018.

Cấm bị cáo Nguyễn Tiến D đảm nhiệm chức vụ liên quan đến quản lý kế toán tài chính kế toán 03 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù.

- Áp dụng khoản 3, khoản 4 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999; Điều 17; Điều 58, Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015; xử phạt bị cáo Vũ Thị T 13 (Mười ba) năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị tạm giam 18/8/2017.

Cấm bị cáo Vũ Thị T đảm nhiệm chức vụ liên quan đến kế toán tài chính 03 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù.

- Áp dụng khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999; Điều 17; Điều 58, Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015; xử phạt bị cáo Nguyễn Văn S 10 (Mười) năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị tạm giam 31/7/2018.

- Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự năm 2015, khoản 2 Điều 468, Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015;

+ Buộc bị cáo Nguyễn Văn S phải bồi thường cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Dũng số tiền 2.224.216.200đ (Hai tỷ hai trăm hai mươi tư triệu hai trăm mười sáu triệu hai trăm đồng).

+ Buộc bị cáo Nguyễn Tiến D và bị cáo Vũ Thị T phải liên đới bồi thường cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Dũng số tiền 4.823.540.500 đồng (trong đó Vũ Thị T phải bồi thường 3.475.431.000đ (Ba tỷ bốn trăm bảy mươi lăm triệu bốn trăm ba mươi mốt nghìn đồng), bị cáo Nguyễn Tiến D phải bồi thường 1.348.109.300đ (Một tỷ ba trăm bốn mươi tám triệu một trăm lẻ chín nghìn ba trăm đồng).

+ Buộc bị cáo Nguyễn Tiến D và bị cáo Vũ Thị T phải liên đới bồi thường cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Dũng số tiền 173.540.300đ (Một trăm bảy mươi ba triệu năm trăm bốn mươi nghìn ba trăm đồng).

+ Bị cáo Vũ Thị T phải hoàn trả bị cáo Nguyễn Tiến D toàn bộ số tiền mà bị cáo D đã nộp thay bị cáo Vũ Thị T.

- Xác nhận bị cáo Nguyễn Tiến D đã nộp tiền bồi thường được 4.650.000.000đ (Bốn tỷ sáu trăm năm mươi triệu đồng) cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Dũng.

- Ghi nhận Phạm Trí D3 đã nộp 1.023.900.000 đồng (Một tỷ không trăm hai mươi ba triệu chín trăm nghìn đồng); Thân Văn Th nộp 342.000.000 đồng (Ba trăm bốn mươi hai triệu đồng) khắc phục các khoản tiền ứng không đúng chế độ.

- Về xử lý vật chứng: Căn cứ Điều 47 Bộ luật hình sự; khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự;

+ Trả lại cho Nguyễn Văn S 01 USB có chữ Sandisk màu đen - đỏ.

+ Trả lại cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Dũng 01 máy tính xách tay hiệu Dell mặt sau có in số S/N:5S68332, bên trong có 01 (một) ổ cứng Leven, dung lượng 120GB, có số S/N:YJA3CAA13564; 01 (một) ổ cứng Quantum Fireball, có dãy số P/N: LA04A011 và số tiền 415.900.000 đồng do Cơ quan điều tra chuyển Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang; do Phạm Trí D và Thân Văn Th nộp.

2. Về án phí: Các bị cáo Nguyễn Tiến D, Vũ Thị T, Nguyễn Văn S không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3. Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

400
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 379/2023/HS-PT về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Số hiệu:379/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 22/05/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;