Bản án về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng số 314/2021/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 314/2021/HS-PT NGÀY 21/05/2021 VỀ TỘI THIẾU TRÁCH NHIỆM GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

Ngày 21 tháng 05 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 554/2020/TLPT-HS ngày 12/10/2020 đối với bị cáo Trần Đức T và bị cáo Trần Quyết T1;

Do có kháng cáo của hai bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 41/2020/HSST ngày 27/08/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông.

- Bị cáo có kháng cáo:

1. Trần Đức T, sinh ngày 08/08/1980 tại tỉnh Yên Bái; nơi cư trú: tổ 07, phường Nghĩa Th, thị xã Gia N, tỉnh Đăk Nông; trình độ học vấn: 12/12; nghề nghiệp: nguyên là Trưởng phòng Kỹ thuật quản lý bảo vệ rừng (QLBVR)-công ty TNHH MTV LN Trường Xuân; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: không; con ông Trần Th và bà Nguyễn Thị Th; có vợ là Phan Thị A và 03 người con;

Bị bắt tạm giam từ ngày 02/08/2017 đến 07/12/2017, hiện nay tại ngoại (vắng mặt).

2. Trần Quyết T1, sinh ngày 01/09/1959 tại tỉnh Yên Bái; nơi cư trú: tổ 01, phường Nghĩa Đức, thị xã Gia N, tỉnh Đăk Nông; trình độ học vấn: 10/10; nghề nghiệp: nguyên là Giám đốc công ty TNHH MTV LN Trường Xuân; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: không; con ông Trần Th và bà Nguyễn Thị Th; có vợ là Hàng Kim Ng (đã chết) và 03 người con;

Bị cáo tại ngoại (vắng mặt).

- Người bào chữa cho bị cáo Trần Đức T: Luật sư Lê Nguyên G, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội (vắng mặt).

- Người bào chữa cho bị cáo Trần Quyết T1: Luật sư Nguyễn Văn TO, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Lâm trường Trường Xuân được thành lập theo quyết định thành lập doanh nghiệp nhà nước, số 436/TCLĐ ngày 28/05/1993 của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); lâm trường có trụ sở tại xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, ngành nghề kinh doanh chính là “Quản lý, bảo vệ, xây dựng và phát triển vốn rừng; sản xuất kinh doanh lâm, nông nghiệp kết hợp; khai thác lâm sản”.

Vào tháng 06/2007, lâm trường Trường Xuân chuyển đổi thành công ty Lâm Nghiệp Trường Xuân, theo quyết định số 808/QĐ-UBND ngày 22/06/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông. Đến tháng 07/2010, lâm trường đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên (MTV) Lâm nghiệp (LN) Trường Xuân (công ty Trường Xuân) theo quyết định số 942/QĐ-UBND ngày 01/07/2010 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đắk Nông, có 100% vốn của nhà nước. Ngành nghề kinh doanh của công ty là “Quản lý, bảo vệ, xây dựng và phát triển vốn rừng; sản xuất kinh doanh nông lâm nghiệp kết hợp; khai thác, chế biến gỗ và nông lâm sản” và một số ngành, nghề kinh doanh khác.

Bộ máy lãnh đạo của công ty Trường Xuân như sau: 01 Giám đốc; 01 Phó giám đốc (từ cuối năm 2010 đến tháng 07/2016 khi giải thể thì khuyết Phó giám đốc); các phòng, ban (trong đó có Phòng Kỹ thuật Quản lý bảo vệ rừng là bộ phận trực tiếp thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng); tất cả đều hưởng lương từ ngân sách nhà nước, cụ thể như sau:

-Trần Quyết T1 được Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông bổ nhiệm Giám đốc liên tục từ năm 1995 cho đến tháng 07/2016 (khi công ty bị giải thể), là người chịu trách nhiệm chính trong mọi hoạt động của công ty trong đó có công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR);

-Trần Đức T được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Phòng Kỹ thuật QLBVR từ năm 2007 đến tháng 07/2016, chịu trách nhiệm chỉ đạo các tổ QLBVR (gồm từ 11 đến 13 người)-là lực lượng trực tiếp thực hiện các biện pháp QLBVR như: tuần tra, kiểm tra rừng, phát hiện ngăn chặn chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, lập biên bản báo cáo xử lý, phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền pháp luật về QLBVR, phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng.

Khi thành lập vào năm 1993, lâm trường Trường Xuân được giao quản lý 15.781 ha, trong đó có 14.123,5 ha rừng tự nhiên. Đến năm 2005, công ty Trường Xuân chỉ còn được giao 9.703,19 ha, trong đó có 7.282,67 ha rừng tự nhiên (bút lục 406 - 407). Tuy nhiên, công ty Trường Xuân không được UBND tỉnh Đắk Nông và các cơ quan chuyên môn tiến hành bàn giao ranh giới hiện trạng rừng trên thực địa.

Đến ngày 07/11/2011, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành quyết định số 1706/QĐ-UBND về việc phê duyệt, công bố số liệu hiện trạng rừng năm 2010 của tỉnh Đắk Nông bằng công nghệ viễn thám, kết quả như sau: tính đến ngày 31/12/2010, công ty Trường Xuân chỉ còn 2.287,85 ha rừng tự nhiên (bút lục 414 - 418). Tiếp sau đó, công ty Trường Xuân có trách nhiệm bảo toàn và phát triển bền vững diện tích 2.287,85 ha rừng tự nhiên đã được UBND tỉnh Đăk Nông cho thuê; tổ chức bảo vệ rừng, không để rừng bị phá và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên rừng; thường xuyên cập nhật diễn biến rừng tự nhiên, báo cáo các cơ quan chức năng để có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng để bảo toàn và phát triển bền vững rừng tự nhiên. Để thực hiện việc quản lý bảo vệ và phát triển diện tích rừng được giao, hàng năm theo quy định, công ty Trường Xuân đều xây dựng các phương án QLBVR tập trung, trình Chi Cục kiểm lâm phê duyệt để tổ chức thực hiện; nguồn kinh phí, một phần từ ngân sách nhà nước cấp, một phần từ kinh phí dịch vụ môi trường rừng và từ nguồn khai thác lâm sản (gỗ, lồ ô) hàng năm của công ty.

Vào năm 2012, công ty Trường Xuân ký hợp đồng giao khoán 77,6 ha rừng và đất rừng (trong đó có 72,1 ha rừng tự nhiên) tại các khoảnh 5, 7, 9 tiểu khu 1707 theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP cho 03 hộ dân để họ khoanh nuôi bảo vệ. Trần Quyết T1 ban hành quyết định số 10 ngày 21/01/2011 thành lập Hội đồng giao khoán, trong đó Trần Quyết T1 làm Trưởng ban; Nguyễn Viết Hùng – Trưởng phòng kinh tế (phụ trách kinh phí liên quan đến giao khoán) và Ninh Công L – nhân viên kỹ thuật làm thành viên (thực hiện kiểm tra, giám sát khu vực giao khoán); hội đồng có trách nhiệm giám sát thực hiện giao khoán theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP. Mặc dù diện tích rừng đã giao khoán cho các hộ dân khoanh nuôi bảo vệ nhưng công ty Trường Xuân vẫn phải đưa diện tích này vào phương án QLBVR tập trung hàng năm của công ty và giao cho các tổ quản lý bảo vệ rừng tuần tra, kiểm tra theo phương án đã được phê duyệt.

Theo các phương án QLBVR tập trung từ năm 2010 đến năm 2014 của công ty Trường Xuân đã được phê duyệt, thì Giám đốc công ty là Trần Quyết T1 phải có trách nhiệm giao diện tích rừng quản lý đến từng tiểu khu cho các tổ QLBVR để thực hiện việc QLBVR, theo dõi và báo cáo hàng ngày, tuần, tháng; các nhóm phải đảm bảo quân số có người trực 24/24 tại các chốt. Thường xuyên kiểm tra, tuần tra lâm phần được giao nhằm phát hiện kịp thời các hành vi xâm hại đến rừng; khi thay đổi ca trực, lâm phần quản lý thì các nhóm phải lập biên bản bàn giao về hiện trạng. Trưởng Phòng Kỹ thuật QLBVR là Trần Đức T có trách nhiệm theo dõi, giám sát và tập hợp kết quả công tác bảo vệ rừng báo cáo Giám đốc trước kỳ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt đơn vị định kỳ hàng tháng. Trần Quyết T1 và Trần Đức T phải thường xuyên theo dõi và kiểm tra đột xuất nơi được phân công trực chốt và các tuyến tuần tra để kịp thời uốn nắn các sai phạm xảy ra và điều chỉnh hợp lý các chốt trực tuần tra có hiệu quả hơn; phải tổ chức lực lượng ngăn chặn không cho đốt dọn, trồng tỉa, lấn chiếm trên diện tích rừng đã bị phá trái phép.

Thực hiện phương án QLBVR tập trung được phê duyệt, hàng năm Trần Quyết T1 đều có quyết định giao rừng cho từng Tổ QLBVR, cụ thể như sau:

-Quyết định số 03 ngày 05/01/2010 về việc giao phạm vi, diện tích rừng quản lý cho các Tổ QLBVR như sau:

+ Tổ 1: do Nông Văn Th làm tổ trưởng, QLBVR tại các tiểu khu 1689, 1678, 1688, 1708, 1709;

+ Tổ 2: do Nông Mạnh D làm tổ trưởng, QLBVR tại các tiểu khu 1706, 1707, 1698, 1677;

+ Tổ 3: do Ninh Công L làm tổ trưởng, QLBVR tại các tiểu khu 1665, 1690, 1676, 1687, 1683.

- Quyết định số 13 ngày 26/01/2011 và Quyết định số 02b ngày 14/01/2012 về việc giao phạm vi, diện tích rừng quản lý cho các Tổ QLBVR như sau::

+ Tổ 1: do Nông Mạnh D làm tổ trưởng, QLBVR tại các tiểu khu 1665, 1676, 1687, 1683, 1709, 1708, 1690;

+ Tổ 2: do Nông Văn Th làm tổ trưởng, QLBVR tại các tiểu khu 1688, 1689, 1677, 1678;

+ Tổ 3: do Trần Ngọc Q làm tổ trưởng, QLBVR tại các tiểu khu 1706, 1707, 1698.

- Quyết định số 06a ngày 08/01/2013 về việc giao phạm vi, diện tích rừng quản lý cho các Tổ QLBVR như sau:

+ Tổ 1: do Nông Mạnh D làm tổ trưởng, QLBVR tại các tiểu khu 1665, 1676, 1687, 1683, 1709, 1708, 1690, 1698;

+ Tổ 2: do Nông Văn Th làm tổ trưởng, QLBVR tại các tiểu khu 1706, 1707, 1688, 1689, 1677, 1678.

- Quyết định số 17 ngày 15/8/2013 và số 01 ngày 01/01/2014 về việc giao phạm vi, diện tích rừng quản lý cho các Tổ QLBVR như sau:

+ Tổ 1: do Nguyễn Minh Sáng làm tổ trưởng (từ ngày 15/8/2013 đến 01/01/2014) và Y Mác làm tổ trưởng (từ ngày 01/01/2014 đến 02/01/2015), QLBVR tại các tiểu khu 1677, 1678, 1698, 1689, 1688, 1706;

+ Tổ 2: do Nông Văn Th làm tổ trưởng, QLBVR tại các tiểu khu 1690, 1687, 1682;

+ Tổ 3 (tổ cơ động): do Nông Mạnh D làm tổ trưởng, QLBVR tại các tiểu khu 1665, 1676, 1707, 1708, 1683, 1709. (BL 398 – 405).

Mỗi tổ được bố trí từ 03 – 04 nhân viên và xây dựng 02 chốt kiên cố tại tiểu khu 1687 và 1678 để các tổ thực hiện nhiệm vụ QLBVR. Các tổ thay đổi lâm phần quản lý cho nhau khi có các quyết định nêu trên của Công ty. Khi các tổ QLBVR bàn giao lâm phần quản lý phải lập biên bản ghi rõ diện tích rừng tự nhiên còn, bị hủy hoại, lấn chiếm trong thời gian quản lý.

Trần Đức T với vai trò là Trưởng Phòng Kỹ thuật QLBVR được Trần Quyết T1 giao chịu trách nhiệm chính trong thống kê theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; trực tiếp kiểm tra, giám sát, báo cáo, đề xuất công tác QLBVR và chỉ đạo trực tiếp các tổ QLBVR, tổ Cơ động để thực hiện việc QLBVR; trực tiếp chỉ đạo nhân sự, hoạt động và sinh hoạt tại Phòng Kỹ thuật QLBVR. Tuy nhiên trong việc thực hiện công tác QLBVR, Trần Đức T đã không kiểm tra các tổ QLBVR có đi tuần tra đúng theo quy định hay không; xem xét kết quả các tổ QLBVR báo cáo có phản ánh đúng thực trạng diễn biễn rừng tự nhiên bị hủy hoại hay không; dẫn đến rừng bị mất dần nhưng không báo cáo đúng thực trạng, nên không có giải pháp ngăn chặn kịp thời: các tổ QLBVR, trong quá trình đi tuần, đã không đi hết lâm phần giao mà chỉ đi tuần trên đường chính; ở các đoạn rẽ vào các đường nhánh không có dấu người và phương tiện đi vào, chỉ quan sát mà không kiểm tra khu vực đó; khi nào thấy có dấu hiệu của người, phương tiện xâm phạm thì mới đi vào kiểm tra; đoạn nào xe máy đi được thì đi kiểm tra, đoạn nào xe máy đi không được thì không kiểm tra. Đối với các khu vực đường tuần tra xe máy không đi vào được hoặc địa hình dốc, hiểm trở thì rất ít đi tuần, chỉ có khi nào phát hiện vụ việc thì mới vào để kiểm tra. Đối với các diện tích rừng bị phá mở rộng từ các diện tích rừng đã bị phá trước đó, Trần Đức T không tổ chức bảo vệ những diện tích rừng đã bị phá, dẫn đến sự việc người dân vào lấn chiếm trồng hoa màu và phát rừng mở rộng nhưng Trần Đức T không biết được và không có biện pháp chấn chỉnh. Đối với diện tích rừng tự nhiên đã giao khoán cho các hộ dân quản lý bảo vệ, nhưng theo quy định và trên thực tế, công ty Trường Xuân vẫn đưa vào phương án QLBVR hàng năm và được giao cho Phòng Kỹ thuật QLBVR tổ chức bảo vệ. Tuy nhiên, từ khi giao khoán đến năm 2013, Trần Đức T lại chỉ đạo cho các tổ QLBVR không đi tuần và kiểm tra đối với các diện tích này (vì cho rằng công ty đã giao khoán cho các hộ dân thì các tổ QLBVR không cần tiếp tục quản lý bảo vệ). Đến năm 2013, khi nhận lại diện tích rừng nói trên để bảo vệ, Trần Đức T cũng không tổ chức kiểm kê (xem lại rừng còn, mất bao nhiêu) để có phương án quản lý và phục hồi rừng.

Với cách thức chỉ đạo, điều hành, kiểm tra giám sát và QLBVR như trên, từ ngày 31/12/2010 đến 31/12/2014, diện tích rừng bị mất trên lâm phận của công ty Trường Xuân quản lý là rất lớn. Đối chiếu kết quả khám nghiệm hiện trường và đối chiếu kết quả kiểm kê rừng năm 2010 (được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông công bố tại quyết định số 1706/QĐ-UBND 07/11/2011) với kết quả kiểm kê rừng năm 2014 (được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông công bố tại quyết định số 67/QĐ-UBND ngày 14/01/2015), thì tại khoảnh 7 tiểu khu 1687 (nằm ngay sát chốt trực và nằm trên tuyến đường lâm nghiệp chính của công ty Trường Xuân), chỉ còn 12,39 ha rừng tự nhiên; khoảnh 5, 7, 9 tiểu khu 1707 còn 125,43 ha rừng tự nhiên (trong đó có 72,1 ha rừng tự nhiên giao khoán cho 03 hộ dân theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP để quản lý bảo vệ nêu trên) nhưng tính đến ngày 31/12/2014, diện tích rừng tự nhiên tại khoảnh 7 tiểu khu 1687 bị hủy hoại là 11,99 ha; lực lượng QLBVR của công ty Trường Xuân chỉ lập biên bản xử lý được tổng diện tích 1,67 ha, diện tích còn lại là 10,32 ha không được phát hiện lập biên bản; diện tích rừng tự nhiên tại khoảnh 5, 7, 9 tiểu khu 1707 bị hủy hoại 90,5 ha, lực lượng QLBVR của công ty Trường Xuân chỉ lập được biên bản xử lý được tổng diện tích 24,16 ha; diện tích còn lại 66,34 ha không được phát hiện lập biên bản.

Các tổ QLBVR và Phòng Kỹ thuật QLBVR đã không thực hiện công tác tuần tra bảo vệ rừng theo đúng quy định, dẫn đến hậu quả như trên. Trần Quyết T1, với vai trò là Giám đốc công ty, đã không thực hiện việc theo dõi và kiểm tra đột xuất các tuyến tuần tra như quy định, nên cũng không biết và không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, để tình trạng hủy hoại rừng xảy ra trong một thời gian dài. Trần Quyết T1 cũng không kiểm tra các diện tích bị hủy hoại đã phát hiện và đã lập biên bản có được tổ chức bảo vệ theo phương án đã được phê duyệt hay không; nội dung báo cáo của Trần Đức T có phản ánh đúng thực trạng diễn biến tài nguyên rừng hay không; dẫn đến việc rừng tự nhiên trong lâm phần của công ty bị hủy hoại với diện tích lớn nhưng Trần Quyết T1 không biết, không xác định được là mất khi nào và không có biện pháp khắc phục. Riêng đối với 72,1 ha rừng tự nhiên tại các các khoảnh 5, 7, 9 tiểu khu 1707, sau khi giao khoán theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP cho các hộ dân, Trần Quyết T1 không chỉ đạo Trần Đức T và lực lượng QLBVR phải quản lý khu vực này như thế nào, dẫn đến việc Trần Đức T đã chỉ đạo lực lượng QLBVR không tuần tra, bảo vệ đối với khu vực, này dẫn đến mất rừng với diện tích lớn.

Như vậy, từ năm 2010 đến hết năm 2014, Trần Đức T và Trần Quyết T1 đã không thực hiện đúng các quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, không thực hiện đúng phương án QLBVR hàng năm được phê duyệt của công ty Trường Xuân, dẫn đến việc diện tích rừng tự nhiên bị hủy hoại là 76,66 ha nhưng không được phát hiện xử lý theo quy định của pháp luật (trong đó, diện tích rừng bị hủy hoại tại các khoảnh 5, 7, 9 tiểu khu 1707 là 66,34 ha; tại khoảnh 7 tiểu khu 1687 là 10,32 ha).

Tại bản kết luận giám định ngày 20/06/2017, giám định viên thuộc Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Nông xác định như sau: diện tích 76,66 ha rừng tự nhiên bị hủy hoại tại các khoảnh 5, 7, 9 tiểu khu 1707 và khoảnh 7 tiểu khu 1687 là loại rừng sản xuất; tổng giá trị thiệt hại tính bằng tiền (gồm thiệt hại về lâm sản và môi trường) là: 1.077.560.000 đồng.

Đối với diện tích rừng tự nhiên còn lại thuộc lâm phận quản lý, bảo vệ của công ty Trường Xuân cũng bị mất trong giai đoạn từ 31/12/2010 đến nay, phần lớn các diện tích rừng này đều nằm rải rác trên diện tích rộng, điều kiện đi lại không thuận lợi nên công tác QLBVR, kiểm tra, giám sát gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân dẫn đến việc để mất rừng, một phần cũng là do lực lượng QLBV rừng của công ty Trường Xuân còn mỏng, những người phá rừng thường thực hiện vào ban đêm và ở khu vực xa các chốt gác và đường tuần tra; ban đầu phá rừng với diện tích nhỏ, sau đó mở rộng dần qua từng năm, làm cho lực lượng QLBVR khó phát hiện xử lý. Vì lý do đó, cơ quan chức năng không xem xét xử lý về trách nhiệm hình sự đối với Trần Quyết T1, Trần Đức T và lực lượng QLBV rừng của công ty Trường Xuân ở những diện tích rừng này.

Đối với ông Nông Mạnh D, ông Nông Văn Th và ông Trần Ngọc Q, là tổ trưởng các tổ QLBVR, được giao trách nhiệm QLBVR tại các tiểu khu 1707 và 1687 (theo các quyết định của công ty Trường Xuân) có trách nhiệm trong việc để mất rừng tại các tiểu khu này. Tuy nhiên, công ty Trường Xuân thường xuyên thay đổi lâm phận quản lý giữa các tổ QLBVR, khi thực hiện quyết định giao phạm vi, diện tích rừng quản lý, các tổ không lập biên bản bàn giao đầy đủ nên không xác định được diện tích rừng bị mất vào thời điểm nào; có phải bị mất trong thời gian họ phụ trách quản lý hay không; vì vậy không đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với Nông Mạnh D, Nông Văn Th và Trần Ngọc Q trong việc để mất diện tích rừng tự nhiên tại các tiểu khu 1707 và 1687 nói trên.

Đối với Ninh Công L, là nhân viên phòng Kỹ thuật QLBVR (Ninh Công L có khoảng thời gian từ năm 2011 – 2013 được bổ nhiệm làm Phó phòng), được Trần Đức T giao trách nhiệm chính là tổng hợp các biên bản phá rừng, báo cáo về tình hình quản lý, bảo vệ rừng cho các cơ quan chức năng, tham mưu lập phương án quản lý bảo vệ rừng tập trung. Tùy vào tình hình phá rừng và số lượng nhân viên của phòng, Ninh Công L vẫn được Trần Quyết T1, Trần Đức T giao tham gia công tác QLBVR nhưng không thường xuyên, liên tục.

Vào ngày 17/03/2010, công ty Trường Xuân ra quyết định số 18/QĐ-CT giao cho Ninh Công L làm tổ trưởng tổ QLBVR trạm số 4 tại tiểu khu 1707 để chuẩn bị thực hiện các thủ tục giao khoán theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP. Trước và sau khi có quyết định số 18, trách nhiệm QLBVR tại tiểu khu 1707 được giao cho các tổ QLBVR. Tuy nhiên, trạm số 4 chỉ thành lập được khoảng 3 – 4 tháng thì bị các hộ dân đập phá, phải giải thể trạm. Cơ quan điều tra không chứng minh được trách nhiệm về việc để mất rừng tại tiểu khu 1707 thuộc về Ninh Công L, nên không xem xét xử lý hình sự.

Đối với các nhân viên tổ QLBVR, họ chỉ là người thực hiện các công việc do chỉ huy tổ QLBVR phân công, chỉ đạo; những người này không được giao cho quản lý lâm phần cụ thể và thường xuyên bị luân chuyển, điều động. Do đó, cơ quan chức năng không đủ căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự đối với họ.

Tại bản cáo trạng số 42/CTr–VKS (P1) ngày 17-6-2020, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông truy tố các bị cáo Trần Đức T và Trần Quyết T1 về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điểm c Khoản 2 Điều 360 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 41/2020/HSST ngày 27/08/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông đã quyết định như sau:

1/Áp dụng Điểm c Khoản 2 Điều 360; Điểm s, v Khoản 1 Điều 51; Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015;

-Xử phạt bị cáo Trần Đức T 02 (hai) năm tù; thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án, nhưng được trừ vào thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 02/08/2017 đến 07/12/2017.

2/Áp dụng Điểm c Khoản 2 Điều 360; Điểm s, v Khoản 1; Khoản 2 Điều 51; Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015;

-Xử phạt bị cáo Trần Quyết T1 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù; thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về trách nhiệm dân sự, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Vào ngày 01/09/2020, bị cáo Trần Quyết T1 có đơn kháng cáo xin giảm hình phạt và xin hưởng án treo.

Ngày 05/09/2020, bị cáo Trần Đức T có đơn kháng cáo xin giảm hình phạt và xin hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trần Quyết T1 và bị cáo Trần Đức T vắng mặt đến lần thứ hai mà không có lý do chính đáng; các bị cáo cũng không có văn bản nào để thay đổi đơn kháng cáo nói trên.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến như sau:

-Về thủ tục tố tụng:

Bị cáo Trần Quyết T1 và bị cáo Trần Đức T có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm nhưng tính đến phiên tòa phúc thẩm hôm nay, các bị cáo đã vắng mặt đến lần thứ hai mà không có lý do. Vì vậy, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử vắng mặt bị cáo theo luật định;

-Về nội dung giải quyết vụ án:

Đối với kháng cáo của bị cáo Trần Quyết T1:

-Bị cáo Trần Quyết T1 là Giám đốc của công ty Lâm nghiệp Trường Xuân từ năm 1995 cho đến năm 2016, khi giải thể công ty.

Với chức vụ là Giám đốc công ty, Trần Quyết T1 phụ trách công tác quản lý, bảo vệ rừng của công ty Lâm nghiệp Trường Xuân; chịu trách nhiệm xây dựng bộ máy của công ty nhằm thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng theo quy định chung. Trong quá trình thực hiện công việc được giao phó, Trần Quyết T1 đã không thực hiện đúng trách nhiệm, làm cho diện tích rừng tự nhiên mà công ty Lâm nghiệp Trường Xuân quản lý, bị hủy hoại là 76,66 ha nhưng không được phát hiện để xử lý theo quy định của pháp luật (diện tích rừng bị hủy hoại tại các khoảnh 5, 7, 9 tiểu khu 1707 là 66,34 ha; tại khoảnh 7 tiểu khu 1687 là 10,32 ha).

Đối với kháng cáo của bị cáo Trần Đức T:

-Bị cáo Trần Đức T là Trưởng phòng kỹ thuật-quản lý bảo vệ rừng của công ty Lâm nghiệp Trường Xuân từ năm 2007 cho đến năm 2016 khi công ty giải thể.

Trong thời gian giữ chức vụ nói trên, bị cáo không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ rừng, làm cho diện tích rừng tự nhiên mà công ty Lâm nghiệp Trường Xuân quản lý, bị hủy hoại là 76,66 ha nhưng không được phát hiện để xử lý theo quy định của pháp luật (diện tích rừng bị hủy hoại tại các khoảnh 5, 7, 9 tiểu khu 1707 là 66,34 ha; tại khoảnh 7 tiểu khu 1687 là 10,32 ha).

Thiệt hại do hành vi thiếu trách nhiệm của hai bị cáo Trần Quyết T1, Trần Đức T gây ra, là 1.077.560.000 đồng, theo bản kết luận giám định ngày 20/06/2017 của Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Nông.

Như vậy, bị cáo Trần Quyết T1, Trần Đức T đã phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 của Bộ luật Hình sự năm 2015 với một tình tiết định khung hình phạt (Điểm c Khoản 2 Điều 360 quy định hình phạt trong trường hợp gây thiệt hại từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng).

Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đánh giá đúng vai trò của từng bị cáo trong vụ án để xử phạt bị cáo Trần Quyết T1 02 năm tù; xử phạt bị cáo Trần Đức T 01 năm 06 tháng tù; hình phạt như vậy là tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị cáo.

Các bị cáo kháng cáo xin giảm hình phạt, xin hưởng án treo nhưng không có tình tiết, chứng cứ gì mới, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]Về thủ tục tố tụng:

[1.1]Tòa án cấp phúc thẩm mở phiên tòa lần thứ nhất vào ngày 22/04/2021. Tại phiên tòa, bị cáo Trần Quyết T1 có mặt; bị cáo Trần Đức T vắng mặt và có đơn ghi ngày 19/04/2021 xin hoãn phiên tòa với lý do như sau: bị cáo đang chữa trị bệnh tại bệnh viện An Việt-Hà Nội. Theo “Sổ khám bệnh” của bệnh viện đa khoa An Việt (Hà Nội) gửi kèm theo đơn xin hoãn phiên tòa, bị cáo Trần Đức T bị “Đau đầu, chóng mặt” do “Cao huyết áp”.

Mặc dù trường hợp vắng mặt của bị cáo Trần Đức T nói trên, không thuộc vào trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan (tình trạng bệnh của bị cáo Trần Đức T không thuộc vào trường hợp không thể đến tham gia tố tụng tại phiên tòa), nhưng vì phiên tòa phúc thẩm mới được mở lần thứ nhất, nên Tòa án phải hoãn phiên tòa.

[1.2] Tòa án cấp phúc thẩm mở phiên tòa lần thứ hai vào ngày 21/05/2021.

Tại phiên tòa, bị cáo Trần Quyết T1 và bị cáo Trần Đức T đều vắng mặt và đều có đơn yêu cầu hoãn phiên tòa (đơn ghi ngày 13/05/2021 của bị cáo Trần Quyết T1 và đơn ghi ngày 17/05/2021 của bị cáo Trần Đức T) vì cho rằng đang có dịch cúm Covid 19, hạn chế việc đến phiên tòa của bị cáo.

Xét thấy, phiên tòa phúc thẩm đã mở đến lần thứ hai, các bị cáo tại ngoại, là bị cáo Trần Quyết T1 và bị cáo Trần Đức T, đều đã được triệu tập hợp lệ; lý do mà các bị cáo nêu ra, để yêu cầu hoãn phiên tòa, là không chính đáng, bởi vì Thành phố Hồ Chí Minh (nơi đặt trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh) và địa phương nơi các bị cáo cư trú, đều không bị phong tỏa vì dịch cúm Covid 19. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn tiến hành xét xử vụ án theo quy định chung.

[2]Về nội dung giải quyết vụ án:

[2.1]Bị cáo Trần Quyết T1 được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông bổ nhiệm Giám đốc công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trường Xuân liên tục từ năm 1995 cho đến tháng 07/2016 (khi công ty giải thể), là người chịu trách nhiệm chính trong mọi hoạt động của công ty trong đó có công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao;

[2.2]Bị cáo Trần Đức T được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Phòng Kỹ thuật quản lý, bảo vệ rừng của công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trường Xuân (công ty Trường Xuân) từ năm 2007 đến tháng 07/2016 (khi công ty giải thể), chịu trách nhiệm chỉ đạo các tổ quản lý, bảo vệ rừng (gồm từ 11 đến 13 người)-là lực lượng trực tiếp thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng như: tuần tra, kiểm tra rừng, phát hiện ngăn chặn chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, lập biên bản báo cáo xử lý, phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy-chữa cháy rừng, đối với diện tích rừng được giao quản lý.

[2.3]Khi thành lập vào năm 1993, lâm trường Trường Xuân (tiền thân của công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trường Xuân) được giao quản lý 15.781 ha, trong đó có 14.123,5 ha rừng tự nhiên. Đến năm 2005, công ty Trường Xuân chỉ còn được giao 9.703,19 ha, trong đó có 7.282,67 ha rừng tự nhiên.

Đến ngày 07/11/2011, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành quyết định số 1706/QĐ-UBND về việc phê duyệt, công bố số liệu hiện trạng rừng năm 2010 của tỉnh Đắk Nông bằng công nghệ viễn thám, kết quả như sau: tính đến ngày 31/12/2010, công ty Trường Xuân chỉ còn 2.287,85 ha rừng tự nhiên. Tiếp sau đó, công ty Trường Xuân có trách nhiệm bảo toàn và phát triển bền vững diện tích 2.287,85 ha rừng tự nhiên đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông cho thuê; tổ chức bảo vệ rừng, không để rừng bị phá và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên rừng; thường xuyên cập nhật diễn biến rừng tự nhiên, báo cáo các cơ quan chức năng để có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng để bảo toàn và phát triển bền vững rừng tự nhiên.

[2.4]Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến hết năm 2014, Trần Quyết T1 và Trần Đức T đã không thực hiện đúng các quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, không thực hiện đúng phương án quản lý, bảo vệ rừng đã được phê duyệt của công ty Trường Xuân, dẫn đến việc diện tích rừng tự nhiên bị hủy hoại là 76,66 ha nhưng không được phát hiện xử lý theo quy định của pháp luật (trong đó, diện tích rừng bị hủy hoại tại các khoảnh 5, 7, 9 tiểu khu 1707 là 66,34 ha; tại khoảnh 7 tiểu khu 1687 là 10,32 ha).

Tại bản kết luận giám định ngày 20/06/2017, giám định viên thuộc Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Nông xác định như sau: diện tích 76,66 ha rừng tự nhiên bị hủy hoại tại các khoảnh 5, 7, 9 tiểu khu 1707 và khoảnh 7 tiểu khu 1687 là loại rừng sản xuất; tổng giá trị thiệt hại tính bằng tiền (gồm thiệt hại về lâm sản và môi trường) là: 1.077.560.000 đồng.

[2.5]Trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như đã phân tích nói trên. Sự thừa nhận hành vi phạm tội của các bị cáo phù hợp với các bản kết luận giám định, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Vì vậy, có đủ căn cứ kết luận rằng bị cáo Trần Quyết T1 và bị cáo Trần Đức T phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điểm c Khoản 2 Điều 360 của Bộ luật Hình sự năm 2015 với một tình tiết định khung hình phạt (Điểm c Khoản 2 Điều 360 quy định hình phạt trong trường hợp gây thiệt hại từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng).

Khi xét xử sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét và đánh giá vai trò của mỗi bị cáo trong vụ án; xem xét và áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, để xử phạt các bị cáo hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định.

Các bị cáo kháng cáo xin giảm hình phạt, xin hưởng án treo nhưng không có tình tiết hoặc chứng cứ đặc biệt gì khác. Do đó Tòa án cấp phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của các bị cáo.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 330; Điều 345; Điều 351; Điều 355 của Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015;

1/Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Quyết T1 và bị cáo Trần Đức T; giữ nguyên bản án sơ thẩm số 41/2020/HSST ngày 27/08/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông về phần hình sự đối với bị cáo Trần Quyết T1 và bị cáo Trần Đức T, như sau:

Tuyên bố các bị cáo Trần Đức T, Trần Quyết T1 phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

1.1/Áp dụng Điểm c Khoản 2 Điều 360; Điểm s, v Khoản 1 Điều 51; Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015;

-Xử phạt bị cáo Trần Đức T 02 (hai) năm tù ; thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án, nhưng được trừ vào thời gian bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 02/08/2017 đến 07/12/2017.

1.2/Áp dụng Điểm c Khoản 2 Điều 360; Điểm s, v Khoản 1; Khoản 2 Điều 51; Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015;

-Xử phạt bị cáo Trần Quyết T1 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù; thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

2/Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

3/Về án phí phúc thẩm: bị cáo Trần Quyết T1 và bị cáo Trần Đức T, mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng).

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1592
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng số 314/2021/HS-PT

Số hiệu:314/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 21/05/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;