Bản án về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng 20/2018/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

BẢN ÁN 20/2018/HS-PT NGÀY 02/05/2018 VỀ TỘI THIẾU TRÁCH NHIỆM GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

Trong các ngày 26/4/2018 và ngày 02/5/2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 91/2017/TLPT-HS ngày 26 tháng 10 năm 2017 đối với bị cáo Đào Ngọc H do có kháng cáo của bị cáo H và kháng cáo của 06/189 người có quyền lợi liên quan, đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 47/2017/HS-ST ngày 18 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân thành phố H1, tỉnh Hưng Yên.

- Bị cáo có kháng cáo:

Đào Ngọc H, sinh năm 1962 tại thành phố H1, tỉnh Hưng Yên; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: Số nhà 27 NT, phường Q, thành phố H1, tỉnh Hưng Yên; nghề nghiệp: Phó Ban quản lý chợ P; trình độ văn hoá: Lớp 10/10; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đào Ngọc L (đã chết) và bà Nguyễn Thị T; có vợ là chị Phan Thị Y và có 02 con; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam từ ngày 15/4/2014 đến ngày 12/6/2014 được tại ngoại “bị cáo có mặt”.

- Người bào chữa cho bị cáo H: Các luật sư Trần Hồng Phúc, Ngô Thị Thu Hằng, Nguyễn Văn Đà - Công ty Luật TNHH thực hành Luật Nguyễn Chiến - thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội "đều có mặt ".

- Bị đơn dân sự không kháng cáo: Công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ P;

Người đại diện hợp pháp của bị đơn dân sự: Ông Bùi Hồng K - Giám đốc công ty “có mặt”.

- Người có quyền lợi liên quan vụ án có kháng cáo:

1. Chị Nguyễn Thị H2, sinh năm 1978; trú tại: Số 9B đường T T, phường Q, thành phố H1, tỉnh Hưng Yên "vắng mặt".

2. Chị Nguyễn Thị Thu H3, sinh năm 1976; trú tại: Số 38 T Th, phường Q, thành phố H1, tỉnh Hưng Yên "có mặt".

3. Ông Văn Sỹ H4, sinh năm 1963; trú tại: Số 122 B S, phường H N, thành phố H1, tỉnh Hưng Yên "có mặt".

4. Anh Nguyễn Văn H5, sinh năm 1974; trú tại: Số 01 B T, phường Q, thành phố H1, tỉnh Hưng Yên "có mặt".

5. Bà Bùi Thị Y, sinh năm 1963; trú tại: Số 88 N T, phường L L, thành phố H1, tỉnh Hưng Yên "có mặt".

6. Bà Phạm Thị Thanh T1, sinh năm 1969; trú tại: Số 75 đường N T T (kéo dài), phường L L, thành phố H1, tỉnh Hưng Yên "có mặt".

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 04 người có quyền lợi liên quan vụ án có kháng cáo gồm: Các chị Nguyễn Thị H2, Nguyễn Thị Thu H3, bà Bùi Thị Y, Phạm Thị Thanh T1 là: Luật sư Hoàng Ngọc Biên - văn phòng luật sư Cát Tường - thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội "có mặt".

Ngoài ra còn có 183 người có quyền lợi liên quan vụ án không có kháng cáo, kháng nghị.

- Người làm chứng:

1. Ông Trần Đức K1, sinh năm 1952; trú tại: Số 24 K2, khu TM, thị trấn T2, huyện P1, tỉnh Hưng Yên "có mặt".

2. Ông Nguyễn Ngọc X, sinh năm 1963; trú tại: Số 33B B Đ, phường M, thành phố H1, tỉnh Hưng Yên "có mặt".

3. Anh Lê Xuân L1, sinh năm 1978; trú tại: Số 279/49, H V T, quận H M, Thành phố Hà Nội "có mặt".

4. Anh Nguyễn Quốc P2, sinh năm 1976; trú tại: Số 64/B7 N T, phường Q, thành phố H1, tỉnh Hưng Yên "vắng mặt".

5. Anh Lưu Nguyễn Ánh S, sinh năm 1984; trú tại: Đường N P S, phường A, thành phố H1, tỉnh Hưng Yên "vắng mặt".

6. Anh Nguyễn Văn V, sinh năm 1980; trú tại: Thôn 1, xã Q1, thành phố H1, tỉnh Hưng Yên "có mặt".

7. Anh Nguyễn Văn Th, sinh năm 1978; trú tại: Số 150 L H P, phường M, thành phố H1, tỉnh Hưng Yên "có mặt".

8. Anh Vũ Thế Kh, sinh năm 1974; trú tại: Số 02 C L, phường M, thành phố H1, tỉnh Hưng Yên "có mặt".

9. Anh Lưu Văn Th1, sinh năm 1973; trú tại: Số 371 Đ B, phường Q, thành phố H1, tỉnh Hưng Yên "vắng mặt".

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Đào Ngọc H là cán bộ hợp đồng của Công ty TNHH đầu tư và phát triển H P từ năm 2011 (do ông Bùi Hồng Kỳ làm giám đốc), theo đó ngày 01/01/2012 Hậu được bổ nhiệm chức danh Phó ban Quản lý chợ P. Với hợp đồng lao động và chức danh Phó ban Quản lý chợ P thì H có những nhiệm vụ sau: Nghiêm chỉnh chấp hành quy chế hoạt động do công ty đề ra; chịu trách nhiệm trước công ty và trước pháp luật về mọi công việc được giao; đảm bảo tốt an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường…; làm đúng phận sự trách nhiệm của một phó ban quản lý chợ (theo bản mô tả chi tiết công việc đính kèm); tự chịu trách nhiệm mở cửa, kiểm tra hàng hoá và thiết bị an toàn trước khi đóng cửa chợ. Sau khi đóng cửa chợ tuyệt đối không có nhân sự làm việc trong nhà chợ 02 tầng. Sau khi đóng cửa ngừng hoạt động chợ, các phó ban quản lý chợ có trách nhiệm tắt toàn bộ hệ thống điện và các thiết bị phục vụ trong nhà chợ vào 18 giờ 30 phút hàng ngày.

Ca trực chợ P tối ngày 19/3/2014 gồm: Trực chỉ huy là Đào Ngọc H - Phó ban quản lý chợ; trực bảo vệ có 4 người, gồm: Anh Vũ Thế Kh sinh năm 1974, trú tại số 2 C L - phường M -  thành phố H1 là Đội trưởng bảo vệ; ông Nguyễn Ngọc X sinh năm 1963, trú tại số 33B B Đ - phường M - thành phố H1 là nhân viên bảo vệ; Nguyễn Văn V sinh năm 1980, trú tại thôn 1 - xã Q1 - thành phố H1 là nhân viên bảo vệ; anh Nguyễn Văn Th sinh năm 1978, trú tại số 150 L H P - phường M - thành phố H1 là nhân viên bảo vệ. Khoảng 19 giờ cùng ngày 19/3/2014, sau khi ông X đã khoá cửa chợ 01 và chợ 02 thì giao lại chìa khoá cho Đào Ngọc H quản lý. Đào Ngọc H đã ngắt cầu dao điện chợ 02, không ngắt cầu giao điện chợ 01, với mục đích là để cho máy bơm nước đặt tại kiốt số 01, dẫy 01, tầng 01 của chợ 01 hoạt động bơm nước ngoài giờ thời gian khoảng 03 tiếng để có nước cho các tiểu thương kinh doanh hải sản và các tiểu thương khác dùng vào buổi sáng hôm sau. H khai việc để bơm nước hoạt động ngoài giờ là do thực hiện theo sự chỉ đạo của anh Lê Xuân L1 là trưởng ban điều hành dự án, việc này đã báo cáo giám đốc Bùi Hồng K và cũng đã được ông K đồng ý. Nhưng anh Lê Xuân L1 và ông Bùi Hồng K không thừa nhận việc chỉ đạo để điện bơm nước ngoài giờ như bị cáo H khai, mà chỉ cho lắp đặt máy bơm, cùng bể nước ngầm ngoài nhà chợ để khắc phục tình trạng thiếu nước (đã xây dựng, khi cháy chợ chưa đưa vào sử dụng).

Khoảng 21 giờ ngày 19/3/2014, anh Nguyễn Văn Th là bảo vệ đang đi kiểm tra khu vực chợ được phân công là khu phía nam chợ P thì nghe thấy tiếng chuông báo cháy từ trong chợ. Anh Th chạy về bốt gác nơi có lắp thiết bị báo cháy thì thấy đèn báo cháy có tín hiệu báo cháy, nên đã chạy lên phòng Ban quản lý chợ báo cáo Đào Ngọc H biết. H lấy chìa khoá chợ 01 và chợ 02 rồi cùng với anh Th mở cửa chính chợ P thì thấy phía trong chợ đã cháy, cả hai hô hoán và dùng bình chữa cháy để dập lửa song không được nên đã điện báo cho Cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. Đến khoảng 03 giờ ngày 20/3/2014 thì lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy mới dập tắt được vụ cháy.

Tại biên bản khám nghiệm hiện trường lập hồi 10 giờ ngày 20/3/2014 thể hiện: Chợ P có tổng diện tích 29.137,56m2; phía Đông chợ tiếp giáp khu nhà dân; phía Tây chợ tiếp giáp khu nhà dân và đường Đ B; phía Bắc chợ tiếp giáp ngõ 190 N T; phía Nam chợ tiếp giáp ngõ 213 đường Đ B. Hiện trường đã bị xáo trộn do quá trình chữa cháy…. Kiốt số 01 dẫy 01 khu chợ 01 có kích thước (2,3 x 4,1)m giáp với tường ngăn giữa hai chợ và tường phía Bắc. Tại góc tường kiốt này, phía giáp tường phía Bắc cách tường ngăn chợ 01 và chợ 02 là 1,1m có 01 xác máy bơm đặt sát nền nhà bị nhiệt tác động làm than hoá một phần lớp vỏ phía ngoài, các ống nhựa đã bị cháy biến dạng…Quá trình khám nghiệm hiện trường các cơ quan chuyên môn đã tiến hành thu giữ mẫu vật để giám định. Ngày 03/4/2014, Viện khoa học hình sự Bộ Công an đã có kết luận số: 825/C54-P2 kết luận: Điểm xuất phát cháy nằm ở khu vực giáp tường phía Bắc bên trong kiốt số 01, dẫy 01, tầng 01, khu chợ 01 (theo sơ đồ hiện trường) thuộc chợ P, phường L L, thành phố H1, tỉnh Hưng Yên. Nguyên nhân cháy: Do chập điện đường dây dẫn điện của máy bơm nước làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó cháy lan ra xung quanh dẫn đến vụ cháy nói trên.

Theo quy định tại nội quy chợ P ngày 10/11/2013 đã được Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên phê duyệt ngày 31/12/2013 và Quyết định số 98/12-12/QĐ-HP2 ngày 06/01/2014 của Công ty TNHH đầu tư và phát triển H P quy định: Thời gian mở cửa tại nhà chợ 02 tầng: Chợ dân sinh (chợ 01) mở cửa từ 04 giờ sáng đến 18 giờ 30 hàng ngày. Chợ bán vải, quần áo, mũ nón, giầy dép (chợ 02) mở cửa từ 07 giờ đến 18 giờ 30 hàng ngày. Các phó ban quản lý chợ có trách nhiệm tự chịu trách nhiệm mở cửa, kiểm tra hàng hoá và thiết bị an toàn trước khi đóng cửa chợ... Sau khi đóng cửa ngừng hoạt động chợ, các phó ban quản lý chợ có trách nhiệm cắt toàn bộ hệ thống điện và các thiết bị phục vụ trong nhà chợ. Thời gian thực hiện vào 18 giờ 30 hàng ngày (bao gồm cả thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ, tết).

Theo quy định tại mục 4.3.6 TCN 58- 1997, ban hành kèm theo Quyết định số 0487-TM-KHKT ngày 25/6/1997 của Bộ trưởng Bộ Thương mại đề ra các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy chợ và trung tâm thương mại quy định: Cán bộ, công nhân viên và các hộ kinh doanh tại chợ và trung tâm thương mại có trách nhiệm: Hết giờ làm việc, hết giờ buôn bán kinh doanh, trước khi ra về phải ngắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện; kiểm tra xem xét tình trạng an toàn phòng cháy tại nơi mình đang kinh doanh, đang làm việc.

Ngày 04/8/2014 Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thành phố Hưng Yên kết luận: Giá trị nhà chợ 02 tầng P (bao gồm nhà chợ CP1 và nhà chợ CP2) là 27.336.500.000 đồng.

Thiệt hại tài sản của các tiểu thương trong chợ P: Theo trình bầy của các tiểu thương kinh doanh trong chợ P là 66.890.550.000 đồng; theo báo cáo của Phòng kinh tế UBND thành phố H1 ước tính thiệt hại là 40.497.000.000 đồng.

Ngày 18/10/2016, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố H1 có Quyết định số 204 về việc trưng cầu định giá đối với thiệt hại của các hộ tiểu thương. Ngày 26/11/2016 Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng thành phố H1 đã có văn bản trả lời về việc không đủ căn cứ để xác định thiệt hại.

Về trách nhiệm dân sự: Có 278 hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ P, trong đó có 189 hộ yêu cầu bồi thường với tổng số tiền là 61.885.500.000 đồng. Đối với phần thiệt hại của nhà chợ P thì công ty TNHH đầu tư và phát triển H P không yêu cầu Đào Ngọc H phải bồi thường.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 47/2017/HS-ST ngày 18 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên đã quyết định:

- Về tội danh: Bị cáo Đào Ngọc H phạm Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

- Về áp dụng pháp luật: Khoản 2 Điều 285; điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự; Điều 99 và Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ quốc hội quy định về mức án phí, lệ phí Tòa án.

- Về hình phạt: Xử phạt Đào Ngọc H 04 (bốn) năm tù, thời hạn tính từ ngày đi chấp hành hình phạt. Bị cáo được trừ thời gian đã tạm giam từ ngày 15/4/2014 đến ngày 12/6/2014.

Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.

- Về trách nhiệm dân sự: Công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ P không yêu cầu bị cáo Hậu phải bồi thường, nên không đặt ra xem xét giải quyết. Đối với thiệt hại của các tiểu thương, sẽ được tách ra để giải quyết bằng vụ kiện dân sự khác sau vụ án hình sự này, khi các hộ tiểu thương có căn cứ để khởi kiện đối với bị đơn dân sự về thiệt hại của mình.

Ngoài ra bản án còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 28/9/2017, bị cáo Đào Ngọc H kháng cáo với nội dung: Bản án sơ thẩm xét xử không đúng quy định của pháp luật, không thu thập đầy đủ những chứng cứ quan trọng xác định sự thật của vụ án, không xem xét những vi phạm nghiêm trọng trong điều tra… dẫn đến xét xử không khách quan, thiếu công bằng, bỏ lọt tội phạm, gây oan cho bị cáo. Đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và giải quyết vụ án đúng theo quy định của pháp luật bảo đảm việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Tại phiên tòa bị cáo H giữ nguyên kháng cáo kêu oan, đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết theo đúng quy định của pháp luật để bị cáo không bị oan sai.

Ngày 30/9/2017 các người có quyền lợi liên quan vụ án gồm: Chị Nguyễn Thị H2 - sinh năm 1978, chị Nguyễn Thị Thu H3 - sinh năm 1976, ông Văn Sỹ H4 - sinh năm 1963, anh Nguyễn Văn H5 - sinh năm 1974, bà Bùi thị Y - sinh năm 1963 và bà Phạm Thị Thanh T1 - sinh năm 1969 có đơn kháng cáo với nội dung: Không đồng ý việc bản án sơ thẩm tách phần dân sự ra giải quyết bằng vụ án dân sự khác; không đồng ý xác định tư cách là người có quyền lợi liên quan vụ án mà phải xác định là người bị hại; không đồng ý với việc xét xử bị cáo Đào Ngọc H về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và trong quá trình giải quyết vụ án còn có nhiều vi phạm. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố H1, tỉnh Hưng Yên. Tại phiên tòa, 05 người có quyền lợi liên quan vụ án có mặt đều giữ nguyên yêu cầu kháng cáo; chị H2 vắng mặt tại phiên tòa.

Đại diện bị đơn dân sự trình bày ý kiến: Nhất trí với bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố H1, tỉnh Hưng Yên đã xét xử, không kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên phát biểu quan điểm: Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và xét hỏi tại phiên tòa, có đủ căn xác định bị cáo Đào Ngọc H là phó ban quản lý chợ Phố Hiến. Tối ngày 19/3/2014 trách nhiệm của bị cáo H là trực chỉ huy của ban quản lý chợ P. Theo quy định của công ty TNHH đầu tư và phát triển H P thì 18 giờ 30 phút bị cáo H phải thực hiện đóng cửa nhà chợ 1 và nhà chợ 2, cắt toàn bộ hệ thống điện của hai nhà chợ.

Tuy nhiên, trong phiên trực khi đóng cửa chợ bị cáo chỉ cắt điện của nhà chợ 2, không cắt điện của nhà chợ 1 lấy lý do để điện bơm nước ngoài giờ, hậu quả hành vi của bị cáo H đã gây cháy chợ P, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo H về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999 và phạt bị cáo 04 năm tù là đúng pháp luật, không oan sai. Đối với kháng cáo của các người có quyền lợi liên quan thì thấy: Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo H về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, khách thể của tội này xâm phạm sự hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức nên Tòa án cấp sơ thẩm xác định tư cách các hộ tiểu thương trong vụ cháy chợ P là người có quyền lợi liên quan vụ án là đúng.

Về phần trách nhiệm dân sự, do các tiểu thương không xuất trình tài liệu chứng cứ về phần tài sản bị thiệt hại, nên cấp sơ thẩm tách ra để giải quyết bằng vụ kiện dân sự khác khi có yêu cầu là phù hợp với Điều 28 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Do vậy, kháng cáo của bị cáo H và 06 người có quyền lợi liên quan vụ án không được chấp nhận, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355 Bộ luật tố Tụng hình sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Các luật sư bào chữa của bị cáo H trình bày luận cứ bào chữa: Trong quá trình giải quyết vụ án có vi phạm về thủ tục tố tụng. Đó là, trong khi khám nghiệm hiện trường thu giữ vật chứng nhưng không có biên bản niêm phong vật chứng riêng; biên bản khám nghiệm hiện trường không có đầy đủ chữ ký của người tham gia khám nghiệm, người ghi, ký biên bản nhưng không có tên trong thành phần tham gia khám nghiệm; bản kết luận giám định chỉ có chữ ký của giám định viên Phạm Ngọc B, các cán bộ giám định tham gia khám nghiệm nhưng không thực hiện giám định; vật chứng sau giám định không hoàn lại làm ảnh hưởng yêu cầu đề nghị giám định lại của bị cáo H. Trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật là ông Bùi Hồng K và ông Trần Đức K1, bị cáo H không có trách nhiệm thực hiện phòng cháy, chữa cháy. Đào Ngọc H để điện bơm nước ngoài giờ là thực hiện chỉ đạo của anh L1 và ông K. Chủ đầu tư vi phạm quy định về PCCC, lắp máy bơm nước không có trong thiết kế được duyệt. Chủ kiot có máy bơm đặt, ngày 19/3/2014 về trước một tiếng nên hàng hóa có thu gọn không, có tắt điện không chưa được làm rõ; không tiến hành thực nghiệm điều tra và làm rõ kiot số 01 đặt máy bơm có mấy đường điện; kết luận giám định không có cơ sở vì không xác định được có bao nhiêu đường điện vào gây cháy.

Cần phải làm rõ trách nhiệm của ai là người vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy; công ty TNHH kinh doanh và quản lý chợ P chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC, không có phương án PCCC. Vụ án còn có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, cần xác định trách nhiệm của chủ đầu tư và trách nhiệm của bị cáo H. Chủ đầu tư vi phạm lắp đặt máy bơm ngoài thiết kế được duyệt, không xác định rõ được chất lượng máy bơm; bố trí gian hàng đặt máy bơm để bán quần áo. Cơ quan PCCC nghiệm thu công trình sau khi đã đưa vào sử dụng và không có lực lượng PCCC cơ sở. Bị cáo H không phải để điện ngoài giờ, vì theo nội quy chợ được Sở Công thương phê duyệt thì thời gian đóng cửa chợ là 21 giờ hàng ngày…Hợp đồng lao động của công ty với H và bản mô tả công việc không gắn liền nhau, không có chữ ký của H và không có dấu của công ty. Từ các vi phạm trên, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm c khoản 1 Điều 355 Bộ luật tố tụng hình sự, hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các người có quyền lợi liên quan vụ án phát biểu ý kiến: Đồng ý với cách đánh giá, đưa ra tài liệu chứng cứ, sai lầm của cấp sơ thẩm mà các luật sư bào chữa cho bị cáo H đã phát biểu. Xác định tính chất của vụ án cháy chợ, nguồn điện là máy bơm nước, quần áo trong kiot bán hàng của chị Th2. Cấp sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và đánh giá nhầm về tư cách tham gia tố tụng của các tiểu thương phải là người bị hại chứ không phải người có quyền lợi liên quan vụ án. Tài sản thiệt hại của các tiểu thương gắn liền với vụ án, nên không thể tách phần dân sự ra được. Về trách nhiệm bồi thường cấp sơ thẩm tách ra không đề cập, không đánh giá về trách nhiệm bồi thường và mức bồi thường là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, làm rõ hành vi vi phạm PCCC, xác định thiệt hại và tư cách tham gia tố tụng của các hộ tiểu thương.

Chị H3, bà Y, bà T1 có mặt tại phiên tòa đồng ý với quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích của mình; ông Văn Sỹ H4 và anh Nguyễn Văn H5 giữ nguyên như yêu cầu kháng cáo, đề nghị Tòa án giải quyết theo pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Đơn kháng cáo của bị cáo Đào Ngọc H và 06 người có quyền lợi liên quan vụ án được làm trong thời hạn luật định là hợp pháp.

[2] Xét kháng cáo của bị cáo Đào Ngọc H, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:

Đào Ngọc H vào làm việc tại công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ P do ông Bùi Hồng K làm giám đốc từ năm 2011, hàng năm có ký hợp đồng lao động và kèm theo hợp đồng lao động là bản mô ta công việc. Ngày 01/01/2012 Đào Ngọc H được bổ nhiệm vị trí chức vụ Phó Ban quản lý chợ P. Với Hợp đồng lao động và bản mô tả công việc thì vị trí phó ban quản lý chợ P của H có những nhiệm vụ sau: Nghiêm chỉnh chấp hành quy chế hoạt động do công ty đề ra; chịu trách nhiệm trước công ty và trước pháp luật về mọi công việc được giao; đảm bảo tốt an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường; tự chịu trách nhiệm mở cửa, kiểm tra hàng hóa và thiết bị an toàn trước khi đóng cửa chợ. Sau khi đóng cửa chợ tuyệt đối không có nhân sự làm việc trong nhà chợ 02 tầng; sau khi đóng cửa ngừng hoạt động chợ, các phó ban quản lý chợ có trách nhiệm cắt toàn bộ hệ thống điện và các thiết bị phục vụ trong nhà chợ vào 18 giờ 30 phút hàng ngày.

Lời khai của bị cáo Đào Ngọc H tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm đều thừa nhận, bị cáo vào làm việc tại công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ P từ năm 2011 do ông Bùi Hồng K là giám đốc. Trong các năm từ 2011 đến 2014, hàng năm bị cáo với công ty có ký hợp đồng lao động, thực hiện nhiệm vụ được phân công của giám đốc công ty và từ năm 2012 bị cáo được giám đốc công ty bổ nhiệm vị trí chức vụ Phó ban quản lý chợ P. Nhiệm vụ của bị cáo H thực hiện theo quy chế công ty và nội quy của chợ P do công ty ban hành. Ngày 19/3/2014, Đào Ngọc H trực Ban quản lý chợ ca đêm từ 18 giờ 30 đến 06 giờ 30 sáng ngày 20/3/2014.

Do bị cáo về nhà ăn cơm đến 07 giờ tối (19 giờ) cùng ngày thì lên trực ca và theo nhiêm vụ được phân công thì bị cáo phải có trách nhiệm khóa cửa, cắt cầu dao điện các nhà chợ 1 và nhà chợ 2; nhưng trong ca trực tối ngày 19/3/2014 bị cáo chỉ cho khóa cửa, cắt cầu dao điện của nhà chợ 2, còn nhà chợ 1 bị cáo khóa cửa nhưng vẫn để điện thêm 03 tiếng nữa để cho máy bơm nước hoạt động bơm nước lên các téc chứa nước trên tầng của nhà chợ 1 cho các tiểu thương kinh doanh hàng thủy, hải sản hoạt động theo giờ mở cửa chợ 1 là 4 giờ sáng ngày 20/3/2014. Bị cáo cho rằng việc để điện trong nhà chợ 1 bơm nước ngoài giờ đã thực hiện hơn một tháng trước khi cháy chợ. Do các hộ tiểu thương kêu thiếu nước vào buổi sáng, các ca trực đêm khác cũng đều làm như vậy và việc thiếu nước bị cáo đã phản ảnh tại cuộc họp công ty trong tháng 02/2014, giám đốc Bùi Hồng K đã giao cho bị cáo và anh L1 bàn biện pháp khắc phục thiếu nước. Xét lời khai của bị cáo H tại các phiên tòa đều phù hợp với bản tường trình, lời khai, bản cung, kết quả đối chất của bị cáo tại cơ quan điều tra có trong hồ sơ vụ án.

Đó là: Tại bản kiểm điểm của H viết ngày 14/4/2014, bị cáo xác định: Tôi làm việc tại công ty H P từ năm 2011 đến nay…  đã được phổ biến toàn bộ nội quy, quyết định, bản mô tả công việc …Ngày 19/3/2014 tôi trực Ban quản lý chợ từ 18 giờ đến 6 giờ 30 ngày 20/3/2014, nhiệm vụ là quản lý khóa, kiểm tra hàng hóa và các thiết bị điện, khóa cửa khu vực chợ P và đóng, mở cầu dao điện khi chợ ngừng hoạt động và chợ hoạt động. Tôi để máy bơm nước trong nhà chợ 1 không ngắt điện … mục đích để máy bơm hoạt động ngoài giờ, bơm nước phục vụ các hộ tiểu thương bán hải sản và khu vệ sinh. Việc làm của tôi có bàn bạc với anh Lê Xuân L1 - Trưởng ban dự án chợ P của công ty TNHH đầu tư và phát triển H P mà chưa trao đổi với anh K - Tổng giám đốc. Đến 21 giờ cùng ngày (19/3/2014) anh Th bảo vệ phát hiện có còi báo cháy chợ (bl 254).

Lời khai của bị cáo H từ bút lục số 255 đến 266 đều thể hiện: Trong ca trực trách nhiệm của tôi là người trực tiếp đi kiểm tra hàng hóa, thiết bị an toàn, cắt toàn bộ hệ thống điện và các thiết bị trong nhà chợ vào 18 giờ 30 hàng ngày. Lý do tôi không thực hiện đúng nội quy, quy định (giờ tắt điện) mục đích chỉ để máy bơm nước hoạt động lấy nước cho các hộ kinh doanh sử dụng, nên tôi đã mở điện ngoài giờ quy định. Khi tôi để máy bơm hoạt động ngoài giờ quy định tôi không giám sát và cũng không cử ai giám sát, trông coi… máy bơm sử dụng nguồn điện chung trong nhà chợ 1. Bị cáo để điện bơm nước ngoài giờ theo ý kiến của anh L1 vì trong cuộc họp công ty bị cáo có ý kiến về việc chợ thiếu nước vào buổi sáng, anh K giao cho bị cáo và anh L tìm biện pháp để đủ nước phục vụ tiểu thương. Sau đó bị cáo và anh L1 có bàn vị trí xây bể ngầm, khoan giếng ở bên ngoài chợ để anh L1 báo cáo giám đốc và anh L1 có trao đổi với bị cáo để điện bơm nước ngoài giờ thêm 03 tiếng, nên bị cáo đã triển khai cả anh P2 là Phó ban quản lý chợ cũng thực hiện để điện bơm nước ngoài giờ.

Bản cung của Đào Ngọc H ngày 02/8/2014, bị cáo xác định: Các lời khai tôi đã trình bày với cơ quan điều tra là hoàn toàn đúng sự thật, không thay đổi, bổ sung hay thêm bớt gì khác. Trách nhiệm khóa cửa và ngắt toàn bộ hệ thống điện nhà chợ 2 tầng ngày 19/3/2014 là thuộc trách nhiệm của tôi…; việc tôi để điện ngoài giờ bơm nước Ban giám đốc không biết và không có văn bản, chỉ thị gì về việc đó. Tôi chỉ trao đổi với anh L1 về sự việc trên…anh L1 không ra quyết định, chỉ đạo nào bằng văn bản đồng ý việc sử dụng máy bơm nước ngoài giờ. Khi để máy bơm chạy ngoài giờ tôi không phân công ai trông coi. Tôi tự nhận thấy việc tôi tự ý để máy bơm nước hoạt động ngoài giờ… không ngắt điện khu chợ 1…dẫn đến hậu quả cháy chợ P ngày 19/3/2014 là vi phạm pháp luật.

Tại biên bản đối chất giữa bị cáo H với ông Bùi Hồng K ngày 26/6/2015 H xác định: Tại cuộc họp ngày 08/02/2014 tôi có ý kiến về việc thiếu nước… anh K chỉ đạo giao cho tôi và anh L1 khảo sát địa điểm xây thêm bể chứa bên ngoài nhà chợ 2 tầng…sau khảo sát anh L1 báo cáo lại anh K; ngoài ra anh K không chỉ đạo gì khác. Sau cuộc họp trên khoản 1 - 2 ngày, anh L1 gặp tôi và chỉ đạo để điện trong nhà chợ 1 cho máy bơm nước hoạt động cấp nước bổ sung thêm khoảng 03 tiếng mới ngắt điện nhà chợ. Anh K không có ý kiến chỉ đạo trực tiếp với tôi về vấn đề này. Sau khi nhận chỉ đạo của anh L1 thì tôi có để điện nhà chợ 1 để bơm nước.

Tôi làm việc này trong các ca trực của mình từ giữa tháng 02 cho đến khi chợ cháy. Quá trình thực hiện tôi không báo cáo với anh K về việc này. Qua đối chất, ông Bùi Hồng K xác định lời trình bày của Đào Ngọc H đúng và xác định không có bất kỳ ý kiến chỉ đạo cho anh H hoặc anh L1 về việc để điện ngoài giờ quy định (bl 316).

Xét các lời khai nhận của bị cáo Đào Ngọc H đều phù hợp với lời khai của các người làm chứng: Ông Trần Đức K - Trưởng ban quản lý chợ P; anh Nguyễn Quốc P2 - Phó ban quản lý chợ P (bl 89- 100), lời khai của các bảo vệ là ông Nguyễn Ngọc X và các anh Vũ Thế Kh, Nguyễn Văn V, Nguyễn Văn Th là bảo vệ cùng ca trực với bị cáo H đêm ngày 19/3/2014; đồng thời phù hợp các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Đó là: Quyết định số 98 ngày 06/01/2014 của công ty TNHH đầu tư và phát triển H P quy định về thời gian hoạt động của chợ P dựa trên các căn cứ: Điều lệ, giấy phép kinh doanh của công ty TNHH đầu tư và phát triển H P; nội quy chợ P đã được phê duyệt; đề xuất, kiến nghị của các hộ tiểu thương kinh doanh tại nhà chợ 02 tầng và đề nghị của lãnh đạo Ban quản lý chợ P về việc thay đổi thời gian mở cửa hoạt động của nhà chợ 02 tầng. Tại Điều 1 khoản 1 quy định thời gian mở cửa tại nhà chợ 02 tầng: Chợ dân sinh mở cửa từ 04 giờ đến 18 giờ 30 phút hàng ngày; chợ bán vải, quần áo, mũ, nón, giầy dép mở cửa từ 07 giờ đến 18 giờ 30 phút hàng ngày. Khoản 2 quy định: Ban quản lý chợ và tổ đội trực bảo vệ liên quan thuộc ban quản lý có trách nhiệm phân công trực chỉ huy và trực nhà chợ 24/24, đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường tại chợ P. Khoản 3 quy định: Các phó ban có trách nhiệm tự chịu trách nhiệm mở cửa, kiểm tra hàng hóa và thiết bị an toàn trước khi đóng cửa chợ, sau khi đóng cửa chợ tuyệt đối không có nhân sự làm việc trong nhà chợ 2 tầng. Khoản 4 quy định: Sau khi đóng cửa ngừng hoạt động chợ, các phó ban quản lý chợ có trách nhiệm cắt toàn bộ hệ thống điện và các thiết bị trong nhà chợ. Thời gian thực hiện vào 18 giờ 30 phút hàng ngày (bao gồm cả thứ 7, chủ nhật, ngày lễ, tết). Tại điều 2 và phần nơi nhận đều quy định trách nhiệm của Ban quản lý chợ có trách nhiệm thi hành, giao cho ban quản lý chợ thông báo trực tiếp và còn được dán công khai tại các điểm nhà chợ hai tầng. Trong sổ công văn của công ty giao nộp trong hồ sơ vụ án có thể hiện, bị cáo H đã được nhận quyết định số 98 này và ký tên trong sổ nhận công văn (bl 377). Trách nhiệm của bị cáo H với vị trí chức vụ Phó ban quản lý chợ P có chức năng nhiệm vụ được giao còn thể hiện trong nội quy chợ P ngày 10/11/2013 đã được Sở Công thương tỉnh Hưng Yên phê duyệt ngày 31/12/2013 và được thông báo công khai, thể hiện lời khai các tiểu thương đều xác nhận. Việc điều chỉnh thời gian đóng cửa chợ thể hiện trong quyết định số 98 của công ty TNHH đầu tư và phát triển H P quy định thời gian đóng cửa chợ ngừng hoạt động vào 18 giờ 30 phút hàng ngày hoàn toàn nằm trong phạm vi thời gian hoạt động của chợ P theo nội quy đã được phê duyệt. Quyết định số 98 đã được triển khai trong công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ P để tổ chức thực hiện và điều hành hoạt động của chợ; quyết định này cũng được công khai và thông báo đến các hộ tiểu thương kinh doanh trong chợ, thể hiện tại lời khai của khoảng 300 tiểu thương kinh doanh trong chợ đều xác định thời gian hoạt động của chợ (giờ mở cửa, giờ đóng cửa chợ) đúng như quy định trong quyết định số 98 của công ty TNHH đầu tư và phát triển H P đã ban hành, thực hiện. Việc quy định giờ mở cửa, giờ đóng cửa chợ chính bị cáo Đào Ngọc H phó ban quản lý chợ duy trì thực hiện được thể hiện trong lời khai của bị cáo trước cơ quan điều tra và các phiên tòa. Luật sư bào chữa của bị cáo cho rằng Quyết định số 98 quy định thời gian đóng cửa chợ vào hồi 18 giờ 30 phút hàng ngày là sai nội quy chợ là không đúng; thời gian công ty quy định lại vẫn phù hợp với thời gian hoạt động và trong phạm vi thời gian hoạt động của nội quy chợ P đã được phê duyêt. Trường hợp công ty quy định thời gian đóng cửa chợ ngừng hoạt động sau 21 giờ mới là ngoài quy định của nội quy hoạt động chợ đã được duyệt. Hậu quả của việc cháy chợ P đêm ngày 19/3/2014 được thể hiện qua các dấu vết thể hiện trong biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường và Bản kết luận giám định số: 825/C54-P2 ngày 03/4/2014 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: Điểm xuất phát cháy nằm ở khu vực giáp tường phía Bắc bên trong kiốt số 01, dẫy 01, tầng 01, khu chợ 01 (theo sơ đồ hiện trường) thuộc chợ P, phường L L, thành phố H1, tỉnh Hưng Yên. Nguyên nhân cháy chợ:  Do chập điện đường dây dẫn điện của máy bơm nước làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó cháy lan ra xung quanh dẫn đến vụ cháy nói trên.

Qua sự phân tích trên, căn cứ các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết luận giám định, định giá của cơ quan chuyên môn, có đủ cơ sở kết luận: Đào Ngọc H ký kết hợp đồng lao động với công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ P, được giao giữ vị trí chức vụ Phó ban quản lý chợ P. Tối ngày 19/3/2014 bị cáo H được giao nhiệm vụ trực ca đêm cùng 04 người trong tổ bảo vệ, thời gian trực từ 18 giờ 30 phút ngày 19/3/2014 đến 06 giờ 30 phút ngày 20/3/2014. Nhiệm vụ của bị cáo H theo Quyết định số 98 ngày 06/01/2014 của công ty TNHH đầu tư và phát triển H P, nội quy chợ thì H phải có trách nhiệm kiểm tra hàng hóa, thiết bị bảo đảm an toàn trong nhà chợ, đóng cửa toàn bộ nhà chợ 1, nhà chợ 2 và cắt toàn bộ hệ thống điện của 2 nhà chợ để đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ, nhưng bị cáo đã thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, theo lời khai của bị cáo H thì 7 giờ (19 giờ) ngày 19/3/2014 bị cáo mới đến để trực chỉ huy Ban quản lý chợ, sau khi khóa cửa chợ thì bị cáo H chỉ cắt cầu dao điện của nhà chợ 2, còn nhà chợ 1 bị cáo vẫn để hệ thống điện trong nhà chợ chỉ để phục vụ việc bơm nước ngoài giờ quy định. Bị cáo không trực tiếp hoặc cử người trông coi, giám sát máy bơm nước hoạt động trong nhà chợ ngoài giờ mà đi lên nhà điều hành của Ban quản lý chợ nằm cách xa vị trí chợ khoảng 100 mét, nên khi xảy ra sự cố chập cháy điện bị cáo không phát hiện được để xử lý sớm, kịp thời ngăn chặn hậu quả. Đến khoảng 21 giờ ngày 19/3/2014, khi anh Th là bảo vệ chợ đi tuần mới phát hiện được tín hiệu báo cháy trong nhà chợ và chạy lên báo thì H mới xuống mở cửa để chữa cháy nhưng đã quá muộn và toàn bộ chợ, hàng hóa của tiểu thương trong chợ bị cháy hết, gây thiệt hại nhiều chục tỉ đồng về tài sản của Công ty TNHH đầu tư và phát triển H P và thiệt hại của khoảng ba trăm hộ tiểu thương kinh doanh trong chợ P. Hậu quả thiệt hại trên có mối quan hệ nhân quả với hành vi thiếu trách nhiệm của bị cáo H trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao, mà nguyên nhân cháy chợ là do chập điện đường dây dẫn điện của máy bơm nước trong khi bị cáo không cắt điện khi đóng cửa chợ theo quy định là việc H phải làm nhưng bị cáo lại không làm dẫn đến hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

Bị cáo Đào Ngọc H là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, hành vi của bị cáo không hành động thực hiện việc cắt điện khi hết giờ chợ ngừng hoạt động theo đúng quy định nhiệm vụ của bị cáo phải làm; hành vi của bị cáo được thực hiện với lỗi vố ý do tự tin; bị cáo H nhận thức được điện là nguồn nguy hiểm cao độ, để điện bơm nước ngoài giờ quy định trong khi cửa chợ khóa kín, không có người trông coi, giám sát, khi có sự cố gây chập cháy điện sẽ gây hậu quả khôn lường. Bị cáo H tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại là cháy chợ nhưng lại tin rằng hậu quả cháy chợ không xảy ra. Hành vi thiếu trách nhiệm của Đào Ngọc H gây ra cháy chợ P như phân tích trên, có đủ dấu hiệu cấu thành Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng, theo quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999. Xét hậu quả thiệt hại do hành vi thiếu trách nhiệm của bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại nhiều chục tỷ đồng, gây mật trật tự trị an xã hội, làm ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của các hộ tiểu thương trong chợ. Do đó, cấp sơ thẩm đã thay đổi tội danh truy tố cho bị cáo và Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Đào Ngọc H về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan sai. Việc bị cáo và người bào chữa của bị cáo cho rằng bị cáo để điện bơm nước ngoài giờ là làm theo chỉ đạo của anh Lê Xuân L1 và theo chỉ đạo của giám đốc Bùi Hồng Kỳ, nhưng anh L1 xác định không chỉ đạo bị cáo để điện bơm nước ngoài giờ quy định mà chỉ thực hiện chỉ đạo của giám đốc K để phối hợp với bị cáo tìm vị trí xây bể nước và bơm nước giếng ngầm sử dụng cho nhà chợ ngoài trời. Ông Bùi Hồng K xác định có chỉ đạo H và anh L1 bàn để khắc phục thiếu nước cho tiểu thương dùng đầu buổi sáng chứ không chỉ đạo và cũng không biết việc để điện trong nhà chợ bơm nước ngoài giờ. Do đó, lời khai này của bị cáo H thì mâu thuẫn với các lời khai trong quá trình điều tra có trong hồ sơ; lời khai của ông K và anh L1 phù hợp như nội dung cuộc họp đã được bị cáo H và anh P2 ghi chép trong sổ công tác giao nộp có trong hồ sơ vụ án.

Đối với quan điểm của các luật sư bào chữa cho bị cáo H, Hội đồng xét xử xét thấy: Về thủ tục tố tụng trong hồ sơ vụ án còn có một số thiếu sót, nhưng không làm thay đổi bản chất của sự việc; các thiếu sót đó đã được nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, đã một lần Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra bổ sung và đã cơ bản khắc phục được, nên không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm.

Vì vậy, kháng cáo của bị cáo kêu oan và quan điểm của các luật sư bào chữa cho bị cáo H đề nghị hủy bản án sơ thẩm là không có căn cứ chấp nhận, nên giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đối với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên có cơ sở được chấp nhận.

[3] Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, Tòa án cấp phúc thẩm đã một lần hủy bản án sơ thẩm để điều tra bổ sung; quá trình điều tra chưa có căn cứ chứng minh có tội phạm khác hoặc người phạm tội khác, nên bản án sơ thẩm đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục điều tra, xác minh nếu có căn cứ có tội phạm khác hoặc người phạm tội khác thì xử lý theo quy định của pháp luật là phù hợp.

[4] Xét kháng cáo của 06 người có quyền lợi liên quan vụ án, gồm: Các chị Nguyễn Thị H2, Nguyễn Thị Thu H3, ông Văn Sỹ H4, anh Nguyễn Văn H5 và các bà Bùi Thị Y, Phạm Thị Thanh T1; Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:

- Về phần không xác định tư cách là người bị hại mà xác định tư cách là người có quyền lợi liên quan là không đúng. Nội dung này như đã nhận xét ở phần xét kháng cáo của bị cáo H, kết luận bị cáo Đào Ngọc H phạm Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đây là tội phạm về chức vụ, khách thể xâm phạm là sự hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; thiệt hại của các tiểu thương là ngoài mong muốn của bị cáo. Bị cáo H làm việc cho công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ P, nên trách nhiệm của công ty phải thực hiện về nghĩa vụ bồi thường, còn bị cáo có nghĩa vụ bồi hoàn cho công ty khi có yêu cầu. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xác định các hộ tiểu thương, trong đó có 06 tiểu thương kháng cáo là người có quyền lợi liên quan trong vụ án là đúng theo quy định của pháp luật về tư cách người tham gia tố tụng.

- Về phần trách nhiệm dân sự: Trong số 189 hộ tiểu thương có yêu cầu bồi thường thiệt hại, nhưng có 188 người trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm không cung cấp được hóa đơn, chứng từ đầu vào, đầu ra và căn cứ pháp lý xác định số tài sản thực tế bị thiệt hại khi cháy chợ P là bao nhiêu? mà chỉ tự khai thiệt hại tài sản bằng một khoảng tiền nhất định, không có chứng cứ chứng minh; cơ quan định giá tài sản thiệt hại trong tố tụng được trưng cầu có văn bản trả lời không có căn cứ định giá trị tài sản của các tiểu thương bị thiệt hại do cháy chợ P. Duy nhất, chỉ có ông Nguyễn Tiến H5 (chồng bà Bùi Thị Y) cung cấp được các phiếu lấy hàng của năm 2013, 2014 nhưng không có căn cứ chứng minh lượng hàng hóa lấy về đã bán ra, lượng hàng hóa trước khi chợ P bị cháy còn lại cụ thể là bao nhiêu  để xác định giá trị hàng hóa bị thiệt hại  thực tế của bà Y là bao nhiêu?…Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã tách phần dân sự để giải quyết bằng vụ kiện dân sự khác khi có yêu cầu bồi thường là phù hợp theo quy định của pháp luật. Mặt khác, bản án sơ thẩm đã tách phần dân sự không giải quyết thì Tòa cấp phúc thẩm không xem xét, giải quyết được vì sẽ mất đi quyền kháng cáo của các bên và vượt quá giới hạn xét xử phúc thẩm.

- Về phần tội danh của bị cáo Đào Ngọc H như đã được phân tích trong phần xét kháng cáo của bị cáo H ở phần trên.

- Phần kháng cáo của 06 người có quyền lợi liên quan cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm mở phiên tòa bí mật, không thông báo để đến phiên tòa. Tuy nhiên, căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án xác định, Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện việc triệu tập người tham gia tố tụng đến phiên tòa; khi phiên tòa bị hoãn, thay đổi thời gian mở phiên tòa, do số lượng người triệu tập lớn và đều là tiểu thương đang kinh doanh tại chợ P nên Tòa án cấp sơ thẩm đã có thông báo gửi Ban quản lý chợ và đã được thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của chợ P để các tiểu thương là người có quyền lợi liên quan vụ án đang kinh doanh tại chợ P biết để đến tham gia tố tụng tại phiên tòa. Vụ án lần này xét xử sơ thẩm công khai lưu động là lần thứ 2 tại trụ sở UBND phường L S, thành phố H1, tỉnh Hưng Yên. Sau khi xét xử xong, Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện việc gửi, niêm yết bản án đầy đủ và đúng theo quy định của pháp luật. Do đó, các người có quyền lợi liên quan vụ án cho rằng cấp sơ thẩm mở phiên tòa bí mật là không có cơ sở.

Từ phân tích trên, xét kháng cáo của 06 người có quyền lợi liên quan và quan điểm của luật sư bảo vệ quyền lợi cho 04 người có quyền lợi liên quan không được chấp nhận, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm. Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên tại phiên tòa được chấp nhận.

Các phần khác của bản án sơ thẩm không có liên quan việc kháng cáo, không bị kháng nghị nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét.

Bị cáo kháng cáo không được chấp nhận nên phải chịu án phí phúc thẩm hình sự.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 355; Điều 356; khoản 2 Điều 135; khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015; khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.

1. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đào Ngọc H và 06 người có quyền lợi liên quan vụ án (chị H2, chị H3, ông H4, anh H5, bà Y, bà T1); giữ nguyên quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm số: 47/2017/HS-ST ngày 18 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân thành phố H1, tỉnh Hưng Yên như sau:

Tuyên bố: Bị cáo Đào Ngọc H phạm Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Áp dụng: Khoản 2 Điều 285; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự; Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Xử phạt bị cáo Đào Ngọc H 04 (bốn) năm tù, được trừ 01 (một) tháng 29 (hai chín) ngày đã bị tạm giam (từ ngày 15/4/2014 đến ngày 12/6/2014); bị cáo H còn phải thi hành là 03 (ba) năm 10 (mười) tháng 01 (một) ngày tù; thời hạn chấp hành hình phạt được tính từ ngày bắt đầu thi hành án.

Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo H.

- Về trách nhiệm dân sự: Công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ P không yêu cầu giải quyết phần bồi thường dân sự nên không giải quyết. Đối với phần thiệt hại của các tiểu thương kinh doanh tại chợ P được tách ra để giải quyết bằng vụ kiện dân sự khác sau vụ án hình sự này, khi có yêu cầu khởi kiện đối với bị đơn dân sự về thiệt hại của mình.

2. Về án phí: Bị cáo Đào Ngọc H phải chịu 200.000đ, (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

3037
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng 20/2018/HS-PT

Số hiệu:trọng 20/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hưng Yên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 02/05/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;