TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
BẢN ÁN 100/2022/HS-PT NGÀY 28/03/2022 VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN
Ngày 28 tháng 03 năm 2022, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 342/2022/TLPT-HS ngày 18 tháng 12 năm 2021, đối với bị cáo Đinh Thị S do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 88/2021/HS-ST ngày 22/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh Đồng Nai.
Bị cáo có kháng cáo:
Đinh Thị S; Tên gọi khác: Không; Giới tính: Nữ; Sinh năm 1970 tại Nghệ An: Nơi ĐKTT: ấp B, xã X, huyện X, tỉnh Đồng Nai; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 12/12; Nghề nghiệp: Viên chức; Cha: Đinh Xuân V, sinh năm 1924; Mẹ: Trần Thị L, sinh năm 1931; Chồng: Nguyễn Văn C, sinh năm 1968; Con: có 02 người con, sinh năm 2001 và năm 2005; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo tại ngoại. (bị cáo có mặt tại phiên tòa)
Trong vụ án còn có bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nhưng không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị; Toà án không triệu tập.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh Đồng Nai được đổi tên thành Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai, theo quyết định số 3882/QĐ-UBND ngày 04 tháng 12 năm 2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai. Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai trực thuộc Sở Lao động - Thương binh xã hội tỉnh Đồng Nai và có cơ cấu tổ chức gồm: 01 giám đốc, 02 phó giám đốc và 06 phòng trực thuộc. Ngày 26/01/2016, ông Hồ Trí L, sinh năm 1967, thường trú tại ấp Trung Lương, xã Xuân Trường, huyện X, tỉnh Đồng Nai được bổ nhiệm làm Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai, có địa chỉ tại ấp B, xã X, huyện X, tỉnh Đồng Nai. Ông L đã ban hành Quyết định số 03/QĐ-ĐTNMT ngày 26/01/2016 về việc thành lập Tổ quản trị đời sống thuộc phòng Tổ chức - Hành chính – Kế toán gồm 09 thành viên, trong đó: bà Đinh Thị S, kế toán đơn vị, được phân công làm Tổ trưởng; ông Phạm Đức B được giao phụ trách tổ nuôi ăn; bà Ngô Thị O được giao thủ kho, kiêm thủ quỹ; bà Âu Thị N, kế toán; ông Hà Xuân T, phụ trách kế toán. Tổ Quản trị đời sống chịu trách nhiệm cung ứng hàng hóa phục vụ cho cán bộ, viên chức đang công tác và học viên cai nghiện tại Cơ sở. Đồng thời, Tổ quản trị đời sống chịu trách nhiệm về giá cả, chất lượng hàng hóa và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa. Tổ trưởng Tổ quản trị đời sống chịu trách nhiệm theo dõi kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao giữa các thành viên trong tổ và trực tiếp hạch toán các hoạt động thu chi đảm bảo đúng quy định về tài chính của đơn vị chống hao hụt, mất mát về tài sản, về giá cả và chất lượng hàng hóa.
Lợi dụng sơ hở trong công tác điều hành, quản lý tài sản của Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai. Một số cá nhân của Tổ quản trị đời sống đã có hành vi nâng khống số lượng và giá cả một số mặt hàng, lập hồ sơ để quyết toán nhằm chiếm đoạt tài sản. Ngày 22/6/2016, ông L đã ban hành Quyết định số 80/QĐ- CSĐTNMT, thành lập Tổ kiểm tra để tiến hành kiểm tra làm rõ dấu hiệu sai phạm của Tổ quản trị đời sống. Kết quả tổ thanh tra đã kết luận: Tổng số tiền nâng khống (bao gồm số lượng hàng hóa và giá cả) đã làm thủ tục quyết toán là: 96.082.910 đồng. Tổ đời sống đã làm thủ tục quyết toán, trình Giám đốc Cơ sở đã duyệt chi cho các chủ hàng số tiền 60.498,820 đồng, số còn lại chưa được duyệt chi. Hình thức thanh toán bằng chuyển khoản nguồn kinh phí do UBND tỉnh cấp và thanh toán bằng tiền mặt do số học viên cai nghiện tự nguyện đóng.
Các cá nhân bán hàng hóa cho Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai là những chủ hàng đã bán hàng cho Cơ sở điều trị nghiện từ nhiều năm qua, bao gồm: Phạm Thế Hiển, Trần Thị Tuyết Mai, Lê Thị Hồng Nhung, Trần Duy Khánh, Trần Thanh Kế, Mã Thị Hồng Vân, Dương Vũ Việt Phi Long.
Hình thức mua bán: Vào đầu mỗi tháng bên bán hàng hóa phải có báo giá những mặt hàng cần bán cho cán bộ được giao nhiệm vụ mua hàng. Nếu được Cơ sở điều trị nghiện chấp nhận về loại hàng hóa theo giá cả bên bán hàng đã báo giá, khi Cơ sở điều trị nghiện có nhu cầu mua loại hàng hóa gì, số lượng bao nhiêu thì bên bán hàng hóa sẽ đem số lượng hàng hóa đó bàn giao cho quản lý bếp ăn học viên cai nghiện nhận. Lúc nhận hàng hóa quản lý bếp ăn có kiểm tra chất lượng hàng hóa, cân, đếm theo quy định. Đối với mặt hàng tươi sống như rau, củ, quả, thịt, cá thì căn cứ vào kế hoạch nuôi ăn và số lượng học viên ăn hàng ngày, cán bộ quản lý đời sống sẽ thông báo để bán. Còn đối với hàng khô như gạo, mỳ gói…nhập theo đợt và có sự gối đầu. Khi tiếp nhận hàng hóa quản lý bếp ăn có ghi vào sổ về số lượng hàng hóa đã giao, không ghi chủng loại và giá cả, không có ký xác nhận của bên giao hàng hóa, còn bên giao hàng hóa tự ghi vào sổ riêng có trường hợp có ký xác nhận của quản lý bếp ăn, có trường hợp không có ký xác nhận của quản lý bếp ăn. Cuối tháng bên bán hàng hóa tự kiểm tra số hàng hóa mà mình đã bán trong tháng, sau đó đối chiếu với quản lý bếp ăn xem số hàng hóa bán đã khớp nhau chưa (việc làm này không lập biên bản và cũng không ký xác nhận tổng số hàng hóa giao nhận hai bên).
Phương pháp thanh toán: Cuối tháng, cán bộ được giao nhiệm vụ mua hàng hóa không căn cứ vào số hàng hóa thực tế đã nhập và xuất cho học viên để lập hồ sơ thanh toán mà căn cứ vào tổng ngày ăn của học viên trong tháng nhân cho định mức số tiền cấp cho mỗi học viên cai nghiện/ngày mà Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định. Sau đó, căn cứ vào kế hoạch nuôi ăn đã được phê duyệt để lập hồ sơ thanh toán. Từ phân bổ tiền ăn của tỉnh, cán bộ được giao mua hàng lập danh sách những mặt hàng, số lượng cần thanh toán rồi đưa danh sách số hàng hóa cần thanh toán cho từng đối tác bán hàng. Đối tác bán hàng hóa căn cứ vào số lượng và loại hàng hóa mà cán bộ mua hàng cần để thanh toán, thì bên bán hàng hóa liên hệ với Chi cục thuế huyện X mua hóa đơn phục vụ cho việc thanh toán hàng hóa. Căn cứ vào thực tế số hàng hóa cần thanh toán cũng như yêu cầu của cán bộ mua hàng hóa, bên bán hàng hóa sẽ mua một hóa đơn hay nhiều hóa đơn. Sau khi bên bán hàng hóa giao hóa đơn cho cán bộ mua hàng đồng thời ký hợp đồng và thanh lý hợp đồng mua hàng hóa, khoảng 10 đến 15 ngày kể từ ngày giao hóa đơn bán hàng thì bên bán hàng hóa nhận được số tiền thanh toán thông qua chuyển khoản đối với hóa đơn có số tiền lớn (thanh toán hàng hóa cho cai nghiện bắt buộc), còn đối với hóa đơn có số tiền nhỏ (cai tự nguyện) thì bên bán hàng nhận tiền mặt. Khi nhận được số tiền chuyển khoản có cá nhân bán hàng hóa biết được số tiền dư so với số hàng mà họ đã bán cho cơ sở (đối với hàng hóa thanh toán hết số lượng đã giao). Đối với một số cá nhân không nắm được số tiền dư là bao nhiêu vì họ còn hàng hóa gối đầu chưa thanh toán hết. Số tiền dư so với số hàng hóa mà họ đã bán, có cá nhân đã đưa cho cán bộ được giao mua hàng hóa, có cá nhân đang giữ. Sau khi thanh tra kiểm tra của Cơ sở, cơ sở yêu cầu các cá nhân có số tiền chênh lệch nộp cho cơ sở, thì bên bán hàng hóa đã nộp lại cho cơ sở. Về sổ sách chứng từ của bên bán hàng hóa, sau khi thanh toán xong tiền thì đa số đã vứt bỏ sổ giao nhận hàng hóa. Cụ thể:
1. Về phần lương thực (gạo) do ông Phạm Thế Hiển bán cho cơ sở:
- Tháng 01: ông Hiển bán 1.000 kg gạo x 10.500 đồng = 10.500.000 đồng.
Ông B đã lập hồ sơ thanh toán số lượng gạo tháng 01 là: 846 kg x 10.500 đồng = 8.883.000 đồng và đã được Giám đốc duyệt thanh toán thể hiện bằng các chứng từ sau:
+ Hóa đơn thứ nhất số lượng 802 kg x 10.500 đồng = 8.421.000 đồng. Ông Hiển nhận thông qua chuyển khoản số 08 , ngày 18/02/2016 (bút lục số 351).
+ Hóa đơn thứ hai số lượng 44 kg x 10.500 đồng = 462.000 đồng. Ông B nhận theo phiếu chi tiền mặt 46/16 ngày 20/02/2016 (bút lục số 398). Số tiền này là tiền gạo tháng 01 của ông Hiển tuy nhiên ông Hiển đã cho lại ông B.
- Tháng 02: Ông Hiển bán 500 kg gạo x 10.500 đồng = 5.250.000 đồng + 154 kg x 10.500 đồng = 1.617.000 đồng (là số gạo dư tháng 1 chuyển qua) = 6.867.000 đồng.
B đã lập hồ sơ thanh toán số lượng gạo tháng 2 là: 745 kg gạo x 10.500 đồng = 7.822.500 đồng, đã được Giám đốc duyệt thanh toán thể hiện bằng các chứng từ sau:
+ Hóa đơn thứ nhất số lượng 720 kg x 10.500 đồng = 7.560.000 đồng. Ông Hiển nhận thông qua chuyển khoản số 19, ngày 03/03/2016 (bút lục số 432). Số tiền này ông Hiển đã nhận dư là 693 .000 đồng, ông Hiển đang giữ.
+ Hóa đơn thứ hai số lượng 25 kg x 10.500 đồng = 262.500 đồng (bút lục số 474). B nhận theo phiếu chi tiền mặt 84/16 ngày 29/02/2016. Đây là số tiền lập dư số lượng gạo, B đã sử dụng tiêu xài cho cá nhân.
Tổng số tiền gạo B lập hồ sơ thanh toán vượt so với thực tế trong tháng 2 là: 955.500 đồng.
- Tháng 3: ông Hiển bán 1.000 kg gạo x 10.500 đồng = 10.500.000 đồng. S đã lập hồ sơ thanh toán số lượng gạo tháng 3 là: 809 kg x 10.500 đồng = 8.494.500 đồng, đã được Giám đốc duyệt thanh toán thể hiện bằng các chứng từ sau:
+ Hóa đơn thứ nhất số lượng 770 kg x10.500 đồng = 8.085.000 đồng. Ông Hiển nhận thông qua chuyển khoản số 50, ngày 22/4/2016.
+ Hóa đơn thứ hai số lượng 39 kg x 10.500 đồng = 409.500 đồng. S nhận theo phiếu chi tiền mặt 287/16 ngày 31/5/2016, số tiền này là của ông Hiển.
- Tháng 4: ông Hiển bán số lượng gạo là 1.800 kg x 11.000 đồng = 19.800.000 đồng.
S lập hồ sơ thanh toán là: 1.305 kg x 11.000 đồng = 14.355.000 đồng đã được Giám đốc duyệt thanh toán thể hiện bằng các chứng từ sau:
+ Hóa đơn thứ nhất số lượng 1.250 kg x 11.000 đồng = 13.750.000 đồng.
Ông Hiển nhận thông qua chuyển khoản số 54, ngày 13/05/2016.
+ Hóa đơn thứ hai số lượng 55 kg x 11.000 đồng = 605.000 đồng. S nhận theo phiếu chi tiền mặt 287/16 ngày 31/5/2016, số tiền này là của ông Hiển.
- Tháng 5: ông Hiển bán 4.500 kg gạo x 11.000 đồng = 49.500.000 đồng. S lập hồ sơ thanh toán nhưng chưa được duyệt thanh toán nên chưa có căn cứ kết luận.
Như vậy, số tiền gạo B thanh toán vượt so với thực tế vào tháng 02 với số tiền là 955.500 đồng.
2. Về phần thực phẩm (thịt heo) do bà Trần Thị Tuyết Mai bán cho cơ sở:
- Tháng 01: bà Mai bán 301,5 kg (thịt heo và mỡ heo) x 65.000 đồng = 19.597.500 đồng. B đã lập hồ sơ thanh toán là số lượng thịt heo tháng 01 là: 316,5 kg x 65.000 đồng = 20.572.500 đồng, đã được Giám đốc duyệt thanh toán thể hiện bằng các chứng từ sau:
+ Hóa đơn thứ nhất số lượng 301,5 kg x 65.000 đồng = 19.597.500 đồng.
Bà Mai nhận thông qua chuyển khoản số 03, ngày 18/02 /2016.
+ Hóa đơn thứ hai số lượng 15 kg x 65.000 đồng = 975.000 đồng. B nhận theo phiếu chi tiền mặt 46/16 ngày 20/02/2016, đây là số tiền thanh toán dư số lượng ông B sử dụng cho cá nhân.
Số tiền thịt heo thanh toán vượt so với thực tế là: 975.000 đồng.
- Tháng 02: bà Mai bán 140,5 kg (thịt heo 130,5 kg x 70.000 đồng và xương heo 10 kg x 52.000 đồng) = 9.655.000 đồng. B lập hồ sơ thanh toán 178,7 kg thịt heo x 70.000 đồng + 10 kg xương heo x 52.000 đồng = 13.029.000 đồng, đã được Giám đốc duyệt thanh toán thể hiện bằng các chứng từ sau:
+ Hóa đơn thứ nhất số lượng (170,7 kg thịt heo x 70.000 đồng và 10 kg xương heo x 52.000 đồng) = 12.469.000 đồng. Bà Mai nhận thông qua chuyển khoản số 22, ngày 07/03/2016. Số tiền bà Mai nhận nhiều hơn so với số hà ng đã giao cho cơ sở là 2.814.000 đồng bà Mai đã đưa cho B tiêu xài cá nhân.
+ Hóa đơn thứ hai số lượng 08 kg thịt heo x 70.000 đồng = 560.000 đồng. B nhận theo phiếu chi tiền mặt 84/16 ngày 29/02/2016, đây là số tiền thanh toán dư số lượng B đã tiêu xài cá nhân.
Số tiền thịt heo B lập hồ sơ thanh toán vượt so với thực tế là: 3.374.000 đồng, B thừa nhận đã sử dụng cho cá nhân.
- Tháng 3: bà Mai bán 249,5 kg thịt heo x 70.000 đồng = 17.465.000 đồng. S lập hồ sơ thanh toán là: 277 kg x 70.000 đồng = 19.390.000 đồng, đã được Giám đốc duyệt thanh toán thể hiện bằng các chứng từ sau:
+ Hóa đơn thứ nhất số lượng 260 kg x 70.000 đồng = 18.200.000 đồng. Bà Mai nhận thông qua chuyển khoản số 48, ngày 22/04/2016. Số tiền bà Mai nhận nhiều hơn so với số hàng đã giao cho cơ sở là 735.000 đồng, bà Mai đã giao nộp cho Cơ quan điều tra.
+ Hóa đơn thứ hai số lượng 17 kg x 70.000 đồng = 1.190.000 đồng nhưng Giám đốc duyệt chi số tiền là: 1.146.000 đồng, S nhận theo phiếu chi tiền mặt 287/16 ngày 31/5/2016.
Số tiền thịt heo S lập hồ sơ thanh toán nhiều hơn so với thực tế là 1.881.000 đồng (thiếu 44.000 đồng so với tổng số thanh toán dư).
- Tháng 4: Bà Mai bán 392 kg (Trong đó: bà Mai bán 353,5 kg x 70.000 đồng = 24.745.000 đồng + bà O bán 34,5 kg x 70.000 đồng = 2.415.000 đồng + bà Kế bán 4 kg x 70.000 đồng = 280.000 đồng) thịt heo x 70.000 đồng = 27.440.000 đồng. S lập hồ sơ thanh toán là: 391 kg x 70.000 đồng = 27.370.000 đồng, đã được Giám đốc duyệt thanh toán thể hiện bằng các chứng từ sau:
+ Hóa đơn thứ nhất số lượng 375 kg x 70.000 đồng = 26.250.000 đồng. Bà Mai nhận số tiền trên thông qua chuyển khoản số 58, ngày 17/05/2016. Bà Mai đã nhận dư so với thịt của bà Mai là: 1.505.000 đồng, bà Mai đưa cho S, S đã trả cho bà O.
+ Hóa đơn thứ hai số lượng 16 kg x 70.000 đồng = 1.120.000 đồng, S nhận theo phiếu chi tiền mặt 287/16 ngày 31/5/2016, số tiền này là của bà O và S đã trả cho bà O 910.000 đồng, số còn lại 210.000 đồng S đang còn giữ chưa trả cho bà Kế.
Số tiền thịt heo thanh toán thiếu so với thực tế là: 70.000 đồng.
- Tháng 5: bà Mai bán 1.231 kg (thịt heo 1.008 kg x 76.000 đồng và xương heo 223 kg x 60.000 đồng) = 89.988.000 đồng. S lập hồ sơ thanh toán là: 1.320 kg x 76.000 đồng = 96.320.000 đồng, bà Mai nhận thông qua chuyển khoản số 74, ngày 21/06/2016. Số hàng hóa thanh toán nhiều hơn so với thực tế là: 6.332.000 đồng, bà Mai đã nộp cho cơ sở cai nghiện.
Tổng số tiền lập hồ sơ thanh toán sai từ tháng 01 đến tháng 5/2016 là: 12.606.000 đồng.
3. Về phần thực phẩm (cá) và chất đốt (trấu) do bà Lê Thị Hồng Nhung bán cho cơ sở:
- Tháng 01: bà Nhung bán (cá biển 108 kg x 29.000 đồng và trấu 448 bao x 22.000 đồng) = 12.988.000 đồng. B lập hồ sơ thanh toán là: 16.242.000 đồng, đã được Giám đốc duyệt thanh toán thể hiện bằng các chứng từ sau:
+ Hóa đơn thứ nhất là: 15.476.000 đồng bà Nhung đã nhận được tiền này thông qua chuyển khoản số 07, ngày 18/02/2016, bà Nhung đã nhận số tiền dư so với số cá mà bà Nhung đã giao cho cơ sở là 2.488.000 đồng, số tiền này bà Nhung đã đưa cho B.
+ Hóa đơn thứ hai là 766.000 đồng, B đã nhận số tiền này từ phiếu chi tiền mặt 46/16 ngày 20/02/2016, B đã tiêu xài cá nhân.
Số tiền cá B lập hồ sơ thanh toán vượt so với thực tế ở tháng 1 là 3.254.000 đồng.
- Tháng 02: bà Nhung bán trấu 236 bao x 22.000 đồng = 5.192.000 đồng. B lập hồ sơ thanh toán là: 8.732.000 đồng, đã được Giám đốc duyệt thanh toán thể hiện bằng các chứng từ sau:
+ Hóa đơn thứ nhất là: 8.498.000 đồng bà Nhung đã nhận được tiền này thông qua chuyển khoản số 23, ngày 03/03/2016, bà Nhung đã nhận số tiền nhiều hơn so với số hàng mà bà Nhung đã giao cho cơ sở là 3.306.000 đồng, số tiền này bà Nhung đã đưa cho B.
+ Hóa đơn thứ hai là 234.000 đồng, B đã nhận số tiền này từ phiếu chi tiền mặt 84/16 ngày 29/02/2016, B đã tiêu xài cá nhân.
Số tiền cá B lập hồ sơ thanh toán vượt so với thực tế ở tháng 2 là 3.540.000 đồng.
- Tháng 03: bà Nhung bán trấu 240 bao x 25.000 đồng = 6.000.000 đồng. S lập hồ sơ thanh toán là: (cá đồng 23 kg x 20.000 đồng và trấu 321 bao x 25.000 đồng) = 8.485.000 đồng, đã được Giám đốc duyệt thanh toán thể hiện bằng các chứng từ sau:
+ Hóa đơn thanh toán thứ nhất là 7.650.000 đồng, bà Nhung đã nhận được số tiền này thông qua chuyển khoản số 47, ngày 22/04/2016, bà Nhung đã nhận số tiền dư so với thực tế là: 1.650.000 đồng. Bà Nhung đã giao nộp cho Cơ quan điều tra.
+ Hóa đơn thanh toán thứ hai là: 835.000 đồng, S nhận từ phiếu chi tiền mặt 287/16 ngày 31/5/2016.
Số tiền cá S lập hồ sơ thanh toán nhiều hơn so với thực tế ở tháng 3 là 2.485.000 đồng.
- Tháng 04: bà Nhung bán (cá biển 81 kg x 26.000 đồng và trấu 428 bao x 25.000 đồng) = 12.806.000 đồng, đã được Giám đốc duyệt thanh toán thể hiện bằng các chứng từ sau:
Bà S lập hồ sơ thanh toán (cá đồng 117 kg x 20.000 đồng và trấu 483 bao x 25.000 đồng) = 14.415.000 đồng.
+ Hóa đơn thanh toán thứ nhất là 13.790.000 đồng, bà Nhung đã nhận được số tiền này thông qua chuyển khoản số 52 ngày 13/05/2016, bà Nhung đã nhận số tiền nhiều hơn so với thực tế là 984.000 đồng, số tiền này bà Nhung đã nộp cho cơ sở cai nghiện.
+ Hóa đơn thanh toán thứ hai là: 625.000 đồng, S nhận từ phiếu chi tiền mặt 287/16 ngày 31/5/2016.
Số tiền cá S lập hồ sơ thanh toán nhiều hơn so với thực tế trong tháng 04 là 1.609.000 đồng.
- Tháng 5: bà Nhung bán (115 kg cá biển x 26.000 đồng và trấu 100 bao x 25.000 đồng = 2.500.000 đồng) = 5.490.000 đồng. S lập hồ sơ thanh toán toán (271,85 kg cá biển x 26.000 đồng và trấu 150 bao x 25.000 đồng) = 10.818.000 đồng, bà Nhung đã nhận được số tiền này thông qua chuyển khoản số 72, ngày 21/05/2016. Số hàng hóa thanh toán nhiều hơn so với thực tế là 5.328.000 đồng, bà Nhung đã nộp cho Cơ sở điều trị nghiện.
Tổng số tiền lập hồ sơ thanh toán nhiều hơn so với thực tế về cá và trấu từ tháng 01/2016 đến tháng 5/2016 là: 16.216.000 đồng.
4. Về phần thực phẩm (cá) do ông Trần Duy Khánh bán cho cơ sở:
- Tháng 01: ông Khánh bán 108 kg cá biển x 25.000 đồng = 2.700.000 đồng. B lập hồ sơ thanh toán 118 kg cá biển x 25.000 đồng = 2.950.000 đồng, đã được Giám đốc duyệt thanh toán thể hiện bằng các chứng từ sau:
+ Hóa đơn thứ nhất cá biển là 112 kg x 25.000 đồng = 2.800.000 đồng ông Khánh đã nhận được tiền này thông qua chuyển khoản số 04, ngày 18/02/2016, ông Khánh đã nhận số tiền dư so với số cá mà ông Khánh đã giao cho cơ sở là: 100.000 đồng, số tiền trên ông Khánh đã nộp cho Cơ quan điều tra.
+ Hóa đơn thứ hai cá biển 6 kg x 25.000 đồng = 150.000 đồng, B đã nhận số tiền này từ phiếu chi tiền mặt 46/16 ngày 20/02/2016, B dùng tiêu xài cá nhân.
Số tiền cá B lập hồ sơ thanh toán vượt so với thực tế là 10 kg x 25.000 đồng = 250.000 đồng.
- Tháng 4: bán 212 kg cá biển x 26.000 đồng = 5.512.000 đồng. S lập hồ sơ thanh toán 278 kg x 26.000 đồng = 7.228.000 đồng, đã được Giám đốc duyệt thanh toán thể hiện bằng các chứng từ sau:
+ Hóa đơn thứ nhất cá biển là 240 kg x 26.000 đồng = 6.240.000 đồng ông Khánh đã nhận được tiền này thông qua chuyển khoản số 53 ngày 13/05/2016, ông Khánh đã nhận số tiền nhiều hơn so với số cá mà ông Khánh đã giao cho cơ sở là 28kg x 26.000 đồng = 728.000 đồng, số tiền trên ông Khánh đang giữ.
+ Hóa đơn thứ hai cá biển 38 kg x 26.000 đồng = 988.000 đồng, S đã nhận số tiền này từ phiếu chi tiền mặt 287/16 ngày 31/5/2016.
Số tiền cá S lập hồ sơ thanh toán nhiều hơn so với thực tế tháng 4/2016 là 1.716.000 đồng.
Tổng số tiền lập hồ sơ thanh toán nhiều hơn so với thực tế về cá tháng 1/2016 và tháng 4/2016 là: 1.966.000 đồng.
5. Về phần (rau củ quả) do bà Trần Thanh Kế bán cho cơ sở:
- Tháng 01: bà Kế bán các loại hàng hóa là 10.504.000 đồng (có bảng kê hàng hóa riêng). B lập hồ sơ thanh toán là 11.041.000 đồng, đã được Giám đốc duyệt thanh toán thể hiện bằng các chứng từ sau:
+ Hóa đơn thanh toán thứ nhất là 10.496.000 đồng, bà Kế đã nhận được số tiền này thông qua chuyển khoản số 09, ngày 18/02/2016.
+ Hóa đơn thanh toán thứ hai là 545.000 đồng, B nhận số tiền này từ phiếu chi tiền mặt 46/16 ngày 20/02/2016, trong số tiền này của bà Kế là 8.000 đồng, còn 537.000 đồng là số tiền lập hồ sơ thanh toán nhiều hơn so với thực tế, B đã tiêu xài cá nhân.
Số tiền rau, củ, quả B lập hồ sơ thanh toán nhiều hơn so với thực tế tháng 01/2016 là 537.000 đồng.
- Tháng 02: bà Kế bán các loại hàng hóa là 12.270.200 đồng (có bảng kê hàng hóa riêng). B lập hồ sơ thanh toán là 10.122.600 đồng, đã được Giám đốc duyệt thanh toán thể hiện bằng các chứng từ sau:
+ Hóa đơn thanh toán thứ nhất là 9.780.600 đồng, bà Kế đã nhận được số tiền này thông qua chuyển khoản số 21, ngày 03/03/2016.
+ Hóa đơn thanh toán thứ hai là 342.000 đồng, B nhận số tiền này từ phiếu chi tiền mặt 84/16 ngày 29/02/2016. (số tiền này là của bà Kế).
+ Hóa đơn thanh toán số hàng hóa phục vụ học viên ăn Tết nguyên đán là 2.147.600 đồng bà Kế đã nhận.
Tổng số tiền rau, củ, quả B lập hồ sơ lập hồ sơ thanh toán là 12.270.200 đồng.
- Tháng 3: bà Kế bán các loại hàng hóa là 15.483.000 đồng (có bảng kê hàng hóa riêng). S lập hồ sơ thanh toán là 16.250.000 đồng, đã được Giám đốc duyệt thanh toán thể hiện bằng các chứng từ sau:
+ Hóa đơn thanh toán thứ nhất là 15.722.200 đồng, bà Kế đã nhận được số tiền này thông qua chuyển khoản số 46, ngày 22/04/2016, bà Kế nhận nhiều hơn so với số hàng giao thực tế 239.200 đồng.
+ Hóa đơn thanh toán thứ hai là 527.800 đồng, S nhận từ phiếu chi tiền mặt 287/16 ngày 31/5/2016.
Số tiền rau, củ, quả S lập hồ sơ thanh toán nhiều hơn so với thực tế là 767.000 đồng.
- Tháng 4: bà Kế bán các loại hàng hóa là 38.793.200 đồng (có bảng kê hàng hóa riêng). S lập hồ sơ thanh toán là 44.407.200 đồng, đã được Giám đốc duyệt thanh toán thể hiện bằng các chứng từ sau:
+ Hóa đơn thanh toán thứ nhất là 42.150.000 đồng, bà Kế đã nhận được số tiền này thông qua chuyển khoản số 57, ngày 17/05/2016, bà Kế nhận nhiều hơn so với số hàng giao thực tế là 3.356.800 đồng, bà Kế đã nộp cho Cơ sở cai nghiện;
+ Hóa đơn thanh toán thứ hai là 2.257.200 đồng, S nhận từ phiếu chi tiền mặt 287/16, đây là số tiền thanh toán nhiều hơn;
Số hàng hóa S lập hồ sơ thanh toán nhiều hơn so với thực tế là 5.614.000 đồng.
- Tháng 5: bà Kế bán các loại hàng hóa là 142.654.900 đồng (có bảng kê hàng hóa riêng). S lập hồ sơ thanh toán các loại hàng hóa là 51.929.000 đồng, bà Kế đã nhận được số tiền này thông qua chuyển khoản số 67, ngày 06/6/2016. Số hàng hóa chưa thanh toán là 90.725.900 đồng Tổng số tiền lập hồ sơ thanh toán phần rau, củ, quả nhiều hơn so với thực tế từ tháng 01/2016 đến tháng 5/2016 là 6.918.000 đồng.
6. Về phần (đồ khô) do bà Mã Thị Hồng Vân bán cho cơ sở:
- Tháng 01: bà Vân bán các loại hàng hóa là 17.862.700 đồng (có bảng kê hàng hóa riêng). B lập hồ sơ thanh toán là 18.161.500 đồng, đã được Giám đốc duyệt thanh toán thể hiện bằng các chứng từ sau:
+ Hóa đơn thanh toán thứ nhất là 16.969.500 đồng, bà Vân đã nhận được số tiền này thông qua chuyển khoản số 10, ngày 18/02/2016.
+ Hóa đơn thanh toán thứ hai là 1.192.000 đồng, B nhận số tiền này từ phiếu chi tiền mặt 46/16 ngày 20/02/2016. Số tiền 893.200 đồng là của bà Vân, số tiền còn lại 298.800 đồng là tiền thanh toán dư so với thực tế, B đã tiêu xài cá nhân Số hàng hóa B lập hồ sơ thanh toán nhiều hơn so với thực tế là 298.800 đồng.
- Tháng 02: bà Vân bán các loại hàng hóa là 17.798.400 đồng. B lập hồ sơ thanh toán là 15.171.800 đồng, đã được Giám đốc duyệt thanh toán thể hiện bằng các chứng từ sau:
+ Hóa đơn thanh toán thứ nhất là 14.672.400 đồng, bà Vân đã nhận được số tiền này thông qua chuyển khoản số 20, ngày 03/03/2016.
+ Hóa đơn thanh toán thứ hai là 499.400 đồng, B nhận số tiền này từ phiếu chi tiền mặt 84/16 ngày 29/02/2016 số tiền này là của bà Vân.
+ Hóa đơn thanh toán cho học viên ăn tết 32 kg thịt gà x 53.000 đồng = 1.696.000 đồng bà Vân đã nhận được thông qua chuyển khoản;
Số hàng hóa B lập hồ sơ thanh toán còn thiếu so với thực tế là 930.600 đồng - Tháng 03: bà Vân bán các loại hàng hóa là 16.613.000 đồng. S lập hồ sơ thanh toán là 16.779.500 đồng, đã được Giám đốc duyệt thanh toán thể hiện bằng các chứng từ sau:
+ Hóa đơn thanh toán thứ nhất là 15.737.800 đồng, bà vân đã nhận được số tiền này thông qua chuyển khoản số 44, ngày 22/04/2016.
+ Hóa đơn thanh toán thứ hai là 1.041.700 đồng, S nhận từ phiếu chi tiền mặt 287/16 ngày 31/5/2016 (Trong đó: số tiền 875.200 đồng là của bà Vân, số tiền 166.500 đồng thanh toán nhiều hơn so với thực tế).
Số hàng hóa S lập hồ sơ thanh toán nhiều hơn so với thực tế là 166.500 đồng.
- Tháng 4: bà Vân bán các loại hàng hóa là 21.433.900 đồng. S lập hồ sơ thanh toán là 25.093.800 đồng, đã được Giám đốc duyệt thanh toán thể hiện bằng các chứng từ sau:
+ Hóa đơn thanh toán thứ nhất là 24.049.000 đồng, bà Vân đã nhận được số tiền này thông qua chuyển khoản toán số 56, ngày 17/5/2016, bà Vân nhận số tiền nhiều hơn so với thực tế là 2.615.100 đồng, bà Vân đã nộp cho cơ sở.
+ Hóa đơn thanh toán thứ hai là 1.044.800 đồng, S nhận từ phiếu chi tiền mặt 287/16 ngày 31/5/2016, đây là số tiền thanh toán nhiều hơn thực tế trong tháng 4.
Số tiền S lập hồ sơ thanh toán hàng hóa nhiều hơn so với số thực tế là 3.659.900 đồng.
- Tháng 5: bà Vân bán các loại hàng hóa là 63.679.250 đồng. S lập hồ sơ thanh toán là 67.028.500 đồng, bà Vân đã nhận được số tiền này thông qua chuyển khoản số 71, ngày 21/06/2016, số tiền bà Vân nhận nhiều hơn so với thực tế hàng hóa bà Vân giao cho cơ sở là 3.349.250 đồng, số tiền trên bà Vân đã nộp cho cơ sở.
Tổng số tiền lập hồ sơ thanh toán nhiều hơn so với thực tế từ tháng 1/2016 đến tháng 5/2016 là: 7.474.450 đồng.
7. Về phần (trấu) do ông Dương Vũ Việt Phi Long bán cho cơ sở:
- Tháng 05: ông Long bán 9.954 kg x 1.000 đồng = 9.954.000 đồng. S lập hồ sơ thanh toán 10.027 kg x 1.000 đồng = 10.027.000 đồng, ông Long đã nhận được tiền này thông qua chuyển khoản số 73, ngày 21/06/2016, ông Long đã nhận số tiền dư so với thực tế là 73.000 đồng, số tiền trên ông Long đã giao nộp cho Cơ quan điều tra.
Số tiền trấu S lập hồ sơ thanh toán vượt so với thực tế là 73.000 đồng.
Tại bản Kết luận giám định tài chính số 6663/STC-KLGĐ ngày 27/11/2017 của Sở tài chính Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai kết luận:
1. Ông Phạm Đức B - Phụ trách mua hàng hóa cho Cơ sở cai nghiện từ tháng 01/2016 đến tháng 02 năm 2016: Đã gây thiệt hại và chiếm đoạt, tham ô của Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai, với số tiền là 12.381.800 đồng.
2. Bà Đinh Thị S - Tổ trưởng tổ đời sống: Đã gây thiệt hại số tiền là 32.926.650 đồng và chiếm đoạt, tham ô của Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai, với số tiền là 9.685.000 đồng. Tuy nhiên, khi bà Đinh Thị S nhận được số tiền chênh lệch hàng hóa bằng tiền mặt (ngày 20/6/2016), số tiền 10.600.000 đồng, lại sát với ngày tổ kiểm tra của Cơ sở cai nghiện làm việc (ngày 22/6/2016). Việc thành lập tổ kiểm tra, là do qua công tác điều hành, quản lý ông Hà Xuân T - Phụ trách kế toán, đã phát hiện có sự thanh toán chênh lệch về hàng hóa của Tổ đời sống, nên đã báo cáo Giám đốc. Do đó, ngày 22/6/2016 Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy đã thành lập tổ kiểm tra để kiểm tra nội dung trên. Tại thời điểm này, bà Đinh Thị S đã được thông tin về nội dung kiểm tra. Bản thân bà S cũng biết số tiền mặt, mình vừa nhận được là không thanh toán cho ai. Cho nên, bà S đã chi bồi dưỡng cho các ông, bà ở bộ phận kế toán như sau: Ông Hà Xuân T - Phụ trách kế toán, số tiền 2.300.000 đồng; Trả cho bà Ngô Thị O - Thủ quỹ, tiền thịt heo do Cơ sở mua là 915.000 đồng; Chi bồi dưỡng cho bà O, số tiền 1.300.000 đồng và gửi bà O giữ giùm mang tính cá nhân không phải nộp trả lại quỹ, số tiền 3.000.000 đồng; Chi bồi dưỡng cho bà Âu Thị N- Kế toán, số tiền 1.300.000 đồng. Còn lại số tiền 1.785.000 đồng, bà Đinh Thị S giữ sử dụng cá nhân. Đúng ra bà Đinh Thị S, khi nhận số tiền mặt trên phải báo cáo kịp thời cho Lãnh đạo cơ sở cai nghiện biết về tình hình thanh toán có sự chênh lệch nêu trên, để Lãnh đạo cơ sở cai nghiện có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, báo cáo cho bộ phận kế toán và sẽ không nhận số tiền này.
3. Ông Hà Xuân T - Phụ trách kế toán: Chưa làm tròn hết nhiệm vụ của mình, cụ thể: Phải kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính, các nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán nợ. Kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản và nguồn hình thành tài sản, phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán. Từ nhiệm vụ trên, hàng tháng phải trực tiếp kiểm tra và hướng dẫn bộ phận kế toán, thủ kho rà soát đối chiếu với nhau về xuất, nhập, tồn hàng hóa. Theo dõi về giá trị tiền hàng và số lượng hàng hóa thực tế nhập… Chắc chắn sẽ phát hiện ra sự chênh lệch giữa lượng hàng nhập thực tế với lượng hàng ghi trên hóa đơn tài chính. Như vậy, việc thanh toán tiền hàng cho nhà bán sẽ không thể xảy ra các sai phạm. Tuy nhiên, ông Hà Xuân T - Phụ trách kế toán (Từ ngày 01/02/2013 đến nay). Qua 03 năm, với cương vị là phụ trách kế toán chưa có trường hợp vi phạm nào xảy ra. Vụ việc sai phạm tại Cơ sở cai nghiện xảy ra từ tháng 01/2016 đến tháng 5/2016 thì trong tháng 5/2016 đã được ông Hà Xuân T phát hiện và báo cáo Giám đốc tình hình trên. Vì vậy, căn cứ vào điểm d, khoản 03, điều 54 (Về quyền và trách nhiệm của Kế toán trưởng (Phụ trách kế toán) của Luật Kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17/6/2003 của Quốc hội, có quy định: Báo cáo bằng văn bản cho người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán khi phát hiện các vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán trong đơn vị. Trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người đã ra quyết định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó. Từ căn cứ trên, Giám định viên tài chính kết luận: Ông Hà Xuân T - Phụ trách kế toán tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai: Không phải chịu trách nhiệm về các vi phạm tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai.
4. Ông Hồ Trí L - Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai: Được bổ nhiệm giám đốc từ ngày 01/01/2016. Căn cứ vào khoản 05, điều 54 (Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng do mình quản lý, phụ trách) của Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 ngày 29/11/2005 của Quốc hội, có quy định: Trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được loại trừ trong trường hợp họ không thể biết được hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng. Từ căn cứ trên, Giám định viên tài chính kết luận: Ông Hồ Trí L - Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai: Không phải chịu trách nhiệm về các vi phạm tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai.
Vật chứng vụ án:
+ Số tiền 735.000 đồng do bà Trần Thị Tuyết Mai giao nộp số tiền thịt heo tháng 3/2016 chuyển khoản dư;
+ Số tiền 73.000 đồng do ông Dương Vũ Việt Phi Long giao nộp số tiền trấu tháng 5/2016 chuyển khoản dư;
+ Số tiền 100.000 đồng do ông Trần Duy Khánh giao nộp số tiền cá tháng 1/2016 chuyển khoản dư;
+ Số tiền 3.650.000 đồng do bà Nhung giao nộp số tiền cá chuyển khoản dư;
+ Số tiền 12.391.300 đồng là số tiền Phạm Đức B chiếm đoạt giao nộp;
Tổng số tiền 16.949.300 đồng giao nộp trên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện X đã chuyển đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện X ngày 10/12/2018 theo Biên lai thu số 0048872.
+ 01 cuốn sổ ghi hàng hóa do bà O giao nộp.
+ Tài liệu ghi hàng hóa của do bà Mai giao nộp (bản pho tô có chữ ký của bà Mai).
+ 07 cuốn sổ ghi hàng hóa của các chủ hàng bán hàng cho cơ sở do bà Đỗ Thị Dung giao nộp.
+ Tài liệu, chứng từ thanh toán kinh phí phục vụ cho học viên. Trách nhiệm dân sự:
- Ông Phạm Thế Hiển đã nộp cho Cơ sở cai nghiện số tiền 3.107.200 đồng. Tuy nhiên, số tiền Cơ sở cai nghiện chuyển khoản dư cho ông Hiển chỉ có 693.000 đồng. Như vậy, Cơ sở cai nghiện phải trả lại cho ông Hiển số tiền 2.414.200 đồng.
- Ông Trần Duy Khánh được Cơ sở cai nghiện chuyển dư số tiền là 828.00 đồng. Tuy nhiên, ông Khánh mới giao nộp số tiền là 100.000 đồng. Ông Khánh phải nộp lại số tiền 728.000 đồng.
- Bà Trần Thanh Kế đã nộp cho Cơ sở cai nghiện số tiền 3.848.000 đồng. Tuy nhiên, số tiền Cơ sở cai nghiện chuyển khoản dư cho bà Kế chỉ có 3.596.000 đồng. Như vậy, Cơ sở cai nghiện phải trả lại cho bà Kế số tiền 252.000 đồng.
- Bà Mã Thị Hồng Vân đã nộp cho Cơ sở cai nghiện số tiền 29.289.620 đồng. Tuy nhiên, số tiền Cơ sở cai nghiện chuyển khoản dư cho bà Vân chỉ có 5.964.350 đồng. Như vậy, Cơ sở cai nghiện phải trả lại cho bà Vân số tiền 23.325.270 đồng.
+ Đinh Thị S đã tự nguyện khắc phục số tiền 9.685.000 đồng cho Cơ sở cai nghiện.
Tại bản án số: 88/2021/HSST ngày 22/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện X đã áp dụng khoản điểm c khoản 2 Điều 353; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 54, Điều 38 của Bộ luật hình sự.
Xử phạt bị cáo Đinh Thị S 02 (hai) năm tù. Thời hạn tù kể từ ngày bị cáo chấp hành án phạt tù.
Ngoài ra bản án còn tuyên bị cáo Phạm Đức B 02 năm 02 tháng tù, về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.
Ngày 28 tháng 9 năm 2021 bị cáo Đinh Thị S làm đơn kháng cáo xin hưởng án treo. Tại phiên tòa, bị cáo tiếp tục đề nghị Hội đồng xét xử xem xét kháng cáo.
Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai tại phiên tòa: Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Đinh Thị S phạm tội “Tham ô tài sản” theo điểm c khoản 2 Điều 353 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo 02 (hai) năm tù là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và là đã xem xét, giảm nhẹ cho bị cáo. Bị cáo cung cấp các tình tiết mới như bị cáo và chồng cùng làm ở Cơ sở cai nghiện đã gần 30 năm, được tặng thưởng nhiều giấy khen, đạt các danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sỹ thi đua, được tặng kỷ niệm chương cựu chiến binh, kỷ niệm chương ngành, đạt danh hiệu giỏi việc nước, đảm việc nhà; gia đình bị cáo có công với cách mạng thể hiện cha ruột tham gia cách mạng được tặng thưởng nhiều huân huy chương, được tặng huy hiệu 65 năm tuổi đảng, có anh là liệt sỹ, gia đình có sáu anh chị em đều là đảng viên; bị cáo đang phải điều trị các bệnh thiểu năng tuần hoàn não, viêm xoang, rối loan chức năng tiền đình, dãn tĩnh mạch, thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm, trào ngược dạ dày và thực quản, viêm dạ dày, viêm tá tràng, viêm da, tăng men gan để xin được giảm nhẹ hình phạt, cho bị cáo được hưởng án treo. Tuy nhiên, mức án cấp sơ thẩm xử bị cáo là đã nhẹ, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của bị cáo Đinh Thị S làm trong hạn luật định nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
[2] Về tội danh: Tại phiên tòa, bị cáo Đinh Thị S khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như nội dung của bản án sơ thẩm đã nêu thể hiện: Thời gian từ tháng 3/2016 đến tháng 5/2016, bị cáo Đinh Thị S được phân công làm nhiệm vụ mua hàng hóa phục vụ cho học viên cai nghiện tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai. Lợi dụng trong việc lập hồ sơ thanh toán, bị cáo S đã 2 lần lập hồ sơ thanh toán bằng tiền mặt khống cho các nhà cung cấp và chiếm đoạt số tiền 9.685.000 đồng của Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai. Cụ thể, lần lập hồ sơ thanh toán bằng tiền mặt khống lần thứ nhất là vào thời gian đầu tháng 4/2016 để thanh toán cho các hóa đơn mua hàng khống vào thá ng 3/2016 với số tiền là 3.960.000 đồng (bút lục 536 đến 552), lần lập hồ sơ thanh toán bằng tiền mặt khống lần thứ hai là vào thời gian đầu tháng 5/2016 để thanh toán cho các hóa đơn mua hàng khống vào tháng 4/2016 với số tiền là 5.725.000 đồng (bút lục 628- 643). Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 02 (một) năm tù về tội “Tham ô tài sản” với tình tiết định khung phạm tội 02 lần trở lên theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 353 của Bộ luật hình sự là có căn cứ đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
[3] Về nội dung kháng cáo: Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo xin hưởng án treo. Hội đồng xét xử xét thấy:
Cấp sơ thẩm đã xác định bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả; số tiền tham ô không lớn; bị cáo có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Đồng Nai và Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai không yêu cầu gì về dân sự đối với bị cáo, đã có văn bản đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Các tình tiết giảm nhẹ trên được quy định tại điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Do được hưởng hai tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 và nhiều tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng Điều 54 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo mức án 02 năm tù, là mức án thấp nhất của khung hình phạt liền kề, là đã xem xét chiếu cố cho bị cáo.
Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo kháng cáo xin hưởng án treo vì cho rằng bị cáo mới tiếp nhận công việc, làm theo tiền lệ trước đây, phiếu chi tiền ăn cho học tháng 3, 4/2016 là kế toán phải chi trả cho người bán hàng, bị cáo không làm giấy đề nghị chi nhưng kế toán lập phiếu chi số tiền 9.685.000 đồng, bị cáo không chủ định chiếm đoạt số tiền trên, bị cáo còn cung cấp các tình tiết mới như trong vụ án như bị cáo và chồng cùng làm ở Cơ sở cai nghiện đã gần 30 năm, được tặng thưởng nhiều giấy khen, đạt các danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sỹ thi đua, được tặng kỷ niệm chương cựu chiến binh, kỷ niệm chương ngành, đạt danh hiệu giỏi việc nước, đảm việc nhà; gia đình bị cáo có công với cách mạng thể hiện cha ruột tham gia cách mạng được tặng thưởng nhiều huân huy chương, được tặng huy hiệu 65 năm tuổi đảng, có anh là liệt sỹ, gia đình có sáu anh chị em đều là đảng viên; bị cáo đang phải điều trị các bệnh thiểu năng tuần hoàn não, viêm xoang, rối loan chức năng tiền đình, dãn tĩnh mạch, thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm, trào ngược dạ dày và thực quản, viêm dạ dày, viêm tá tràng, viêm da, tăng men gan. Đây là các tình tiết giảm nhẹ mới được quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự cần áp dụng cho bị cáo. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, mức án Tòa án cấp sơ thẩm đưa ra cho bị cáo là đã xem xét giảm nhẹ rồi, không nặng như bị cáo trình bày. Do đó, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[4] Về án phí: Do kháng cáo của bị cáo không được chấp nhận, nên bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
[5] Quan điểm và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai phù hợp với một phần nhận định của Hội đồng xét xử nên được ghi nhận.
[6] Đối với hành vi của bà Âu Thị N, Ngô Thị O và ông Hà Xuân T có dấu hiệu đồng phạm với các bị cáo, bản án hình sự phúc thẩm số 279/2020/HSPT ngày 29/7/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã hủy bản án sơ thẩm số 22/2020/HSST ngày 18/02/2020 của Tòa án nhân dân huyện X, đề nghị điều tra, truy tố, xét xử đối với hành vi của họ. Qúa trình điều tra, truy tố lần 2, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cho rằng hành vi của họ có vi phạm quy định thanh toán, nhưng không có căn cứ chứng minh ông Hà Xuân T, bà Âu Thị N và bà Ngô Thị O đồng phạm giúp sức cho bị cáo S và B. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm không nhận định về hành vi của họ trong bản án là thiếu sót, là vi phạm nên cần rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, để ổn định bản án và không làm ảnh hưởng đến việc chấp hành án của các bị cáo khác trong vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm không hủy bản án, mà kiến nghị Tòa án nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh xem xét lại vụ án theo thẩm quyền, tránh bỏ lọt người phạm tội.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự.
1. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 88/2021/HSST ngày 22/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện X.
2. Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 353; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 54, Điều 38 của Bộ luật hình sự.
Xử phạt bị cáo Đinh Thị S 02 (hai) năm tù. Thời hạn tù tính kể từ ngày bị cáo Đinh Thị S chấp hành án phạt tù.
Bị cáo phạm tội “Tham ô tài sản”.
3. Về án phí:
Áp dụng Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Bị cáo Đinh Thị S phải nộp 200.000 (hai trăm ngàn) đồng án phí hình sự phúc thẩm.
4. Quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội tham ô tài sản số 100/2022/HS-PT
Số hiệu: | 100/2022/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đồng Nai |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 28/03/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về