Bản án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy số 09/2021/HS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN QUAN HÓA - TỈNH THANH HOÁ

BẢN ÁN 09/2021/HS-ST NGÀY 31/03/2021 VỀ TỘI TÀNG TRỮ TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY

Ngày 31 tháng 3 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hoá, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 10/2021/TLST-HS ngày 15 tháng 3 năm 2021, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 12/2021/QĐXXST-HS ngày 19 tháng 3 năm 2021, đối với bị cáo:

Họ và tên: Phạm Anh K - Sinh năm 1985; Tên gọi khác: Không Nơi sinh: Xã Thành Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa Nơi ở: Bản Ta Bán, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Nơi ĐKHKTT: Bản Thành Yên, xã Thành Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa; Nghề nghiệp: Trồng trọt; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Thái; Chức vụ (Đảng, chính quyền, đoàn thể): Không; Trình độ học vấn: 9/12; Con ông: Phạm Bá Q, sinh năm 1958; Con bà: Lương Thị T, sinh năm 1961; Vợ: Phạm Thị H, sinh năm 1990; Con có 01 con, sinh năm 2006. Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị tạm giữ từ ngày 27/10/2020 chuyển tạm giam ngày 05/11/2020, hiện đang bị Tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

* Người bào chữa cho bị cáo: Bà Lê Thu H, Trợ giúp viên pháp lý - Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa. Vắng mặt có lý do.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 18 giờ ngày 27/10/2020, Phạm Anh K đi tìm mua ma túy sử dụng. Khi Phạm Anh K đi đến khu vực Piềng Pong, thuộc bản Ta Bán, xã Trung Sơn thì K gặp 01 người đàn ông dân tộc Mông đang đi bộ dọc đường. K hỏi mua ma túy của người đàn ông này và được người này bán cho K 01 túi nilon màu trắng bên trong đựng các viên ma túy với giá 2.000.000đ (Hai triệu đồng chẵn). K nhận ma túy, sau đó bỏ vào túi áo chống nắng đang mặc rồi đi theo đường tỉnh lộ 521 để về nhà. Khi K đi đến đoạn đường dốc thuộc bản Ta Bán, xã Trung Sơn thì dừng lại ven đường rồi mở gói ma túy mới mua được ra đếm, thấy bên trong có 02 túi nilon (01 túi màu đỏ, 01 túi túi màu xanh, bên trong mỗi túi chứa đựng khoảng 200 viên ma túy hồng phiến). Sau khi đếm xong, Kh lấy ra 03 viên ma túy để sử dụng bằng hình thức hút, số ma túy còn lại K lại cất vào túi ao ngực bên trái đang mặc và đi về nhà. Đến khoảng 22 giờ 30 phút cùng ngày, khi K đang đi trên đường tỉnh lộ 521 thuộc địa phận bản Ta Bán, xã Trung Sơn thì K bị lực lượng công tác Đội 1, Phòng PC04 – Công an tỉnh Thanh Hóa đang làm nhiệm vụ phát hiện và bắt quả tang, thu giữ trong túi áo ngực bên trái của Phạm Anh K đang mặc 01 túi nilon màu trắng, K khai nhận đây là ma túy tổng hợp đã mua được trước trước đó.

Vật chứng thu giữ gồm: 01 túi nlon màu trắng, bên trong chứa 02 túi nilon gồm: 01 túi nilon màu đỏ bên trong chứa các viên nén màu đỏ và màu xanh hình trụ tròn mỗi viên đều có ký hiệu WY, túi nilon màu xanh chứa các viên màu đỏ và màu xanh hình trụ tròn mỗi viên đều có ký hiệu WY, ngoài ra còn thu giữ 02 điện thoại di động, 01 con dao nhọn.

Sau khi bắt quả tang bị cáo, Cơ quan CSĐT đã tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của bị cáo, nhưng không thu giữ gì thêm.

Tại bản kết luận giám định số 2901/PC09 ngày 02/11/2020 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa, kết luận:

- Các viên nén hình trụ tròn màu đỏ, trên bề mặt mỗi viên ký hiệu WY của phong bì ký hiệu M niêm phong gửi giám định là ma túy, có tổng khối lượng 40,037g (Bốn mươi phẩy không trăm ba mươi bảy gam) loại: Methamphetamine;

- 02 viên nén hình trụ tròn màu xanh trên bề mặt mỗi viên ký hiệu WY của phong bì niêm phong ký hiệu M gửi giám định là ma túy, có tổng khối lượng 0,399g (Không phẩy ba trăm chín chín gam) loại: Methamphetamine;

Tại bản Cáo trạng số 11/CT-VKSQH-MT ngày 15/3/2021 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Quan Hóa truy tố bị cáo Phạm Anh K về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 249 Bộ luật hình sự.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Quan Hóa tranh luận và luận tội: Trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Vì vậy, đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố Bị cáo theo toàn bộ nội dung bản Cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố Bị cáo Phạm Anh K phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Áp dụng: Điều 38; điểm s khoản 1điều 51; điểm b khoản 3 điều 249 của Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Phạm Anh K từ 12 năm đến 12 năm 06 tháng tù; Thời hạn chấp hành hình phạt tù của bị cáo tính từ ngày tạm giữ, tạm giam. Không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo, vì bị báo thuộc diện hộ cận nghèo.

Áp dụng Điều 47 của Bộ luật Hình sự; Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự:

- Tịch thu tiêu hủy toàn bộ số ma túy thu giữ của bị cáo còn lại sau giám định, đây là vật chứng vụ án, là chất Nhà nước cấm lưu hành;

Trả lại cho bị cáo, gồm: 01 điện thoại di động, dạng bàn phím, nhãn hiệu Nokia màu đen, đã qua sử dụng; 01 điện thoại di động, dạng bàn phím, nhãn hiệu Masster màu đen, đã qua sử dụng và 01 con dao nhọn, dài khoảng 40cm, rộng 04cm, vì đây không phải là công cụ, dụng cụ phạm tội.

Miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo, vì bị cáo thuộc đối tượng được miễn.

Bị cáo xác nhận trong quá trình điều tra, truy tố, bị cáo không bị Cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng biện pháp ép cung, bức cung hay nhục hình và khai nhận biết rõ hành vi tàng trữ chất ma túy để sử dụng là vi phạm pháp luật, bị Nhà nước nghiêm cấm nhưng do bản thân nghiện chất ma túy, không kìm chế được hành vi, nên mới mua ma túy đem về để sử dụng dần, không nhằm mục đích nào khác, bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như bản Cáo trạng đã nêu là đúng, bị cáo không khai báo thêm tình tiết mới.

Người bào chữa cho bị cáo vắng mặt, nhưng có bản luận cứ bào chữa, đó là đồng tình với quan điểm truy tố của VKS về tội danh, điều luật áp dụng cũng như khung hình phạt. Xét thấy, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, có thái độ ăn năn hối cải, Bị cáo lại là người dân tộc thiểu số, từ nhỏ đã sống ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; Nên đề nghị HĐXX áp dụng điểm s khoản 1 điều 51 BLHS để giảm nhẹ cho bị cáo, xử bị cáo hình phạt phù hợp, tạo điều cho bị cáo yên tâm cải tạo, sớm được trở về với gia đình, xã hội, trở thành công dân có ích và vẫn có tính phòng ngừa; Không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo và miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo, vì bị cáo thuộc diện hộ cận nghèo.

Đối với 02 chiếc điện thoại, 01 con dao đã thu giữ của bị cáo, đây không phải là công cụ, phương tiện phạm tội, nên trả lại cho bị cáo.

Tại phiên tòa Bị cáo nhận tội, không có ý kiến tranh luận với đại diện VKS, đồng tình với luận cứ bào chữa của bào người chữa, không bổ sung thêm gì.

Bị cáo nói lời sau cùng: Bị cáo thấy việc làm của mình là sai, bị cáo rất ân hận về việc làm sai trái, mong Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo một mức án thấp nhất có thể, để bị cáo sớm được về với gia đình phụng dưỡng bố mẹ già, nuôi dậy con cái và sẽ trở thành người công dân tốt.

Căn cứ vào các tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, đề nghị của người bào chữa, lời nói sau cùng của bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhân định như sau:

[1]Về tố tụng: Hành vi, quyết định của cơ quan Cảnh sát điều, Điều tra viên; Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm sát viên đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, Bị cáo, người bào chữa cho bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại gì về hành vi, quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

Người bào chữa cho bị cáo vắng mặt, nhưng đã có đơn xin xét xử vắng mặt và bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa. Căn cứ điều 291 Bộ luật tố tụng hình sự, HĐXX quyết định xét xử vắng mặt người bào chữa.

[2] Đánh giá chứng cứ; đề nghị của Kiểm sát viên; hành vi của bị cáo: Tại phiên toà bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Xét lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên toà phù hợp với các lời khai của bị cáo tại biên bản bắt người phạm tội quả tang; Biên bản lấy mẫu giám định; Biên bản niêm phong vật chứng; Bản kết luận giám định; Biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung; phù hợp thời gian, địa điểm và chứng cứ đã thu thập có trong hồ sơ vụ án, được Hội đồng xét xử thẩm tra công khai tại phiên toà. Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để kết luận:

Vào hồi 18 giờ ngày 27/10/2020, bị cáo lên khu vực bản Piềng Pong, thuộc địa phận bản Ta Bán, xã Trung Sơn để tìm mua ma túy sử dụng cho bản thân. Tại đây bị cáo đã mua của một người đàn ông dân tộc Mông không biết tên tuổi một lượng ma túy hồng phiến, với số tiền là 2.000.000đ (Hai triệu đồng chẵn), khi mua được ma túy thì bị cáo bỏ vào túi bên trái của áo chống nắng đang mặc và đi về. Đi được một đoạn thì bị cáo đã lấy ra 03 viên sử dụng, số còn lại bị cáo lại bỏ vào túi áo bên trái đang mặc đi về. Trên đường về thì bị cáo bị lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa bắt quả tang đang tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ toàn bộ ma túy vừa mưa được. Qua giám định thì tổng số ma túy thu giữ của bị cáo có khối lượng là 40,436g (Bốn mươi phẩy bốn trăm ba mươi sáu gam) loại Methamphetamine. Mục đích bị cáo cất giấu ma túy là để sử dụng cho bản thân, không nhằm mục đích nào khác. Vì vậy, Hội đồng xét xử có đủ căn cứ để khẳng định bị cáo Phạm Anh K đã phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” quy định tại điểm b khoản 3 điều 249 Bộ luật hình sự, đúng như tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố, luận tội của Kiểm sát viên và lời khai nhận tội của bị cáo.

[3] Xét tính chất, mức độ, hành vi phạm tội: Tính chất vụ án là rất nghiêm trọng, vì bị cáo là người đủ năng lực trách nhiệm hình sự, bị cáo biết ma túy là chất gây nghiện, bị pháp luật nghiêm cấm, khi người sử dụng sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào ma túy, ma túy còn hủy hoại thể chất, tinh thần và đồng thời cũng có thể là tác nhân phát sinh những tội phạm khác, nhưng bị cáo vẫn cố ý tàng trữ với mục đích sử dụng cho bản thân, hành vi của bị cáo là lỗi cố ý trực tiếp, đã xâm phạm đến sự quản lý độc quyền về chất ma túy của Nhà nước, gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an trên địa bàn.

[4] Xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo thì thấy: Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, vì vậy cần áp dụng điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo, để bị cáo thấy sự khoan hồng của pháp luật. Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự;

[5] Về hình phạt chính: Trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà bị cáo đã thực hiện, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của bị cáo thấy: Cần xử phạt bị cáo một mức án tương xứng với tính chất mức độ, hành vi của bị cáo gây ra, cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian dài mới đủ để thời gian để cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành công dân có ích cho xã hội, đồng thời để bị cáo có thời gian cai nghiện chất ma túy. Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát Quan Hóa thực hành quyền công tố tại phiên tòa về hình phạt đối với bị cáo là từ 12 năm đến 12 năm 06 tháng là nặng so với hành vi, khối lượng ma túy thu giữ của bị cáo, nên HĐXX sẽ áp dụng hình phạt thấp hơn mức đề nghị này để thể hiện nguyên tắc có lợi có bị cáo.

[6] Về hình phạt bổ sung: Theo quy định tại khoản 5 điều 249 BLHS “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000đ đến 500.000.000đ.....”. Nhưng xét bị cáo thuộc diện hộ cận nghèo, làm nương rẫy, nên miễn hình phạt bổ sung là phạt tiền cho bị cáo.

[7] Về xử lý vật chứng:

Đối với số ma túy thu giữ của bị cáo còn lại sau giám định, đây là vật chứng vụ án, là chất Nhà nước cấm lưu hành, tịch thu tiêu hủy.

Đối với 02 chiếc điện thoại, 01 con dao nhọn đã thu giữ của bị cáo, đây không phải là công cụ, phương tiện phạm tội, nên trả lại cho bị cáo.

[8] Về án phí: Bị cáo thuộc diện hộ cận nghèo, tại phiên tòa đã có đơn xin miễn án phí, là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - đặc biệt khó khăn, nên miễn ấn phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo.

[9] Về quyền kháng cáo, kháng nghị: Bị cáo có quyền kháng cáo bản án; Viện kiểm sát có quyền kháng nghị theo quy định tại các Điều 331, Điều 332, Điều 333, Điều 337 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

[10] Các nhận định khác:

Đối với người đàn ông đã bán ma túy cho bị cáo, nhưng bị cáo không biết tên, tuổi, địa chỉ, của người này, nên không thể xác minh làm rõ để xử lý.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào:

Điều 38; Điểm s khoản 1 Điều 51; Điểm b khoản 3 Điều 249 Bộ luật hình sự;

Tuyên bố: Bị cáo Phạm Anh K phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Hình phạt: Xử phạt Bị cáo Phạm Anh K 11 (Mười một) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày tạm giữ, tạm giam (27/10/2020).

Vật chứng:Áp dụng điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 47 Bộ luật hình sự.

Tịch thu tiêu hủy 01 phong bì niêm phong mẫu vật do Công an tỉnh Thanh Hóa phát hành, được dán kín, niêm phong bởi các chữ ký ghi rõ họ tên Nguyễn Trần Đ, Lê Minh T, Trần Thị Thúy H, Nguyễn Xuân C và các hình dấu của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa, bên trong có chứa toàn bộ gói niêm phong và 38,021g các viên nén hình trụ màu đỏ, trên bề mặt mỗi viên ký hiệu WY; 0,296g các viên nén hình trụ tròn màu xanh, trên bề mặt mỗi viên ký hiệu WY là mẫu vật còn lại sau giám định;

Trả lại cho bị cáo, gồm: 01 điện thoại di động, dạng bàn phím, nhãn hiệu Nokia, màu đen, đã qua sử dụng; 01 điện thoại di động dạng bàn phím, nhãn hiệu Masster, màu đen, đã qua sử dụng và 01 con dao nhọn dài khoảng 40cm, rộng khoảng 04cm.

Vật chứng, đồ vật trên hiện đang lưu giữ, bảo quản tại kho tang vật của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quan Hóa theo biên bản giao nhận vật chứng, tài sản ngày 16/3/2021 giữa Công an huyện Quan Hóa và Chi cục THADS huyện Quan Hóa.

Án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội khóa 14, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án;

Miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo.

Kháng cáo, Kháng nghị: Căn cứ điều 331, điều 332, điều 333 và điều 337 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Án xử công khai; Có mặt bị cáo, vắng mặt Người bào chữa cho bị cáo; Bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm; Viện kiểm sát có quyền kháng nghị theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, điều 7, điều 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án căn cứ điều 30 luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

25
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy số 09/2021/HS-ST

Số hiệu:09/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Quan Hóa - Thanh Hoá
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 31/03/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;