Bản án về tội sản xuất hàng giả là phụ gia thực phẩm số 28/2022/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN G, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 28/2022/HS-ST NGÀY 21/02/2022 VỀ TỘI SẢN XUẤT HÀNG GIẢ LÀ PHỤ GIA THỰC PHẨM

Ngày 21 tháng 02 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện G, thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 228/2021/TLST- HS ngày 09/12/2021; theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 232/2021/QĐXXST-HS ngày 13/12/2021, Quyết định hoãn phiên số 46/2021/QĐST-HS ngày 28/12/2021 và số 09/2022/QĐST-HS ngày 20/01/2022, đối với bị cáo:

Nguyễn Thị S - Giới tính: Nữ; tên gọi khác: Không; sinh năm: 1962 tại Hà Nội; Nơi cư trú: Thôn H, xã Đ, huyện G, thành phố Hà Nội; Trình độ văn hóa: 03/12; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Lao động tự do; con ông: Nguyễn Văn P (Đã chết) và con bà: Thạch Thị N1; chồng: Nguyễn Duy S1, có 02 người con sinh năm 1990 và 1992; TATS: Theo danh chỉ bản số 466 ngày 02/9/2021 do Công an huyện G lập và lý lịch bị can thì bị cáo có 01 tiền án: Năm 2006, Tòa án nhân dân huyện S2 xử phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời hạn thử thách 48 tháng về tội: Buôn bán hàng giả là thực phẩm.

Bị cáo hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt tại phiên tòa.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty A - Địa chỉ: Khu Công nghiệp B, phường A1, thành phố B1, tỉnh Đồng Nai; Người đại diện theo pháp luật: Ông KEIJI K - Chức vụ: Chủ tịch kiêm tổng Giám đốc; Người đại diện theo ủy quyền: Ông Bùi Cao T - Chức vụ: Giám sát; Nơi cư trú: Thôn N, xã K, huyện Th, thành phố Hải Phòng (Theo Giấy ủy quyền số 583/UQ-AJI-2018 ngày 11/6/2018 của Chủ tịch kiêm tổng Giám đốc). (Xin vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Nguyễn Thị S bắt đầu đóng gói và bán mì chính A cùng bột giặt O từ tháng 08/2020 đến thời điểm bị phát hiện. S mua mì chính nguyên liệu với giá 800.000đ/25kg; bao bì mì chính A loại 400g với giá 120.000đ/100 vỏ; bao bì mì chính A loại 400g với giá 130.000đ/100 vỏ; bao bì bột giặt O loại 400g với giá 150.000đ/100 vỏ. Số nguyên liệu và vỏ bao này, S sử dụng số điện thoại 0344910907 gọi đến số điện thoại 0963499073 của Nguyễn Thị N, sinh năm 1977, HKTT: Thôn M, xã Đ, huyện G, thành phố Hà Nội đặt mua qua điện thoại. N đồng ý và chở nguyên liệu, các loại vỏ bao bì đến cho S, S thanh toán tiền cho N. S mua bột giặt nguyên liệu tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm bột giặt Đ tại Gi, quận L, thành phố Hà Nội với giá 300.000đ/20kg. Sau khi mua nguyên liệu và vỏ bao, S tập kết tại nhà riêng, cho nguyên liệu vào từng vỏ bao, cân cho đủ trọng lượng ghi trên vỏ, dùng máy ép nhiệt hàn miệng vỏ rồi mang ra các chợ và cửa hàng tại khu vực xã Đ, huyện G, thành phố Hà Nội để bán. S bán số hàng giả với giá 01 gói mì chính loại 400g giá 20.000 đồng, 01 gói bột giặt loại 400g giá 12.000đ, 01 gói bột giặt loại 800g giá 16.000 đồng.

Bản Kết luận giám định số 5954/KLGĐ-PC09 ngày 28/7/2021 của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an thành phố Hà Nội xác định:

- 21 gói mì chính (bột ngọt) in nhãn hiệu A loại 400g đều là hàng giả, đều có chất lượng, vỏ gói, nhãn mác không cùng loại với chất lượng, vỏ gói, nhãn mác của gói mì chính (bột ngọt) in nhãn hiệu A loại 400g do công ty A cung cấp.

- 09 gói bột giặt in nhãn hiệu O loại 800g đều là hàng giả, đều có chất lượng, vỏ gói, nhãn mác không cùng loại với chất lượng, vỏ gói, nhãn mạc của gói bột giặt in nhãn hiệu O loại 800g do công ty TNHH quốc tế U cung cấp.

- 23 gói bột giặt in nhãn hiệu O loại 400g đều là hàng giả, đều có chất lượng, vỏ gói, nhãn mác không cùng loại với chất lượng, vỏ gói, nhãn mác của gói bột giặt in nhãn hiệu O loại 400g do công ty TNHH quốc tế U cung cấp.

- Trong 21 gói mì chính (bột ngọt) in nhãn hiệu A loại 400g đều không tìm thấy các chất độc thường gặp.

Bản Kết luận định giá tài sản số 152 ngày 12/8/2021 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng Hình sự huyện G kết luận:

- 21 gói mì chính (bột ngọt) in nhãn hiệu A loại 400g, giá trị 630.000đ (30.000đ/01 gói).

- 09 gói bột giặt nhãn hiệu O loại 800g, giá trị 328.500đ (36.500đ/01 gói).

- 23 gói bột giặt nhãn hiệu O loại 400g, giá trị 425.500đ (18.500đ/01 gói).

Tại bản cáo trạng số: 233/CT-VKSGL ngày 30/11/2021 của Viện Kiểm sát nhân dân huyện G đã truy tố bị cáo Nguyễn Thị S về tội: Sản xuất hàng giả là phụ gia thực phẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 193 của Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa: Bị cáo đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình phù hợp với nội dung bản cáo trạng của Viện Kiểm sát đã truy tố.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện G giữ quyền công tố luận tội và tranh luận: Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời khai nhận của bị cáo tại phiên tòa hôm nay thấy rằng: Hành vi của bị cáo Nguyễn Thị S đã đủ yếu tố cấu thành tội: “Sản xuất hàng giả là phụ gia thực phẩm” theo khoản 1 Điều 193 của Bộ luật Hình sự. Đề nghị giữ nguyên nội dung bản cáo trạng đã truy tố.

- Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng: Khoản 1 Điều 193; điểm h, s khoản 1 Điều 51; Điều 38; Điều 47 và Điều 54 của Bộ luật Hình sự và Điều 106 của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

- Về hình phạt: Đề nghị xử phạt bị cáo S mức án từ 15 đến 18 tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

- Về hình phạt bổ sung: Không - Về xử lý vật chứng: Đề nghị tịch thu tiêu hủy: 31 kg mì chính (bột ngọt) nguyên liệu được đựng trong 02 bao tải; 18 gói mì chính (bột ngọt) in nhãn hiệu A thành phẩm loại 400 gam; 102 vỏ gói mì chính (bột ngọt) in nhãn hiệu A loại 454 gam; 25 vỏ gói mì chính (bột ngọt) in nhãn hiệu A loại 400 gam; 01 dụng cụ đong múc bằng nhựa (tự chế) phục vụ đóng gói mì chính và tịch thu sung công quỹ Nhà nước: 01 máy hàn nhiệt, sử dụng điện nhãn hiệu T2 cũ đã qua sử dụng; 01 cân nhãn hiệu N2 loại 02 kg đã qua sử dụng; 01 điện thoại di động kiểu dáng Iphone 6S, số IMEI 358565074677402, cũ đã qua sử dụng, không kiểm tra chất lượng máy, lắp sim số 0344910907.

Nói lời sau cùng, bị cáo xin Hội đồng xét xử mở lượng khoan hồng cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

- Về tố tụng:

[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện G, Điều tra viên, Viện Kiểm sát nhân dân huyện G, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa hôm nay, bị cáo thành khẩn nhận tội và không có khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng huyện G là hợp pháp.

- Về tội danh:

[2]. Xét lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên toà phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, lời khai của người làm chứng, bản Kết luận định giám định cùng các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án cũng như nội dung bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện G đã truy tố.

Hội đồng xét xét có đủ cơ sở kết luận: Khoảng 20 giờ ngày 01/07/2021 tại thôn H, xã Đ, huyện G, thành phố Hà Nội, bị cáo Nguyễn Thị S có hành vi sử dụng nguyên liệu mì chính (bột ngọt) không rõ nguồn gốc để sản xuất hàng giả là phụ gia thực phẩm và đã sản xuất được 21 gói mì chính (bột ngọt) in nhãn hiệu A loại 400g thì bị Công an huyện G phát hiện và bắt giữ.

[3]. Hành vi của bị cáo Nguyễn Thị S đã có đủ yếu tố cấu thành tội: “Sản xuất hàng giả là phụ gia thực phẩm”. Tội danh và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 193 của Bộ luật Hình sự.

[4]. Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân huyện G đề nghị truy tố bị cáo về tội danh và điều luật áp dụng là có căn cứ và phù hợp với pháp luật.

[5]. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Vì động cơ tư lợi, bị cáo đã cố ý xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, chính sách quản lý thị trường của Nhà nước đồng thời xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng được Bộ luật Hình sự bảo vệ. Vì vậy, cần phải nghiêm trị đối với bị cáo.

- Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo:

[6]. Về tình tiết tăng nặng: Nhân thân của bị cáo có 01 tiền án: Năm 2006, Tòa án nhân dân huyện S2 xử phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời hạn thử thách 48 tháng về tội: Buôn bán hàng giả là thực phẩm. Tiền án trên của bị cáo đã đương nhiên được xóa theo luật định. Do đó, bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

[7]. Về tình tiết giảm nhẹ: Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; hành vi phạm tội của bị cáo chưa gây thiệt hại là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

[8]. Xét tính chất và mức độ hành vi phạm tội cùng nhân thân của bị cáo, Hội đồng xét xử thấy cần phải xử phạt bị cáo một mức án tù trong khung hình phạt nhằm cách ly bị cáo ra ngoài xã hội một thời gian mới có đủ điều kiện cải tạo, giáo dục bị cáo và phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như đã nhận định ở trên nên áp dụng Điều 54 của Bộ luật Hình sự để xử phạt bị cáo hình phạt tù dưới mức khởi điểm của khung hình phạt là có căn cứ.

[9]. Đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện G về nhân thân của bị cáo, về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, về mức hình phạt đối với bị cáo cơ bản là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử.

- Về hình phạt bổ sung:

[10]. Xét thấy bị cáo là đối tượng không có nghề nghiệp, thu nhập ổn định, không có tài sản riêng nên không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo là có căn cứ.

- Về trách nhiệm dân sự:

[11]. Công ty A không có yêu cầu gì về trách nhiệm dân sự nên Hội đồng xét xử không đặt vấn đề giải quyết.

- Về xử lý vật chứng:

[12]. Thu giữ: 31 kg mì chính (bột ngọt) nguyên liệu được đựng trong 02 bao tải; 18 gói mì chính (bột ngọt) in nhãn hiệu A thành phẩm loại 400 gam; 102 vỏ gói mì chính (bột ngọt) in nhãn hiệu A loại 454 gam; 25 vỏ gói mì chính (bột ngọt) in nhãn hiệu A loại 400 gam và 01 cân dụng cụ đong múc tự chế bằng nhựa bị cáo dùng để thực hiện tội phạm nên cần cho tịch thu tiêu hủy là có căn cứ.

[13]. Thu giữ của bị cáo: 01 máy hàn nhiệt, sử dụng điện nhãn hiệu T2 cũ đã qua sử dụng; 01 cân nhãn hiệu N2 loại 02 kg đã qua sử dụng; 01 điện thoại di động kiểu dáng Iphone 6S, số IMEI 358565074677402, cũ đã qua sử dụng, không kiểm tra chất lượng máy, lắp sim số 0344910907 dùng để thực hiện tội phạm nên cần cho tịch thu sung công quỹ Nhà nước là có căn cứ.

- Về các vấn đề khác:

[14]. Đối với hành vi sản xuất hàng giả gồm 09 gói bột giặt in nhãn hiệu O loại 800g và 23 gói bột giặt in nhãn hiệu O loại 400g, do tổng giá trị là 745.000đ đồng thời tổng giá trị các gói bột giặt nếu S bán thành công là 420.000đ. Do vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện G chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự đối với Nguyễn Thị S về tội Sản xuất hàng giả quy định tại khoản 1 Điều 192 và đã xử phạt hành chính đối với Nguyễn Thị S về hành vi sản xuất hàng giả là có căn cứ.

[15]. Đối với người đã bán nguyên liệu và vỏ bao bì để S sản xuất các gói mì chính A giả theo lời khai của S là Nguyễn Thị N, N khai số điện thoại 0963499073 đăng ký thuê bao của chồng N là anh Nguyễn Duy C, sinh năm 1971- HKTT: Thôn M, xã Đ, huyện G, thành phố Hà Nội, số thuê bao trên bị mất từ khoảng tháng 4 năm 2021, sau đó không sử dụng số thuê bao trên nữa. N không thừa nhận việc bán 02 bao nguyên liệu bột ngọt và các vỏ bao bì in nhãn hiệu bột ngọt A và bột giặt in nhãn hiệu O cho Nguyễn Thị S. Anh Nguyễn Duy C khai nhận đã đăng ký sử dụng số điện thoại 0963499073 đến khoảng tháng 10/2020 thì đưa cho vợ là Nguyễn Thị N sử dụng hoàn toàn. Anh C không có quan hệ làm ăn gì với Nguyễn Thị S. Ngoài lời khai của Nguyễn Thị S không có tài liệu nào khác chứng minh việc N bán nguyên liệu và các vỏ bao bì cho bị can S nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện G chưa đủ căn cứ để xử lý đối với Nguyễn Thị N và Nguyễn Duy C.

[16]. Đối với Nguyễn Duy S1, sinh năm 1963 là chồng của S; Nguyễn Duy A2, sinh năm 1990 và Nguyễn Duy T1, sinh 1992 là con đẻ của N; chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1993 và chị Nguyễn Thị Bích H1, sinh năm 1992 cùng sinh sống tại thôn H, xã Đ, huyện G, thành phố Hà Nội, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện G xác định việc S sản xuất, mua bán mì chính giả nhãn hiệu A thì S1, Duy A2, T1, H và H1 không tham gia, đã đã nhắc nhở S không được làm. Do vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện G không đề nghị xử lý với anh Nguyễn Duy S1, anh Nguyễn Duy A2, anh Nguyễn Duy T1, chị Nguyễn Thị H và và chị Nguyễn Bích H1 là có căn cứ.

- Về án phí:

[17]. Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12- 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

- Về quyền kháng cáo:

[18]. Bị cáo và những người tham gia tố tụng khác được quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ vào khoản 1 Điều 193; điểm h, s khoản 1 Điều 51; Điều 38; Điều 54 của Bộ luật Hình sự:

- Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị S 12 (Mười hai) tháng tù về tội: “Sản xuất hàng giả là phụ gia thực phẩm”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

2. Về hình phạt bổ sung: Không.

3. Về trách nhiệm dân sự: Không.

4. Về xử lý vật chứng: Căn cứ Điều 47 của Bộ luật Hình sự và Điều 106 của Bộ luật Tố tụng Hình sự:

+ Tịch thu tiêu hủy: 31 kg mì chính (bột ngọt) nguyên liệu được đựng trong 02 bao tải; 18 gói mì chính (bột ngọt) in nhãn hiệu A thành phẩm loại 400 gam; 102 vỏ gói mì chính (bột ngọt) in nhãn hiệu A loại 454 gam; 25 vỏ gói mì chính (bột ngọt) in nhãn hiệu A loại 400 gam và 01 dụng cụ đong múc bằng nhựa (tự chế) phục vụ đóng gói mì chính.

+ Tịch thu sung công quỹ Nhà nước: 01 máy hàn nhiệt, sử dụng điện nhãn hiệu T2 cũ đã qua sử dụng; 01 cân nhãn hiệu N2 loại 02 kg đã qua sử dụng; 01 điện thoại di động kiểu dáng Iphone 6S, số IMEI 358565074677402, cũ đã qua sử dụng, không kiểm tra chất lượng máy, lắp sim số 0344910907.

(Hiện có tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện G theo Biên bản giao nhận vật chứng ngày 16/12/2021).

5. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng Hình sựNghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án: Bị cáo Nguyễn Thị S phải chịu 200.000 đồng án phí Hình sự sơ thẩm.

6. Quyền kháng cáo: Bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1061
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội sản xuất hàng giả là phụ gia thực phẩm số 28/2022/HS-ST

Số hiệu:28/2022/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Gia Lâm - Hà Nội
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 21/02/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;