TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 383/2022/HS-PT NGÀY 06/09/2022 VỀ TỘI MUA BÁN TRÁI PHÉP VẬT LIỆU NỔ
Ngày 06-9-2022, tại điểm cầu Trung tâm từ trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng với điểm cầu Thành phần tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định. Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 274/2022/TLPT-HS ngày 04-7-2022 đối với bị cáo Đỗ Văn H cùng đồng phạm, do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 28/2022/HS-ST ngày 26-5-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định.
- Các bị cáo kháng cáo:
1. Lê Huy H1, sinh năm 1983 tại Bình Định; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: tỉnh Bình Định; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; giới tính: Nam; trình độ văn hóa: 09/12; nghề nghiệp: Lái máy đào; con ông Lê C (đã chết) và bà Nguyễn Thị Kim C, sinh năm 1959; vợ là Đinh Thị T, sinh năm 1983 và có 02 con; tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo bị bắt ngày 19-7-2021; đến ngày 15-11-2021, được thay đổi bằng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt tại điểm cầu Thành phần, trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định.
2. Phan C, sinh năm 1966 tại Bình Định; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: tỉnh Bình Định; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; giới tính: Nam; trình độ văn hóa: 12/12; nghề nghiệp: Khai thác đá; con ông Phan Đình L và bà Đặng Thị Đ (đã chết); vợ là Lê Thị Mỹ T, sinh năm 1967 (là bị cáo trong vụ án) và có 02 con; tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo tại ngoại nơi cư trú, có mặt tại điểm cầu Thành phần, trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định.
3. Nguyễn Văn D, sinh năm 1977 tại Thái Bình; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: tỉnh Bình Định; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; giới tính: Nam; trình độ văn hóa: 09/12; nghề nghiệp: Lái máy đào; con ông: Nguyễn Văn B và bà Đặng Thị H (đều đã chết); vợ là Nguyễn Thị T, sinh năm 1986 và có 02 con; tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo tại ngoại nơi cư trú, có mặt tại điểm cầu Thành phần, trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định.
4. Trần Đình T, sinh năm 1992 tại Bình Định; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: tỉnh Bình Định; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; giới tính: Nam; trình độ văn hóa: 09/12; nghề nghiệp: Lái máy đào; con ông Trần Văn L, sinh năm 1968 và bà Nguyễn Thị A, sinh năm 1969; vợ là Trần Thị Ái T, sinh năm 1994 và có 02 con; tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo tại ngoại nơi cư trú, có mặt tại điểm cầu Thành phần, trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định.
(Vụ án còn có các bị cáo Đỗ Văn H, Lê Thị Mỹ T, Tống Đức D và Phạm Văn H1 nhưng không kháng cáo, không bị kháng nghị và có 12 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhưng không liên quan đến kháng cáo, Hội đồng xét xử phúc thẩm không triệu tập).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 06 giờ 30 phút ngày 19-7-2021, qua tuần tra kiểm soát trên địa bàn, Công an xã N, thị xã A, tỉnh Bình Định phát hiện Lê Huy H1 điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 77L1-23494 có biểu hiện nghi vấn, nên đã tiến hành kiểm tra và phát hiện H1 đang vận chuyển 08 kg thuốc nổ nhũ tương, 02 cuộn dây nổ và 200 kíp nổ điện. Quá trình điều tra xác định nguồn gốc số vật liệu nổ là của Đỗ Văn H bán lại cho Lê Huy H1 cụ thể như sau:
Công ty TNHH H - Granite có trụ sở tại phường N, thị xã A, tỉnh Bình Định có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất đá Granite và khai thác mỏ đá. Công ty được Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp thuộc Bộ Công thương cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp gồm: Thuốc nổ nhũ tương, kíp nổ điện và dây nổ chịu nước để nổ mìn khai thác đá tại khu vực mỏ đá núi A thuộc thị xã A, tỉnh Bình Định.
Để khai thác đá, công ty ký các quyết định phân công và giao nhiệm vụ cho các thành phần tham gia quản lý và sử dụng vật liệu nổ như: Nguyễn Ái T là chỉ huy nổ mìn, Nguyễn Văn L là quản đốc, Nguyễn Q H là thủ kho vật liệu nổ, Bùi Văn L, Phạm Văn T, Nguyễn Văn V và Phùng Thanh S là tổ gác mìn bảo vệ, Đỗ Văn H là công nhân nổ mìn, nhiệm vụ của H là trực tiếp sử dụng vật liệu nổ của công ty để nổ mìn khai thác đá. Mỗi lần nổ mìn khai thác đá, Tổ nổ mìn được công ty cấp cho số lượng vật liệu nổ theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định. Tuy nhiên, lợi dụng công việc được giao về sử dụng vật liệu nổ, trong quá trình nhồi vật liệu nổ vào các lỗ khoan nổ mìn, Đỗ Văn H nhiều lần cắt xén, sử dụng ít hơn định mức tiêu chuẩn cho phép để lấy vật liệu nổ còn thừa, cất giấu rồi bán cho Lê Huy H1 lấy tiền tiêu xài cá nhân. Từ ngày 28-4-2021 đến ngày 19-7-2021, Đỗ Văn H 04 lần lấy vật liệu nổ, tổng cộng 28 kg thuốc nổ nhũ tương, 625 kíp nổ điện và 07 cuộn dây nổ chịu nước bán cho Lê Huy H1, sau đó H1 bán lại cho các đối tượng khác để hưởng tiền chênh lệch:
Lần 1: Khoảng giữa tháng 4-2021, Trần Đình T là công nhân nhận thầu mở rộng phần diện tích Nhà máy của Công ty TNHH N thuộc Khu công nghiệp P, thành phố Q và Nguyễn Văn D là công nhân khai thác đá cho Doanh nghiệp tư nhân T - Đá Granite (nay là Công ty TNHH Đá Granite S Hà) thuộc Khu công nghiệp P, thành phố Q điện thoại cho Lê Huy H1 (lúc này là công nhân lái máy đào) tại Khu công nghiệp P hỏi mua vật liệu nổ để nổ mìn phá đá. Do quen Đỗ Văn H, nên H1 điện thoại cho H đặt mua vật liệu nổ để bán lại cho T và D. Ngày 27- 4-2021, H1 liên lạc thì được H cho biết đang có 08 kg thuốc nổ nhũ tương, 100 kíp nổ điện và 01 cuộn dây nổ chịu nước dài 50 m, giá 300.000 đồng/01 kg thuốc nổ, 15.000 đồng/01 kíp nổ và 750.000 đồng/01 cuộn dây nổ, tổng cộng là 4.650.000 đồng và hẹn lúc 6 giờ sáng ngày 28-4-2021 sẽ giao hàng tại Khu nghĩa trang xã N, thị xã A. Nhận được thông tin, H1 điện thoại thông báo cho T biết đang có 04 kg thuốc nổ nhũ tương, 50 kíp nổ điện với giá 350.000 đồng/01 kg thuốc nổ, 20.000 đồng/01 kíp nổ điện, tổng cộng là 2.400.000 đồng, T đồng ý mua và chiều tối ngày 27-4-2021, T đến nhà H1 đưa trước 2.400.000 đồng. H1 tiếp tục điện thoại thông báo cho D biết đang có 04 kg thuốc nổ nhũ tương, 50 kíp nổ điện và 01 cuộn dây nổ chịu nước với giá 350.000 đồng/01 kg thuốc nổ, 20.000 đồng/01 kíp nổ điện và 800.000 đồng/01 cuộn dây nổ, tổng cộng là 3.200.000 đồng. Tối ngày 27-4- 2021, H1 đến trước xưởng Gas thuộc khu công nghiệp P, thành phố Q lấy trước của D 3.200.000 đồng. Ngày 28-4-2021, H1 nhận vật liệu nổ từ H rồi bán lại cho T và D với số lượng và giá tiền như trên. Sau khi mua vật liệu nổ, D trực tiếp sử dụng để nổ mìn phá đá mở rộng phần diện tích mặt bằng của Doanh nghiệp tư nhân T - Đá Granite, còn T thuê Nguyễn Anh T khoan giúp các lỗ khoan vào các khối đá. Sau đó, T trực tiếp sử dụng vật liệu nổ để nổ mìn phá đá mở rộng phần diện tích mặt bằng Nhà máy của công ty TNHH N.
Lần 2: Khoảng đầu tháng 5-2021, Phạm Văn H1 làm nghề khai thác đá tại núi H thuộc phường Trần Quang Diệu, thành phố Q điện thoại cho Lê Huy H1 hỏi mua vật liệu nổ để khai thác đá, H1 điện thoại cho Đỗ Văn H đặt mua vật liệu nổ. Ngày 19-5-2021, H thông báo cho H1 biết hiện đang có 04 kg thuốc nổ nhũ tương, 125 kíp nổ điện và 02 cuộn dây nổ chịu nước (mỗi cuộn dài 50 m) với giá 4.575.000 đồng và hẹn khoảng 18 giờ ngày 19-5-2021, sẽ giao nhận tại Khu nghĩa trang xã N, thị xã A. Lê Huy H1 thông báo cho Phạm Văn H1 biết đang có 04 kg thuốc nổ, 125 kíp nổ điện và 02 cuộn dây nổ chịu nước với giá 5.500.000 đồng và hẹn khoảng 19 giờ ngày 19-5-2021 sẽ giao hàng. Khoảng 17 giờ ngày 19-5-2021, Phạm Văn H1 hẹn Lê Huy H1 đến trụ ATM thuộc Ngân hàng V (gần Ngã ba P, thành phố Q) rồi đưa cho Lê Huy H1 5.500.000 đồng và nhận vật liệu nổ.
Lần 3: Đầu tháng 6-2021, Phan C làm nghề khai thác đá tại núi H thuộc phường Trần Quang Diệu, thành phố Q cần vật liệu nổ để khai thác đá nên đã hỏi mua của Lê Huy H1, nhưng H1 chưa có. Vài ngày sau, C nói vợ là Lê Thị Mỹ T điện thoại cho H1 tiếp tục hỏi mua vật liệu nổ. H1 điện thoại cho Đỗ Văn H đặt mua vật liệu nổ và ngày 29-6-2021, H thông báo cho H1 biết đang có 08 kg thuốc nổ nhũ tương, 200 kíp nổ điện và 02 cuộn dây nổ chịu nước với giá 6.900.000 đồng và hẹn khoảng 06 giờ sáng ngày 30-6-2021 sẽ giao nhận tại Khu nghĩa trang xã N, thị xã A. Sau khi có vật liệu nổ, H1 bán cho T với giá 350.000 đồng/01 kg thuốc nổ, 20.000 đồng/01 kíp nổ và 800.000 đồng/01 cuộn dây nổ, tổng cộng là 8.400.000 đồng.
Cũng trong thời gian này, Lê Thanh Q điện thoại cho vợ chồng Phan C và Lê Thị Mỹ T hỏi mua 500 kíp nổ điện. Phan C nhờ Tống Đức D làm nghề buôn bán đá xây dựng mua giúp vật liệu nổ với mục đích khai thác đá và bán lại cho Lê Thanh Q. Vài ngày sau, trong lần đi Gia Lai mua đá màu để sản xuất, D thông qua một người đàn ông (không rõ lai lịch) mua giúp cho C 300 kíp nổ điện với giá 20.000 đồng/01 kíp nổ, tổng cộng là 6.000.000 đồng. Sau khi có đủ số kíp nổ điện, khoảng 16 giờ ngày 30-6-202, T bán cho Q 500 kíp nổ với giá 14.500.000 đồng. Q mang 500 kíp nổ điện về cất giấu trong phòng ngủ tại nhà và đến 09 giờ 15 phút ngày 01-7-2021, thì bị Công an phường N, thành phố Q kiểm tra hành chính phát hiện bắt quả tang.
Do bán 500 kíp nổ điện cho Lê Thanh Q, nên Phan C bị thiếu kíp nổ điện để sử dụng khai thác đá, nên đầu tháng 7-2021, C thông qua một người đàn ông (không rõ lai lịch) là thợ khai thác đá tại núi H mua 30 kíp nổ điện với giá 600.000 đồng (20.000 đồng/01 kíp) rồi thuê Lê Văn N khoan các lỗ khoan đá nổ mìn tại núi H thuộc phường T, thành phố Q.
Lần 4: Khoảng cuối tháng 6-2021 đến giữa tháng 7-2021, Trần Đình T và Nguyễn Văn D điện thoại cho Lê Huy H1 hỏi mua vật liệu nổ để phá đá mở rộng diện tích mặt bằng tại các công ty nêu trên, H1 điện thoại cho Đỗ Văn H đặt mua vật liệu nổ. Ngày 18-7-2021, H thông báo cho H1 biết hiện đang có 08 kg thuốc nổ nhũ tương, 200 kíp nổ điện và 02 cuộn dây nổ chịu nước với giá 6.900.000 đồng và hẹn khoảng 6 giờ 15 phút ngày 19-7-2021 sẽ giao nhận tại Khu nghĩa trang xã N, thị xã A. H1 điện thoại thông báo cho T biết hiện đang có 04 kg thuốc nổ nhũ tương, 100 kíp nổ điện, 01 cuộn dây nổ chịu nước với giá 4.200.000 đồng, nhưng vì là chỗ thân thiết nên H1 giảm 300.000 đồng, T đồng ý mua và đem 3.900.000 đồng đến nhà Nguyễn Anh T, nhờ T đưa tiền cho H1 nhưng T không nói cho T biết mục đích đưa tiền cho H1 để làm gì. Sau đó, H1 tiếp tục điện thoại thông báo cho D biết hiện đang có 04 kg thuốc nổ nhũ tương, 100 kíp nổ điện, 01 cuộn dây nổ chịu nước với 4.200.000 đồng và hẹn ngày 19-7-2021 sẽ giao hàng. Tối ngày 18- 7-2021, H1 hẹn D đến đoạn đường vắng gần thuộc khu công nghiệp P, thành phố Q để lấy trước 4.200.000 đồng.
Như đã hẹn trước, lúc 5 giờ 30 phút ngày 19-7-2021, H1 điều khiển xe máy đến Ngã ba thị trấn D, huyện T nhận 3.900.000 đồng của T (do Nguyễn Anh T đưa), sau đó H1 đến Khu nghĩa trang xã N, thị xã A để mua vật liệu nổ từ Đỗ Văn H. Khi đến địa điểm, H giao cho H1 02 túi nilon màu đen và nói cho H1 biết túi nhỏ đựng 200 kíp nổ điện, túi lớn đựng 08 kg thuốc nổ nhũ tương và 02 cuộn dây nổ chịu nước, H1 nhận 02 túi vật liệu nổ và đưa H 6.900.000 đồng rồi H1 chở số vật liệu nổ về để bán lại cho T và Văn D (mỗi người 04 kg thuốc nổ, 100 kíp nổ điện và 01 cuộn dây nổ chịu nước). Tuy nhiên, khi H1 đi đến đoạn đường Q lộ 19 thuộc thôn T L 1, xã N, thị xã A thì bị Công an xã N bắt quả tang.
Quá trình điều tra, các bị cáo đã nộp tiền thu lợi bất chính là 32.100.000 đồng (Đỗ Văn H nộp 23.025.000 đồng, Lê Huy H1 nộp 4.575.000 đồng, Phan C nộp 4.500.000 đồng,).
Ngày 21-7-2021, Phân viện Khoa học hình sự tại thành phố Đà Nẵng kết luận:
- 40 thỏi hình trụ tròn (vỏ bằng nilon màu trắng, bên trong mỗi thỏi có chất dẻo màu trắng ngà) gửi giám định đều là thuốc nổ nhũ tương, hiện tại còn sử dụng được. Thuốc nhũ tương là thuốc nổ công nghiệp thường được sử dụng trong khai thác đá, hầm mỏ; tổng khối lượng mẫu vật là 08 kg.
- 200 vật hình trụ tròn vỏ bằng kim loại màu trắng (mỗi vật dài 4,7 cm, đường kính 0,7 cm, một đầu bịt kín, đầu còn lại được gắn hai đoạn dây điện bằng đồng loại một sợi, vỏ nhựa màu đỏ và vàng) là kíp nổ điện, hiện còn sử dụng được. Kíp nổ có tác dụng kích nổ khối thuốc nổ.
- 02 cuộn dây vỏ bằng nhựa màu đỏ (hai đầu bịt kín bằng kim loại màu trắng, bên trong có chất bột màu trắng xám) gửi giám định đều là dây nổ chịu nước, hiện tại còn sử dụng được. Dây nổ chịu nước có tác dụng truyền nổ đến khối thuốc nổ, thường được dùng trong môi trường nước, chiều dài mỗi cuộn là 50 m, khối lượng mỗi cuộn là 1,35 kg.
Các mẫu vật nêu trên (40 thỏi hình trụ tròn, 200 vật hình trụ tròn vỏ bằng kim loại màu trắng, 02 cuộn dây vỏ bằng nhựa màu đỏ) đều là vật liệu nổ.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 28/2022/HS-ST ngày 26-5-2022, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định:
1. Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 305; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52 và Điều 38 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:
- Lê Huy H1 03 (ba) năm tù về tội “Mua bán trái phép vật liệu nổ”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo thi hành án (được trừ thời gian tạm giam từ ngày 19-7-2021 đến ngày 15-11-2021).
2. Áp dụng khoản 1 Điều 305; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52 và Điều 38 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:
- Phan C 15 (mười lăm) tháng tù về tội “Mua bán trái phép vật liệu nổ”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo thi hành án.
3. Áp dụng khoản 1 Điều 305; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 và Điều 38 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:
- Nguyễn Văn D 15 (mười lăm) tháng tù về tội “Mua bán trái phép vật liệu nổ”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo thi hành án.
- Trần Đình T 15 (mười lăm) tháng tù về tội “Mua bán trái phép vật liệu nổ”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo thi hành án.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về tội danh, hình phạt đối với các bị cáo Đỗ Văn H, Tống Đức D, Lê Thị Mỹ T và Phạm Văn H1; quyết định xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
- Ngày 27-5-2022, Lê Huy H1 kháng cáo xin giảm hình phạt.
- Ngày 27-5-2022, Trần Đình T kháng cáo xin giảm hình phạt và ngày 29- 8-2022 kháng cáo bổ sung, đề nghị được hưởng án treo.
- Ngày 01-6-2022, Nguyễn Văn D kháng cáo xin giảm hình phạt và được hưởng án treo.
- Ngày 05-6-2022, Phan C kháng cáo xin giảm hình phạt và được hưởng án treo.
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa;
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1]. Sau khi xét xử sơ thẩm, Lê Huy H1, Phan C, Nguyễn Văn D và Trần Đình T kháng cáo bản án. Đơn kháng cáo của các bị cáo là trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự, do đó Hội đồng xét xử quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
Tại phiên tòa, các bị cáo giữ nguyên kháng cáo; đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 và điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự:
- Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Huy H1.
- Chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo Trần Đình T, Phan C và Nguyễn Văn D.
- Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 28/2022/HS-ST ngày 26-5-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định, theo hướng giữ nguyên hình phạt và cho các bị cáo Trần Đình T, Phan C và Nguyễn Văn D.
Các bị cáo không tranh luận, chỉ đề nghị giảm hình phạt và được hưởng án treo.
[2]. Xét kháng cáo của bị cáo:
[2.1]. Về tội danh:
Đỗ Văn H là công nhân nổ mìn thuộc Công ty TNHH H - Granite, bị cáo có nhiệm vụ trực tiếp sử dụng vật liệu nổ của công ty để nổ mìn khai thác đá. Trong quá trình nhồi vật liệu nổ vào các lỗ khoan để nổ mìn, H nhiều lần sử dụng ít hơn định mức tiêu chuẩn cho phép, lấy vật liệu nổ còn thừa để bán lại cho Lê Huy H1. Từ ngày 28-4-2021 đến ngày 19-7-2021, H 04 lần lấy vật liệu nổ, tổng cộng là 28 kg thuốc nổ nhũ tương, 625 kíp nổ điện và 07 cuộn dây nổ chịu nước bán cho H1. Sau khi mua được vật liệu nổ từ H, H1 bán lại cho vợ chồng Phan C, Lê Thị Mỹ T 08 kg thuốc nổ nhũ tương, 200 kíp nổ điện và 02 cuộn dây nổ chịu nước; bán cho Nguyễn Văn D 02 lần gồm 08 kg thuốc nổ nhũ tương, 150 kíp nổ điện và 02 cuộn dây nổ chịu nước; bán cho Trần Đình T 02 lần gồm 08 kg thuốc nổ nhũ tương, 150 kíp nổ điện và 01 cuộn dây nổ chịu nước và bán cho Phạm Văn H1 04 kg thuốc nổ, 125 kíp nổ điện và 02 cuộn dây nổ chịu nước. Ngoài ra, Phan C còn nhờ Tống Đức D mua cho C 300 kíp nổ điện và C tự mua của một người đàn ông không rõ lai lịch 30 kíp nổ điện. Sau khi mua được kíp nổ của Lê Huy H1 và Tống Đức D, C cùng vợ là Lê Thị Mỹ T bán lại 500 kíp nổ điện cho Lê Thanh Q.
Với hành vi phạm tội nhu nêu trên, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định kết án Lê Huy H1 về tội “Mua bán trái phép vật liệu nổ” theo điểm b khoản 2 Điều 305 của Bộ luật Hình sự; kết án Trần Đình T, Phan C và Nguyễn Văn D về tội “Mua bán trái phép vật liệu nổ” theo khoản 1 Điều 305 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.
[2.2]. Về hình phạt:
Các bị cáo có đủ năng lực hành vi để nhận thức vật liệu nổ được Nhà nước quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm việc mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép, nhưng vì mục đích khai thác đá và vì mục đích thu lợi cá nhân, các bị cáo đã thực hiện hành vi mua bán trái phép vật liệu nổ. Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, hành vi này không những xâm phạm trực tiếp đến chế độ quản lý của Nhà nước về vật liệu nổ, mà còn gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự tại địa phương. Do đó, các bị cáo bị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xử phạt từ 15 tháng đến 03 năm tù.
Các bị cáo kháng cáo xin giảm hình phạt và được hưởng án treo, do đó Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ xem xét hành vi phạm tội, đánh giá vai trò của từng bị cáo để có mức hình phạt cụ thể.
- Đối với Lê Huy H1:
Bị cáo 04 lần mua bán vật liệu nổ, với tổng số lượng là 28 kg thuốc nổ nhũ tương, 625 kíp nổ điện và 07 cuộn dây nổ chịu nước. Sau đó, bán lại số vật liệu nổ này cho Nguyễn Văn D, Trần Đình T, Phan C, Lê Thị Mỹ T và Phạm Văn H1, thu lợi bất chính 4.575.000 đồng, nên cần phải xử phạt bị cáo một hình phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhu thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và đã nộp lại số tiền thu lợi bất chính, theo Án lệ số 48/2021/AL ngày 25-11-2021 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thì đây được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự; ngoài ra, bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, là lao động chính trong gia đình; trước khi phạm tội, bị cáo đã thực hiện nghĩa vụ quân sự và hiện nay bị cáo đang bị bệnh hiểm nghèo (U sùi hạ họng thanh quản). Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bị cáo.
- Đối với Phan C và Nguyễn Văn D:
Bị cáo Phan C 01 lần mua vật liệu nổ trái phép của Lê Huy H1, 01 lần thông qua bị cáo Tống Đức D mua 300 kíp nổ điện và 01 lần trực tiếp mua của một người đàn ông (không rõ lai lịch) 30 kíp nổ điện, sau đó cùng vợ là bị cáo Lê Thị Mỹ T bán lại cho Lê Thanh Q, thu lợi bất chính 4.500.000 đồng; còn bị cáo Nguyễn Văn D mua trái phép vật liệu nổ để sử dụng nổ mìn phá đá, do đó cũng cần xử phạt các bị cáo hình phạt tương xứng. Tuy nhiên, sau khi phạm tội các bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo Phan C đã nộp lại số tiền thu lợi bất chính, theo Án lệ số 48/2021/AL ngày 25-11-2021 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thì đây được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và bị cáo có vợ cũng bị kết án trong vụ án này; ngoài ra, các bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, là lao động chính trong gia đình. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo và áp dụng khoản 3 Điều 54 của Bộ luật Hình sự để quyết định hình phạt đối với các bị cáo.
- Đối Trần Đình T:
Bị cáo mua trái phép vật liệu nổ để sử dụng nổ mìn phá đá, nên cũng cần phải áp dụng hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo. Tuy nhiên, do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; mua vật liệu nổ với mục đích khai thác đá, không có mục đích bán lại kiếm lời; bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, là lao động chính trong gia đình và hiện đang bị bệnh viêm gan. Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15-4- 2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15-5-2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thì bị cáo đủ điều kiện để được áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự. Vì vậy, để thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo.
Như vậy, kháng cáo của bị cáo Lê Huy H1 đã được Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét và có cơ sở để chấp nhận; kháng cáo của các bị cáo Trần Đình T Phan C và Nguyễn Văn D cũng được Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét và có cơ sở để chấp nhận một phần.
[3]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không xét.
[4]. Về án phí: Do kháng cáo được chấp nhận, nên các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c, e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
- Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Huy H1.
- Chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo Trần Đình T, Phan C và Nguyễn Văn D.
- Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 28/2022/HS-ST ngày 26-5-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định về Phần Trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo Lê Huy H1, Trần Đình T, Phan C và Nguyễn Văn D.
2. Về Trách nhiệm hình sự:
2.1. Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 305; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52 và khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:
- Lê Huy H1 18 (mười tám) tháng tù về tội “Mua bán trái phép vật liệu nổ”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo thi hành án (được trừ thời gian tạm giam từ ngày 19-7-2021 đến ngày 15-11-2021).
2.2. Áp dụng khoản 1 Điều 305; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52 và khoản 3 Điều 54 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:
- Phan C 09 (chín) tháng tù về tội “Mua bán trái phép vật liệu nổ”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.
2.3. Áp dụng khoản 1 Điều 305; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 và khoản 3 Điều 54 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:
- Nguyễn Văn D 09 (chín) tháng tù về tội “Mua bán trái phép vật liệu nổ”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.
2.4. Áp dụng khoản 1 Điều 305; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 và Điều 65 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:
- Trần Đình T 15 (mười lăm) tháng tù về tội “Mua bán trái phép vật liệu nổ” nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 30 (ba mươi) tháng, kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Giao bị cáo Trần Đình T cho Ủy ban nhân dân xã Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.
Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
4. Về án phí hình sự phúc thẩm:
Căn cứ điểm h khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Q hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
- Các bị cáo Lê Văn H1, Trần Đình T, Phan C và Nguyễn Văn D không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 383/2022/HS-PT về tội mua bán trái phép vật liệu nổ
Số hiệu: | 383/2022/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 06/09/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về