Bản án về tội mua bán trái phép hóa đơn số 67/2022/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

BẢN ÁN 67/2022/HS-ST NGÀY 26/07/2022 VỀ TỘI MUA BÁN TRÁI PHÉP HÓA ĐƠN

Ngày 26 tháng 7 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 38/2022/TLST-HS ngày 30 tháng 5 năm 2022 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 116/2022/QĐXXST-HS ngày 12 tháng 7 năm 2022 đối với bị cáo:

Trần Đức B, sinh năm 1996 tại tỉnh Bắc Ninh; HKTT: Khu phố ĐH, phường CK, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; nghề nghiệp: Kinh doanh; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Văn C, sinh năm 1975 và bà Trần Thị H, sinh năm 1976; có vợ là Lưu Thị L, sinh năm 1996 và 01 con sinh năm 2019; tiền án, tiền sự: Không;

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”; hiện tại ngoại; có mặt.

Người làm chứng:

1. Chị Lưu Thị L, sinh năm 1996 (có mặt).

2. Chị Trần Thị Phi Nh, sinh năm 1999(Đề nghị xét xử vắng mặt).

Cùng trú tại: Khu phố ĐH, phường CK, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh 3. Chị Trịnh Thị T, sinh năm 1980 (Đề nghị xét xử vắng mặt).

HKTT: Làng Móng, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Công ty TNHH sản xuất và thương mại ĐQ(viết tắt là Công ty Đăng Quang), được thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 2301032859 do Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bắc Ninh cấp lần đầu ngày 26/6/2018; địa chỉ tại Lô 25 Cụm công nghiệp CK, phường CK, thị xã Từ Sơn (nay là thành phố Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh; Ngành nghề kinh doanh: Sản xuất và kinh doanh thương mại thép các loại; Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty là Trần Đức B, sinh năm 1996, hộ khẩu thường trú: Khu phố ĐH, phường CK, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Để đảm bảo hoạt động của công ty, Trần Đức B đã mở 02 tài khoản mang tên Công ty ĐQsố: 43310000394267 tại Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Từ Sơn và tài khoản số 112002780414 tại ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Tiên Sơn. Đồng thời nhờ vợ là Lưu Thị L, sinh năm 1996 đứng tên Kế toán trưởng công ty; thuê Trịnh Thị T, sinh năm 1980, HKTT: Làng Móng, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh làm kế toán thuế cho công ty ĐQ(BL 363-483- Tập 4).

Sau khi thành lập công ty Đăng Quang, Trần Đức B thấy có nhiều người đến trụ sở của công ty đặt vấn đề mua hóa đơn giá trị gia tăng (viết tắt là GTGT) khống (không có hàng hóa dịch vụ kèm theo) của Công ty ĐQđể quyết toán hàng hóa, dịch vụ đầu vào cho công ty của họ. Thấy việc mua, bán khống hóa đơn GTGT kiếm lợi nhuận dễ dàng nên B đã thực hiện để kiếm lời bất chính. Quá trình điều tra đã xác định được hành vi phạm tội của bị can Trần Đức B như sau:

1. Đối với hành vi bán trái phép hóa đơn GTGT:

Khi khách có nhu cầu mua hóa đơn GTGT B trực tiếp L hệ, giao dịch để thống nhất giá cả mua bán hóa đơn, thống nhất cách thức viết hóa đơn, giao nhận hóa đơn, phương thức thanh toán và việc chuyển khoản để hợp thức hóa qua ngân hàng. Theo thỏa thuận thì khách hàng khi cần xuất hóa đơn khống phải cung cấp trước cho B thông tin về tên hàng hóa, đơn giá, số lượng, chủng loại, trị giá tiền hàng và thông tin về đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu mua hóa đơn khống, đồng thời phải trả cho B tiền mua hóa đơn với giá 2,1%/tổng giá trị tiền hàng chưa thuế ghi trên hóa đơn.

Sau đó B tự mình hoặc nhờ em gái là Trần Thị Phi Nh hoặc vợ là Lưu Thị L viết hóa đơn GTGT cho khách. Các chứng từ khác như: Hợp đồng, phiếu xuất kho, phiếu thu, biên bản giao nhận hàng hóa B trực tiếp hoàn thiện. Khi viết hóa đơn và hoàn thiện các chứng từ kèm theo xong B ký, đóng dấu vào hóa đơn và các chứng từ, sau đó đưa lại cho khách hàng B cách chuyển phát nhanh hoặc khách mua hóa đơn trực tiếp đến lấy hoặc cho nhân viên đến lấy.

Để thanh toán việc mua bán hóa đơn, B thỏa thuận với khách hàng tự chuyển trả tiền hàng và tiền thuế ghi trên hóa đơn GTGT qua 02 tài khoản ngân hàng của Công ty Đăng Quang, sau đó B sẽ tự ra ngân hàng rút tiền hoặc nhờ vợ là chị Lưu Thị L rút tiền về đưa cho B. B giữ lại tiền bán hóa đơn GTGT khống theo thỏa thuận là 2,1% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn, còn lại trả cho khách hàng B tiền mặt, trực tiếp khách mua đến lấy hoặc cử nhân viên đến nhận lại tiền hoặc nộp vào tài khoản cá nhân do phía mua hóa đơn cung cấp. Việc giao nhận tiền không có giấy tờ hoặc sổ sách ghi chép gì.

Kết quả điều tra xác định, với cách thức trên trong khoảng thời gian từ tháng 12/2018 đến tháng 6/2021 Trần Đức B đã xuất bán khống 215 hóa đơn GTGT mang tên đơn vị bán hàng là công ty ĐQcho 56 công ty ở nhiều địa bàn khác nhau với tổng trị giá tiền hàng chưa tính thuế ghi trên hóa đơn là:

90.464.029.749 đồng, tiền thuế GTGT là 9.046.402.749 đồng, cụ thể.

* Các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn của Công ty ĐQtừ 10 số hóa đơn đã ghi nội dung trở lên hoặc có số tiền thuế GTGT 100 triệu đồng trở lên: có 18 doanh nghiệp (trong đó: 15 doanh nghiệp có số tiền thuế từ 100 triệu trở lên; 03 doanh nghiệp sử dụng 10 số hóa đơn trở lên có ghi nội dung). Trong đó có 03 Công ty: Minh Thiều, Minh Trí, Gia Bảo trình bày mua hàng hóa thật trực tiếp với Trần Đức B và được xuất hóa đơn GTGT của công ty Đăng Quang. Cơ quan điều tra đã tiến hành cho đại diện các công ty đối chất với Trần Đức B, tuy nhiên các bên vẫn giữ nguyên lời khai và không có tài liệu khác chứng minh. Còn các công ty khác trình bày mua hàng qua trung gian hoặc của người không rõ lai lịch giới thiệu là nhân viên của Công ty ĐQhoặc do nhân viên thực hiện mua hàng nhưng không xác định được lai lịch. Đã thanh toán chuyển khoản đầy đủ tiền hàng cho công ty Đăng Quang. Các công ty đều không thừa nhận mua hóa đơn khống hoặc biết rõ hóa đơn là bất hợp pháp nhưng vẫn sử dụng kê khai báo cáo thuế.

* Đối với 41 công ty sử dụng hóa đơn khống của công ty ĐQcó tổng giá trị tiền thuế dưới 100 triệu đồng và sử dụng dưới 10 số hóa đơn có ghi nội dung: Cơ quan An ninh điều tra đã gửi công văn yêu cầu cung cấp tài liệu và giải trình về việc nhận hóa đơn công ty Đăng Quang. Kết quả điều tra đại diện của các công ty trên đều trình bày mua hàng hóa thật của công ty Đăng Quang. Khi mua có đầy đủ thủ tục và thanh toán B tiền mặt hoặc qua hệ thống tài khoản ngân hàng của hai bên công ty theo đúng quy định và không thừa nhận việc mua hóa đơn bất hợp pháp.

2. Đối với hành vi mua khống hóa đơn GTGT đầu vào:

Để hợp thức hóa đối với 215 số hóa đơn GTGT đã bán ra và thực hiện việc kê khai khấu trừ thuế GTGT, Trần Đức B khai nhận: Hàng tháng sau khi bán hóa đơn GTGT, B đã mua khống hóa đơn GTGT đầu vào của các công ty ở TP. Hà Nội, Hải Phòng tương ứng số tiền hàng ghi trên số hóa đơn đầu ra đã xuất bán khống thông qua một người đàn ông tên Đức ngưởi ở Hải Phòng (không rõ lai lịch) với giá 2%/ tổng trị giá tiền hàng chưa thuế ghi trên hóa đơn để kê khai hợp thức hóa việc bán khống hóa đơn GTGT nêu trên. B cung cấp thông tin công ty ĐQvà số liệu tương ứng cho Đức, sau đó Đức xuất hóa đơn, hoàn thiện các chứng từ kèm theo như hợp đồng, biên bản giao nhận hàng ....và cho người mang đến công ty ĐQtrả cho B. Tổng số B đã mua 137 số hóa đơn của 17 công ty với tổng tiền hàng 90.253.877.914 đồng, tiền thuế là 9.025.387.791đồng. B phải trả 1.805.077.558 đồng tiền mua hóa đơn.

Để thanh toán việc mua khống 137 số hóa đầu vào này B trực tiếp hoặc nhờ vợ nộp tiền vào tài khoản của công ty ĐQtại ngân hàng BIDV phòng giao dịch CK và ngân hàng Vietinbank phòng giao dịch CK, sau đó ủy nhiệm chi thanh toán tiền cho các công ty ở Hải Phòng, Hà Nội. Sau đó, Đức sẽ rút tiền từ tài khoản của các công ty này rồi giữ lại số tiền bán hóa đơn cho B tương ứng 2% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn. Số tiền còn lại Đức trả cho B B tiền mặt hoặc chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của B hoặc tài khoản của Lưu Thị L (B mượn tài khoản của L) tại ngân hàng Vietinbank và ngân hàng BIDV.

Tiến hành điều tra, xác minh về các Công ty đã xuất bán hóa đơn khống cho B xác định: Các công ty này đều ngừng hoạt động hoặc không có trụ sở, hoặc không hoạt động tại địa chỉ đăng ký với cơ quan thuế; giám đốc vắng mặt tại địa phương.

Việc kê khai, báo cáo thuế và báo cáo tài chính cho công ty ĐQđược thực hiện như sau: Khi đến kỳ báo cáo thuế, báo cáo tài chính B chuyển hóa đơn, chứng từ của công ty ĐQcho Trịnh Thị T thực hiện, T không phải đến công ty ĐQlàm việc và B không trao đổi cho T biết việc B mua bán trái phép hóa đơn.

Toàn bộ các số hóa đơn GTGT mua vào và bán ra đã được Công ty ĐQkê khai báo cáo thuế tại Chi cục thuế thị xã Từ Sơn (nay là Chi cục thuế khu vực Từ Sơn- Yên Phong).

3. Về số tiền hƣởng lợi từ việc mua bán trái phép hóa đơn:

Với việc mua hóa đơn đầu vào với giá trị B 2%/ tổng giá trị tiền hàng chưa thuế ghi trên hóa đơn và bán ra với giá 2,1%/ tổng giá trị tiền hàng chưa thuế ghi trên hóa đơn như đã nêu trên, Trần Đức B đã được hưởng lợi như sau:

- Số tiền mua khống 137 hóa đơn đầu vào là: 90.253.877.914 đồng x 2% = 1.805.077.558 đồng.

- Số tiền bán khống 215 hóa đơn đầu ra là: 90.464.029.749 đồng x 2,1% = 1.899.744.625 đồng.

- Số tiền Trần Đức B được hưởng lợi từ việc mua, bán hóa đơn là: 1.899.744.625đồng - 1.805.077.558 đồng = 94.667.066 đồng.

Ngày 12/10/2021, B đến Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đầu thú.

Với nội dung trên, tại Bản Cáo trạng số 37/CT-VKS-P1 ngày 20 tháng 5 năm 2022 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã truy tố bị cáo Trần Đức B về tội “Mua bán trái phép hóa đơn” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 203 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Trần Đức B khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như Cáo trạng đã truy tố. Bị cáo khai nhận, trên thực tế, thời gian đầu thành lập doanh nghiệp bị cáo có giao dịch mua bán hàng hóa đối với các mặt hàng là thép các loại... với các Công ty khác. Tuy nhiên, quá trình kinh doanh, do khó khăn và thấy việc mua bán hoá đơn GTGT được hưởng lợi nên bị cáo đã mua khống 137 số hóa đơn GTGT đầu vào của các công ty ở Hải Phòng với giá 2% trên tổng giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn và xuất bán khống 215 số hóa đơn GTGT cho các doanh nghiệp với giá 2,1% trên tổng giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn. Bị cáo được hưởng lợi số tiền hơn 94 triệu đồng từ việc mua bán khống hóa đơn GTGT. Đến nay, bị cáo nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, bị cáo đầu thú và tự nguyện nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính, đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh thực hành quyền công tố tại phiên tòa phát biểu luận tội giữ nguyên Cáo trạng truy tố. Sau khi đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố: Bị cáo Trần Đức B phạm tội “Mua bán trái phép hóa đơn”.

- Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 203; điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 65 BLHS: Xử phạt bị cáo Trần Đức B từ 12 đến 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 24 đến 30 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Về hình phạt bổ sung: Do bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, số tiền hưởng lợi bất chính không lớn nên đề nghị HĐXX miễn hình phạt bổ sung là phạt tiền cho bị cáo.

- Về vật chứng và biện pháp tư pháp: Đề nghị tịch thu sung ngân sách Nhà nước số tiền bị cáo thu lợi bất chính là 94.667.066 đồng. Xác nhận bị cáo đã nộp số tiền 94.867.066 đồng trong quá trình điều tra và trước khi xét xử sơ thẩm.

Bị cáo Trần Đức B không tham gia tranh luận với vị đại diện Viện kiểm sát chỉ đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng mức án thấp nhất.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về tố tụng: Cơ quan Cảnh sát điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, người làm chứng không ai có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

[2]. Về tội danh: Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo B đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa hôm nay phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai người L quan và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, vì vậy có đủ cơ sở kết luận: trong khoảng thời gian từ tháng 12/2018 đến tháng 6/2021 B đã xuất bán khống 215 số hóa đơn GTGT mang tên công ty ĐQcho các doanh nghiệp với tổng trị giá tiền hàng là 90.464.029.749, tiền thuế 9.046.402.974 đồng, với giá 2,1% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn. Để hợp thức hóa việc kê khai báo cáo thuế cho công ty Đăng Quang, B đã mua khống 137 hóa đơn GTGT đầu vào của các công ty ở Hải Phòng, Hà Nội với tổng trị giá tiền hàng là: 90.253.877.914 đồng, tiền thuế là 9.025.387.791 đồng, với giá 2%/ giá trị tiền hàng hóa ghi trên hóa đơn. Số tiền B thu lợi bất chính là 94.667.066 đồng. Do đó, Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh truy tố bị cáo Trần Đức B phạm tội “Mua bán trái phép hóa đơn” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 203 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[3]. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước về tài chính, kinh tế, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do hám lợi nên bị cáo B đã mua bán hóa đơn GTGT khống, tiếp tay cho các công ty làm ăn phi pháp, trốn thuế của Nhà nước. Do vậy cần phải xử lý nghiêm để giáo dục riêng và phòng ngừa chung.

[4]. Xét nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, HĐXX nhận thấy: Bị cáo B không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào. Trong giai đoạn điều tra đến phiên tòa hôm nay, bị cáo luôn tỏ thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo đã có ý thức ra đầu thú; tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính nên bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ lại có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, có nơi cư trú rõ ràng. Căn cứ Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự về án treo và Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 4 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP. HĐXX xét thấy: Bị cáo có đủ điều kiện được hưởng án treo, không cần thiết bắt bị cáo phải cách ly khỏi đời sống xã hội cũng đủ để giáo dục bị cáo trở thành công dân có ích cho xã hội.

Về hình phạt bổ sung: Bị cáo Trần Đức B có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, số tiền thu lợi bất chính không lớn nên miễn hình phạt bổ sung là phạt tiền như đề nghị của Viện kiểm sát là phù hợp pháp luật.

[5]. Những nội dung L quan trong vụ án:

- Đối với Lưu Thị L, Trần Thị Phi Nh là vợ và em gái Trần Đức B đã giúp B viết hóa đơn GTGT, thực hiện việc chuyển tiền, rút tiền cho B và Trịnh Thị T được B thuê làm kế toán của Công ty ĐQTuy nhiên những người này đều chỉ làm theo sự chỉ đạo của B, không biết và không được B cho biết việc B mua, bán khống hóa đơn GTGT nên Cơ quan điều tra không đề nghị xử lý là phù hợp.

- Đối với người đàn ông tên Đức, là người bán khống hóa đơn cho Trần Đức B và những người tự nhận là nhân viên của các công ty mua hóa đơn của B và những người tự xưng là nhân viên của công ty ĐQđến nay chưa xác định được cụ thể là ai, Cơ quan điều tra tiếp tục xác minh, khi nào làm rõ sẽ đề nghị xử lý sau.

- Đối với 15 công ty sử dụng hóa đơn khống của Trần Đức B có số tiền thuế trên 100 triệu đồng hoặc tiền thuế dưới 100 triệu đồng nhưng có trên 10 số hóa đơn đã ghi đầy đủ nội dung, với các tài liệu điều tra chưa có đủ cơ sở xác định 15 công ty này có hành vi mua khống hóa đơn của Trần Đức B để trốn thuế hay mua bán trái phép hóa đơn. Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra xác minh khi nào có căn cứ thì xử lý sau.

- Đối với 41 công ty sử dụng hóa đơn khống của công ty ĐQcó tổng giá trị tiền thuế dưới 100 triệu đồng và sử dụng dưới 10 số hóa đơn có ghi nội dung, do chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên Cơ quan điều tra đã thông báo cho các Cơ quan thuế quản lý các doanh nghiệp này biết để xử lý theo thẩm quyền là đúng quy định của pháp luật.

- Đối với các công ty đầu vào của Công ty ĐQxuất bán khống hóa đơn đầu vào cho công ty ĐQđể Trần Đức B hợp thức hóa các hóa đơn GTGT khống đã bán. Quá trình điều tra xác minh theo địa chỉ của các công ty xác định ở địa bàn thành phố Hà Nội và Hải Phòng; chưa xác định được đối tượng thực hiện việc mua bán trái phép hóa đơn nên Cơ quan điều tra đã tách tài liệu có L quan để tiếp tục xác minh giải quyết theo quy định của pháp luật.

[6]. Về xử lý vật chứng và biện pháp tư pháp: Tịch thu sung ngân sách Nhà nước số tiền bị cáo thu lợi bất chính 94.667.066 đồng. Xác nhận bị cáo đã nộp số tiền 94.867.066 đồng trong quá trình điều tra và trước khi xét xử sơ thẩm, còn lại 200.000 đồng trả lại cho bị cáo nhưng tạm giữ để đảm bảo thi hành án.

[7]. Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo Trần Đức B phạm tội “Mua bán trái phép hóa đơn”.

- Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 203; điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 65 BLHS: Xử phạt bị cáo Trần Đức B 12 (Mười hai) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 (Hai mươi bốn) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Trần Đức B cho UBND phường CK, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trong trường hợp bị cáo được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 92 Luật thi hành án hình sự năm 2019.

2. Về xử lý vật chứng và áp dụng biện pháp tư pháp: Áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự:

- Tịch thu sung ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi bất chính 94.667.066 đồng. (Xác nhận bị cáo đã nộp số tiền 50.000.000 đồng vào số tài khoản của Cục thi hành án dân sự tỉnh Bắc Ninh theo giấy nộp tiền ngày 18/11/2021 và 44.867.066 đồng theo biên lai thu tiền số 0000399 ngày 30/5/2022 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Bắc Ninh).

- Trả lại bị cáo Trần Đức B số tiền 200.000 đồng nhưng tạm giữ để đảm bảo thi hành án.

4. Về án phí: Áp dụng Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự, Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về án phí và lệ phí Tòa án: Bị cáo Trần Đức B phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

Bị cáo có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1599
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội mua bán trái phép hóa đơn số 67/2022/HS-ST

Số hiệu:67/2022/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Ninh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 26/07/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;