Bản án về tội mua bán trái phép hóa đơn số 35/2021/HSST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

 BẢN ÁN 35/2021/HSST NGÀY 14/06/2021 VỀ TỘI MUA BÁN TRÁI PHÉP HÓA ĐƠN

Ngày 14 tháng 6 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 22/2021/TLST-HS ngày 02 tháng 4 năm 2021 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 33/2021/QĐXXST-HS ngày 27 tháng 5 năm 2021 đối với bị cáo:

Nguyễn Văn H, sinh năm 1985 tại xã T, huyện M, thành phố Hà Nội. Nơi ĐKHKTT: Thôn Th, xã T, huyện M, thành phố Hà Nội. Nghề nghiệp: Kinh doanh; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Nguyễn Văn B, đã chết và bà Lê Thị H1, sinh năm 1954; có vợ: Trần Thị H2, sinh năm 1984 và 02 con, lớn sinh năm 2012, nhỏ sinh năm 2015. Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại, có mặt.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Chị Phan Thị A, sinh năm 1993;

Nơi cư trú: Thôn S1, xã S, huyện X, tỉnh Vĩnh Phúc.

2. Chị Phạm Thị N, sinh năm 1985;

Nơi cư trú: Thôn V, xã Q, huyện X, tỉnh Vĩnh Phúc.

(Chị A và chị N có đơn xin xét xử vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ du lịch D (sau đây viết tắt là Công ty D) thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 2500562480 do Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cấp lần đầu ngày 26/02/2016, địa chỉ: xã T1, huyện X, tỉnh Vĩnh Phúc. Người đại diện theo pháp luật và giữ chức danh Giám đốc là Nguyễn Văn H, sinh năm 1985, nơi đăng ký HKTT: Xã T, huyện M, thành phố Hà Nội. Công ty D kê khai nộp thuế tại Chi cục thuế huyện X (nay là Chi cục Thuế khu vực Phúc Yên). Sau khi thành lập Công ty, Nguyễn Văn H - Giám đốc không thuê kế toán để hạch toán sổ sách, báo cáo thuế mà nhờ Phạm Thị N, sinh năm 1985 kê khai thuế trong 2 quý sau khi thành lập Công ty và chị gái ruột của H là Nguyễn Thị H1 làm kế toán kê khai thuế và báo cáo tài chính hàng năm.

Ngành nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống và phân phối rượu, bia, nước giải khát, hàng hóa mua vào là rượu, bia, nước giải khát, dầu ăn, nước mắm, khí Gas được Nguyễn Văn H mua của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Vĩnh Phúc, khi mua của các đơn vị đều xuất hóa đơn GTGT theo quy định. Công ty D không mở nhà hàng, tuy nhiên khi có khách đặt ăn, H mua thực phẩm về và cho người chế biến, nấu tại Công ty, sau đó giao đến tận nơi theo yêu cầu của khách. Mỗi lần bán hàng, H đều xuất hóa đơn GTGT của Công ty D cho khách hàng theo quy định. Ngoài việc bán hàng hóa thực tế, từ tháng 5/2017 đến tháng 3/2018, Nguyễn Văn H đã bán 16 hóa đơn GTGT mặt hàng ăn uống cho Phan Thị A - Kế toán Công ty TNHH đầu tư xây dựng L (sau đây viết tắt là Công ty L), địa chỉ: xã T1, huyện X, tỉnh Vĩnh Phúc, cụ thể như sau:

Khoảng tháng 5 năm 2017, Phan Thị A làm kế toán Công ty L gọi điện cho Phạm Thị N, nhờ N xem có công ty nào bán hóa đơn GTGT ghi mặt hàng ăn uống thì mua giúp A. (Lý do A mua hóa đơn vì: A là kế toán của Công ty L hoạt động chính trong lĩnh vực thi công lắp máy thông gió nhà xưởng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Quá trình thi công, lắp máy tại công trình, công nhân của Công ty L được ông Nguyễn Văn F giám đốc duyệt chi tiền ăn uống phải có hóa đơn, chứng từ mang về thì mới được thanh toán. Tuy nhiên, khi đề nghị thanh toán các công nhân này đều không có hóa đơn . Thấy công nhân đi làm vất vả, hưởng lương thấp nếu không có hóa đơn sẽ không được thanh toán tiền ăn đã chi, nên A mua giúp hóa đơn GTGT ghi khống mặt hàng ăn uống để thanh toán cho số công nhân này, đồng thời kê khai quyết toán chi phí của Công ty L với cơ quan thuế). Sau đó Phạm Thị N hỏi Nguyễn Văn H xem có thể bán cho A hóa đơn không, do nể N nên H đã đồng ý bán hóa đơn với giá là 8,5% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn. N bảo lại A, Hà đồng ý và nhờ N liên hệ mua hóa đơn GTGT của Công ty D giúp Hà. Khi cần lấy hóa đơn, A cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế của Công ty L và số tiền hàng ghi trên hóa đơn để N cung cấp cho H viết hóa đơn. Sau khi viết khống hóa đơn GTGT, H đưa cho N chuyển lại cho Hà và Hà đưa tiền mua hóa đơn cho N để N chuyển lại cho H.

Với phương thức như trên, từ tháng 5/2017 đến tháng 3/2018, Nguyễn Văn H đã bán 16 hoá đơn GTGT (có danh sách kèm theo) ghi khống mặt hàng ăn uống với giá 8,5% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn cho Hà, tổng số tiền thanh toán của 16 hóa đơn là 86.911.000 đồng, trong đó tiền hàng là 79.010.000 đồng, thuế GTGT là 7.901.000 đồng. Giá bán 16 hóa đơn GTG T là 8,5% x 79.010.000 đồng = 6.715.850 đồng, toàn bộ 16 hoá đơn GTGT mua của Công ty D, Hà đã kê khai quyết toán thuế cho Công ty L tại Chi cục thuế huyện X vào quý 2,3,4 năm 2017 và quý 1 năm 2018. Cơ quan CSĐT đã tiến hành làm việc với Chi cục Thuế huyện X (nay là Chi cục Thuế khu vực Phúc Yên) xác định Công ty L đã làm thủ tục kê khai giảm trừ 16 hóa đơn GTGT nêu trên, trong đó quý IV/2018 kê khai giảm trừ 5 hóa đơn, quý I/2020 kê khai giảm trừ 11 hóa đơn.

Tại Cáo trạng số: 23/CT-VKS-P1 ngày 30/3/2021 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc truy tố bị cáo Nguyễn Văn H về tội “Mua bán trái phép hóa đơn” quy định tại khoản 1 Điều 164a Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn H về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”;

Áp dụng khoản 1 Điều 164a; Điều 31; điểm p, h, b khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn H từ 09 tháng đến 12 tháng cải tạo không giam giữ. Miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo H.

Về vật chứng: Áp dụng khoản 1 Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1999 và Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Tịch thu sung công quỹ Nhà nước số tiền 6.715.850 đồng bị cáo Nguyễn Văn H thu lời bất chính từ việc bán trái phép hóa đơn. Bị cáo đã tự nguyện nộp số tiền trên tại cơ quan điều tra.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng là hợp pháp.

[2] Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn H đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung cáo trạng đã truy tố. Xét lời nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của người liên quan và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, như vậy có đủ cơ sở để kết luận:

Trong khoảng thời gian từ tháng 5/2017 đến tháng 3/2018, Nguyễn Văn H - Giám đốc Công ty D đã bán trái phép cho Phan Thị A - kế toán Công ty L 16 hoá đơn giá trị gia tăng của Công ty D ghi khống mặt hàng ăn uống với giá 8,5% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn, tổng tiền thanh toán của 16 hóa đơn là 86.911.000 đồng, trong đó: tiền hàng là 79.010.000 đồng, tiền thuế GTGT là 7.901.000 đồng. Số tiền thu lời bất chính của Nguyễn Văn H từ việc bán trái phép 16 hóa đơn là 6.715.850 đồng.

Hành vi nêu trên của bị cáo Nguyễn Văn H đã phạm vào tội “Mua bán trái phép hóa đơn” quy định tại khoản 1 điều 164a Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Cụ thể điều luật quy định:

“1. Người nào… mua bán trái phép hóa đơn với số lượng lớn… thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Theo hướng dẫn tại điểm b khoản 4 điều 2 Thông tư liên tịch số 10/2013/TTLT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTC ngày 26/6/2013 hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính, kế toán và chứng khoán thì hóa đơn có số lượng lớn là số lượng hóa đơn đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số.

[3] Xét tính chất vụ án là ít nghiêm trọng hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm, trực tiếp xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước đối với các loại hóa đơn thu nộp ngân sách Nhà nước, từ đó dẫn đến gây thiệt hại nguồn thu của ngân sách Nhà nước.

[4] Xét nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, Hội đồng xét xử thấy: Bị cáo lần đầu phạm tội, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Sau khi phạm tội bị cáo đã thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải về việc mình đã làm. Bị cáo đã tự nguyện nộp lại số tiền thu lời bất chính để khắc phục hậu quả. Bị cáo có bố là ông Nguyễn Văn B, đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và được tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng Nhất. Vì vậy bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, h và p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Về tình tiết tăng nặng: bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng nào.

Hiện tại doanh nghiệp của bị cáo đã dừng hoạt động, kinh tế của bị cáo khó khăn, thu nhập không ổn định do cô vít nên bị cáo không có việc làm. Theo biên bản xác minh tại địa phương, bị cáo không có tài sản và hiện đang phải nuôi mẹ già nếu áp dụng hình phạt tiền đối với bị cáo là không có tính khả thi. Bị cáo phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng nên Hội đồng xét xử xét thấy không cần phải cách ly bị cáo khỏi xã hội mà cho bị cáo cải tạo không giam giữ và giao bị cáo cho chính quyền địa phương nơi thường trú giám sát, giáo dục với mức án như đề nghị của Viện kiểm sát là đủ tác dụng để răn đe, phòng ngừa chung cũng như tạo điều kiện giúp bị cáo có cơ hội tự cải tạo, sửa chữa sai lầm để trở thành công dân có ích cho xã hội. Do bị cáo không có thu nhập ổn định và kinh tế khó khăn nên miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo.

Đối với Phan Thị A là người mua 16 hóa đơn GTGT của Công ty D làm chứng từ quyết toán chi phí ăn uống cho số công nhân của Công ty L, sau đó kê khai thuế, kết quả làm giảm số tiền thuế GTGT mà Công ty L phải nộp là 7.901.000 đồng, tuy nhiên bản thân Hà không được hưởng lợi gì, mặt khác số tiền thuế GTGT Công ty L được khấu trừ khi kê khai quyết toán 16 hóa đơn nêu trên không đủ định lượng để cấu thành tội trốn thuế, hơn nữa Công ty L đã kê khai, giảm trừ toàn bộ 16 hóa đơn GTGT đã mua của Công ty D trước khi cơ quan điều tra thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, nên hành vi của A không cấu thành tội Trốn thuế hay tội Mua bán trái phép hóa đơn, vì vậy cơ quan điều tra không đề cập xử lý về hình sự. Hành vi của Hà là vi phạm hành chính nH khi cơ quan điều tra phát hiện thì đã hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính nên cơ quan điều tra không xử phạt hành chính đối với A.

Đối với Phạm Thị N giúp Phan Thị A mua 16 hóa đơn GTGT của Công ty D cho Công ty L, thời điểm giúp Hà mua hóa đơn, N không còn làm ở công ty D, nên hành vi của Phạm Thị N không đồng phạm với Nguyễn Văn H về hành vi mua bán trái phép hóa đơn. Bản thân N do nể nang nên mua giúp hóa đơn cho A chứ không được hưởng lợi gì, mặt khác Công ty L đã kê khai giảm trừ 16 hóa đơn GTGT mua của Công ty D trước khi cơ quan điều tra thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, nên hành vi của N không cấu thành tội trốn thuế hay tội mua bán trái phép hóa đơn với vai trò giúp sức cho A, nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý về hình sự. Hành vi của N là vi phạm hành chính nH khi cơ quan điều tra phát hiện thì đã hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính nên cơ quan điều tra không xử phạt hành chính đối với N.

Đối với chị Trần Thị E là người đã viết hộ Nguyễn Văn H 16 hóa đơn GTGT để bán cho Công ty L. Quá trình điều tra xác định, E là em vợ của H, thấy E viết chữ đẹp nên H nhờ viết 16 hóa đơn trên, E không tham gia gì vào hoạt động của công ty D cũng không biết việc H bán hóa đơn nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý.

Đối với ông Nguyễn Văn F là Giám đốc Công ty L, quá trình điều tra xác định ông F không biết và không chỉ đạo Phan Thị A mua 16 hóa đơn GTGT của Công ty D. Khi phát hiện ra 16 hóa đơn Công ty D xuất cho Công ty L là bất hợp pháp, ông F đã chỉ đạo Phan Thị A kê khai điều chỉnh giảm với cơ quan thuế. Do vậy Cơ quan điều tra không đề cập xử lý.

Đối với chị Nguyễn Thị H1 làm kế toán kê khai thuế cho Công ty D nH không hưởng lương. Khi thực hiện kê khai thuế với Cơ quan thuế, Hương căn cứ vào hóa đơn mua vào bán ra do H đưa để làm kê khai thuế, không tham gia vào hoạt động kinh doanh của Công ty D, cũng không biết việc Nguyễn Văn H bán 16 hóa đơn GTGT cho Công ty L, nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý.

[5] Về hình phạt bổ sung: Quá trình điều tra, xác định bị cáo H không có tài sản nên miễn hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với bị cáo.

[6] Về xử lý vật chứng: cần tịch thu số tiền 6.715.850 đồng bị cáo H thu lời bất chính từ việc bán trái phép hóa đơn để sung quỹ nhà nước. Xác nhận bị cáo đã nộp tại Công an tỉnh Vĩnh Phúc và Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã chuyển sang tài khoản Cục thi hành án tỉnh Vĩnh Phúc theo phiếu ủy nhiệm chi lập ngày 16/4/2021.

[7] Về án phí hình sự sơ thẩm: Bị cáo phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn H phạm tội “Mua bán trái phép hóa đơn”.

Căn cứ khoản 1 Điều 164a; Điều 31; điểm b, h và p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn H 09 (chín) tháng cải tạo không giam giữ, thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày Ủy ban nhân dân xã T, huyện M, thành phố Hà Nội nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.

Giao bị cáo Nguyễn Văn H cho Ủy ban nhân dân xã T, huyện M, thành phố Hà Nội giám sát, giáo dục trong thời gian cải tạo không giam giữ. Trường hợp người được hưởng hình phạt cải tạo không giam giữ thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Về vật chứng: Áp dụng khoản 1 Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1999 và Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Tịch thu sung ngân sách nhà nước số tiền 6.715.850 đồng (sáu triệu bảy trăm mười lăm nghìn tám trăm năm mươi đồng) bị cáo H thu lời bất chính từ việc bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng. Xác nhận bị cáo H đã nộp 6.715.850 đồng (sáu triệu bảy trăm mười lăm nghìn tám trăm năm mươi đồng) tại cơ quan điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc và số tiền trên đã chuyển sang tài khoản Cục thi hành án tỉnh Vĩnh Phúc theo phiếu ủy nhiệm chi của Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập ngày 16/4/2021.

Về án phí hình sự sơ thẩm: Áp dụng khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội về án phí, lệ phí Toà án: Bị cáo Nguyễn Văn H phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng).

Bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

5441
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội mua bán trái phép hóa đơn số 35/2021/HSST

Số hiệu:35/2021/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 14/06/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;