TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 583/2022/HS-PT NGÀY 19/08/2022 VỀ TỘI MUA BÁN TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY
Ngày 19/8/2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai, vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 447/2022/TLPT-HS ngày 19/5/2022 đối với bị cáo Hà Văn B. Do có kháng cáo của bị cáo, đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 47/2022/HS-ST ngày 12/4/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
* Bị cáo có kháng cáo: Hà Văn B, sinh ngày 20 tháng 9 năm 1976, tại tỉnh Thanh Hóa. Nơi cư trú: Khu 3, Thị trấn M, huyện M, tỉnh Thanh Hóa; Nghề nghiệp: Trồng trọt; văn hóa: không; Dân tộc: Thái; Giới tính: Nam; Tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Hà Văn T (đã chết) và bà Hoàng Thị M; Gia đình có 05 anh, chị em, bị cáo là con thứ 4 trong gia đình; có vợ Ngân Thị Lùn; có hai con: con lớn sinh năm 2002, con nhỏ sinh năm 2014; Tiền án, tiền sự: không; Nhân thân: Ngày 26/4/1997 bị Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xử phạt 06 năm tù về tội: “Trộm cắp tài sản”; Ngày 13/12/2011 bị Tòa án nhân dân huyện M, tỉnh Thanh Hóa xử phạt 08 tháng 08 ngày tù về tội: “Trộm cắp tài sản”. Bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 15/3/2021 đến nay. Hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam - Công an tỉnh Thanh Hóa; Có mặt.
* Người bào chữa cho bị cáo do Tòa án chỉ đinh: Ông Phạm Văn Mạnh - Luật sư Công ty luật Năm Châu - Đoàn Luật sự tỉnh Thanh Hóa; Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và bản án sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng tháng 11 năm 2017, Hà Văn B gặp và làm quen với Lò Văn Quyến, khoảng 20 tuổi, trú tại bản Chiềng Nưa, xã Mường Lý, huyện M, tỉnh Thanh Hóa và đã cho nhau số điện thoại để liên lạc. Đến tháng 10/ 2020, Quyến giới thiệu cho Hà Văn B làm quen với người phụ nữ tên là Huệ trú tại, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, sau đó Bằng và Huệ cho nhau số điện thoại để liên lạc.
Trưa ngày 14/3/2021, Huệ gọi điện thoại cho Hà Văn B bảo đến nhà Lò Văn Quyến để gặp nhau, nhưng do bận công việc nên Bằng không đến, Khoảng 00 giờ ngày 15/3/2021, khi Hà Văn B đang ở nhà thì có một nam thanh niên đi xe máy đến nhà Bằng, giới thiệu là bạn của Quyến và chở Bằng đến nhà Quyến. Khi đến thì thấy chỉ có mình Quyến ở trong nhà, tại đây Quyến đưa cho Bằng một chiếc cặp bên trong đựng 03 bánh ma túy, có 90 túi ma túy hồng phiến và 01 túi nhỏ ma túy hồng phiến, 01 xe máy nhãn hiệu Exciter không gắn biển kiểm soát và bảo Bằng mang ma túy xuống cầu Hồi Xuân, huyện Quan Hóa bán cho chị Huệ, khi xong việc Quyến trả công cho Bằng là chiếc xe máy Exciter trên. Bằng đồng ý nhận lời mang số ma túy trên đi bán, rồi Bằng lấy bộ quần áo có gắn ve, hàm (giống quân phục của lực lượng Bộ đội Biên phòng) trong cặp đựng ma túy của Quyến đưa, mặc vào người, mục đích đóng giả Bộ đội Biên phòng để tránh lực lượng chức năng kiểm tra. Sau đó, Bằng một mình đi xe máy, mang theo cặp đựng ma túy của Quyến đưa, đi xuống cầu Hồi Xuân, huyện Quan Hóa.
Khoảng 04 giờ sáng cùng ngày, thì có người phụ nữ gọi điện thoại cho Bằng, nói tên là Huệ và bảo Bằng mang ma túy ra giữa cầu Hồi Xuân để giao dịch. Bằng dừng xe máy ở đầu cầu Hồi Xuân và mở chiếc cặp đựng 90 túi ma túy hồng phiến và 01 túi nilon ma túy hồng phiến trong túi da đeo lên người và để chiếc cặp trên xe máy ở đầu cầu Hồi Xuân, rồi đi bộ lại giữa cầu Hồi Xuân để bán ma túy cho Huệ. Đúng lúc này Bằng bị tổ công tác của Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện bắt quả tang, tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang và niêm phong toàn bộ vật chứng bao gồm: 01 túi nilon màu vàng bên trong đựng 72 túi nilon màu xanh và 19 túi nilon màu hồng tổng cộng là 91 túi nilon bên trong mỗi túi đều chứa các viên nén màu hồng và viên nén màu xanh dạng hình trụ tròn; 01 điện thoại OPPO màn hình cảm ứng màu xanh đen thu giữ khi bắt quả tang Hà Văn B; 01 điện thoại OPPO màn hình cảm ứng màu xanh đen, màn hình bị vỡ nứt kính do vợ của bị can Hà Văn B tự nguyện giao nộp.
Kết luận giám định số: 1096/PC09 ngày 18/3/2021 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa kết luận: 91 túi nilon bên trong đều chứa các viên nén màu xanh và màu hồng, các viên nén màu hồng có khối lượng 1830,08 gam là ma túy, loại Methamphetamine và các viên nén màu xanh có khối lượng 18,48 gam, là ma túy, loại Methamphetamine. Tổng khối lượng chất ma túy mà Hà Văn B đem bán là 1848,56 gam loại Methamphetamine.
Đối với đối tượng Lò Văn Quyến, theo Bằng khai khoảng hơn 20 tuổi, cư trú ở bản Chiềng Nưa, xã Mường Lý, huyện M, tỉnh Thanh Hóa đưa cho Bằng mang đi bán và được trả công là chiếc xe máy EXCITER. Cơ quan điều tra đã tiến hành áp dụng các biện pháp nghiệp vụ và trực tiếp xác minh tại bản Chiềng Nưa, xã Mường Lý, huyện M, tỉnh Thanh Hóa để điều tra, làm rõ nhân thân của đối tượng Lò Văn Quyến nhưng quá trình điều tra không tìm thấy những người có đặc điểm và họ tên như Bằng khai. Bị cáo Hà Văn B không nhớ số điện thoại của đối tượng Quyến, kiểm tra danh bạ điện thoại của Hà Văn B không có tên Quyến lưu trong danh bạ điện thoại. Do vậy, Cơ quan điều tra không có cơ sở để xác minh, thu giữ list điện thoại của Quyến và không có căn cứ để điều tra, xác minh làm rõ, xử lý trong vụ án này. Cơ quan điều tra tách tài liệu về đối tượng Quyến để tiếp tục điều tra và xử lý trong vụ án khác khi có đủ căn cứ.
Đối với người phụ nữ tên Huệ theo Hà Văn B khai nhận là người mua số ma túy mà Bằng mang đi bán. Hà Văn B khai nhận quen biết Huệ qua sự giới thiệu của Lò Văn Quyến và chỉ biết người phụ nữ này giới thiệu tên là Huệ, có chồng tên là Hà, chị gái tên là Lý, nhà Huệ ở làng Ngòn, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Cơ quan điều tra đã tiến hành áp dụng các biện pháp nghiệp vụ và trực tiếp xác minh tại làng Ngòn, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa nhưng không có người phụ nữ nào tên Huệ và những người thân có đặc điểm như Hà Văn B khai báo. Do đó, cơ quan điều tra không có căn cứ xác minh làm rõ, xử lý trong vụ án này. Cơ quan điều tra sẽ tách tài liệu về đối tượng Huệ để tiếp tục điều tra và xử lý trong vụ án khác khi có đủ căn cứ.
Đối với đối tượng là nam thanh niên đã đến nhà đón và chở Bằng vào nhà của Quyến ở xã Mường Lý, huyện M để Bằng gặp và cầm ma túy của Quyến đưa, mang đi bán. Hà Văn B khai nhận mới gặp lần đầu tiên, không biết họ tên và địa chỉ cụ thể của người thanh niên này, nên Cơ quan điều tra không có căn cứ để xác minh làm rõ và xử lý trong vụ án này. Cơ quan điều tra tách tài liệu về đối tượng này để tiếp tục điều tra và xử lý trong vụ án khác khi có đủ căn cứ.
Đối với chiếc xe máy Exciter không gắn biển kiểm soát mà Hà Văn B dùng làm phương tiện đi bán ma túy, Bằng khai nhận đây là chiếc xe của Lò Văn Quyến và Quyến sẽ trả công đi bán ma túy cho Bằng là chiếc xe máy trên. Vào rạng sáng ngày 15/3/2021, Hà Văn B dùng chiếc xe máy này để mang ma túy đi bán, khi đi xe đến đầu cầu Hồi Xuân, huyện Quan Hóa thì dừng xe và để chiếc xe này ở đầu cầu Hồi Xuân, rồi đi bộ ra giữa cầu để bán ma túy thì bị bắt quả tang. Cơ quan điều tra đã phối hợp với Công an thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa xác minh và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm, thu giữ chiếc xe máy nêu trên nhưng không có kết quả, nên tách tài liệu về c hiếc xe máy nêu trên để truy tìm, thu giữ và xử lý trong vụ án khác khi có đủ căn cứ.
Về chiếc biển kiểm soát xe máy số 15x-xx…và chiếc điện thoại OPPO của Hà Văn B, cùng với các số điện thoại của Quyến và Huệ: Theo Hà Văn B khai nhận không nhớ cụ thể số điện thoại của Quyến và Huệ, Bằng lưu tên, số điện thoại của Quyến trong danh bạ điện thoại của mình là Quyến (Duyến) và lưu tên, số điện thoại của Huệ là Thuận (Út). Cơ quan điều tra đã lập biên bản kiểm tra điện thoại thu giữ của Hà Văn B khi bị bắt quả tang, nhưng trong danh bạ điện thoại không có tên Quyến (Duyến) và Thuận (Út). Quá trình điều tra, Hà Văn B khai nhận đang để chiếc Biển kiểm soát xe máy Exciter ở trên nóc tủ gỗ và chiếc điện thoại OPPO của Bằng ở nhà Bằng. Cơ quan điều tra đã phối hợp với Công an Thị trấn M làm việc với vợ của Hà Văn B là Ngân Thị Lùn. Quá trình làm việc, chị Ngân Thị Lùn đã tự nguyện kiểm tra toàn bộ khu nhà ở và các đồ vật trong nhà để truy tìm chiếc điện thoại và chiếc biển kiểm soát xe máy số 15x-xx… nhưng không tìm thấy. Chị Ngân Thị Lùn trình bày, vào sáng ngày 15/3/2021, khi ngủ dậy thì không thấy chiếc điện thoại của mình và của chồng mình (Hà Văn B) ở nhà. Do đó, Cơ quan điều tra không có căn cứ để thu giữ list điện thoại của Quyến (Duyến) và của Huệ (tức Thuận hoặc Út), đồng thời không có căn cứ để xác minh, làm rõ về chiếc biển kiểm soát xe máy Exciter như lời khai của bị can Hà Văn B, nên tách tài liệu liên quan nêu trên để xử lý trong vụ án khác khi có đủ căn cứ.
Về chiếc điện thoại di động OPPO của Hà Văn B để ở nhà tại Khu 3, Thị trấn M, huyện M, tỉnh Thanh Hóa, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã làm việc với bà Ngân Thị Lùn là vợ của Bằng. Quá trình làm việc, bà Ngân Thị Lùn trình bày sau khi tìm thấy chiếc điện thoại của Hà Văn B để ở nhà, do không có điện thoại để sử dụng, nên bà Lùn đã tháo sim điện thoại của Hà Văn B vứt đi mất và mua sim điện thoại mới lắp vào sử dụng cho cá nhân. Cơ quan điều tra đã yêu cầu bà Ngân Thị Lùn giao nộp chiếc điện thoại để phục vụ yêu cầu điều tra và bà Lùn đã tự nguyện giao nộp lại chiếc điện thoại trên. Cơ quan điều tra đã lập biên bản kiểm tra điện thoại, nhưng trong danh bạ điện thoại không lưu các tên và số điện thoại của các đối tượng Quyến và Huệ như Hà Văn B khai báo. Bên cạnh đó, Hà Văn B khai nhận không nhớ cụ thể số điện thoại của các đối tượng Quyến, Huệ và việc rút list số điện thoại của Hà Văn B không có kết quả. Vì vậy, Cơ quan điều tra không có căn cứ để điều tra làm rõ về chủ thuê bao các số điện thoại liên quan đến các đối tượng Quyến, Huệ nên tách tài liệu liên quan nêu trên để xử lý trong vụ án khác khi có đủ căn cứ.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 47/2022/HS-ST ngày 12/4/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đã quyết định: Căn cứ Điểm b khoản 4 Điều 251, Khoản 2 Điều 51, Điều 40 Bộ luật Hình sự; điểm a, c khoản 1 Điều 47; điểm a, c khoản 2; điểm a khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 228 của Bộ luật Dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên bố bị cáo Hà Văn B phạm tội: “Mua bán trái phép chất ma túy”. Xử phạt bị cáo Hà Văn B: “Tử hình”. Tiếp tục giam bị cáo để đảm bảo thi hành án hình sự. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 20/4/2022, bị cáo Hà Văn B kháng cáo kêu oan.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Bị cáo Hà Văn B giữ nguyên yêu cầu kháng cáo; không thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, bị cáo cho rằng bản án sơ thẩm kết tội là không đúng, bị cáo không biết và không mua bán ma túy, không nhận chiếc cặp bên trong có chứa đựng ma túy, mà chiếc cặp là do vợ chồng Huệ rí vào người bị cáo, sau đó có hai người buộc chéo tay, đổ nước ướt quần áo, đưa bộ quần áo khác để mặc, khi bị bắt thì bị cáo mới biết trong cặp có ma túy; biên bản bắt người phạm tội quả tang, lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra thì bị cáo không điểm chỉ, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.
Luật sư bào chữa cho bị cáo, có ý kiến: Bị cáo Bằng xác định không phạm tội, không thừa nhận các biên bản lời khai tại cơ quan điều tra. Do vậy, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ, cũng như lời khai bị cáo tại phiên tòa, đ ề nghị Hội đồng xét xử giải quyết vụ án theo đúng quy định pháp luật, không làm oan người vô tội.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội sau khi phân tích, đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội, nhân thân, tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và căn cứ kháng cáo của bị cáo, kết luận: Bị cáo Hà Văn B bị xử phạt về tội: “Mua bán trái phép chất ma tuý”, theo điểm b khoản 4 Điều 251 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan. Tại phiên tòa phúc thẩm, Hà Văn B không thành khẩn nhận tội, không được hưởng thêm tiết giảm nhẹ mới, với khối lượng ma túy bị cáo mua bán rất lớn, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên quyết định bản án sơ thẩm đối với Hà Văn B.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng: Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng tại cấp sơ thẩm thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đơn kháng cáo của bị cáo gửi trong thời hạn luật định, được xem xét theo trình tự phúc thẩm. Bị cáo Hà Văn B cho rằng do không biết chữ, lời khai tại cơ quan điều tra không điểm chỉ; xét thấy, tại biên bản bắt giữ người phạm pháp quả tang bị cáo khai nhận hành vi phạm tội của mình, Bằng điểm chỉ có sự chứng kiến của người làm chứng, đại diện chính quyền địa phương, cán bộ lập biên bản; Bằng không biết chữ, nên các biên bản lấy lời khai tại cơ quan điều tra đều có người làm chứng, Luật sư, Kiểm sát viên, bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình sau đó điểm chỉ, lời khai bị cáo thể hiện khách quan, không bị ép cung, nên Bằng cho rằng không điểm chỉ vào các biên bản lấy lời khai là không có căn cứ.
[2]. Về hành vi phạm tội của bị cáo: Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hà Văn B không thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm quy kết; Bằng cho rằng không có hành vi phạm tội như biên bản phạm pháp quả tang, không có hành vi như các biên bản lấy lời khai tại cơ quan điều tra, không thừa nhận toàn bộ các tình tiết, chứng cứ đã thu thập trong hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, căn cứ biên bản bắt người phạm tội quả tang ngày 15/3/2021 được lập tại Công an thị trấn Hồi Xuân, có sự chứng kiến của anh Hoàng Chí Dũng, chứng kiến của Công an thị trấn Hồi Xuân, bị cáo Hà Văn B khai nhận khi đang đi bộ tại khu vực cầu Hồi Xuân, mục đích gặp khách để bán số hồng phiến đang mang bên người thì bị bắt quả tang, thu giữ trên tay phải đang cầm 01 túi nilon màu hồng đựng 03 bánh hồng phiến, được bọc bên ngoài bằng giấy màu vàng, bên trong mỗi bánh hồng phiến đều chứa 30 “đàn” hồng phiến (30 túi nilon màu hồng, màu xanh đựng các viên hồng phiến), ngoài ra cơ quan công an còn phát hiện thu giữ trong túi da màu đen đang đeo trên người 01 “đàn” ngựa (hồng phiến), toàn bộ số hồng phiến trên là của anh Chính nhà ở bản Chim, xã Nghi Sơn đưa cho tại nhà anh Chính để đem đi bán cho khách với giá 50.000.000đồng, bán xong cho khách Bằng được Chính trả công 10.000.000đồng; phù hợp các lời khai nhận tội của Bằng tại cơ quan điều tra; phù hợp biên bản thu giữ vật chứng vụ án, kết luận giám định ma túy, biên bản kiểm tra điện thoại, lời khai người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ liên quan khác trong hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử thống nhất với nhận xét và kết luận với Tòa án cấp sơ thẩm về hành vi phạm tội của bị cáo, như sau: Do có quen biết từ trước với Lò Văn Quyến, được Quyến giới thiệu làm quen với người phụ nữ tên là Huệ. Trưa ngày 14/3/2021, Huệ gọi điện thoại cho Hà Văn B bảo đến nhà Lò Văn Quyến để nhận ma túy đến bán cho Huệ. Sau khi thống nhất với Huệ, có người nam không rõ tên tuổi, địa chỉ đến nhà đưa Bằng đến nhà Quyến nhận ma túy và xe máy mang ma túy để bán cho Huệ, vào hồi 04 giờ 30 phút ngày 15/3/2021, tại khu vực cầu Hồi Xuân thuộc Quốc lộ 15C địa phận khu Khằm, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa thì bị bắt quả tang Hà Văn B mang theo 1848,56gam ma túy, loại Methamphetamine, mục đích đem đi bán để kiếm lời. Với hành vi nêu trên của Hà Văn B đã phạm vào tội: “Mua bán trái pháp chất ma túy”, vi phạm tình tiết định khung hình phạt: “Heroin, Methamphetamine có khối lượng từ 100 gam trở lên”, quy định tại điểm b khoản 4 Điều 251 Bộ luật Hình sự, nên bị cáo Hà Văn B bị Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xét xử và xử phạt theo tội danh, điểm, khoản, điều luật nêu trên là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan. Do vậy, bị cáo Hà Văn B kêu oan là không có căn cứ, không được cấp phúc thẩm chấp nhận.
[3]. Tính chất hành vi phạm tội: Hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, làm mất an ninh trật tự tại địa phương, chỉ vì hám lợi về vật chất, bất chấp quy định của pháp luật, xâm phạm chế độ quản lý độc quyền của Nhà nước đối với các chất ma túy, chất gây nghiện; góp phần gây ra tệ nạn ma túy, làm hủy hại cho sức khỏe của người sử dụng, gây tác hại tiêu cực về nhiều mặt trong đời sống xã hội, còn là một trong những nguyên nhân làm phát sinh các loại tội phạm khác. Bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, lượng ma túy mang đi bán rất lớn, bị cáo có nhân thân xấu, năm 1997 bị Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xử phạt 6 năm tù về tội Trộm cắp tài sản, năm 2011 lại tiếp tục bị Tòa án nhân dân huyện M xét xử 8 tháng 8 ngày tù về tội Trộm cắp tài sản. Bị cáo không lấy đó làm bài học để sửa chữa, nay tiếp tục phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, thể hiện bị cáo không còn khả năng để cải tạo thành người tốt. Do đó, cấp phúc thẩm đồng tình cần phải áp dụng hình phạt cao nhất, loại bỏ vĩnh viễn bị cáo ra khỏi đời sống xã hội là cần thiết, nhằm trừng trị và phòng ngừa tội phạm chung. Mặc dù, khi quyết định hình phạt, cấp sơ thẩm đã xem xét có hoàn cảnh gia đình khó khăn, trình độ văn hóa thấp, là người dân tộc thiểu số và thuộc hộ nghèo, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, con còn nhỏ, bị cáo là lao động chính trong gia đình…nên áp dụng khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự để giảm nhẹ một phần hình phạt là có căn cứ. Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá khách quan, đầy đủ các chứng cứ của vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đúng tính chất, hành vi, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội mà bị cáo gây ra, nhân thân, tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, tình hình đấu tranh phòng chống với loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này, xử phạt bị cáo Hà Văn B với mức hình phạt Tử hình là phù hợp.
Tại cấp phúc thẩm, ngoài tình tiết giảm nhẹ mà cấp sơ thẩm đã áp dụng; mặc dù tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm bị cáo không nhận tội, xét thấy tại cơ quan điều tra thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối cải nên cần áp dụng thêm điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự cho bị cáo được hưởng; ngoài ra bị cáo không được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ đặc biệt nào khác. Xét thấy, mặc dù cấp phúc thẩm áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ, nhưng tình tiết này không đủ để có thể giảm nhẹ hình p hạt cho bị cáo, đồng thời với khối lượng ma túy mà bị cáo mua bán là rất lớn, nhân thân xấu, thái độ khai báo tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm không hối cải; mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo là thỏa đáng, nên không có căn cứ để có thể giảm nhẹ hình phạt cho Bằng. Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm Hà Văn B; đề nghị của Luật sư cũng không được chấp nhận.
[4]. Quan điểm đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội: Xét thấy, các căn cứ và lập luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có cơ sở và được chấp nhận.
[5]. Về án phí: Bị cáo kháng cáo không được chấp nhận, phải nộp án phí phúc thẩm theo quy định; tuy nhiên, bị cáo là người dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo nên cần miễn án phí cho bị cáo.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án;
1. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hà Văn B.
2. Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 47/2022/HS-ST ngày 12 tháng 4 năm 2022 của Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Tuyên bố: Bị cáo Hà Văn B phạm tội: “Mua bán trái phép chất ma túy’’. Áp dụng điểm b khoản 4 Điều 251; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Xử phạt bị cáo Hà Văn B: Tử hình. Tiếp tục giam bị cáo để đảm bảo thi hành án.
3. Về án phí: Bị cáo Hà Văn B không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.
4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trong thời hạn 07 (bảy) ngày kể từ ngày tuyên án, bị cáo Hà Văn B có quyền làm đơn gửi Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin ân giảm án tử hình.
Bản án 583/2022/HS-PT về tội mua bán trái phép chất ma túy
Số hiệu: | 583/2022/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 19/08/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về