TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 563/2022/HS-PT NGÀY 23/09/2022 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN VÀ SỬ DỤNG TÀI LIỆU GIẢ CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC
Ngày 23 tháng 9 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý 02/2021/TLPT- HS ngày 01 tháng 04 năm 2021 đối với bị cáo Bùi Thị Anh T và các bị cáo khác do có kháng cáo của bị cáo Bùi Thị Anh T, bị hại bà Ngô Phương A, ông Nguyễn Đức N, ông Nguyễn Văn M và kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng đối với bản án Hình sự sơ thẩm số 48/2020/HS-ST ngày 24/11/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng.
- Bị cáo có kháng cáo :
1. Họ và tên: Bùi Thị Anh T, sinh ngày 10-4-1981 tại tỉnh Bến Tre; Nơi ĐKNKTT và cư trú: Số 261 đường P, Phường 2, thành phố K, tỉnh Lâm Đồng; nghề nghiệp: Kinh doanh; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Phật giáo; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Bùi Văn C1 (đã chết), con bà Phạm Thị M1, sinh năm1952, hiện cư trú tại ấp A1, xã X1, huyện H1, tỉnh Bến Tre; chồng: Dương Văn Ch1, sinh năm 1977 (đã ly hôn); có 02 con lớn sinh năm 2005, nhỏ sinh năm 2009. Tiền sự, tiền án: Không; Bị cáo bị bắt giam ngày 11- 01-2018, hiện đang tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Lâm Đồng. (Có mặt) Người bào chữa: Luật sư LS1, Công ty luật trách nhiệm hữu hạn KTD, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội. (Có mặt)
2. Họ và tên: Phạm Thế L, sinh ngày 20-6-1981 tại tỉnh Hải Dương; nơi ĐKNKTT: KT, quận TX, Thành phố Hà Nội; nơi cư trú: phường P1, quận Q1, Thành phố Hà Nội; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; trình độ học vấn: 12/12; nghề nghiệp: Cán bộ ngân hàng; con ông: Phạm Thế C2, sinh năm 1951 và bà Phạm Thị M2, sinh năm 1957, hiện đều cư trú phường P2, thành phố TP1, tỉnh Hải Dương; vợ: Nguyễn Thị Hồng V1, sinh năm 1983; có 02 con: Sinh năm 2013 và sinh năm 2018, hiện đều cư trú quận Q1, Thành phố Hà Nội. Tiền sự, tiền án: Không. Bị cáo tại ngoại. (Có mặt).
3. Họ và tên: Nguyễn Thị Bích H, sinh ngày 10-7-1973 tại Thành phố Hà Nội; nơi ĐKNKTT: phường P3, quận Q2, Thành phố Hà Nội; nơi cư trú: đường N1, phường P3, quận Q3, Thành phố Hà Nội; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; trình độ học vấn: 12/12; nghề nghiệp: Cán bộ ngân hàng; con ông: Nguyễn Văn C3, sinh năm 1942 và con bà Lê Thị Bích M3, sinh năm 1942, hiện đều cư trú khu phố 5, phường P3, quận Q4, Thành phố Hồ Chí Minh; chồng: Nguyễn Đức Ch2, sinh năm 1968; con có 02 con: Sinh năm 2000 và sinh năm 2005, hiện đều cư trú N1, phường P3, quận Q3, Thành phố Hà Nội. Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại. (Có mặt).
4. Họ và tên: Đàm Văn C, sinh ngày 01-10-1987 tại Thành phố Hà Nội; nơi ĐKNKTT: Tổ 8, thị trấn TT1, huyện H2, Thành phố Hà Nội; chỗ ở hiện nay: phường P4, quận Q5, Thành phố Hà Nội; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; trình độ học vấn: 12/12; nghề nghiệp: Kinh doanh; con ông: Đàm Duy C4, sinh năm 1961 và bà Lê Thị M4, sinh năm 1963, hiện đều cư trú tại tổ 8, xã X2, huyện H2, Thành phố Hà Nội; vợ: Quách Thị V2, sinh năm1984; có 02 con: Sinh năm 2012 và sinh năm 2014, hiện cư trú tại: quận Q5, Thành phố Hà Nội. Tiền sự, tiền án: Không. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 06-01-2020 đến ngày 21-02-2020 được thay đổi áp dụng biện pháp ngăn chặn; bị cáo tại ngoại. (Vắng mặt).
- Bị hại:
1. Bà Ngô Phương A, sinh năm 1959; nơi cư trú: A3 Khu quy hoạch V, đường Đ1, Phường 11, thành phố K, tỉnh Lâm Đồng; (Có mặt) Người đại diện: Ông NUQ1, sinh năm 1980; nơi cư trú: quận Q6, thành phố Đà Nẵng “Văn bản ủy quyền ngày 12-8-2020”; (Có mặt)
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp:
- Luật sư LS2, Văn phòng luật sư Thành Đạt, Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng; (Có mặt)
- Luật sư LS3, Văn phòng luật sư BETA; Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; (Có mặt)
2. Ông Nguyễn Đức N, sinh năm 1983; nơi cư trú: Phường 28, quận Q7, Thành phố Hồ Chí Minh; (Vắng mặt)
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Luật sư LS4, Công ty Luật TNHH Chìa Khóa Vàng (Gold Key), Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; (Có mặt)
3. Ông Nguyễn Văn M, sinh năm 1962; nơi cư trú: phường P5, quận Q8, Thành phố Hồ Chí Minh; (Có mặt)
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Luật sư LS5, Chi nhánh Công ty Luật TNHH Bizlawyer & Partners; Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội; (Có mặt)
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ngân hàng thương mại cổ phần Đ (sau đây viết tắt là Ngân hàng Đ); Trụ sở: quận Q2, Thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Ông NPL1; Chức vụ Chủ tịch HĐQT
Người đại diện theo ủy quyền: Bà NUQ2, chức vụ Phó Giám đốc Ban pháp chế; Bà NUQ3; chức vụ Phó Trưởng phòng ban pháp chế; Ông NUQ4; chức vụ Trưởng phòng quản lý rủi ro, Chi nhánh TH. (Văn bản ủy quyền số 715/UQ-Đ.TH ngày 19-11-2020).
(Có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt).
2. Công ty cổ phần địa ốc X (sau đây viết tắt Công ty X); Trụ sở: phường P5, quận Q8, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn M, chức vụ Giám đốc; (Có mặt).
3. Ông Nguyễn Thanh NLQ1, sinh năm 1991; nơi cư trú: phường P6, quận Q9, Thành phố Hà Nội; (Vắng mặt)
4. Bà Trương Thị Hồng NLQ2, sinh năm 1976; nơi cư trú: thành phố K, tỉnh Lâm Đồng; (Vắng mặt)
5. Ông Phan Tấn NLQ3, sinh năm 1975; nơi cư trú: thành phố K, tỉnh Lâm Đồng; (Vắng mặt)
6. Ông Nguyễn Chí NLQ4, sinh năm 1985; nơi cư trú: phường P7, quận Q10, Thành phố Hồ Chí Minh; (Vắng mặt)
7. Ông Nguyễn Văn NLQ5, sinh năm 1988; nơi cư trú: phường P3, quận Q4, Thành phố Hồ Chí Minh; (Vắng mặt)
8. Ông Hoàng Việt NLQ6, sinh năm 1962; nơi cư trú phường 11, thành phố K, tỉnh Lâm Đồng; (Vắng mặt)
9. Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ sản xuất Y (sau đây viết tắt Công ty Y). Trụ sở: phường P8, Quận Q10, Thành phố Hồ Chí Minh. (Vắng mặt)
10. Ông Ngô Anh NLQ7, sinh năm 1953; nơi cư trú số CA 92111. USA; (Vắng mặt)
11. Bà Bạch Thị NLQ8, sinh năm 1962; nơi cư trú Phường 9, thành phố K, tỉnh Lâm Đồng; (Vắng mặt)
12. Bà Đào Mỹ NLQ9, sinh năm 1975; nơi cư trú Phường 4, thành phố K, tỉnh Lâm Đồng; (Vắng mặt)
13. Ông Nguyễn NLQ10, sinh năm 1961; ĐKHKTT: Quận Q10, Thành phố Hồ Chí Minh; nơi cư trú: New South Wales, Australia; (Vắng mặt)
14. Bà Nguyễn Thị NLQ11, sinh năm 1977; Nơi cư trú: tổ 31, P9, quận Q1, Thành phố Hà Nội; (Vắng mặt)
- Người làm chứng:
1. Ông Trần NLC1, sinh năm 1950; nơi cư trú: Số A3 Khu quy hoạch V, phường 11, thành phố K, tỉnh Lâm Đồng (Vắng mặt)
2. Bà Trần Huyền Chiêu NLC2, sinh năm 1979; nơi cư trú: đường Đ2, phường P10, Quận Q11, Thành phố Hồ Chí Minh; (Vắng mặt)
3. Bà Lê Thị NLC3, sinh năm 1971; nơi cư trú: quận Q3, Thành phố Hà Nội; (Vắng mặt)
4. Bà Hoàng Thị Lan NLC4, sinh năm 1986; nơi cư trú: quận Q1, Thành phố Hà Nội; (Vắng mặt)
5. Bà Hoàng Thị NLC5, sinh năm 1980; nơi cư trú: Tổ dân phố Trung 6, quận Q12, Thành phố Hà Nội; (Vắng mặt)
6. Bà Trần Thị Lan NLC6, sinh năm 1986; nơi cư trú: quận Q1, Thành phố Hà Nội; (Vắng mặt)
7. Bà Nguyễn Hồng NLC7, sinh năm 1987; nơi cư trú: quận Q2, Thành phố Hà Nội; (Vắng mặt)
8. Ông Trần Tấn NLC8, sinh năm 1975; hiện đang chấp hành hình phạt tù tại Trại giam Đại Bình, Bộ Công an; (Vắng mặt)
9. Bà Nguyễn Thị Thu NLC9, sinh năm 1985; nơi cư trú: Phường P11, quận Q7, Thành phố Hồ Chí Minh; (Vắng mặt)
10. Bà Trần Thị Thanh NLC10; nơi cư trú: phường 6, Quận Q13, Thành phố Hồ Chí Minh; (Vắng mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Cuối năm 2015, thông qua môi giới, bị cáo Bùi Thị Anh T đã gặp hỏi mua nhà, đất của bà Ngô Phương A và được bà A đồng ý với giá trị tài sản nhà, đất số 261 đường P, Phường 2, thành phố K, tỉnh Lâm Đồng (sau đây viết tắt nhà, đất số 261 đường P) được thống nhất là 36.000.000.000đ; bị cáo T cam kết đặt cọc cho bà A 1.000.000.000đ và cam kết thanh toán 35.000.000.000đ còn lại cho bà A bằng phương thức chuyển khoản vào tài khoản của bà A bằng tiền T vay của Ngân hàng.
Ngày 13-10-2015, bị cáo T đặt cọc cho bà A số tiền 100.000.000đ, sau đó không có Ngân hàng nào đồng ý cho bị cáo T vay tiền, nên bị cáo T không thực hiện được cam kết với bà A. Về phía bà A, không thấy bị cáo T thực hiện theo cam kết trong hợp đồng đặt cọc, nên bà A không tiếp tục chuyển nhượng tài sản nhà, đất cho bị cáo T (bút lục 647- 651;680-684).
Để bà Phương A tin tưởng mình có khả năng tài chính mua nhà, đất và đồng ý ký kết hợp đồng chuyển nhượng cho mình, bị cáo T tiếp tục cam kết dùng “thẻ tiết kiệm” ghi số tiền 40.000.000.000đ đứng tên Trần Thị Thanh NLC10 mà bị cáo T đã mượn của chị NLC10 (chị NLC10 chỉ cho bị cáo T mượn thẻ, không được phép sử dụng tiền trong thẻ, thẻ này không được dùng để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán 36 tỷ đồng cho bà A) thì được bà A đồng ý. Đến ngày 11-12-2015 bà A và bị cáo T đã ký kết Hợp đồng chuyển nhượng QSD đất và tài sản gắn liền với đất (sau đây gọi tắt và viết tắt Hợp đồng chuyển nhượng đất) với giá trị giảm xuống còn 12.000.000.000đ với mục đích nhằm giảm bớt nghĩa vụ thuế cho Nhà nước (bút lục 1963 – 1967).
Sau khi ký kết Hợp đồng chuyển nhượng đất, bà A nhận thấy Thẻ tiết kiệm ghi số tiền 40.000.000.000đ không đứng tên bị cáo T, trong khi đó bị cáo T không được ủy quyền sử dụng Thẻ tiết kiệm này và Thẻ tiết kiệm này không đảm bảo nghĩa vụ của bị cáo T thanh toán 36.000.000.000đ cho mình, nên bà A không đưa bản chính Giấy chứng nhận QSD đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi tắt và viết tắt Giấy chứng nhận) cho bị cáo T và bà A không tiếp tục thực hiện việc chuyển nhượng tài sản nhà, đất cho bị cáo T.
Cũng tại thời điểm này, bị cáo T đang nợ một khoản tiền lớn và để trả được khoản nợ này, bị cáo T đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhà, đất của bà A. Do vậy, để thực hiện ý định của mình, bị cáo T đã thuê bị cáo Đàm Văn C làm cho bị cáo T “Thẻ tiết kiệm ghi số tiền 30.000.000.000đ đứng tên mình” đồng thời bị cáo T và bị cáo C thoả thuận “bị cáo C cho bị cáo T mượn 30.000.000.000đ làm thẻ tiết kiệm đứng tên bị cáo T trong vòng 01 ngày, sau đó được rút ra trả lại tiền cho bị cáo C, số tiền 30.000.000.000đ sau khi được chuyển vào tài khoản sẽ bị phong tỏa và báo mất thẻ; bị cáo T chỉ được nhận bản gốc thẻ tiết kiệm và không được rút tiền; về chi phí làm thẻ, bị cáo T trả cho bị cáo C 1% của 30.000.000.000đ”.
Sau khi thỏa thuận với bị cáo T; bị cáo C liên hệ với bị cáo Nguyễn Thị Bích H, chức vụ Phó phòng quan hệ khách hàng cá nhân của Ngân hàng TMCP Đ (sau đây viết tắt Ngân hàng Đ), chi nhánh TH, Phòng giao dịch G, Thành phố Hà Nội để trao đổi nội dung làm thẻ tiết kiệm cho bị cáo T với nội dung “sau khi làm thẻ, ngay ngày hôm sau khách hàng sẽ tất toán báo mất sổ trả lại tiền; còn thẻ khách sẽ giữ lại sử dụng trong 01 ngày” thì được bị cáo H đồng ý; sau đó bị cáo H đã liên hệ với chị Nguyễn Thị NLQ11 để vay số tiền 30.000.000.000đ thì được chị NLQ11 đồng ý. Bị cáo H tiếp tục liên hệ với bị cáo Phạm Thế L, chức vụ Giám đốc Ngân hàng Đ, chi nhánh TH, về việc làm thẻ tiết kiệm nêu trên thì bị cáo L cũng đồng ý. Bị cáo H đã lập “Giấy đề nghị Ngân hàng xác nhận thủ tục chuyển nhượng/tặng cho tiền gửi ghi ngày 21-01-2016”, về việc chuyển nhượng/tặng cho tiền gửi 30.000.000.000đ từ chị Nguyễn Thị NLQ11 cho bị cáo T; “Giấy đề nghị ngân hàng xác nhận thủ tục chuyển nhượng/tặng cho đề ngày 22-01-2016”, về việc chuyển nhượng/tặng cho tiền gửi 30.000.000.000đ từ bị cáo T sang lại cho chị NLQ11. Sau khi lập xong, bị cáo H đưa cho chị NLQ11 ký xác nhận trước, sau đó chuyển 02 giấy này cùng “thẻ tiết kiệm” của bà NLQ11 cho bị cáo L để bị cáo L phát hành “thẻ tiết kiệm” cho bị cáo T.
Ngày 21-01-2016, bị cáo C đưa bị cáo T đến Phòng giao dịch G gặp bị cáo L. Để làm “thẻ tiết kiệm” cho bị cáo T đúng theo yêu cầu của bị cáo H; bị cáo L đưa cho bị cáo T ký xác nhận các tài liệu gồm “Giấy đề nghị Ngân hàng xác nhận thủ tục chuyển nhượng/tặng cho tiền gửi đề ngày 21-01-2016”, “Giấy đề nghị ngân hàng xác nhận thủ tục chuyển nhượng/tặng cho tiền gửi đề ngày 22-01- 2016”, Giấy yêu cầu phong tỏa tài khoản/tài sản đề ngày 21-01-2016”, “Giấy báo mất chứng nhận tiền gửi”, “Giấy yêu cầu giải tỏa đề ngày 22-01-2016”. Tất cả các chứng từ này đều có nội dung như thoả thuận giữa bị cáo T và bị cáo C. Bị cáo L đưa cho bị cáo T ký sẵn các tài liệu này nhằm thực hiện các thủ tục phát hành, phong tỏa, giải tỏa, báo mất, tất toán thẻ mà không cần bị cáo T phải có mặt.
Ngoài ra, bị cáo C còn đưa cho bị cáo T ký giấy thoả thuận vay tiền đề ngày 21-01-2016 (giấy có nội dung ngày 21-01-2016 bị cáo T vay của bị cáo H số tiền 30.000.000.000đ, trả ngày 22-01-2016), nhằm mục đích bảo toàn số tiền 30.000.000.000đ dùng để phát hành “thẻ tiết kiệm”. Như vậy, bị cáo T biết rõ số tiền 30.000.000.000đ của bị cáo C sau khi được nộp vào tài khoản thẻ sẽ bị phong tỏa và thẻ sẽ được báo mất, nên cùng ngày 21-01-2016, bị cáo L đã phát hành “thẻ tiết kiệm” ghi số tiền 30.000.000.000đ đứng tên bị cáo T và làm thủ tục phong tỏa tài khoản thẻ như đã thỏa thuận với bị cáo H. Đến sáng ngày 22-01-2016 bị cáo L tiến hành phong tỏa, báo mất, tất toán “thẻ tiết kiệm”, chuyển số tiền 30.000.000.000đ trả lại cho chị NLQ11; thực tế “thẻ tiết kiệm” ghi số tiền 30.000.000.000đ không bị mất. Về chi phí, bị cáo T khai nhận sau khi nhận bản chính “thẻ tiết kiệm” ghi số tiền 30.000.000.000đ vào ngày 22-01-2016 từ bị cáo C và đưa cho bị cáo C số tiền chi phí làm thẻ theo thỏa thuận là 300.000.000đ.
Vào khoảng 19 giờ ngày 22-01-2016, bị cáo T đưa “thẻ tiết kiệm” ghi số tiền 30.000.000.000đ đến nhà bà A và nói với bà A sẽ thanh toán tiền mua nhà và đất bằng “thẻ tiết kiệm” này, nên tin là thật nên bà A đồng ý, nên ngày 23-01-2016, bà A cùng bị cáo T đến Ngân hàng Đ, chi nhánh Lâm Đồng kiểm tra “thẻ tiết kiệm” này, bà A được nhân viên ngân hàng cho biết là thẻ thật và không báo số dư tài khoản.
Tin tưởng “thẻ tiết kiệm” có số tiền 30.000.000.000đ là thật, đến ngày 23- 01-2016 bà A đã cùng bị cáo T đã ký kết “Hợp đồng ủy quyền thẻ tiết kiệm nêu trên tại Văn phòng công chứng Minh Tâm, thành phố K, nội dung “bà A được phép liên hệ với Ngân hàng Đ, chi nhánh TH, Phòng giao dịch G và các cơ quan có thẩm quyền lập các thủ tục rút tiền (lãi, gốc…) của thẻ tiết kiệm nêu trên trong thời gian 3 tháng”. Thực tế, “thẻ tiết kiệm” tuy ghi số tiền 30.000.000.000đ nhưng không có tiền, bà A không thể rút được tiền, trong khi đó bà A hoàn toàn không biết điều này. Ngoài ra, để bà A không phát hiện hành vi gian dối của mình, bị cáo T đưa ra thông tin gian dối, nói với bà A rằng “phải đến hết kỳ hạn (tức là phải đến ngày 21-4-2016) và phải đến Ngân hàng Đ, chi nhánh TH, Phòng giao dịch G thì mới được rút tiền” (BL 643 - 646).
Tin tưởng đã được bị cáo T thanh toán 30.000.000.000đ trong “thẻ tiết kiệm” nên bà A đã đồng ý và làm thủ tục sang tên nhà, đất số 261 đường P cho bị cáo T vào ngày 28-01-2016. Đến ngày 02-02-2016, bà A cùng với bị cáo T ký Biên bản thỏa thuận xác nhận nợ “đến ngày 02-02-2016 bị cáo T còn nợ bà A số tiền 6.000.000.000đ (bút lục 652;1919-1922; 1968;1427).
Do sợ bà A phát hiện hành vi của mình, trong khi gần hết kỳ hạn 03 tháng của “thẻ tiết kiệm”, ngày 19-4-2016 bị cáo T nộp vào tài khoản tại Ngân hàng Đ cho bà A số tiền 390.000.000đ và nói với bà A “là tiền lãi 03 tháng của thẻ tiết kiệm của số tiền 30.000.000.000đ” để bà A tin tưởng. Ngoài ra, bị cáo T tiếp tục che giấu hành vi của mình, bị cáo T đề nghị “bà A tiếp tục gửi tiết kiệm để hưởng lãi bằng cách bị cáo T sẽ chuyển 30.000.000.000đ từ “thẻ tiết kiệm” và tiếp tục đưa cho bà A thêm 2.000.000.000đ để làm ‘thẻ tiết kiệm” mới số tiền 32.000.000.000đ đứng tên chính chủ cho bà A”, tin lời bị cáo T là thật nên bà A đã đồng ý. Bị cáo T tiếp tục thuê bị cáo C làm “thẻ tiết kiệm” như lần trước và ghi số tiền 32.000.000.000đ đứng tên bà A, chi phí làm thẻ như lần trước. Do vậy, sau khi bị cáo T đặt vấn đề làm thẻ tiết kiệm ghi số tiền 32.000.000.000đ, bị cáo C tiếp tục liên hệ với bị cáo H về việc làm thẻ với phương thức như lần đầu và được bị cáo H đồng ý. Bị cáo H liên hệ với bị cáo L thực hiện các thủ tục phát hành “thẻ tiết kiệm” ghi số tiền 32.000.000.000đ như lần đầu; đồng thời còn thỏa thuận sau khi bà A nhận được “thẻ tiết kiệm” ghi số tiền 32.000.000.000đ thì mới trả “thẻ tiết kiệm” lần đầu cho bị cáo C.
Đến ngày 20-4-2016, bị cáo C cùng bị cáo T và bà A đến Phòng giao dịch G gặp bị cáo L để làm “thẻ tiết kiệm” ghi số tiền 32.000.000.000đ đứng tên bà A; bị cáo L không cần trao đổi gì thêm với bà A mà chỉ đưa và hướng dẫn cho bà A ký xác nhận sẵn các biểu mẫu “Giấy yêu cầu gửi tiền có kỳ hạn đề ngày 21-4-2016”, biểu mẫu “Giấy yêu cầu phong tỏa tài khoản/tài sản (chưa có nội dung)”, biểu mẫu “Giấy báo mất chứng nhận tiền gửi”, biểu mẫu “Giấy yêu cầu giải tỏa”, nhằm mục đích bị cáo L thực hiện các thủ tục phát hành, phong tỏa, giải tỏa, báo mất, tất toán ‘thẻ tiết kiệm”, sau đó bị cáo L hẹn bà A đến ngày 22-4-2016 đến nhận “thẻ tiết kiệm”. Cũng trong ngày 21-4-2016, bị cáo H đã chuyển cho bị cáo L 03 “Giấy rút tiền mặt” với tổng số tiền 32.000.000.000đ có sẵn chữ ký của bà NLQ11, bị cáo H và anh Nguyễn Thanh NLQ1 (anh NLQ1 là nhân viên Phòng giao dịch G), sau đó bị cáo L phát hành “thẻ tiết kiệm” ghi số tiền 32.000.000.000đ đứng tên bà A theo giấy yêu cầu gửi tiền có kỳ hạn đề ngày 21-4-2016, đồng thời tiến hành phong tỏa “thẻ tiết kiệm” này; thực tế không có việc bà NLQ11, bị cáo H và anh NLQ1 nhận 32.000.000.000đ tại Phòng giao dịch G.
Sáng ngày 22-4-2016, bà A và bị cáo C đến Phòng giao dịch G gặp bị cáo L và được bị cáo L tiếp tục đưa và hướng dẫn cho bà A ký xác nhận vào “Giấy yêu cầu giải tỏa”, “Giấy báo mất chứng nhận tiền gửi”, một số “Giấy nộp tiền mặt”, “Giấy thanh toán”. Bị cáo L đã tiến hành giải tỏa, báo mất, tất toán “thẻ tiết kiệm” ghi số tiền 32.000.000.000đ và chuyển toàn bộ số tiền 32.000.000.000đ trả lại cho bị cáo H vào 10 tài khoản theo 10 “Giấy nộp tiền mặt” mà bà A ký để trả lại tiền; thực tế “thẻ tiết kiệm” ghi số tiền 32.000.000.000đ không bị mất. Bị cáo L đã giao bản chính “thẻ tiết kiệm” ghi số tiền 32.000.000.000đ cho bà A, đồng thời tin là thật đã có “thẻ tiết kiệm” có số tiền 32.000.000.000đ, bà A đưa trả cho bị cáo C “thẻ tiết kiệm” ghi số tiền 30.000.000.000đ. Khi ký các giấy tờ, thủ tục theo sự hướng dẫn của bị cáo L, bà A tin tưởng lời bị cáo T nói là thật, nên khi ký bà A đã không xem nội dung giấy tờ này. Tuy nhiên, để bảo toàn số tiền 32.000.000.000đ, bị cáo C cũng đưa cho bị cáo T ký “giấy thoả thuận vay tiền” ghi ngày 21-4-2016 với nội dung “T vay của H số tiền 32.000.000.000đ, trả ngày 22-4-2016”.
Bị cáo C khai đã nhận của bị cáo T số tiền 620.000.000đ phí làm hai “thẻ tiết kiệm”, bị cáo C giữ lại 124.000.000đ, số tiền còn lại 496.000.000đ bị cáo C khai đưa cho bị cáo H nhưng không có giấy tờ, không có tài liệu chứng minh, trong khi đó bị cáo H chỉ thừa nhận có nhận của bị cáo C số tiền 80.000.000đ từ việc làm hai “thẻ tiết kiệm”, đồng thời bị cáo H khai đưa cho bị cáo L 5.000.000đ để trả các khoản phí mà bị cáo L đã đóng thay cho bị cáo H. Bị cáo L thừa nhận đã nhận từ bị cáo H số tiền 5.000.000đ.
Đến cuối tháng 6-2016, do đến hạn phải thu hồi lại “thẻ tiết kiệm” ghi số tiền 32.000.000.000đ, bị cáo H nói bị cáo C yêu cầu khách hàng trả sổ, nên bị cáo C điện thoại và nhắn tin yêu cầu bị cáo T và bà A trả lại ‘thẻ tiết kiệm”.
Đến khoảng ngày 10-7-2016, do nghi ngờ “thẻ tiết kiệm” ghi số tiền 32.000.000.000đ có vấn đề, bà A đã nhờ người kiểm tra số dư thì phát hiện “thẻ tiết kiệm” không có tiền, bà A hỏi bị cáo T và được bị cáo T tiếp tục đưa thông tin “có thể do Ngân hàng Đ tạm thời lấy tiền trong thẻ tiết kiệm đứng tên bà A, bị cáo T sẽ đảm bảo việc thanh toán 32.000.000.000đ cho bà A, đồng thời bị cáo T đã đưa cho bà A giữ 06 Giấy chứng nhận QSD đất đứng tên Hoàng Việt Nguyệt Minh (tài sản của gia đình bà Minh uỷ quyền cho bị cáo T khiếu nại việc bồi thường giải phóng mặt bằng) để bà A tin bị cáo T sẽ thanh toán 32.000.000.000đ, sau đó bị cáo T gặp bà A xin lại 02 Giấy chứng nhận QSD đất.
Bà A xác nhận vào ngày 13-10-2015 bị cáo T có đưa bà A số tiền đặt cọc 100.000.000đ; từ ngày 04-3-2016 đến ngày 26-4-2017 bị cáo T đã chuyển khoản, đưa tiền mặt cho bà A 13 lần với tổng số tiền 6.020.000.000đ; cộng chung là 6.120.000.000đ; đối với nhà xưởng trên đất, bị cáo T đã tháo dỡ hiện không còn.
Đến ngày 25-10-2016 phát hiện bị cáo T lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bà A đã tố cáo đối với bị cáo T và những người liên quan, yêu cầu điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Trong quá trình điều tra, còn xác định bị cáo T có thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại khác, cụ thể như sau:
- Ông Nguyễn Văn M: Do cần tiền để trả nợ, nên sau khi chiếm đoạt được tài sản của bà A, thông qua mối quan hệ xã hội, bị cáo T quen biết ông M là giám đốc đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần địa ốc X (sau đây gọi tắt là Công ty X). Do vậy, sau thời gian quen biết bị cáo T và qua tìm hiểu thông tin tại Phòng tài nguyên môi trường thành phố K, Văn phòng công chứng, ông M biết được nhà, đất số 261 đường P đứng tên chủ sở hữu bị cáo T, hiện không bị các cơ quan chức năng ngăn chặn hay bị ai khiếu kiện, các giấy tờ tùy thân của bị cáo T đều có địa chỉ tại số 261 đường P, nên ông M tin tưởng đây là tài sản của T.
Ngày 01-4-2016 ông M yêu cầu anh Nguyễn Văn NLQ5 (nhân viên Công ty X) ký Hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất 261 đường P với bị cáo T với giá trị chuyển nhượng 10.000.000.000đ; mục đích việc ký kết hợp đồng này để đảm bảo nghĩa vụ bị cáo T trả số tiền 10.000.000.000đ mà ông M cho bị cáo T vay (số tiền này ông M đã mượn của ông Nguyễn NLQ10). Căn cứ “Giấy nhận tiền cọc, hứa mua bán nhà, đất” ghi ngày 01-04-2016 giữa ông NLQ5 với bị cáo T thể hiện bị cáo T đã nhận đủ số tiền 10.000.000.000đ; số tiền này bị cáo T đã sử dụng vào việc trả nợ và tiêu xài cá nhân.
Đối với số tiền 10.000.000.000đ vay của ông NLQ10, ông M đã sử dụng tiền của Công ty X trả xong cho ông NLQ10, tuy nhiên lúc này bị cáo T chưa có tiền để trả lại cho ông M. Do vậy, sau khi được sự đồng ý của bị cáo T, ngày 14-4- 2016, ông NLQ5 và bị cáo T ký văn bản “hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng đất đã ký ngày 01-4-2016 nhằm mục đích để bị cáo T, Công ty X và Ngân hàng Agribank, chi nhánh Trung tâm Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh ký Hợp đồng thế chấp QSD đất và tài sản gắn liền với đất (hợp đồng thế chấp số 1900-LGA- 201600007), theo đó bị cáo T thế chấp nhà, đất 261 đường P cho Ngân hàng Agribank, chi nhánh Trung tâm Sài Gòn nhằm bảo lãnh cho Công ty X vay số tiền 14.880.000.000đ vào cùng ngày 14-4-2016, sau khi được giải ngân, Công ty X đã dùng toàn bộ số tiền này vào việc kinh doanh của Công ty (bút lục 219- 227;1205;1186-1189; 2237– 2254; 2351- 2352; 2634).
Đến ngày 02-5-2016, bị cáo T tiếp tục hỏi mượn ông M số tiền 15.000.000.000đ. Do không có tiền, nên ông M đã đứng tên bảo lãnh cho bị cáo T vay số tiền 15.000.000.000đ của ông Nguyễn Chí NLQ4, thời hạn vay 60 ngày (bút lục 1206; 2635). Đến ngày 01-6-2016, với tư cách Công ty X, ông M ký văn bản đề nghị Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn giải chấp khoản vay 14.880.000.000đ; đồng thời đã tiến hành thu nợ từ tài khoản của Công ty X do ông Nguyễn Văn M nộp tiền vào tài khoản mở tại ngân hàng; ngày 02-6-2016 Ngân hàng đã trả lại giấy chứng nhận nhà, đất 261 đường P cho bị cáo T.
Đến ngày 03-6-2016, bị cáo T có văn bản “cam kết bảo lãnh và trả nợ thay” cho Công ty X vay số tiền 28.000.000.000đ tại Ngân hàng Agribank chi nhánh 11, Thành phố Hồ Chí Minh, theo Hợp đồng cấp tín dụng hạn mức số 6480-LAV- 201600127/HĐTD. Ngân hàng Agribank, chi nhánh 11 đã giải ngân cho Công ty X số tiền 28.000.000.000đ và Công ty đã sử dụng toàn bộ vào mục đích kinh doanh (bút lục 501-506; 514-522).
Đến ngày 17-6-2016, do là người bảo lãnh cho T mượn số tiền 15.000.000.000đ của ông NLQ4, nên ông M đã trả số tiền này cho ông NLQ4 và được ông NLQ4 xác nhận đã nhận được số tiền này từ phía ông M (bút lục 1207;
2156).
Ngày 15-7-2016, bị cáo T và ông M ký “hợp đồng ủy quyền” được Công chứng có nội dung “T ủy quyền cho ông M có quyền đối với căn nhà 261 đường P, ông M có quyền nhận xóa thế chấp; được đặt cọc, thế chấp được nhận toàn bộ tiền từ hợp đồng trên…; thời hạn ủy quyền là 30 năm”. Đến ngày 09-8-2016 hai bên đã hủy bỏ hợp đồng này (bút lục1192-1997).
Do ông M vẫn tin tưởng sẽ thu lại được tiền từ tài sản nhà, đất 261 đường P, nên khi bị cáo T đề nghị hỏi mượn thêm tiền, ông M đã đồng ý cho bị cáo T mượn nhiều lần bằng hình thức đưa tiền mặt trực tiếp và chuyển khoản với tổng số tiền 2.000.000.000đ. Đến ngày 14-9-2018 ông M đã dùng tài sản khác thế chấp thay thế cho nhà, đất 261 đường P tại Ngân hàng Agribank chi nhánh 11, Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy tổng cộng số tiền mà T đã chiếm đoạt được của ông M là 27.000.000.000đ (bút lục 1184-1185; 1400 – 1401).
- Ông Nguyễn Đức N: Thông qua môi giới ông Phan Tấn NLQ3, bà Trương Thị Hồng NLQ2, ông N được biết T muốn bán nhà, đất tại địa chỉ 261 đường P, nên sáng ngày 05-01-2018, ông N đến địa chỉ 261 đường P để xem tài sản đất thực tế, chiều ngày 05-01-2018 ông N cùng ông NLQ3, bà NLQ2 đến gặp T và đã thoả thuận thống nhất ký kết “Hợp đồng đặt cọc mua bán nhà, đất” ghi ngày 05-01-2018 có nội dung “ông N mua tài sản đất nêu trên của bị cáo T với giá 54.000.000.000đ, ông N sẽ đặt cọc cho bị cáo T 5.000.000.000đ; bị cáo T cam kết sang tên Giấy chứng nhận QSD đất cho ông N, giao tài sản đất cho ông N”, tài sản đất thuộc sở hữu hợp pháp của T và không có bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến tài sản đất, T không lừa dối ông N.
Thực tế, tại thời điểm ký “Hợp đồng đặt cọc” với ông N, bà A đã tố cáo bị cáo T lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhà, đất và đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đang thụ lý giải quyết; tài sản đất này đang bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng phong tỏa. Tuy nhiên bị cáo T đã che giấu, không nói cho ông N biết. Do vậy, ông N đã tin tưởng đặt cọc bằng tiền mặt cho T 2.500.000.000đ, bị cáo T đã nhận đủ tiền thể hiện tại Hợp đồng đặt cọc ngày 05- 01-2018.
Đến ngày 08-01-2018, bị cáo T tiếp tục xác nhận chuyển nhượng tài sản đất cho ông N, ông N đã tin tưởng và tiếp tục thanh toán tiền đặt cọc 2.500.000.000đ cho bị cáo T bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của bị cáo T tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Lâm Đồng. Số tiền chiếm đoạt của ông N 5.000.000.000đ, bị cáo T trả tiền dịch vụ môi giới 300.000.000đ cho bà NLQ2, số tiền còn lại bị cáo T dùng để trả nợ và tiêu xài cá nhân (bút lục 2160).
Kết luận số 464/TB-HĐĐG ngày 13-7-2018 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự tỉnh Lâm Đồng đã xác định giá trị tài sản đất tại địa chỉ 261 đường P của bà A tại thời điểm quý I năm 2016 là 50.492.661.000đ; đối với tài sản nhà xưởng gắn liên đất không thực hiện được định giá, lý do nhà xưởng không còn hiện trạng, không có đầy đủ hồ sơ cần thiết để thực hiện việc định giá (bút lục 1789; 2711).
Tài liệu, đồ vật thu giữ: Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hà Nội thu giữ và chuyển giao gồm 01 sổ tiết kiệm mang tên Ngô Phương A; 01 điện thoại di động (thu của bị cáo L); 01 điện thoại di động (thu của anh Nguyễn Thanh NLQ1); 02 điện thoại di động (thu của bị cáo C) Bản chính “thẻ tiết kiệm” ghi số tiền 30.000.000.000đ; Bản chính Giấy chứng nhận (số hiệu BB587488); 03 điện thoại di động (thu giữ của Bùi Thị Anh T); bản chính Chứng minh nhân dân Bùi Thị Anh T, bản chính sổ hộ khẩu của tên Bùi Thị Anh T; 02 thẻ ngân hàng ghi tên Bùi Thị Anh T; 150.000.000đ (300 tờ polyme mệnh giá 500.000đ thu giữ của bị cáo T); số tiền 70.000.000đ (bị cáo Đàm Văn C giao nộp) hiện đang tạm gửi tài khoản của Chi cục thi hành án dân sự tỉnh Lâm Đồng.
Đối với 04 Giấy chứng nhận QSD đất (bản chính) số hiệu các L003467, L003469, L003470, L003471 đứng tên Hoàng Việt Nguyệt Minh đã được trả lại cho bà Hoàng Việt Nguyệt Minh.
Việc thỏa thuận mua bán nhà, đất giữa bị cáo T và bà A lúc đầu là ngay tình và đã được công chứng; chứng thực trước bạ và sang tên bị cáo T theo quy định của pháp luật. Sau khi được pháp luật thừa nhận việc sang tên chủ sở hữu sử dụng nhà, đất tại số 261 đường P, bị cáo T đã dùng nhà, đất này lừa nhiều người như ông M, ông N để chiếm đoạt tài sản của những người này.
Quá trình điều tra có căn cứ để xác định T chỉ có hành vi gian dối trong việc thanh toán tiền mua nhà, đất của bà A. Do vậy, xác định T đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tiền bán nhà, đất của bà A là 29.880.000.000đ. Vì vậy nhà, đất tại số 261 đường P, Phường 02, thành phố K, tỉnh Lâm Đồng đứng tên Bùi Thị Anh T được xác định là phương tiện để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông M và ông N. Do vậy, tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án cho những người bị hại trong vụ án.
Về trách nhiệm dân sự: Ông M yêu cầu bị cáo T trả số tiền 27.000.000.000đ, bị cáo T cam kết sẽ trả cho ông M số tiền trên; bị cáo C đã tự nguyện nộp lại số tiền 70.000.000đ.
Tại bản Cáo trạng số 12/CT-VKS-P2 ngày 17-3-2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng truy tố bị cáo Bùi Thị Anh T về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 và tội “sử dụng tài liệu giả” của cơ quan, tổ chức theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 341 của BLHS năm 2015; truy tố các bị cáo Phạm Thế L, Nguyễn Thị Bích H, Đàm Văn C về tội “Giả mạo trong công tác” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 359 của BLHS năm 2015.
Tại bản án Hình sự sơ thẩm số 48/2020/HS-ST ngày 24/11/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã quyết định:
1. Tuyên bố bị cáo Bùi Thị Anh T phạm các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tuyên bố các bị cáo Phạm Thế L, bị cáo Nguyễn Thị Bích H, bị cáo Đàm Văn C phạm tội “Giả mạo trong công tác”.
- Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b khoản 3 Điều 341; điểm s khoản 1 Điều 51 (áp dụng cho cả hai tội), khoản 2 Điều 51 (cho tội “lừa đảo”); điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo Bùi Thị Anh T.
Xử phạt bị cáo Bùi Thị Anh T 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 03 năm tù về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 55 của BLHS năm 2015, buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 23 (hai mươi ba) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 11-01-2018.
- Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 359, điểm s khoản 1, 2 Điều 51, các Điều 17, Điều 58, Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với các bị cáo Phạm Thế L, Nguyễn Thị Bích H, Đàm Văn C. Riêng bị cáo C được áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định điểm u khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015:
Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Bích H 03 (ba) năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 05 năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Xử phạt bị cáo Đàm Văn C 03 (ba) năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 05 năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm Xử phạt bị cáo Phạm Thế L 03 (ba) năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 05 năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm Giao bị cáo Nguyễn Thị Bích H cho Ủy ban nhân dân phường P3, quận Q3, Thành phố Hà Nội giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách; Giao bị cáo Đàm Văn C cho Ủy ban nhân dân phường P4, quận Q5, Thành phố Hà Nội giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách; Giao bị cáo Phạm Thế L cho Ủy ban nhân dân phường P1, quận Q1, Thành phố Hà Nội giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình của từng người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người bị kết án. Trường hợp người bị kết án thay đổi nơi cư trú thì việc Thi hành án thực hiện theo qui định tại khoản 1 điều 69 Luật Thi hành án hình sự.
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
2. Về bồi thường thiệt hại: Căn cứ Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 2015; các Điều 584, 585, 586, 589 của Bộ luật Dân sự. Buộc bị cáo Bùi Thị Anh T có trách nhiệm bồi thường cho bị hại ông Nguyễn Đức N số tiền 4.700.000.000đ.
- Bà Ngô Phương A có trách nhiệm hoàn trả lại cho bị cáo Bùi Thị Anh T số tiền 3.310.000.000đ.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải trả khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Về vật chứng, thu lợi bất chính: Căn cứ Điều 47 của Bộ luật Hình sự năm 2015; Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự:
3.1. Về vật chứng: Lưu hồ sơ vụ án các tài liệu liên quan đến việc làm thẻ như: Thẻ tiết kiệm ghi số tiền 30 tỷ đồng; giấy Thoả thuận vay tiền đề ngày 21- 01-2016; Thoả thuận vay tiền đề ngày 20-4-2016 giữa Bùi Thị Anh T và Nguyễn Thị Bích H; Giấy đề nghị ngân hàng xác nhận thủ tục chuyển nhượng/tặng cho tiền gửi ghi ngày 21-01-2016; Giấy báo mất chứng chỉ tiền gửi; Giấy yêu cầu phong tỏa tài khoản/tài sản ghi ngày 21-01-2016; Giấy yêu cầu giải tỏa ghi ngày 22-01-2016; Giấy đề nghị ngân hàng xác nhận thủ tục chuyển nhượng/tặng cho tiền gửi ghi ngày 22-01-2016; Sổ tiết kiệm mang tên Ngô Phương A; Giấy báo mất chứng chỉ tiền gửi ghi ngày 22-4-2016; Giấy yêu cầu phong tỏa tài khoản/tài sản ghi ngày 21-4-2016; Giấy yêu cầu giải tỏa ngày 22-4-2016;
- Lưu hồ sơ vụ án các tài liệu liên quan đến việc mua bán chuyển nhượng nhà đất và các tài liệu khác giao dịch liên quan đến nhà đất 261 đường P như Hợp đồng đặt cọc ghi ngày 09-10-2015 giữa Bùi Thị Anh T và Ngô Phương A; Hợp đồng chuyển nhượng QSD đất và tài sản gắn liền với đất (số công chứng 4791 ngày 11-12-2015 Phòng công chứng số 1 tỉnh Lâm Đồng); Hợp đồng ủy quyền giữa Bùi Thị Anh T và Ngô Phương A (số 0248 ngày 23-01-2016 Văn phòng công chứng Minh Tâm); Biên bản thoả thuận xác nhận nợ đề ngày 02-02-2016 giữa Bùi Thị Anh T và Ngô Phương A; Hợp đồng chuyển nhượng QSD đất và tài sản gắn liền với đất không đề thời gian ký giữa Bùi Thị Anh T và Ngô Phương A; Giấy thoả thuận giữa Ngô Phương A, Nguyễn Đức N và Bùi Thị Anh T; Giấy thoả thuận giữa Ngô Phương A, Trần Thị Nhi và Bùi Thị Anh T; Giấy thoả thuận giữa Ngô Phương A và Bùi Thị Anh T; Giấy nộp tiền đề ngày 28-11-2018 của Ngô Phương A; Giấy biên nhận ngày 28-11-2018 giữa Ngô Phương A và Trần Thị Nhi; Hợp đồng đặt cọc về mua bán nhà, đất giữa Bùi Thị Anh T và Nguyễn Đức N;
- Trả lại cho bị cáo Bùi Thị Anh T 03 điện thoại di động; 02 thẻ ngân hàng (Điện thoại, thẻ Ngân hàng đã được niêm phong); 01 chứng minh nhân dân (tên Bùi Thị Anh T); 01 sổ hộ khẩu (tên chủ hộ Bùi Thị Anh T); số tiền 150.000.000đ. Tiếp tục tạm giữ 03 điện thoại di động; 02 thẻ ngân hàng số tiền 150.000.000đ của bị cáo T để bảo đảm thi hành án.
- Trả lại cho bị cáo Phạm Thế L 01 điện thoại di động (đã được niêm phong). Tiếp tục tạm giữ 01 điện thoại di động của bị cáo L để bảo đảm thi hành án.
- Trả lại cho bị cáo Đàm Văn C 02 điện thoại di động (đã được niêm phong). Tiếp tục tạm giữ 02 điện thoại di động của bị cáo C để bảo đảm thi hành án.
- Trả lại cho anh Nguyễn Thanh NLQ1 01 điện thoại di động (đã được niêm phong) 3.2. Về thu lợi bất chính:
- Tịch thu sung quỹ nhà nước số tiền 75.000.000đ do bị cáo Nguyễn Thị Bích H nộp trước khi xét xử (theo biên lai số 03094 ngày 17-3-2020 của Cục THADS tỉnh Lâm Đồng).
- Tịch thu sung quỹ nhà nước số tiền 5.000.000đ do bị cáo Phạm Thế L đã nộp trước khi xét xử (theo biên lai số 03095 ngày 17-3-2020 của Cục THADS tỉnh Lâm Đồng) - Tịch thu sung quỹ nhà nước số tiền 124.000.000đ do bị cáo Đàm Văn C đã nộp trước khi xét xử (theo biên lai số 03096 ngày 18-3-2020 của Cục THADS tỉnh Lâm Đồng) Buộc bị cáo Đàm Văn C phải nộp lại số tiền 416.000.000đ để sung quỹ nhà nước.
4. Hủy Hợp đồng chuyển nhượng QSD đất và tài sản gắn liền với đất số 4791 ngày 11-12-2015 tại Phòng công chứng số 1 tỉnh Lâm Đồng; giữa bị cáo Bùi Thị Anh T và bà Ngô Phương A; đối với nhà đất thửa 57 bản đồ 10 (C69-IV- B-a) Phường 2 thành phố K tại số 261 đường P, Phường 2, thành phố K (Giấy chứng nhận số hiệu BB 587488 do UBND TP. K cấp ngày 28-6-2010).
- Hủy Lệnh kê biên số 01/CSĐT ngày 11-01-2018 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lâm Đồng đối với tài sản nhà, đất tọa lạc tại số 261 đường P, Phường 2, thành phố K, tỉnh Lâm Đồng;
- Hủy Lệnh kê biên số 02/CSĐT ngày 11-01-2018 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lâm Đồng đối với Giấy chứng nhận số hiệu BB 587488 ngày 28-6-2010.
- Giao trả lại cho bà Ngô Phương A tài sản diện tích đất thửa 57 bản đồ 10 (C69-IV-B-a) tại số 261 đường P, Phường 2, thành phố K; Trả lại cho bà Ngô Phương A Giấy chứng nhận số hiệu BB 587488 ngày 28-6-2010.
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, bà Ngô Phương A liên hệ Cơ quan có thẩm quyền đăng ký biến động theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo vụ án theo luật định.
Ngày 07/12/2020, bị cáo Bùi Thị Anh T có đơn kháng cáo kêu oan với các lý do:
- Bị cáo làm sổ tiết kiệm 30 tỷ không phải để thanh toán tiền mua nhà mà chỉ để làm tin, do đó hành vi của bị cáo không phải là lừa đảo.
- Số tiền 32 tỷ bị cáo mượn của Đàm Văn C là để trả tiền nhà mà bị cáo còn nợ lại bà Phương A.
- Thỏa thuận vay tiền 30 tỷ và 32 tỷ đồng của Đàm Văn C bị cáo vay trong 03 tháng, không phải vay 01 ngày.
- Đối với ông Nguyễn Đức N, bị cáo có thừa nhận về hiện trạng nhà với ông N là có tranh chấp với chủ cũ, nếu không đồng ý mua bị cáo sẽ trả tiền lại cho ông N nên hành vi này chỉ là thỏa thuận dân sự, không phải lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
- Quá trình điều tra và xét xử chưa khách quan, chưa thu thập hết các chứng cứ trong vụ án.
Bị hại bà Ngô Phương A kháng cáo ngày 08/12/2020 yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo Bùi Thị Anh T vì tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo chối tội nhưng án sơ thẩm vẫn áp dụng tình tiết thành khẩn khai báo là không đúng; bị cáo lừa bị hại 03 lần: lần 1 là dùng sổ tiết kiệm 40 tỷ đồng đứng tên của Trần Thị Thanh NLC10 nhưng bà NLC10 không ủy quyền cho bị cáo rút tiền trong thẻ tiết kiệm, khi phát hiện việc này bà A đã không đồng ý ký hợp đồng chuyển nhượng; lần 2 bị cáo lừa bằng thẻ tiết kiệm 30 tỷ đồng do Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam, chi nhánh TH, Hà Nội phát hành ngày 21/01/2016; lần 3 lừa bằng thẻ tiết kiệm 32 tỷ đồng cũng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam, chi nhánh TH, Hà Nội phát hành ngày 21/4/2016 – khi gần đến hạn rút tiền trong thẻ tiết kiệm thì bà A mới phát hiện trong thẻ không có tiền. Ngoài ra, tại thời điểm truy tố bị cáo, giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 54 tỷ đồng nên án sơ thẩm tuyên hình phạt trên là chưa tương xứng với hành vi của bị cáo.
Ngày 08/12/2020, bị hại ông Nguyễn Đức N kháng cáo phần tuyên trách nhiệm dân sự: bị cáo T phải bồi thường cho ông 4.700.000.000 đồng; đối với khoản tiền bị cáo T đã đưa cho bà Ngô Phương A 6.120.000.000 đồng trong đó bà Phương A thay bị cáo T trả cho bà Nhi 1.210.000.000 đồng, còn lại bà Phương A phải hoàn trả cho bị cáo T số tiền 3.310.000.000 đồng. Nội dung tuyên này là sai quy định, vì không thể chấp nhận thỏa thuận để bà A trả thay bị cáo cho bà Nhi và cần buộc bà Phương A nộp lại cho cơ quan thi hành án để hoàn trả cho ông N hoặc công nhận thoả thuận giữa bị cáo, bà Phương A và ông N về việc bà Phương A giao lại 3.310.000.000 đồng cho ông N để khấu trừ tổng số tiền bị cáo phải bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, tại phiên tòa sơ thẩm, ông có yêu cầu buộc bị cáo bồi thường tiền lãi là 1.215.000.000 đồng theo Công văn 121/2003/KHXX ngày 19/9/2003 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự nhưng án sơ thẩm không tính lãi là gây thiệt hại cho của ông.
Ngày 01/12/2020, bị hại ông Nguyễn Văn M kháng cáo không đồng ý với nhận định của án sơ thẩm cho rằng quan hệ giữa ông và bị cáo Bùi Thị Anh T là quan hệ dân sự. Nhận định này là chưa đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, không xem xét đến diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm. Yêu cầu xem xét lại toàn bộ vụ án.
Ngày 07/12/2020, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng kháng nghị một phần bản án sơ thẩm do bỏ lọt hành vi bị cáo đã gian dối chiếm đoạt 27 tỷ đồng của ông Nguyễn Văn M.
Đối với việc xử lý tang vật: án sơ thẩm tuyên giao nhà đất số 261 cho bà Ngô Phương A là vi phạm nghiêm trọng khoản 3 Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự, gây khó khăn cho việc xử lý vụ án và thi hành án, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bị hại trong vụ án. Cần tiếp tục kê biên nhà, đất nêu trên để bảo đảm việc thi hành án cho các bị hại.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Bị cáo Bùi Thị Anh T xác định quá trình điều tra đã tự nguyện khai báo, không bị bức cung, nhục hình. Bị cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, cho rằng bản thân không lừa đảo bà A, ông N. Sự việc liên quan đến số tiền của ông N đã chuyển, quá trình chờ xét xử phúc thẩm bị cáo đã giải quyết xong với bà A, bà Nhi và ông N.
Bị cáo vay tiền của Đàm Văn C trong thời hạn 03 tháng không phải chỉ trong 01 ngày.
Đối với khoản tiền cáo trạng truy tố bị cáo chiếm đoạt của ông M xuất phát từ việc vay tiền của ông NLQ10 10 tỷ, sau đó lập Hợp đồng hứa mua - hứa bán với ông NLQ5 nhằm bảo đảm khoản tiền vay thì Hợp đồng hứa mua - hứa bán này cũng đã hủy bỏ và sau đó bị cáo là người dùng tài sản nhà đất 261 đường P bảo lãnh để thế chấp cho Công ty X vay tiền Ngân hàng, trong khi tiền vay của Ngân hàng bị cáo không sử dụng.
Về khoản tiền bị cáo vay 15 tỷ của ông NLQ4 không có thỏa thuận “ông M là người bảo lãnh”, việc ông M thanh toán cho ông NLQ4 là việc của ông M, bị cáo không yêu cầu ông M thay bị cáo trả cho ông NLQ4.
Về các khoản tiền nhận bằng tiền mặt, chuyển khoản nhiều lần tổng cộng 2 tỷ của ông M, cáo trạng cũng truy tố cho rằng bị cáo chiếm đoạt, đề nghị Tòa án xem xét lại. Lý do có việc nhận tiền mặt, chuyển khoản là bị cáo điện thoại đề nghị thì ông M cho người chuyển khoản cho bị cáo; bị cáo không hề gian dối trước, sau khi ông M cho người chuyển tiền.
Bà Ngô Phương A, ông Nguyễn Văn M giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Ông Nguyễn Đức N vắng mặt, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông N trình bày trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm giữa ông và bà Ngô Phương A đã có thỏa thuận giải quyết xong khoản tiền bị cáo T đã chiếm đoạt, đề nghị ghi nhận và ông không yêu cầu gì thêm.
Các bị cáo Phạm Thế L, Nguyễn Thị Bích H khai đã thực hiện hành vi làm 02 thẻ tiết kiệm theo yêu cầu của bị cáo Đàm Văn C, cả hai bị cáo không biết bị cáo T và bà Ngô Phương A trước mà chỉ biết thông qua quá trình làm thẻ tiêt kiệm. Sự việc bị cáo H liên hệ với bà NLQ11 để vay tiền trong một ngày đưa vào tài khoản mở tiết kiệm cho bị cáo T và bà Ngô Phương A đứng tên sau đó rút tiền khỏi tài khoản tiết kiệm để trả cho bà NLQ11 và cho họ ký đơn báo mất sổ đều theo ý của Đàm Văn C. Hai bị cáo không biết mục đích của C và T khi làm sổ này.
Bị cáo Đàm Văn C vắng mặt không rõ lý do nên không đối chất để làm rõ được ý thức chủ quan của các bị cáo về hành vi này.
Luật sư LS1 bào chữa cho bị cáo Bùi Thị Anh T yêu cầu hủy án sơ thẩm vì cơ quan điều tra chưa thu thập đầy đủ chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo T trong khi còn có mâu thuẫn giữa lời khai của các bị cáo với nhau, với bị hại về diễn biến vụ việc trong thực tế, đặc biệt là quá trình làm 02 thẻ tiết kiệm. Cấp sơ thẩm chưa thu thập các tài liệu liên quan đến lịch sử giao dịch của khoản tiền chuyển từ tài khoản của bà NLQ11 để lập thẻ tiết kiệm và quá trình rút tiền từ phía Ngân hàng nhằm có cơ sở đánh giá đúng hành vi của các bị cáo cũng như chính bà Phương A về mục đích của việc lập thẻ tiết kiệm; các dữ liệu điện tử về những giao dịch liên quan đến số tiền bà NLQ11 giao cho bị cáo H cũng chưa được thu thập. Trong khi chính bị cáo C đã có liên lạc để cảnh báo bà Phương A khi thẻ tiết kiệm sắp đến hạn. Đây là những dấu hiệu bất thường của bà Phương A trong việc đồng ý chuyển nhượng tài sản cho bị cáo T cũng như việc bà giao tài sản cho bị cáo T sử dụng và đồng ý cho bị cáo T chuyển nhượng tiếp tục cho ông Nguyễn Đức N để nhận tiền đặt cọc từ ông N.
Các giao dịch của bị cáo với ông Nguyễn Văn M chỉ là quan hệ vay nợ có tính lãi thông qua sự giới thiệu của ông M với ông NLQ10 và bị cáo đã phải dùng nhà đất 261 đường P thế chấp để bảo lãnh cho công ty của ông M vay tiền ngân hàng trả cho ông NLQ10 mà không nhận phần nào trong số tiền được giải ngân nên không có căn cứ để quy kết bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tiền của ông M.
Riêng trường hợp chuyển nhượng nhà, đất với ông Nguyễn Đức N chỉ là giao dịch dân sự, bị cáo đã nói rõ tình trạng tài sản nhưng ông N vẫn đồng ý mua và bà Phương A nhận tiền của ông N nên bị cáo không lừa đảo ông N, đến nay sự việc giữa ba bên trong giao dịch này cũng đã giải quyết xong, ông N đã có đơn yêu cầu không giải quyết tiếp.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại Ngô Phương A đề nghị chấp nhận kháng cáo tăng hình phạt đối với bị cáo T do bị cáo đã gian dối về quá trình lập thẻ tiết kiệm để thanh toán cho bà. Bị cáo vẫn tiếp tục đưa thông tin gian dối cả khi bà Phương A phát hiện thẻ tiết kiệm không có tiền trong tài khoản vì cho rằng Ngân hàng đã làm mất tiền nên xúi giục bà A tố cáo Ngân hàng mà không nói thật về sự việc tiền đã bị rút ngay sau 01 ngày phát hành thẻ. Bị cáo đã nhiều lần lừa đảo bà A thông qua việc giao các thẻ tiết kiệm không có giá trị thực từ lần mượn thẻ của bà Trần Thị Thanh NLC10 giao cho bà A đến 02 thẻ tiết kiệm sau đó như đã đề cập. Đây là hành vi lừa đảo có tính toán từ trước và kéo dài để chiếm đoạt tài sản của bị hại vì bị cáo đã thực hiện nhiều giao dịch trên tài sản này trước khi bị phát hiện. Về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng, án sơ thẩm đã xét xử có căn cứ và không chấp nhận các yêu cầu của ông Nguyễn Văn M là đúng với thực tế vụ án. Đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên phần này. Đề nghị ghi nhận việc bị cáo, bị hại và ông N đã thỏa thuận giải quyết xong khoản tiền liên quan đến ông N và sửa án sơ thẩm phần tuyên giao trả tài sản là nhà, đất 261 đường P cho đồng sở hữu của bà Ngô Phương A chứ không phải cá nhân bà Phương A.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Văn M cho rằng quá trình bị cáo T vay tiền của ông M và được ông M bảo lãnh cho các khoản vay với ông NLQ4, ông NLQ10 và với Ngân hàng tổng cộng là 27 tỷ đồng xuất phát từ việc ông M tin tưởng bị cáo đưa tài sản nhà, đất số 261 đường P vào các giao dịch, với hứa hẹn để thực hiện các dự án làm nhà máy gạch đất nung, xây khách sạn... Không có sự bảo lãnh của ông M, bị cáo đã không vay được tiền. Do ông M đã tự trả các khoản tiền vay thay bị cáo và dùng tài sản khác thay thế cho tài sản thế chấp với Ngân hàng để không vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên đề nghị chấp nhận kháng cáo của ông M, xác định hành vi của bị cáo T theo quy định pháp luật và tuyên trách nhiệm trả nợ của bị cáo cho ông M tính từ ngày xét xử phúc thẩm theo lãi suất pháp luật quy định.
Đối với việc chuyển nhượng giữa bị cáo T với bà Ngô Phương A chưa đủ cơ sở vững chắc để khẳng định bị cáo có lừa bà A hay không như ý kiến của Luật sư Vũ Xuân Đạt đã nêu trong quá trình chuyển nhượng nhà, đất số 261 đường P. Án sơ thẩm đã suy diễn chủ quan khi chưa thu thập đầy đủ chứng cứ, tài liệu của Ngân hàng về hành vi lập 02 thẻ tiết kiệm của bị cáo T với các bị cáo L, H và C cũng như không thực hiện giám định chữ viết, chữ ký trong các tài liệu có liên quan đến việc lập thẻ tiết kiệm nhằm xác định hành vi khách quan của các bị cáo cùng ý thức chủ quan khi giúp bị cáo T và che giấu thông tin với bà Phương A. Để đánh giá đúng đắn vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử hủy án sơ thẩm để điều tra làm rõ.
Ngoài ra, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong việc bị cáo T và bà Phương A đã khai báo gian dối giá chuyển nhượng chỉ 12 tỷ đồng để trốn thuế.
Việc bị cáo T viết giấy thỏa thuận trả nợ cho bà Nhi từ tiền của ông N mà bà Phương A đã nhận trước đó, đến nay khoản tiền liên quan đến những người này đã được giải quyết xong, bà Nhi và ông N rút yêu cầu khởi tố và được công nhận là vi phạm về tố tụng, là xử lý vật chứng không đúng.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến:
Bị cáo Bùi Thị Anh T, bị hại bà Ngô Phương A, ông Nguyễn Văn M, ông Nguyễn Đức N kháng cáo trong hạn luật định nên hợp lệ.
Kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành đúng quy định về hình thức.
Về tố tụng: cấp sơ thẩm đã tuân thủ đúng quy định về tố tụng.
Với các chứng cứ đã thu thập đã đủ cơ sở để khẳng định: quá trình điều tra ban đầu bị cáo Bùi Thị Anh T thừa nhận đã thực hiện hành vi gian dối như kết quả điều tra thể hiện, sau đó khai nại bị oan do các giao dịch đã thực hiện là sự thỏa thuận về dân sự. Tuy nhiên, căn cứ vào quá trình thực hiện hành vi, lời khai của những người tham gia tố tụng khác đều phù hợp với lời khai ban đầu của bị cáo. Án sơ thẩm quy kết trách nhiệm hình sự đối với bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo điểm a khoản 4 Điều 174 và điểm b khoản 3 Điều 341 Bộ luật hình sự là có căn cứ, không oan. Các vấn đề còn lại của vụ án đã được giải quyết đúng pháp luật.
Án sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và tuyên phạt tương xứng.
Nội dung kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng về hành vi liên quan đến ông Nguyễn Văn M không có cơ sở vì theo nội dung vụ án đây là các giao dịch dân sự nên Kiểm sát viên rút toàn bộ kháng nghị.
Xét kháng cáo của bị cáo, các bị hại đã nêu không có cơ sở, không có chứng cứ nào mới. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Các bị cáo nói lời sau cùng:
Bị cáo L và H trình bày đã hối hận về hành vi sai phạm, xin giữ nguyên hình phạt như án sơ thẩm đã tuyên.
Bị cáo T xin xem xét bị cáo không lừa đảo bà Phương A hay ông M, bị cáo bị oan.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hình thức:
Các đơn kháng cáo và Quyết định kháng nghị là trong hạn luật định nên hợp lệ. Quá trình điều tra, các bị cáo đã được tự nguyện khai báo, không bị ép cung, nhục hình. Quyền và nghĩa vụ tố tụng của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng được đảm bảo.
[2] Về nội dung vụ án:
Căn cứ vào các chứng cứ đã thu thập trong hồ sơ, đối chiếu lời khai của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác có cơ sở để xác định:
Bị cáo Bùi Thị Anh T và bà Ngô Phương A có thỏa thuận chuyển nhượng nhà, đất số 261 đường P, thành phố K, hợp đồng chuyển nhượng được ký vào ngày 11/12/2015. Bà A đã thực hiện nghĩa vụ giao tài sản và đồng ý để bị cáo T thực hiện nghĩa vụ thanh toán bằng thẻ tiết kiệm - ban đầu là của bà Trần Thị Thanh NLC10 đứng tên, sau đó là thẻ tiết kiệm do bị cáo T đứng tên và cuối cùng chuyển sang cho bà A đứng tên. Theo thừa nhận của bị cáo T, sau khi đặt cọc cho bà A 100.000.000 đồng thì bị cáo không vay được tiền để tiếp tục thanh toán số tiền còn lại nên đã sử dụng các thẻ tiết kiệm để bà A tin tưởng vào khả năng thanh toán của bị cáo và đồng ý tiếp tục thực hiện hợp đồng. Bị cáo đã thuê Đàm Văn C để làm thẻ tiết kiệm và giao cho bà A 02 thẻ tiết kiệm đã bị rút hết tiền trong tài khoản sau khi các bị cáo L và H thực hiện thao tác đối với trường hợp báo mất thẻ. Bị cáo cố ý nói sai về thời hạn rút tiền trong thẻ vào cuối kỳ để kéo dài thời gian và còn tự gửi tiền lãi cho bà A khi đến hạn rút thẻ để tránh bị phát hiện.
Trong khoản thời gian chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán, bị cáo sử dụng tài sản trên làm tin để vay mượn tiền của ông Nguyễn Văn M và đồng ý dùng tài sản này để thế chấp bảo lãnh cho khoản vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho công ty X của ông M vay tiền. Từ ngày 01/4/2016 đến ngày 14/9/2018, ông M khai đã giao và trả nợ thay cho bị cáo các khoản tiền tổng cộng là 27.000.000.000 đồng do tin tưởng bị cáo là chủ sở hữu nhà đất số 261 đường P như bị cáo tự nhận và vay tiền để làm dự án.
Đến ngày 05/01/2018 bị cáo còn ký kết Hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất với ông Nguyễn Đức N và nhận của ông N 5.000.000.000 đồng trong khi biết rõ bà A đã tố giác bị cáo và tài sản đã bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng phong tỏa.
Cấp sơ thẩm đã điều tra về các nội dung bị cáo T bị tố giác, tuy nhiên chưa làm rõ về ý thức và vai trò của các bị cáo L, H, C trong việc giúp bị cáo T làm các thẻ tiết kiệm và giao thẻ tiết kiệm không có giá trị sử dụng cho bà Ngô Phương A, đặc biệt là lần làm thẻ tiết kiệm thứ hai theo cùng một phương thức. Các bị cáo cho rằng có việc ký khống một số giấy tờ và bà A cũng nhìn nhận việc này nhưng cấp sơ thẩm chưa thực hiện việc giám định chữ ký và chữ viết trên các tài liệu có liên quan; chưa cho đối chất giữa những bị cáo và người có liên quan đến việc lập thẻ và rút tiền để có căn cứ đánh giá chứng cứ và xác định hành vi của bị cáo T cùng các bị cáo khác trong cùng vụ án. Đây không chỉ là việc gian dối trong sử dụng các biện pháp nghiệp vụ của ngân hàng mà việc các bị cáo vẫn giữ bí mật đối với bà Phương A về việc tiền trong tài khoản tiết kiệm đã bị rút và thẻ tiết kiệm hoàn toàn bị vô hiệu hóa về giá trị đã tạo điều kiện cho bị cáo T lừa đảo bà A trót lọt. Do vậy, cần điều tra làm rõ về nhận thức và hành vi của ba bị cáo nêu trên đối với mục đích mà bị cáo T muốn thực hiện để xác định có yếu tố đồng phạm đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong vụ án hay không như quan điểm các Luật sư trình bày.
Đối với trường hợp của ông Nguyễn Văn M, cấp sơ thẩm chưa làm rõ hành vi của bị cáo T ngoài giao dịch hứa bán – hứa mua đối với tài sản nhà, đất số 261 đường P của bị cáo để vay 10.000.000.000 đồng vào ngày 01/4/2016 thì các giao dịch còn lại liên quan đến khoản vay 14.880.000.000 đồng tại Ngân hàng Nông Nghiệp và phát triển nông thôn (ngày 14/4/2016), khoản ông M bảo lãnh cho bị cáo vay 15.000.000.000 đồng của ông NLQ4 (ngày 02/5/2016), cùng khoản vay riêng tương đương 02 tỷ đồng có yếu tố gian dối và chiếm đoạt hay không. Vì về mặt thời gian, trong khi bị cáo T nhờ C làm giả thẻ tiết kiệm để bà A đồng ý sang tên tài sản 261 đường P cho bị cáo T, kỳ hạn thẻ đến ngày 21/4/2016, sau đó tiếp tục làm, giao thẻ tiết kiệm khác có giá trị 32.000.000.000 đồng cho bà Phương A, thì từ ngày 01/4/2016 bị cáo đã bắt đầu có các giao dịch vay mượn, bảo lãnh với ông M bằng chính tài sản là nhà, đất số 261 đường P.
Thực tế, bị cáo T biết rõ bản thân chưa phải là chủ sở hữu chính thức của tài sản trên và giao dịch giữa đôi bên là vay nợ nên tài sản này không phải là đối tượng giao dịch giữa bị cáo và ông M mà chỉ là công cụ, phương tiện để tạo lòng tin cho ông M đồng ý cho vay và bảo lãnh cho bị cáo vay. Đồng thời, quyền sở hữu về tài sản này cũng không bị chuyển giao. Như vậy, ông M bị thiệt hại là do tin vào thông tin gian dối mà bị cáo đã đưa ra, rằng bị cáo có tài sản đang thực hiện dự án, để vay tiền với mục đích sử dụng cá nhân và không có khả năng hoàn trả. Quan hệ này độc lập với quan hệ chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bị cáo T với bị hại bà Ngô Phương A. Xét quá trình điều tra và truy tố đã xác định hành vi của bị cáo là lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Nguyễn Văn M thông qua quan hệ vay mượn nợ, tuy nhiên án sơ thẩm đã không xét xử hành vi này mà cho rằng đây là quan hệ dân sự trong khi chưa làm rõ từng nội dung giao dịch là có khả năng bỏ lọt hành vi của bị cáo. Kháng cáo của ông M là có cơ sở để xem xét.
Những vi phạm này vừa là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, do chưa điều tra, thu thập đủ chứng cứ, vừa do bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật mà Hội đồng xét xử phúc thẩm không thể sửa bản án theo quy định. Hội đồng xét xử thống nhất hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng điều tra xét xử lại vụ án.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên rút Kháng nghị và yêu cầu giữ nguyên bản án sơ thẩm; ông Nguyễn Đức N rút yêu cầu kháng cáo, các nội dung kháng cáo còn lại vẫn giữ nguyên nhưng do hủy án sơ thẩm nên Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với Kháng nghị của Viện Kiểm sát, kháng cáo của ông N và chưa xem xét đến các yêu cầu kháng cáo còn lại.
Do hủy án sơ thẩm nên những người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm c, đ khoản 1 Điều 355, Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với Kháng nghị số 01/QĐ-VKS-P2 ngày 07/12/2020 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng và kháng cáo của bị hại ông Nguyễn Đức N.
Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Bùi Thị Anh T, các bị hại bà Ngô Phương A, ông Nguyễn Văn M.
Hủy bản án Hình sự sơ thẩm số 48/2020/HS-ST ngày 24/11/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Giao hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng để điều tra, xét xử lại theo quy định.
Không ai phải chịu hình sự phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 563/2022/HS-PT về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
Số hiệu: | 563/2022/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 23/09/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về