TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 399/2022/HSPT NGÀY 30/05/2022 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 30 tháng 5 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tiến hành xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 38/2022/TLPT-HS ngày 12 tháng 01 năm 2022 đối với các bị cáo Trần Thanh T, Tạ Thị Thu B, do có kháng cáo của bị cáo và người bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 420/2021/HSST ngày 01 tháng 12 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
- Bị cáo có kháng cáo và bị kháng cáo:
Trần Thanh T, sinh năm 1975; ĐKHKTT và nơi cư trú: Số 88 tổ 5 B, thị trấn X, huyện M, thành phố Hà Nội; nghề nghiệp: Giáo viên Trường THCS Thủy T; trình độ văn hóa: Lớp 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Thanh Ch và bà Trần Thị N; có vợ Trần Thị Thanh H và 02 con (con lớn sinh năm 2000, con nhỏ sinh năm 2003); tiền án, tiền sự: Không; Là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng. Bị bắt, tạm giam từ ngày 04/3/2020, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam số 1 Công an thành phố Hà Nội; Có mặt.
- Bị cáo bị kháng cáo:
Tạ Thị Thu B, sinh năm 1973. ĐKHKTT: Số 32 ngõ 55 phố K, phường N, quận T, thành phố Hà Nội; nơi cư trú: Nhà 30, Tổ 6, Tập thể Z9 thị trấn X, huyện M, thành phố Hà Nội; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: Lớp 11/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Tạ Đình B (đã chết) và bà Nguyễn Thị Â; có chồng Ngô Minh T (đã ly hôn) và 01 con sinh năm 1990; tiền án, tiền sự: Không; Bị bắt, tạm giam từ ngày 15/8/2019, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam số 1 Công an thành phố Hà Nội; Có mặt.
- Người bị hại có kháng cáo:
1. Anh Lê Công D, sinh năm 1985; nơi cư trú: Đội 7, thôn A, xã Q, huyện N, tỉnh Hải Dương. Vắng mặt.
2. Anh Nguyễn Sỹ H, sinh năm 1967; nơi cư trú: Phòng 1306, chung cư H, phường Ng, quận L, thành phố Hà Nội. Vắng mặt.
Đại diện theo ủy quyền của anh H: Anh Trần Hưng Đ, sinh năm 1984; nơi cư trú: Số 37 ngõ T, phường Q, quận Đa, thành phố Hà Nội. Có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo T: Luật sư Hà Thế L và Luật sư Nguyễn Văn H - Công ty luật TNHH Sao Thủ Đô thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo B: Luật sư Hoàng Ngọc Thanh B – Văn phòng Luật sư Đặng Sơn, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng giữa năm 2016, qua mạng xã hội Facebook, Tạ Thị Thu B quen biết và có quan hệ tình cảm với Trần Thanh T. T giới thiệu tên là Thanh - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu mây tre đan Việt Nhật Thanh (gọi tắt là công ty Việt Nhật Thanh) có trụ sở tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. T nói với B là Công ty Việt Nhật Thanh đang tuyển người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. T bàn bạc với B là tìm người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, giới thiệu T “Thanh” là chồng (hoặc giới thiệu là bạn trai) đang làm Giám đốc Công ty Việt Nhật Thanh có khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Một số người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tin tưởng đã nộp tiền, hồ sơ cho B, T. Sau khi nhận tiền, T, B không thực hiện như hứa hẹn mà chiếm đoạt tiền của các bị hại. Bằng thủ đoạn trên, T, B đã nhận và chiếm đoạt số tiền 550.000.000 đồng của 08 bị hại, cụ thể:
1. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt 20.000.000 đồng của anh Vũ Anh Tuấn:
Tháng 5/2016, B giới thiệu với anh Vũ Anh Tuấn (Tuấn là em họ của B) là bạn trai của B tên là Thanh làm Giám đốc Công ty Việt Nhật Thanh đang có suất ưu đãi đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, trong thời gian 03 năm, mức lương 40 triệu đồng/tháng, chi phí 45 triệu đồng/người, công việc đơn giản, chỉ làm việc đóng hộp, bao bì đựng sản phẩm mây tre đan xuất khẩu. Về thủ tục người đi xuất khẩu lao động chỉ phải nộp hồ sơ và tiền, không phải học tiếng Nhật Bản, không phải học nghề, không phải làm hộ chiếu, Visa. Bản thân anh Tuấn mới ra trường đang cần việc làm nên nghe B giới thiệu, anh Tuấn đã tin tưởng, đồng ý nhờ B đăng ký cho Tuấn 01 suất thời hạn 03 năm. Ngày 31/10/2016, B đưa anh Tuấn và bà Nguyễn Thanh Bằng (mẹ anh Tuấn) đến quán cà phê tại địa chỉ số 16 phố Hòa Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện M, thành phố Hà Nội. Qua điện thoại T hướng dẫn B gặp một người đàn ông (khoảng 35 tuổi, mặc áo sơ mi dài tay, sau này xác định là Khuất Thế Cường). Khi Cường đến quán cà phê, B giới thiệu là trợ lý của Thanh (T) và bảo anh Tuấn đưa 45 triệu đồng cùng hồ sơ cho Cường để Cường về đưa cho T. Anh Tuấn đưa tiền cho Cường nhưng không viết giấy biên nhận mà chỉ chụp lại ảnh của Cường tại quán cà phê.
Đến đầu tháng 12/2016, B gọi điện cho anh Tuấn và bà Bằng đến gặp T tại nhà trọ của B tại địa chỉ 71A phố Chính Kinh, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Cùng đi với T có 01 người lái xe và 01 người đàn ông trung niên mà T giới thiệu tên là Vinh là Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật của Công ty Việt Nhật Thanh. T tiếp tục giới thiệu với anh Tuấn và bà Bằng về chương trình đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản như B đã giới thiệu. T giới thiệu thêm có chương trình đi xuất khẩu lao động trong thời hạn 05 năm, chi phí 65 triệu đồng, nếu anh Tuấn chuyển sang đi thời hạn 05 năm thì chỉ phải đóng thêm 20 triệu đồng thì có nhiều quyền lợi hơn và sẽ được đi sang Nhật Bản sớm hơn. Anh Tuấn đồng ý, về nhà lấy tiền rồi quay lại đưa trực tiếp cho T “Thanh” 20 triệu đồng. Việc giao nhận tiền này T không viết biên nhận nhưng có sự chứng kiến của B và chị Dung (em gái của B). Sau khi nhận tiền, T cam kết với anh Tuấn rằng tháng 3/2017 anh Tuấn sẽ được đi Nhật Bản nhưng sau đó T không thực hiện như đã hứa mà chiếm đoạt tiền của anh Tuấn để chi tiêu cá nhân.
Mặc dù Trần Thanh T không thừa nhận việc nhận tiền của anh Tuấn nhưng căn cứ lời khai người bị hại, lời khai của B và những người làm chứng, căn cứ việc T giới thiệu có chương trình đi xuất khẩu lao động trong thời hạn 05 năm, chi phí 65 triệu đồng, nếu anh Tuấn chuyển sang đi thời hạn 05 năm thì chỉ phải đóng thêm 20 triệu đồng thì có nhiều quyền lợi hơn và sẽ được đi sang Nhật Bản sớm hơn và anh Tuấn đã nộp thêm 20 triệu. Cơ quan điều tra đã tiến hành cho anh Tuấn và bà Bằng nhận dạng qua ảnh, kết quả anh Tuấn và bà Bằng nhận được ảnh của T.
Nay anh Tuấn yêu cầu bị cáo T phải trả lại cho anh số tiền 20.000.000 đồng và đề nghị xử lý B, T theo quy định của pháp luật.
2. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt 60.000.000 đồng của chị Nông Thị Hồng Vân:
Chị Nông Thị Hồng Vân quen biết với B do làm cùng công ty. Ngày 19/02/2017 chị Vân đến chơi nhà mẹ đẻ của B tại thị trấn X, huyện M, thành phố Hà Nội. Tại đây, chị Vân gặp T và B giới thiệu T tên là Thanh là bạn trai của B, Thanh đang làm Giám đốc Công ty mây tre đan xuất khẩu cao cấp. B và Thanh (T) đều nói Công ty của Thanh (T) đang tuyển dụng công nhân đưa sang Nhật Bản làm việc cho công ty đối tác. B và Thanh (T) cùng giới thiệu về chương trình đi xuất khẩu lao động: Thời gian làm việc tại Nhật Bản từ 03 đến 05 năm với mức lương từ 30 đến 50 triệu đồng/tháng, chi phí một trường hợp đi xuất khẩu lao động là 60 triệu đồng. Thủ tục đi xuất khẩu lao động đơn giản, người đi xuất khẩu lao động chỉ phải nộp hồ sơ và tiền, không phải học tiếng Nhật Bản, không phải học nghề, không phải làm Visa, hộ chiếu. Sau khi nghe B và T “Thanh” giới thiệu, chị Vân đã nói với anh Nguyễn Kiên Hoàng Minh, sinh năm 1995, ĐKHKTT: Xóm 6 Tri Lễ, Tân Ước, Thanh Oai, thành phố Hà Nội (là em bạn của chị Vân) về chương trình đi xuất khẩu lao động như B và T giới thiệu, anh Minh đồng ý đăng ký đi xuất khẩu lao động nên ngày 20/02/2017, chị Vân tự bỏ tiền, chuyển khoản cho B 60.000.000 đồng từ tài khoản số 0451000304576 của chị Vân đến tài khoản số 0021001085238 của B (cả hai tài khoản này đều mở tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam) để nhờ làm thủ tục cho anh Minh đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Sau khi tiền được chuyển vào tài khoản, B rút toàn bộ số tiền chị Vân chuyển khoản ra tiền mặt và đưa cho T toàn bộ 60 triệu đồng nhưng không viết giấy biên nhận. T không thừa nhận đã nhận khoản tiền này từ B và chỉ thừa nhận vào giữa tháng 4/2017, tại quán cà phê Tùng ở phố Chính Kinh, T và B có gặp mặt chị Vân, anh H và vợ chồng chị Thắm để giới thiệu chương trình xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, nhưng T khai nội dung T giới thiệu là do B nhờ nói hộ như vậy. Cơ quan điều tra đã tiến hành cho chị Vân nhận dạng qua ảnh, kết quả chị Vân nhận dạng được ảnh của T.
Mặc dù Trần Thanh T không thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị Vân nhưng căn cứ lời khai của bị cáo đồng phạm Tạ Thị Thu B, căn cứ lời khai của chị Vân, của anh H, của chị Thắm, anh D có đủ cơ sở xác định Trần Thanh T, Tạ Thị Thu B đã đưa ra thông tin gian dối về xuất khẩu lao động để lừa đảo chiếm đoạt 60.000.000 đồng của chị Vân.
Nay chị Vân yêu cầu các bị cáo T, B phải trả lại số tiền 60.000.000 đồng và đề nghị xử lý Tạ Thị Thu B, Trần Thanh T theo quy định của pháp luật.
3. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt 90.000.000 đồng của chị Nguyễn Thị T:
Chị Nguyễn Thị Thắm quan hệ quen biết với B do làm cùng Công ty. Đầu năm 2017, B giới thiệu với chị Thắm về việc chồng của B tên là Thanh (Trần Thanh T) làm Giám đốc Công ty Việt Nhật Thanh có trụ sở tại huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Thanh và Công ty Việt Nhật Thanh đã đưa nhiều người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản trong nhiều năm. Bản thân Thanh (T) đã trực tiếp đưa nhiều người đi Nhật Bản nên chắc chắn sẽ đưa được người lao động đi xuất khẩu lao động. B giới thiệu về chương trình đi xuất khẩu lao động: Thời gian làm việc tại Nhật Bản 05 năm, mỗi năm được về nước 01 lần, mức lương lao động đối với nữ là 32 triệu đồng/tháng, đối với lao động nam là 40 triệu đồng/tháng. Chi phí một trường hợp đi xuất khẩu lao động là 80 triệu đồng, nếu có người nhà muốn đi cùng sang xem cơ sở làm việc, sinh hoạt thì phải nộp thêm là 10 triệu đồng/người. Thủ tục đi xuất khẩu lao động đơn giản, người đi xuất khẩu lao động chỉ phải nộp hồ sơ và tiền, không phải học tiếng Nhật Bản, không phải học nghề, không phải làm hộ chiếu, Visa. Nếu nộp tiền và hồ sơ đầu tháng 4/2017 thì đến cuối tháng 4/2017 người lao động sẽ được đưa sang Nhật Bản. Trong đợt đưa người đi lao động tiếp theo, B và Thanh (T) sẽ trực tiếp đưa đoàn lao động và cả con gái của B sang Nhật Bản. Sau khi nghe B giới thiệu, chị Thắm về bàn với chồng là anh Lê Công D để nhờ B làm thủ tục cho anh D đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. B đồng ý nên ngày 04/4/2017, vợ chồng anh D chị Thắm gặp B tại quán cà phê Tùng tại địa chỉ số 15 phố Chính Kinh, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Tại đây anh D, chị Thắm nộp cho B 90 triệu đồng và hồ sơ của anh D để nhờ B làm thủ tục cho anh D đi xuất khẩu lao động và chị Thắm đi sang Nhật Bản tiễn anh D. B nhận tiền và viết Giấy nhận có nội dung: “…Tôi có nhận của chị Nguyễn Thị Thắm hai bộ hồ sơ của chị và chồng chị là anh Lê Công D và số tiền 90.000.000đ (chín mươi triệu đồng chẵn) để gửi hồ sơ đi lao động ở Nhật. Trong tháng 4/2017 sẽ bay đi Nhật. Nếu không đúng với tháng 4/2017 đi thì tôi sẽ hoàn lại chị Thắm hồ sơ và số tiền 90.000.000đ (chín mươi triệu)”.
Đến giữa tháng 4/2017, B và T hẹn gặp anh D, chị Thắm tại quán cà phê Tùng, địa chỉ số 15 phố Chính Kinh, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Tại buổi gặp có cả chị Nông Thị Hồng Vân và anh Nguyễn Sỹ H (đều là các bị hại trong vụ án). Tại đây, T “Thanh” tiếp tục giới thiệu về chương trình đi xuất khẩu lao động như B đã giới thiệu. T giới thiệu là công ty đang làm thủ tục cho người lao động và hẹn cuối tháng 4/2017 sẽ đưa người lao động sang Nhật Bản. Đến hẹn, B và T “Thanh” tiếp tục hứa với chị Thắm, anh D sau 01 tháng nữa sẽ đưa anh D đi Nhật. Quá hẹn, B, T lại hứa hẹn sang tháng 6/2017 rồi tháng 8/2017 anh D sẽ sang Nhật lao động, nhưng không thực hiện như cam kết và không trả lại tiền cho chị Thắm, anh D. B khai sau khi nhận tiền của chị Thắm, B giữ lại 30 triệu đồng chi tiêu cá nhân, còn lại đưa cho T 60 triệu đồng nhưng không viết giấy biên nhận. T không thừa nhận đã nhận khoản tiền này từ B và chỉ thừa nhận vào giữa tháng 4/2017, tại quán cà phê Tùng ở phố Chính Kinh, T và B có gặp mặt vợ chồng chị Thắm, chị Vân và anh H để giới thiệu chương trình xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, nhưng T khai nội dung T giới thiệu là do B nhờ nói hộ như vậy. Cơ quan điều tra đã tiến hành cho chị Thắm, anh D nhận dạng qua ảnh, kết quả chị Thắm, anh D nhận được ảnh của T. Đã tiến hành đối chất giữa chị Thắm và bị cáo T, mặc dù T không thừa nhận hành vi nhưng chị Thắm vẫn khẳng định hành vi lừa đảo của T như đã nêu trên.
Mặc dù Trần Thanh T không thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị Thắm nhưng căn cứ lời khai của bị cáo đồng phạm là Tạ Thị Thu B, căn cứ lời khai của chị Thắm, anh D, của chị Vân, anh H có đủ cơ sở xác định Trần Thanh T và Tạ Thị Thu B đã đưa ra thông tin gian dối về xuất khẩu lao động để lừa đảo chiếm đoạt 90.000.000 đồng của chị Thắm.
Nay chị Thắm yêu cầu các bị cáo T, B phải trả lại số tiền 90.000.000 đồng và đề nghị xử lý Tạ Thị Thu B và Trần Thanh T theo quy định của pháp luật.
4. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt 85.000.000 đồng của ông Phạm Hồ B:
Bà Võ Thị Minh Thuận (sinh năm 1958, ĐKHKTT Số nhà 18 dãy L ngõ 16 phố Ngô Quyền, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) quen biết với B do làm cùng Công ty. Đầu năm 2017, B giới thiệu với bà Thuận là bạn trai của B tên là Thanh (T), làm Giám đốc Công ty Việt Nhật Thanh, có trụ sở tại huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. B nói Công ty của Thanh (T) đang tuyển khoảng 70 người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, hiện còn thiếu khoảng 10 người. Thanh (T) và Công ty Việt Nhật Thanh đã đưa nhiều đoàn người lao động đi Nhật Bản trong nhiều năm. Bản thân Thanh (T) đã trực tiếp đưa nhiều người đi Nhật Bản nên chắc chắn sẽ đưa được người lao động đi xuất khẩu lao động tại Nhật trong thời hạn 05 năm, mức lương lao động nữ là 38 triệu đồng/tháng, lao động nam là 40 triệu đồng/tháng. Thủ tục đi xuất khẩu lao động đơn giản, người đi xuất khẩu lao động chỉ phải nộp hồ sơ và tiền, không phải học tiếng Nhật Bản, không phải học nghề, không phải làm Visa, hộ chiếu. Chi phí một trường hợp đi xuất khẩu lao động là 85 triệu đồng, B nói với bà Thuận mỗi trường hợp đi xuất khẩu lao động bà Thuận giới thiệu chi phí 100 triệu đồng, B sẽ cho bà Thuận 15 triệu đồng. Tin lời B nói là thật, tháng 4/2017, bà Thuận nói với người quen là ông Phạm Hồ Bắc, sinh năm 1956, ĐKHKTT: Số 271 Phủ Thượng Đoạn, phường Đông Hải 1, quận Hải An, thành phố Hải Phòng như nội dung B đã nói ở trên. Bà Thuận dẫn ông Bắc đến gặp B, nghe B giới thiệu về chương trình đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Tin tưởng B nên ngày 19/4/2017, ông Bắc chuyển cho bà Thuận hồ sơ và 85 triệu đồng để nhờ làm thủ tục cho con trai ông Bắc là anh Phạm Hồ Nam, sinh năm 1990; ĐKHKTT: Số 271 Phủ Thượng Đoạn, phường Đông Hải 1, quận Hải An, thành phố Hải Phòng đi xuất khẩu lao động tại Nhật.
Ngày 21/4/2017, bà Thuận gặp B tại quán cà phê trên phố Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội đưa số tiền 85 triệu đồng và hồ sơ cho B để nhờ làm thủ tục cho anh Phạm Hồ Nam đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. B nhận tiền và viết Giấy nhận tiền với nội dung: “…Tôi có nhận của chị Võ Thị Minh Thuận 85 triệu đồng và hồ sơ của cháu Phạm Hồ Nam để làm thủ tục đi Nhật Bản vào tháng 5.2017. Nếu cháu Nam không đi được tôi sẽ hoàn lại chị Võ Thị Minh Thuận 85 triệu đồng”.
Sau khi nhận tiền B, giữ lại 35 triệu đồng chi tiêu cá nhân, B đưa cho T 50 triệu đồng nhưng T không thừa nhận đã nhận số tiền này từ B.
Nay ông Bắc yêu cầu các bị cáo T, B phải trả lại số tiền 60.000.000 đồng và đề nghị xử lý Tạ Thị Thu B, Trần Thanh T theo quy định của pháp luật.
5. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt 100.000.000 đồng của anh Phạm Huy T:
Ngoài giới thiệu cho ông Bắc nói trên, bà Thuận còn giới thiệu cho anh Phạm Huy Tùng về chương trình xuất khẩu lao động Nhật Bản như lời B nói. Ngày 18/4/2017, bà Thuận dẫn anh Tùng đến gặp B tại quán cà phê Tùng tại địa chỉ số 15 phố Chính Kinh, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, nghe B giới thiệu về chương trình đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, thời hạn 05 năm, mức lương lao động nữ là 38 triệu đồng/tháng, lao động nam là 40 triệu đồng/tháng. Thủ tục đi xuất khẩu lao động đơn giản, người đi xuất khẩu lao động chỉ phải nộp hồ sơ và tiền, không phải học tiếng Nhật Bản, không phải học nghề, không phải làm Visa, hộ chiếu. Chi phí một trường hợp đi xuất khẩu lao động là 100 triệu đồng. Tại đây, anh Tùng trực tiếp nộp cho B hồ sơ và 100 triệu đồng, B nhận tiền và viết Giấy nhận tiền nội dung: “…Tôi có nhận 01 bộ hồ sơ của cháu Phạm Huy Tùng để đi Nhật và nhận 100.000.000đ (một trăm triệu đồng) để làm thủ tục đi và mua vé máy bay. Trong tháng 5 sẽ cho đoàn đi Nhật. Nếu không đúng tôi sẽ hoàn lại số tiền 100.000.000đ cho cháu”.
Sau khi nhận tiền B giữ lại 50 triệu đồng chi tiêu cá nhân, B đưa cho T 50 triệu đồng nhưng T không thừa nhận đã nhận số tiền trên từ B.
6. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt 65.000.000 đồng của anh Nguyễn Sỹ H; chiếm đoạt 65.000.000 đồng của anh Phạm Huy Tuân; chiếm đoạt 65.000.000 đồng của anh Đào Văn Hải.
Thông qua quan hệ xã hội anh Nguyễn Sỹ H, sinh năm 1967, ĐKHKTT: Số 36 tổ 44B, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội quen biết B từ năm 2014. Khoảng tháng 3/2017, B giới thiệu với anh H là B có chồng tên Thanh (T), làm Giám đốc Công ty Việt Nhật Thanh có trụ sở tại huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Công ty của Thanh (T) đang tuyển người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản trong thời hạn 05 năm, mức lương lao động nữ là 35 triệu đồng/tháng, lao động nam là 40 triệu đồng/tháng. Thủ tục đi xuất khẩu lao động đơn giản, người đi xuất khẩu lao động chỉ phải nộp hồ sơ và tiền, không phải học tiếng Nhật Bản, không phải học nghề, không phải làm Visa, hộ chiếu, chi phí một trường hợp đi xuất khẩu lao động là 65 triệu đồng. Anh H có thắc mắc về thủ tục tại sao đơn giản, không cần Visa thì T và B giải thích đây là tuyển lao động làm việc cho công ty Việt Nhật Thanh làm việc tại Nhật Bản, khi sang Nhật Bản làm việc đơn giản và làm chủ yếu với người Việt Nam nên không phải học nghề, học tiếng Nhật. Thủ tục đi sang Nhật Công ty sẽ có danh sách gửi Đại sứ quán Nhật Bản xác nhận nên không phải làm Visa. Anh H hỏi B và Thanh (T) là có cháu đang bị bệnh Viêm gan B có đi được không, B và Thanh (T) đều nói là đi được nên anh H tin tưởng tự bỏ tiền ra đăng ký cho cháu vợ là anh Nguyễn Quảng Hiếu, sinh năm 1994, ĐKHKTT: Bản Tum, Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Khoảng đầu tháng 4/2017, anh H gặp B tại quán cà phê Tùng tại số 15 phố Chính Kinh, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Tại đây anh H đưa cho B 65 triệu đồng để nhờ làm thủ tục cho anh Nguyễn Quảng Hiếu đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. B nhận tiền nhưng không viết giấy nhận tiền với anh H. Sau khi nhận tiền B giữ lại 15 triệu đồng chi tiêu cá nhân, còn lại đưa cho T 50 triệu đồng nhưng không viết giấy biên nhận. T không thừa nhận đã nhận số tiền trên từ B.
Sau khi nộp tiền một thời gian, anh H có 01 lần cùng B lên huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa B gặp T. Tại buổi gặp mặt ăn trưa tại một nhà hàng ở Lương Sơn còn có 01 người đàn ông đi cùng T giới thiệu tên là Vinh, là Phó giám đốc công ty Việt Nhật Thanh. Trong khi ăn trưa, anh H có hỏi T về việc đi Nhật Bản của cháu Hiếu thì T nói còn thiếu 3-5 người nữa, nếu anh H biết có ai muốn đi Nhật thì giới thiệu, khi nào đủ người thì sẽ được đi Nhật Bản luôn.
Do tin tưởng lời của T nói và mong muốn đủ người thì cháu Hiếu sẽ sớm được đi Nhật nên khi về nhà anh H có giới thiệu cho 02 người quen ở gần nhà là anh Phạm Huy Tuân, sinh năm 1977 và anh Đào Văn Hải, sinh năm 1970 về chương trình đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản như T, B đã giới thiệu. Anh Tuân và anh Hải thấy phù hợp nên nhờ anh H đăng ký đi xuất khẩu lao động tại Nhật.
Đến khoảng giữa tháng 4/2017, anh H điện thoại cho B yêu cầu muốn gặp trực tiếp T để hỏi tình hình. B đã hẹn anh H gặp T tại tại quán cà phê Tùng ở phố Chính Kinh. Tại buổi gặp, ngoài anh H còn có những người khác cũng nộp tiền đăng ký đi Nhật Bản gồm: Chị Vân và vợ chồng chị Thắm, anh D. T và B vẫn giới thiệu chương trình xuất khẩu lao động tại Nhật Bản như trên. T giải đáp cho mọi người những vấn đề còn thắc mắc và về chi phí người đi đưa tiễn sang tận Nhật bản là 10 triệu đồng/người; hiện nay chưa đủ người nên chưa đi được, T hứa chậm nhất cuối tháng 8/2017 sẽ đưa các lao động đã đăng ký sang Nhật Bản.
Sau buổi gặp T, anh H thấy có đông người đăng ký đi Nhật Bản nên càng thêm tin tưởng và đã nộp cho B 130 triệu đồng và 02 bộ hồ sơ của anh Tuân và anh Hải tại quán cà phê số 51 Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội để nhờ T, B làm thủ tục cho anh Tuân và anh Hải được đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, khi nhận tiền B không viết giấy biên nhận.
Đến cuối tháng 8/2017, anh H thấy T, B không thực hiện đưa các lao động đi Nhật Bản như đã hứa, B thay đổi chỗ ở, không nghe điện thoại nên anh H và anh Tuân tìm gặp B tại nhà mẹ đẻ của B tại thị trấn X, huyện M, thành phố Hà Nội. Anh Tuân tự viết Giấy biên nhận tiền với nội dung: “…Tôi có nhận của ông Phạm Huy Tuân số tiền 195 triệu đồng cùng ba bộ hồ sơ để đi lao động tại Nhật Bản… Chúng tôi đã giao số tiền và hồ sơ có tên trên cho chị Tạ Thị Thu B vào thời gian tháng 4/2017, thời gian chị B hẹn chúng tôi vào ngày 30/8/2017 là chậm nhất được đi lao động tại Nhật Bản…”. Sau đó, anh Tuân yêu cầu B ký xác nhận vào mục Người nhận tiền và hồ sơ trên Giấy biên nhận.
Tại Cơ quan điều tra B đã khai nhận toàn bộ hành vi của B và T lừa đảo chiếm đoạt tiền của người lao động như trên. B khai đã nhận của anh H tổng cộng 130.000.000 đồng, B giữ lại 30 triệu đồng chi tiêu cho mục đích cá nhân, còn lại đưa 100 triệu đồng cho T nhưng không viết giấy biên nhận. T không thừa nhận đã nhận khoản tiền này từ B và chỉ thừa nhận vào giữa tháng 4/2017, tại quán cà phê Tùng ở phố Chính Kinh, T và B có gặp mặt chị Vân, anh H và vợ chồng chị Thắm để giới thiệu chương trình xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, nhưng T khai nội dung T giới thiệu là do B nhờ nói hộ như vậy. Cơ quan điều tra đã tiến hành cho anh H nhận dạng qua ảnh, kết quả anh H nhận được ảnh của T. Đã tiến hành đối chất giữa anh H và bị cáo T, mặc dù T không thừa nhận hành vi lừa đảo nhưng anh H vẫn khẳng định hành vi lừa đảo của T như đã nêu trên.
Ngoài những lần phạm tội của các bị cáo Trần Thanh T, Tạ Thị Thu B nêu trên, trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra còn nhận được đơn tố giác của một số công dân, tố cáo Trần Thanh T lừa đảo chiếm đoạt tiền của một số người cũng bằng thủ đoạn tương tự trên (không liên quan đến bị cáo B), cụ thể còn có 05 người bị hại mới gửi đơn đến Công an thành phố Hà Nội (PC 01) là Nguyễn Thị Thu Huyền, Nguyễn Thúy Quỳnh, Ngô Ngọc Bích, Nguyễn Thị Hằng, Từ Thị Yến tố cáo hành vi lừa đảo của T nhưng không đủ căn cứ xác định Trần Thanh T lừa đảo chiếm đoạt tiền của các bị hại này.
Tại Cơ quan điều tra, Trần Thanh T thừa nhận có gặp trực tiếp các bị hại là bà Bằng, anh Tuấn, chị Thắm, anh D, chị Vân và anh H tại quán cà phê Tùng. T thừa nhận có nói dối tên là Thanh - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu mây tre đan Việt Nhật Thanh và có đưa ra thông tin gian dối là bản thân có khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. T chỉ nói với các bị hại các thông tin liên quan đến thủ tục, thời hạn đi từ 3-5 năm, không phải làm hộ chiếu, Visa. Tất cả thông tin gian dối về nghề nghiệp của bản thân và thông tin về việc đi xuất khẩu lao động như trên là T làm theo yêu cầu của B. T không nhận 370 triệu đồng từ Tạ Thị Thu B, không nhận 65 triệu đồng của anh Vũ Anh Tuấn.
Bị cáo Tạ Thị Thu B khai: B trực tiếp nhận tiền của chị Nông Thị Hồng Vân, anh Lê Công D, Phạm Huy Tùng, Nguyễn Sỹ H, Phạm Huy Tuân, Đào Văn Hải và ông Phạm Hồ Bắc là 530 triệu đồng, B khai chuyển cho Trần Thanh T 05 lần với tổng số tiền 370 triệu đồng. Mỗi lần chuyển tiền B đều làm theo hướng dẫn của T là chuyển tiền thông qua một người đàn ông đi xe máy Honda Airblade (không xác định được nhân thân). B gặp, đưa tiền cho người đàn ông này ngoài đường, gần cổng nhà máy Z119 (thị trấn X, M, thành phố Hà Nội) sau đó điện thông báo cho T biết nhưng không viết giấy biên nhận. B giữ lại 160 triệu đồng và sử dụng chi tiêu cá nhân hết, đến nay B chưa trả lại tiền cho các bị hại. B có điện thoại cho T và ghi âm các cuộc thoại có liên quan đến nội dung đưa người đi lao động tại Nhật Bản. B đã giao nộp các File ghi âm này cho Cơ quan điều tra.
- Tại bản kết luận giám định 4642 ngày 24/7/2019, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an thành phố Hà Nội kết luận: Chữ viết, chữ ký trên các giấy nhận tiền do bà Võ Thị Minh Thuận, anh Phạm Huy Tùng, Lê Công D, Phạm Huy Tuân giao nộp, kết luận: “Chữ viết, chữ ký đứng tên Tạ Thị Thu B trên các mẫu cần giám định (Ký hiệu từ A1 đến A3); Chữ ký, chữ viết họ tên Tạ Thị Thu B (dưới chữ ký) trên mẫu giám định (Ký hiệu A4) với chữ viết, chữ ký đứng tên Tạ Thị Thu B trên các mẫu so sánh là chữ do cùng một người viết ra”.
- Tại bản kết luận giám định 3899/C09-P6 ngày 11/10/2019, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: “Tiếng nói của người đàn ông và người phụ nữ trong 05 file ghi âm do Tạ Thị Thu B cung cấp (nội dung trao đổi giữa Tạ Thị Thu B và Trần Thanh T về việc đưa người đi xuất khẩu lao động) là giọng nói của Trần Thanh T và Tạ Thị Thu B”.
Nội dung các đoạn đàm thoại thể hiện có liên quan đến việc những người bị hại yêu cầu B bố trí cho gặp T để giải thích rõ tại sao đã nộp tiền rồi nhưng vẫn chưa được đi Nhật và thời hạn đưa người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản như thế nào. Đoạn hội thoại cũng thể hiện nội dung T đồng ý gặp các bị hại vào ngày 15/4/2017 để giải thích cho các bị hại rõ lý do người lao động chưa đi Nhật được và thực tế T đã gặp các bị hại tại quán cà phê Tùng ở số 15 phố Chính Kinh, Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, tiếp tục giới thiệu chương trình xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 420/2021/HSST ngày 01/12/2021, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:
Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 58; Điều 38 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Trần Thanh T 13 (Mười ba) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam 04/3/2020.
Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 58; Điều 54; Điều 38 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Tạ Thị Thu B 10 (Mười) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam 15/8/2019.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 04 và 05/12/2021, những người bị hại anh Lê Công D, anh Nguyễn Sỹ H có đơn kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với các bị cáo Trần Thanh T và Tạ Thị Thu B.
Ngày 08/12/2021, bị cáo Trần Thanh T có đơn kháng cáo xin giảm hình phạt.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người bị hại là anh Lê Công D vắng mặt, Người đại diện theo ủy quyền của người bị hại (anh Nguyễn Sỹ H) là anh Trần Hưng Đ giữ nguyên kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với các bị cáo; bị cáo Trần Thanh T giữ nguyên kháng cáo xin giảm hình phạt.
Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, sau khi tóm tắt nội dung vụ án đã đưa ra nhận định việc Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo Trần Thanh T, Tạ Thị Thu B phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trần Thanh T có thêm tình tiết giảm nhẹ mới nhưng chưa đủ cơ sở giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, bị cáo chưa thực sự thành khẩn khi cho rằng vai trò của mình là T yếu trong vụ án. Mức hình phạt Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định đối với các bị cáo B, T là tương xứng với tính chất, mức độ hành vi của các bị cáo. Do đó, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị cáo T cũng như kháng cáo của những người bị hại. Đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Người bào chữa cho bị cáo Trần Thanh T trình bày: Bị cáo T thành khẩn nhận tội, không có ý kiến gì về tội danh, mặc dù bị cáo cho rằng chỉ là đồng phạm giúp sức cho B, tuy nhiên về trách nhiệm dân sự bị cáo vẫn tác động gia đình bồi thường khắc phục hậu quả tổng số tiền 215 triệu đồng. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Người bào chữa cho bị cáo Tạ Thị Thu B trình bày: Đồng tình với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát về việc không chấp nhận kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo B. Mặc dù bị cáo B không có kháng cáo, tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo T có một số tình tiết giảm nhẹ mới, trường hợp bị cáo T được xem xét giảm nhẹ hình phạt, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo B.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định như sau:
[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, người bị hại là anh Lê Công D vắng mặt không rõ lý do, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 351 Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử.
[2] Tại phiên tòa, bị cáo Tạ Thị Thu B thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, B khai có quan hệ tình cảm với T, được T giới thiệu là Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu mây tre đan Việt Nhật Thanh, có khả năng đưa người đi lao động tại Nhật Bản nên đã tin tưởng, giúp T. B đã cùng T giới thiệu chương trình đi xuất khẩu lao động cho các bị hại, đồng thời trực tiếp nhận số tiền 530.000.000 đồng của các bị hại, đưa lại cho Trần Thanh T 05 lần tổng cộng 370.000.000 đồng thông qua một người đàn ông không rõ nhân thân, lai lịch.
Bị cáo Trần Thanh T không thành khẩn nhận tội, bị cáo thừa nhận có gặp trực tiếp các bị hại là anh Tuấn, chị Thắm, anh D, chị Vân và anh H tại quán cà phê Tùng. Bị cáo nói dối tên là Thanh, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu mây tre đan Việt Nhật Thanh và có đưa ra thông tin gian dối là bản thân có khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Tất cả thông tin gian dối về nghề nghiệp của bản thân và thông tin về việc đi xuất khẩu lao động như trên là T làm theo yêu cầu của B. T không nhận 370.000.000 đồng từ Tạ Thị Thu B, không nhận 20.000.000 đồng của anh Vũ Anh Tuấn.
Căn cứ vào lời khai của bị cáo Tạ Thị Thu B, lời khai của các bị hại anh Vũ Anh Tuấn, chị Lê Thị Thắm, chị Nông Thị Hồng Vân, anh Lê Công D, anh Nguyễn Sỹ H, lời khai của người làm chứng bà Nguyễn Thanh Bằng, chị Tạ Thị Thùy Dung đều thể hiện Trần Thanh T chủ động giới thiệu tên là Thanh, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu mây tre đan Việt Nhật Thanh và giới thiệu có thể đưa được người đi xuất khẩu lao động; căn cứ việc các bị hại chị Thắm, anh D, chị Vân, anh H đều xác định được địa điểm quán cà phê Tùng, vị trí từng người ngồi nghe T và B giới thiệu về chương trình đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản; bị cáo B, bị hại anh Vũ Anh Tuấn, người làm chứng chị Tạ Thị Thùy Dung xác định được địa điểm, vị trí anh Tuấn đưa số tiền 20.000.000 đồng cho T; căn cứ nội dung bản ghi âm mà Tạ Thị Thu B giao nộp cho Cơ quan điều tra thể hiện việc T và B có trao đổi, bàn bạc về việc đưa người đi xuất khẩu lao động; căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận:
Trong thời gian từ tháng 5/2016 đến tháng 5/2017 với mục đích để có tiền, các bị cáo Trần Thanh T và Tạ Thị Thu B đã dùng thủ đoạn đưa thông tin gian dối giới thiệu với các bị hại là: T tên là Thanh - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu mây tre đan Việt Nhật Thanh, có khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, cam kết trong thời gian từ cuối tháng 4/2017 đến tháng 8/2017 người lao động sẽ được sang Nhật Bản làm việc.
Tổng số tiền mà bị cáo Trần Thanh T và bị cáo Tạ Thị Thu B chiếm đoạt của 08 bị hại là 550.000.000 đồng, trong đó anh Vũ Anh Tuấn: 20.000.000 đồng; Chị Nguyễn Thị Thắm và anh Lê Công D: 90.000.000 đồng; Chị Nông Thị Hồng Vân: 60.000.000 đồng; Ông Phạm Hồ Bắc: 85.000.000 đồng; Anh Phạm Huy Tùng: 100.000.000 đồng; Anh Nguyễn Sỹ H: 65.000.000 đồng; Anh Phạm Huy Tuân: 65.000.000 đồng; Anh Đào Văn Hải: 65.000.000 đồng.
Với hành vi nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo Trần Thanh T, Tạ Thị Thu B về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với tình tiết “Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, không oan.
[3] Xét kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo Trần Thanh T và kháng cáo của những người bị hại anh Lê Công D, anh Nguyễn Sỹ H, HĐXX thấy:
Cấp sơ thẩm đã nhận định các bị cáo phạm tội nhiều lần nên phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự; áp dụng đúng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo đối với bị cáo B; khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự đối với T vì có bố đẻ là người có công với các mạng, được tặng thưởng nhiều huân huy chương, người bị hại là chị Nông Thị Hồng Vân và ông Phạm Hồ Bắc có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo T; Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ hành vi của từng bị cáo, xác định bị cáo T có vai trò chính trong vụ án, bị cáo B là đồng phạm giúp sức cho bị cáo T trong việc phạm tội để áp dụng Điều 54 Bộ luật hình sự quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với bị cáo B, từ đó xử phạt các bị cáo mức hình phạt 13 năm tù (đối với bị cáo T) và 10 năm tù (đối với bị cáo B) là phù hợp, đúng quy định pháp luật.
Tại phiên tòa phúc thẩm, mặc dù bị cáo Trần Thanh T không thực sự thành khẩn nhận tội khi cho rằng mình chỉ là đồng phạm giúp sức cho B với vai trò T yếu trong vụ án khi đưa ra thông tin gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người bị hại là theo yêu cầu của B, tuy nhiên, việc bị cáo thừa nhận hành vi, từ đó kháng cáo xin giảm hình phạt phần nào thể hiện sự thành khẩn, ăn năn hối cải, vì vậy, có cơ sở để HĐXX áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Mặt khác, người bào chữa cho bị cáo T xuất trình thêm tình tiết giảm nhẹ mới, bị cáo đã tác động gia đình bồi thường cho người bị hại tổng số 215 triệu đồng, có đủ căn cứ để HĐXX áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự cho bị cáo.
[4] Từ những phân tích, nhận định nêu trên, HĐXX thấy có đủ căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo Trần Thanh T, không chấp nhận kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với các bị cáo Trần Thanh T, Tạ Thị Thu B của những người bị hại, giảm một phần hình phạt cho bị cáo Trần Thanh T thể hiện tính khoan hồng, nhân Đ của pháp luật, nhưng vẫn đảm bảo răn đe, giáo dục người phạm tội.
[5] Về án phí: Do kháng cáo được chấp nhận nên bị cáo Trần Thanh T không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm; những người bị hại là anh Lê Công D, anh Nguyễn Sỹ H không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
[6]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm a, b khoản 1 Điều 355, Điều 356, điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.
1. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Thanh T, không chấp nhận kháng cáo của những người bị hại là anh Lê Công D, anh Nguyễn Sỹ H; Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 420/2021/HSST ngày 01/12/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về hình phạt đối với bị cáo Trần Thanh T, cụ thể:
Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 58; Điều 38 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Trần Thanh T 12 (Mười hai) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam 04/3/2020.
Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 58; Điều 54; Điều 38 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Tạ Thị Thu B 10 (Mười) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam 15/8/2019.
2. Xác nhận bị cáo Trần Thanh T đã bồi thường cho người bị hại ông Phạm Hồ Bắc số tiền 35.000.000 đồng; bà Nông Thị Hồng Vân số tiền 30.000.000 đồng; nộp vào Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội tiền bồi thường cho người bị hại 150.000.000 đồng; án phí dân sự sơ thẩm 16.250.000 đồng; án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng theo biên lai thu tiền số 00064402 ngày 25/5/2022.
3. Về án phí phúc thẩm: Bị cáo Trần Thanh T, những người bị hại là anh Lê Công D, anh Nguyễn Sỹ H không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 399/2022/HSPT
Số hiệu: | 399/2022/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 30/05/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về