Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 358/2021/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 358/2021/HS-PT NGÀY 08/09/2021 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 08 tháng 9 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh H, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 1011/2020/TLPT-HS ngày 06 tháng 11 năm 2020 đối với bị cáo Nguyễn Thị A do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 36/2020/HSST ngày 24/09/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh H.

- Bị cáo kháng cáo: Nguyễn Thị A, sinh năm 1962; Nơi cư trú: Số nhà 30, khu G, thôn V, xã Y, huyện Z, tỉnh H; Quốc tịch: Việt Nam: Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không: Nghề nghiệp: Công nhân đã nghỉ hưu; Văn hoá: 10/10; Bố: Nguyễn H (Đã chết); Mẹ: Viết Thị L(Đã chết). Chồng: Vũ Văn S, sinh năm 1966. Con: 02 con (Con lớn sinh năm 1991, con nhỏ sinh năm 1995). Gia đình có 5 anh em, bị cáo là con thứ tư; Tiền án, tiền sự: Chưa; Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 30/12/2019, hiện đang tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh H. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

Luật sư bào chữa cho bị cáo do Tòa án chỉ định theo sự phân công của Đoàn luật sư tỉnh H: Luật sư Dương Minh K, Đoàn Luật sư tỉnh H. Có mặt tại phiên tòa.

- Bị hại:

1. Ông Phạm Văn B, sinh năm 1966; địa chỉ: Thôn Q, xã C, huyện L, tỉnh H. Có mặt;

2. Bà Nguyễn Thị B1, sinh năm 1952; địa chỉ: Số nhà 43, khu phố X, phường T, thành phố H, tỉnh H. Có mặt;

3. Bà Hoàng Thị B2, sinh năm 1965; địa chỉ: Thôn N, xã S, huyện L, tỉnh X. Vắng mặt;

4-5. Ông Dương Văn B3, sinh năm 1965 và bà Trần Thị B4, sinh năm 1967;

 cùng địa chỉ: Thôn C, xã T, huyện L, tỉnh H. Có mặt ông B3, vắng mặt bà B4.

- Người có Q lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Vũ Văn S, sinh năm 1966; địa chỉ: Số nhà 30, khu G, thôn V, xã Y,  huyện Z, tỉnh H. Vắng mặt;

2. Chị Đỗ Thị C, sinh năm 1980; địa chỉ: Tổ 27, phường T, quận H, thành phố H. Vắng mặt;

3. Chị Dương Thị C1, sinh năm 1990; địa chỉ: Thôn N, xã S, huyện H, tỉnh Z. Vắng mặt;

4. Anh Nguyễn Văn D, sinh năm 1984; địa chỉ: Phòng 507, Chung cư X, phường T, thành phố H. Vắng mặt;

5. Chị Nguyễn Thị C3, sinh năm 1993; địa chỉ: Xóm 3, xã T, huyện G, thành phố H. Vắng mặt;

6. Ông Thân Văn C4, sinh năm 1972; địa chỉ: Số nhà 03, đường V, xã T, thành phố H. Vắng mặt;

7. Bà Phạm Thị C5, sinh năm 1969; địa chỉ: Thôn A, xã Y, huyện Z, tỉnh H. Vắng mặt.

- Người làm chứng:

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Nguyễn Thị A (sinh năm 1962 ở số nhà 30, khu G, thôn V, xã Y, huyện Z, tỉnh H) là công nhân Hạt giao thông huyện L đã về hưu năm 2011. Sau khi nghỉ hưu, A dùng thủ đoạn đưa ra thông tin không đúng sự thật về việc bản thân có nhiều mối quan hệ và hứa hẹn sẽ xin được cho người có nhu cầu vào học tại trường cảnh sát hoặc vào biên chế tại các cơ quan Nhà nước, nên làm người khác tin tưởng đưa tiền cho A nhưng sau đó không được tuyển sinh, tuyển dụng như A hứa, các bị hại đã có đơn tố giác A. Các cơ quan tố tụng đã làm rõ bằng thủ đoạn gian dối trên, từ ngày 18/5/2013 đến ngày 09/5/2017, A đã chiếm đoạt tiền của 4 bị hại cụ thể như sau:

1. Chiếm đoạt của ông Phạm Văn B, 450.000.000 đồng:

Khoảng tháng 3/2013, ông B đến nhà A đặt vấn đề nhờ lo cho con trai là Phạm Văn Q (sinh năm 1995) thi đỗ vào trường Học viện Cảnh sát, A đồng ý và hứa sẽ lo nhưng phải đưa trước 400.000.000 đồng.

Ngày 18/5/2013 và ngày 29/6/2013, ông B đem tiền đến giao cho A, mỗi lần 200.000.000 đồng. Mỗi lần nhận tiền A đều viết Giấy biên nhận (theo mẫu đánh máy, in sẵn do A chuẩn bị từ trước) đưa cho ông B giữ, nội dung chỉ ghi là tiền A vay của ông B.

Khong tháng 8/2013 sau khi có kết quả thi, anh Q không đỗ vào trường Học viện Cảnh sát. A hứa hẹn sẽ lo cho anh Q đỗ theo diện trường Học viện Cảnh sát gửi sang Trường Đại học Nội vụ học 4 năm, sang năm thứ 5 sẽ chuyển về trường Học viện Cảnh sát học và thi tốt nghiệp. A đưa cho ông B 2 bộ hồ sơ trong đó 1 hồ sơ để đăng ký vào học tại trường Đại học Nội vụ Hà Nội và 1 hồ sơ đăng ký vào học trường Học viện Cảnh sát, nói ông B viết 2 bộ hồ sơ và ra UBNHƯNG xã C, huyện L xác nhận rồi chuyển lại A.

Ngày 16/9/2013, anh Q nhập học tại trường Đại học Nội vụ Hà Nội và trong thời gian học tập, anh Q có hành vi vi phạm nên bị nhà trường kỷ luật đình chỉ học 6 tháng. Do sợ anh Q bị đuổi học, ngày 21/12/2013, ông B đưa cho A 50.000.000 đồng nhờ lo cho anh Q được tiếp tục được đi học. A nhận tiền, viết giấy biên nhận nhưng không lo được cho Q đi học ngay mà do hết thời gian bị đình chỉ thì anh Q được đi học lại. Học hết năm thứ nhất nhưng không nhận được thông báo hay quyết định học tập từ trường Học viện Cảnh sát, ông B nhiều lần gọi điện thoại hỏi thì A bảo phải chờ, hứa nếu anh Q không được học tại trường Học viện Cảnh sát thì A sẽ chuyển vào học tại các trường của quân đội. Đến khoảng giữa năm 2015, thấy A không xin cho anh Q sang học tại các trường đào tạo của ngành Công an, Quân đội nên ông B đã nhiều lần đến nhà A đòi tiền nhưng A không trả. Ngày 22/4/2020, ông B làm đơn trình báo cơ quan điều tra.

Cơ quan điều tra thu giữ 3 tờ giấy biên nhận tiền của A do ông B giao nộp để giám định. Kết luận giám định bổ sung số 548 ngày 05/5/2020 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh H kết luận chữ viết, chữ ký trên 3 tờ Giấy biên nhận ngày 18/5/2013; 29/6/2013 và ngày 24/12/2013 là chữ viết, chữ ký của Nguyễn Thị A. (bút lục 45; 218- 220).

2. Chiếm đoạt của bà Nguyễn Thị B1 300.000.000 đồng:

Bà Nguyễn Thị B1 có cháu ngoại là Nguyễn Thị C3, sinh năm 1993, chị C3 có học cấp 3 tại trường THPT H tại thành phố H nên quen biết Nguyễn Văn D (là giáo viên dạy thể dục). Năm 2011, chị C3 đi học Trường trung cấp y Phạm Ngọc Thạch tại Hà Nội đến năm 2013 tốt nghiệp nhưng chưa xin được việc làm.

Vũ Văn S (sinh năm 1966, là chồng Nguyễn Thị A) nguyên là sĩ quan quân đội sau khi nghỉ hưu, ông S ký hợp đồng dạy môn giáo dục quốc phòng cho trường H nên trong thời gian này, anh D quen biết với ông S. Theo anh D khai được ông S nói cho biết A có nhiều mối quan hệ, và nói nếu muốn xin việc vào biên chế Nhà nước thì nhờ A giúp. Anh D nhờ A xin việc cho chị C3 thì A đồng ý và hứa hẹn sẽ xin cho chị C3 vào biên chế tại Bệnh viện 198 Bộ Công an hoặc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chi phí hết 300.000.000 đồng. Anh D nói với bà B1 là chi phí hết 330.000.000 đồng, lý do lấy của bà B1 nhiều hơn 30 triệu, theo anh D là để sau khi xin việc xong sẽ cảm ơn A. Ngày 12/11/2013, bà B1 đưa cho anh D 330.000.000 đồng, anh D nhận tiền và viết giấy biên nhận vay tiền đưa cho bà B1 giữ. Khoảng 2 ngày sau D đang dạy học ở trường thì ông S gọi ra cổng trường bảo đưa tiền cho A và D đã đưa cho A 300.000.000 đồng. Ngày 02/4/2014, A viết giấy biên nhận vay D 300.000.000 đồng (bút lục 181).

Nguyễn Thị A khai đã chuyển toàn bộ số tiền này cho NAT, ể nhờ xin việc cho chị C3 vào Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Sau đó, A cho anh D số điện thoại của NAT để liên hệ. Từ tháng 01/2014 đến tháng 6/2014 dưới sự hướng dẫn của NAT, chị C3 đi học và lấy chứng chỉ lớp theo dõi và chăm sóc sơ sinh tại Bệnh viện phụ sản Trung ương. Do không được đi làm, bà B1 bảo anh D yêu cầu trả tiền. Anh D đòi A trả tiền thì A không trả nên anh D làm đơn tố cáo A. Do không có tiền trả bà B1 nên D bị bà B1 đã làm đơn gửi đến Công an thành phố H. Ngày 07/6/2019, D nộp 30.000.000 đồng trả lại bà B1.

Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết trên tờ giấy biên nhận tiền do anh D cung cấp. Kết luận giám định bổ sung số 548 ngày 05/5/2020 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh H kết luận chữ ký, chữ viết trên Giấy biên nhận ngày 02/4/2014 là chữ ký, chữ viết của Nguyễn Thị A. (bút lục 45).

Quá trình điều tra, A khai đã nhận của anh D 300.000.000 đồng và đưa hết số tiền này cho Nguyễn NAT Anh để xin việc cho chị C3 nhưng không cung cấp được bản gốc giấy biên nhận tiền đưa cho NAT mà chỉ cung cấp cho Cơ quan điều tra 1 bản phô tô Giấy biên nhận tiền có nội dung ngày 17/11/2013, NAT vay Nguyễn Thị A 100.000.000 đồng (bút lục số 343).

Đối với NAT bị Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hà Nội khởi tố, truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh H chưa lấy được lời khai (bút lục 197- 199). Ông Vũ Văn S là chồng A khai không biết và không liên quan gì đến việc anh D nhờ A xin việc cho chị C3.

3. Chiếm đoạt của bà Hoàng Thị B2 300.000.000 đồng:

Bà B2 có con là Dương Thị C1 (sinh năm 1990, tốt nghiệp Trường Đại học sư phạm Thái Nguyên năm 2013, chưa có việc làm). Năm 2016, được em dâu cho biết A có khả năng xin được cho chị C1 vào biên chế ngành giáo dục nên bà B2 đến nhờ A. A nói sẽ xin được cho C1 vào biên chế ngành giáo dục tỉnh H nhưng phải đưa 300.000.000 đồng và phải chuyển hộ khẩu của chị C1 nhập vào hộ khẩu của gia đình A. Bà B2 đồng ý sau đó làm thủ tục chuyển khẩu cho chị C1 nhập vào hộ khẩu của gia đình A trước ngày tỉnh H tổ chức thi tuyển công chức ngành giáo dục năm 2016. Bà B2 đã 2 lần đưa cho chị C1 với tổng số tiền là 300.000.000 đồng để chị C1 đưa cho A, A đều viết biên nhận tiền theo mẫu đánh máy sẵn vào ngày 17/5/2016 số tiền 150.000.000 đồng; ngày 10/9/2016 viết nhận 150.000 đồng mã nhận tiền vào cùng tờ Giấy biên nhận ngày 17/5/2016 rồi đưa cho chị C1. (bút lục 128).

Chị C1 làm hồ sơ đăng ký thi tuyển công chức ngành giáo dục tỉnh H và đưa cho A, nhưng không thấy có tên trong danh sách dự thi nên hỏi thì A bảo do không đủ thời gian cư trú 05 năm tại tỉnh H nên không được thi, A hứa sẽ xin cho chị C1 vào biên chế ngành giáo dục tỉnh H theo diện xét tuyển, không phải thi nhưng Mai vẫn không xin được việc . Bà B2 đòi tiền nhưng A không trả nên ngày 02/10/2018, bà B2 làm đơn tố cáo A.

Cơ quan điều tra đã thu giữ Giấy biên nhận tiền do bà B2 nộp để giám định. Kết luận số 335 ngày 20/3/2019 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh H kết ký của Nguyễn Thị A (bút lục 42- 43).

Nguyễn Thị A khai sau khi nhận tiền của bà B2 đã đưa toàn bộ số tiền này cho Đỗ Thị C để nhờ xin việc cho chị C1. Cơ quan điều tra đã lấy lời khai của Hiền và cho đối chất với A, nhưng Hiền đều không thừa nhận lời khai của A. (bút lục 375- 376).

4. Chiếm đoạt của vợ chồng ông Dương Văn B3 350.000.000 đồng:

Vợ chồng ông Dương Văn B3, bà Trần Thị B4 có con là Duơng Minh T, sinh năm 1993. Năm 2013, anh T phục vụ tại Trại tạm giam Công an tỉnh N đến năm 2016 xuất ngũ.

Đầu năm 2017, được chị gái bà B4 là bà bà Trần Thị Q giới thiệu là biết A có khả năng xin cho anh Tvào ngành Công an vì bà Quy và A trước đây cùng công tác tại Hạt giao thông huyện L. Vợ chồng ông B3 đến nhà A nhờ xin việc cho anh T. A nói đưa 400.000.000 đồng để xin vào biên chế ngành Công an và sẽ được công tác tại Trại giam N, hứa đến tháng 6/2017 sẽ có quyết định đi làm. Từ ngày 25/02/2017 đến ngày 09/5/2017, vợ chồng ông B3 đã 4 lần đưa cho A tổng số tiền là 400.000.000 đồng, cụ thể như sau:

Ngày 25/02/2017, vợ chồng ông B3 đến nhà A đưa cho A 100.000.000 đồng, A nhận tiền và viết Giấy biên nhận theo mẫu sẵn có, A ký tên dưới mục người nhận tiền sau đó đưa cho ông B3 giữ;

Ngày 29/3/2017, bà B4 đưa cho A 200.000.000 đồng, A viết tay Giấy biên nhận tiền đưa cho bà B4 giữ;

Ngày 13/4/2017, vợ chồng ông B3 đến nhà A để đưa tiền nhưng A không có nhà, ông B3 gọi điện thì A bảo ông B3 đưa tiền cho Vũ Văn S là chồng A. Sau đó ông B3 đưa cho ông S 80.000.000 đồng, ông S viết Giấy biên nhận tiền đưa cho ông B3 giữ;

Ngày 09/5/2017, bà B4 đưa cho A 20.000.000 đồng, A viết vào Giấy biên nhận tiền ngày 19/3/2017 đưa cho bà B4 giữ (bút lục 97; 98; 99).

Khoảng tháng 5/2017, A gọi điện bảo ông B3 đưa anh T đến Bệnh viện 198- Bộ Công an và liên hệ với NTDL để khám sức khoẻ. Ông B3 đưa anh T đến Bệnh viện 198 liên hệ với NTDL để làm thủ tục khám sức khoẻ cho anh T. Sau khi khám xong, A bảo ông B3 và anh T về để A sẽ tự lấy kết quả khám.

Đến tháng 6/2017, vợ chồng ông B3 thấy A không xin được cho anh T đi làm nên đã nhiều lần gặp A để đòi tiền. Ngày 21/6/2018, A viết Giấy hẹn đến ngày 10/7/2018 sẽ trả đủ số tiền cho vợ chồng ông B3 nhưng đến ngày 10/7/2018, A không trả tiền, vợ chồng ông B3 đòi nhiều lần thì ngày 21/8/2018, A trả ông B3 50.000.000 đồng, số tiền còn lại 350.000.000 đồng do A không trả nên ông B3 làm đơn tố cáo.

Cơ quan điều tra đã thu giữ các giấy tờ liên quan đến việc vợ chồng ông B3 đưa tiền cho A xin việc cho anh T để giám định. Kết luận giám định số 335 ngày ngày 25/02/2017; ngày 19/3/2017 và Giấy hẹn trả tiền ngày 21/6/2018 là chữ viết, chữ ký của Nguyễn Thị A; chữ viết, chữ ký trên tờ Giấy biên nhận tiền ngày 13/4/2017 là chữ viết, chữ ký của Vũ Văn S. (bút lục 42- 43).

Đối với Vũ Văn S nhận khai vợ chồng ông B3 đến nhà có đưa 80.000.000 đồng nhờ đưa lại cho A, ông S không biết việc đưa tiền là nhờ xin việc và ông S đã đưa số tiền này cho A. Do vậy, cơ quan điều tra không đủ căn cứ để xử lý. A khai cũng đã chuyển số tiền 400.000.000 đồng cho cho Đỗ Thị C để nhờ Hiền xin việc cho anh T. Cơ quan điều tra đã lấy lời khai Đỗ Thị C và cho đối chất với A, Hiền khai không nhận tiền của A để xin việc cho anh T (bút lục 375- 376).Đối với NTDL hướng dẫn và đưa anh T đi khám sức khoẻ tại Bệnh viện 198 - Bộ Công an. NTDL khai là do chơi với Vũ N là con gái của A nên khi được A gọi điện nhờ đưa anh T đi khám sức khoẻ thì giúp, không biết việc A nhận tiền để xin việc cho anh T. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh H không xem xét, xử lý NTDL.

Ngoài các lần phạm tội nêu trên, năm 2015, A còn nhận 450.000.000 đồng của Thân Văn C4; nhận 500.000.000 đồng của bà Phạm Thị C5 để lo cho Thân Q là con ông T và Phan Đ là con bà C5 thi đỗ vào Trường Học viện Cảnh sát. A cũng khai đưa tiền cho Đỗ Thị C và Hiền đưa cho Phạm H để nhờ lo cho anh Q, anh Đ thi đỗ vào Trường Học viện Cảnh sát nhưng đều không được nên A đã tự bỏ tiền để trả lại ông T 450.000.000 đồng, trả bà 484.000.000 đồng, ông bà không có yêu cầu gì. Nguyễn Thị A đã làm đơn tố cáo Đỗ Thị C nên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh H chuyển vụ việc này đến Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hà Nội để giải quyết theo thẩm quyền.

Cáo trạng số 39/CT-VKS-P3 ngày 21/7/2020, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh H truy tố bị cáo Nguyễn Thị A về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 của Bộ luật hình sự năm 2015.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 36/2020/HS-ST ngày 24/9/2020, Tòa án nhân dân tỉnh H đã quyết định:

[1] Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị A phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

- Áp dụng điểm a Khoản 4 Điều 174; khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Thị A 14 (mười bốn) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 30/12/2019. Miễn hình phạt bổ sung bằng tiền cho bị cáo.

[2] Về Trách nhiệm dân sự:

- Áp dụng Khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự; Điều 584, 589, khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự buộc bị cáo phải bồi thường cho những người bị hại gồm: Ông Phạm Văn B 450 triệu đồng; bà Nguyễn Thị B1 300 triệu đồng; bà Hoàng Thị B2 300 triệu đồng; vợ chồng ông Dương Văn B3, bà Trần Thị B4 (do ông B3 làm đại diện) 350 triệu đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền 468 Bộ luật Dân sự.Trường hợp bản án được thi hành án theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự, người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có Q thỏa thuận thi hành án, Q yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 của Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án dân sự được quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.

[3] Án phí: Áp dụng Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 21, 23 Nghị quyết 326 ngày 30/12/2016 của UBTVQH: bị cáo Nguyễn Thị A phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm và 54.000.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Ngày 30/9/2019, Nguyễn Thị A có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, cho rằng chỉ vay tiền ông Phạm Văn B chứ không nhận tiền để xin cho con ông B là anh Q đi học tại Học viện cảnh sát; đề nghị giảm tiền bị cáo phải bồi thường cho các bị hại.

Bà Nguyễn Thị B1 có đơn đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại vì bỏ lọt Nguyễn Văn D là đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Thị A chiếm đoạt tiền của bà.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Nguyễn Thị A thay đổi một phần kháng cáo, thừa nhận có nhận tiền của ông B để xin cho con ông B được đi học tại Học viện cảnh sát; cũng như đã nhận tiền của các bị hại khác hứa xin học, xin việc, như bản án sơ thẩm đã nêu về hành vi. Bị cáo rất ăn năn hối hận, cho rằng phạm tội do thiếu hiểu biết, toàn bộ tiền đã đưa cho NAT, cho Hiền nên đề nghị hủy bản án sơ thẩm để xem xét đánh giá đúng hành vi phạm tội của bị cáo cũng như xem xét về trách nhiệm dân sự; nhưng cũng đề nghị xem xét giảm án cho bị cáo. Bà Nguyễn Thị B1 đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm như đơn đề nghị của bà, trường hợp xét xử thì đề nghị buộc anh Nguyễn Văn D trả tiền cho bà.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án: Với các tài liệu chứng cứ đã thu thập được, đủ cơ sở kết luận Nguyễn Thị A đã đưa ra thông tin gian dối và đã chiếm đoạt 1.400.000.000 đồng của các bị hại trong vụ án này, mới khắc phục được rất ít, việc bị cáo khai đưa tiền cho người khác không làm ảnh hưởng đến trách nhiệm hình sự của bị cáo. Bản án sơ thẩm đã xem xét đánh giá đầy đủ tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, xử phạt Nguyễn Thị A 14 năm tù là phù hợp. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không khắc phục thêm được khoản tiền nào, không có tình tiết giảm nhẹ gì mới, nên không có căn cứ để hủy án sơ thẩm hoặc giảm nhẹ hình phạt. Về trách nhiệm dân sự, bị cáo chiếm đoạt tiền của các bị hại nên phải có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ tiền chiếm đoạt, như bản án sơ thẩm xét xử là đúng, nên không có cơ sở giảm tiền bồi thường như bị cáo yêu cầu. Yêu cầu kháng cáo của bà Nguyễn Thị B1 là không có cơ sở chấp nhận do bà có lời khai không nhất quán; mặt khác cơ quan điều tra đã xác định anh D nhận tiền của bà chuyển cho bị cáo A để xin việc cho chị C3, anh D không chiếm đoạt tiền của bà. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo và kháng cáo của bà Nguyễn Thị B1, giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm.

Bị cáo của Nguyễn Thị A, hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại làm rõ hành vi phạm tội của Nguyễn Thị A. Luật sư cũng có quan điểm cho rằng Nguyễn Thị A phạm tội do thiếu hiểu biết, các bị hại cũng có một phần lỗi, tiền của các bị hại đều đã đưa cho người khác; bị cáo thừa nhận về hành vi thực hiện và đã ăn năn hối cải.

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa,

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Trong khoảng thời gian từ 18/5/2013 đến 09/5/2017, Nguyễn Thị A là cán bộ đã nghỉ hưu, đã tự đưa ra thông tin gian dối, tự nhận bản thân có khả năng xin được cho con, em của các bị hại vào học các trường đại học thuộc khối an ninh quốc phòng hoặc vào làm việc theo diện biên chế tại cơ quan nhà nước. Tin vào hứa hẹn của A, các bị hại đã giao tiền cho A nhưng các con, em của các bị hại đều không được tuyển sinh, tuyển biên chế như A hứa hẹn và A không trả được tiền đã nhận. Các bị hại đã có đơn tố giác Nguyễn Thị A. Cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi phạm tội của A đối với các bị hại như sau:

[2] - Ngày 18/5/2013, 29/6/2013, 21/12/2013, Nguyễn Thị A đã nhận 3 lần tổng số 450.000.000 đồng của ông Phạm Văn B, hứa lo cho con trai ông B được học tại Học viện cảnh sát nhân dân hoặc trường của quân đội;

[3] - Ngày 02/4/2014 nhận 300.000.000 đồng của anh Nguyễn Văn D đưa (là tiền của bà Nguyễn Thị B1), hứa xin được cho chị Nguyễn Thị C3 vào biên chế Bệnh viện 108 Bộ Công an hoặc Bệnh viện phụ sản Trung ương;

[4] - Ngày 17/5/2016 và 0/9/2016, Nguyễn Thị A nhận tổng 300.000.000 đồng của chị Hoàng Thị B2, hứa cho cocn chị B2 vào biên chế giáo dục tỉnh H;

[5] - Từ ngày 25/2/2017 đến 09/5/2017, Nguyễn Thị A đã nhận 4 lần tổng 400.000.000 đồng của vợ chồng Dương Văn B3, chị Trần Thị B4 hứa hẹn cho anh Duơng Minh T vào biên chế ngành công an.

[6] Tổng số tiền A đã nhận và chiếm đoạt của các bị hại là 1.400.000.000 đồng, Bản án sơ thẩm đã xác định xét xử Nguyễn Thị A về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự, là đúng người, đúng tội. Các bị hại đều có yêu cầu được hoàn trả đầy đủ khoản tiền đã bị Nguyễn Thị A chiếm đoạt. Bản án sơ thẩm buộc bị cáo hoàn trả đầy đủ tiền chiếm đoạt cho các bị hại, là đúng. Lý do Nguyễn Thị A kháng cáo cho rằng đã đưa lại tiền cho các đối tượng khác. Cơ quan điều tra đã xác minh nhưng có người đang bị truy nã (NAT), có người không thừa nhận (H). Mặt khác ngay cả có việc A đã đưa tiền cho người khác, thì không làm thay đổi về hình phạt đối với bị cáo, cũng việc bị cáo phải bồi hoàn đầy đủ cho các bị hại. Do vậy, hội đồng xét xử phúc thẩm không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của Nguyễn Thị A về việc hủy bản án sơ thẩm để chuyển hồ sơ vụ án điều tra lại về tội danh, yêu cầu giảm tiền bồi thường dân sự.

[7]. Cơ quan điều tra cũng đã làm rõ anh Nguyễn Văn D là thầy giáo cũ của chị Nguyễn Thị C3 (cháu bà Nguyễn Thị B1). Do anh D làm việc cùng chồng bị cáo A nên có quen biết và được A hứa xin được cho chị C3 được nhận vào Bệnh viện phụ sản Trung Ương. Tin lời A, anh D có nhận của bà Nguyễn Thị B1 330.000.000 đồng, đưa cho A 300.000.000 đồng, giữ lại 30.000.000 đồng để cảm ơn A sau khi A đã xin được việc cho và anh D. Sau khi A không xin được việc cho chị C3, anh D liên tục yêu cầu A trả lại tiền để anh trả cho bà B1 nhưng A khất lần không trả, nên anh D đã có đơn tố cáo A. Anh D đã giao lại 30.000.000 đồng cho cơ quan điều tra để trả lại cho bà B1. Do chưa đủ chứng cứ chứng minh anh D đồng phạm với A nên cơ quan điều tra đã không khởi tố anh D; khi xét xử tòa án cấp sơ thẩm đã xác định bà B1 là bị hại, anh D là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án và xét xử buộc bị cáo A bồi thường cho bà B1.

[8] Hội đồng xét xử phúc thẩm không có cơ sở xem xét chấp nhận đề nghị của bà Nguyễn Thị B1.

[9]. Về hình phạt đối với Nguyễn Thị A:

[10] - Nguyễn Thị A chưa có tiền án, tiền sự. Bị cáo đã khắc phục thiệt hại hoàn trả cho vợ chồng ông Dương Văn B3, Trần Thị B4 50.000.000 đồng. Quá trình công tác trước đây, bị cáo và chồng bị cáo có thành tích được tặng thưởng giấy khen. Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự cho Nguyễn Thị A.

[11] Quá trình tố tụng, Nguyễn Thị A khai nhận về hành vi nhận tiền của các bị hại hứa hẹn xin việc, xin học, là có vi phạm pháp luật và ăn năn hối hận. Như vậy bị cáo thành khẩn khai báo về hành vi đã thực hiện, tuy nhận thức của bị cáo cho rằng bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không thỏa đáng. Tại phiên tòa phúc thẩm, Nguyễn Thị A khai nhận về hành vi nhận tiền của ông Phạm Văn B (trước đây bị cáo cho rằng là tiền ông B cho vay), thành khẩn khai nhận hành vi đã thực hiện và ăn năn hối hận. Do vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự cho bị cáo Nguyễn Thị A, như đề nghị của luật sư bào chữa cho Nguyễn Thị A.

[12] - Bị cáo nhiều lần thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bản án sơ thẩm áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.

[13] Do bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ mới quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự, Hội đồng xét xử phúc thẩm có cơ sở để giảm nhẹ một phần hình phạt cho Nguyễn Thị A xuống mức 13 năm tù là phù hợp tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo.

[14]. Về án phí hình sự sơ thẩm: Kháng cáo được chấp nhận một phần nên Nguyễn Thị A không phải chịu.

[15] Bị cáo phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 343, khoản 2 Điều 344, Điều 345, điểm b khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 26/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

1. Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị A, sửa phần bản án hình sự sơ thẩm số 36/HS-ST ngày 24/9/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh H về hình phạt đối với Nguyễn Thị A như sau:

Áp dụng điểm a Khoản 4 Điều 174; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt Nguyễn Thị A 13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thời hạn tù tính từ ngày 30/12/2019. Miễn hình phạt bổ sung bằng tiền cho bị cáo.

2. Giữ nguyên phần Quyết định của bản án hình sự sơ thẩm số 36/HS-ST ngày 24/9/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh H về trách nhiệm dân sự.

3. Án phí sơ thẩm: Nguyễn Thị A phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự và 54.000.000 đồng án phí dân sự.

Án phí phúc thẩm: Nguyễn Thị A phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự.

4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, có hiệu lực pháp luật.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 07/9/2021. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

680
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 358/2021/HS-PT

Số hiệu:358/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 08/09/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;