Bản án về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ số 16/2021/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

BẢN ÁN 16/2021/HS-ST NGÀY 17/08/2021 VỀ TỘI LỢI DỤNG CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN TRONG KHI THI HÀNH CÔNG VỤ

Ngày 17 tháng 8 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 19/2021/TLST- HS ngày 19 tháng 7 năm 2021 theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 19/2021/QĐXXST - HS ngày 05 tháng 8 năm 2021 đối với các bị cáo:

1. Bùi Thị S, sinh năm 1966 tại tỉnh Ninh Bình; nơi cư trú: Số nhà 116, đường L, phố N, phường T, thành phố N, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp khi phạm tội: Hiệu trưởng Trường tiểu học Đ, thành phố N; trình độ văn hóa: 10/10; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Bùi Thanh N (đã chết) và bà Đinh Thị H; chồng Nguyễn Minh S có 02 con; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đã bị đình chỉ sinh hoạt đảng theo Quyết định số 92 - QĐ/UBKT ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thành ủy thành phố N, tỉnh Ninh Bình. Bị cáo bị bắt tạm giam tại trại tạm giam Công an tỉnh Ninh Bình từ ngày 27/5/2020 đến ngày 03/7/2020 được áp dụng biện pháp Bảo Lĩnh (có mặt).

2. Đinh Thị H, sinh năm 1988 tại tỉnh Ninh Bình; nơi cư trú: Số nhà 22, ngõ 1, đường H, phố T, phường T, thành phố N, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp khi phạm tội: Kế toán Trường tiểu học Đ, thành phố N; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đinh Văn B (đã chết) và bà Nguyễn Thị L; chồng Vũ Ngọc H có 02 con; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đã bị đình chỉ sinh hoạt đảng theo Quyết định số 90 - QĐ/UBKT ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thành ủy thành phố N, tỉnh Ninh Bình. Bị cáo bị bắt tạm giam tại trại tạm giam Công an tỉnh Ninh Bình từ ngày 27/5/2020 đến ngày 03/7/2020 được áp dụng biện pháp Bảo Lĩnh (có mặt).

3. Đỗ Thị Như T, sinh năm 1976 tại tỉnh Ninh Bình; nơi cư trú: Thôn C, xã N, thành phố N, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp khi phạm tội: Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Đ, thành phố N; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đỗ Sơn N và bà Tạ Thị V; chồng Phạm Tiến M (đã ly hôn) có 02 con; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đã bị đình chỉ sinh hoạt đảng theo Quyết định số 91 - QĐ/UBKT ngày 27 tháng 5 năm 2020 của Thành ủy thành phố N, tỉnh Ninh Bình. Bị cáo bị bắt tạm giam tại trại tạm giam Công an tỉnh Ninh Bình từ ngày 27/5/2020 đến ngày 03/7/2020 được áp dụng biện pháp Bảo Lĩnh (có mặt).

4. Nguyễn Thị Thu H, sinh năm 1968 tại tỉnh Ninh Bình; nơi ĐKHKTT: Phố 3, phường Đ, thành phố N, tỉnh Ninh Bình; chỗ ở hiện nay: Số nhà 09, ngõ 1, đường P, phố K, phường N, thành phố N, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp khi phạm tội: Thủ quỹ Trường tiểu học Đ, thành phố N; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Khắc M (Liệt sỹ) và bà Bùi Thị T; chồng Vũ Ngọc H có 02 con; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đã bị đình chỉ sinh hoạt đảng theo Quyết định số 18 - QĐ/UBKTHU ngày 02 tháng 03 năm 2021 của thành ủy thành phố N, tỉnh Ninh Bình. Bị cáo được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú (có mặt).

- Bị hại các bậc cha mẹ học sinh của Trường tiểu học Đ:

Đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị Minh T, sinh năm 1982 là Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh Trường tiểu học Đ; nơi cư trú số nhà 26, đường Đ, phố 12, phường Đ, thành phố N, tỉnh Ninh Bình (vắng mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

Chị Trần Thị H, sinh năm 1969; nơi cư trú: Số nhà 72, ngõ 50, đường L, phố T, phường T, thành phố N, tỉnh Ninh Bình (có đơn xin vắng mặt).

- Người làm chứng: Chị Nguyễn Thị Thu H1, bà Lê Thị Bích L, ông Đinh Xuân C, chị Trần Thị H, ông Đặng Văn L, anh Bùi Thanh T, anh Nguyễn Khánh T, anh Vũ Mạnh H, ông Đinh Văn T, anh Vũ Văn C, chị Vũ Thị M, bà Lương Thị C, bà Đinh Thị Anh Đ, ông Bùi Quang V, chị Vũ Thị H, chị Đinh Thị H, chị Đinh Thị X, chị Vũ Thị H, anh Nguyễn Minh T, anh Mai Thanh T, bà Vũ Thị L, bà Trần Thị Bích N, chị Vũ Thị D, anh Bùi Thanh T (tất cả đều vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trường tiểu học Đ là cơ sở giáo dục và đào tạo công lập, có con dấu, tài khoản riêng và hạch toán độc lập, tổng số có 47 cán bộ và giáo viên chuyên môn gồm: Bùi Thị S - Hiệu trưởng nhà trường; Đỗ Thị Như T - Phó hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất của nhà trường; Đinh Thị H - Kế toán trưởng và Nguyễn Thị Thu H - Thủ quỹ. Trong năm học 2018-2019 trường có tổng số 1049 học sinh, trường được ngân sách nhà nước cấp kinh phí đảm bảo toàn bộ hoạt động của nhà trường gồm: Trả lương cán bộ, giáo viên, nhân viên hợp đồng; tu sửa trường lớp; mua sắm bàn ghế, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học; chi các hoạt động thường xuyên và các hoạt động ngoại khóa, phong trào… Theo quy định tại văn bản số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18/10/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nghị quyết số 26/2016/NQ-HĐND ngày 4/8/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình, văn bản số 862/SGDĐT-KHTC ngày 10/8/2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình thì nhà trường cùng cha mẹ học sinh được thỏa thuận thu tiền để thực hiện nhiệm vụ thay cha mẹ học sinh trong công tác nuôi dạy học sinh tại nhà trường; các khoản thu, chi này phải được hạch toán theo đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo nội dung của các văn bản và nghị quyết đã quy định, đảm bảo nguyên tắc thu bù chi và không tính lãi. Căn cứ quy định này, năm học 2018- 2019 trường tiểu học Đ thu của phụ huynh học sinh tất cả là 10 quỹ gồm: Quỹ học sinh ăn bán trú và phục vụ bán trú; quỹ tiếng Anh tăng cường lớp 1-2; quỹ kỹ năng sống và câu lạc bộ các môn học; quỹ hỗ trợ dạy và học tăng giờ buổi 2; Quỹ điện nước vệ sinh môi trường; quỹ tài trợ ủng hộ tự nguyện của các đoàn thể cá nhân; quỹ tin học; quỹ hoạt động đội; quỹ tiếng Anh có yếu tố nước ngoài; quỹ mua sắm bổ sung dụng cụ bán trú. Hàng năm, nhà trường đều xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý tài sản công, trong đó quy định mức chi đối với từng nội dung, bao gồm các khoản chi từ ngân sách và chi từ các quỹ thỏa thuận với cha mẹ học sinh. Đầu năm học, nhà trường xây dựng dự toán thu chi các quỹ thỏa thuận với cha mẹ học sinh sau đó thông qua hội nghị toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường và hội nghị với Ban đại diện hội cha mẹ học sinh. Tuy nhiên quá trình quản lý, sử dụng 10 quỹ thỏa thuận với cha mẹ học sinh. Bùi Thị S - Hiệu trưởng, Đỗ Thị Như T - Phó hiệu trưởng; Đinh Thị H - Kế toán trưởng và Nguyễn Thị Thu H - Thủ quỹ đã không tuân thủ nguyên tắc kế toán và “Quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý tài sản công” đã lập khống, nâng khống giá trị nhiều chứng từ quyết toán chi 05 quỹ theo thỏa thuận của cha mẹ học sinh gồm: Quỹ ăn bán trú; Quỹ tiếng Anh tăng cường lớp 1-2; Quỹ kỹ năng sống và câu lạc bộ các môn học; Quỹ điện nước vệ sinh môi trường; Quỹ tài trợ ủng hộ tự nguyện của các đoàn thể cá nhân, gây thiệt hại cho phụ huynh học sinh số tiền 189.778.000 đồng. Cụ thể như sau:

1. Quỹ học sinh ăn bán trú và phục vụ học sinh ăn bán trú: Nâng khống định mức, khối lượng gạo nấu ăn cho học sinh, rút tiền chi sai gây thiệt hại cho phụ huynh học sinh 44.485.891,5 đồng.

1.1. Năm học 2018-2019, căn cứ đề nghị của cha mẹ học sinh ban giám hiệu nhà trường đã thống nhất với đại diện hội cha mẹ học sinh về việc thu tiền ăn bán trú của học sinh là 16.000 đồng/bữa. Định mức ăn bán trú quy định như sau: Khối lớp 1: 0,11 kg gạo/bữa, Khối lớp 2: 0,112 kg gạo/bữa; Khối lớp 3:

0,116 kg gạo/bữa; Khối lớp 4 và khối lớp 5: 0,137 kg gạo/bữa. Giá gạo mua vào thực tế trong năm học 2018-2019 và 2019-2020 là 14.500 đồng/kg (tháng 1,2,3/2018 là 15.000 đồng/kg) để có tiền chi vào mục đích khác ngoài việc giảm định mức gạo thực tế đối với mỗi học sinh/ bữa ăn, Đỗ Thị Như T còn đề xuất áp dụng đơn giá quyết toán gạo tăng hơn so với giá mua thực tế, tức là tăng giá gạo từ 14.500 đồng/kg đến 15.000 đồng/kg lên 16.500 đồng/kg đến 17.000 đồng/kg và được Bùi Thị S nhất trí.

- Năm học 2018-2019:

Tổng lượng gạo nấu ăn cho học sinh theo quyết toán là: 15.156kg; thực tế là 12.907,811 kg, chênh lệch 2.248,189 kg. Tiền mua gạo cho học sinh ăn bán trú theo quyết toán là 257.309.000 đồng; thực tế là 189.223.108,5 đồng; rút ra 68.085.891,5 đồng.

Theo thỏa thuận với cha mẹ học sinh, Đỗ Thị Như T đã chi trả tiền thuê đầu bếp ông Nguyễn Anh S (thuê từ tháng 9 đến tháng 10/2018) và ông Bùi Thanh T (thuê từ tháng 11/2018 đến tháng 5/2019) nấu ăn cho học sinh là 58.500.000 đồng, số tiền còn lại 9.585.891,5 đồng được sử dụng góp cùng các quỹ khác để chi cho tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đi du lịch vào tháng 6/2019.

- Năm học 2019-2020 (từ tháng 9/2019 đến hết tháng 1/2020):

Tổng lượng gạo nấu ăn cho học sinh theo quyết toán là: 9.607 kg; thực tế là 8.148,709 kg, chênh lệch 1.458,291 kg. Tiền mua gạo cho học sinh ăn bán trú theo quyết toán là 163.205.000 đồng; thực tế là 118.156.280,5 đồng; rút ra 45.048.719,5 đồng. Bùi Thị S đã chỉ đạo Đỗ Thị Như T sử dụng số tiền 34.900.000 đồng rút từ quỹ ăn bán trú chi quà tết cho cán bộ, giáo viên nhân viên. Còn lại là 10.148.719,5 đồng chưa sử dụng, bàn giao cho thủ quỹ mới là Lê Thị Bích L quản lý (đến thời điểm phát hiện tội phạm chưa chi).

Chứng từ chi quỹ ăn bán trú do Đỗ Thị Như T lập theo tháng, trong đó phần thu cân đối với chi nhưng không đưa nội dung thuê đầu bếp mà nâng khối lượng, đơn giá gạo như trên để bù chi phí thuê đầu bếp. Trên các chứng từ chi, ngoài chữ ký xác nhận của Bùi Thị S, Đỗ Thị Như T, Đinh Thị H, Nguyễn Thị Thu H, T còn lấy chữ ký của 2 nhân viên hành chính là Lê Thị Bích L và Đỗ Thị Hà P vào các bản dự trù kinh phí và bảng thanh toán tiền mua thực phẩm hàng ngày. Thực tế, Nguyễn Thị Thu H, Lê Thị Bích L và Đỗ Thị Hà P chỉ ký để đủ thành phần hợp lệ theo yêu cầu của Bùi Thị S và Đỗ Thị Như T, không tham gia mua bán, thanh toán quỹ ăn bán trú, không xem xét nội dung chứng từ nên không biết có sự chênh lệch giữa giá gạo mua vào với giá gạo quyết toán.

Như vậy, tổng số tiền Quỹ ăn bán trú được Bùi Thị S chỉ đạo rút ra chi sai quy định gây thiệt hại cho phụ huynh học sinh số tiền 44.485.891,5 đồng (gồm chi tết 34.900.000 đồng và chi đi du lịch 9.585.891,5 đồng).

1.2. Năm học 2018 - 2019 Trường tiểu học Đ còn thu tiền phục vụ bán trú đối với mỗi học sinh là 120.000 đồng/tháng, tổng số tiền thu được là 876.840.000 đồng, theo thỏa thuận với cha mẹ học sinh, số tiền này được sử dụng chi cho người lao động tham gia phục vụ học sinh bán trú ăn, coi ngủ buổi trưa tại trường.

Tại hội nghị người lao động toàn trường đầu năm học Bùi Thị S đã xin ý kiến tập thể về việc trích lại 13% tổng thu quỹ phục vụ học sinh bán trú để sử dụng chi cho các công việc chung của nhà trường và được tập thể nhất trí do vậy Bùi Thị S đã giao cho Đỗ Thị Như T xây dựng 02 bộ chứng từ chi trả tiền công phục vụ bán trú: 01 bộ chứng từ dùng để quyết toán với định mức chi đúng theo quy chế chi tiêu nội bộ và 01 bộ chứng từ chi thật với tỷ lệ % chi trả cho giáo viên, nhân viên trực tiếp tham gia phục vụ bán trú (bao gồm cả Đinh Thị H và Nguyễn Thị Thu H) thấp hơn so với chứng từ quyết toán để trích lại 13% tổng chi. Do đã thống nhất từ trước nên khi nhận tiền, mỗi cán bộ, giáo viên đều ký nhận vào danh sách nhận tiền thật do Nguyễn Thị Thu H đưa và các chứng từ dùng để quyết toán do Đỗ Thị Như T lập. Bằng việc giảm tiền công cho giáo viên, nhân viên lao động hợp đồng phục vụ học sinh bán trú, các bị can đã rút ra được số tiền 124.117.000 đồng, số tiền này bị các bị can khai chi cho Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố N số tiền 26.305.200 đồng (tương đương 3% tổng thu). Còn lại 89.709.200 đồng được sử dụng chi cho các công việc chung của trường như: Chi tiếp khách; chi mua sắm, sửa chữa nhỏ; trả lương đầu bếp…Các bị can Bùi Thị S, Đỗ Thị Như T và Đinh Thị H lập chứng từ quyết toán không đúng thực tế là vi phạm nguyên tắc kế toán nhưng không gây thiệt hại cho phụ huynh học sinh nên không có vi phạm tại quỹ này.

2. Quỹ tiếng Anh tăng cường lớp 1-2: Lập khống chứng từ quyết toán rút tiền chi sai quy định, gây thiệt hại cho phụ huynh học sinh số tiền 27.874.000 đồng.

Năm học 2018-2019, theo thỏa thuận với cha mẹ học sinh, trường tiểu học Đ thu Quỹ tiếng Anh tăng cường khối lớp 1- 2 (tiếng Anh làm quen) mức 15.000 đồng/học sinh/tháng. Tổng thu là 69.180.000 đồng.

Theo quy chế chi tiêu nội bộ, quỹ tiếng Anh tăng cường được sử dụng theo tỷ lệ phần trăm tổng thu như sau: Chi thuê giáo viên dạy hợp đồng từ 60- 65%; Chi công tác quản lý: 12-15%; Chi phục vụ, tài vụ: 3-5% còn lại chi đầu tư cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy.

Năm học 2018-2019, Bùi Thị S đã ký hợp đồng thuê cô giáo Nguyễn Thị Thu H để dạy tiếng Anh làm quen cho khối lớp 1- 2 với mức lương theo thỏa thuận là 3.000.000 đồng/tháng, tổng 9 tháng lương giáo viên dạy tiếng Anh hợp đồng là 27.000.000 đồng.

Lợi dụng vai trò trực tiếp quản lý, điều tiết các khoản chi quỹ tiếng Anh tăng cường, bị can Bùi Thị S đã chỉ đạo chi cho Đinh Thị H và Nguyễn Thị Thu H, Đỗ Thị Như T và các thành viên khác trong ban giám hiệu tiền công cao hơn so với mức chi tối đa quy định tại Quy chế chi tiêu nội bộ, mua máy vi tính cho kế toán và chi khác không có thỏa thuận của phụ huynh học sinh. Cụ thể:

- Chi công quản lý của Ban giám hiệu: 16.600.000 đồng (cao hơn định mức 6.223.000 đồng) gồm: Bùi Thị S hưởng lợi 1.933.562 đồng; Đỗ Thị Như T hưởng lợi 1.933.562 đồng; Nguyễn Thị Thu H 770.500 đồng; Đinh Thị H 770.500 đồng; Lương Thị C giáo viên hưởng lợi 1.933.562 đồng; Đinh Thị Anh Đ giáo viên hưởng lợi 422.312,5 đồng.

- Chi cho kế toán, thủ quỹ 5.000.000 đồng (cao hơn định mức 1.541.000 đồng);

- Do bộ phận kế toán thiếu máy tính để làm việc nên Bùi Thị S đã chỉ đạo sử dụng tiền Quỹ tiếng Anh tăng cường mua máy tính xách tay của Công ty TNHH thương mại tin học H (đường L, thành phố N) giá 16.800.000 đồng để cho Đinh Thị H sử dụng làm việc.

- Chi cho ông Bùi Thanh T sửa cánh cửa phòng học và chi cho ông Đinh Văn T - bảo vệ mua gầu hót rác hết 470.000 đồng;

Số tiền còn lại 3.310.000 đồng sau đó được gộp chung cùng số tiền rút ra từ các quỹ khác để chi cho cán bộ giáo viên nhà trường đi du lịch vào cuối năm học.

Các nội dung chi thật được lập thành bộ chứng từ riêng và được lưu trữ tại bộ phận kế toán.

Để quyết toán hết số tiền 69.180.000 đồng với phụ huynh học sinh, Bùi Thị S đã chỉ đạo Đinh Thị H và Nguyễn Thị Thu H làm các chứng từ chi khống, trong đó định mức chi tương đương với Quy chế chi tiêu nội bộ với các nội dung sau:

- Chi lương giáo viên hợp đồng: 45.000.000 đồng.

- Chi công quản lý của Ban giám hiệu gồm Bùi Thị S, Đỗ Thị Như T, Đinh Thị Anh Đ (tháng 9 và 10/2018) và Lương Thị C: 11.760.000 đồng.

- Chi cho kế toán, thủ quỹ (Đinh Thị H, Nguyễn Thị Thu H): 2.075.000 đồng.

Riêng bộ chứng từ mua máy tính xách tay được sử dụng làm chứng từ quyết toán chi Quỹ dạy kỹ năng sống và câu lạc bộ các môn học nên Đinh Thị H đã xin 04 Giấy biên nhận bán hàng của trung tâm mua sắm điện tử điện máy M ở phường V, thành phố N rồi tự viết nội dung mua 04 Radio và 04 USB với tổng trị giá 7.748.000 đồng, cho cô giáo Nguyễn Thị Thu H ký tên người mua hàng, sử dụng làm chứng từ kèm theo Phiếu chi số 05 ngày 07/1/2019. Đinh Thị H nhờ bà Lê Thị X chủ cửa hàng photocopy La Xuyên ở số 94 đường L, phường Đ, thành phố N viết cho 01 Giấy biên nhận photocopy đề ôn tập, kiểm tra môn tiếng Anh với số tiền là 2.596.000 đồng, sử dụng làm chứng từ kèm theo Phiếu chi không số ngày 25/5/2019.

Qua điều tra xác định: Hàng tháng, khi nhận lương, cô H1 có ký vào cả chứng từ chi thật và chứng từ nâng khống mức lương cô được nhận lên 5.000.000 đồng/tháng. Việc ký vào chứng từ nhận số tiền lương cao hơn thực tế là do Nguyễn Thị Thu H đưa cho chị Nguyễn Thị Thu H1 ký nhận, thực tế chị Nguyễn Thị Thu H không được nhận mức lương này. Chị Nguyễn Thị Thu H1 cũng không có đề nghị gì về số tiền chênh lệch giữa mức lương thực nhận và mức lương theo chứng từ quyết toán.

Như vậy: Số tiền thu của Quỹ tiếng Anh tăng cường lớp 1-2 là 68.180.000 đồng, Bùi Thị S đã chỉ đạo lập khống chứng từ rút tiền chi trái quy định, gây thiệt hại cho phụ huynh học sinh số tiền là 27.874.000 đồng (bao gồm chi mua máy tính xách tay cho kế toán 16.800.000 đồng và chi công quản lý, hành chính cao hơn định mức 7.764.000, chi du lịch 3.310.000 đồng).

3. Quỹ kỹ năng sống và tổ chức câu lạc bộ các môn học: Lập khống chứng từ chi rút tiền chi sai quy định gây thiệt hại cho phụ huynh học sinh 11.958.000 đồng Học kỳ II năm học 2018-2019, Trường tiểu học Đ tổ chức triển khai cho học sinh học kỹ năng sống và câu lạc bộ các môn học (Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh) thay cho quỹ dạy và học tăng giờ buổi hai của học kỳ I. Mức thu theo tháng đối với mỗi học sinh là 50.000 đồng tiền học kỹ năng sống và 70.000 đồng tiền học câu lạc bộ các môn học. Tổng tiền thu từ tháng 1/2019 đến tháng 5/2019 là 614.040.000 đồng.

Việc chi Quỹ kỹ năng sống và câu lậc bộ các môn học được thực hiện theo quy định sau:

- Đối với dạy kỹ năng sống, tỷ lệ chi trên tổng thu là: Trả tiền cho đơn vị cấp bản quyền bằng 40%; Để lại cho trường sử dụng 60%, trong đó: Chi cho giáo viên giảng dạy 75%, chi công tác quản lý 15%, chi cơ sở vật chất 10% - Đối với câu lạc bộ các môn học, tỷ lệ chi trên tổng thu là: Chi cho giáo viên giảng dạy 75%, chi công tác quản lý 15%, chi cơ sở vật chất 10% Quá trình thực hiện, các khoản chi cho đơn vị cung cấp bản quyền kỹ năng sống, chi cho giáo viên tổ chức giảng dạy kỹ năng sống, câu lạc bộ các môn học, chi công quản lý của ban giám hiệu, chi cho bộ phận hành chính số tiền 566.451.100 đồng được thực hiện đúng định mức, đúng đối tượng.

Đối với định mức 10% chi cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, thực tế có chi 13.121.000 đồng để một số khoản mua sách báo, văn phòng phẩm phục vụ giảng dạy. Còn lại Bùi Thị S đã chỉ đạo Nguyễn Thị Thu H hướng dẫn cho Đinh Thị H lập khống 05 chứng từ với tổng giá trị 34.468.000 đồng để quyết toán Quỹ dạy kỹ năng sống và Câu lạc bộ các môn học. Cụ thể gồm:

Chứng từ chi sửa chữa bàn ghế lớp học số tiền 4.950.000 đồng; chứng từ chi sửa chữa bàn ghế lớp học số tiền 3.890.000 đồng; chứng từ chi sửa chữa bàn ghế lớp học số tiền 3.594.000 đồng; chứng từ chi mua máy tính xách tay số tiền 16.800.000 đồng (thực tế mua bằng tiền rút ra từ Quỹ tiếng Anh tăng cường);

chứng từ chi sửa chữa bàn ghế lớp học số tiền 5.234.000 đồng;

Các chứng từ này lấy tên người đề xuất chi là Đỗ Thị Như T, có chữ ký của Đinh Thị H và Nguyễn Thị Thu H, được Bùi Thị S ký duyệt. Số tiền 34.468.000 đồng rút ra từ việc lập 05 chứng từ khống nêu trên cùng với số tiền 12.490.000 đồng chuyển từ quỹ dạy và học tăng giờ buổi hai của học kỳ I sang, tổng là 46.598.000 đồng được sử dụng chi các khoản sau:

* Chi tổ chức các cuộc thi cho các câu lạc bộ học tập, mua sắm, photocopy tài liệu để phục vụ công tác chuyên môn của nhà trường hết 35.000.000 đồng, gồm: Chi tổ chức thi giải toán, tiếng Anh qua mạng; thi IOE cấp thành phố; thi giải toán, tiếng Việt qua mạng; thi Trạng nguyên tiếng Việt cấp trường; thi IOE cấp tỉnh; Photocopy tài liệu; thi Trạng nguyên tiếng Việt cấp thành phố; thi Toán- Tiếng Anh, Toán-Tiếng Việt cấp Quốc gia; gặp gỡ học sinh thi Olympic tài năng Tiếng Anh cấp thành phố; thi trạng nguyên Tiếng Việt cấp tỉnh; Mua văn phòng phẩm; làm biển lớp kỹ năng sống, trang trí, khánh tiết, khẩu hiệu khai giảng năm học mới, cắt dán bảng tin; Mua tủ sách thư viện xanh. Các khoản chi này đã được xác minh và xác định là khoản chi phục vụ công tác giảng dạy của nhà trường.

* Chi trái quy định 7.714.000 đồng, gồm:

- Nộp cho Phòng Giáo dục đào tạo thành phố N 1% tiền học buổi 2 từ tháng 9 đến tháng 12/2018: 4.114.000 đồng. Số tiền này do Đinh Thị H khai nhận nộp cho bà Trần Thị H tại Phòng Giáo dục đào tạo thành phố N.

- Họp ban thi đua cuối năm: 3.600.000 đồng (chi tiền cho các thành phần tham gia họp ban thi đua cuối học kỳ I và học kỳ II, trong đó Bùi Thị S, Đỗ Thị Như T mỗi người được nhận 400.000 đồng).

Các chứng từ chi thật này được Nguyễn Thị Thu H đóng thành tập riêng để theo dõi nội bộ. Số tiền 4.244.000 đồng chưa chi hết được gộp chung cùng số tiền rút ra từ các quỹ khác để chi cho tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đi du lịch tại Đà Nẵng vào tháng 5/2019.

Như vậy: Tổng số tiền thu từ quỹ kỹ năng sống và câu lạc bộ các môn học là 614.040.000 đồng, Bùi Thị S đã chỉ đạo lập chứng từ khống rút tiền chi sai quy định gây thiệt hại cho phụ huynh học sinh 11.958.000 đồng (bao gồm chi cho Phòng giáo dục đào tạo thành phố N 4.114.000 đồng, chi họp ban thi đua 3.600.000 đồng, chi du lịch 4.244.000 đồng).

4. Quỹ điện nước vệ sinh môi trường: Lập khống chứng từ quyết toán rút tiền sử dụng chi sai quy định, gây thiệt hại cho phụ huynh học sinh 27.567.000 đồng.

Năm học 2018-2019, Trường tiểu học Đ thu Quỹ điện nước, vệ sinh môi trường đối với mỗi học sinh là 40.000 đồng/tháng. Tổng tiền thu trong năm học là 409.560.000 đồng.

*Theo quy chế chi tiêu nội bộ, số tiền này được sử dụng như sau:

Chi tiền điện sáng, nước sạch theo hóa đơn thực tế; Chi công vận chuyển nước uống cho học sinh 1.000.000 đồng - 1.200.000 đồng/tháng; Chi công quét dọn các phòng học, phòng chức năng 2.000.000 đồng đến 2.500.000 đồng/người/tháng; Chi công chăm sóc cây: 1.600.000 đồng/người/tháng; Chi công dọn nhà vệ sinh chung của trường 5.000.000 đồng/người/tháng; Chi sửa chữa điện nước và mua dụng cụ vệ sinh theo thực tế phát sinh.

Kết thúc năm học, Trường tiểu học Đ đã quyết toán các khoản chi của quỹ này là 405.637.000 đồng, còn lại 3.923.000 đồng chưa sử dụng đến, chuyển chi năm học sau.

* Trong tổng số tiền đã quyết toán Quỹ điện nước, vệ sinh môi trường, các bị can Bùi Thị S, Đỗ Thị Như T, Đinh Thị H, Nguyễn Thị Thu H đã lập khống và nâng khống giá trị quyết toán các chứng từ có tổng giá trị 62.167.000 đồng gồm: Chi tiền công cho 02 nhân viên bảo vệ vận chuyển nước uống cho học sinh từ tháng 8/2018 đến tháng 5/2019 số tiền 20.000.000 đồng (1.000.000 đồng/ người/tháng); Chi cho bà Vũ Thị L, nhân viên lao công quét dọn các phòng học và phòng chức năng từ 8/2018 đến tháng 5/2019 số tiền 40.000.000 đồng (4.000.000 đồng/tháng); Nâng khống giá trị chứng từ mua đồ dùng, dụng cụ phục vụ công tác vệ sinh môi trường của nhà trường từ 4.053.000 đồng lên 6.220.000 đồng để rút ra 2.167.000 đồng. Các chứng từ trên do Đinh Thị H và Nguyễn Thị Thu H lập, đưa cho Đỗ Thị Như T ký tên người đề nghị thanh toán, có chữ ký duyệt của Bùi Thị S.

Tiến hành xác minh các chứng từ khống nêu trên xác định: Trong năm học 2018-2019, Trường tiểu học Đ thường xuyên duy trì 02 nhân viên bảo vệ là Đặng Văn L, Phạm Văn T (T nghỉ việc từ tháng 11/2018) và Đinh Văn T (làm việc từ tháng 11/2018). Mỗi tháng, mỗi nhân viên bảo vệ được nhận lương cố định từ ngân sách là 4.800.000 đồng (công bảo vệ 3.000.000 đồng và công quét dọn, làm vệ sinh sân trường và các khu vực chung là 1.800.000 đồng). Trường tiểu học Đ đã trả thêm từ Quỹ điện nước, vệ sinh môi trường cho mỗi bảo vệ 1.700.000 đồng/tháng trong năm học, bao gồm công vận chuyển nước uống cho các lớp học, quét phòng học và tưới cây. Riêng tháng 8/2018, mặc dù chưa chính thức vào năm học mới nhưng do phải làm công tác vệ sinh chuẩn bị cho năm học mới, phục vụ học sinh đi học từ nửa cuối tháng nên nhà trường trả cho mỗi bảo vệ 1.000.000 đồng/tháng. Tổng số tiền chi công quét lớp, tưới cây, vận chuyển nước uống cho 02 bảo vệ là 34.600.000 đồng. Nội dung này có quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ và thực chi thấp hơn mức chi quy định tại Quy chế chi tiêu nội bộ, vì vậy số tiền này là chi đúng, không gây thất thoát.

Tháng 9 và 10/2018, Đinh Thị H rút số tiền 19.200.000 đồng lương bảo vệ từ ngân sách về nhưng do mới được bổ nhiệm làm kế toán, chưa có kinh nghiệm nên đã hạch toán nhầm, chi hết tiền lương của bảo vệ vào các công việc khác của nhà trường, do vậy, Đinh Thị H đã đề xuất với Bùi Thị S rút tiền từ quỹ điện nước, vệ sinh môi trường để trả bù lương cố định cho 2 nhân viên bảo vệ. Được sự đồng ý và chỉ đạo của Bùi Thị S, Nguyễn Thị Thu H đã chi tiền từ Quỹ điện nước, vệ sinh môi trường để trả lương cho 2 nhân viên bảo vệ số tiền 19.200.000 đồng.

Số tiền còn lại là 8.367.000 đồng gộp chung với số tiền rút ra từ các quỹ khác để chi cho tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đi du lịch tại Đà Nẵng vào tháng 5/2019.

Như vậy: Tổng số tiền thu từ quỹ điện nước vệ sinh môi trường là 409.560.000 đồng, Bùi Thị S đã chỉ đạo lập khống và nâng khống hóa đơn chứng từ rút tiền chi trái quy định gây thiệt hại cho phụ huynh học sinh 27.567.000 đồng (gồm chi sai lương bảo vệ 19.200.000 đồng và chi đi du lịch 8.367.000 đồng).

5. Quỹ ủng hộ, tài trợ của các tổ chức cá nhân: Nâng khống, lập khống chứng từ chi rút tiền sử dụng vào mục đích đi du lịch sai quy định gây thiệt hại cho phụ huynh học sinh số tiền 77.893.108,5 đồng:

Năm học 2018-2019, Trường tiểu học Đ tiếp nhận tiền ủng hộ, tài trợ tự nguyện của cha mẹ học sinh số tiền 203.500.000 đồng. Căn cứ thỏa thuận với cha mẹ học sinh tại hội nghị đầu năm học, Trường tiểu học Đ đã xây dựng và thông qua dự toán chi nguồn tiền này cho các nội dung như: Tổ chức các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn trong năm, chủ điểm tháng; Hỗ trợ tổng kết năm học, chào hè; Hỗ trợ các hoạt động rèn luyện thể chất, sân chơi trí tuệ; Hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn; Cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục… Kết thúc năm học, trường đã công khai quyết toán 18 chứng từ chi với tổng giá trị 186.206.000 đồng, còn lại 17.294.000 đồng chưa sử dụng đến.

Kết quả điều tra xác định như sau:

- Chi sửa chữa hệ thống điện, số tiền 25.012.000 đồng; Chi mua phông sân khấu, số tiền 6.480.000 đồng; Chi sơn sửa cổng hàng rào đầu năm học, số tiền 14.750.000 đồng; Chi mua bục nói chuyện, số tiền 6.500.000 đồng. Tổng số tiền đã chi cho 04 nội dung này là: 52.742.000 đồng.

- Chi tổ chức chương trình “Xuân đầm ấm - Tết bình yên cho em” hết 3.160.000 đồng; Chi tổ chức giao lưu tiếng Anh hết 8.900.000 đồng; Chi tổ chức ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe, tiến bước lên Đoàn” hết 8.830.000 đồng; Chi khánh tiết sân khấu dịp kỷ niệm 22/12, chi làm biển tư vấn kỹ năng sống, làm biển nhà vệ sinh hết 1.363.000 đồng. Tổng số tiền chi cho 04 nội dung này là: 22.253.000 đồng, có lưu chứng từ gốc nhưng không đưa vào quyết toán.

- Chi tổ chức 10 sự kiện gồm: Lễ khai giảng đầu năm học; tổ chức cho học sinh thi giải bơi cấp thành phố; tổ chức tết Trung Thu; chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam; tổ chức gặp gỡ, giao lưu với các cựu chiến binh nhân kỷ niệm ngày 22-12; tổ chức chương trình “Xuân đầm ấm - Tết bình yên cho em” dịp tết Nguyên Đán; tổ chức giao lưu Olympic tiếng Anh; tổ chức ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn”; tổ chức chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” để tuyên truyền cho học sinh về Luật giao thông đường bộ; tổ chức lễ tổng kết năm học 2018-2019 hết tổng số tiền 33.050.891,5 đồng.

- Chi cho cán bộ, giáo viên nhà trường đi du lịch hết 77.893.108,5 đồng. Tại buổi giao ban lãnh đạo nhà trường vào ngày 4/5/2019, theo nguyện vọng của cán bộ, giáo viên, Bùi Thị S đưa ra chủ trương tổ chức cho cán bộ, giáo viên Trường tiểu học Đ đi nghỉ mát tại Đà Nẵng và được tập thể Ban giám hiệu nhất trí thông qua. Tuy nhiên, nội dung này không được thông báo và xin ý kiến của cha mẹ học sinh. Sau khi làm việc với Công ty TNHH đầu tư thương mại và du lịch Đ, địa chỉ tại phường N, thành phố N để khảo sát giá dịch vụ, và được báo giá chi phí trọn gói cho chuyến đi là 4.500.000 đồng/người, căn cứ số người đăng ký tham gia, các bị can xây dựng dự toán tổng chi phí là 103.400.000 đồng, trong đó với mỗi cá nhân tham gia đi du lịch, trường hỗ trợ 3.500.000 đồng, số tiền còn lại tự bỏ ra đóng góp là 1.000.000 đồng. Đối với những người không tham gia thì được nhận quà bằng tiền là 300.000 đồng/người.

Bị can Bùi Thị S giao cho Đỗ Thị Như T, Đinh Thị H và Nguyễn Thị Thu H rà soát tiền còn lại của các quỹ thỏa thuận với cha mẹ học sinh để lấy tiền chi du lịch. Sau khi rà soát, các bị can Đỗ Thị Như T, Nguyễn Thị Thu H và Đinh Thị H đã báo cáo lại với Bùi Thị S số tiền còn lại của các quỹ khác chưa sử dụng hết là 25.506.891,5 đồng, số tiền còn thiếu so với dự toán chi du lịch là 77.893.108,5 đồng. Bùi Thị S đã chỉ đạo Đinh Thị H và Nguyễn Thị Thu H lấy tiền còn lại quỹ ủng hộ, tài trợ để bù vào số tiền còn thiếu này để cho cán bộ, giáo viên nhà trường đi du lịch, đồng thời lập các chứng từ chi phù hợp với dự toán để hợp lý hóa khoản chi du lịch.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bùi Thị S các bị can Đinh Thị H và Nguyễn Thị Thu H đã lập khống, nâng khống giá trị thanh toán các khoản chi để quyết toán vào quỹ ủng hộ tài trợ của các tổ chức, cá nhân rút tiền ra chi cho mục đích đi du lịch, cụ thể:

- Lập khống 04 chứng từ chi số tiền 14.457.000 đồng, gồm: Hỗ trợ tổ chức thi Trạng nguyên Tiếng Việt qua mạng; số tiền 2.800.000 đồng; Hỗ trợ thi “Giải toán-Tiếng Việt qua mạng”, số tiền 4.070.000 đồng; Hỗ trợ tổ chức cuộc thi “Olympic Tiếng Anh quan Internet các cấp”, số tiền 4.080.000 đồng; Hỗ trợ tổ chức cuộc thi “Giải toán, tiếng Anh qua Internet các cấp” số tiền 3.530.000 đồng.

- Nâng khống giá trị 10 chứng từ chi tổ chức các sự kiện, cuộc thi với tổng giá trị 118.984.000 đồng, cụ thể: Hỗ trợ tổ chức các hoạt động ngày khai giảng năm học 2018-2019 số tiền 16.960.000 đồng; Hỗ trợ tổ chức luyện tập cho học sinh tham gia giải bơi cấp thành phố số tiền 11.384.000 đồng; Hỗ trợ tổ chức tết Trung thu năm 2018 cho học sinh số tiền 13.880.000 đồng; Hỗ trợ các hoạt động chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 số tiền 13.280.000 đồng; Hỗ trợ tổ chức chương trình “Bài ca người lính, giao lưu gặp mặt các cựu chiến binh ngày 22/12/2018” số tiền 12.600.000 đồng; Hỗ trợ tổ chức chương trình “Xuân đầm ấm - Bình yên cho em” nhân dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 số tiền 8.580.000 đồng; Hỗ trợ tổ chức giao lưu Olympic tiếng Anh số tiền 12.280.000 đồng; Hỗ trợ tổ chức chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai số tiền 7.280.000 đồng”; Hỗ trợ tổ chức ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe – Tiến bước lên Đoàn” số tiền 13.660.000 đồng; Hỗ trợ tổng kết năm học 2018- 2019 số tiền 9.080.000 đồng.

Như vậy: Bằng thủ đoạn lập khống 04 chứng từ chi và nâng khống giá trị 10 chứng từ chi các bị can đã rút tiền từ quỹ ủng hộ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân chi cho mục đích đi du lịch gây thiệt hại cho phụ huynh học sinh số tiền 77.893.108,5 đồng.

Về trách nhiệm hình sự: Quá trình điều tra đã xác định bị cáo Bùi Thị S phải chịu trách nhiệm toàn bộ số tiền đã gây thiệt hại là 189.778.000 đồng, Sơn được hưởng lợi 6.633.562 đồng. Bị cáo Đinh Thị H phải chịu trách nhiệm toàn bộ số tiền đã gây thiệt hại là 189.778.000 đồng, H được hưởng lợi 5.072.500 đồng. Bị cáo Đỗ Thị Như T phải chịu trách nhiệm số tiền đã gây thiệt hại là 84.010.891,5 đồng, T được hưởng lợi 6.633.562 đồng. Bị cáo Nguyễn Thị Thu H phải chịu trách nhiệm số tiền đã gây thiệt hại là 145.292.108,5 đồng, Hà được hưởng lợi 4.870.500 đồng.

Quá trình điều tra các bị can đã tự nguyện nộp số tiền 533.709.000 đồng để khắc phục hậu quả gồm (Bùi Thị S 290.000.000 đồng, Đỗ Thị Như T 143.709.000 đồng, Đinh Thị H 100.000.000 đồng); sau khi kết thúc điều tra chuyển Viện kiểm sát truy tố Nguyễn Thị Thu H tự nguyện nộp cho Cục thi hành án dân sự số tiền 15.000.000 đồng.

Về trách nhiệm dân sự: Chị Nguyễn Thị Minh T là Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường tiều học Đ được cha mẹ học sinh của trường ủy quyền tham gia tố tụng, chị Tuyết đại diện tham gia tố tụng yêu cầu các bị can hoàn trả cho ban đại diện cha mẹ học sinh số tiền 189.778.000 đồng.

Tại cơ quan điều tra các bị cáo Bùi Thị S, Đinh Thị H, Nguyễn Thị Thu H, Đỗ Thị Như T đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Tại bản cáo trạng số 08/CT-VKS ngày 16 tháng 7 năm 2021 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình đã truy tố Bùi Thị S, Đinh Thị H, Nguyễn Thị Thu H và Đỗ Thị Như T về tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 1 và khoản 4 Điều 356 Bộ luật Hình sự .

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình giữ nguyên quan điểm truy tố như Bản cáo trạng, đề nghị Hội đồng xét xử: Tuyên bố các bị cáo Bùi Thị S, Đinh Thị H, Nguyễn Thị Thu H và Đỗ Thị Như T phạm tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Căn cứ khoản 1 và khoản 4 Điều 356; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Bùi Thị S. Căn cứ khoản 1 và khoản 4 Điều 356; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 36 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Đỗ Thị Như T. Căn cứ khoản 1 và khoản 4 Điều 356; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Đinh Thị H. Căn cứ khoản 1 và khoản 4 Điều 356; các điểm b, s, v, x khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 36 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Nguyễn Thị Thu H. Căn cứ vào: Điều 47; Điều 48 Bộ luật Hình sự; khoản 2 Điều 106; khoản 2 các Điều 135, 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Xử phạt bị cáo Bùi Thị S từ 15 đến 18 tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án, được trừ đi thời gian đã tạm giam từ ngày 27-5-2020 đến ngày 03-7-2020; phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến quản lý kinh tế trong thời hạn từ 01 năm đến 02 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

- Xử phạt bị cáo Đinh Thị H từ 12 đến 15 tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án, được trừ đi thời gian đã tạm giam từ ngày 27-5-2020 đến ngày 03-7-2020; phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến quản lý kinh tế trong thời hạn từ 01 năm đến 02 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

- Xử phạt bị cáo Đỗ Thị Như T từ 18 đến 24 tháng cải tạo không giam giữ, thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ tính từ ngày Ủy ban nhân dân xã N, thành phố N, tỉnh Ninh Bình nhận được Quyết định thi hành án và bản sao bản án, được trừ đi thời gian đã tạm giam từ ngày 27-5-2020 đến ngày 03-7-2020; phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến quản lý kinh tế trong thời hạn từ 01 năm đến 02 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật; khấu trừ từ 5% đến 7% thu nhập hàng tháng của bị cáo Đỗ Thị Như Thanh để sung quỹ Nhà nước.

- Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Thu H từ 12 đến 18 tháng cải tạo không giam giữ, thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ tính từ ngày Ủy ban nhân dân phường N, thành phố N, tỉnh Ninh Bình nhận được Quyết định thi hành án và bản sao bản án; phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến thủ quỹ trong thời hạn từ 01 năm đến 02 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật; khấu trừ từ 5% đến 7% thu nhập hàng tháng của bị cáo Nguyễn Thị Thu H để sung quỹ Nhà nước.

Phạt bổ sung bằng tiền đối với tất cả các bị cáo từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng để sung ngân sách Nhà nước.

Về trách nhiệm dân sự: Viện kiểm sát đề nghị ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các bị cáo, cụ thể như sau: Bị cáo Bùi Thị S số tiền là 99.778.000 đồng; bị cáo Đinh Thị H số tiền là 40.000.000 đồng; bị cáo Đỗ Thị Như T số tiền là 35.000.000 đồng; bị cáo Nguyễn Thị Thu H số tiền là 15.000.000 đồng.

Các bị cáo phải nộp án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Lời nói sau cùng của các bị cáo: Các bị cáo rất ân hận về hành vi của mình, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho các bị cáo được cải tạo tại địa phương.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Lời khai nhận tội của các bị cáo Bùi Thị S, Đinh Thị H, Đỗ Thị Như T và Nguyễn Thị Thu H tại phiên tòa đúng như lời khai của các bị cáo tại Cơ quan điều tra; lời khai của các bị cáo phù với lời khai của những người làm chứng; phù hợp với các chứng từ, sổ sách kế toán liên quan đến việc thu chi 10 quỹ được thành lập theo thỏa thuận với cha mẹ học sinh mà Cơ quan điều tra thu giữ cùng với các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án có đủ cơ sở kết luận: Các bị cáo Bùi Thị S, Đinh Thị H, Đỗ Thị Như T và Nguyễn Thị Thu H đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong quản lý toàn bộ hoạt động của trường học để lập khống và nâng khống nhiều chứng từ kế toán dùng để quyết toán 05 quỹ là: Quỹ học sinh ăn bán trú; Quỹ tiếng Anh tăng cường lớp 1-2; Quỹ dạy kỹ năng sống và tổ chức câu lạc bộ các môn học; Quỹ điện nước và vệ sinh môi trường; Quỹ ủng hộ, tài trợ của tổ chức, cá nhân; để sử dụng chi sai nguyên tắc kế toán và “Quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý tài sản công”, không đúng thỏa thuận với cha mẹ học sinh, nhằm mục đích vụ lợi cho bản thân các bị cáo và một số cán bộ giáo viên nhà trường gây thiệt hại cho cha mẹ học sinh với tổng số tiền là 189.778.000 đồng. Hành vi của các bị cáo đã phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 1 Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Điêu 356. Tôi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ 1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2…………. ……….

3……………………

4. Ngươi pham tôi con bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình đã truy tố đối với các bị cáo Bùi Thị S, Đinh Thị H, Đỗ Thị Như T và Nguyễn Thị Thu H là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[2]. Hành vi phạm tội của các bị cáo Bùi Thị S, Đinh Thị H, Đỗ Thị Như T và Nguyễn Thị Thu H vì mục đích vụ lợi đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ, đã xâm phạm đến sự hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức làm mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân trong môi trường giáo dục do đó cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật để giáo dục, cải tạo các bị cáo và góp phần phòng ngừa chung.

[3]. Khi quyết định hình phạt cần xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, vị trí, vai trò và nhân thân của từng bị cáo để cá thể hóa hình phạt cho phù hợp:

- Các bị cáo đều không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, đều có nhân thân tốt.

- Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

+ Các bị cáo Bùi Thị S, Đinh Thị H, Đỗ Thị Như T và Nguyễn Thị Thu H đều đã tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền để bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả; đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình và đồng phạm đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

+ Đối với các bị cáo Bùi Thị S, Đỗ Thị Như T và Nguyễn Thị Thu H đều là người đã có thành tích xuất sắc trong công tác: Bị cáo Sơn được tặng nhiều giấy khen, Đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở nhiều năm liền, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Bị cáo Đỗ Thị Như T được tặng nhiều Giấy khen, đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở nhiều năm liền, Giấy chứng nhận giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Bị cáo Nguyễn Thị Thu H được Công đoàn Việt Nam tặng Bằng khen về phong trào thi đua dạy tốt, nhiều năm liền được tặng Giấy khen trong quá trình công tác; đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm v khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

+ Riêng bị cáo Nguyễn Thị Thu H có thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bố đẻ là liệt sỹ được quy định tại điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

+ Đại diện cha mẹ học sinh có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho tất cả các bị cáo; riêng các bị cáo Bùi Thị S, Đinh Thị H đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, sức khỏe yếu, do đó cần áp dụng thêm khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự cho tất cả các bị cáo.

- Về vị trí, vai trò của từng bị cáo:

+ Đối với Bùi Thị S khi phạm tội là Hiệu trưởng, là chủ tài khoản của Trường tiểu học Đ, bị cáo đã chỉ đạo, lãnh đạo và trực tiếp ký duyệt vào toàn bộ các chứng từ khống rút tổng số tiền 189.778.000 đồng để sử dụng chi tiêu sai mục đích, riêng bị cáo được hưởng lợi 6.633.562 đồng, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự chính, cao nhất trong vụ án.

+ Đối với Đinh Thị H là kế toán của trường, bị cáo đã trực tiếp lập và ký vào các chứng từ chi khống của toàn bộ số tiền đã gây ra thiệt hại 189.778.000 đồng nên phải chịu trách nhiệm hình sự về toàn bộ số tiền trên, riêng bị cáo được hưởng lợi 5.072.500 đồng, đồng thời bị cáo là người có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ít nhất so với các bị cáo khác trong cùng vụ án, là người giữ vai trò thứ hai trong vụ án.

+ Đỗ Thị Như T là Phó hiệu trưởng, được giao nhiệm vụ phụ trách cơ sở vật chất của Trường tiểu học Đ, là người trực tiếp thực hiện việc lập chứng từ khống gây thiệt hại số tiền là 84.010.891,5 đồng, riêng bị cáo được hưởng lợi 6.633.562 đồng, bị cáo là người giữ vai trò thứ ba trong vụ án.

+ Nguyễn Thị Thu H là thủ quỹ là người giúp sức cho các bị cáo khác tham gia ký vào các chứng từ khống gây thiệt hại số tiền là 145.292.108,5 đồng, riêng bị cáo được hưởng lợi 4.870.500 đồng, bị cáo là người giữ vai trò cuối cùng của vụ án.

Từ những căn cứ trên, Hội đồng xét xử xét thấy cần buộc các bị cáo Bùi Thị S, Đinh Thị Huế phải cách ly xã hội một thời gian nhất định, mới đảm bảo đúng yêu cầu xử lý đối với loại tội phạm này.

Bị cáo Đỗ Thị Như T là cấp phó, người giữ vai trò thứ ba trong vụ án, phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền ít nhất, Hội đồng xét xử xét thấy nên để bị cáo được giáo dục, cải tạo dưới sự giám sát của chính quyền địa phương là đúng với quy định của pháp luật.

Bị cáo Nguyễn Thị Thu H với vai trò là thủ quỹ, là người giúp sức, có nơi cơ trú rõ ràng, Hội đồng xét xử xét thấy không cần thiết phải cách ly bị cáo khỏi xã hội mà để bị cáo được cải tạo không giam giữ là thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

Ngoài hình phạt chính, cần áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến quản lý kinh tế, kế toán, thủ quỹ đối với người có chức vụ theo quy định tại khoản 4 Điều 356 Bộ luật Hình sự.

[4] Quá trình điều tra các bị cáo khai nhận đã trích nộp về Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố N số tiền 3% thu từ quỹ phục vụ bán trú và 1% từ quỹ kỹ năng sống, các bị cáo DDinh Thị H, Nguyễn Thị Thu H và chị Lê Thị Bích L (là cán bộ y tế nhà trường) mang lên nộp cho chị Trần Thị H là chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố N với tổng số tiền là 30.419.200 đồng, tài liệu điều tra không chứng minh được Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố N đã chỉ đạo và trực tiếp thu tiền như lời khai của các bị cáo và chị Lê Thị Bích L do vậy không có căn cứ xử lý.

Trong vụ án này còn có các cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trường tiểu học Đ đều tham gia lập, ký vào các chứng từ khống giúp các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội tuy nhiên họ chỉ là người thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên; đồng thời họ là người tích cực khai báo, vi phạm lần đầu, nhân thân tốt do vậy không xem xét xử lý đối với các cán bộ, giáo viên này.

Sau khi thụ lý và nghiên cứu hồ sơ vụ án, ngày 22/4/2021 Tòa án đã ra Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung 5 loại quỹ trong đó có 01 quỹ có hồ sơ có dấu hiệu vi phạm nhưng không truy tố; còn lại 04 loại quỹ chưa có hồ sơ tài liệu chứng cứ để chứng minh các bị cáo có phạm tội hay không. Quá trình điều tra bổ sung thì cơ quan Công an đã tiến hành điều tra, thu thập các hóa đơn chứng từ trong quá trình thu, quản lý, sử dụng số tiền các loại quỹ: Quỹ hoạt động đội; Quỹ bổ sung dụng cụ bán trú; Quỹ tiếng Anh có yếu tố nước ngoài; Quỹ hỗ trợ dạy và học buổi 2; Quỹ tin học. Trong 5 quỹ này thì các bị cáo Bùi Thị S, Đinh Thị H, Đỗ Thị Như T và Nguyễn Thị Thu H có hành vi lập khống chứng từ chi số tiền 12.490.000 đồng của Quỹ hỗ trợ dạy và học buổi 2 nhưng số tiền này đã được kết luận tại bản kết luận điều tra số 05/CSĐT ngày 27/01/2021 và cáo trạng số 04/CT-VKS-P1 ngày 26/02/2021 đã truy tố. Trong quá trình điều tra Cơ quan cảnh sát điều tra còn phát hiện các bị cáo còn lập một số chứng từ chi không đúng nguyên tắc kế toán trong một số quỹ để trả lương cho giáo viên hợp đồng, thanh toán chi phí mua máy tính trả góp là cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tế trong việc học tập, giảng dạy môn tin học và các chi phí thực tế, cần thiết khác phục vụ cho việc dạy học của nhà trường. Hành vi lập chứng từ không đúng với các nội dung chi thật là vi phạm nguyên tắc kế toán, tuy nhiên các khoản chi thật đều đúng nội dung, định mức theo quy chế chi tiêu nội bộ, không trái với Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 10/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình và đã được sự đồng ý của cha mẹ học sinh (có ghi trong sổ nghị quyết giữa nhà trường và Hội cha mẹ học sinh) không gây thất thoát, không có dấu hiệu vụ lợi, không có thiệt hại xảy ra đối với 05 quỹ này cho phụ huynh học sinh. Do vậy các bị cáo không bị truy tố thêm về hành vi phạm tội như cáo trạng số 04/CT-VKSP1 ngày 26/02/2021 đã truy tố các bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 1 Điều 356 Bộ luật Hình sự.

[5] Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 48 Bộ luật Hình sự Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Chị Nguyễn Thị Minh T là trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường tiều học Đ, được cha mẹ học sinh của trường ủy quyền tham gia tố tụng đã yêu cầu các bị cáo hoàn trả cho cha mẹ học sinh số tiền 189.778.000 đồng.

Quá trình điều tra các bị cáo đã tự nguyện nộp số tiền để khắc phục hậu quả như sau: Bùi Thị S 290.000.000 đồng, Đỗ Thị Như T 143.709.000 đồng, Đinh Thị H 100.000.000 đồng; Nguyễn Thị Thu H số tiền 15.000.000 đồng.

Hội đồng xét xử thấy cần buộc các bị cáo phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra cho cha mẹ học sinh với tổng số tiền là 189.778.000 đồng.

Ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại đã gây ra cho cha mẹ học sinh giữa các bị cáo cụ thể như sau:

Bị cáo Bùi Thị S số tiền là 99.778.000 đồng. Bị cáo Đinh Thị H số tiền là 40.000.000 đồng.

Bị cáo Đỗ Thị Như T số tiền là 35.000.000 đồng.

Bị cáo Nguyễn Thị Thu H số tiền là 15.000.000 đồng.

[6]. Hội đồng xét xử xét thấy các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, yêu cầu đề nghị của Kiểm sát viên, các bị cáo đã tranh luận trong phiên tòa là hợp pháp và được chấp nhận.

[7] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Hội đồng xét xử thấy các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[8] Về án phí: Các bị cáo bị kết án có tội nên phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật .

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1, khoản 4 Điều 356; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Bùi Thị S;

Căn cứ vào khoản 1, khoản 4 Điều 356; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54 của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Đinh Thị H;

Căn cứ vào khoản 1, khoản 4 Điều 356; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 65 của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Đỗ Thị Như Thanh;

Căn cứ vào khoản 1, khoản 4 Điều 356; các điểm b, s, v, x khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 36 của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Nguyễn Thị Thu H;

Căn cứ Điều 48 của Bộ luật Hình sự; khoản 2 Điều 106; khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án đối với tất cả các bị cáo.

1. Tuyên bố các bị cáo Bùi Thị S, Đỗ Thị Như T, Đinh Thị H, Nguyễn Thị Thu H phạm tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” .

1.1. Xử phạt bị cáo Bùi Thị S 12 (mười hai) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án, được trừ đi thời gian đã tạm giam từ ngày 27-5-2020 đến ngày 03-7-2020; phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến quản lý kinh tế trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

1.2. Xử phạt bị cáo Đinh Thị H 09 (chín) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án, được trừ đi thời gian đã tạm giam từ ngày 27-5-2020 đến ngày 03-7-2020; phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến quản lý kinh tế trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

1.3. Xử phạt bị cáo Đỗ Thị Như T 09 (chín) tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 tháng tính từ ngày tuyên án; phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến quản lý kinh tế trong thời hạn 02 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Giao bị cáo Đỗ Thị Như T cho Ủy ban nhân dân xã N, thành phố N, tỉnh Ninh Bình giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố tình vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

1.4. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Thu H 12 (mười hai) tháng cải tạo không giam giữ, thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ tính từ ngày Ủy ban nhân dân phường N, thành phố N, tỉnh Ninh Bình nhận được Quyết định thi hành án và bản sao bản án. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến thủ quỹ trong thời hạn 02 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Khấu trừ 5% thu nhập hàng tháng của bị cáo Nguyễn Thị Thu H để sung quỹ Nhà nước. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Miễn hình phạt bổ sung bằng tiền đối với tất cả các bị cáo.

2. Về trách nhiệm dân sự:

Buộc các bị cáo phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra cho cha mẹ học sinh thông qua chị Nguyễn Thị Minh T là trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh tổng số tiền là 189.778.000 đồng, ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các bị cáo cụ thể như sau:

Bị cáo Bùi Thị S phải bồi thường số tiền là 99.778.000 đồng. Bị cáo Đinh Thị H phải bồi thường số tiền là 40.000.000 đồng.

Bị cáo Đỗ Thị Như T phải bồi thường tiền là 35.000.000 đồng.

Bị cáo Nguyễn Thị Thu H phải bồi thường số tiền là 15.000.000 đồng.

Được đối trừ trong số tiền các bị cáo đã nộp, cụ thể: Bùi Thị S 290.000.000 đồng, Đỗ Thị Như T 143.709.000 đồng, Đinh Thị H 100.000.000 đồng, Nguyễn Thị Thu H 15.000.000 đồng (Số tiền của bị cáo nào còn thừa được trả lại cho bị cáo đó sau khi hoàn thành nghĩa vụ thi hành án).

Tiếp tục quản lý số tiền 533.709.000 đồng do Cơ quan điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã chuyển vào tài khoản của Cục thi hành án dân sự tỉnh Ninh Bình tài khoản số: 3949.0.1054125.00000 theo Ủy nhiệm chi lập ngày 25/3/2021 tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Ninh Bình để đảm bảo thi hành án đối với các bị cáo Bùi Thị S, Đỗ Thị Như T, Đinh Thị H.

Tiếp tục quản lý số tiền 15.000.000 đồng của bị cáo Nguyễn Thị Thu Hà theo Biên lai thu tiền số AA/2010/03088 ngày 19/02/2021 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Ninh Bình để đảm bảo thi hành án.

3. Về án phí: Các bị cáo Bùi Thị S, Đỗ Thị Như T, Đinh Thị H, Nguyễn Thị Thu H, mỗi bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện tại điều 30 Luật thi hành án dân sự

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1448
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ số 16/2021/HS-ST

Số hiệu:16/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Ninh Bình
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 17/08/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;