TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 90/2018/HS-PT NGÀY 17/09/2018 VỀ TỘI LÀM GIẢ CON DẤU, TÀI LIỆU CỦA CƠ QUAN
Trong các ngày 12 và 17 tháng 9 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 96/2018/TLPT-HS ngày 09 tháng 7 năm 2018 đối với bị cáo Nguyễn Thị Trung H và đồng phạm, do có kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thị Trung H, Tất H và Trịnh Văn N đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 151/2018/HS-ST ngày 31/05/2018 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Bình Dương.
- Bị cáo có kháng cáo:
1/ Họ và tên: Nguyễn Thị Trung H, sinh ngày 04/6/1984, tại tỉnh Bình Dương. Hộ khẩu thường trú: Số 18/62, khu phố 4, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương; trình độ học vấn: 12/12; nghề nghiệp: Công nhân; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; con ông Nguyễn Văn R và bà Lê Thị H; bị cáo chưa có chồng, con; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giữ ngày 13/5/2014 đến ngày 24/9/2014 hủy bỏ biện pháp tạm giam và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú (có mặt)
2/ Họ và tên: Tất H, sinh ngày 27/5/1972, tại tỉnh Đồng Nai. Hộ khẩu thường trú: Ấp B, xã T, huyện V, tỉnh Đồng Nai; trình độ học vấn: 12/12; nghề nghiệp: Phiên dịch viên tự do; dân tộc: Hoa; giới tính: Nam; tôn giáo: Phật giáo; con ông Tất C và bà Thiệu Tố N, có vợ là Trịnh Thị B, có 03 con (lớn nhất sinh năm 1993, nhỏ nhất sinh năm 2012); tiền án, tiền sự: Không. Nhân thân: Ngày 29/7/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xử phạt 01 năm 08 tháng tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Bản án hình sự sơ thẩm số 64/2016/HS-ST. Bị cáo bị bắt tạm giữ ngày 10/7/2014 đến ngày 06/01/2015 hủy bỏ biện pháp tạm giam và ápdụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú (vắng mặt).
3/ Họ và tên: Trịnh Văn N5, sinh ngày 22/5/1985 tại tỉnh Hà Tĩnh. Hộ khẩu thường trú: Tổ 8A, khu phố 4, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; trình độ học vấn: 9/12; nghề nghiệp: Làm thuê; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; con ông Trịnh Văn B và bà Lê Thị H, có vợ là Nguyễn Thị T, có 02 con (lớn sinh năm 2007, nhỏ sinh năm 2014); tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giữ ngày 06/01/2015 đến ngày 06/4/2015 áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú (có mặt).
- Người tham gia tố tụng khác:
Người bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn N5: Ông Phan Thanh H – Luật sư Văn phòng Luật sư P thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).
Ngoài ra, trong vụ án còn có 08 bị cáo khác và 04 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do không có kháng cáo, không bị kháng nghị, không liên quan đến kháng cáo nên Tòa án không triệu tập đến phiên tòa.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Tháng 3 năm 2011, Nguyễn Thị Trung H quen và chơi thân với Phan Thị Ánh N1 là Kế toán trưởng trong công ty Trách nhiệm hữu hạn thiết kế và xây dựng P ở phường T, thị xã B, tỉnh Bình Dương. Đến cuối năm 2011, H vừa làm nhân sự của Công ty P, vừa làm dịch vụ cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài với mục đích tăng thêm thu nhập. H lấy tiền công dịch vụ cho việc xin một giấy phép lao động của người nước ngoài có đủ các giấy tờ hợp lệ là 500.000 đồng/Giấy phép lao động. Đối với người nước ngoài không có đầy đủ giấy Chứng nhận kinh nghiệm nghề hoặc lý lịch tư pháp thì H mua chứng nhận kinh nghiệm nghề, lý lịch tư pháp giả. Sau đó, H giao cho Nguyễn Chí Q; ngụ tại số 77 đường N, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương là cán bộ Phòng Tư pháp thành phố T, tỉnh Bình Dương dịch thuật và công chứng. Đồng thời, được Q hướng dẫn cách thức làm giả chứng nhận kinh nghiệm nghề, lý lịch tư pháp bằng cách: Dùng dao rọc giấy cạo, xóa những thông tin cá nhân trên quyển chứng nhận kinh nghiệm nghề và lý lịch tư pháp (bản sao công chứng phần chữ tiếng Hoa và tiếng Anh) của người nước ngoài đã được cấp Giấy phép lao động, sau đó phô tô thành nhiều bản; soạn thảo những thông tin cá nhân của người nước ngoài cần làm chứng nhận kinh nghiệm nghề giả và lý lịch tư pháp giả trên máy vi tính. Để bản sao quyển chứng nhận kinh nghiệm nghề và lý lịch tư pháp đã cạo, xóa vào máy in rồi in đè những thông tin cá nhân đã soạn thảo trên máy vi tính lên những chỗ đã cạo, xóa, vừa in, vừa chỉnh sửa trong nhiều lần đến khi các thông tin cá nhân trùng khớp vào các vị trí cần in đè lên và in ra thành những quyển chứng nhận kinh nghiệm nghề và lý lịch tư pháp.
Từ năm 2012 đến tháng 7/2013, H đã chi cho Q số tiền 50.000.000 đồng để Q dịch thuật, công chứng chứng nhận kinh nghiệm nghề và lý lịch tư pháp cho H. Việc Q dịch thuật, công chứng như thế nào thì H không rõ nhưng khi chuyển hồ sơ cho H thì đã có đầy đủ chữ ký của cộng tác viên dịch thuật, chữ ký của lãnh đạo và con dấu của Phòng Tư pháp thành phố T.
Với cách thức như trên, từ khoảng tháng 8/2011 đến tháng 10/2013, H đã nhận làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho 147 người nước ngoài làm việc tại 23 công ty trên địa bàn tỉnh Bình Dương, cụ thể như sau:
* Khoảng tháng 8 đến tháng 12/2011, Nguyễn Thanh P nhận làm giấy phép lao động cho 06 người nước ngoài làm việc trong Công ty TNHH may mặc W; 15 người làm việc trong Công ty TNHH nhựa C thuộc khu công nghiệp V và 05 người làm việc trong Công ty Pr. Sau đó, P thuê H làm để thu lợi từ tiền chênh lệch. Tất cả người nước ngoài làm việc trong 03 công ty này đều không có chứng nhận kinh nghiệm nghề, 23 người không có lý lịch tư pháp. P nhận làm với giá dao động từ 600 USD đến 800 USD/giấy phép lao động và thuê H làm với giá từ 550 USD đến 750 USD /giấy phép lao động, P thu lợi từ 20 USD đến 50 USD/giấy phép lao động, tương đương số tiền 23.520.000 đồng.
* Khoảng tháng 8/2011, do H thường xuyên đến nhà của Thái Kiến N1 để mua hạt điều cho công ty. Qua đó, H biết được N1 cũng làm dịch vụ xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài và có bán chứng nhận kinh nghiệm nghề giả, lý lịch tư pháp giả. Vì vậy, khi nhận làm giấy phép lao động cho 06 người nước ngoài từ P, H đã mua của N1 06 giấy chứng nhận kinh nghiệm nghề Trung Quốc giả với giá 280 USD/chứng nhận kinh nghiệm nghề. Ngoài ra, do thường xuyên xin cấp lý lịch tư pháp cho người nước ngoài nên H biết Nguyễn Văn V là cán bộ thuộc bộ phận tiếp nhận hồ sơ xin cấp Lý lịch tư pháp cho người nước ngoài thuộc Sở Tư Pháp tỉnh Bình Dương. H đã mua 06 Lý lịch tư pháp giả của V với giá 1.500.000 đồng/lý lịch tư pháp để xin cấp giấy phép lao động cho 06 người nước ngoài làm việc trong công ty TNHH may mặc W. Cách thức như sau: Nguyễn Văn V tiếp nhận hồ sơ xin cấp lý lịch tư pháp của H ở bên ngoài trụ sở cơ quan và không ký tên hay viết biên nhận. Khi nhận làm giả lý lịch tư pháp Việt Nam cho người nước ngoài từ H, V không nhập vào Sổ tiếp nhận của Sở Tư Pháp theo quy định mà sử dụng máy vi tính của cơ quan (đã cài sẵn phần mềm) để nhập thông tin cá nhân của người nước ngoài cần làm giả lý lịch tư pháp vào máy theo mẫu rồi và in ra giấy A4. V tự cho số vào phiếu lý lịch tư pháp và cắt chữ ký của Giám đốc Sở Tư pháp ở các văn bản khác chưa có đóng dấu dán lên vị trí chữ ký của Giám đốc trong tờ lý lịch tư pháp mà V vừa in ra rồi phô tô. Sau đó, V ký vào vị trí của cán bộ lập phiếu và chuyển cho bộ phận Văn phòng đóng dấu mộc của Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương lên chữ ký của Giám đốc để tạo thành một phiếu Lý lịch tư pháp hoàn chỉnh và giao cho H trong thời gian từ 07 đến 15 ngày và nhận tiền như thỏa thuận. Với cách thức trên, V bán cho H 14 lý lịch tư pháp giả với giá 1.500.000 đồng/ lý lịch tư pháp và bán cho Thái Kiến N1 10 lý lịch tư pháp với giá 500.000đồng/ lý lịch tư pháp, thu lợi 26.000.000 đồng. Như vậy, trong việc nhận làm giấy phép lao động cho 06 người nước ngoài làm việc trong Công ty TNHH may mặc W, sau khi trừ các khoản chi phí, H thu lợi 30.600.000 đồng.
* Khoảng tháng 10/2011, H đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh – Công an Bình Dương để làm thủ tục tạm trú cho người nước ngoài. Tại đây, H gặp Vũ Thị L, H nói với L biết là H nhận làm chứng nhận kinh nghiệm nghề giả cho người nước ngoài với giá 350 USD/quyển nên L nói L làm với giá 3.900.000 đồng/quyển. Vì vậy, H xin số điện thoại của L để liên lạc khi cần làm. Cũng trong khoảng thời gian này, thông qua một người (H không nhớ tên) cho H số điện thoại một người nam, họ Wang, quốc tịch Trung Quốc (thường gọi là ông V1) để liên hệ mua chứng nhận kinh nghiệm nghề, lý lịch tư pháp Đài Loan giả. H điện thoại trao đổi và thống nhất với ông V1: H sẽ mua chứng nhận kinh nghiệm nghề giả, lý lịch tư pháp Đài Loan giả với giá 4.000.000 đồng/quyển. Vì vậy, khi nhận làm giấy phép lao động cho 15 người nước ngoài làm việc trong Công ty TNHH nhựa C và 05 người nước ngoài làm việc trong Công ty Pr từ Nguyễn Thanh P, H đã mua 13 chứng nhận kinh nghiệm nghề giả, 13 lý lịch tư pháp giả của Vũ Thị L với giá 3.900.000đồng/quyển và 07 chứng nhận kinh nghiệm nghề giả, 04 lý lịch tư pháp giả của ông V1 với giá 4.000.000 đồng/quyển. Sau khi trừ các khoản chi phí, H thu lợi 52.950.000 đồng.
Khoảng tháng 10/2011 (không xác định ngày cụ thể), do làm chung Công ty P và chơi thân với nhau nên Phan Thị Ánh N2 biết H mua chứng nhận kinh nghiệm nghề giả và lý lịch tư pháp giả để làm thủ tục xin cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài nên N2 nói với H trong Khu công nghiệp B có Công ty TNHH Y mới thành lập và N2 có quen với Công ty này để N2 nhận hồ sơ xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài trong công ty này rồi H và N2 cùng làm và lợi nhuận sẽ chia đôi. H đồng ý nên từ tháng 10/2011 đến tháng 04/2012, N2 đã trực tiếp nhận làm giấy phép lao động; thẻ tạm trú cho 49 người Thái Lan với giá 800 USD và 06 người Trung Quốc với giá 700 USD /một người. Tất cả những người này đều không có chứng nhận kinh nghiệm nghề và 16 người Thái Lan không có lý lịch tư pháp. Cũng thời gian này, N2 nhận làm giấy phép lao động; thẻ tạm trú cho 03 người Trung Quốc (Đài Loan) làm việc trong Công ty TNHH P, trong đó 02 người không có chứng nhận kinh nghiệm nghề và lý lịch tư pháp nên N2 nhận với giá 700 USD và một người không có chứng nhận kinh nghiệm nghề nhưng có lý lịch tư pháp N2 nhận với giá 600 USD.
Quá trình làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho 58 người nước ngoài làm việc trong công ty TNHH Công nghệ Y và Công ty TNHH P. N2 là người trực tiếp nhận bản phô tô hộ chiếu, ảnh, tiền của người nước ngoài và dẫn người nước ngoài đi khám sức khỏe. Còn H liên hệ mua 45 chứng nhận kinh nghiệm nghề Trung Quốc giả và 13 lý lịch tư pháp giả của Vũ Thị L với giá 3.900.000 đồng/quyển; mua 13 chứng nhận kinh nghiệm nghề Đài Loan giả và 02 lý lịch tư pháp Đài Loan giả của ông V1 với giá 4.000.000 đồng/quyển; Mua 03 lý lịch tư pháp Việt Nam giả của Nguyễn Văn V với giá 1.500.000 đồng/lý lịch tư pháp. Sau đó, H hoàn chỉnh các biểu mẫu theo quy định và nộp cho Ban quản lý các khu công nghiệp Bình Dương đề nghị cấp giấy phép lao động. Sau khi trừ các khoản chi phí trong việc nhận làm giấy phép lao động; thẻ tạm trú cho 58 người nước ngoài làm việc trong 02 Công ty trên, H và N2 thu lợi 174.940.000 đồng. Số tiền này, H và N2 đã chia đôi mỗi người được 87.470.000 đồng.
Ngoài việc thu lợi 87.470.000 đồng, tính toán các khoản chi phí đã chi trong quá trình làm giấy phép lao động, N2 nói với H là N2 đã chi 5% tổng số tiền nhận làm giấy phép lao động; thẻ tạm trú cho 49 người Thái Lan làm việc trong Công ty Y để mua hóa đơn xuất cho công ty, tương đương số tiền 41.415.000 đồng để tiêu xài cá nhân vì thực tế N2 không có chi số tiền này.
* Khoảng tháng 10/2011, H đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh – Công an tỉnh Bình Dương để nộp hồ sơ xin cấp visa và thẻ tạm trú cho người nước ngoài nên gặp Đặng Thị Mỹ H1, đang làm tại Công ty thuộc da Y, Khu công nghiệp V. Qua trò chuyện, H1 hỏi H có biết cách để xin giấy phép lao động mà không cần có Chứng nhận kinh nghiệm nghề không thì H nói H làm được nên H1 thỏa thuận và thuê H để làm giấy phép lao động cho ông Y (là chồng của H1) đang làm việc tại Công ty T với giá 450 USD. Sau đó, H mua 01 chứng nhận kinh nghiệm nghề Đài Loan giả của ông V1 để làm giấy phép lao động cho Y và giao cho H1. Khoảng 01 tháng sau, H1 hỏi H có nhận làm giấy phép lao động nữa không vì H1 có những người bạn của chồng H1 đang cần làm Giấy phép lao động nhưng không có chứng nhận kinh nghiệm nghề và lý lịch tư pháp thì H đồng ý và thỏa thuận với H1 giá là 550 USD/giấy phép lao động nên H1 đã nhận làm Giấy phép lao động cho 02 người nước ngoài làm việc tại Công ty H, 02 người nước ngoài làm việc tại Công ty Y và 02 người nước ngoài làm việc tại Công ty Z rồi giao cho H. Sau khi nhận làm giấy phép lao động cho 06 người nước ngoài nói trên, H đã mua 02 chứng nhận kinh nghiệm nghề Trung Quốc giả và 02 lý lịch tư pháp Trung Quốc giả của Vũ Thị L với giá 3.900.000 đồng/quyển; mua 04 chứng nhận kinh nghiệm nghề Đài Loan giả và 02 lý lịch tư pháp Đài Loan giả của ông V với giá 4.000.000 đồng/quyển, còn 02 lý lịch tư pháp thì H tự làm giả. Sau khi trừ chi phí, H thu lợi 28.750.000 đồng.
* Khoảng cuối năm 2012, do Phạm Thị N3 chơi thân với H nên biết H có mua chứng nhận kinh nghiệm nghề giả và lý lịch tư pháp giả để xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài. Vì vậy, trong thời gian từ cuối năm 2012 đến tháng 4/2013. N3 đã nhận làm Giấy phép lao động cho 08 người nước ngoài làm việc trong Công ty TNHH dệt H. Trong đó, 06 người nước ngoài, N3 nhận với giá 500USD/giấy phép lao động, 02 người nước ngoài, N3 nhận với giá 700 USD/giấy phép lao động. Sau đó, N3 thuê H làm với giá 8.000.000 đồng/giấy phép lao động để hưởng tiền chênh lệch. Tổng cộng, N3 thu lợi được 1.200USD, tương đương 25.200.000 đồng.
Khi nhận làm giấy phép lao động cho 08 người nước ngoài làm việc trong Công ty dệt H từ Phạm Thị N3. Do những người nước ngoài này đều không có chứng nhận kinh nghiệm nghề và lý lịch tư pháp nên H đã mua 07 chứng nhận kinh nghiệm nghề Trung Quốc giả và 02 lý lịch tư pháp Trung Quốc giả của Vũ Thị L với giá 3.900.000 đồng/quyển; mua 01 chứng nhận kinh nghiệm nghề Đài Loan giả và 01 lý lịch tư pháp Đài Loan giả của ông V1 với giá 4.000.000 đồng/quyển, còn 05 lý lịch tư pháp Đài Loan giả do H tự làm. Sau khi trừ các khoản chi phí, H thu lợi được 7.600.000 đồng.
* Khoảng tháng 8 năm 2013, Nguyễn Thị H2 là Trưởng phòng nhân sự Công ty F, Khu công nghiệp V đến Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương để nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép lao động cho 02 người nước ngoài trong Công ty TNHH F. Do lý lịch tư pháp Việt Nam của họ không đủ 06 tháng theo quy định nên hồ sơ bị trả lại. Lúc này, H cũng đang có mặt tại đây nên H nói chuyện hỏi thăm và làm quen với H2. H nói với H2, hồ sơ của H2, H làm được giấy phép lao động. Khi nghe H nói, H2 biết H sẽ sử dụng giấy tờ giả để làm giấy phép lao động nhưng do đang cần nên H2 đồng ý thuê H làm Giấy phép lao động cho 02 người nước ngoài làm việc trong Công ty F với giá 470 USD/Giấy phép lao động nhưng khi thanh toán với Công ty, H2 nâng giá là 520 USD/Giấy phép lao động để hưởng chênh lệch 50 USD/Giấy phép lao động.
Đến khoảng tháng 10 năm 2013, H2 nhận làm Giấy phép lao động cho 10 người nước ngoài làm việc trong Công ty Giày T với giá 320 USD/Giấy phép lao động. Những người nước ngoài này đã có lý lịch tư pháp nhưng không có Chứng nhận kinh nghiệm nghề. Sau đó, H2 thuê H làm giấy phép lao động cho những người nước ngoài này với giá 270 USD/Giấy phép lao động để hưởng tiền chênh lệch. H2 thu lợi được 600 USD, tương đương 12.600.000 đồng.
Sau khi nhận làm giấy phép lao động cho 12 người nước ngoài làm việc tại Công ty F và Công ty Giày T từ Nguyễn Thị H2. H đã mua 12 Chứng nhận kinh nghiệm nghề Trung Quốc giả và 02 lý lịch tư pháp Trung Quốc giả của Vũ Thị L với giá 3.900.000 đồng/quyển. Sau khi trừ chi phí, H thu lợi được29.640.000 đồng.
Khi nhận làm Giấy phép lao động và thẻ tạm trú cho những người nước ngoài này, H không nói cho những người nước ngoài này biết việc H sử chứng nhận kinh nghiệm nghề giả và lý lịch tư pháp giả để xin cấp giấy phép lao động. Sau đó, H mua 25 chứng nhận kinh nghiệm nghề Trung Quốc giả, 21 lý lịch tư pháp Trung Quốc giả của Vũ Thị L với giá 3.900.000 đồng/quyển; mua 10 chứng nhận kinh nghiệm nghề Đài Loan giả, 04 lý lịch tư pháp Đài Loan giả của ông V1 với giá 4.000.000 đồng/quyển; Mua 05 lý lịch tư pháp Việt Nam giả của Nguyễn Văn V; còn 01 chứng nhận kinh nghiệm nghề và 02 lý lịch tư pháp Đài Loan giả do H tự làm. Sau khi trừ chi phí, H thu lợi được 115.250.000 đồng.
Khoảng tháng 8/2011, khi Vũ Thị L đến Văn phòng kinh tế văn hóa Đài Bắc ở Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh để gia hạn hộ chiếu cho ông K là người nước ngoài đang làm việc trong Công ty G thì gặp một người nữ đang làm việc trong một Công ty ở thành phố B, tỉnh Đồng Nai (không rõ họ tên, địa chỉ cụ thể) cũng đến để gia hạn hộ chiếu cho người nước ngoài đang làm việc trong công ty. Qua nói chuyện về việc làm Giấy phép lao động cho người nước ngoài thì người nữ này cho L số điện thoại 0949.511.164 của người nam tên Tất H, là phiên dịch tự do (Tiếng Hoa) để L liên lạc làm giấy phép lao động cho người nước ngoài khi có nhu cầu vì tất cả những giấy phép lao động của những người nước ngoài đang làm việc tại công ty đều do Tất H làm.
Tất H làm chứng nhận kinh nghiệm nghề, lý lịch tư pháp giả bằng cách: Tất H sử dụng máy tính xách tay và máy in, máy scan của để soạn thảo, in ấn những nội dung trong quyển Chứng nhận kinh nghiệm nghề và lý lịch tư pháp bằng tiếng Hoa và tiếng Anh (soạn theo mẫu của những quyển Chứng nhận kinh nghiệm nghề và Lý lịch tư pháp thật). Còn con dấu mộc tròn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và chữ ký của ông Lê Nguyên T, Nguyễn Đình N (là Đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam ở Trung Quốc) thì Tất H nhờ một người nam tên N4 (không rõ họ tên, địa chỉ cụ thể) đến Thành phố Hồ Chí Minh để khắc con dấu giả (không xác định địa điểm cụ thể). Con dấu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Tất H trả cho N4 với giá 5.000.000 đồng; con dấu chữ ký của ông Lê Nguyên T, Nguyễn Đình N, Tất H trả cho N4 với giá 250.000 đồng/một dấu; còn các con dấu mộc tròn của Đại sứ quán Việt Nam; Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Trung Quốc và chữ ký của các đại điện lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam khác ở Trung Quốc thì Tất H tự scan ra. Còn các chữ ký của những người công tác tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì Tất H tự ký giả.
Sau khi soạn thảo và in ấn xong, Tất H và Trịnh Văn N5 (N5 là anh vợ của Hòa) đóng thành những quyển chứng nhận kinh nghiệm nghề giả, lý lịch tư pháp giả giống như thật, có trường hợp Tất H đem đến các Văn phòng Công chứng trên địa bàn quận T, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh để dịch thuật, công chứng rồi giao cho Thái Kiến N1 và Vũ Thị L. Sau đó, N1 và L chỉ làm thủ tục xin cấp Giấy phép lao động. Trong trường hợp nếu Tất H không đi dịch thuật, công chứng mà giao bản Tiếng Hoa, Tiếng Anh cho Thái Kiến N1 và Vũ Thị L thì Thái Kiến N1 và Vũ Thị L tự đi dịch thuật, công chứng.
Sau khi hoàn thành xong những quyển Chứng nhận kinh nghiệm nghề giả, lý lịch tư pháp giả giống như thật, Tất H tự đi giao hoặc thuê Trịnh Văn N5 đi giao những quyển chứng nhận kinh nghiệm nghề giả, lý lịch tư pháp giả cho N1 và L.
Sau khi L có số điện thoại của Tất H, đến khoảng tháng 9/2011, khi ông K có nhu cầu làm giấy phép lao động nhưng do ông K chỉ có lý lịch tư pháp mà không có chứng nhận kinh nghiệm nghề nên L đã cho bà W, là chủ quản tài vụ của Công ty G số điện thoại của Tất H. Sau đó, bà W đã cho ông K số điện thoại của Tất H. Ông K gọi điện thoại liên lạc và thoả thuận với Tất H để làm Chứng nhận kinh nghiệm nghề cho ông với giá 350 USD/quyển. Khoảng 20 ngày sau, Tất H làm xong Chứng nhận kinh nghiệm nghề cho ông K nên ông K cho Tất H số điện thoại của bà W để liên lạc lấy tiền và giao chứng nhận kinh nghiệm nghề. Sau đó, bà W đưa Chứng nhận kinh nghiệm nghề của ông K cho L để L hoàn chỉnh các thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động cho ông K. Khi nhận được tiền làm chứng nhận kinh nghiệm nghề của ông K, Tất H cho L 200.000 đồng tiền hoa hồng về việc L cho bà W số điện thoại của Tất H. Sau khi ông K được cấp giấy phép lao động, bà W liên lạc với Tất H để mua thêm 03 chứng nhận kinh nghiệm nghề cho 03 người nước ngoài làm việc trong Công ty G với giá 350 USD /chứng nhận kinh nghiệm nghề rồi giao cho L để hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho 03 người nước ngoài nói trên. Lúc này, bà W đã biết những Chứng nhận kinh nghiệm nghề mà Tất H bán cho bà là giấy tờ giả vì bà chỉ cung cấp bản phô tô hộ chiếu và những người nước ngoài trong công ty của bà chưa từng làm trong các công ty ở Trung Quốc nhưng trong xác nhận kinh nghiệm nghề thì do các công ty ở Trung Quốc xác nhận. Để thuận lợi cho những người nước ngoài khi làm việc trong công ty nên bà đồng ý đặt mua của Tất H. Ngoài ra, trong Công ty G còn có 04 người nước ngoài cần làm Giấy phép lao động nên L đã trực tiếp liên lạc và đặt mua của Tất H 04 Chứng nhận kinh nghiệm nghề giả để làm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho 04 người nước ngoài này. Bà W đã chi tiền cho L để mua chứng nhận kinh nghiệm nghề giả của Tất H và L đã nâng giá mua để hưởng tiền chênh lệch. Sau khi làm xong giấy phép lao động cho 04 người nước ngoài nêu trên, L thu lợi 1.800.000 đồng và được Tất H cho L 300.000 đồng. Tổng cộng, L thu lợi 2.100.000 đồng. Ngoài ra, L còn mua Chứng nhận kinh nghiệm nghề giả, lý lịch tư pháp giả của Tất H để bán cho H nhằm thu lợi bất chính.
Ngoài ra, L còn bán chứng nhận kinh nghiệm nghề, lý lịch tư pháp giả cho những người sau:
Do L làm Tổng vụ trong Công ty G nên thường xuyên đến Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Bình Dương và Phòng Lao động Thương binh xã hội thị xã T, tỉnh Bình Dương để nộp báo cáo và giải quyết những vấn đề liên quan đến Công ty nên L quen với Nguyễn Kim K (Phó Chánh Thanh tra Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Bình Dương); Nguyễn Ngọc T là Cán bộ Phòng Tiền Lương - Bảo hiểm xã hội thuộc Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Bình Dương và Phan Văn H là Phó Trưởng phòng lao động thương binh xã hội thị xã T, tỉnh Bình Dương. Xuất phát từ mối quan hệ trên, nên khoảng đầu năm 2012, qua trao đổi với L về việc làm giấy phép lao động cho người nước ngoài, Phan Văn H biết L có bán chứng nhận kinh nghiệm nghề giả với giá 4.500.000 đồng/quyển nên đã mua của L 20 quyển Chứng nhận kinh nghiệm nghề giả rồi bán cho Thái Kiến N1 với giá 5.200.000 đồng/quyển. Mỗi quyển chứng nhận kinh nghiệm nghề giả khi bán cho N1, Phan Thanh H thu lợi 700.000 đồng. Tổng cộng, Phan Thanh H đã thu lợi 14.000.000 đồng.
Khi nhận bán 20 chứng nhận kinh nghiệm nghề của Phan Thanh H, L đã đặt Tất H làm giả với giá 200 USD/chứng nhận kinh nghiệm nghề. Sau khi trừ chi phí dịch thuật, L thu lợi 150.000 đồng/chứng nhận kinh nghiệm nghề. Tổng cộng, L thu lợi được 3.000.000 đồng.
Ngoài ra, thông qua mối quan hệ với Nguyễn Thị Trung H, Nguyễn Kim K biết L có bán chứng nhận kinh nghiệm nghề và lý lịch tư pháp giả cho người nước ngoài. Vì vậy, khoảng tháng 3 năm 2012, khi được Lê Thị T là nhân sự của Công ty V, nhờ K giúp làm giấy phép lao động cho 05 người nước ngoài đang làm việc tại Công ty V do những người nước ngoài nay không có Chứng nhận kinh nghiệm nghề thì K đồng ý nên đặt mua của L 05 quyển Chứng nhận kinh nghiệm nghề giả với giá 4.300.000 đồng đến 4.500.000 đồng/quyển. Sau đó, L đặt Tất H làm giả với giá 4.000.000 đồng/quyển có dịch thuật và công chứng, L thu lợi 1.350.000 đồng. Đến khoảng tháng 9 năm 2013, khi được Nguyễn Thanh T, là kế toán trưởng của Công ty V nhờ K giúp làm Giấy phép lao động cho người 05 nước ngoài đang làm việc tại Công ty thì K đồng ý nên đặt mua của Liên 05 quyển Chứng nhận kinh nghiệm nghề giả với giá 3.400.000 đồng/quyển. Sau đó, L đặt Tất H làm giả với giá 3.000.000 đồng/quyển. Khi H và L bị tố cáo nên L không giao 05 quyển Chứng nhận kinh nghiệm nghề giả cho K và không nhận tiền từ K.
Khoảng tháng 8 năm 2012, Nguyễn Ngọc T thường tiếp xúc và làm việc với nhiều nhân sự trong các Công ty trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Trong thời gian này, có một người nữ làm ở bộ phận nhân sự trong công ty có nhờ T mua 03 Chứng nhận kinh nghiệm nghề giả để hoàn chỉnh hồ sơ xin cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài. Qua trao đổi với L, T biết L bán Chứng nhận kinh nghiệm nghề giả nên đã đặt mua của L 03 Chứng nhận kinh nghiệm nghề giả cho người nữ nói trên với giá 4.000.000 đồng/quyển. T đã nhận của người nữ này 12.000.000 đồng để mua Chứng nhận kinh nghiệm nghề nhưng do cần tiền chi tiêu cá nhân nên T tạm ứng cho L 3.900.000 đồng và còn nợ 8.100.000 đồng.
Quá trình tự thú hành vi phạm tội, T đã tự nguyện giao nộp 8.100.000 đồng tiền nợ L cho Cơ quan An ninh điều tra – Công an tỉnh Bình Dương.
Khoảng tháng 4 năm 2013, khi có 05 người nước ngoài liên lạc với N3 hỏi mua 05 Chứng nhận kinh nghiệm nghề giả và 01 lý lịch tư pháp giả thì N3 đồng ý bán với giá 4.500.000 đồng/quyển. Sau đó, N3 đặt mua của L với giá 4.000.000 đồng/quyển để hưởng tiền chênh lệch. N3 đã thu lợi từ việc mua, bán 05 quyển Chứng nhận kinh nghiệm nghề giả được 2.500.000 đồng. Sau khi được N3 đặt mua 05 Chứng nhận kinh nghiệm nghề giả và 01 Lý lịch tư pháp giả, L đã đặt Tất H làm giả với giá 3.700.000 đồng/quyển và L thu lợi 1.500.000 đồng.
Khoảng tháng 9 năm 2013, do thường đến Phòng Tư pháp thành phố T để công chứng nên L biết Nguyễn Chí Q là cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Quốc biết L mua, bán Chứng nhận kinh nghiệm nghề và Lý lịch tư pháp của người nước ngoài nên Q đã đặt mua của L 02 Chứng nhận kinh nghiệm nghề và 01 lý lịch tư pháp với giá 3.750.000 đồng/quyển. Sau đó, L đặt mua của Tất H 03 Chứng nhận kinh nghiệm nghề, lý lịch tư pháp giả với giá 3.750.000 đồng/quyển. Sau đó, L cho Trịnh Văn N5 số điện thoại của Q để N5 liên hệ lấy hồ sơ và giao chứng nhận kinh nghiệm nghề, lý lịch tư pháp giả cho Q. L đã thanh toán tiền cho Tất H xong nhưng Q còn nợ Liên 1.500.000 đồng. Do L đặt mua dùm Q nên không thu lợi từ việc mua, bán chứng nhận kinh nghiệm nghề và lý lịch tư pháp giả này.
Cũng trong thời gian trên, L còn nhận làm Giấy phép lao động và Thẻ tạm trú cho 02 người nước ngoài làm việc trong Công ty TNHH Sơn H thuộc khu công nghiệp Đ thông qua Thủ quỹ của Công ty là Háu Cắm C (tự Kim H). L nhận với giá 700 USD/giấy phép lao động. Sau đó, L mua chứng nhận kinh nghiệm nghề, lý lịch tư pháp giả của Tất H giá 4.500.000 đồng. Sau khi trừ các chi phí làm Thẻ tạm trú, chi phí cho Ban quản lý khu công nghiệp để làm Giấy phép lao động, chi phí đăng báo, chi phí cho Háu Cắm C mỗi trường hợp hết 12.560.000 đồng, L thu lợi 4.280.000 đồng.
Tất cả chứng nhận kinh nghiệm nghề Trung Quốc giả và lý lịch tư pháp Trung Quốc giả mà L bán, mua của Tất H với giá từ 3.000.000 đồng đến 4.500.000 đồng/quyển. Thu lợi từ 150.000 đồng đến 400.000 đồng/quyển. Ngoài ra, khi nhận làm giấy phép lao động cho 02 người nước ngoài làm việc trong Công ty TNHH Sơn H, L thu lợi 2.140.000 đồng/giấy phép lao động. Tổng cộng, L thu lợi từ việc mua, bán chứng nhận kinh nghiệm nghề Trung Quốc giả; lý lịch tư pháp Trung Quốc giả và sử dụng các giấy tờ giả nói trên để làm giấy phép lao động cho người nước ngoài là 56.000.000 đồng.
Quá trình mua chứng nhận kinh nghiệm nghề giả và lý lịch tư pháp giả của Tất H, có khi Tất H trực tiếp giao cho L. Trường hợp Tất H bận, không giao cho L được thì Tất H kêu Trịnh Văn N5 đi giao cho Liên. Trịnh Văn N5 đã giao cho L được 110 chứng nhận kinh nghiệm nghề giả và lý lịch tư pháp giả. Khi giao Chứng nhận kinh nghiệm nghề giả và lý lịch tư pháp giả cho L Trịnh Văn N5 biết rõ đây là chứng nhận kinh nghiệm nghề giả và lý lịch tư pháp Trung Quốc giả vì N5 đã cùng Tất H làm giả chứng nhận kinh nghiệm nghề và lý lịch tư pháp tại nhà của Tất H.
Khoảng năm 2011, khi Thái Kiến N1 là Trưởng phòng nhân sự Công ty P. Do trong công ty có 90 người Trung Quốc làm việc nhưng có 50 người Trung Quốc không có chứng nhận kinh nghiệm nghề và lý lịch tư pháp. Vì vậy, bà Liu Ai F (là Trợ lý của Phó Tổng giám đốc Lui Shu S, hiện nay Lui Shu S đã về Trung Quốc) đã gọi điện cho Tất H hỏi mua 15 Chứng nhận kinh nghiệm nghề giả với giá 300 USD/quyển. Sau đó, bà Liu Ai F chuyển điện thoại để Thái Kiến N1 chỉ đường cho Tất H đến công ty. Sau khi Tất H đến công ty, N1 đã cung cấp hộ chiếu, danh sách chức vụ, công việc hiện tại của những người nước ngoài làm việc tại công ty cho Tất H và yêu cầu thủ quỹ ghi Phiếu chi tiền đặt cọc cho Tất H. Khoảng 02 tuần sau, Tất H đem 15 chứng nhận kinh nghiệm nghề giả giao cho N1 và nhận số tiền còn lại. Những lần sau đó, Nhi đã trực tiếp đặt mua của Tất H 30 chứng nhận kinh nghiệm nghề giả và mua 20 chứng nhận kinh nghiệm nghề giả của Phan Văn H để làm giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Công ty P.
Ngoài ra, N1 còn nhận làm thủ tục cấp giấy phép lao động cho 25 người nước ngoài (trong đó có 11 người không có chứng nhận kinh nghiệm nghề và 14 người không có chứng nhận kinh nghiệm nghề và lý lịch tư pháp. Đối với 11 người không có chứng nhận kinh nghiệm nghề, N1 mua chứng nhận kinh nghiệm nghề giả của Tất H với giá 300 USD/quyển tương đương với giá 6.300.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, N1 thu lợi 2.500.000 đồng/giấy phép lao động, tổng cộng, N1 thu lợi được 27.500.000 đồng. Đối với 10 người không có chứng nhận kinh nghiệm nghề và lý lịch tư pháp, N1 mua chứng nhận kinh nghiệm nghề giả của Tất H với giá 300 USD/quyển; mua lý lịch tư pháp giả của Nguyễn Văn V với giá 500.000 đồng/Lý lịch tư pháp giả. Sau khi trừ chi phí, N1 thu lợi 30.500.000 đồng. Đối với 04 người không có Chứng nhận kinh nghiệm nghề, Lý lịch tư pháp, N1 mua chứng nhận kinh nghiệm nghề giả, lý lịch tư pháp giả của Tất H với giá 600 USD/01 chứng nhận kinh nghiệm nghề và 01 lý lịch tư pháp. Sau khi trừ đi chi phí, N1 thu lợi 7.720.000 đồng.
Thu lợi của Thái Kiến N1 từ việc làm giấy phép lao động cho 25 người nước ngoài nói trên là 65.720.000 đồng. Ngoài ra, N1 còn mua của Tất H 20 chứng nhận kinh nghiệm nghề giả, lý lịch tư pháp giả với giá 5.380.000 đồng/quyển để bán cho Nguyễn Thị Trung H với giá 5.880.000 đồng/quyển, thu lợi 10.000.000 đồng. Tổng cộng, Thái Kiến N1 thu lợi 75.720.000 đồng.
Quá trình điều tra, Phan Thị Ánh N2 đã cung cấp cho cơ quan chức năng những thông tin có giá trị phục vụ công tác thu thập tài liệu, chứng cứ để mở rộng điều tra vụ án. N2 có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự và đã khai báo thành khẩn, ăn năn, hối cải về hành vi phạm tội. N2 đã tự nguyện giao nộp toàn bộ số tiền thu lợi bất chính 128.885.000 đồng cho Cơ quan An ninh điều tra – Công an tỉnh Bình Dương để tịch thu sung quỹ Nhà nước. Để tạo điều kiện và khuyến khích người tố giác tội phạm và người vi phạm lập công chuộc tội. Đồng thời, thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật. Căn cứ khoản 2, Điều 25 Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định về miễn trách nhiệm hình sự. Cơ quan An ninh điều tra – Công an tỉnh Bình Dương không xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự đối với N2.
Đối với Nguyễn Chí Q, quá trình tiếp nhận hồ sơ dịch thuật, công chứng cho H, Q biết hồ sơ là giả nên thường gây khó khăn cho H, Q nói “Hồ sơ giả con dấu in ấn chứ không phải con dấu thật” rồi trả lại cho H. Sau đó, Q chủ động điện thoại cho H nói cho H biết Q có cách dịch thuật hồ sơ cho H và kêu H không đem hồ sơ đến Phòng Tư pháp thành phố T để nộp mà đưa trực tiếp cho Q tại các địa điểm như: Câu lạc bộ Bida chuyên nghiệp (trên đường Đ); Quán cafe S (gần ngã tư C); cửa hàng Photocopy Mỹ L ở số 529, đường Đ, phường H, thành phố T, tỉnh Bình Dương gửi những quyển chứng nhận kinh nghiệm nghề, lý lịch tư pháp giả cần dịch thuật cho Q thông qua Hồ Thị Kim T, là nhân viên cửa hàng Photocopy Mỹ L. Mỗi chứng nhận kinh nghiệm nghề giả và lý lịch tư pháp giả khi dịch thuật, công chứng xong, H phải trả cho Q từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. Việc Q dịch thuật, công chứng như thế nào thì H không rõ nhưng khi giao hồ sơ lại cho H thì H thấy có đầy đủ chữ ký của cộng tác viên dịch thuật, chữ ký của lãnh đạo và con dấu của Phòng Tư pháp thành phố T. Ngoài ra, Q còn chỉ cho H cách cạo sửa để làm giả Chứng nhận kinh nghiệm nghề và lý lịch tư pháp. Sau đó, mỗi một quyển chứng nhận kinh nghiệm nghề Đài Loan giả và quyển lý lịch tư pháp Đài Loan giả mà H làm rồi đưa cho Q dịch thuật, công chứng, H phải trả cho Q 1.500.000 đồng/quyển. Trong thời gian từ đầu năm 2012 đến khoảng tháng 7/2013, H đã chi cho Q 50.000.000 đồng trong việc dịch thuật, công chứng Chứng nhận kinh nghiệm nghề và lý lịch tư pháp nêu trên. Ngoài ra, vào khoảng tháng 8 năm 2013, Q đã đặt mua của L 02 quyển chứng nhận kinh nghiệm nghề giả và lý lịch tư pháp giả với giá 3.750.000 đồng/quyển. Khi đặt mua Q dặn L “Nói người ta làm đẹp, đừng có lem dấu, Đại sứ quán tem và dấu đều là một, Lãnh sự quán tem và dấu đều giống nhau”. Sau đó, L đặt mua của Tất H. Khi Tất H làm xong, Tất H kêu Trịnh Văn N5 đem giao cho Vũ Thị L và L điện thoại kêu N5 giao trực tiếp cho Q tại Phòng Tư pháp thành phố T. Khi N5 giao cho Q thì Q không trả tiền ngay mà khoảng 15 ngày sau Q trả tiền cho L và còn thiếu L 1.500.000 đồng.
Quá trình điều tra, Q phủ nhận hoàn toàn việc chỉ cho H cách làm lý lịch tư pháp Đài Loan giả và việc nhận tiền khi nhận dịch thuật, công chứng những quyển chứng nhận kinh nghiệm nghề giả, Lý lịch tư pháp giả của H và mua Chứng nhận kinh nghiệm nghề giả của L. Cơ quan An ninh điều tra – Công anh tỉnh Bình Dương đã cho L và H đối chất với Q nhưng Q vẫn giữ nguyên lời khai. Căn cứ vào hồ sơ và tài liệu chứng cứ đã thu thập chưa đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Q. Cơ quan An ninh điều tra – Công an tỉnh Bình Dương tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ, xử lý sau.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 151/2018/HS-ST ngày 31/5/2018 của Tòa án nhân dân thành phố T đã tuyên xử:
+ Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 267; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 53 của Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Trung H 03 (ba) năm tù.
+ Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 267; điểm p khoản 1 Điều 46; Điều 53 của Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Xử phạt bị cáo Tất H 03 (ba) năm tù.
+ Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 267; điểm p khoản 1 Điều 46; Điều 53 của Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Xử phạt bị cáo Trịnh Văn N5 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Sau khi tuyên án,
Ngày 11/6/2018, bị cáo Trịnh Văn N5 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.
Ngày 12/6/2018, bị cáo Nguyễn Thị Trung H kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.
Ngày 13/6/2018, bị cáo Tất H kháng cáo về tội danh áp dụng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, quan điểm giải quyết vụ án của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương thể hiện như sau:
Về tố tụng: Các bị cáo kháng cáo bản án trong thời hạn quy định nên Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm để xem xét giải quyết kháng cáo của bị cáo là đúng quy định pháp luật.
Về yêu cầu kháng cáo của bị cáo: Đối với bị cáo Nguyễn Thị Trung H đã thực hiện hành vi phạm tội rất nhiều lần tổng cộng bị cáo đã tham gia mua bán 147 bộ hồ sơ với tổng số tiền thu lợi bất chính là 352.260.000 đồng. Bị cáo kháng cáo nhưng không cung cấp được thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào mới. Đối với bị cáo Trịnh Văn N5 sau khi kháng cáo, bị cáo đã nộp lại bộ số tiền thu lợi bất chính. Tuy nhiên, mức án mà Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng đối với các bị cáo là không nặng. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của các bị cáo giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần hình phạt đối với các bị cáo. Đối với bị cáo Tất H, trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm, Tòa án đã thực hiện việc tống đạt các văn bản tố tụng và giấy triệu tập hợp lệ cho bị cáo Tất H 02 lần nhưng bị cáo cố tình vắng mặt. Bị cáo kháng cáo nhưng không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ mới. Do đó, đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt bị cáo đồng thời không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Tất H.
Phần trình bày của người bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn N5: Thống nhất về tội danh mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử. Sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo N5 đã nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính tại cấp phúc thẩm, Đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo N5 và áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự 2015 cho bị cáo được hưởng án treo.
Các bị cáo Nguyễn Thị Trung H, Trịnh Văn N5 trình bày tranh luận và nói lời sau cùng xin xem xét giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Bị cáo Tất H kháng cáo cho rằng hành vi của bị cáo đã được Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xét xử bằng Bản án số 64/2016/HSST ngày 29/7/2016, bị cáo đã chấp hành xong hình phạt. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm, Tòa án đã thực hiện việc tống đạt các văn bản tố tụng và giấy triệu tập hợp lệ cho bị cáo Tất H 02 lần nhưng bị cáo cố tình vắng mặt nên Tòa án vẫn tiến hành xét xử việc vắng mặt bị cáo.
[2] Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Trung H và bị cáo Trịnh Văn N5 đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như nội dung Bản án hình sự sơ thẩm số 151/2018/HS-ST ngày 31/5/2018 của Tòa án nhân dân thành phố T đã nêu. Lời khai nhận tội của các bị cáo phù hợp với lời khai của các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm cũng như các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
[3] Đối với bị cáo Tất H: Khoảng thời gian từ năm 2010, đến tháng 5/2014, Tất H đã có hành vi nhận và trực tiếp làm giả chứng nhận kinh nghiệm nghề và lý lịch tư pháp để bán cho những người nước ngoài có nhu cầu mua để xin cấp giấy phép lao động. Sau đó, Tất H sử dụng con dấu tròn giả, hình dấu chữ ký giả hoặc scan trên mạng rồi đóng và tự ký vào những quyển chứng nhận kinh nghiệm nghề giả và lý lịch tư pháp giả. Tổng cộng Tất H thu lợi bất chính 456.282.500 đồng. Bị cáo kháng cáo nhưng bị cáo vắng mặt hai lần không có lý do. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo cũng không cung cấp thêm tình tiết mới giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt và không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo Tất H.
[4] Đối với bị cáo Nguyễn Thị Trung H: Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2011 đến tháng 10/2013, bị cáo H đã có hành vi nhận làm giấy phép lao động cho 147 người nước ngoài đang làm việc tại 23 công ty trên địa bàn tỉnh Bình Dương bằng cách trực tiếp mua và bán lại chứng nhận kinh nghiệm nghề giả, lý lịch tư pháp giả để xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài. Tổng cộng bị cáo H thu lợi bất chính số tiền là 352.260.000 đồng.
Trong vụ án này, các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội không có tính tổ chức, người cầm đầu, kẻ chủ mưu. Xét vai trò của bị cáo H trong vụ án này, bị cáo là người mua nhiều lần nhất so với các bị cáo khác trong vụ án. Bị cáo H đơn thuần chỉ là người mua đi bán lại cho những người nước ngoài có nhu cầu khi đến Việt Nam vào làm việc trong các doanh nghiệp, để hưởng lợi chênh lệch. Mục đích của việc mua bán này cũng nhằm giúp cho những người nước ngoài hợp thức hóa hồ sơ để có đủ điều kiện vào làm việc trong các doanh nghiệp. Hành vi của bị cáo chưa gây hậu quả nghiêm trọng đến tình hình trật tự trị an tại địa phương. Khi những người nước ngoài này vào làm trong các doanh nghiệp cũng không gây thiệt hại gì cho các doanh nghiệp và cũng không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của địa phương trong việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế. Mặt khác, thời gian mà bị cáo thực hiện hành vi phạm tội cũng đã lâu (từ những năm 2011 đến năm 2013) nên tính nguy hiểm cho xã hội và cho các doanh nghiệp cũng giảm. Sau khi vụ việc bị phát hiện bị cáo cũng đã tự nguyện đầu thú và nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính. Căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội, tính nguy hiểm cho xã hội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của bị cáo, Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo 03 (ba) năm tù là không nặng đối với bị cáo H. Tuy nhiên, hiện nay bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải nuôi mẹ già trên bảy mươi tuổi. Bản thân bị cáo hiện nay đang mang thai trong thời gian chuẩn bị sinh con. Nếu buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù thì việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái sẽ gặp nhiều khó khăn.
[5] Đối với bị cáo Trịnh Văn N5: Khoảng tháng 02/2012, Trịnh Văn N5 đã có hành vi nhiều lần đi giao chứng nhận kinh nghiệm nghề giả, lý lịch tư pháp giả cho Tất H và phụ giúp cho Tất H làm giả chứng nhận kinh nghiệm nghề, lý lịch tư pháp tại nhà của Tất H bằng cách dán keo những quyển chứng nhận kinh nghiệm nghề, lý lịch tư pháp. Tổng cộng Trịnh Văn N5 thu lợi bất chính số tiền là 40.000.000đồng.
Bị cáo Trịnh Văn N5 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo. Xét thấy, trong vụ án này bị cáo N5 chỉ là người đi giao giấy tờ do bị cáo Tất H để nhận tiền công, hành vi của bị cáo N5 là giúp sức cho bị cáo Tất H trong việc làm giả giấy chứng nhận kinh nghiệm nghề, lý lịch tư pháp giả. Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù là tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo, nên không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo đã tự nguyện nộp toàn bộ số tiền thu lợi bất chính. Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới phát sinh tại cấp phúc thẩm để xem xét một phần yêu cầu kháng cáo của bị cáo.
Xét thấy, các bị cáo có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, tính nguy hiểm cho xã hội đã giảm, việc cách ly các bị cáo với xã hội là không cần thiết, mà chỉ cần giao các bị cáo về địa phương nơi các bị cáo cư trú để giám sát giáo dục cũng đủ sức răn đe bị cáo trở con người tốt có ích cho gia đình và xã hội. Do đó, cần thay đổi biện pháp chấp hành hình phạt cho các bị cáo và cho các bị cáo được hưởng án treo. Tại thời điểm xét xử phúc thẩm Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã có hiệu lực thi hành và theo Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo. Do đó, áp dụng các quy định này đối với các bị cáo H và N5.
[6] Đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đề nghị không chấp nhận kháng cáo giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với bị cáo H, N5 là chưa phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử. Đối với đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đối với bị cáo Tất H là phù hợp nên được chấp nhận.
[7] Phần trình bày của người bào chữa cho bị cáo N5 là có cơ sở chấp nhận một phần.
[8] Án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo của bị cáo Tất H không được chấp nhận nên bị cáo phải nộp, kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thị Trung H, Trịnh Văn N5 được chấp nhận nên các bị cáo không phải nộp án phí.
[9] Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355 và Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
1. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Tất H.
2. Chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thị Trung H, Trịnh Văn N5.
Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 151/2018/HS-ST ngày 31/5/2018 của Toà án nhân dân thành phố T, tỉnh Bình Dương, như sau:
Về trách nhiệm hình sự: Tuyên bố bị cáo Tất H phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan”. Bị cáo Nguyễn Thị Trung H, Trịnh Văn N5 phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan”.
Về hình phạt:
- Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 267; điểm p khoản 1 Điều 46; Điều 53 của Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.
Xử phạt bị cáo Tất H 03 (ba) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian tạm giam từ ngày 10/7/2014 đến ngày 06/01/2015.
- Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 267; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 53 của Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009; Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Trung H 03 (ba) năm tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 (năm) năm, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (17/9/2018).
Giao bị cáo Nguyễn Thị Trung H cho Ủy ban nhân dân phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương giám sát giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Thi hành án hình sự.
- Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 267; điểm p khoản 1, Khoản 2 Điều 46; Điều 53 của Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Xử phạt bị cáo Trịnh Văn N5 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 (năm) năm, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (17/9/2018).
Giao bị cáo Trịnh Văn N5 cho Ủy ban nhân dân phường T, thành phố B, tỉnh Đồng Nai giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Thi hành án hình sự.
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
3. Về án phí hình sự phúc thẩm:
Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 23 của Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Bị cáo Tất H phải nộp 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng).
Áp dụng điểm h khoản 2 Điều 23 của Nghị quyết 326/2016/NQ- UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Các bị cáo Nguyễn Thị Trung H, Trịnh Văn N5 không phải nộp.
4. Các phần khác của quyết định bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (17/9/2018)./.
Bản án về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan số 90/2018/HS-PT
Số hiệu: | 90/2018/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Dương |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 17/09/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!