TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN P, TỈNH SƠN LA
BẢN ÁN 76/2023/HS-ST NGÀY 29/09/2023 VỀ TỘI KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN
Ngày 29 tháng 9 năm 2023 tại trụ sở Toà án nhân dân huyện P, tỉnh Sơn La xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 75/2023/TLST-HS ngày 07 tháng 9 năm 2023 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 75/2023/QĐXXST-HS ngày 19 tháng 9 năm 2023 đối với bị cáo:
Hà Văn A (tên gọi khác: không), sinh ngày 05 tháng 10 năm 1978 tại huyện P, tỉnh Sơn La; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: Bản NP, xã HB, huyện P, tỉnh Sơn La; nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ văn hoá (học vấn): 06/12; dân tộc: Thái; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; Đảng phái, đoàn thể: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hà Văn B, sinh năm 1949 và bà Lường Thị T, sinh năm 1962; bị cáo có vợ là Hà Thị N, sinh năm 1980 và 01 con sinh năm 2008; tiền án, tiền sự: ngày 09/5/2022 bị Hạt Kiểm lâm huyện P xử phạt hành chính số tiền 3.000.000đ (Ba triệu đồng) về hành vi Vận chuyển lâm sản trái pháp luật; bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 30/6/2023 đến nay - Có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
1. Anh Sa Ngọc C, sinh năm 1995; Nơi cư trú: Bản NP, xã HB, huyện P, tỉnh Sơn La. Vắng mặt.
2. Anh Sồng A B, sinh năm 1988; Nơi cư trú: Bản LK, xã ST, huyện P, tỉnh Sơn La. Vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ngày 09/5/2022, Hà Văn A đã bị Hạt Kiểm lâm huyện P xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền là 3.000.000 đồng về hành vi Vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Ngày 28/4/2023, Sồng A B đi đến nương của gia đình B (thuộc bản T, xã ST, huyện P, tỉnh Sơn La) để lấy củi, B thấy 01 hộp gỗ Pơ mu, có kích thước 2m chiều dài x 0,5m chiều rộng x 0,1m dày. B không biết của ai và nảy sinh ý định chở về bán kiếm lời. Đến 16 giờ 40 phút cùng ngày, B sử dụng điện thoại (có số thuê bao 0943.X.693) cho Hà Văn A (qua số thuê bao 0946.X.706) để bán hộp gỗ Pơ mu lấy được nói trên với giá 2.400.000 đồng. Hà Văn A đồng ý. Khoảng 17 giờ cùng ngày, A đã trao đổi thống nhất cho Sa Văn C vay số tiền 2.400.000 đồng để C mua lại hộp gỗ Pơ mu của B. Đến 21 giờ 30 phút, C điều khiển xe mô tô nhãn hiệu ESPERO DETECH, loại xe Win màu sơn đen, không có biển kiểm soát; A điều khiển chiếc xe mô tô nhãn hiệu HDWIN, loại xe Win 135 màu sơn đen có BKS: 26D1-X.75 đến gặp B để mua gộp gỗ Pơ mu. A đưa 2.400.000 đồng cho C đếm lại rồi đưa cho B để mua hộp gỗ Pơ mu. Sau khi trao đổi xong, C buộc gỗ vào xe mô tô của mình rồi cùng A đi về. Khi cả hai điều khiển xe đến bản PL, xã HB, huyện P thì bị tổ công tác Công an huyện kiểm tra và thu giữ vật chứng.
Vật chứng thu giữ gồm: 01 xe mô tô BKS 26D1-X.75, nhãn hiệu HDWIN của Hà Văn A và 01 điện thoại di động, nhãn hiệu OPPO kèm sim số thuê bao 0946.X.706 thu giữ của Hà Văn A; 01 gộp gỗ Pơ mu kích thước 2m (chiều dài) x 0,5m (chiều rộng) x 0,1m (dày) và 01 xe mô tô không có BKS, nhãn hiệu ESPERO DETECH thu giữ của Sa Văn C; 01 xe mô tô không có BKS, nhãn hiệu GUIDA và 01 điện thoại di dộng, nhãn hiệu Itel ACE kèm sim số thuê bao 0943.X.693 thu giữ của Sồng A B; tiền ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2.400.000 đồng.
Quá trình điều tra, bị cáo Hà Văn A khai nhận: Ngày 09/5/2022, Hà Văn A đã bị Hạt Kiểm lâm huyện P xử phạt vi phạm hành chính số tiền 3.000.000 đồng về hành vi Vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Đến ngày 28/4/2023, Sồng A B gọi điện cho A và hỏi A có mua hộp gỗ Pơ mu kích thước 2m chiều dài x 0,5m chiều rộng x 0,1m dày của B với giá 2.400.000 đồng không. A đồng ý và bảo B mang xuống bản PL cho A. Khoảng 17 giờ 00 phút cùng ngày, A gặp Sa Ngọc C, A hỏi C có mua hộp gỗ Pơ mu kích thước như trên của người Mông bán với giá 2.400.000 đồng không. C nói không có tiền mua nên A bảo cho C vay tiền, C đồng ý mua. Đến khoảng hơn 21 giờ cùng ngày, B gọi điện cho A bảo lên lấy gỗ, A đồng ý và bảo C lên lấy gỗ; B gọi điện cho A nói trả tiền luôn mới bán gỗ cho, sau đó A điều khiển xe đến điểm giao gỗ và trả tiền cho B. Sau đó, B và C khiêng gỗ lên xe của C và cùng A điều khiển xe đi được khoảng 100m thì bị tổ công tác Công an huyện kiểm tra, phát hiện và thu giữ vật chứng.
Ngày 18/5/2023, Cơ quan CSĐT Công an huyện P ra Quyết định trưng cầu giám định số 86/QĐ-ĐCSKT-MT, trưng cầu Giám định viên tư pháp thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La, giám định tên gọi, chủng loại, nhóm, khối lượng lâm sản là vật chứng bị thu giữ.
Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an huyện P ra Quyết định trưng cầu giám định số 87/QĐ-ĐCSKT-MT, trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Sơn La, giám định số tiền 2.400.000 đồng.
Tại Kết luận giám định tư pháp trong lĩnh vực Lâm nghiệp số: 02- 2023/KL/GĐCN ngày 26/5/2023 của ông Tào Mạnh Sóng – Giám định viên tư pháp lĩnh vực Lâm nghiệp (Phòng Thanh tra Pháp chế - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La) kết luận: 01 thanh gỗ xẻ có tên Việt Nam là Pơ mu, tên khoa học là Fokienia hodginsii, thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm, nhóm IIA (theo Nghị định số 84/2021/NĐ của Chính phủ); có khối lượng là 0,1m3 (Không phẩy một mét khối) gỗ xẻ (Quy tròn bằng 0,16m3).
Tại Kết luận giám định số 1078/KL=KTHS ngày 24//2023 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Sơn La, kết luận: số tiền 2.400.000 đồng gửi giám định là tiền thật.
Ngày 30/6/2023, Cơ quan CSĐT Công an huyện P yêu cầu Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện P định giá đối với lâm sản là vật chứng bị thu giữ.
Tại Kết luận định giá tài sản số 21/KLĐGTS ngày 06/7/2023 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự kết luận: 01 họp gỗ Pơ mu (nhóm IIA) bị thu giữ; có khối lượng bằng 0,1m3 gỗ xẻ (Quy tròn bằng 0,16m3) có giá trị là 2.880.000 đồng.
Cáo trạng số: 52/CT-VKS ngày 04/9/2023 của Viện kiểm sát nhân dân huyện P quyết định truy tố bị cáo Hà Văn A về tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, quy định tại điểm m khoản 1 Điều 232 của Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện P giữ nguyên quan điểm truy tố, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Hà Văn A phạm tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản và đề nghị áp dụng các căn cứ pháp luật xử phạt bị cáo như sau:
- Áp dụng điểm m khoản 1 Điều 232; điểm i, s khoản 1, 2 Điều 51; khoản 1, 2, 5 Điều 65 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo từ 12 đến 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 24 đến 30 tháng. Thời hạn thử thách của bị cáo tính từ ngày tuyên án.
Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.
Giao bị cáo về cho chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.
- Về vật chứng: Áp dụng điểm a,b,c khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự và điểm a, c khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Đề nghị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước: 01 gộp gỗ Pơ mu xẻ (nhóm IIA) có kích kích thước dài 02m x rộng 0,5m x dày 0,1m, tổng khối lượng gỗ 01m3 (quy tròn = 0,16m3); tiền ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2.400.000đ (Hai triệu, bốn trăm nghìn đồng) đựng trong một phong bì đã được niêm phong; 01 (một) điện thoại nhãn hiệu OPPO model: CPH2185, vỏ màu trắng, số IMEL1:
865041050714250, IMEL2: 865041050714243 kèm 01 sim số 0946.X.706, máy cũ đã qua sử dụng, đựng trong một phong bì đã được niêm phong.
Tuyên trả lại 01 (một) điện thoại nhãn hiệu Itel ACB, vỏ màu đen, số IMEL1:359053911238661, IMEL2:359053911238661 kèm 01 sim số 0943X693, máy cũ đã qua sử dụng, cho anh Sồng A B được quyền quản lý, sử dụng, đựng trong một phong bì đã được niêm phong.
- Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; khoản 1 Điều 21, điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án. Buộc bị cáo phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm.
Tại phiên tòa, bị cáo khai nhận hành vi phạm tội của mình như đã khai trong quá trình điều tra; bị cáo không có ý kiến gì tranh luận với vị đại diện Viện kiểm sát.
Lời nói sau cùng của bị cáo: Bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt. Xét thấy việc vắng mặt không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, căn cứ khoản 1 Điều 292 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử quyết định vẫn tiến hành xét xử.
[2] Về hành vi, quyết định tố tụng: Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện P, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện P, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[3] Về hành vi của bị cáo và trách nhiệm hình sự:
Tại phiên tòa, bị cáo vẫn giữ nguyên lời khai tại Cơ quan điều tra, không thay đổi, bổ sung thêm nội dung gì làm thay đổi nội dung của vụ án. Bị cáo hoàn toàn nhất trí với cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát nhân dân huyện P. Bị cáo khẳng định việc khai báo tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa ngày hôm nay là hoàn toàn tự nguyện và đúng với sự việc bị cáo đã thực hiện.
Xét lời khai của bị cáo là hoàn toàn tự nguyện và phù hợp với biên bản làm việc lập hồi 22 giờ 20 phút ngày 28/4/2023 tại bản PL, xã HB, huyện P, tỉnh Sơn La kèm theo bảng kê lâm sản; quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 26/QĐ-XPHC ngày 09/5/2022 cua Hạt Kiểm lâm huyện P; biên bản làm việc lập ngày 10/5/2023 tại Công an huyện P về việc nhận dạng xác định người mua, bán, vận chuyển gỗ pơ mu trái pháp luật kèm bản ảnh nhận dạng; kết luận giám định tư pháp; kết luận định giá tài sản; kết luận giám định; biên bản ghi lời khai, bản tự khai, biên bản hỏi cung của bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.
Từ những chứng cứ nêu trên, Hội đồng xét xử có đủ căn cứ kết luận: bị cáo Hà Văn A đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép. Chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, ngày 28/4/2023, bị cáo A tiếp tục có hành vi mua, vận chuyển trái phép 01 hộp gỗ Pơ mu xẻ (thuộc nhóm IIA) có khối lượng 0,1m3(Quy tròn là 0,16m3). Hành vi của bị cáo Hà Văn A đã đủ yếu tố cấu thành tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản thuộc trường hợp quy định tại điểm m khoản 1 Điều 232 Bộ luật Hình sự, quy định mức hình phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
[4] Xét về tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Bị cáo nhận thức được việc mua bán, vận chuyển lâm sản là vi phạm pháp luật, tuy nhiên vẫn cố ý thực hiện hành vi phạm tội tới cùng. Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, tội phạm đã hoàn thành. Hành vi của bị cáo xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Do đó, cần xử phạt bị cáo với mức hình phạt tương sứng nhằm giáo dục bị cáo nói riêng và phòng ngừa chung cho xã hội.
Xét về nhân thân của bị cáo: Có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng: sau khi phạm tội bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; có mẹ đẻ được công nhận là dân công hoả tuyến. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Do vậy, cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, gia đình xin bảo lĩnh nên không cần thiết phải cách ly bị cáo ra ngoài xã hội, mà chỉ cần áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo là tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ra, để bị cáo có thể trở thành người có ích cho gia đình và xã hội về sau, thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật đối với bị cáo.
[5] Về hình phạt bổ sung (phạt tiền): Quá trình điều tra và thẩm vấn công khai tại phiên tòa hôm nay thấy rằng bị cáo không có tài sản gì riêng có giá trị, không có công việc và thu nhập ổn định. Do đó không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.
[6] Về vật chứng vụ án:
- Đối với 01 xe mô tô BKS 26D1-X.75, nhãn hiệu HDWIN thu giữ của bị cáo Hà Văn A. Quá trình điều tra và tại phiên tòa xác định: nguồn gốc xe do bị cáo mua lại của Sồng A T (sinh năm 1998, cư trú tại bản LK, xã ST, huyện P) nhưng bị cáo chưa sang tên đổi chủ, là tài sản hợp pháp của bị cáo không sử dụng vào việc phạm tội, do đó cần trả lại cho bị cáo được quyền quản lý, sử dụng.
- Đối với 01 gộp gỗ Pơ mu kích thước 2m (chiều dài) x 0,5m (chiều rộng) x 0,1m (dày). Xét thấy số tài sản này không có giấy phép khai thác và vận chuyển hợp pháp, không có nguồn gốc xuất xứ. Là vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, lưu hành, cần tịch thu nộp ngân sách Nhà nước.
Đối với 01 điện thoại di động, nhãn hiệu OPPO kèm sim số thuê bao 0946.X.706. Xét thấy đây là các tài sản hợp pháp của bị cáo, là phương tiện bị cáo sử dụng vào việc phạm tội, do đó cần tịch thu nộp ngân sách Nhà nước.
- Đối với số tiền ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2.400.000 đồng là tiền đã sử dụng vào việc mua bán lâm sản trái phép, do đó cần tịch thu nộp ngân sách Nhà nước.
- Đối với 01 điện thoại di dộng, nhãn hiệu Itel ACE kèm sim số thuê bao 0943.X.693 thu giữ của anh Sồng A B đã sử dụng vào việc trao đổi mua bán trái phép lâm sản, xét hành vi vi phạm của B chưa đủ cấu thành tội phạm. Do đó cần trả lại cho anh Sồng A B được quyền quản lý, sử dụng.
- Đối với 01 xe mô tô không có BKS, nhãn hiệu GUIDA thu giữ của Sồng A B Cơ quan CSĐT Công an huyện P đã chuyển đến đội CSGT-TT Công an huyện P để xử lý. Ngày 09/6/2023 Công an huyện P đã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính về hành vi đưa phương tiện không gắn biển số, không có đăng ký xe tham gia giao thông với số tiền 2.800.000 đồng và tịch thu chiếc xe mô tô trên. Do đó không đề cập đến việc giải quyết.
- Đối với 01 xe mô tô không có BKS, nhãn hiệu ESPERO DETECH thu giữ của Sa Văn C. Quá trình điều tra xác định được hai chiếc xe trên không có trong hệ thống đăng ký, quản lý xe. Cơ quan CSĐT Công an huyện P đã chuyển đến đội CSGT-TT Công an huyện P để xử lý. Ngày 09/6/2023 Công an huyện P đã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính về hành vi đưa phương tiện không gắn biển số, không có đăng ký xe tham gia giao thông với số tiền 2.800.000 đồng. Ngày 26/5/2023 Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện P ra Quyết định xử phạt hành chính với hình thức tịch thu chiếc xe mô tô trên. Do đó không đề cập đến việc giải quyết.
[7] Đối với Sa Ngọc C và Sồng A B có tiền sự đã hết thời hạn, được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính. Hành vi mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật của C và B vào ngày 28/4/2023 đã vi phạm quy định tại điểm a khoản 13, điểm a khoản 14 Điều 1 Nghị định số 07/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ, quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh việc Lâm nghiệp, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y, chăn nuôi. Ngày 26/5/2023, Hạt Kiểm lâm huyện P đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Sa Ngọc C và Sồng A B là phù hợp với quy định của pháp luật, cần cấp nhận.
[8] Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm.
Bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ điểm m khoản 2 Điều 232; điểm i, s khoản 1, 2 Điều 51; khoản 1, 2, 5 Điều 65 Bộ luật Hình sự.
Tuyên bố bị cáo Hà Văn A phạm tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản.
Xử phạt bị cáo 12 (Mười hai) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 24 (Hai mươi bốn) tháng, thời hạn thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 29/9/2023).
Không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo.
Giao bị cáo Hà Văn A cho Ủy ban nhân dân xã HB, huyện P, tỉnh Sơn La giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc thì cơ quan, tổ chức giám sát, gia đình thực hiện theo quy định tại Điều 92 Luật Thi hành án hình sự.
2. Về vật chứng: Căn cứ điểm a,b,c khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự và điểm a, c khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước: 01 gộp gỗ Pơ mu xẻ (nhóm IIA) có kích kích thước dài 02m x rộng 0,5m x dày 0,1m, tổng khối lượng gỗ 01m3 (quy tròn = 0,16m3); tiền ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2.400.000đ (Hai triệu, bốn trăm nghìn đồng) đựng trong một phong bì đã được niêm phong; 01 (một) điện thoại nhãn hiệu OPPO model: CPH2185, vỏ màu trắng, số IMEL1: 865041050714250, IMEL2: 865041050714243 kèm 01 sim số 0946.X.706, máy cũ đã qua sử dụng, đựng trong một phong bì đã được niêm phong.
Tuyên trả lại 01 (một) điện thoại nhãn hiệu Itel ACB, vỏ màu đen, số IMEL1:359053911238661, IMEL2:359053911238661 kèm 01 sim số 0943X693, máy cũ đã qua sử dụng, cho anh Sồng A B được quyền quản lý, sử dụng, đựng trong một phong bì đã được niêm phong.
(Theo biên bản giao nhận vật chứng, tài sản số: 70/BB-GNVC ngày 08 tháng 9 năm 2023 giữa Công an huyện P và Chi cục Thi hành án dân sự huyện P)
3. Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; khoản 1 Điều 21, điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.
Bị cáo Hà Văn A phải chịu 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.
4. Về quyền kháng cáo: Bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên toà có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (29/9/2023).
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên toà được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết công khai.
Bản án 76/2023/HS-ST về tội khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản
Số hiệu: | 76/2023/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Phù Yên - Sơn La |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 29/09/2023 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về