Bản án về tội hủy hoại rừng số 56/2021/HS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN VĂN YÊN, TỈNH YÊN BÁI

BẢN ÁN 56/2021/HS-ST NGÀY 08/12/2021 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 08 tháng 12 năm 2021 tại trụ sở, Tòa án nhân dân huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 58/2021/HSST ngày 15 tháng 11 năm 2021; Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 61/2021/HSST-QĐ ngay 24-11-2021 đối với bị cáo:

- Hoàng Thị Đ, sinh năm 1969, tại xã C, huyện V, tỉnh Yên Bái. Nơi ĐKNKTT tại: Thôn N, xã C, huyện V, tỉnh Yên Bái. Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ văn hóa: Lớp 4/12; Dân tộc: Phù Lá; Tôn giáo: Không; Con ông Hoàng Ngọc T (Đã chết) và bà Đặng Thị L (Đã chết). Có chồng là Phùng Văn C (Đã chết); bị cáo có 05 con, con lớn nhất sinh năm 1988, con nhỏ nhất sinh năm 1997. Tiền sự: Không. Tiền án: Có 01 tiền án: Ngày 17/5/2019 bị Tòa án nhân dân huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái xử phạt 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm theo Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2019/HS-ST.

Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 03/8/2021, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái. Có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho bị cáo: Bà Lương Thị Ngọc P – Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Yên Bái. Có mặt

- Nguyên đơn dân sự: Ủy ban nhân dân xã C, huyện V, tỉnh Yên Bái.

Người đại diện theo ủy quyền ông Nguyễn Đức C – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã C. Có mặt tại phiên tòa

- Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Anh Lương Cao N, sinh năm 1973. Có mặt

Trú tại: Thôn T, xã C, huyện V, tỉnh Yên Bái.

+ Chị Phùng Thị H, sinh năm 1993. Vắng mặt có lý do

Trú tại: Thôn N, xã C, huyện V, tỉnh Yên Bái.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nôi dung vụ án được tóm tắt như sau: Do không có đất canh tác nên vào tháng 11 năm 2020 Hoàng Thị Đ trú tại thôn N, xã C, huyện V, tỉnh Yên Bái cùng với Nguyễn Văn C, sinh năm 1964 trú tại xã C, huyện V, tỉnh Lào Cai (Chung sống như vợ chồng với Đ) đã dùng dao phát phá một mảnh rừng tự nhiên sản xuất tại thôn T, xã C, huyện V, tỉnh Yên Bái. Đ và C cùng nhau phát trong 2 ngày, diện tích rừng bị phát phá là 1.214m2; lâm sản bị thiệt hại 352 cây vầu. Đến tháng 12 năm 2020 Đ và C cùng nhau lên đốt dọn và trồng cây Trẩu trên diện tích đã phát phá. Sau khi phát xong thì Đ và C để lại 02 con dao tay ở trên lán nương đến khi lên đốt dọn thì Đ và C không thấy 02 con dao đâu cả. Cơ quan điều tra đã tiến hành truy tìm nhưng không thấy.

Quá trình điều tra xác định được vị trí diện tích rừng Hoàng Thị Đ và Nguyễn Văn C đã phát phá thuộc lô 1 a, khoảnh 05, tiểu khu 90 thuộc thôn T, xã C, huyện V, tỉnh Yên Bái là rừng tự nhiên sản xuất; diện tích rừng mà Đ và C phát phá là 1.214m2. Tổng số lâm sản bị thiệt hại gồm 352 cây vầu có đường kính trung bình 08cm. Toàn bộ 352 cây vầu này Đ và C đã đốt dọn hết. Diện tích rừng này đã được giao cho Ủy ban nhân dân xã C quản lý theo Quyết định số 578/QĐ-UBND ngày 22/5/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái. Tại quyết định số 98/QĐ-UBND ngày 06/01/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã C đã giao cho Ban quản lý rừng cộng đồng thôn T, xã C quản lý, người đại diện của Ban quản lý là ông Lương Cao N – Trưởng ban.

Tại bản kết luận đinh giá tài sản số 23/ĐGTS-HĐĐG ngày 16/9/2021 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Văn Yên kết luận: Giá trị của tài sản trưng cầu định giá 352 cây vầu có đường kính trung bình 08cm (tại thời điểm tháng 11 năm 2020) có giá trị là 7.392.000đ.

Quá trình điều tra Hoàng Thị Đ khai nhận toàn bộ hành vi phát, phá rừng của mình. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu đất canh tác nên đã thực hiện hành vi phát phá rừng với mục đích để trồng cây tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Về trách nhiệm dân sự: Ngày 19/10/2021 Ủy ban nhân dân xã C có đơn yêu cầu bị cáo Hoàng Thị Đ phải bồi thường số tiền là 7.392.000đ. Ngày 06/12/2021 Ủy ban nhân dân xã C có công văn đề nghị Tòa án xem xét bị cáo Đ là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ thấp, gia đình không có đất trồng lúa nên mới vi phạm pháp luật. Sau khi vi phạm đã biết lỗi lầm, đại diện gia đình đã bồi thường được 4.000.000đ để khắc phục một phần hậu quả. Khu vực rừng bị chặt phá hiện gia đình Đ đã trồng một số cây mới, một số trồi cây đã mọc xanh tốt đảm bảo môi trường sinh thái. Vì vậy không yêu cầu bị cáo Hoàng Thị Đ phải bồi thường số tiền còn lại và đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt, tạo cơ hội cho bị cáo Đ tiếp tục trồng lại cây trên diện tích rừng đã chặt phá.

Tại bản cáo trạng số 53/CT-VKS-VY ngày 15/11/2021 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã truy tố Hoàng Thị Đ về tội Hủy hoại rừng theo điểm g khoản 1 Điều 243 Bộ luật Hình sự. Tại phiên tòa hôm nay, đại diện Viện kiểm sát huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái giữ nguyên quyết định truy tố; qua phân tích, đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; phân tích các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân bị cáo đã đề nghị Hội đồng xét xử: Tuyên bố bị cáo Hoàng Thị Đ phạm tội Hủy hoại rừng; Áp dụng điểm g khoản 1 Điều 243; điểm b,s khoản 1 Điều 51; Điều 56; khoản 5 Điều 65 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù. Tổng hợp hình phạt của bản này với hình phạt của Bản hình sự sơ thẩm số 23/2019/HS-ST ngày 17/5/2019 buộc Hoàng Thị Đ phải chấp hành hình phạt của hai bản án theo quy định. Thời hạn tù tính từ ngày bắt 03/8/2021. Do bị cáo có hoành cảnh kinh tế khó khăn nên không đề nghị áp dụng hình phạt bổ sung bằng tiền đối với bị cáo. Đồng thời buộc bị cáo phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm dân sự xác nhận bị cáo Đ đã bồi thường được 4.000.000đ, nguyên đơn dân sự không yêu cầu bị cáo phải bồi thường nên không xem xét giải quyết.

Tại phiên tòa người bào chữa cho bị cáo nhất trí với điều luật và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà kiểm sát viên đã đưa ra. Qua tranh luận tại phiên tòa thấy rằng đại diện nguyên đơn dân sự xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nên đề nghị áp dụng thêm khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự và qua phân tích hoàn cảnh phạm tội, ý thức chủ quan của bị cáo khi phạm tội đã Đề nghị Hội đồng xét xử xem xử phạt bị cáo ở mức đầu khung hình phạt cũng đủ răn đe, giáo dục bị cáo trở thành người lương thiện. Do bị cáo là người dân tộc thiểu số, sống với vùng đặc biệt khó khăn và có đơn xin miễn án phí hình sự sơ thẩm nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326 miễn án phí cho bị cáo Đ.

Bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, bị cáo biết việc mình làm là vi phạm pháp luật, nhất trí với ý kiến của người bào chữa, không có tranh luận gì thêm chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt ở mức thấp nhất để bị cáo sớm trở về với gia đình và xã hội.

Đại diện nguyên đơn dân sự cho rằng: Bị cáo Đ phạm tội một phần do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, một phần do hiểu biết hạn chế và đã nhận biết hành vi của mình là vi phạm nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét xử phạt bị cáo ở mức thấp nhất, tạo cơ hội để bị cáo sửa chữa sai lầm, khắc phục hậu quả do mình gây ra. Đồng thời không yêu cầu bị cáo phải tiếp tục bồi thường.

Người có nghĩa vụ liên quan ông Lương Cao N cho rằng: Hoàng Thị Đ đã được tuyên truyền, giáo dục về việc cấm chặt, phá rừng. Việc bị cáo Đ và Nguyễn Văn C phát, phá rừng vào tháng 11 năm 2020 ông không được biết. Sau này ông mới biết và đã trình báo chính quyền địa phương. Nay đề nghị Tòa án xem xét đối với Đ theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi tố tụng, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Yên: Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo, nguyên đơn dân sự, những người liên quan không có ý kiến hoặc khiếu nại gì về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan, người tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện là hợp pháp.

[2] Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phù hợp bản kiểm điểm, các bản khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của anh Lương Cao N và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ cơ sở để kết luận: Vào tháng 11 năm 2020 Hoàng Thị Đ cùng với Nguyễn Văn C đã phát phá tổng cộng 1.214m2 rừng tự nhiên sản xuất tại lô 1 a, khoảnh 5, thiểu khu 90 thuộc địa phận thôn T, xã C, huyện V, tỉnh Yên Bái đã được giao cho Ủy ban nhân dân xã C quản lý theo Quyết định số 578/QĐ-UBND ngày 22/5/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái. Thiệt hại về lâm sản gồm có 352 cây vầu có đường kính trung bình 08cm, giá trị lâm sản bị thiệt hại là 7.392.000đ. Mặc dù diện tích rừng tự nhiên sản xuất mà Hoàng Thị Đ phát phá dưới 5.000m2, giá trị lâm sản bị thiệt hại dưới 50.000.000đ nhưng do ngày 17/5/2019 bị cáo Hoàng Thị Đ bị Tòa án nhân dân huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái xử phạt 03 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm theo Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2019/HS-ST. Tính đến ngày 30/11/2020 Hoàng Thị Đ mới chấp hành được 01 năm 06 tháng 13 ngày thử thách nên còn đang trong thời gian thử thách của án treo, chưa được xóa án tích. Vì vậy hành vi nêu trên của Hoàng Thị Đ đã đủ yếu tố cấu thành tội Hủy hoại rừng theo điểm g khoản 1 Điều 243 Bộ luật Hình sự. Như vậy cáo trạng Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Yên đã truy tố đối với Hoàng Thị Đ là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[3] Hành vi phạm tội mà Hoàng Thị Đ thực hiện thuộc trường hợp nghiêm trọng, hành vi đó là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp đã xâm phạm các quy định về chính sách quản lý Nhà nước về quản lý rừng tự nhiên sản xuất, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Vì vậy, cần thiết phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật mới có tác dụng răn đe, giáo dục riêng và là bài học để cảnh tỉnh, phòng ngừa chung.

Do bị cáo phạm tội mới trong thời gian thử thách của án treo nên buộc Hoàng Thị Đ phải chấp hành hình phạt 3 năm tù của bản án đã tuyên. Việc tổng hợp hình phạt của bản án này với hình phạt của bản án trước được thực hiện theo quy định tại theo khoản 5 Điều 65; khoản 2 Điều 56 Bộ luật Hình sự.

[4] Xét tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, xét nhân thân bị cáo Hội đồng xét xử thấy: Bị cáo là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, cần phải xử lý nghiêm bằng pháp luật hình sự. Bị cáo đã có 1 tiền án nhưng là tình tiết tăng nặng định khung nên không xem xét là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Khi quyết định hình phạt có xem xét bị cáo là người dân tộc thiểu số (dân tộc Phù Lá), sống tại khu vực đặc biệt khó khăn, hành cảnh gia đình khó khăn. Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa hôm nay có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Quá trình chuẩn bị xét xử, chị Hoa con gái bị cáo đã thay bị cáo tự nguyện bồi thường được số tiền 4.000.000đ để khắc phục một phần hậu quả do bị cáo gây ra. Quá trình điều tra và tại phiên tòa đại diện nguyên đơn dân sự xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Nên bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b,s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Từ những phân tích nêu trên cần có mức hình phạt thỏa đáng, tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội do bị cáo gây ra và đủ cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành người có ích cho xã hội.

Do bị cáo có hành cảnh kinh tế khó khăn nên không áp dụng hình phạt bổ sung bằng tiền đối với bị cáo Hoàng Thị Đ.

[5] Đối với Nguyễn Văn C là người cùng bị cáo Đ tham gia phát rừng vào tháng 11 năm 2020 nhưng C không có mặt tại địa phương, quá trình điều tra không xác định được hiện C đang ở đâu, làm gì nên không có cơ sở xem xét xử lý C trong vụ án này. Vì vậy, khi nào xác minh, làm rõ hành vi vi phạm của C sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với ông Lương Cao N – Trưởng ban quản lý rừng cộng đồng thôn T, xã C nơi bị cáo Đ phát, phá rừng. Ban quản lý rừng đã tuyên truyền đối với Hoàng Thị Đ. Việc Đ và C phát, phá rừng thì ông không biết nên không đề cập xử lý trong vụ án này. Nay Đ phát, phá gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, ông Nguyên không có ý kiến gì.

[6] Về trách nhiệm dân sự: Xác nhận chị Phùng Thị H con của bị cáo Hoàng Thị Đ đã bồi thường được số tiền 4.000.000đ, Ủy ban nhân dân xã C đã nhận đủ số tiền trên. Nguyên đơn dân sự không yêu cầu bị cáo phải tiếp tục bồi thường nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[7] Do bị cáo là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng có hoàn cảnh kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và đã có đơn xin miễn án phí nên áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo Đ. Bị cáo, nguyên đơn dân sự, những người có quyền lợi liên quan có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Hoàng Thị Đ phạm tội “Hủy hoại rừng”.

2. Về điều luật áp dụng và hình phạt: Áp dụng điểm g khoản 1 Điều 243; điểm b,s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; khoản 5 Điều 65; khoản 2 Điều 56 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Hoàng Thị Đ 01 (Một) năm 06 (Sáu) tháng tù. Tổng hợp hình phạt của bản án này với hình phạt của Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2019/HS-ST ngày 17/5/2019 của Tòa án nhân dân huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái buộc Hoàng Thị Đ phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai bản án là 4 (Bốn) năm 06 (Sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày 03/8/2021.

3. Về trách nhiệm dân sự: Xác nhận bị cáo đã bồi thường số tiền 4.000.000đ, đại diện nguyên đơn dân sự không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thêm nên không xem xét, giải quyết.

4. Về án phí và quyền kháng cáo: Áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo Hoàng Thị Đ.

Bị cáo, nguyên đơn dân sự được quyền kháng cáo bản án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo phần bản án có liên quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo phần bản án có liên quan trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết tại địa phương nơi cư trú.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

284
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội hủy hoại rừng số 56/2021/HS-ST

Số hiệu:56/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Văn Yên - Yên Bái
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 08/12/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;