TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
BẢN ÁN 21/2021/HS-PT NGÀY 09/09/2021 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG
Ngày 09 tháng 9 năm 2021 tại Hội trường xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 26/2021/HSPT ngày 29/7/2021 đối với bị cáo Hồ Văn D, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 14/2021/HSST ngày 25/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
- Bị cáo kháng cáo:
Hồ Văn D (tên gọi khác: Pả H), sinh ngày 09/10/1962 tại Quảng Trị; nơi cư trú:
Thôn X, xã H, huyện Đ, tỉnh Quảng Trị; nghề nghiệp: Làm rẫy; trình độ văn hóa: 01/12; dân tộc: Vân kiều; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hồ Văn H và bà Hồ Thị M (đều đã chết); có vợ là Hồ Thị X, sinh năm 1962 và có 07 con (lớn nhất sinh năm 1982, nhỏ nhất sinh năm 2001).
Tiền án, tiền sự: Không:
Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú cho đến nay; có mặt.
* Người bào chữa cho bị cáo: Ông Hà Trung T - Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Trị; có mặt.
* Người tham gia tố tụng khác:
Người phiên dịch: Ông Hồ Văn L; nơi cư trú: Thị trấn K, huyện Đ, tỉnh Quảng Trị; có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Váo tháng 8/2020 Hồ Văn D tự ý đi tìm kiếm đất rừng để làm rẫy và thuê Hồ Thị N, Hồ Thị L và Hồ Văn H dùng rựa luỗng phát rừng, tiền công 140.000 đồng/ngày công. Khoảng 15 ngày sau D thuê anh Hồ Văn Nvà Hồ Văn B dùng máy cưa để hạ cây khu vực rừng tại các lô 8 và 12, khoảnh 10, tiểu khu 681, xã H, huyện Đ tiền thuê 500.000 đồng/01 ngày công. Đến ngày 16/8/2020 lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Trạm quản lý bảo vệ rừng thị trấn Krông Klang đi tuần tra phát hiện B đang dùng máy cưa hạ cây tại khu vực rừng trên nên đã lập biên bản vi phạm và thu giữ máy cưa, Hồ Văn D cũng có mặt tại hiện trường. Quá trình điều tra Hồ Văn D thừa nhận hành vi thuê người phá rừng làm rẫy.
Ngày 25/9/2020 Hạt kiểm lâm huyện Đakrông tiến hành khám nghiệm hiện trường và tại bản kết luận giám định ngày 23/11/2020 của Trung tâm điều tra quy hoạch, thiết kế nông lâm Quảng Trị kết luận: Địa điểm khu vực rừng bị xâm hại thuộc các lô 8 và 12, khoảnh 10, tiểu khu 681, xã Hướng H, huyện Đ, tỉnh Quảng Trị. Diện tích rừng bị xâm hại 13.000m2. Độ tàn che của rừng bị xâm hại: 0,74. Chức năng của loại rừng: Rừng phòng hộ.
Tại bản kết luận định giá số: 02/KLĐG ngày 07/01/2021 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng huyện Đ: 148 cây gỗ nhóm III, V, VI, VII, VIII có tổng khối lượng 66,525m3, trị giá 112.177.000 đồng và 10 Ster củi tương đương 07m3 trị giá 1.600.000 đồng. Tổng trị giá 113.777.000 đồng.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số14/2021/HS-ST ngày 25/6/2021 Toà án nhân dân huyện Đakrông đã quyết định: Căn cứ điểm c khoản 3 Điều 243, khoản 1 Điều 38, khoản 1 Điều 47; khoản 1 Điều 48; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Hồ Văn D phạm tội "Hủy hoại rừng”.
Xử phạt bị cáo Hồ Văn D: 03 năm tù, thời hạn từ ngày bắt thi hành án.
Ngoài ra Toà án cấp sơ thẩm còn tuyên về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.
Ngày 01/7/2021 bị cáo Hồ Văn D kháng cáo toàn bộ bản án, xem xét xin giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo với lý do: Bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, luôn chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước; gia đình đông con, thiếu đất sản xuất, thuộc diện hộ nghèo; bị cáo không biết diện tích thuê người phát thuộc đất rừng phòng hộ và đề nghị xác minh lại khối lượng gỗ, vị trí đất với các hộ cùng khu vực; bản thân đã nhận ra khuyết điểm, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cãi giúp cơ quan chức năng nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án.
Tại phiên toà đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị đề nghị: Cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Hủy hoại rừng” quy định tại điểm c khoản 3 Điều 243 BLHS là có căn cứ và áp dụng đầy đủ tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo không cung cấp thêm lý do xin giảm nhẹ gì mới. Vì vậy, căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Người bào chữa cho bị cáo đề nghị: Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Hủy hoại rừng” quy định tại điểm c khoản 3 Điều 243 BLHS là có căn cứ và áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 BLHS là đầy đủ. Tuy nhiên, đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét động cơ và mục đích phạm tội của bị cáo là do tập quán canh tác, bị cáo không biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật, nhận thức và trình độ hiểu biết còn hạn chế; bị cáo có nhân thân tốt, luôn chấp hành pháp luật, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nơi cư trú rõ ràng nên việc cho bị cáo được hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội nên đề nghị chấp nhận kháng cáo của bị cáo giữ nguyên hình phạt tù và cho hưởng án treo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX nhận định như sau:
[1]. Về tố tụng: Đơn kháng cáo của bị cáo Hồ Văn D phù hợp với các Điều 331, 333 BLTTHS về chủ thể và thời hạn kháng cáo nên HĐXX phúc thẩm xét kháng cáo theo quy định của pháp luật.
[2]. Về hành vi phạm tội: Trong tháng 8/2020 Hồ Văn D đi tìm kiếm đất rừng để làm rẫy, sau đó thuê người dùng rựa và máy cưa để phát và cưa cây đến ngày 16/8/2020 lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Trạm quản lý bảo vệ rừng thị trấn K đi tuần tra phát hiện, bị cáo D cũng có mặt tại hiện trường. Tại bản kết luận giám định ngày 23/11/2020 của Trung tâm điều tra quy hoạch, thiết kế nông lâm Quảng Trị kết luận: Địa điểm khu vực rừng bị xâm hại thuộc các lô 8 và 12, khoảnh 10, tiểu khu 681, xã H, huyện Đ, tỉnh Quảng Trị. Diện tích rừng bị xâm hại 13.000m2. Độ tàn che của rừng bị xâm hại: 0,74. Chức năng của loại rừng: Rừng phòng hộ nên Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội: “Hủy hoại rừng”, quy định tại điểm c khoản 3 Điều 243 BLHS là có căn cứ, đúng pháp luật.
[3]. Xét kháng cáo của bị cáo:
Bị cáo đề nghị xác minh lại khối lượng gỗ, vị trí đất của bị cáo trong khu vực tại hiện trường và toàn bộ hồ sơ để xem xét cho bị cáo. Thấy rằng, trong quá trình giải quyết vụ án cơ quan điều tra đã tiến hành khám nghiệm hiện trường có sự tham gia của bị cáo, trưng cầu giám định và định giá theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, các kết luận giám định và định giá đã được thông báo cho bị cáo biết và không có khiếu nại; bị cáo thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý nên có người bào chữa tham gia tố tụng trong suốt quá trình điều tra, truy tố. Các kết luận giám định trên là của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền nên nội dung kháng cáo này của bị cáo là không có căn cứ.
Xét nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo của bị cáo: HĐXX thấy rằng, Toà án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo là: “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cãi”; “người phạm tội có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu” là những tình tiết quy định tại các điểm s, v khoản 1 Điều 51 BLHS; bố bị cáo là người có công, gia đình bị cáo thuộc hộ nghèo là tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS.
Tổng thiệt hại bị cáo phải bồi thường trong vụ án là 113.777.000 đồng nhưng bị cáo chỉ mới bồi thường được số tiền 5.000.000 đồng là chỉ mới khắc phục được số tiền rất nhỏ so với thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, xét hoàn cảnh gia đình bị cáo thuộc hộ nghèo, gia đình đông con, sống ở khu vực đặc biệt khó khăn nên cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS nên áp dụng thêm khoản 1 Điều 54 BLHS để xem xét xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay bị cáo, không đưa ra được lý do gì mới để HĐXX phúc thẩm xem xét.
Đối với ý kiến của người bào chữa cho bị cáo thấy rằng, bị cáo phạt tội thuộc trường hợp rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ gây nguy hiểm cho xã hội lớn. Mặt khác, hành vi chặt phá rừng phòng hộ của bị cáo là nguyên nhân gây nên các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, sạt lỡ đất…cuốn theo cây cối, đất đá thậm chí là tính mạng, tài sản của con người đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn miền núi tỉnh Quảng Trị nên cần phải xử phạt bị cáo mức án có tính chất răn đe và phòng ngừa chung. HĐXX thấy rằng, mức án mà cấp sơ thẩm áp dụng đối với bị cáo là phù hợp không có cơ sở để giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo như kháng cáo của bị cáo và đề nghị của người bào chữa tại phiên tòa mà cần chấp nhận ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[4]. Về án phí: Kháng cáo của bị cáo không được chấp nhận nên phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định.
[5]. Ra Quyết định bắt, tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hồ Văn D (tên gọi khác: Pả H), giữ nguyên bản án sơ thẩm.
2. Áp dụng điểm c khoản 3 Điều 243; điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Hồ Văn D: 03 (ba) năm tù về tội: “Hủy hoại rừng”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày tuyên án phúc thẩm 09/9/2021.
3. Án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 23 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí Tòa án: Bị cáo Hồ Văn D phải chịu 200.000đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.
4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án
Bản án về tội hủy hoại rừng số 21/2021/HS-PT
Số hiệu: | 21/2021/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quảng Trị |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 09/09/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về