Bản án về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản số 249/2023/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẠ LONG, TỈNH QUẢNG NINH

BẢN ÁN 249/2023/HS-ST NGÀY 07/11/2023 VỀ TỘI HỦY HOẠI NGUỒN LỢI THỦY SẢN

Ngày 07 tháng 11 năm 2023, tại Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 208/2023/TLST-HS ngày 06 tháng 10 năm 2023; theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 218/2023/QĐXXST - HS ngày 24 tháng 10 năm 2023, đối với các bị cáo:

1. Họ và tên: Lê Sỹ M (tên gọi khác: không), sinh ngày 04 tháng 4 năm 1980; tại: thị xã Q, tỉnh Quảng Ninh; nơi cư trú: khu 6, phường P, thị xã Q, tỉnh Quảng Ninh; nghề nghiệp: Ngư nghiệp; Trình độ học vấn: 9/12; Dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; Tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông: Lê Sỹ C và bà Lê Thị N (đều đã chết); vợ: Bùi Thị N; con: có 03 con, con lớn nhất sinh năm 2003, con nhỏ nhất sinh năm 2018; tiền án: không có; tiền sự: ngày 13/01/2023, bị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất 12,9m để khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác (đã nộp phạt ngày 02/2/2023); hiện tại ngoại nơi cư trú và bị áp dụng biện pháp “Cấm đi khỏi nơi cư trú” và “Tạm hoãn xuất cảnh”; có mặt tại phiên tòa.

2. Họ và tên: Tô Văn H (tên gọi khác: không), sinh ngày 10 tháng 10 năm 1977; tại: huyện H, tỉnh Thanh Hóa; nơi cư trú: thôn T, xã N, huyện H, tỉnh Thanh Hóa; nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ học vấn: 2/12; Dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; Tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông: Tô Văn B và bà Nguyễn Thị H; vợ: Nguyễn Thị T; con: có 03 con, con lớn nhất sinh năm 2001, con nhỏ nhất sinh năm 2006; tiền án: không có; tiền sự: ngày 13/01/2023, bị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất 12,9m để khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác (chưa nộp phạt); hiện tại ngoại nơi cư trú và bị áp dụng biện pháp “Cấm đi khỏi nơi cư trú” và “Tạm hoãn xuất cảnh”; có mặt tại phiên tòa.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: chị Bùi Thị N, sinh năm 1981; nơi cư trú: khu 6, phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh; có mặt tại phiên tòa.

* Người làm chứng: anh Hoàng Văn M.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Lê Sỹ M đứng tên đăng ký chủ sở hữu tàu có biển số QN -90835-TS, dùng làm phương tiện đánh bắt thủy sản, theo giấy phép khai thác thủy sản số 139/2019/QN-GPKTTS ngày 16/10/2019 do Chi cục Thủy sản Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh cấp, được khai thác nguồn lợi thủy sản, nghề chính lưới rê; nghề phụ lưới kéo và hoạt động vùng Lộng có thời hạn đến ngày 02/9/2024.

Để phục vụ việc khai thác thủy sản trên biển, năm 2022, M thuê Tô Văn H làm việc trên tàu với nhiệm vụ nấu cơm, dọn dẹp vệ sinh và giúp M một số việc liên quan đến khai thác thủy sản. Quá trình hoạt động, ngày 13/01/2023, M và H bị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng phương tiện tàu vỏ gỗ số hiệu QN-90835-TS có chiều dài lớn nhất là 12,9 mét để khai thác thủy sản trong khu vực cấm khai thác (khu vực biển Hòn Soi Sim, Vịnh Hạ Long, thành phố Hạ Long). Sau khi bị xử phạt, Lê Sỹ M đã chấp hành việc khai thác thủy sản ngoài khu vực Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, để đánh bắt được nhiều tôm, cá hơn M đã không dùng phương pháp đánh bắt bằng nghề lưới rê, lưới kéo theo giấy phép khai thác được cấp mà mua các công cụ gồm ắc quy, dây điện đấu nối với nhau tạo ra dòng điện phục vụ việc khai thác thủy sản ngoài khơi xa.

Tháng 4 năm 2023, Minh thuê thêm Hoàng Văn M làm việc trên tàu với nhiệm vụ nấu cơm, dọn dẹp vệ sinh và giúp Minh một số việc liên quan đến khai thác thủy sản. Tối ngày 28/6/2023, do gió to nên không khai thác thủy sản ở ngoài khơi xa được nên M điều khiển tàu đánh cá vào khu vực biển gần hòn Soi Sim thuộc Vịnh Hạ Long tọa độ 20050’55.6’’N, 107003’52.3’’E để khai thác thủy sản. Đến khoảng 3 giờ ngày 29/6/2023, M chỉ đạo H và anh Hoàng Văn M sử dụng bộ kích điện nối với lưới rồi thả lưới xuống dưới biển để thực hiện việc khai thác thủy sản, sau khi thả lưới xong, M bật kích điện để thực hiện việc khai thác thủy sản bằng dòng điện nhưng kích điện không hoạt động nên M đã tháo các dây dùng để đấu nối các thiết bị ra, chỉ tiến hành khai thác thủy sản bằng lưới. Đến 05 giờ 45 phút cùng ngày, khi M đang điều khiển tàu đánh cá kéo theo lưới để khai thác thủy sản thì bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hạ Long phát hiện hành vi vi phạm nên đã yêu cầu M chấm dứt hoạt động khai thác, thu lưới. Sau khi kéo lưới, kiểm đếm phát hiện bên trong lưới có các loại thủy sản gồm: 05 kg tôm mùa, 01 kg cá nhạc, 01 kg cá nanh.

Vật chứng thu giữ: 01 tàu đánh cá vỏ gỗ biển số QN-90835-TS (đã qua sử dụng); 01 bộ ắc quy nhãn hiệu DONGNAI, ký hiệu 12V-150AH (đã qua sử dụng);

01 bộ kích điện vỏ ngoài bằng gỗ kích thước (33x27,5x12,5)cm (đã qua sử dụng);

01 dây điện màu đen chiều dài 187,1 mét (đã qua sử dụng); 01 bộ lưới kéo dài khoảng 30,8 mét, trên lưới có gắn nhiều móc xích bằng kim loại (đã qua sử dụng);

02 tấm ván gỗ bọc kim loại (đã qua sử dụng); 01 kg cá nhạc; 01kg cá nanh và 05 kg tôm mùa.

Khám nghiệm hiện trường và tàu đánh bắt thủy sản xác định: nơi phát hiện tàu đánh cá QN-90835-TS đang khai thác thủy sản có tọa độ 20050’55.6’’N, 107003’52.3’’E. Phía cuối đuôi tàu có một hệ thống gắn cố định gồm cẩu bằng kim loại và tời kết nối với một bộ lưới đánh cá bằng dây thừng, trên lưới có gắn các đoạn xích kim loại và có một dây điện màu đen quấn chung với lưới, một đầu dây điện gắn vào miệng lưới, đầu còn lại được cuộn thành một cuộn dây điện dài chưa đấu nối vào thiết bị nào. Tại vị trí bên dưới giường trong khoang ca bin tàu phát hiện một bộ kích điện bên ngoài có vỏ bằng gỗ mỗi bên có 02 dây điện nhỏ; gần bộ kích điện là một bình ắc quy màu trắng, nhãn hiệu DONGNAI150 có in chữ 12V- 150AH, ắc quy và bộ kích điện chưa đấu nối với thiết bị nào.

Tại Kết luận giám định số 4915 ngày 07/7/2023 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: bộ kích điện thu trên tàu của Lê Sỹ M bị hỏng, không hoạt động được. Do bộ kích điện bị hỏng nên khi đấu bình ắc quy vào bộ kích điện sẽ không có điện áp ở đầu ra. Vì vậy, không xác định được có gây nguy hiểm cho người hay thủy hải sản không.

Tại Kết luận định giá tài sản số 147 ngày 06/8/2023 của Hội đồng định giá tài sản thành phố Hạ Long kết luận: giá trị của 05 kg tôm mùa là 800.000 đồng; giá trị của 01 kg cá nhạc là 80.000 đồng; giá trị của 01 kg cá nanh là 30.000 đồng. Tổng giá trị số thủy sản thu giữ là 910.000 (chín trăm mười nghìn) đồng.

Xác minh tại Ban quản lý Vịnh Hạ Long xác định vị trí Lê Sỹ Minh tổ chức khai thác thủy sản (tọa độ 20050’55.6’’N, 107003’52.3’’E) nằm trong vùng lõi của khu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và vùng bảo vệ I của di tích quốc gia đặc biệt Vịnh Hạ Long. Căn cứ khoản 2 Điều 9 Quyết định số 06/2019/QĐ-UBND ngày 19/01/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long quy định: “Không tổ chức khai thác thủy sản trong khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long”.

Tại cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hạ Long, Lê Sỹ M và Tô Văn H khai nhận hành vi vi phạm như nêu trên. Ngoài ra, Lê Sỹ M còn khai M được học bằng thuyền trưởng nên biết vùng Lộng là vùng biển ngoài vịnh, tàu của M chỉ được khai thác thủy sản ngoài vùng Lộng, không được khai thác thủy sản trong vùng Vịnh.

Về xử lý vật chứng: đối với tàu đánh cá vỏ gỗ biển số QN-90835-TS đã tạm giao cho chị Bùi Thị N (vợ của bị cáo M) trông coi quản lý; đối với số cá, tôm thu giữ đã tiêu hủy theo quy định;

Đối với: 01 bộ ắc quy nhãn hiệu DONGNAI, ký hiệu 12V-150AH (đã qua sử dụng); 01 bộ kích điện vỏ ngoài bằng gỗ kích thước (33x27,5x12,5)cm (đã qua sử dụng); 01 dây điện màu đen chiều dài 187,1 mét (đã qua sử dụng); 01 bộ lưới kéo dài khoảng 30,8 mét, trên lưới có gắn nhiều móc xích bằng kim loại (đã qua sử dụng), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hạ Long nhập kho vật chứng xử lý theo quy định.

Tại bản Cáo trạng số: 210/CT-VKSHL, ngày 06 tháng 10 năm 2023 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh truy tố Lê Sỹ M, Tô Văn H, về tội “Hủy hoại nguồn lợi thủy sản” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 242 của Bộ luật Hình sự.

* Tại phiên tòa: các bị cáo Lê Sỹ M, Tô Văn H khai nhận đã thực hiện hành vi như nội dung vụ án nêu trên.

Phần tranh luận: Đại diện Viện kiểm sát trình bày lời luận tội giữ nguyên quyết định truy tố, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử:

- Về hình phạt chính: căn cứ điểm b khoản 1 Điều 242; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58; khoản 1, 2, 5 Điều 65 của Bộ luật Hình sự:

Xử phạt: Lê Sỹ M từ 09 (chín) đến 12 (mười hai) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 (mười tám) đến 24 (hai mươi tư) tháng, kể từ ngày tuyên án về tội “Hủy hoại nguồn lợi thủy sản”.

Xử phạt: Tô Văn H từ 06 (sáu) đến 09 (chín) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 12 (mười hai) đến 18 (mười tám) tháng, kể từ ngày tuyên án về tội “Hủy hoại nguồn lợi thủy sản”.

Giao bị cáo Lê Sỹ M cho Ủy ban nhân dân phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh; giao bị cáo Tô Văn H cho Ủy ban nhân dân xã Nghi Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh; Ủy ban nhân dân xã Nghi Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa trong việc giám sát, giáo dục người bị kết án.

Trong trường hợp, người được hưởng án treo vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự từ 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

- Về hình phạt bổ sung: không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với các bị cáo.

- Về xử lý vật chứng: căn cứ điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự; điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự:

Trả lại cho bị cáo Lê Sỹ M và chị Bùi Thị N 01 (một) tàu đánh cá vỏ gỗ biển số QN-90835-TS (Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hạ Long đã tạm giao cho chị Bùi Thị N quản lý).

Tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước: 01 bộ ắc quy nhãn hiệu DONGNAI, ký hiệu 12V-150AH (đã qua sử dụng); 01 bộ kích điện vỏ ngoài bằng gỗ kích thước (33x27,5x12,5)cm (đã qua sử dụng); 01 dây điện màu đen chiều dài 187,1 mét (đã qua sử dụng); 01 bộ lưới kéo dài khoảng 30,8 mét, trên lưới có gắn nhiều móc xích bằng kim loại (đã qua sử dụng).

Đối với số tôm, cá bị thu giữ đã tiêu hủy theo quy định, nên không đề cập xử lý.

Các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không tranh luận gì với lời luận tội của đại diện Viện kiểm sát.

* Các bị cáo nói lời sau cùng: xin giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an thành phố Hạ Long, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân thành Hạ Long, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo không có ý kiến hay khiếu nại gì về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về hành vi phạm tội của các bị cáo, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau: Xét lời khai của các bị cáo tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa phù hợp với nhau, phù hợp với lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng cùng các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa. Hội đồng xét xử thấy có đủ cơ sở kết luận: hồi 5 giờ 45 phút ngày 29/6/2023, tại khu vực biển hòn Sim Soi thuộc Vịnh Hạ Long, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (tọa độ 20050’55.6’’N, 107003’52.3’’E), khu vực vùng lõi cấm đánh bắt thủy sản, là Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, không được tổ chức khai thác thủy sản nhưng Lê Sỹ M, Tô Văn H đã có hành vi khai thác thủy sản gồm 01 kg cá nhạc, 05 kg tôm mùa, 01 kg cá nanh, trị giá 910.000 (chín trăm mười nghìn) đồng, thì bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hạ Long phát hiện thu giữ vật chứng.

Điều 242 của Bộ luật Hình sự quy định:

“1. Người nào vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các lĩnh vực quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

… b) Khai thác thủy sản trong khu vực cấm hoặc trong khu vực cấm có thời hạn”… Ngày 13/01/2023, bị cáo Lê Sỹ M và Tô Văn H bị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất 12,9m để khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác (thuộc một trong các hành vi được quy định tại Điều 242 của Bộ luật Hình sự); ngày 02/02/2023, bị cáo Lê Sỹ M đã nộp phạt; bị cáo Tô Văn H chưa nộp phạt. Do đó, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định tại Điều 7 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Do vậy, hành vi như nêu trên của các bị cáo Lê Sỹ M, Tô Văn H đã đủ yếu tố cấu thành tội “Hủy hoại nguồn lợi thủy sản” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 242 của Bộ luật Hình sự.

Vì vậy, Bản Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh truy tố các Lê Sỹ M và Tô Văn H về tội “Hủy hoại nguồn lợi thủy sản”, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 242 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ.

[3] Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

[4] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: lần phạm tội này của các bị cáo là lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiệm trọng; các bị cáo đều có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên đều được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm i, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

[5] Về vai trò của các bị cáo: đây là vụ án đồng phạm giản đơn. Bị cáo Lê Sỹ M là chủ tàu cá và là người thuê bị cáo Tô Văn H làm việc trên tàu cá của Minh để khai thác thủy sản. Do vậy, bị cáo H giữ vai trò sau bị cáo M.

[6] Về hình phạt chính: căn cứ vào tính chất mức độ hành vi phạm tội, căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, nhân thân của các bị cáo; các bị cáo đều có nơi cư trú rõ ràng và đây là lần đầu các bị cáo phạm tội ít nghiệm trọng. Nên, Hội đồng xét xử thấy không cần thiết phải bắt các bị cáo phải chấp hành hình phạt tù mà cho các bị cáo được cải tạo tại địa phương cũng đảm bảo tính răn đe, giáo dục các bị cáo, đồng thời đáp ứng được công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

[7] Về hình phạt bổ sung: tại khoản 4 Điều 242 của Bộ luật Hình sự quy định người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền. Tuy nhiên các bị cáo thu nhập không ổn định, nên không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với các bị cáo.

[8] Về vật chứng của vụ án gồm:

Đối với tàu đánh cá vỏ gỗ biển số QN-90835-TS là tài sản chung vợ chồng, là phương tiện duy nhất của gia đình phục vụ cuộc sống hằng ngày; chị Bùi Thị N (vợ của bị cáo M) không biết bị cáo sử dụng vào việc phạm tội và xin được nhận lại tàu để làm phương tiện đánh bắt thủy sản hợp pháp. Hội đồng xét xử xét thấy, nếu tịch thu sung ngân sách nhà nước ½ trị giá tàu cá sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của cả gia đình. Vì đây là phương tiện kiếm sống duy nhất của gia đình bị cáo. Do vậy, căn cứ điểm a khoản 3 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử xét thấy nên trả lại cho bị cáo và vợ là Bùi Thị N chiếc tàu cá nêu trên.

Đối với: 01 bộ ắc quy nhãn hiệu DONGNAI, ký hiệu 12V-150AH (đã qua sử dụng); 01 bộ kích điện vỏ ngoài bằng gỗ kích thước (33x27,5x12,5)cm (đã qua sử dụng); 01 dây điện màu đen chiều dài 187,1 mét (đã qua sử dụng); 01 bộ lưới kéo dài khoảng 30,8 mét, trên lưới có gắn nhiều móc xích bằng kim loại (đã qua sử dụng) là công cụ dùng vào việc phạm tội. Nên căn cứ điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự; điểm a khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự, cần tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.

Đối với số tôm, cá thu giữ đã tiêu hủy theo quy định, nên Hội đồng xét xử không đề cập xử lý.

[9] Về biện pháp ngăn chặn: vì các bị cáo không bị áp dụng hình phạt chính là tù có thời hạn, nên Hội đồng xét xử thấy cần thiết phải hủy bỏ các “Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú” số 305, 306 ngày 09/10/2023 và các “Quyết định tạm hoãn xuất cảnh” số 372, 373 ngày 09/10/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long đối với bị cáo Lê Sỹ M, Tô Văn H.

[10] Về lời luận tội của đại diện Viện kiểm sát: xét những chứng cứ mà Kiểm sát viên dùng để chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo đã được cơ quan điều tra thu thập theo đúng trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự quy định; tại phiên tòa các bị cáo cũng đã thừa nhận thực hiện hành vi phạm tội như bản cáo trạng của Viện kiểm sát. Nên, lời buộc tội của Kiểm sát viên về tội danh, khung hình phạt, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo là có căn cứ, nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[11] Về án phí: các bị cáo phải chịu tiền án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

[12] Về quyền kháng cáo: các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

[13] Đối với các công cụ gồm ắc quy, kích điện, dây điện có trên tàu đánh cá QN-90835-TS là của Lê Sỹ M nhằm mục đích tạo ra dòng điện để khai thác thủy sản. Công an thành phố Hạ Long đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Lê Sỹ M.

Đối với anh Hoàng Văn M chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 242 của Bộ luật Hình sự, chưa bị kết án về tội “Hủy hoại nguồn lợi thủy sản” nên không có căn cứ xử lý hình sự đối với Hoàng Văn M.

Đối với chị Bùi Thị N (vợ của bị cáo Lê Sỹ M) không liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Minh, nên không đề cập xử lý.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ: điểm b khoản 1 Điều 242; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58; khoản 1, 2, 5 Điều 65 của Bộ luật Hình sự:

Xử phạt: Lê Sỹ M 09 (chín) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 (mười tám) tháng, kể từ ngày tuyên án về tội “Hủy hoại nguồn lợi thủy sản”, Xử phạt: Tô Văn H 06 (sáu) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 (mười hai) tháng, kể từ ngày tuyên án về tội “Hủy hoại nguồn lợi thủy sản”.

Giao bị cáo Lê Sỹ M cho Ủy ban nhân dân phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh; giao bị cáo Tô Văn Hải cho Ủy ban nhân dân xã Nghi Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh; Ủy ban nhân dân xã Nghi Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa trong việc giám sát, giáo dục người bị kết án.

Trong trường hợp, người được hưởng án treo vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự từ 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

2. Về xử lý vật chứng: căn cứ điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự; điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự:

Trả lại cho bị cáo Lê Sỹ M và chị Bùi Thị N 01 (một) tàu đánh cá vỏ gỗ biển số QN-90835-TS (Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hạ Long đã tạm giao tàu đánh cá cho chị Bùi Thị N quản lý).

Tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước: 01 (một) bộ ắc quy nhãn hiệu DONGNAI, ký hiệu 12V-150AH, 01 bộ kích điện vỏ ngoài bằng gỗ kích thước (33x27,5x12,5)cm, 01 (một) dây điện màu đen chiều dài 187,1 mét, 01 (một) bộ lưới kéo dài khoảng 30,8 mét, trên lưới có gắn nhiều móc xích bằng kim loại (đều đã qua sử dụng).

(Theo Biên bản giao nhận vật chứng số 17/BB-THA ngày 25 tháng 10 năm 2023, tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).

3. Về án phí: căn cứ khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; khoản 1 Điều 21, điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Các bị cáo Lê Sỹ M, Tô Văn H mỗi bị cáo phải nộp 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

4. Về quyền kháng cáo: căn cứ khoản 1, 4 Điều 331, Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự: bị cáo Lê Sỹ M, Tô Văn H và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Bùi Thị N có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

25
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản số 249/2023/HS-ST

Số hiệu:249/2023/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Hạ Long - Quảng Ninh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 07/11/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: [email protected]
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;