Bản án về tội giết người số 92/2020/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 92/2020/HS-PT NGÀY 27/02/2020 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Ngày 27 tháng 02 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 958/2019/TLPT-HS ngày 02 tháng 12 năm 2019; do có kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam và kháng cáo của bị cáo Phan Thị L, người đại diện hợp pháp cho bị hại là ông Nguyễn Văn T đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 31/2019/HS-ST ngày 24/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam.

- Bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo, kháng nghị:

Phan Thị L, sinh năm 1986 tại Hà Nam, giới tính: Nữ;

Nơi cư trú: Xóm 4, xã P, huyện L, tỉnh Hà Nam; nghề nghiệp: Lao động tự do; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; trình độ văn hóa: Lớp 9/12; con ông Phan Doãn T1 (đã chết) và bà Trần Thị L1, sinh năm 1950; bị cáo có chồng là Nguyễn Văn T; có 02 con, con lớn nhất sinh năm 2014, con nhỏ nhất sinh năm 2017; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại. Có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Nguyễn Văn C - Luật sư Công ty Luật TNHH H, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Hà Nam. Có mặt tại phiên tòa.

- Người bị hại: Cháu Nguyễn Ngọc B, sinh ngày 13/8/2014 và cháu Nguyễn Ngọc T2 sinh ngày 30/9/2017, đều vắng mặt.

Đều trú tại: Xóm 4, xã P, huyện L, tỉnh Hà Nam.

- Đại diện hợp pháp cho những người bị hại có kháng cáo: Ông Nguyễn Văn T (bố cháu B và cháu T2), sinh năm 1985.

Trú tại: Xóm 4, xã P, huyện L, tỉnh Hà Nam. Có mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Bị cáo Phan Thị L và anh Nguyễn Văn T là vợ chồng, quá trình sinh sống vợ chồng thường xuyên xẩy ra mâu thuẫn. Ngày 18/12/2018, hai vợ chồng tiếp tục cãi vã nhau, anh T khóa cửa nhà không cho bị cáo vào. Chiều cùng ngày, sau khi đi làm về Phan Thị L đã mua 30.000 đồng tiền xăng mang về nhà để ở gian bếp ; khoản 18 giờ 30 cùng ngày, anh T đi làm về thấy vợ, con đang ở nhà, anh T tiếp tục có lời qua tiếng lại với vợ và tự don cơm ra ăn. Phan Thị L đã đưa hai con nhỏ vào nhà tắm rửa cho con. Do có ý định tự tử và để các con cùng chết với mình, L để cháu B ở nhà tắm rồi bế cháu T2 đi xuống gian bếp lấy chai xăng đổ vào bát bằng kim loại, đồng thời mang theo chiếc bật lửa ga quay vào nhà tắm chốt cửa lại. L đổ một phần xăng trong bát vào phần đùi của cháu B. Lúc này, cháu T2 vươn tay nghịch làm bát xăng trên tay L đổ hết lên người cháu T2 và L. L bật lửa lên để chấm lửa. Sau khi ăn cơm xong, anh T bê mâm cơm xuống bếp, khi đi qua nhà tắm thấy có ánh sáng lửa hắt ra từ cửa kính nhà tắm. Anh T tiến lại gần thì có tiếng nổ làm vỡ cửa kính nhà tắm, mảnh kính bắn vào trán làm anh T chảy máu. Anh T nhìn vào bên trong thấy cháu B, T2 và L đang bị lửa cháy trên người, nên luồn tay qua ô kính vỡ kéo chốt đẩy cửa vào lấy quần áo ướt trong nhà tắm dập lửa đang cháy trên người L, cháu B, cháu T2, sau đó bế cháu B, cháu T2 và đưa L ra ngoài, đồng thời được mọi người đưa cả ba mẹ con đi cấp cứu.

Hậu quả Bị cáo L bị bỏng lửa xăng tứ chi, bỏng sốc nặng; cháu B bị bỏng lửa xăng mặt, tay phải, thân, tứ chi, bỏng sốc nặng; cháu T2 bỏng lửa xăng tay trái, hai chân.

Kết quả khám nghiệm hiện trường thể hiện:

Hiện trường vụ án xảy ra ngày 18/12/2018 tại nhà anh Nguyễn Văn T, sinh năm 1985, trú tại xóm 4, xã P, huyện L, tỉnh Hà Nam đã bị xáo trộn do quá trình dọn vệ sinh và cấp cứu nạn nhân của gia đình. Gờ cửa ra vào nhà tắm có đám vết màu nâu đỏ dạng nhỏ giọt đã khô nghi máu. Nhà tắm có một cửa ra vào dạng cửa khung nhôm kính, nửa phía trên cửa ra vào nhà tắm là 2 ô kính, ô kính phía Bắc bị vỡ rời, nửa phía dưới cửa bịt nhôm bị đẩy cong từ trong ra ngoài so với vị trí ban đầu 03cm làm bật rời các tấm nhôm để lộ khoảng hở. Trên nền nhà tắm và nền bếp có rải rác nhiều mảnh kính vỡ. Khu vực bếp kê 1 tủ gỗ, dưới gầm tủ phát hiện một chai nhựa màu xanh nắp trắng kiểu vỏ chai nước ngọt hiệu “7up” loại dung tích 1,5 lít, bên trong chai có chứa khoảng 1 lít chất lỏng không màu, có mùi giống mùi xăng. Quá trình khám nghiệm thu giữ: Dấu vết nghi máu và chai nhựa nghi chứa xăng.

Ngày 19/12/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hà Nam tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở, đồ vật đối với Phan Thị L thu giữ: 01 khẩu súng tự chế kiểu dáng súng nén cồn bằng nhựa; 01 bản sao giấy khai sinh mang tên Nguyễn Ngọc B; 01 Giấy trích lục khai sinh mang tên Nguyễn Ngọc T2.

Quá trình điều tra còn thu giữ: 01 áo phông dạng áo trẻ em màu đỏ, phía sau gấu áo có vết cháy xém sun vải; 01 áo trẻ em dạng áo thun, phần gấu áo phía trước bị cháy xém sun vải; 01 áo trẻ em dạng áo phông bị cháy xém toàn thân;

01 quần trẻ em, mặt sau hai ống quần bị cháy xém, sun ống; 01 quần vải bị cháy xém, sun vải không rõ hình; 01 quần lót màu xanh, mặt sau đáy quần dính chất cháy màu đen; 01 quần vải trẻ em bị cháy xém, sun vải toàn bộ; 01 đôi tất trẻ em bị cháy xém sun vải do ông Nguyễn Văn Đ giao nộp; 10 sợi tóc có chân được nhổ trực tiếp trên đầu anh Nguyễn Văn T để phục vụ công tác giám định; 01 chiếc bát bằng kim loại do Phan Thị L giao nộp; 01 Đơn đề nghị giám định tâm thần; 04 Hóa đơn bán hàng; 04 Bảng kê chi phí nhà thuốc; 02 Giấy ra viện; 01 ảnh (4x6); 01 Đơn xin bãi nại do anh Nguyễn Văn T giao nộp; 01 tuýp đựng máu, bên trong chứa khoảng 2ml máu của bệnh nhân Phan Thị L do Viện bỏng Quốc gia cung cấp.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về ADN số 15/19/TC-ADN ngày 05/01/2019 của Viện Pháp y Quốc gia kết luận: Dấu vết nghi máu gửi giám định là máu người; thu được dữ liệu ADN đầy đủ của một nam giới từ mẫu dấu vết nghi máu gửi giám định.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về ADN số 20/19/TC-ADN ngày 05/01/2019 của Viện Pháp y Quốc gia kết luận: ADN của Phan Thị L không trùng khớp với ADN thu từ mẫu dấu vết nghi máu (mẫu đã lưu dữ liệu ADN tại Bản kết luận giám định pháp y về ADN số 15/19/TC-ADN ngày 05/01/2019 của Viện Pháp y Quốc gia).

Tại Bản kết luận giám định pháp y về ADN số 60/19/TC-ADN ngày 15/3/2019 của Viện Pháp y Quốc gia kết luận: ADN của nam giới thu từ dấu vết nghi máu gửi giám định trùng khớp hoàn toàn với ADN của Nguyễn Văn T.

Tại Bản kết luận giám định số 7220/C09(P4) ngày 11/01/2019 của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an kết luận: Trong các mẫu gửi giám định gồm: 01 áo phông trẻ em màu đỏ, cộc tay sát nách, phía sau áo có vết cháy; 01 áo trẻ em thun dài tay có cổ, màu đỏ, phần áo phía trước bị cháy; 01 áo phông trẻ em dài tay bị cháy; 01 quần thun màu trắng trẻ em, mặt sau hai ống quần bị cháy sun ống; 01 quần vải thun màu xanh đen bị cháy; 01 quần lót màu xanh đen, mặt sau quần dính chất cháy màu đen; 01 quần vải trẻ em màu xanh đen bị cháy xém sun vải toàn bộ và 01 đôi tất trẻ em màu xanh đen bị cháy xém sun vải đều tìm thấy các hydrocacbon có trong thành phần của xăng (cặn xăng).

Tại Bản kết luận giám định số 7218/C09(P3) ngày 11/01/2019 của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an kết luận: Khẩu súng gửi đến giám định là súng bắn bi bằng lực đẩy của hơi cồn thuộc loại vũ khí có tính năng tác dụng tương tự như súng săn, không phải là vũ khí quân dụng.

Tại Bản kết luận giám định số 7221/C09(P4) ngày 11/01/2019 của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an kết luận: Chất lỏng chứa trong chai nhựa màu xanh gửi giám định là xăng.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 44/19/TgT ngày 22/4/2019 của Trung tâm Pháp y tỉnh Hà Nam kết luận đối với Phan Thị L:

Dấu hiệu chính qua giám định: Sẹo bỏng 24% diện tích cơ thể, không ảnh hưởng đến chức năng: 15%; Sẹo bỏng 07% diện tích cơ thể vùng da hở, ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ: 06%; Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định: 20%.

Cơ chế hình thành tổn thương: Qua nghiên cứu hồ sơ tài liệu và khám giám định cho phép nhận định các thương tích do tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa có nhiệt độ cao làm tổn thương bỏng nhiều nơi.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 43/19/TgT ngày 22/4/2019 của Trung tâm Pháp y tỉnh Hà Nam kết luận đối với Nguyễn Ngọc B: Dấu hiệu chính qua giám định: Sẹo bỏng 26% diện tích cơ thể, không ảnh hưởng đến chức năng: 15%; Sẹo bỏng 08% diện tích cơ thể vùng da hở, ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ: 07%; Di chứng cứng các khớp liên đốt ngón V bàn tay phải: 05%. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định: 25%.

Cơ chế hình thành tổn thương: Qua nghiên cứu hồ sơ tài liệu và khám giám định cho phép nhận định các thương tích do tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa có nhiệt độ cao làm tổn thương bỏng nhiều nơi.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 42/19/TgT ngày 22/4/2019 của Trung tâm Pháp y tỉnh Hà Nam kết luận đối với Nguyễn Ngọc T2: Dấu hiệu chính qua giám định: Sẹo bỏng 05% diện tích cơ thể, không ảnh hưởng đến chức năng: 03%; Sẹo bỏng 01% diện tích cơ thể vùng da hở, ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ: 02%; Di chứng cứng các khớp liên đốt ngón V bàn tay phải: 05%. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định: 10%.

Cơ chế hình thành tổn thương: Qua nghiên cứu hồ sơ tài liệu và khám giám định cho phép nhận định các thương tích do tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa có nhiệt độ cao làm tổn thương bỏng nhiều nơi.

Tại Bản kết luận giám định pháp y tâm thần số 274/KLGĐ ngày 16/8/2019 của Viện Pháp y tâm thần Trung ương kết luận: Tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội và tại thời điểm giám định bị can Phan Thị L bị bệnh rối loạn loại phân liệt. Theo phân loại bệnh Quốc tế lần thứ 10 năm 1992 bệnh có mã số F21. Tại các thời điểm trên bị can hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Với nội dung trên, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 31/2019/HS-ST, ngày 24/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam đã quyết định : Áp dụng điểm a, b khoản 1 Điều 123; điểm q, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 15; Điều 38; Điều 47; Điều 50; khoản 3 Điều 57; Điều 47 Bộ luật Hình sự; Điêu 106; Điều 135; Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuyên bố: Bị cáo Phan Thị L phạm tội “Giết người”. Xử phạt bị cáo Phan Thị L 07 (bảy) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn xử lý vật chứng, buộc nghĩa vụ chịu án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 29/10/2019 bị cáo Phan Thị L có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo; ngày 30/10/2019 đại diện hợp pháp cho bị hại có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin cho bị cáo được hưởng án treo; ngày 01/11/2019 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành Kháng nghị số 2168/QĐ-KN-P2 kháng nghị về phần hình phạt theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội rút toàn bộ nội dung kháng nghị; bị cáo, đại diện hợp pháp cho bị hại giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Bị cáo trình bày: Bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã quy kết. Tuy nhiên, từ trước tới nay, bị cáo chưa có tiền án, tiền sự; luôn chấp hành tốt chính sách của nhà nước; chỉ vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên vợ chồng mới nảy sinh mâu thuẫn; hiện bị cáo rất ân hận. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Đại diện hợp pháp cho bị hại ông Nguyễn Văn T trình bày: Hiện tại, gia đình hết sức khó khăn, hai con còn nhỏ một mình ông không thể cáng đáng được; hơn nữa, trong việc này, ông cũng có một phần lỗi là đã gây áp lực cho vợ, nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo L được hưởng án treo để cùng ông nuôi dạy các con.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm: Cấp sơ thẩm xét xử, quy kết bị cáo về tội “Giết người” theo điểm a, b khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy bị cáo có 02 tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự; nhưng cân nhắc giữa tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xử phạt bị cáo 07 năm tù là có căn cứ, tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo. Vì vậy, Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo là không cần thiết. Do đó, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội rút toàn bộ nội dung kháng nghị; đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam. Đối với kháng cáo của bị cáo và đại diện hợp pháp cho người bị hại, thấy: Như đã phân tích ở trên thì Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 07 năm tù là có căn cứ, nên kháng cáo của bị cáo và đại diện hợp pháp cho bị hại không có căn cứ chấp nhận.

Từ các phân tích trên, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 348 Bộ luật Tố tụng hình sự, đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam; áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự; không chấp nhận kháng cáo của bị cáo và đại diện hợp pháp cho người bị hại; giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Quan điểm của Luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Thị L: Về tội danh, điều luật mà Viện kiểm sát truy tố bị cáo, Luật sư không có ý kiến gì. Tuy nhiên, xét bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự. Bản thân bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi; gia đình bị cáo có hoàn cảnh khó khăn; bị cáo đã thật sự ăn năn hối cải. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và cho bị cáo được hưởng án treo cũng đủ tính răn đe, giáo dục, không gây nguy hại cho xã hội, thể hiện được chính sách nhân đạo của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh luận tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội rút toàn bộ nội dung kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam, nên Hội đồng xét xử căn cứ Điều 348 Bộ luật Hình sự đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam.

[2] Tại phiên tòa, bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như nội dung bản án sơ thẩm đã quy kết. Lời khai của bị cáo phù hợp với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, vật chứng được thu giữ, đặc biệt là các kết luận giám định. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã có đủ cơ sở kết luận: Do mâu thuẫn với chồng, ngày 18/12/2018, Phan Thị L đã mua 30.000 đồng tiền xăng mang về nhà cất ở gian bếp, đến khoảng 19 giờ cùng ngày, L đưa 02 con trai là Nguyễn Ngọc B và Nguyễn Ngọc T2 chốt cửa lại lấy xăng đổ lên người cháu B, số còn lại do cháu T2 làm đổ lên người mình và người L, sau đó L bật lửa châm lửa đốt; nhưng anh T phát hiện nên đã phá cửa nhà tắm vào dập lửa và đưa ba mẹ con đi cấp cứu.

Hậu quả làm cháu B tổn hại 25% sức khỏe, cháu T2 tổn hại 10% sức khỏe và bị cáo L bị tổn hại 20% sức khỏe. Hành vi của bị cáo Phan Thị L đã đủ yếu tố cấu thành tội ‘‘Giết người’’ với tình tiết định khung tăng nặng là giết 02 người trở lên và giết người dưới 16 tuổi được quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự. Việc các cháu B, T2 không chết là ngoài ý muốn của bị cáo do anh T phát hiện kịp thời nên đã ngăn chặn được hậu quả chết người xẩy ra. Hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ; gây tâm lý hoang mang, sợ hãi cho các cháu nhỏ; gây dư luận bất bình trong xã hội. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, tình trạng xâm hại sức khỏe đối với trẻ em đang là vấn nạn cần phải lên án. Vì vậy, việc xử lý nghiêm minh đối với loại hành vi này mới có tác dụng cải tạo, giáo dục bị cáo và răn đe phòng ngừa tội phạm chung.

[3] Xét kháng cáo của bị cáo, của đại diện hợp pháp cho người bị hại, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm thấy: Khi xét xử sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, như: Tại giai đoạn điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; bản thân bị cáo tại thời điểm phạm tội bị bệnh rối loạn loại phân liệt, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi; người đại diện hợp pháp cho bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đặc biệt, hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra đã được ngăn chặn; nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo cũng một phần do hoàn cảnh khó khăn, túng quẫn về kinh tế, cuộc sống vợ chồng thường xuyên xẩy ra mâu thuẫn làm cho bị cáo túng quẫn, không tìm được lối thoát nên đã có những suy nghĩ tiêu cực. Hơn nữa, cả hai người bị hại là con đẻ của bị cáo hiện đang còn nhỏ, nên nếu xử phạt bị cáo mức án cao thì một mình anh T là bố của hai bị hại sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống khi phải một mình chăm sóc hai con. Bản thân bị cáo có ông ngoại là Liệt sỹ, có bố là thanh niên xung phong, có nhiều công lao được hưởng chế độ của thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến. Do đó, cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo mức án 07 năm tù là mức án ở mức khởi điểm của khung hình phạt liền kề của điều luật là có căn cứ, đúng pháp luật thể hiện được chính sách nhân đạo của pháp luật, không cao. Tại cấp phúc, không có tình tiết gì mới đáng kể để làm căn cứ giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo, của người đại diện hợp pháp cho người bị hại; đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao đề nghị không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm là có căn cứ.

[3] Bị cáo Phan Thị L kháng cáo không được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận nên bị cáo phải nộp án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật;

người đại diện hợp pháp cho người bị hại không phải chịu án phí phúc thẩm.

[4] Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 348 Bộ luật Tố tụng hình sự, đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam.

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự; không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phan Thị L và đại diện hợp pháp cho bị hại là ông Nguyễn Văn T; giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 31/2019/HS- ST ngày 24/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam.

Áp dụng điểm a, b khoản 1 Điều 123; điểm q, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 15; khoản 3 Điều 57; Điều 38; Điều 47; Điều 50 Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Phan Thị L 07 (bảy) năm tù về tội “Giết người”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

Về án phí: Bị cáo Phan Thị L phải nộp 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

96
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội giết người số 92/2020/HS-PT

Số hiệu:92/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 27/02/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;