TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
BẢN ÁN 32/2024/HS-ST NGÀY 30/08/2024 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI
Ngày 30 tháng 8 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 27/2024/TLST-HS ngày 22 tháng 7 năm 2024, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 3084/2024/QĐXXST-HS ngày 16 tháng 8 năm 2024 đối với bị cáo:
Phạm Văn Tuấn A, sinh năm 1990 tại tỉnh Bến Tre; nơi cư trú: ấp P, xã T, huyện B, tỉnh Bến Tre; nghề nghiệp: phụ giúp gia đình; trình độ học vấn: lớp 9/12; giới tính: nam; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: không; con ông Phạm Văn T, sinh năm 1966 và bà Lê Thị H, sinh năm 1966; vợ: Lê Thị Mỹ N, sinh năm 1996; con: có 01 con sinh năm 2022; tiền án: không; tiền sự: không; bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 10/01/2024 đến nay; có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo: Bà Nguyễn Thanh L – Luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre; có mặt.
- Bị hại: Ông Đoàn Văn C (B), sinh năm 1986. Nơi cư trú: Số B ấp G, xã T, huyện G, tỉnh Bến Tre; có mặt.
- Người làm chứng: Ông Phạm Minh Đ, sinh năm 1987. Nơi cư trú: ấp P, xã T, huyện B, tỉnh Bến Tre; có mặt.
- Gia đình bị cáo: Chị Phạm Thị Thúy A1, sinh năm 1988. Nơi cư trú: ấp P, xã T, huyện B, tỉnh Bến Tre; có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào khoảng 15 giờ ngày 18/8/2023, Phạm Văn T1 A1 và anh Đoàn Văn C cùng một số người ngồi uống rượu tại nhà anh Phạm Văn V, ở ấp P, xã T, huyện B, tỉnh Bến Tre. Trong lúc uống rượu giữa A1 và anh C xảy ra mâu thuẫn cự cãi, đánh nhau bằng tay nhưng được mọi người can ngăn. A1 bỏ đi về nhà của A1, còn anh C tiếp tục ngồi uống rượu tại nhà anh V. Một lúc sau, vào khoảng 17 giờ cùng ngày, A1 đến cái giường dùng để chén phía sau nhà chị ruột A1 là Phạm Thị Thúy A1 (kế bên nhà A1) lấy một cây kéo bằng kim loại, cán bọc nhựa cầm trên tay đi qua nhà anh V tìm anh C. Khi thấy A1 đi đến thì anh C đứng dậy, A1 xông vào dùng tay phải cầm cây kéo với mũi kéo đang mở ra thành hai mũi đâm ngang từ phải qua trái trúng vào ngực trái của anh C một nhát gây ra hai vết thương ở ngực trái, anh C đưa hai tay lên chụp lấy tay cầm kéo của A1 đẩy ra ngoài thì A1 tiếp tục xông vào dùng mũi kéo vẫn còn đang mở đâm trúng vào thái dương trái của anh C một nhát gây ra một vết thương ở thái dương trái và vết thương ở trán trái. Khi bị đâm trúng anh C bị bật về sau và ngã nghiêng người về bên phải kéo A1 ngã theo, A1 tiếp tục dùng kéo đâm trúng vào sườn trái của anh C một nhát. Mọi người can ngăn, A1 đi về nhà và vứt bỏ cây kéo. Anh C được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện N1, tỉnh Bến Tre. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành truy tìm cây kéo là hung khí của A1 gây thương tích cho anh C nhưng không truy tìm được.
Trong quá trình phẫu thuật, xử lý vết thương của anh Đoàn Văn C, Bệnh viện Nguyễn Đình C1 đã lưu giữ 01 dị vật bằng kim loại hình trụ nhọn, dài 0,9cm, nơi rộng nhất 0,4cm, nơi hẹp nhất 0,1cm, găm cứng vào sọ anh Đoàn Văn C. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành thu giữ dị vật này, xác định là mũi kéo mà A1 đã đâm anh C bị gãy găm vào xương sọ của anh C. Tại Kết luận giám định tổn thương cơ thể trên người sống số 358-23/KLTTCT- TTPYBT ngày 24/10/2023 của Trung tâm pháp y tỉnh Bến Tre, xác định anh Đoàn Văn C bị các thương tích:
- Sẹo giữa trán lệch trái, kích thước nhỏ.
- Sẹo thái dương trái, kích thước nhỏ.
- 03 sẹo ngực trái, kích thước nhỏ.
- Nứt sọ trán trái, chiều dài dưới 03 cm.
- Mất bàn ngoài vùng xương sọ thái dương trái, chiều dài dưới 03cm.
- Tổn thương màng phổi di chứng dày dính màng phổi trái nhỏ hơn ¼ diện tích phế trường.
Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của Đoàn Văn C tại thời điểm giám định là 28%.
Cơ chế hình thành vết thương do vật sắc nhọn gây ra; Cây kéo sắt có khả năng gây ra được thương tích cho Đoàn Văn C. Không xác định thương tích gây ra khi kéo đóng hay mở lưỡi kéo.
Ngày 30/11/2023, Trung tâm pháp y tỉnh Bến Tre có Công văn số 232/CV-PY phúc đáp: các vết thương trên cơ thể của Đoàn Văn C có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời có thể làm cho Đoàn Văn C tử vong.
Tại Kết luận giám định pháp y tâm thần số 330/KL-VPYTW ngày 23/5/2024 của V1 trước, trong, sau khi gây án và hiện nay Phạm Văn Tuấn A bị bệnh Rối loạn nhân cách và hành vi do sử dụng rượu (F10.71 - ICD.10), tại thời điểm gây án Phạm Văn Tuấn A bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, hiện nay Phạm Văn Tuấn A đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Quá trình điều tra, Phạm Văn Tuấn A khai nhận hành vi phạm tội, thừa nhận những vết thương của anh Đoàn Văn C do A gây ra nhưng cho rằng các vết thương của anh C do hai bên giằng co nhau. Cơ quan điều tra tiến hành cho Phạm Văn Tuấn A và anh C thực nghiệm điều tra theo lời khai của A và anh C. Ngày 28/12/2023, Trung tâm Pháp y tỉnh Bến Tre có Công văn phúc đáp: Tư thế theo kết quả thực nghiệm điều tra vụ án theo lời khai của bị hại Đoàn Văn C có thể gây thương tích như trên cho Đoàn Văn C. Bị hại Đoàn Văn C yêu cầu Phạm Văn T1 An bồi thường thiệt hại tổng số tiền 40.000.000 đồng. Bị cáo đồng ý bồi thường và đã tác động gia đình bồi thường cho xong bị hại Cam số tiền 40.000.000 đồng. Bị hại Đoàn Văn C có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo A. * Tại Bản cáo trạng số: 49/CT-VKSBT-P1 ngày 22/7/2024 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre truy tố Phạm Văn Tuấn A về “Tội giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa:
Bị cáo khai nhận hành vi phù hợp với nội dung Cáo trạng, bị cáo thừa nhận thương tích của Đoàn Văn C là do bị cáo gây ra, do giữa bị cáo và C giằng co cây kéo gây ra các vết thương của bị hại, bị cáo cho rằng cầm kéo đẩy vào người anh C và có ý gây thương tích cho anh C. Bị hại trình bày bị cáo dùng kéo đâm vào ngực, đầu và vùng sườn trái, không có giằng co mà do bị đâm, vết thương trán trái làm nứt sọ do kéo gây ra.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre giữ quyền công tố luận tội và tranh luận, giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị tuyên bố bị cáo Phạm Văn Tuấn A phạm tội “Giết người”. Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 123; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 15; Điều 57; Điều 54; Điều 38 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Phạm Văn Tuấn A từ 07 năm đến 09 năm tù. Về trách nhiệm dân sự: Ghi nhận bị cáo đã bồi thường xong, bị hại không yêu cầu gì thêm. Về xử lý vật chứng: Tịch thu tiêu hủy vật chứng không có giá trị sử dụng và không có yêu cầu nhận lại.
Bị cáo không tranh luận.
Người bào chữa cho bị cáo cho rằng không ý kiến về tội danh, đề nghị xem về nhận thức của bị cáo, bị cáo có bệnh về thần kinh, gia đình của bị cáo có đưa bị cáo đi điều trị, bị rối loạn nhân cách và hành vi, bị cáo có hành vi tự gây hại cho bản thân, gây rối. Tại thời điểm gây án A bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, bị cáo học vấn thấp. Bị cáo nhận thức hành vi không vi phạm pháp luật, truy tố bị cáo theo điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự là không tương thích với bị cáo, bị cáo không có ý tước đi mạng sống của bị hại, mà do bị đau ở tay nên có ý gây thương tích cho bị hại, các thương tích trên người bị hại là do giằng co gây ra, bị cáo thực hiện hành vi không quyết liệt. Về nguyên nhân, do có cự cãi trước đó và có uống rượu nên bị cáo thực hiện hành vi, nên hành vi của bị cáo không mang tính chất côn đồ. Tình tiết giảm nhẹ, bị cáo thật thà khai báo, ăn năn hối cải, gia đình của bị cáo có người thân có công với đất nước, bị cáo là lao động chính trong gia đình, bị cáo bồi thường xong thiệt hại theo điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Đề nghị áp dụng thêm cho bị cáo điểm q khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Hình phạt Kiểm sát viên đề nghị từ 07 đến 09 năm tù là quá nặng. Đề nghị áp dụng hình phạt đối với bị cáo 07 năm tù.
Bị hại không tranh luận.
Bị cáo nói sau cùng: Do say sỉn, nóng giận mất tự chủ, bị cáo biết bị cáo sai trái, xin lỗi bị hại, mong được hưởng mức án nhẹ để sớm trở về lo cho con.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bến Tre, Điều tra viên; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo, người bào chữa cho bị cáo, bị hại không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai trong quá trình điều tra, phù hợp với các chứng cứ đã được thu thập, có cơ sở xác định: Vào khoảng 17 giờ ngày 18/8/2023, tại nhà anh Phạm Văn V, ở ấp P, xã T, huyện B, tỉnh Bến Tre, chỉ vì nguyên cớ nhỏ nhặt, Phạm Văn Tuấn A đã có hành vi dùng kéo là hung khí nguy hiểm đâm vào vùng ngực trái, vùng đầu trên cơ thể của anh Đoàn Văn C gây thương tích với tỷ lệ thương tật 28%.
Bị cáo và người bào chữa cho bị cáo cho rằng có giằng co và không có ý định tước đi mạng sống của bị hại. Tuy nhiên tại phiên tòa bị cáo cho rằng quá trình giằng co bị cáo có dùng lực đẩy cây kéo về phía bị hại, phù hợp với các lời khai của bị cáo thể hiện tại Biên bản lấy lời khai ngày 12/6/2024 (BL 270-273) có nội dung: “Bị can cầm cây kéo chỉ thẳng vào người ông C chửi ông C và đi xông tới nơi ông C đang đứng, hướng vào người ông C để dọa ông C, khi tới gần ông C thì ông C chụp tạy phải của bị can, (4 tay chụp vào cây kéo) làm bị can bị thương ở ngón tay trỏ bàn tay trái. Do bị can bị thương đứt tay nên bị can tức muốn gây thương tích lại cho ông C, bị can dùng sức đẩy mũi kéo đang cầm hướng vào người ông C gây nên thương tích ở ngực ông C, bị can và ông C tiếp tục giằng co với nhau, bị can tiếp tục dùng sức đẩy cây kéo hướng về ông C, lúc này mũi kéo mở ra, trúng vào ngực ông C; quá trình bị can và ông C ngã xuống đất, bị can có cầm cây kéo gây thương tích cho ông C ở vùng đầu”; phù hợp lời khai của bị cáo vào ngày 18-9-23 (BL 33- 36): “… quá trình giằng co do B có đẩy mũi kéo làm tay trái của tôi bị trầy xướt chảy máu, sau đó tôi dùng sức hai tay đẩy hướng mũi kéo trúng vào phần ngực của B (C)”; phù hợp lời khai của của bị hại tại phiên tòa, bị hại bị các vết thương vùng ngực, sườn trái và trán trái do bị cáo gây ra.
Như vậy, trong lúc giằng co bị cáo có ý thức muốn gây thương tích lại cho anh C và dùng lực đẩy tác động tạo ra các thương tích trên vùng ngực và vùng đầu (trán trái) là vùng nguy hiểm trên cơ thể bị hại.
Các thương tích trên người bị hại theo Kết luận giám định tổn thương cơ thể trên người sống số 358-23/KLTTCT-TTPYBT ngày 24/10/2023 và Công văn số 232/CV-PY ngày 30/11/2023 của Trung tâm pháp y tỉnh Bến Tre, thể hiện: Các vết thương trên cơ thể của Đoàn Văn C có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời có thể làm cho Đoàn Văn C tử vong, chứng minh hành vi của bị cáo là nguy hiểm đến tính mạng của bị hại, hậu quả làm anh C bị thương tích với tỷ lệ là 28%, việc anh C không chết là ngoài ý muốn của bị cáo.
Khi thực hiện hành vi Phạm Văn Tuấn A bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nên không thuộc trường hợp theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Do vậy, bị cáo Phạm Văn Tuấn A phải chịu trách nhiện hình sự do hành vi và hậu quả mà bị cáo đã gây ra.
Xét nguyên nhân từ việc cự cãi trước đó được can ngăn bị cáo đã về nhà, bị cáo lại lấy hung khí quay lại nhà anh V, dẫn đến bị cáo thực hiện hành vi đối với bị hại, hành vi của bị cáo thể hiện tính cách xem thường sức khỏe, tính mạng của người khác.
Với ý thức, hành vi và hậu quả đã xảy ra, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre đã truy tố Phạm Văn Tuấn A về “Tội giết người” theo điểm n (Có tính chất côn đồ) khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự là có căn cứ đúng quy định của pháp luật.
Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội; phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp nhằm tước đi mạng sống của người khác trái pháp luật, gây mất trật tự trị an ở địa phương, gây bất bình trong nhân dân. Hành vi của bị cáo phạm vào trường hợp đặc biệt nghiêm trọng nên cần áp dụng hình phạt có mức độ tương xứng nhằm cải tạo giáo dục bị cáo và răn đe phòng ngừa chung.
[3] Khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử thấy rằng:
- Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
- Về tình tiết giảm nhẹ: Người phạm tội tự nguyện bồi thường thiệt hại; người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo có ông nội, bà nội, bác ruột có công với đất nước, hoàn cảnh bị cáo có con nhỏ và bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo (theo các quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự); bị cáo phạm tội chưa đạt, bị bệnh Rối loạn nhân cách và hành vi do sử dụng rượu (F10.71 - ICD.10), tại thời điểm gây án bị cáo bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Đối với tình tiết điểm q khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự mà người bào chữa đề nghị áp dụng thêm cho bị cáo, thấy rằng theo giám định tâm thần thể hiện bị cáo bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do sử dụng rượu nên không phù hợp để áp dụng tình tiết này cho bị cáo. Hậu quả chết người chưa xảy ra, bị hại yêu cầu giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của điều luật mà bị cáo bị truy tố, theo khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự cũng đủ cải tạo giáo dục bị cáo.
[4] Về trách nhiệm dân sự: Bị hại C yêu cầu bồi thường số tiền 40.000.000 đồng, Bị cáo đã tác động gia đình bồi thường xong. Bị hại không yêu cầu gì thêm nên được ghi nhận.
[5] Về xử lý vật chứng: Vật chứng thu giữ không yêu cầu nhận lại và hiện không còn giá trị sử dụng nên tịch thu tiêu hủy.
[6] Quan điểm của Kiểm sát viên về hình phạt và trách nhiệm dân sự phù hợp với quan điểm của Hội đồng xét xử, quan điểm của người bào chữa cho bị cáo có phần không phù hợp với quan điểm của Hội đồng xét xử.
[7] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí theo luật định.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố bị cáo Phạm Văn Tuấn A phạm tội “Giết người”.
Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 123; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 15; Điều 57; khoản 1 Điều 54; Điều 38 Bộ luật Hình sự.
Xử phạt bị cáo Phạm Văn Tuấn A 07 (bảy) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 10/01/2024.
2. Về trách nhiệm dân sự: Ghi nhận bị hại đã nhận bồi thường xong và không có yêu cầu gì thêm.
3. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự; Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tịch thu tiêu hủy tang vật, đồ vật sau khi bản án có hiệu lực pháp luật gồm: 01 (một) phong bì được niêm phong, trên phong bì có ghi 01 (một) dị vật bằng kim loại hình trụ nhọn, dài 0,9cm, nơi rộng nhất 0,4cm, nơi hẹp nhất 0,1cm.
(Các đồ vật trên theo Biên bản giao nhận vật chứng ngày 05/8/2024 hiện Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bến Tre đang quản lý).
4. Về án phí: Căn cứ vào Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 23; Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Án phí hình sự sơ thẩm: Bị cáo Phạm Văn Tuấn A phải nộp 200.000 (hai trăm nghìn) đồng.
5. Bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án để yêu cầu Tòa án cấp trên xét xử phúc thẩm.
6. Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án về tội giết người số 32/2024/HS-ST
Số hiệu: | 32/2024/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bến Tre |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 30/08/2024 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về