TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
BẢN ÁN 35/2016/HSST NGÀY 11/11/2016 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI DO VƯỢT QUÁ GIỚI HẠN PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG
Hôm nay, ngày 11 tháng 11 năm 2016, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 44/2016/HSST ngày 14 tháng 10 năm 2016 đối với bị cáo:
Họ và tên: Lê Ngọc Q, sinh năm 1958; quê quán: Thôn H, xã T, huyện G, tỉnh Thanh Hóa; HKTT: Trung tâm điều dưỡng thương binh B, huyện T, tỉnh Bắc Ninh; nghề nghiệp: Là thương binh hạng ¼, tỷ lệ mất sức lao động 100%; trình độ học vấn: 7/10; con ông Lê Ngọc K, sinh năm 1924 và bà Lê Thị A, sinh năm 1922 (đều đã chết); gia đình có 06 anh chị em, bị cáo là con thứ ba; có vợ là Hoàng Thị M, sinh năm 1962 và có 02 con, con lớn sinh năm 1988, con nhỏ sinh năm 1994; tiền sự: không; tiền án: 01 tiền án: Bản án hình sự sơ thẩm số 142/2012/HSST ngày 27/11/2012 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Thanh Hóa xử phạt Lê Ngọc Q 42 tháng tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”; bị cáo chưa chấp hành hình phạt tù. Bị cáo tại ngoại; có mặt tại phiên tòa.
* Người đại diện hợp pháp của bị cáo:
Bà Hoàng Thị M, sinh năm 1962; trú tại: Trung tâm điều dưỡng thương binh B, huyện T, tỉnh Bắc Ninh; có mặt.
* Người bào chữa cho bị cáo:
Ông Nguyễn Thành Long - Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH số 1 Bắc Ninh - Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh; có mặt.
* Người bị hại: Anh Trương Bá T (đã chết).
* Người đại diện hợp pháp của người bị hại:
1. Chị Nguyễn Thị T (vợ anh T), sinh năm 1984; có mặt.
2. Bà Lê Thị H (mẹ đẻ anh T), sinh năm 1950; có mặt.
3. Ông Trương Bá T1 (bố đẻ anh T); sinh năm 1949; có mặt.
Đều trú tại: Thôn C, xã N, huyện T, tỉnh Bắc Ninh.
Chị Nguyễn Thị T và bà Lê Thị H đều do ông Trương Bá T1 đại diện theo ủy quyền.
NHẬN THẤY
Bị cáo Lê Ngọc Q bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh truy tố về hành vi phạm tội như sau:
Khoảng 12 giờ 30 phút ngày 16/6/2016, Trương Bá T, sinh năm 1975, ở thôn C, xã N, huyện T, tỉnh Bắc Ninh đi xe mô tô BKS 99T1-2664 đến Trung tâm điều dưỡng thương binh ở thôn P, xã N, huyện T, tỉnh Bắc Ninh, T vào gặp ông Trần Hoài N, sinh năm 1950, là thương binh hạng ¼ mất sức lao động 91%, đang ở phòng số 10 dãy nhà A3, khi T vào phòng ông N đang nằm trên giường, T hỏi ông N “Nhà thằng Q ở chỗ nào?”, lúc này ông N hỏi lại T “Chú quen Q thế nào?” thì T nói tục “Tao hỏi mày cứ trả lời”, vừa nói T vừa lấy mũ cối đang đội ở đầu, dơ lên đánh vào đầu ông N, nhưng ông N dơ hai tay lên đỡ nên mũ chỉ trúng vào tay. Khi T dơ mũ lên định đánh cái thứ hai thì ông N nói xin T, đồng thời nói và chỉ “Nhà Q ở bên kia”. Ngay lúc đó, T đi sang nhà Lê Ngọc Q, sinh năm 1958, ở phòng số n, dãy nhà A, thấy cửa phòng đóng, T vừa gọi cửa, vừa dùng tay đập vỡ toàn bộ kính chắn cửa nên kính đã đâm vào cổ tay phải của T làm chảy máu, tiếp đó T dùng chân đạp bung cửa rồi đi vào trong phòng. Sau khi vào phòng T vừa chửi tục và tiến đến giường Q đang nằm, T dùng mũ cối đánh 03 cái liên tiếp vào vùng đầu Q, bị T đánh Q đã bấm chuông gọi cấp cứu, sau đó T đi ra ngoài. Thấy T ra ngoài Q đã xuống xe lăn ngồi và bảo Hoàng Thị M, sinh năm 1962 là vợ ra đóng chốt cửa lại. Khoảng 05 phút sau, anh Nguyễn Đình C, sinh năm 1979 là y tá của trung tâm nghe thấy chuông báo cấp cứu đã đến phòng Q, thấy anh C đến T quay trở lại đi vào phòng Q, sau khi được chị M mở cửa anh C và T vào phòng, lúc này Q đang ngồi trên xe lăn, T tiến đến chỗ Q chửi Q và dùng mũ cối đánh liên tiếp vào vùng đầu Q, Q dơ hai tay lên đỡ, liền đó T lấy cốc thủy tinh uống nước để trên bàn ném trúng hõm mũi Q làm sây xước nhẹ. Tiếp theo T dùng tay trái lấy phích nước sôi đang để trên bàn uống nước và tay phải ghì đầu Q xuống để đổ nước vào đầu Q, nhưng do vướng nắp nước không đổ ra. Vì bị T hành hung liên tiếp, Q đã lấy con dao chuôi nhựa màu vàng, lưỡi kim loại có 01 cạnh sắc, đầu nhọn, dao dài 22cm, phần lưỡi dài 12cm, chỗ rộng nhất lưỡi dao 2cm ở trên bàn uống nước, Q cầm dao ở tay phải đâm 01 nhát vào ngực trái của T, tiếp đó Q rút dao ra khua ngang về phía người T trúng cẳng tay trái T, còn hai nhát trúng hõm nách trái T. Sau khi bị đâm T đi ra đến khu vực cây si cách cửa phòng Q 5,7m thì bị gục ngã và tử vong.
* Khám nghiệm hiện trường xác định:
Dãy nhà A gồm 13 phòng, theo thứ tự từ Đông sang Tây được đánh số từ 1 đến 13, khu vực sân chung với dãy A3 rộng 14m, trên nền sân trước cửa phòng 9 phát hiện 01 tử thi ở tư thế nằm ngửa, đầu hướng Đông Bắc, chân hướng Tây Nam, tay phải đặt trên bụng, dưới rốn, tay trái xuôi theo chân người, hai chân giang ngang cách nhau 40cm, đầu tử thi sát gốc cây cách cửa ra vào bên trái 5,7m, chân trái cách mép cửa bên trái 4,85m, cách mép cửa bên phải 4,5m, ngay sát tay phải phát hiện 01 mũ cối màu xanh bám dính chất màu nâu, ngay sát dưới chân phải phát hiện 01 đôi dép tổ ong đã cũ dải rác dính chất màu nâu, trên nền sân dưới tử thi tương ứng vùng đầu, cổ, lưng có vũng máu dạng đọng trên diện tích 0,55m x 1,25m.
Xem xét phòng số 9 thấy như sau: phòng chia làm hai ngăn, phòng ngoài là nơi ngủ và tiếp khách KT 5,8m x 2,38m, có 01 cửa ra vào bằng gỗ hai cánh mở vào trong ở tình trạng mở KT 1,2m x 2,25m, cửa có cấu tạo dưới là ba lô gỗ đặc, trên là hoa sắt, ngoài bịt kính, mặt trong kính dán giấy màu xanh, tại hoa sắt cánh cửa bên phải (nhìn từ ngoài vào) phát hiện kính vỡ hoàn toàn, tại mặt ngoài cửa rải rác bám dính chất màu nâu, trên nền nhà khu vực cửa ra vào và hành lang phát hiện nhiều mảnh kính vỡ dán giấy màu xanh trên diện 6,7m x 2,3m, một số mảnh kính bám dính chất màu nâu dạng nhỏ giọt, cũng tại vị trí này phát hiện dấu vết màu nâu dạng nhỏ giọt diện 5m x 3,2m, khu vực cửa ra vào dọc hành lang phòng 10, 11, 12, 13 có dấu vết màu nâu dạng nhỏ giọt trên dài 17,4m. Sát tường phía Đông cách cửa ra vào 2m kê 01 bàn hình bầu dục để uống nước KT 0,97 x 0,58 x 0,6m, phía dưới bàn trên nền nhà có 01 ca đựng nước bị đổ, 01 phích màu đỏ bị vỡ ruột, tiếp theo là 01 bàn hình chữ nhật KT 0,98 x 0,62 x 0,63m, trên bàn có một số vật dụng và 01 con dao loại dao gọt hoa quả chuôi nhựa màu vàng, lưỡi kim loại có 01 cạnh sắc, đầu nhọn, dao dài 22cm, phần lưỡi dao dài 12cm, chỗ rộng nhất lưỡi dao 2cm, dao bị cong, toàn bộ phần chuôi và lưỡi rải rác bám dính chất màu nâu. Trên nền nhà phía dưới bàn này phát hiện nhiều mảnh thủy tinh bị vỡ vụn, dạng mảnh vỡ của ruột phích trên diện 85cm x 90cm, cũng tại khu vực này trên nền nhà phát hiện nhiều mảnh vỡ thủy tinh, dạng mảnh cốc thủy tinh trên diện 1,1m x 0,8m.
* Khám nghiệm tử thi bị hại Trương Bá T:
- Khám nghiệm ngoài xác định các dấu vết tổn thương sau:
Vùng giữa trán dưới đường chân tóc trán 5,5cm có vết sây xát da không liên tục diện 0,6cm x 0,2cm.
Dọc sống mũi ngay sát gốc mũi có vết sây xát da hình thước thợ, cạnh ngang dài 0,5cm, cạnh dọc dài 0,1cm vết sây xát mở góc xuống dưới và sang trái.
Vùng ngực trái cách đường giữa trước 1cm, dưới hõm ức 6cm có vết thương rách da nằm chếch chéo trên diện 1,1cm x 0,5cm, khép miệng vết thương dài 1,2cm, bờ mép sắc gọn, đầu bên trái của vết thương có vết sây xát da diện 3,2cm x 0,1cm.
Thành ngực vững, vùng bụng không phát hiện tổn thương. Mặt trong 1/3 giữa cẳng tay phải có vết sây xát da trên diện 6cm x 0,8cm; mặt trước cổ tay phải có vết rách da chếch chéo trên diện 1,8cm x 0,3cm, bờ mép gọn làm đứt gân dầu dưới cơ cẳng tay phải, lòng bàn tay và kẽ ngón tay dính nhiều chất màu nâu đỏ; mặt trước ngoài cổ tay phải có nhiều vết sây xát rách da nông, các vết sây xát da mép gọn trên diện 1,5cm x 1cm.
Vùng hõm nách trái có vết thương rách da trên diện 1,2cm x 0,5cm, bờ mép gọn, khép miệng vết thương dài 1,3cm, sâu 1 cm; cách vết thương trên 1cm có vết thương rách da trên diện 1,4cm x 0,5cm, bờ mép sắc gọn, khép miệng vết thương dài 1,6cm, sâu 4,5cm.
Mặt trước trong 1/3 trên cẳng tay trái có vết thương rách da trên diện 0,5cm x 0,1cm, bờ mép sắc gọn; mặt sau khuỷu tay trái có vết sây xát da diện 1,5cm x 1cm; mặt sau ngoài 1/3 trên cẳng tay trái có vết thương rách da hình chữ Z, cạnh 1 dài 1,4cm, cạnh 2 dài 0,6cm, cạnh 3 dài 0,8cm, bờ mép gọn, sâu sát xương, rộng 0,5cm.
* Mổ tử thi:
Khoang liên sườn 2, 3 bên trái, cách bờ giữa xương ức 1cm có vết thủng cân cơ trên diện 2cm x 0,4cm, bờ mép gọn. Tụ máu mặt sau xương ức trên diện 7cm x 8cm; phổi phải xẹp, khoang lồng ngực trái nhiều máu đông; mặt trước bao tim có vết thủng trên diện 1,5cm x 0,5cm, trong khoang màng tim có chứa nhiều máu; mặt trước của tim có vết thủng hình gần giống thước thợ cạnh 1 dài 0,6cm, cạnh 2 dài 1,3cm mở góc sang trái. Vết thủng tim thấu vào tâm thất phải đi qua vách liên thất sang tâm thất trái; mặt gan nhẵn không tổn thương, khoang ổ bụng khô; dạ dày có chứa đầy thức ăn còn rõ hạt.
Quá trình điều tra Cơ quan điều tra đã thu giữ xác vật chứng sau: Các mảnh kính vỡ tại hiện trường; 01 con dao chuôi nhựa màu vàng là loại dao gọt hoa quả, lưỡi kim loại có 1 cạnh sắc, đầu nhọn, dao dài 22 cm, phần lưỡi dài 12cm, chỗ rộng nhất lưỡi dao 2cm, tình trạng dao bị cong, chuôi và lưỡi bám dính chất màu nâu; 01 phích đựng nước màu đỏ, không có nắp và bị vỡ hoàn toàn phần lõi (ruột phích); 01 mũ cối màu xanh bám dính chất màu nâu; 01 quần và 01 áo dài của tử thi; 01 điện thoại Nokia màu đen đã cũ và 01 áo sơ mi cộc tay cổ tròn màu trắng đục, vạt áp phía trước có 02 vết rách không mất miếng.
* Tại bản kết luận giám định số 191/KLGĐ – PC54 ngày 31/7/2016 của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bắc Ninh kết luận: Nguyên nhân chết của Trương Bá T là do vết thương thấu tim làm mất máu cấp, dẫn đến suy hô hấp, suy tuần hoàn rồi chết. Cơ chế hình thành dấu vết là do vật sắc nhọn gây nên.
* Tại bản Kết luận giám định số 2661/C54(P4) ngày 21/7/2016 của Viện khoa học hình sự - Tổng cục Cảnh sát kết luận: Mẫu máu ghi thu của nạn nhân Trương Bá T gửi giám định có tìm thấy thành phần Ethanol (cồn), nồng độ 364,5mg/100ml máu.
* Tại bản Kết luận giám định số 29/KLGĐ – PC54 ngày 05/9/2016 của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bắc Ninh kết luận: Các dấu vết màu nâu ký hiệu M1, M2, M3, M4, M5, M6 và M7 gửi giám định là máu người, nhóm máu A; Máu của nạn nhân Trương Bá T là nhóm máu A.
Về trách nhiệm dân sự ông Trương Bá T1 là bố đẻ của Trương Bá T xác định: Sau khi sự việc xảy ra gia đình ông đã phải chi phí mai táng cho T hết 39.210.000 đồng, đến nay bị cáo Q chưa bồi thường gì cho gia đình ông mà chỉ mới có lễ khi đến thắp hương 49 ngày cho T được 1.000.000 đồng. Nay ông Trọng yêu cầu Q phải có trách nhiệm bồi thường cho ông toàn bộ số tiền mai táng phí cho T và bồi thường các khoản phí khác theo quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu Q phải có trách nhiệm nuôi dưỡng 03 cháu là con của anh T đến khi các cháu trưởng thành.
Trong quá trình điều tra, bị cáo Q đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình như đã nêu trên.
Tại Cáo trạng số 67/Ctr-VKS-P2 ngày 13/10/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã truy tố bị cáo Lê Ngọc Q về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo khoản 1 Điều 95 Bộ luật hình sự.
Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Q khai: giữa bị cáo với anh T không có mối quan hệ gì mà chỉ biết anh T là người sinh sống tại địa phương nơi bị cáo đang điều trị. Vào khoảng hơn 12 giờ 30 phút ngày nào bị cáo không nhớ rõ, lúc đó bị cáo đang nằm xem Ti vi nghe thấy tiếng chửi. Sau đó, bị cáo nhìn thấy anh T đập vỡ cửa kính và đạp cửa ra vào, anh T dùng mũ cối đập vào mặt, má bị cáo 04 cái. Bị cáo bấm chuông gọi cán bộ. Vợ bị cáo nằm ở giường trong nhìn thấy thế sợ cũng không dám can ngăn. Khi anh T đi ra ngoài, vợ bị cáo ra chốt cửa. Sau đó, anh T lại đạp cửa xông vào. Lúc này, anh C là cán bộ y tế trung tâm đã đi ra ngoài. Bị cáo xuống ngồi tại xe lăn thì anh T vào tiếp tục dùng mũ cối đập 02 đến 03 cái nữa vào đầu bị cáo. Sau đó, anh T cầm cốc uống nước thủy tinh ném thẳng vào mặt làm bị cáo bị thương ở sống mũi và dùng tay trái ghì đầu bị cáo xuống, dùng tay phải cầm phích nước nóng dội vào đầu bị cáo; bị cáo với được con dao gọt hoa quả để trên bàn ti vi đâm vào người anh T, gạt rơi phích nước. Anh T bị dao gạt vào tay nên bị đứt tay. Sau đó, anh T quay ra cửa. Còn vợ bị cáo, khi thấy anh T ném cốc thủy tình thì chạy ra khỏi phòng, trong phòng lúc đó chỉ còn lại bị cáo và anh T.
Sau khi anh T chết, gia đình bị cáo đã phúng viếng và bồi thường được 16.000.000 đồng.
Bà M trình bày: trưa hôm đó bà M đang ngủ trên giường bên cạnh. Bà M nghe thấy tiếng anh T chửi bới và đánh bị cáo Q. Do sợ hãi nên bà M không dám can ngăn. Khi anh T đi ra khỏi phòng, bà đang dọn dẹp thì thấy anh T quay lại, bà chạy ra gọi bảo vệ, trong phòng lúc này chỉ còn lại bị cáo Q. Sự việc trong phòng thế nào bà không biết. Đến nay gia đình đã bồi thường cho người bị hại số tiền là 16.000.000 đồng.
Đại diện cho gia đình người bị hại, ông Trọng xác nhận sau khi anh T chết, gia đình bị cáo đã phúng viếng và thăm hỏi số tiền 1.000.000 đồng, sau đó tiếp tục bồi thường cho gia đình ông 15.000.000 đồng. Gia đình ông đã đứng ra lo tang lễ cho anh T hết 39.120.000 đồng và ông yêu cầu bù đáp tổn thất về tình thần cho 06 người, đồng thời yêu cầu bị cáo Q cấp dưỡng nuôi 03 con của anh T theo quy định của pháp luật. Về trách nhiệm hình sự, ông Trọng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Anh C trình bày: anh không có quan hệ họ hàng gì với bị cáo cũng như người bị hại. Trưa hôm đó, anh đang ăn cơm thì nghe tiếng chuông cấp cứu tại phòng bị cáo Q. Anh chạy xuống thì thấy anh T đang đứng cạnh xe máy, anh T nhờ anh C băng vết thương ở tay. Anh C đi vào phòng bị cáo thì thấy cửa kính bị vỡ, anh T đi cùng anh C chạy vào chửi và dùng mũ cối đánh bị cáo. Thấy vậy, anh C chạy về phòng trực để báo bảo vệ và lãnh đạo cơ quan, khi quay lại thì đã thấy anh T nằm ở sân. Sự việc trong phòng bị cáo Q diễn ra thế nào anh C không biết.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh thực hành quyền công tố tại phiên tòa phát biểu luận tội giữ nguyên Cáo trạng truy tố, sau khi phân tích tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo trong vụ án đã đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo Q phạm tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” như Cáo trạng đã truy tố.
Áp dụng khoản 1 Điều 95; điểm b, p khoản 1 Điều 46, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 33; Điều 51 Bộ luật hình sự xử phạt: Bị cáo Lê Ngọc Q từ 20 đến 24 tháng tù. Tổng hợp với 42 tháng tù của Bản án hình sự sơ thẩm số 142/2012/HSST ngày 27/11/2012 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Thanh Hóa, buộc bị cáo phải chịu hình phạt chung cho cả hai bản án từ 62 đến 64 tháng tù.
Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Q phải bồi thường cho gia đình người bị hại do ông Trương Bá T1 là người đại diện theo ủy quyền 31.210.000 đồng là tiền mai táng phí và bù đắp tổn thất về tình thần số tiền là 36.300.000 đồng; cấp dưỡng nuôi 03 con của anh T mỗi cháu 500.000 đồng/tháng.
Về tang vật của vụ án, vị đại diện VKS đề nghị tịch thu tiêu hủy toàn bộ tang vật theo Biên bản bàn giao giữa cơ quan điều tra với Cục thi hành án dân sự tỉnh Bắc Ninh; trả lại ông T1 01 điện thoại di động màu đen, hiệu Nokia đã qua sử dụng.
Bào chữa cho bị cáo, Luật sư Nguyễn Thành Long cho rằng: Về tội danh, Cáo trạng truy tố bị cáo Q theo khoản 1 Điều 95 Bộ luật hình sự là không phù hợp mà bị cáo phạm tội theo khoản 1 Điều 96 Bộ luật hình sự. Bởi lẽ, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo là do anh T liên tiếp đánh bị cáo nhiều lần. Tại thời điểm xảy ra sự việc, bị cáo bị liệt nửa người, nhiều trọng bệnh, hành vi của anh T có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của bị cáo. Vì vậy, Luật sư cho rằng hành vi này của bị cáo là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình và đã bồi thường cho gia đình anh T số tiền là 16.000.000 đồng. Hơn nữa, đại diện gia đình của người bị hại đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Do đó, Luật sư đề nghị HĐXX áp dụng những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo ở mức án nhẹ nhất về tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.
Bị cáo Q nhất trí với quan điểm bào chữa của Luật sư. Bị cáo không tham gia tranh luận với đại diện Viện kiểm sát, chỉ đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Đại diện hợp pháp của người bị hại không tranh luận với Đại diện Viện kiểm sát.
Đối với quan điểm của Luật sư, Đại diện Viện kiểm sát đối đáp, phát biểu quan điểm cho rằng: Trong vụ án này, anh T đã đến đánh bị cáo Q 02 lần, bị cáo đã tỏ ra bực bội. Lần thứ 02 anh T đến không có hung khí gì, bị cáo Q có đủ sức khỏe để chống trả nhưng bị cáo đã dùng dao đâm liên tiếp nhiều nhát vào người anh T, vì vậy Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố.
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
XÉT THẤY
Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Lê Ngọc Q đã hoàn toàn khai nhận về hành vi phạm tội của mình như Cáo trạng đã nêu. Lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với các tài liệu do Cơ quan điều tra thu thập được đã có đủ cơ sở kết luận: Khoảng 12 giờ 30 phút ngày 16/6/2016, anh Trương Bá T, sinh năm 1975 ở thôn C, xã N, huyện T, tỉnh Bắc Ninh đã đến Trung tâm điều dưỡng thương binh T tìm gặp bị cáo Lê Ngọc Q. Tại phòng riêng của bị cáo Q, anh T đã chửi bới, dùng mũ cối đập khoảng 02 đến 03 cái vào vùng đầu, mặt của bị cáo nhưng bị cáo đều đỡ và tránh được. Sau đó, anh T đi ra ngoài, khoảng 5 phút sau thì quay lại. Thấy bị cáo Q đang ngồi trên xe lăn, anh T tiếp tục chửi bới, dùng mũ cối, cốc thủy tinh và phích nước để đánh bị cáo. Do bị anh T đánh, bị cáo đã lấy được con dao chuôi nhựa màu vàng dùng để gọt hoa quả đang ở trên bàn cạnh đó, bị cáo cầm dao trên tay phải đâm 01 nhát trúng ngực trái của anh T. Tiếp đó, bị cáo khua dao ngang về phía người anh T thì trúng 02 nhát vào cẳng tay trái và 02 nhát vào hõm nách trái của anh T. Hậu quả là anh T đã gục ngã và tử vong tại cửa phòng.
Xét về tội danh, HĐXX thấy: bị cáo là thương binh nặng, hạng 1/4 với tỷ lệ mất sức lao động 100% sức khỏe; đang phải điều trị bệnh với nhiều thương tích nguy hiểm trên cơ thể, bị liệt nửa người không đi lại được. Bản thân người bị hại dùng hung khí nguy hiểm như mũ cối, cốc thủ tinh, phích nước hành hung bị cáo, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của bị cáo.
Hành vi này của người bị hại đã và đang diễn ra, chưa chấm dứt. Về tương quan lực lượng, người bị hại có sức khỏe bình thường, tuổi đời còn trẻ; phía bị cáo Q là thương binh nặng, không có khả năng tự bảo vệ bản thân, trong quá trình sinh hoạt phải có người giúp đỡ. Khi xảy ra sự việc thì bà M (vợ bị cáo) và anh C (nhân viên y tế) đều không có mặt trong phòng. Như vậy, khi anh T có hành vi xâm hại đến sức khỏe của bị cáo đã làm phát sinh quyền tự phòng vệ để bảo vệ mình. Nếu hành vi của người bị hại đã chấm dứt, nhưng do bị ức chế về tinh thần mà bị cáo đã dùng dao đâm gây tử vong cho bị hại thì sẽ phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều 95 Bộ luật hình sự như Cáo trạng của Viện kiểm sát đã truy tố. Tuy nhiên, trong trường hợp này, như đã phân tích ở trên, hành vi trái pháp luật của người bị hại vẫn đang tiếp diễn, vì vậy hành vi dùng dao đâm gây ra cái chết cho anh T của bị cáo thuộc trường hợp “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo khoản 1 Điều 96 Bộ luật hình sự như lời bào chữa của Luật sư tại phiên tòa. Vì vậy, HĐXX tiến hành xét xử bị cáo theo tội danh “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” là phù hợp với quy định của pháp luật.
Hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến tính mạng của công dân được pháp luật bảo vệ, làm ảnh hưởng đến trật tự trị an tại địa phương, gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân. Khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, do vậy cần phải xét xử nghiêm mới có tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung.
Về nhân thân của bị cáo, HĐXX thấy: Năm 2012, bị cáo bị TAND huyện T, tỉnh Thanh Hóa xử phạt 42 tháng tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” nhưng không lấy đó làm bài học tu dưỡng bản thân nay lại phạm tội, như vậy lần phạm tội này của bị cáo thuộc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tái phạm được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, HĐXX cũng thấy rằng, từ quá trình điều tra cho đến phiên tòa hôm nay, bị cáo luôn tỏ thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình. Bị cáo đã cùng gia đình bồi thường cho gia đình người bị hại số tiền là 16.000.000 đồng. Đại diện hợp pháp của gia đình bị hại tại phiên tòa đã đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự.
Mặc dù bị cáo là thương binh nặng, nhưng xét thấy cần buộc bị cáo cách ly khỏi xã hội một thời gian mới có tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung. Khi quyết định hình phạt, cần áp dụng Điều 51 Bộ luật hình sự để tổng hợp với Bản án số 142 của TAND huyện T để buộc bị cáo phải chịu hình phạt chung cho cả hai bản án.
Về trách nhiệm dân sự: Ông T1 là đại diện gia đình người bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường 39.210.000 đồng tiền mai táng phí; cấp dưỡng nuôi con chung của anh T và chị Thanh hàng tháng và bù đắp tổn thất tinh thần cho gia đình ông. Xét thấy, những yêu cầu này của ông T1 là có căn cứ nên cần chấp nhận và được xem xét cụ thể như sau:
- Tiền mai táng phí: 39.210.000 đồng.
- Bù đắp tổn thất về tinh thần: 30 tháng lương tối thiểu x 1.210.000 đồng = 36.300.000 đồng.
- Cấp dưỡng nuôi 03 con của anh T và chị T, mỗi cháu 500.000 đồng/tháng cho đến khi các cháu tròn 18 tuổi.
Về tang vật của vụ án: 01 chiếc điện thoại di động Nokia màu đen, trả lại cho ông T1; các tang vật khác không còn giá trị sử dụng cần tịch thu tiêu hủy.
Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí HSST và án phí DSST theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố bị cáo Lê Ngọc Q phạm tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.
- Áp dụng khoản 1 Điều 96, điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 33; Điều 51 Bộ luật hình sự.
- Xử phạt bị cáo Lê Ngọc Q 20 (hai mươi) tháng tù. Tổng hợp với Bản án 142/2012/HSST ngày 27/11/2012 của TAND huyện T, tỉnh Thanh Hóa phần hình phạt bị cáo chưa chấp hành là 42 tháng tù, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai bản án là 62 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.
- Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 610, 612 Bộ luật dân sự buộc Lê Ngọc Q phải bồi thường cho gia đình anh T do ông Trương Bá T1 làm đại diện tổng số tiền mai táng phí là 39.210.000 đồng; tiền bù đắp tổn thất tinh thần là 36.300.000 đồng, tổng cộng là 75.510.000 đồng nhưng được trừ 16.000.000 đồng gia đình bị cáo đã bồi thường cho gia đình anh T, như vậy bị cáo còn phải bồi thường 59.510.000 đồng.
Buộc bị cáo cấp dưỡng cho cháu Trương Bá B, sinh ngày 07/01/2006; cháu Trương Kiều T, sinh ngày 14/11/2007 và cháu Trương Bá P, sinh ngày 06/9/2013 mỗi cháu 500.000 đồng/tháng kể từ tháng 7/2016 cho đến khi các cháu tròn 18 tuổi.
- Về vật chứng: Áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự, Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự: Trả lại cho ông Trương Bá T1 01 điện thoại di động màu Nokia màu đen cũ có số imei 353081/02/760882/0.
Tịch thu tiêu hủy các mảnh kính vỡ; 01 phích đựng nước màu đỏ, không có nắp, bị vỡ hoàn toàn phần lõi; 01 con dao chuôi nhựa màu vàng, loại dao gọt hoa quả, lưỡi kim loại có 1 cạnh sắc nhọn, đàu nhọn, dao dài 22cm, phần lưỡi dài 12cm, chỗ rộng nhất lưỡi dao 12cm, dao bị cong, chuôi và lưỡi bám dính chất màu nâu; 01 mũ cối màu xanh bám dính chất màu nâu; 01 quần và 01 áo dài; 01 áo sơ mi cộc tay cổ tròn màu trắng đục, vạt áo phía trước có 2 vết rách không mất miếng.
(Toàn bộ tang vật được thể hiện tại biên bản bàn giao vật chứng giữa cơ quan điều tra với Cục thi hành án dân sự tỉnh Bắc Ninh)
- Về án phí: Bị cáo Lê Ngọc Q phải chịu 200.000 đồng án phí HSST và 2.925.000 đồng án phí DSST
Bị cáo, đại diện hợp pháp của bị cáo, đại diện hợp pháp của người bị hại có quyền kháng cáo trong hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng số 35/2016/HSST
Số hiệu: | 35/2016/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bắc Ninh |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 11/11/2016 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về