Bản án về tội gây ô nhiễm môi trường số 48/2024/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BÌNH GIANG, TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 48/2024/HS-ST NGÀY 16/09/2024 VỀ TỘI GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

Ngày 16/9/2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh D xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 14/2024/TLST-HS ngày 21/02/2024, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 22/2024/QĐXXST-HS ngày 12/4/2024, các quyết định hoãn phiên tòa, Thông báo về việc thay đổi thời gian mở phiên tòa và Thông báo về thời gian mở lại phiên tòa, đối với bị cáo:

Đặng Quốc C, sinh năm 1991 tại D; nơi cư trú: Thôn V, xã V, huyện B, tỉnh D; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 12/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; con ông Đặng Đình B và bà Phạm Thị M; có vợ (đã ly hôn) và có 01 con sinh năm 2019; tiền án, tiền sự: Không; đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt.

Người tham gia tố tụng khác:

+ Anh Phạm Văn L, + Chị Phạm Thị T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

 Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Ngày 01/01/2004, gia đình ông Đặng Đình B và bà Phạm Thị M, ở thôn V, xã V, huyện B, tỉnh D được Ủy ban nhân dân (UBND) xã V giao thầu 4.680 m2 đất nông nghiệp (thửa đất số 497, tờ bản đồ số 06) thuộc xứ đồng Cầu Sen và Đầm Hồng, thời gian là 50 năm (từ năm 2004 đến 2054), mục đích sử dụng để làm vườn ao, phát triển kinh tế trang trại. Năm 2016, ông B chết, bà M giao toàn bộ phần đất nông nghiệp cho con trai là Đặng Quốc C quản lý, sử dụng. Đặng Quốc C không đăng ký kinh doanh về hoạt động phân loại, xử lý chất thải. Khoảng tháng 2/2022, C quen biết với anh Phạm Văn L, sinh năm 1986, ở số 38/108 đường L, phường M, quận N, thành phố Hải Phòng và biết L có nguồn chất thải có thể tận thu nên C thoả thuận với anh L khi nào có hàng thì chuyển cho C để phân loại, xử lý tận thu, L đồng ý. Sau đó, L giới thiệu chị Phạm Thị T, sinh năm 1987, ở số 70/430 T, phường N, quận L, thành phố Hải Phòng (là Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ môi trường X, địa chỉ tại khu phố Đ, thị trấn V, huyện V, thành phố Hải Phòng) cho C để nếu chị T có chất thải thì sẽ giao cho C phân loại, xử lý, tận thu. Từ tháng 4/2022 đến tháng 7/2022 C đã tiếp nhận chất thải cụ thể như sau:

Tiếp nhận chất thải từ Phạm Văn L Lần thứ nhất: Khoảng đầu tháng 4/2022, L tiếp nhận 6 chuyến ô tô loại 10 tấn chất thải rắn công nghiệp thông thường (nilon, bao dứa…), mỗi chuyến 13 - 14 kiện, mỗi kiện có kích thước khoảng (1,5 x 1,8 x 0,8)m, nặng khoảng 750 - 900 kg của người tên A N (không xác định được nhân thân lai lịch) tại bãi của Công ty Cổ phần thương binh Trường Sơn (công ty chuyên thu mua chất thải, tập kết tại bãi rồi phân loại, tách phế liệu để bán) ở Cống C2, tổ 3, phường Hải Thành, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng, mỗi chuyến xe A N trả L 4.500.000 đồng tiền mặt. Sau đó, L sử dụng số điện thoại 0975.330.110 gọi đến số điện thoại 0973.211.291 của C bảo C đến nhận chất thải, mỗi chuyến L trả C 1.500.000đồng, C đồng ý. C đi bộ ra Quốc Lộ 5A, đi xe khách đến bến xe Niệm Nghĩa, thành phố Hải Phòng rồi đi xe ôm đến gặp L. L thuê xe ô tô tải, loại xe 10 tấn do người tên T1 (không xác định được nhân thân, lai lịch) chở 6 chuyến chất thải rắn từ bãi của Công ty Cổ phần thương binh Trường Sơn đến khu đất chuyển đổi của C, sau đó L trả cho C 9.000.000 đồng.

Lần thứ hai: Khoảng đầu tháng 5/2022 đến ngày 23/5/2022, L nhận 8 chuyến chất thải rắn (nhựa, nilon, bao dứa… ) từ A N tại bãi của Công ty Cổ phần thương binh Trường Sơn, sau đó L gọi điện cho C đến nhận, C đồng ý. L thuê T1 chở đến khu đất chuyển đổi của C và trả cho C 13.500.000 đồng.

Lần thứ ba: Khoảng tháng 7/2022, L xin của người đàn ông tên T2 (không xác định được nhân thân, lai lịch) chất thải rắn (có đặc điểm là các hạt chất rắn mầu nâu, dạng viên bi đường kính 0,5cm/viên, là các viên xông hơi khử mùi) tại khu vực bãi đất trống ven đường N, huyện A, thành phố Hải Phòng. L tách toàn bộ các hộp carton ra để bán phế liệu, còn lại 45 tấn hạt L đựng trong các bao dứa rồi gọi điện cho C đến lấy, L trả C 27.000.000 đồng. Sau đó C thuê xe ô tô của người tên Tiến (không xác định được nhân thân) chở toàn bộ số chất thải về đổ tại bãi đất chuyển đổi của C.

Tiếp nhận chất thải từ người tên T1 Ngày 23/5/2022, sau khi vận chuyển xong chất thải của L về khu đất chuyển đổi cho C, T1 nói mình cũng có chất thải muốn chuyển giao, nếu C nhận thì mỗi chuyến ô tô T1 trả C 500.000 đồng, C đồng ý. Từ ngày 23/5/2022 đến ngày 25/5/2022, T1 chở 12 chuyến chất thải rắn trọng lượng 118,5 tấn (gồm các loại túi nilon, nhựa, vỏ bao dứa…) rồi trả cho C 6.000.000 đồng. C nhận chất thải sau đó phân loại để bán đối với các vật dụng có thể tận thu, phần còn lại để tại bãi đất chuyển đổi của C.

Tiếp nhận chất thải từ Phạm Thị T Lần thứ nhất: Ngày 17/6/2022, T nhận của người tên T3 (không xác định được nhân thân, lai lịch) ở KCN Q, huyện V, tỉnh Bắc Giang 20 tấn chất thải đã được đóng sẵn thành các kiện để xử lý. T gọi điện thoại từ số 036.455.5152 đến số điện thoại của C bảo C nhận chất thải để xử lý, T trả cho C 500.000 đồng/tấn, C đồng ý, T trả cho C 9.700.000 đồng. C thuê T1 vận chuyển toàn bộ 20 tấn chất thải về đổ xuống khu đất chuyển đổi của C.

Lần thứ hai: Ngày 20/6/2022, T nhận của người đàn ông tên N1 (không xác định được nhân thân, lai lịch) ở KCN Quang Châu 10 tấn chất thải rắn đã đóng thành các kiện; nhận của người tên H1 (không xác định được nhân thân, lai lịch) tại Km 93, Quốc lộ 5, xã N, huyện A, thành phố Hải Phòng 6 tấn chất thải rắn. T gọi C đến tiếp nhận, C đồng ý. C thuê T1 vận chuyển toàn bộ về đổ tại khu đất chuyển đổi của C, T trả cho C 12.480.000 đồng.

Sau khi nhận các loại chất thải rắn từ L, T và T1, C phân loại tách 500 kg nhựa phế liệu bán thu được 1.000.000 đồng, toàn bộ số chất thải còn lại không phân loại được, C đổ thành các đống để tại khu đất chuyển đổi nhà mình, không xử lý theo quy định của pháp luật. Ngày 24/5/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện B phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh D (PC05) kiểm tra, phát hiện vụ việc. Cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu mẫu vật, cân tịnh xác định tổng khối lượng chất thải rắn C đổ ra môi trường là 353.060 kg.

Kết luận giám định số 4284/KL-KTHS ngày 26/6/2023 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: Các mẫu chất thải gửi giám định đều có các tính chất nguy hại (tính kiềm, tính a xít); các thành phần nguy hại vô cơ và các thành phần nguy hại hữu cơ thấp hơn so với ngưỡng chất thải nguy hại quy định tại Bảng 1: các chất nguy hại; Bảng 2: các thành phần nguy hại vô cơ; Bảng 3: các thành phần nguy hại hữu cơ theo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại” và đều không tìm thấy các chất thải phải loại trừ theo Phụ lục A, Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, do đó đều không phải là chất thải nguy hại. Căn cứ theo khoản 10 Điều 3 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về “Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường” thì các mẫu chất thải trên đều là chất thải rắn thông thường.

Tại Cáo trạng số 16/CT-VKS ngày 21/02/2024, Viện kiểm sát nhân dân huyện B, tỉnh D truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện B để xét xử đối với Đặng Quốc C về tội Gây ô nhiễm môi trường, theo điểm d khoản 2 Điều 235 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, công nhận Viện kiểm sát nhân dân huyện B, tỉnh D truy tố là đúng, xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện B giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo như cáo trạng, không thay đổi, bổ sung gì thêm. Sau khi phân tích tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và nhân thân của bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX): Tuyên bố bị cáo Đặng Quốc C phạm tội Gây ô nhiễm môi trường. Về hình phạt chính: Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 235; điểm b, s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 65 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo từ 30 đến 36 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân (UBND) xã V, huyện B giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách của án treo. Về hình phạt bổ sung: Không áp dụng. Về xử lý vật chứng: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 46, điểm a, b khoản 1 Điều 47 BLHS; điểm a, b, c khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS): Tịch thu cho tiêu hủy: 353.060 kg chất thải rắn thông thường; tịch thu số tiền 20 triệu bị cáo đã tự nguyện nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện để khắc phục hậu quả xử lý chất thải nộp Ngân sách Nhà nước; truy thu 79.680.000 đồng của bị cáo C nộp Ngân sách Nhà nước, gồm:

1.000.000 đồng bị cáo bán máy xúc; 1.000.000 đồng bị cáo bán 500 kg nhựa phế liệu; 77.680.000 đồng bị cáo nhận được từ L, T, T1 chuyển khoản để nhận chất thải. Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 BLTTHS, Nghị quyết số 326 ngày 30/12/2016 của UBTVQH, buộc bị cáo phải chịu 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm theo quy định.

NHN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện B, Điều tra viên, Viện Kiểm sát nhân dân huyện B, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp. Tại phiên tòa, người làm chứng vắng mặt nhưng đã có lời khai trong hồ sơ vụ án, HĐXX xét xử vắng mặt họ theo quy định tại Điều 293 của Bộ luật tố tụng hình sự.

[2] Về chứng cứ xác định bị cáo có tội: Lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra và tại phiên tòa phù hợp với nhau, bị cáo khai nhận hành vi phạm tội của mình phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ và bản ảnh hiện trường, lời khai của người liên quan, vật chứng thu giữ, kết luận giám định cùng các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, HĐXX đã có đủ căn cứ kết luận: Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2022 đến tháng 7/2022, tại thôn V, xã V, huyện B, tỉnh D, Đặng Quốc C có hành vi đổ ra môi trường trái pháp luật 353.060 kg chất thải rắn thông thường, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện B phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh D phát hiện, thu giữ vật chứng. Bị cáo là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự; nhận thức được việc đổ thải ra môi trường chất thải rắn thông thường vượt quá mức cho phép là trái các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường; hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây ô nhiễm không khí và nguồn nước, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người nhưng vì mục đích tư lợi, bị cáo vẫn cố ý thực hiện. Nên bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 235 của Bộ luật Hình sự. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện B thực hành quyền công tố đã luận tội đối với bị cáo là có cơ sở, đúng pháp luật.

[3] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng. Về tình tiết giảm nhẹ: Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo đã khai báo thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình; nhận thấy hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, bị cáo đã tự nguyện nộp 20.000.000 đồng tại Chi cục thi hành án dân sự huyện B để khắc phục hậu quả, xử lý rác thải thể hiện sự ăn năn hối cải; sau khi phạm tội, bị cáo đã cung cấp thông tin của 2 đối tượng thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện B. Cơ quan điều tra đã căn cứ vào thông tin do bị cáo cung cấp điều tra làm rõ (hai đối tượng đã bị Tòa án nhân dân huyện B kết án); ngoài ra, bị cáo trực tiếp thờ cúng liệt sỹ (là bác ruột, do bố bị cáo đã chết) nên bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ tương ứng, quy định tại điểm b, s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự. Về nhân thân: Bị cáo không có tiền án, tiền sự. HĐXX thấy bị cáo có nhân thân tốt; có 04 tình tiết giảm nhẹ (03 tình tiết quy định tại khoản 1 Điều 51 và 01 tình tiết quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự); có nơi cư trú rõ ràng; có khả năng tự cải tạo và việc cho bị cáo hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội và không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Căn cứ quy định của pháp luật, sau khi xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của bị cáo, Hội đồng xét xử thấy có thể cho bị cáo cải tạo tại địa phương tạo điều kiện giúp đỡ bị cáo sửa chữa sai lầm và cũng có tác dụng giáo dục thành công dân tốt, đồng thời bảo đảm mục đích đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.

[4] Về hình phạt bổ sung: Bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, không đảm nhiệm chức vụ, không hành nghề, không làm công việc nhất định nên không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.

[5] Về xử lý vật chứng:

[5.1] Đối với 353.060 kg chất thải rắn thông thường, hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra đang quản lý tại Công ty Cổ phần Môi trường xanh Minh Phúc, địa chỉ: Khu I, thị trấn Kẻ Sặt, huyện B, tỉnh D cần tịch thu và tiêu hủy.

[5.2] Đối với điện thoại Đặng Quốc C, Phạm Văn L và Phạm Thị T sử dụng vào việc liên lạc chuyển giao chất thải, C và T khai bị hỏng đã vứt đi, còn L khai đã bán cho người không quen biết nên không quản lý được.

[5.3] Đối với chiếc máy xúc C sử dụng vận chuyển chất thải, sau đó bị hỏng, C đã bán cho người không quen biết được 1.000.000 đồng nên cần truy thu của C số tiền 1.000.000 đồng nộp Ngân sách Nhà nước.

[5.4] Đối với số tiền 20 triệu bị cáo tự nguyện nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện để khắc phục hậu quả cần tịch thu nộp Ngân sách Nhà nước. Số tiền 1.000.000 đồng bị cáo phân loại được 500 kg nhựa phế liệu bán thu được cần truy thu nộp Ngân sách Nhà nước. Số tiền 77.680.000 đồng bị cáo có được do L, T, T1 chuyển khoản cho C để nhận chất thải (nhận từ L 49.500.000 đồng; nhận từ T1 6.000.000 đồng và nhận từ T 22.180.000 đồng) cần truy thu của C để nộp Ngân sách Nhà nước.

[6] Quá trình điều tra không xác định được nhân thân những người tên A N, T2, T3, N1, H1, T1, Tiến và những người lái xe nâng vận chuyển chất thải nên không có căn cứ xử lý. Đối với Phạm Văn L, Phạm Thị T chuyển giao chất thải cho C để C phân loại, bán phế liệu, không biết việc C đổ thải trái phép ra môi trường nên không có căn cứ xử lý. L, T biết việc C không có chức năng, năng lực xử lý chất thải nhưng vẫn chuyển giao chất thải cho C, ngày 30/10/2023, Chủ tịch UBND tỉnh D đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền là đúng quy định của pháp luật. Đối với bà Phạm Thị M giao cho C quản lý diện tích đất chuyển đổi nhưng không biết việc C tập kết chất thải, đổ thải ra môi trường nên không có căn cứ xử lý.

[7] Về án phí: Bị cáo bị kết án nên phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

 Căn cứ vào: Điểm d khoản 2 Điều 235; điểm b, s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51;

khoản 1, 2, 5 Điều 65 của Bộ luật Hình sự.

Tuyên bố: Bị cáo Đặng Quốc C phạm tội Gây ô nhiễm môi trường.

Xử phạt: Bị cáo Đặng Quốc C 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 05 (năm) năm, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo cho UBND xã V, huyện B, tỉnh D giám sát, giáo dục trong trong thời gian thử thách.

Trường hợp người được hưởng án treo vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 92 của Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Về xử lý vật chứng: Căn cứ điểm a, b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật Hình sự;

điểm a, b, c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự:

- Tịch thu và tiêu hủy: 353.060 kg chất thải rắn thông thường đang quản lý tại Công ty Cổ phần Môi trường xanh Minh Phúc (địa chỉ: Khu I, thị trấn Kẻ Sặt, huyện B, tỉnh D.

- Tịch thu số tiền 20.000.000 đồng bị cáo Đặng Quốc C đã tự nguyện nộp để nộp ngân sách Nhà nước (theo Biên lai thu tiền ký hiệu BLTT/23 số 0001211 ngày 04/9/2024 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, tỉnh D).

- Truy thu của Đặng Quốc C số tiền 79.680.000 đồng để nộp ngân sách Nhà nước. Về án phí: Căn cứ Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Bị cáo Đặng Quốc C phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

Về quyền kháng cáo: Căn cứ các Điều 331, 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Bị cáo Đặng Quốc C có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

43
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội gây ô nhiễm môi trường số 48/2024/HS-ST

Số hiệu:48/2024/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Bình Giang - Hải Dương
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 16/09/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: [email protected]
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;