TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 505/2021/HS-PT NGÀY 20/12/2021 VỀ TỘI ĐƯA HỐI LỘ
Vào ngày 20 tháng 12 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam, Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 334/TLPT-HS ngày 20 tháng 5 năm 2021 đối với bị cáo Huỳnh G về tội: “Đưa hối lộ”.
Do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 16/2021/HS- ST ngày 31/3/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam.
Bị cáo có kháng cáo:
Huỳnh G, sinh năm 1965 tại tỉnh Thái Bình; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: tỉnh Quảng Nam; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: Lóp 02/12; dân tộc: Kình; giói tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Huỳnh Văn T (chết) và bà Hoàng Thị C (chết) có vợ là bà Võ Thị S, sinh năm 1967; có 03 con, con lớn nhất sinh năm 1986, con nhỏ nhất sinh năm 1991; tiền án, tiền sự: Không.
Ngày 26/9/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam ra Lệnh bắt tạm giam nhưng bị cáo Huỳnh G bỏ trốn. Ngày 28/10/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam truy nã bị cáo Huỳnh G. Đến ngày 24/01/2019, bị cáo ra đầu thú, hiện bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú ”, có mặt.
- Nguyên đơn dân sự: Tổng Công ty P 2;
Địa chỉ: thành phố Cần T.
Người đại diện theo ủy quyền: ông Huỳnh D, chức vụ: Phó Giám đốc BQLDA Thủy điện S - Chi nhánh Tổng Công ty P 2, vắng mặt.
Địa chỉ: thành phố Đà Nẵng.
Trong vụ án còn có những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có kháng cáo.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Dự án nhà máy thủy điện S được Thủ tướng Chính phủ đồng ý phê duyệt và cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ủy nhiệm lại cho Tổng Công ty P 2 (là đơn vị trực thuộc EVN) làm chủ đầu tư xây dựng theo văn bản số 1166/TTg-CN ngày 28/7/2006. Theo Quyết định số 417 ngày 29/5/2007 và số 649 ngày 21/12/2009 của Chủ tịch Hội đồng quản trị EVN phê duyệt tổng mức đầu tư dự án thủy điện S với tổng số vốn là 3.661.070.000.000 đồng, thời gian thi công dự kiến là 05 năm, hoàn thành vào cuối năm 2013, địa điểm tại huyện N, tỉnh Quảng Nam. Theo quyết định, dự kiến kinh phí đền bù, giải tỏa khoảng 22 tỷ đồng.
Để triển khai việc đền bù, giải phòng mặt bằng khu vực lòng hồ Thủy điện S, trên cơ sở hợp đồng dịch vụ, tư vấn số 478 ngày 11/9/2008 đã ký giữa Công ty cổ phần Thủy điện T với Trung tâm Kỹ thuật - Tài nguyên môi trường (TNMT) - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam về việc tư vấn, đo đạc, cắm mốc ranh giới, lập bản đồ địa chính phục vụ điều tra thiệt hại và xin cấp đất xây dựng công trình thủy điện S. Ngày 10/02/2010, Ban quản lý Thủy điện S và Trung tâm Kỹ thuật TNMT tỉnh Quảng Nam bổ sung H đồng số 62 giao cho Trung tâm Kỹ thuật TNMT tỉnh Quảng Nam thực hiện việc tư vấn, đo đạc cắm mốc ranh giới, lập bản đồ địa chính phục vụ điều tra thiệt hại và xin cấp đất vùng lòng hồ thủy điện S. Sau khi ký bổ sung hợp đồng, Trung tâm Kỹ thuật TNMT tỉnh Quảng Nam giao cho Đội sản xuất số 2 thực hiện. Phan Tấn N (Đội trưởng) phân công tổ công tác gồm: Nguyễn Đức T, Phan Tấn T, Trương H, Hứa Tấn S và Đinh Công N là những nhân viên hợp đồng dài hạn của Trung tâm tiến hành đo đạc lập hồ sơ giải thửa diện tích đất bị ảnh hưởng vùng lòng hồ thủy điện S thuộc địa bàn huyện N, tỉnh Quảng Nam.
Theo Quyết định số 08 ngày 10/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thông tư số 21 ngày 20/6/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Quy phạm thành lập bản đồ địa chính, thì trước khi đo vẽ chi tiết phải phối hợp với chính quyền địa phương cùng người sử dụng đất xác định chính xác ranh giới sử dụng đất của từng chủ sử dụng. Tuy nhiên, tháng 3/2010, khi lên xã L và C để thực hiện việc đo đạc, Nguyễn Đức T, Trương H, Phan Tấn T, Hứa Tấn S và Đinh Công N đã không thực hiện đúng quy trình trên mà gặp anh em Huỳnh G và Huỳnh Văn H có Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) T đặt địa điểm kinh doanh tại xã L. Khi gặp, Huỳnh G nói với nhóm cán bộ Trung tâm Kỹ thuật TNMT tỉnh Quảng Nam lập hồ sơ giải thửa diện tích đất vùng lòng hồ cho anh em Huỳnh G và Huỳnh Văn H. Nhóm cán bộ Trung tâm Kỹ thuật TNMT tỉnh Quảng Nam thấy G và H không phải là người địa phương nên không thể làm được mà nói với G và H phải đưa những người dân ở 02 xã L và C đứng tên mới được. Sau đó, G dẫn nhóm cán bộ Trung tâm Kỹ thuật TNMT tỉnh Quảng Nam vào đo đạc, bấm tọa độ khu vực đất dọc hai bờ sông Bung ở phía trên đập chính của công trình Thủy điện S thuộc địa phận của 02 xã L và C. Khi nhóm cán bộ Trung tâm Kỹ thuật TNMT tỉnh Quảng Nam đo xong đợt đầu, Huỳnh G cung cấp danh sách tên của 29 hộ dân ở xã L, Huỳnh Văn H cung cấp danh sách tên của 18 hộ dân ở xã C cho nhóm cán bộ Trung tâm Kỹ thuật TNMT tỉnh Quảng Nam để đưa vào hồ sơ giải thửa nhận tiền đền bù. Sau đó, H và G yêu cầu các hộ dân có tên photo sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân (CMND) nộp để làm hồ sơ đền bù. Đo đạc tại khu vực xã L xong, nhóm cán bộ Trung tâm Kỹ thuật TNMT tỉnh Quảng Nam về thì Huỳnh G đưa cho tổ công tác gồm T, T, H, S và N số tiền 10 triệu đồng (mỗi người 02 triệu đồng) và hứa hẹn khi nào nhận được tiền đền bù sẽ bồi dưỡng tiếp. Sau khoảng 01 tuần, nhóm cán bộ Trung tâm Kỹ thuật TNMT tỉnh Quảng Nam tiếp tục đo đạc tại địa bàn xã C. Lần này Đinh Công N không tham gia mà chỉ có 04 người gồm Nguyễn Đức T, Trương H, Phan Tấn T và Hứa Tấn S.
Sau khi đo xong, nhóm của Nguyễn Đức T tập hợp số liệu đo đạc gắn với tên của từng hộ dân về giao cho Phan Tấn N (Đội trưởng Đội sản xuất số 2 - Trung tâm Kỹ thuật TNMT tỉnh Quảng Nam) lập hồ sơ kỹ thuật giải thửa. Căn cứ hồ sơ giải thửa, Nguyễn Văn D (cán bộ Ban quản lý Dự án Thủy điện S) và Nguyễn Văn H (cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện N; cán bộ phụ trách đền bù giải tỏa - Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện N) đã xác lập 52 biên bản kiểm kê cây cối, hoa màu có trên đất. Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện N đã tổng hợp lập tờ trình để trình Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam thẩm định và phê duyệt với giá trị bồi thường về đất là 3.586.636.600 đồng; bồi thường cây cối, hoa màu 1.099.382.000 đồng; hỗ trợ khi thu hồi đất số tiền 7.039.126.150 đồng. Tổng số tiền bồi thường hỗ trợ là 11.725.144.750 đồng. Căn cứ vào kết quả phê duyệt, Ban quản lý Dự án Thủy điện S đã chuyển số tiền trên cho Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện N chi trả cho 52 hộ dân vào tháng 10/2012.
Sau khi được nhận tiền, Huỳnh G điện thoại cho Nguyễn Đức T và Trương H lên nhà G ở tỉnh Quảng Nam để lấy tiền. Huỳnh G đưa cho Nguyễn Đức T 40 triệu đồng (trong đó có 30 triệu đồng là tiền nhờ đo đạc làm thêm 03 hồ sơ bổ sung cho xã L). Nguyễn Đức T khai sau khi nhận đem về đưa cho Phan Tấn N 10 triệu đồng (N không thừa nhận), còn phần T 30 triệu đồng. Huỳnh G đưa cho Trương H 20 triệu đồng và gửi cho Phan Tấn T, Hứa Tấn S mỗi người 05 triệu đồng. Sau khi nhận tiền ở nhà G, T và H sang nhà Huỳnh Văn H. H đưa cho T, H mỗi người 13 triệu đồng và gửi cho T, S mỗi người 07 triệu đồng.
Như vậy, qua việc đo đạc, lập hồ sơ giải thửa cho một số hộ dân ở hai xã L và C, Huỳnh G đã đưa hối lộ cho nhóm cán bộ Trung tâm Kỹ thuật TNMT tỉnh Quảng Nam số tiền 78 triệu đồng, trong đó: đưa cho Nguyễn Đức T 02 triệu đồng + 40 triệu đồng = 42 triệu đồng, đưa cho Trương H 02 triệu đồng + 20 triệu đồng = 22 triệu đồng, đưa cho Phan Tấn T và Hứa Tấn S mỗi người 7 triệu đồng (02 triệu đồng + 05 triệu đồng). Số tiền đã nhận T khai sau đó đã đưa lại cho G 40 triệu đồng để trả cho Nhà nước theo yêu cầu của G, số tiền còn lại T, H, T và S sử dụng cá nhân hết.
Kiểm tra thực tế tại hiện trường thể hiện khu vực lập hồ sơ giải thửa để đền bù là rừng tự nhiên, có độ dốc lớn, không thể hiện việc phát dọn nương rẫy để canh tác sản xuất. Quá trình dẫn chỉ kiểm tra các hộ dân không xác định được vị trí ranh giới đất rẫy của mình. Cán bộ tham gia kiểm tra của Trung tâm Kỹ thuật TNMT tỉnh Quảng Nam không xác định được địa điểm đất của các hộ như hồ sơ đã được lập.
Ngoài hành vi đưa hối lộ đã bị khởi tố, quá trình điều tra xác định Huỳnh G còn có hành vi lấy sổ hộ khẩu, CMND của 06 hộ dân xã L (gồm A Lăng R, Pơ Loong B, Zơ Râm H, BNướch B, Zơ Râm H và Pơ Loong Thị T) để cung cấp cho tổ đo đạc làm hồ sơ đền bù. Khi chi trả tiền bồi thường hỗ trợ, 06 hộ dân ký nhận tiền theo danh sách với tổng số tiền là 1.111.539.250 đồng. Ngay sau khi nhận thì G lấy hết và chỉ đưa lại cho họ 288.400.000 đồng, còn lại số tiền 823.139.250 đồng thì G lấy. Đến thời điểm vụ việc bị phát hiện, cơ quan Thanh tra huyện N tiến hành xác minh thì G đem số tiền 726.000.000 đồng đưa lại cho 05 hộ để giao nộp cho Thanh tra huyện N (A Lăng R 80 triệu đồng, Pơ Loong B 108 triệu đồng, Zơ Râm H 112 triệu đồng, BNướch B 70 triệu đồng và Zơ Râm H 356 triệu đồng).
Đối với số tiền còn lại là 97.139.250 đồng (1.111.539.250 - 288.400.000 - 726.000.000), sau khi ra đầu thú và làm việc, G đã tự nguyện nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam. Ngoài 06 hộ dân trên thì có 02 hộ dân là Zơ Râm H và Zơ Râm T khai sau khi nhận tiền đền bù tổng cộng 585.584.300 đồng thì G lấy hết và chỉ đưa cho H 20.000.000 đồng, T 17.000.000 đồng. Khi G lấy và đưa tiền thì không có ai biết. Qua làm việc, G không thừa nhận việc này. Qua xác minh, đối chất không có tài liệu nào khác chứng minh G lấy tiền của H và T.
Ngoài ra, Huỳnh G còn tự kê khai đứng tên một thửa đất tại khu vực lòng hồ để nhận tiền bồi thường, hỗ trợ với số tiền là 228.225.750 đồng. Huỳnh G và anh ruột là Huỳnh Văn H cùng làm chung đơn xác nhận để được đền bù. Qua làm việc, Huỳnh G nhận thấy việc tự kê khai đất rẫy để được đền bù là không đúng quy định nên đã tự nguyện nộp lại số tiền đã nhận là 228.225.750 đồng vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam.
Trong quá trình điều tra, Huỳnh G chỉ thừa nhận hành vi đưa hối lộ, không thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như nhận định của Bản án hình sự sơ thẩm số 33/2015/HS-ST ngày 26/9/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam và Bản án hình sự phúc thẩm số số 161/2016/HS-PT ngày 23/5/2016 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cũng như các tài liệu, chứng cứ khác thu thập được có trong hồ sơ vụ án.
Tại Cáo trạng số 32/CT-VKSQN-P3 ngày 01/3/2021 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam đã truy tố bị cáo Huỳnh G về tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 364 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 16/2021/HS-ST ngày 31/3/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đã quyết định:
Tuyên bố bị cáo Huỳnh G phạm tội “Đưa hối lộ ”.
Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 364; điểm s khoản 1, khoản 2 Điêu 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung nấm 2017).
Xử phạt bị cáo Huỳnh G 03 (ba) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày đi thi hành án.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí, quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 08/4/2021, bị cáo Huỳnh G nộp đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, đề nghị cho bị cáo được cải tạo không giam giữ.
Tại phiên tòa phúc thẩm :
Bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà N ng phát biểu: Hành vi của bị cáo cần phải xử phạt nghiêm minh. Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt 03 năm tù là phù hợp. Bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ mới nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Huỳnh G khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Lời khai của bị cáo tại phiên toà phù hợp với lời khai trong quá trình điều tra và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án; có đủ cơ sở kết luận:
[2] Bị cáo Huỳnh G biết khu vực hai bên sông Bung thuộc địa phận hai xã L và C thuộc huyện N, tỉnh Quảng Nam chỉ có đất rừng tự nhiên do Nhà nước quản lý, không có ai canh tác và sở hữu đối với diện tích đất bị thu hồi để thực hiện Dự án Thủy điện S. Khi nhóm cán bộ thuộc Trung tâm Kỹ thuật TNMT tỉnh Quảng Nam đến đo đạc, lập hồ sơ kỹ thuật giải thửa để giải phóng mặt bằng vùng lòng hồ thì bị cáo Huỳnh G đã chủ động tiếp cận, yêu cầu và chỉ dẫn nhóm cán bộ trên thực hiện việc đo đạc, giải thửa không đúng quy định nhằm mục đích nhận tiền đền bù trái pháp luật. Sau khi nhóm cán bộ trên đo xong đợt đầu thì bị cáo Huỳnh G đưa cho Nguyễn Đức T, Phan Tấn T, Trương H, Hứa Tấn S và Đinh Công N, mỗi người 02 triệu đồng và hứa hẹn khi nào nhận được tiền đền bù sẽ bồi dưỡng tiếp (Đinh Công N không thừa nhận việc nhận 02 triệu này). Sau khi nhận được tiền đền bù, bị cáo Huỳnh G đưa cho Nguyễn Đức T 40 triệu đồng, đưa cho Trương H 20 triệu đồng và gửi cho Phan Tấn T, Hứa Tấn S, mỗi người 05 triệu đồng. Tổng cộng, số tiền bị cáo Huỳnh G đã đưa hối lộ cho nhóm cán bộ thuộc Trung tâm Kỹ thuật TNMT tỉnh Quảng Nam là 78.000.000 đồng.
[3] Hành vi của bị cáo Huỳnh G đã phạm tội: “Đưa hối lộ” với tình tiết định khung tăng nặng: “Phạm tội hai lần trở lên” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 364 của Bộ luật Hình sự năm 2015 như bản án sơ thẩm đã qui kết là có căn cứ, đúng pháp luật.
[4] Xét kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo, thấy: Tòa án cấp sơ thẩm đã xét bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội, bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, tự nguyện đầu thú, gia đình bị cáo có công với cách mạng (bà nội Võ Thị Thông là Mẹ Việt Nam Anh hùng) và xử phạt 03 năm tù là tương xứng với tính chất và mức độ, hậu quả hành vi phạm tội. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ mới nên không có cơ sở xét giảm hình phạt.
[5] Về kiến nghị Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Huỳnh G về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015: Trong trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm có đầy đủ chứng cứ xác định có việc bỏ lọt tội phạm, Tòa án cấp sơ thẩm có quyền trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp khởi tố vụ án hoặc Hội đồng xét xử sơ thẩm ra quyết định khởi tố vụ án nếu qua việc xét xử tại phiên tòa phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm (khoản 4 Điều 153 Bộ luật Tố tụng hình sự). Theo qui định tại khoản 1 Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự, Tòa án cấp phúc thẩm có thể hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại nếu qua việc xét xử tại phiên tòa phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên đối với trường hợp này, Tòa án cấp sơ thẩm đã trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra bổ sung nhưng không được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp chấp nhận. Xét hành vi của bị cáo Huỳnh G liên quan đến tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có thể được giải quyết ở một vụ án riêng. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét.
[6] Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Huỳnh G;
Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 16/2021/HS-ST ngày 31/3/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam.
1. Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 364; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Xử phạt bị cáo Huỳnh G 03 (ba) nă tù về tội: “Đưa hối lộ ”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày đi thi hành án.
2. Án phí hình sự phúc thẩm:
Bị cáo Huỳnh G phải chịu 200.000 đồng.
3. Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội đưa hối lộ số 505/2021/HS-PT
Số hiệu: | 505/2021/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 20/12/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về