Bản án về tội đánh bạc số 24/2022/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN NGA SƠN, TỈNH THANH HÓA

BẢN ÁN 24/2022/HS-ST NGÀY 08/07/2022 VỀ TỘI ĐÁNH BẠC

Ngày 08 tháng 7 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 20/2022/TLST-HS ngày 30 tháng 5 năm 2022 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 24/2022/QĐXXST-HS ngày 23 tháng 6 năm 2022 đối với các bị cáo:

1. Phạm Khải Đ, sinh năm 1990, tại huyện N, tỉnh Thanh Hóa; trú tại thôn 1, xã T, huyện N, tỉnh Thanh Hoá; nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ học vấn: lớp 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Tiến D (đã chết) và bà Phạm Thị T; có vợ là Nguyễn Thị M và 02 con; tiền án: không; tiền sự: ngày 21/11/2021 bị Công an xã L, huyện N xử phạt tiền 1.500.000 đồng về hành vi trộm cắp tài sản, đã nộp tiền phạt ngày 23/11/2021; nhân thân: ngày 25/6/2014 bị Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Thanh Hóa xử phạt 06 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” tại bản án số 14/2014/HS-ST, chấp hành xong hình phạt tù ngày 16/10/2014, nộp án phí ngày 03/12/2014; ngày 11/5/2016 bị Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Ninh Bình xử phạt 07 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” tại bản án số 22/2016/HS-ST, chấp hành xong hình phạt tù ngày 29/01/2017, nộp án phí ngày 11/5/2016, đương nhiên được xóa án tích 02 bản án ngày 30/01/2019; hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt.

2. Lê Khoa Đ1, sinh năm 1987, tại huyện N, tỉnh Thanh Hóa; trú tại thôn 2, xã T, huyện N, tỉnh Thanh Hoá; nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ học vấn: lớp 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lê Hồng L và bà Phạm Thị A; có vợ là Nguyễn Thị T và 02 con; tiền án: không; tiền sự: không; hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt.

3. Phạm Văn T, sinh năm 1968, tại huyện N, tỉnh Thanh Hóa; trú tại thôn 2, xã T, huyện N, tỉnh Thanh Hoá; nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ học vấn: lớp 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: Thiên chúa; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Khắc T và bà Hoàng Thị G; có vợ là Mai Thị T và 04 con; tiền án: không; tiền sự: không; hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt.

4. Thịnh Văn T1, sinh năm 1989, tại huyện N, tỉnh Thanh Hóa; trú tại thôn 1, xã T, huyện N, tỉnh Thanh Hoá; nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ học vấn: lớp 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Thịnh Văn T (đã chết) và bà Vũ Thị T; có vợ là Bằng Thị H và 01 con; tiền án: ngày 27/4/2021, bị Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Thanh Hóa xử phạt 06 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng về tội “Tàng trữ hàng cấm” tại bản án số 23/2021/HS-ST, được rút ngắn thời gian thử thách của án treo 02 tháng, chấp hành xong thời gian thử thách ngày 27/02/2022; tiền sự: không; hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt.

5. Phạm Văn T2, sinh năm 1982, tại huyện N, tỉnh Thanh Hóa; trú tại thôn 3, xã T, huyện N, tỉnh Thanh Hoá; nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ học vấn: lớp 4/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Hùng K (đã chết) và bà Nguyễn Thị K; có vợ là Bùi Thị P và 01 con; tiền án: không; tiền sự: không; hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt.

6. Mai Văn H, sinh năm 1983, tại huyện N, tỉnh Thanh Hóa; nơi ĐKHKTT: Thôn 11, xã Q, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông; chỗ ở hiện nay: Thôn 1, xã T, huyện N, tỉnh Thanh Hoá; nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ học vấn: lớp 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Mai Thanh C (đã chết) và bà Đặng Thị H; có vợ là Mai Thị H (đã ly hôn) và 02 con; tiền án: không; tiền sự: không; hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt.

7. Phạm Văn Q, sinh năm 1978, tại huyện N, tỉnh Thanh Hóa; trú tại thôn 1, xã T, huyện N, tỉnh Thanh Hoá; nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ học vấn: lớp 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn Đ và bà Phạm Thị N; có vợ là Phạm Thị X và 03 con; tiền án: không; tiền sự: không; hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú;có mặt.

8. Hà Văn D, sinh năm 1975, tại huyện N, tỉnh Thanh Hóa; trú tại thôn 2, xã T, huyện N, tỉnh Thanh Hoá; nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ học vấn: lớp 02/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hà Văn N (đã chết) và bà Trần Thị N; có vợ là Bùi Thị N (đã ly hôn) và 02 con; tiền án: không; tiền sự: không; hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt.

9. Trần Văn Q1, sinh năm 1981, tại huyện N, tỉnh Thanh Hóa; trú tại thôn 1, xã T, huyện N, tỉnh Thanh Hoá; nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ học vấn: lớp 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: Thiên chúa; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Văn T và bà Phạm Thị Đ; có vợ là Nguyễn Thị T và 03 con; tiền án: không; tiền sự: không; hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trưa ngày 31/3/2022, Phạm Khải Đ, Hà Văn D, Phạm Văn T2, Thịnh Văn T1, Mai Văn H và Lê Khoa Đ1 rủ nhau đi ăn uống tại xã A, huyện N. Sau khi ăn xong, Đ nảy sinh ý định đánh bạc nên nói với mọi người về nhà Phạm Văn T tại thôn 2, xã T, huyện N chơi bài liêng, tất cả đồng ý. Khoảng 14 giờ 30 phút mọi người về đến nhà T, ngồi uống nước, nói chuyện. Sau đó có thêm Phạm Văn Q đến nhà T chơi. Lúc này, Đ1 nhờ T đi mua 01 bộ bài tú lơ khơ để đánh bạc và mua nước giải khát cho mọi người. Đến khoảng 15 giờ, T mua bài và nước giải khát về để trên chiếu dưới nhà bếp. Thấy đã có bài, cả 07 người gồm Đ, D, T2, T1, H, Đ1 và Phạm Văn Q đi vào gian bếp nhà T đánh bạc bằng hình thức chơi bài liêng thắng thua bằng tiền. Mọi người thống nhất số tiền cược trong mỗi ván bài từ 10.000 đồng đến 300.000 đồng. Phạm Văn Q không có tiền nên vay của T 500.000 đồng để đánh bạc. Một lúc sau có Trần Văn Q1 đến nhà T, đứng xem một lúc thì cũng tham gia đánh bạc với mọi người.

Cách thức đánh bạc cụ thể như sau: Người cầm cái sử dụng bộ bài tú lơ khơ 52 cây chia cho mình và mỗi người chơi 03 cây bài để tính “sáp”, “liêng”, “ảnh” “điểm”. Cách so sánh cao thấp là “sáp” thắng “liêng”, “ảnh” và “điểm”, “liêng” thắng “ảnh” và “điểm”, “ảnh” thắng “điểm”. Trong đó “sáp” là 03 cây bài cùng hàng, tính từ thấp đến cao lần lượt là 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, J, Q, K, A; “liêng” là 03 cây bài ở 03 hàng liên tiếp nhau, tính từ thấp đến cao thì thấp nhất là A23, cao nhất là QKA; “ảnh” là 03 cây bài gồm J, Q, K nhưng không hình thành “sáp” và “liêng”, so sánh theo hàng cao thấp là K, Q, J, so sánh cao thấp theo chất là cơ, rô, nhép, bích; tính “điểm” là khi 03 cây bài không hình thành “sáp”, “liêng” hoặc “ảnh” thì sẽ cộng số điểm của 03 cây bài, các cây bài 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 thì mỗi cây có số điểm tương ứng với số của cây bài, cây A tính 1 điểm, cây 10, J, Q, K tính 0 điểm, tổng điểm của 03 cây bài nhỏ hơn 10 thì lấy số đó, nếu lớn hơn 10 thì trừ đi 10 hoặc 20, lấy số còn lại. Trường hợp trong ván bài có 02 người trở lên có “liêng” hoặc “điểm” bằng nhau thì so sánh chất của cây bài lớn nhất, từ cao đến thấp là rô, cơ, bích, tép.

Trong mỗi ván bài, trước khi người cầm cái chia bài thì mỗi người chơi đặt 10.000 đồng, gọi là tiền “chầu”. Sau khi xem bài, lần lượt từ người chia bài ngược theo chiều kim đồng hồ, người chơi có thể úp bài nếu thấy bài của mình không thể thắng, đồng nghĩa sẽ thua số tiền “chầu” hoặc người chơi cược thêm tiền bằng cách “tố” (đặt cược số tiền cao hơn số tiền của người đặt cược trước) hoặc “theo” (đặt cược số tiền bằng với người chơi trước đã “tố”) nếu thấy bài của mình có thể thắng hoặc muốn người khác sợ thua mà úp bài. Số tiền mỗi người chơi được “tố” trong một ván bài tối đa là 300.000 đồng, khi không còn người “tố” thêm hoặc đã “tố” và có người theo đến mức tối đa thì mở bài, so sánh bài ai có “sáp”, “liêng”, “ảnh” hoặc “điểm” cao hơn thì thắng toàn bộ số tiền “chầu” và tiền “tố”, “theo” của những người tham gia chơi ván bài đó.

Trong lúc đánh bạc, những người tham gia đánh bạc thống nhất những ván bài đặt cược số tiền lớn sẽ cắt 10.000 đồng hoặc 20.000 đồng để trả cho T tiền mua bài và nước giải khát. Sau đó những người đánh bạc đã cắt đủ, đưa cho T 200.000 đồng, T biết nguồn gốc số tiền này của những người đánh bạc trả tiền mua bài, nước cho mình.

Trần Văn Q1 tham gia đánh bạc khoảng hơn 10 ván bài thì ra về. Sau đó lần lượt Phạm Khải Đ và Hà Văn D cũng dừng đánh bạc và đi về trước. Còn lại 05 người gồm T2, T1, H, Đ1 và Phạm Văn Q tiếp tục đánh bạc.

Đến 17 giờ 30 phút cùng ngày, sau khi nhận tin báo của quần chúng nhân dân, tổ công tác Công an huyện N phối hợp Công an xã T đến nhà Phạm Văn T kiểm tra, xác minh đã phát hiện, bắt quả tang T2, T1, H, Đ1 và Phạm Văn Q đang đánh bạc bằng hình thức chơi bài liêng thắng thua bằng tiền. Tang vật thu giữ gồm: thu giữ tại chỗ số tiền 7.390.000 đồng, 01 bộ bài tú lơ khơ 52 cây và 01 chiếu nhựa kích thước 1,5m x 1,9m.

Các bị can khai số tiền mỗi người dùng đánh bạc là: Phạm Khải Đ 700.000 đồng, Mai Văn H 850.000 đồng, Lê Khoa Đ1 700.000 đồng, Phạm Văn T2 2.000.000 đồng, Thịnh Văn T1 2.500.000 đồng, Phạm Văn Q 500.000 đồng, Trần Văn Q1 115.000 đồng, Hà Văn D 230.000 đồng. Tổng cộng là 7.595.000 đồng. Kết quả điều tra xác định ngoài số tiền thu tại chiếu bạc là 7.390.000 đồng, các bị can đã trả cho Phạm Văn T 200.000 đồng mua bài, nước uống và Trần Văn Q1 khi về trước có 205.000 đồng là tiền dùng đánh bạc (Q1 đã tự nguyện giao nộp cho Cơ quan điều tra). Như vậy, tổng số tiền các bị can dùng đánh bạc là 7.795.000 đồng.

Tại bản cáo trạng số 24/CT-VKSNS ngày 26 tháng 5 năm 2022 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã truy tố Phạm Khải Đ, Lê Khoa Đ1, Phạm Văn T, Thịnh Văn T1, Phạm Văn T2, Mai Văn H, Phạm Văn Q, Hà Văn D và Trần Văn Q1 về tội: “Đánh bạc” theo quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS.

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Nga Sơn giữ nguyên quan điểm kết tội đối với các bị cáo theo tội danh, điều khoản đã nêu trong cáo trạng, không thay đổi, bổ sung gì thêm đối với nội dung vụ án. Sau khi phân tích, đánh giá toàn diện vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX):

Áp dụng khoản 1 Điều 321; điểm s khoản 1 Điều 51; khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 38 BLHS: xử phạt bị cáo Phạm Khải Đ từ 08(tám) đến 10(mười) tháng tù.

Áp dụng khoản 1 Điều 321; điểm h khoản 1 Điều 52; điểm s khoản 1 Điều 51; khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 38 BLHS: xử phạt bị cáo Thịnh Văn T1 từ 07(bảy) đến 09(chín) tháng tù.

Áp dụng khoản 1 Điều 321; điểm i, s khoản 1 Điều 51; khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 65 BLHS: xử phạt các bị cáo Lê Khoa Đ1, Phạm Văn T mỗi bị cáo từ 06(sáu) đến 08(tám) tháng tù, cho hưởng án treo, ấn định thời gian thử thách đối với các bị cáo.

Áp dụng khoản 1 Điều 321; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 35 BLHS: xử phạt các bị cáo Phạm Văn T2, Mai Văn H, Phạm Văn Q và Hà Văn D mỗi bị cáo từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; bị cáo Trần Văn Q1 từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo.

Về xử lý vật chứng: áp dụng điểm a, b khoản 1 Điều 47 BLHS; khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) tuyên tịch thu tiêu hủy 01 bộ bài tú lơ khơ 52 cây, 01 chiếu nhựa kích thước (1,5x1,9)m; tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước số tiền 7.595.000 đồng.

Truy thu của Phạm Văn T số tiền 200.000 đồng sung vào ngân sách Nhà nước.

Các bị cáo Phạm Khải Đ, Lê Khoa Đ1, Phạm Văn T, Thịnh Văn T1, Phạm Văn T2, Mai Văn H, Phạm Văn Q, Hà Văn D và Trần Văn Q1 thừa nhận và khai báo toàn bộ hành vi đánh bạc trong vụ án đúng như nội dung bản cáo trạng đã mô tả, không có ý kiến gì đối với các văn bản tố tụng hình sự. Các bị cáo không có ý kiến tranh luận gì, chỉ đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX nhận định như sau:

[1] Về tội danh: Lời khai báo của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra và các văn bản tố tụng hình sự khác, như: biên bản bắt người phạm tội quả tang; biên bản niêm phong đồ vật, tài liệu bị tạm giữ… cũng như các tài liệu, chứng cứ khác được thu thập theo trình tự luật định, phản ánh đúng sự thật khách quan của vụ án.

Như vậy đã có đủ cơ sở khẳng định: Khoảng từ 15 giờ đến 17 giờ 30 phút ngày 31/3/2022, Phạm Văn T đồng ý cho Phạm Khải Đ, Lê Khoa Đ1, Thịnh Văn T1, Phạm Văn T2, Mai Văn H, Phạm Văn Q, Hà Văn D và Trần Văn Q1 đánh bạc bằng hình thức chơi bài liêng thắng thua bằng tiền tại gian bếp nhà ở của T tại thôn 2, xã T, huyện N, tỉnh Thanh Hóa. Tổng số tiền các bị can dùng vào việc đánh bạc là 7.795.000 đồng. Hành vi nêu trên của Phạm Khải Đ, Lê Khoa Đ1, Phạm Văn T, Thịnh Văn T1, Phạm Văn T2, Mai Văn H, Phạm Văn Q, Hà Văn D và Trần Văn Q1 đã phạm vào tội: “Đánh bạc”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS.

Quan điểm buộc tội của Viện kiểm sát nhân dân huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đối với các bị cáo theo tội danh và khung hình phạt như bản cáo trạng là hoàn toàn thỏa đáng, đảm bảo căn cứ pháp luật.

[2] Về hình phạt: Hành vi của các bị cáo là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hành vi ấy không những đã trực tiếp xâm phạm đến trật tự công cộng, gây mất trật tự trị an, an toàn xã hội ở địa phương mà còn gây bức xúc, bất bình trong quần chúng nhân dân. Đây là tệ nạn xã hội cần phải được loại trừ, vì nó là nguyên nhân dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS): Bị cáo Thịnh Văn T1 phải chịu một tình tiết tăng nặng TNHS quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS là tái phạm, các bị cáo khác không phải chịu tình tiết tăng nặng TNHS nào. Các bị cáo Phạm Khải Đ, Thịnh Văn T1 được hưởng các tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51 BLHS là thành khẩn khai báo, đều có bố được tặng thưởng Huân, Huy chương trong kháng chiến. Các bị cáo Phạm Văn T và Lê Khoa Đ1 được hưởng các tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm i, s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51 BLHS là phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, thành khẩn khai báo, bị cáo T có thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 1988, bị cáo Đ1 có ông nội, ông ngoại được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến; các bị cáo Phạm Văn T2, Mai Văn H, Phạm Văn Q, Hà Văn D và Trần Văn Q1 được hưởng các tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm i, s khoản 1 Điều 51 BLHS là phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, thành khẩn khai báo.

Đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, xem xét các tình tiết giảm nhẹ TNHS đối với các bị cáo, HĐXX thấy cần phân hóa vai trò của các bị cáo trong vụ án để lên cho mỗi bị cáo một mức án tương xứng với hành vi phạm tội của mình. Đây là vụ án đồng phạm giản đơn bởi giữa các bị cáo không có sự cấu kết chặt chẽ, không có người tổ chức, chỉ huy, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người.

Bị cáo Đ là người khởi xướng, đồng thời là người thực hành, có 01 tiền sự là ngày 21/11/2021 bị Công an xã L, huyện N xử phạt tiền 1.500.000 đồng về hành vi Trộm cắp tài sản, đã từng bị Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Thanh Hóa và Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Ninh Bình xét xử đều về tội “Trộm cắp tài sản”; bị cáo T1 là người thực hành, có 01 tiền án về tội “Tàng trữ hàng cấm”. Các bị cáo này là người có nhân thân xấu, không có thái độ ăn năn hối cải đối với hành vi phạm tội trước đây của mình, do đó cần phải xử phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo, cần cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định mới đủ điều kiện để cải tạo, giáo dục các bị cáo trở thành người công dân tốt, đồng thời có tác dụng răn đe và phòng ngừa chung.

Bị cáo Đ1 là người thực hành, đồng thời là người nhờ bị cáo T đi mua bài; bị cáo T tuy không tham gia đánh bạc nhưng đồng ý cho mọi người đánh bạc tại nhà mình, đi mua bài, cho bị cáo Phạm Văn Q vay tiền để tham gia đánh bạc nên là người giữ vai trò giúp sức tích cực, các bị cáo còn lại giữ vai trò thực hành ngang nhau trong việc tham gia đánh bạc. Các bị cáo Đ1, T, T2, H, D, Phạm Văn Q và Trần Văn Q1 đều có nhân thân tốt, có hai tình tiết giảm nhẹ trở lên, có nơi cư trú rõ ràng, nên chỉ cần lên cho các bị cáo một mức án nhất định, cho các bị cáo được cải tạo tại địa phương hoặc phạt tiền cũng đảm bảo được tính giáo dục và phòng ngừa chung, đồng thời thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội.

Về hình phạt bổ sung: do các bị cáo đều là người lao động tự do, thu nhập không ổn định nên không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo theo quy định tại khoản 3 Điều 321 BLHS.

[3] Về vật chứng: Cần tịch thu tiêu hủy 01 bộ bài tú lơ khơ 52 cây, 01 chiếu nhựa kích thước (1,5x1,9)m; tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước số tiền 7.595.000 đồng là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội.

Truy thu của Phạm Văn T số tiền 200.000 đồng là số tiền thu lợi bất chính từ việc phạm tội sung vào ngân sách Nhà nước.

[4] Về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử: các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong các giai đoạn tố tụng đã thực hiện và ban hành đều hợp pháp, tuân thủ các nguyên tắc tố tụng cũng như đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm được giao theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS).

[5] Về án phí: Các bị cáo phải chịu án phí HSST theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 321, điểm s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51, Điều 17, Điều 58, Điều 38 BLHS đối với bị cáo Phạm Khải Đ;

Căn cứ vào khoản 1 Điều 321, điểm h khoản 1 Điều 52, điểm s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51, Điều 17, Điều 58, Điều 38 BLHS đối với bị cáo Thịnh Văn T1;

Căn cứ vào khoản 1 Điều 321, điểm i, s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51, Điều 17, Điều 58, Điều 65 BLHS đối với các bị cáo Lê Khoa Đ1 và Phạm Văn T;

Căn cứ vào khoản 1 Điều 321, điểm i, s khoản 1 Điều 51, Điều 17, Điều 58, Điều 35 BLHS đối với các bị cáo Phạm Văn T2, Mai Văn H, Phạm Văn Q, Hà Văn D và Trần Văn Q1;

- Tuyên bố: Các bị cáo Phạm Khải Đ, Thịnh Văn T1, Lê Khoa Đ1, Phạm Văn T, Phạm Văn T2, Mai Văn H, Phạm Văn Q, Hà Văn D và Trần Văn Q1 phạm tội: “Đánh bạc”.

- Xử phạt:

+ Bị cáo Phạm Khải Đ 08(tám) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

+ Bị cáo Thịnh Văn T1 07(bảy) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

+ Bị cáo Lê Khoa Đ1 06(sáu) tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12(mười hai) tháng, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

+ Bị cáo Phạm Văn T 06(sáu) tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12(mười hai) tháng, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

+ Bị cáo Phạm Văn T2 25.000.000đ (Hai mươi lăm triệu đồng).

+ Bị cáo Mai Văn H 25.000.000đ (Hai mươi lăm triệu đồng).

+ Bị cáo Phạm Văn Q 25.000.000đ (Hai mươi lăm triệu đồng).

+ Bị cáo Hà Văn D 25.000.000đ (Hai mươi lăm triệu đồng).

+ Bị cáo Trần Văn Q1 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng).

Giao các bị cáo Lê Khoa Đ1 và Phạm Văn T cho Ủy ban nhân dân xã T, huyện N, tỉnh Thanh Hóa giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 92 của Luật Thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 BLHS.

- Về xử lý vật chứng: Áp dụng điểm a, b khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự 2015; khoản 2 Điều 106 BLTTHS: tịch thu tiêu hủy 01 bộ bài tú lơ khơ 52 cây, 01 chiếu nhựa kích thước (1,5x1,9)m đã qua sử dụng; tịch thu số tiền 7.595.000đ (Bảy triệu năm trăm chín mươi lăm nghìn đồng) sung vào ngân sách Nhà nước (theo ủy nhiệm chi ngày 31/5/2022, biên bản giao, nhận vật chứng ngày 31/5/2022 giữa Cơ quan CSĐT Công an huyện Nga Sơn và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Nga Sơn).

Truy thu của Phạm Văn T số tiền 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) sung vào ngân sách Nhà nước.

Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 BLTTHS; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: các bị cáo Phạm Khải Đ, Thịnh Văn T1, Lê Khoa Đ1, Phạm Văn T, Phạm Văn T2, Mai Văn H, Phạm Văn Q, Hà Văn D và Trần Văn Q1 mỗi bị cáo phải chịu án phí HSST là 200.000đ (hai trăm nghìn đồng).

Về quyền kháng cáo: Căn cứ Điều 331, 333 BLTTHS: các bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

147
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội đánh bạc số 24/2022/HS-ST

Số hiệu:24/2022/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Nga Sơn - Thanh Hoá
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 08/07/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;