TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
BẢN ÁN 81/2022/HS-PT NGÀY 13/05/2022 VỀ TỘI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 13 tháng 5 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 14/2022/TLPT-HS ngày 21 tháng 01 năm 2022 đối với các bị cáo Lê T, Trần Quốc C do có kháng cáo của hai bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 38/2021/HS-ST ngày 07 tháng 12 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Q, tỉnh Bình Định.
- Các bị cáo có kháng cáo:
1. Lê T, sinh năm 1993 tại tỉnh Quảng Ngãi; Nơi cư trú: Tổ 1, phường N, Tp. A, tỉnh Quảng Ngãi; Nghề nghiệp: Kinh doanh; Trình độ học vấn: 09/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Lê B, sinh năm 1972 và bà: Bùi Thị V, sinh năm 1973; Vợ, con: Chưa có; Tiền án, tiền sự: Không; Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.
2. Trần Quốc C, sinh năm 1989 tại tỉnh Hà Tĩnh; Nơi ĐKNKTT: Thôn B, xã D, huyện E, tỉnh Hà Tĩnh; Chỗ ở: Số 07 Tr, phường Ng, Tp. Q, tỉnh Bình Định; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ học vấn: 11/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Trần Quốc Tu, sinh năm 1960 và bà: Trần Thị Y (đã chết); Vợ: Nguyễn Thị Kim Th, sinh năm 1992; con: có 01 con sinh năm 2017; Tiền án, tiền sự: Không; Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.
- Người bào chữa cho hai bị cáo Lê T và Trần Quốc C: Ông Trần Công L là Luật sư hoạt động tại văn phòng luật sư Đ thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bình Định. Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Lê T là Giám đốc của Công ty TNHH kỹ thuật cơ điện Apacon (gọi tắt là “Công ty Apacon”). Tháng 6/2019, Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam “Công ty” ký kết Hợp đồng gia công lắp đặt ống thông gió với 02 hạng mục gồm: “Gia công và lắp đặt ống gió” và “Điện trục khối Novotel” với Công ty Apacon. Sau khi đã tiến hành thi công một số hạng mục, ngày 17/10/2019, Công ty Apacon gửi hồ sơ đề nghị thanh toán giá trị hợp đồng số 0706/2019/HĐKT- MEC/APA và hợp đồng số 0708/2019/HĐKT-MEC/APA. Tuy nhiên, quá trình thi công, do chưa nhận được đầy đủ hồ sơ nghiệm thu nên Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam từ chối thanh toán tiền cho Công ty Apacon theo đề nghị đối với hợp đồng số 0708/2019/HĐKT-MEC/APA, số tiền theo yêu cầu của Công ty Apacon là: 377.721.211 đồng.
Sau nhiều lần liên lạc qua điện thoại với Nguyễn Tiến H (sinh năm: 1977 , Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam đồng thời là Chỉ huy trưởng của công trình) để trao đổi về việc thanh toán tiền giữa hai Công ty nhưng chưa thống nhất được cách giải quyết. Sáng ngày 13/12/2019, Lê T điều khiển xe ô tô 76A-101.20 chở Trần Quốc C đến văn phòng của Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam tại Công trình FLC SeaTower Quy Nhơn để đòi số tiền công nợ. Khi đến công trình, Lê T và Trần Quốc C gặp Huỳnh Tấn G (nhân viên Công ty Apacon) tại trước cửa văn phòng của Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam, T gọi G đi cùng mình để giải quyết công việc. Khi vào văn phòng, nhóm của Lê T gặp Lương Văn K (sinh năm: 1990; trú: Tổ dân phố 11, TT.Ph, S, Hà Tĩnh; là giám sát kỹ thuật của Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam) và Trần Quốc I (sinh năm: 1993; trú: thôn M, Nh, thị xã A, Bình Định; là nhân viên kỹ thuật của Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam). Lê T hỏi K về việc tại sao công ty không thanh toán tiền cho Công ty Apacon theo yêu cầu. K trả lời rằng do công trình chưa được nghiệm thu và bản thân mình không đủ thẩm quyền để giải quyết. Trong lúc K và Lê T đang nói chuyện với nhau, Trần Quốc C đứng bên cạnh có hành vi chỉ mặt K, chửi thề nói lớn tiếng đe dọa để người của Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam sợ mà trả tiền. Lúc này, T biết không có Lãnh đạo Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam thì không lấy được tiền nên T nảy sinh ý định lấy các laptop mà Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam trang bị cho các nhân viên tại văn phòng để gây áp lực trả nợ. T nói với K: “Thôi bây giờ mấy sếp em không trả tiền thì tụi anh lấy máy tính ở đây mang đi, khi nào có tiền thì tụi anh trả, anh đem đến công an xử lý”. K và I không đồng ý; riêng K nài nỉ, xin T đừng lấy các laptop thì C lớn tiếng nói, chửi tục và đe dọa: “Tụi bay nợ nần không trả mà giờ còn không cho lấy máy là sao?”. K và I thấy C là người lạ, có xăm trổ lại nói giọng không phải của người địa phương nên sợ bị đ ánh, không dám phản đối nữa. Lúc này, T bảo G cùng gom các laptop để trên bàn lại. G nghe theo lời T đến lấy laptop của I nhưng I không đồng ý nên G đứng chờ để T tự lấy tất cả các máy rồi lại chồng lên nhau. Khi T yêu cầu tìm ba lô để đựng máy mang đi, G đến lấy ba lô của I nhưng I nói: “Ba lô của em đựng đồ cá nhân để mang về nhà, anh qua lấy ba lô của Z mà đựng”. G tiếp tục lại lấy ba lô của Zrồi nhét các laptop mà T đã chồng sẵn nhưng không vừa. Sau đó, T nghĩ ra cách tự lấy băng keo và giấy trắng dán các laptop lại với nhau để mang đi. T bảo G ra ngoài tìm địa chỉ và số điện thoại Công an phường gần nhất để đem giao nộp máy.
Mặc dù biết rõ nếu không có laptop để sử dụng thì công vi ệc của Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam bị ảnh hưởng nhưng K và I sợ bị đánh nên không ai dám ngăn cản Lê T cùng đồng bọn lấy máy. K ra ngoài gọi điện thoại cho anh Nguyễn Tiến H để báo cáo sự việc và xin ý kiến. Anh H nói với K: “T có làm gì bậy thì có pháp luật xử lý, anh em phải giữ an toàn cho mình là chính”. Khi K quay vào trong thì T đã gói xong tổng cộng 05 laptop trong văn phòng gồm: 01 laptop Dell Latitude E5410, 02 laptop Dell Inspiron 7559, 01 laptop Asus A556U, 01 latop Masstel 1133 pro. Ngoài ra, trước khi rời đi, T còn tháo chiếc camera quan sát (nhãn hiệu WIFI YOOSEE HD720, loại 3 ăng ten Full HD) gắn ở đối diện cửa ra vào. T yêu cầu K và I ký xác nhận vào giấy niêm phong dán bên ngoài 05 laptop. K và I sợ bị đK nên làm theo yêu cầu của T và không ý kiến gì.
Sau khi rời khỏi văn phòng của Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam, T, C, G mang 05 laptop đến Công an phường F, Tp. Q nhưng được hướng dẫn là không thuộc địa bàn quản lý nên T, C, G mang đến Công an phường Ng, Tp. Q để nhờ giữ giúp trong thời gian chờ Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam trả nợ nhưng được giải thích hành vi của mình là vi phạm pháp luật và phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Sau đó, T điều khiển xe ô tô 76A-101.20 chở C và G quay lại Công trình FLC SeaTower, yêu cầu K cùng lên xe để ra quán nước mía gần đó nói chuyện. T, C và G cùng gây áp lực yêu cầu K viết “Giấy thế chấp tự nguyện giao tài sản” để T giữ 05 laptop và yêu cầu Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam trả nợ. G cầm Giấy chứng minh nhân dân của K đi phô tô để kèm theo để hợp thức hóa việc chiếm đoạt tài sản của Lê T. Sau đó, T mang tài sản lấy được mang về cất giữ tại nhà ở của mình tại Tp. A, tỉnh Quảng Ngãi. Đối với camera quan sát lấy tại văn phòng, Lê T đã làm mất nên không thu hồi được.
Ngày 02/4/2020, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Tp. Q kết luận:
01 (một) laptop nhãn hiệu Dell Inspiron 7559, màu đen, model: P57F, đã qua sử dụng, số seri bị mờ, trị giá 5.000.000 đồng;
01 (một) laptop nhãn hiệu Dell Inspiron 7559, màu đen, model: P57F, số seri: 29324350190, đã qua sử dụng, trị giá 5.000.000 đồng;
01 (một) laptop nhãn hiệu Dell Latitude E5410, màu đen, số seri:
35743478725, đã qua sử dụng, trị giá 2.000.000 đồng 01 (một) laptop nhãn hiệu Asus A556U, màu đen, số seri: 183220606885, đã qua sử dụng, trị giá 1.900.000 đồng 01 (một) laptop nhãn hiệu Masstel 1133 Pro, màu đen, số seri:
183220606885, đã qua sử dụng, trị giá 1.800.000 đồng.
Ngày 04/01/2021, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Tp. Q kết luận: 01 camera quan sát, nhãn hiệu WIFI YOOSEE HD720, loại 3 ăng ten Full HD có trị giá là 250.000 đồng.
Tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 15.950.000 đồng.
Cơ quan CSĐT Công an Tp. Q đã tạm giữ 01 laptop nhãn hiệu Dell Inspiron 7559, màu đen, model: P57F, số seri bị mờ; 01 laptop nhãn hiệu Dell Inspiron 7559, màu đen, model: P57F, số seri: 29324350190; 01 laptop nhãn hiệu Dell Latitude E5410, màu đen, số seri: 35743478725; 01 laptop nhãn hiệu Asus A556U, màu đen, số seri: 183220606885; 01 laptop nhãn hiệu Masstel 1133 Pro, màu đen, số seri: 183220606885. Ngày 27/4/2020, Cơ quan điều tra đã xử lý vật chứng trả lại 05 laptop cho Công ty Cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam.
Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam đã kê khai tổng chi phí thiệt hại tạm tính của Công ty cho đến hết ngày 13/5/2020 là 6.431.941.474 đồng (sáu tỷ bốn trăm ba mươi mốt triệu chín trăm bốn mươi mốt ngàn bốn trăm bảy mươi bốn đồng), Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam yêu cầu các bị cáo Lê T, Trần Quốc C, Huỳnh Tấn G bồi thường 6.431.941.474 đồng.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 38/2021/HS-ST ngày 07 tháng 12 năm 2021, Tòa án nhân dân thành phố Q, tỉnh Bình Định đã quyết định:
Tuyên bố: Các bị cáo Lê T, Trần Quốc C, Huỳnh Tấn G phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
1. Áp dụng khoản 1 Điều 170, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 58 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Lê T 18 (mười tám) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.
2. Áp dụng khoản 1 Điều 170, điểm s khoản 1 Điều 51, Điều 58 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Trần Quốc C 12 (mười hai) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.
Ngoài ra, án sơ thẩm còn xử phạt bị cáo Huỳnh Tấn G 09 (chín) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 (mười tám) tháng. Tuyên về bồi thường thiệt hại, án phí hình sự sơ thẩm và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.
Ngày 14/12/2021 bị cáo Lê T có đơn kháng cáo xin chuyển thành tội danh “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” và giảm mức án tù giam, cho bị cáo được hưởng án treo.
Ngày 15/12/2021 bị cáo Trần Quốc C có đơn kháng cáo xin chuyển thành tội danh “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” và giảm mức án tù giam, cho bị cáo được hưởng án treo.
Tại phiên tòa hai bị cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Tại phiên toà Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355, Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Lê T và bị cáo Trần Quốc C. Giữ nguyên mức hình phạt đối với hai bị cáo nhưng cho hai bị cáo được hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách đối với hai bị cáo cũng đủ để răng đe giáo dục đối với hai bị cáo.
Luật sư bào chữa cho hai bị cáo Lê T và Trần Quốc C trình bày luận cứ bào chữa cho hai bị cáo: Mục đích ban đầu của các bị cáo đến Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam là để đòi nợ, nhưng do Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam không chịu trả nợ cho bị cáo T, trong khi đó bị cáo phải vay tiền để thực hiện hợp đồng và trả tiền cho công nhân hàng tháng nên khi không đòi được tiền đã gây tâm lý bức xúc cho bị cáo T nên bị cáo mới lấy tài sản của công ty nhằm mục đích khi nào công ty nợ trả thì bị cáo T trả lại tài sản, nên về bản chất của vụ án không phải là cưỡng đoạt tài sản. Vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử xem xét hành vi của các bị cáo phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Quá trình giải quyết vụ án các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tự nguyện giao nộp lại tài sản chiếm đoạt để trả lại cho bị hại, bồi thường thiệt khắc phục hậu quả với số tiền là 20.000.000đ và bị hại cũng có lỗi, hiện gia đình các bị cáo thuộc diện khó khăn, là lao động chính trong gia đình. Bị cáo T là giám đốc công ty nên nếu chấp hành hình phạt tù có thời hạn như bản án sơ thẩm đã tuyên có thể dẫn đến công ty của bị cáo sẽ bị phá sản. Đây là tình tiết giảm nhẹ nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt và cho hai bị cáo được hưởng án treo như đề nghị của Viện kiểm sát tại phiên tòa.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Đơn kháng cáo của các bị cáo đúng về thể thức và thời hạn nên được Hội đồng xét xử xem xét, giải quyết theo trình tự phúc thẩm.
[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo khai nhận hành vi phạm tội phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm, phù hợp với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Do đó, Hội đồng xét xử có đủ căn cứ để xác định: Xuất phát từ việc Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam chưa thanh toán tiền nợ thực hiện hợp đồng thi công giữa Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam và Công ty TNHH kỹ thuật cơ điện Apacon, ngày 13/12/2019, bị cáo Lê T cùng với các bị cáo Trần Quốc C, Huỳnh Tấn G đến Văn phòng Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam tại Công trình FLC SeaTower để yêu cầu thanh toán tiền nợ. Tại đây, bực tức vì Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam không thanh toán tiền nợ, nên bị cáo Trần Quốc C đã dùng tay chỉ vào mặt anh Lương Văn K, chửi thề, nói lớn tiếng, đe dọa nhằm uy hiếp tinh thần anh Lương Văn K, anh Trần Quốc I là nhân viên của Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam để bị cáo Lê T chiếm đoạt 05 laptop (01 laptop Dell Latitude E5410, 02 laptop Dell Inspiron 7559, 01 laptop Asus A556U, 01 latop Masstel 1133 pro) và 01 camera quan sát nhãn hiệu WIFI YOOSEE HD720, loại 3 ăng ten Full HD là tài sản của Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam, nhằm gây sức ép cho Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam buộc trả nợ, tổng trị giá tài sản các bị cáo chiếm đoạt là 15.950.000 đồng. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo Lê T, Trần Quốc C về tội “Cưỡng đoạt tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật.
[3]. Xét kháng cáo của các bị cáo Lê T, Trần Quốc C đồng xét xử xét thấy:
[3.1] Về kháng cáo xin chuyển tội danh từ “Cưỡng đoạt tài sản” sang tội danh “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”, Hội đồng xét xử nhận thấy: Khi bị cáo Lê T có ý định lấy máy tính của Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam nhằm mục đích buộc công ty trả nợ cho bị cáo. Bị cáo Trần Quốc C đã dùng tay chỉ vào mặt anh Lương Văn K, chửi thề, nói lớn tiếng, đe dọa nhằm uy hiếp tinh thần anh Lương Văn K, anh Trần Quốc I là nhân viên của Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam khiến cho anh K và anh I không dám chống cự để bị cáo Lê T chiếm đoạt 05 laptop và 01 camera quan sát của công ty Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam. Hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần của C khiến anh K và anh I không dám chống cự để T chiếm đoạt tài sản đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Do đó không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin chuyển tội danh của hai bị cáo Lê T và Trần Quốc C.
[3.2] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo của hai bị cáo, nhận thấy:
Về kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, nhận thấy: Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người khác và gây mất trật tự trị an tại địa phương. Tuy nhiên, sau khi thực hiện hành vi phạm tội các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tự nguyện giao nộp lại tài sản chiếm đoạt để trả lại cho bị hại, bồi thường thiệt khắc phục hậu quả với số tiền là 20.000.000đ. Ngoài ra, trong vụ án này xét thấy bị hại cũng có một phần lỗi vì sau khi bị cáo T thực hiện hợp đồng mà hai bên đã ký kết, bị cáo T đã làm hồ sơ đề nghị thanh toán tiền nhưng bị hại đưa ra nhiều lý do để không thanh toán tiền theo hợp đồng, kéo dài thời gian trả nợ dẫn đến việc bị cáo T không có tiền trả tiền công cho các nhân công, gây tâm lý bức xúc cho bị cáo T. Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự. Khi quyết định mức hình phạt, án sơ thẩm nhận định bị cáo bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, nhưng khi quyết định mức hình phạt Hội đồng xét xử sơ thẩm không áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo là có phần tH sót.
Tại phiên tòa phúc thẩm, hai bị cáo giao nộp thêm chứng cứ thể hiện gia đình các bị cáo thuộc diện khó khăn, là lao động chính trong gia đình. Ngoài ra, Hội đồng xét xử còn nhận thấy các bị cáo phạm tội một phần do nhận thức pháp luật có phần hạn chế, không biết được hành vi của các bị cáo là vi phạm pháp luật thể hiện ở việc sau khi cưỡng đoạt được tài sản, các bị cáo mang số tài sản lấy được đến Công an phường để trình báo và nhờ giữ hộ tài sản để các bị cáo thu hồi nợ. Đây là tình tiết giảm nhẹ nhiệm hình sự mới quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Do có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới mà Hội đồng xét xử sơ thẩm thẩm chưa áp dụng nên Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo, sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.
Về kháng cáo xin được hưởng án treo của hai bị cáo, nhận thấy: Trong vụ án này bị cáo T là người rủ rê các bị cáo còn lại đến Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam để T đòi nợ. Nhưng sau khi không đòi được nợ, T đã khởi sướng và là người trực tiếp thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam và mang tài sản chiếm đoạt được về nhà T để cất dấu nhằm mục đích buộc Công ty cổ phần xây dựng cơ điện Việt Nam phải trả nợ cho T. Do đó không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo T. Đối với bị cáo Trần Quốc C là người giúp sức cho bị cáo T chiếm đoạt tài sản. Khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo chỉ nghĩ giúp T đòi nợ, không nghĩ hành vi của mình là vi phạm pháp luật và bị cáo cũng không hưởng lợi từ hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo T. Nhận thấy, bị cáo C có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, phạm tội với vai trò là người giúp sức và có nơi cư trú rõ ràng, có khả năng tự cải tạo và việc cho bị cáo hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội nên Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo là thể hiện tinh thần nhân đạo của pháp luật đối với người thành khẩn khai báo và biết ăn năn hối cãi.
[4] Xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát và Luật sư bào chữa cho hai bị cáo về việc cho bị cáo C được hưởng án treo là phù hợp với nhận định của HĐXX nên được chấp nhận. Không chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát và Luật sư bào chữa về việc cho bị cáo T được hưởng án treo.
[5] Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[6] Về án phí: Do kháng cáo được chấp nhận, nên các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-02-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355, Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Lê T, chấp nhận toàn bộ kháng cáo của bị cáo Trần Quốc C, sửa bản án sơ thẩm về phần hình phạt.
Áp dụng khoản 1 Điều 170, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54, Điều 58 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Lê T 09 (Chín) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.
Áp dụng khoản 1 Điều 170, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54, Điều 58, Điều 65 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Trần Quốc C 09 (Chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 (Mười tám) tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Giao bị cáo Trần Quốc C cho Uỷ ban nhân dân phường Ng, Tp. Q, tỉnh Bình Định giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo có thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 92 của Luật thi hành án hình sự.
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
2. Về án phí: Các bị cáo Lê T và Trần Quốc C không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
3. Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội cưỡng đoạt tài sản số 81/2022/HS-PT
Số hiệu: | 81/2022/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Định |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 13/05/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về