Bản án về tội cố ý gây thương tích số 147/2021/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 147/2021/HS-PT NGÀY 23/11/2021 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 23 tháng 11 năm 2021 tại Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 39/2021/TLPT-HS ngày 09 tháng 3 năm 2021 đối với bị cáo Lê Duy T do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 10/2021/HS-ST ngày 02/02/2021 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bình Dương.

- Bị cáo có kháng cáo: Lê Duy T sinh ngày 23 tháng 5 năm 1990 tại tỉnh Hà Tĩnh; nơi cư trú: Ấp X, xã Hưng H, huyện B, tỉnh Bình Dương; nghề nghiệp: tài xế; trình độ văn hóa (học vấn): lớp 6/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lê Duy K và bà Trần Thị T1; sống chung như vợ chồng với bà Hoàng Thị H1; có 01 con (sinh năm 2018); tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam từ ngày 12 tháng 5 năm 2020 đến nay (có mặt).

- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Lê Nguyên Đ là Luật sư thuộc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên B1 - Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước (có mặt).

Ngoài ra, có 01 bị hại, 02 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị và 03 người làm chứng không liên quan đến kháng cáo.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khong 06 giờ ngày 06 tháng 3 năm 2020, bị cáo Lê Duy T điều khiển xe ô tô bồn bê tông của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bê tông Hồng T2 Bình Dương đến công trình xây dựng tại Công ty A (sau đây viết là Công ty) ở đường N, khu phố B, thị trấn L1, huyện B, tỉnh Bình Dương. Khi bị cáo đến cổng Công ty đưa phiếu cho bảo vệ là ông Trịnh Quốc X để làm thủ tục vào công trình thì ông Nguyễn Đức L (là bảo vệ Công ty) trả phiếu và không cho bị cáo vào vì chưa trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động theo quy định của Công ty nên hai bên cãi nhau. Bị cáo ra xe mặc đồ bảo hộ rồi quay lại đưa phiếu cho bảo vệ là ông Mai Ngọc Đ rồi đi ra ngoài cổng Công ty thì gặp ông L và tiếp tục cãi nhau với ông L. Ông X đứng gần đó dùng tay đánh bị cáo một cái vào đầu và đuổi bị cáo ra khỏi cổng. Bị cáo đi ra xe ô tô bồn thì ông L lấy 01 ống kim loại (hình trụ tròn, đường kính 2,5cm, dài khoảng 60cm) đưa cho ông X và cầm 01 ống kim loại dài khoảng 133cm đi theo bị cáo đến gần xe của bị cáo. Thấy bị cáo cầm 01 dao rựa (dài khoảng 30cm, lưỡi rộng 06cm) từ trên xe bước xuống, ông L bước lùi về phía sau. Bị cáo chém ông L 01 nhát nhưng ông L tránh được nên trúng vào lưng. Bị cáo tiếp tục chém ông L 01 nhát trúng vào cổ tay phải. Ông X thấy ông L bị chém nên cầm ống kim loại đến đánh để ngăn cản bị cáo thì bị bị cáo chém vào khuỷu tay phải. Dao của bị cáo bị gãy cán nên bị cáo cầm dao và điều khiển xe đi khỏi hiện trường. Ông L và ông X được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Tại Kết luận giám định pháp y về thương tích số 154/2020/GĐPY ngày 16 tháng 4 năm 2020, Trung tâm Pháp y - Sở Y tế tỉnh Bình Dương kết luận: dấu hiệu chính qua giám định: vết thương mặt trước 1/3 dưới cẳng tay phải (vùng cổ tay): sẹo (9,5 x 0,2)cm, đứt bó mạch thần kinh quay, thần kinh giữa, gãy đầu dưới xương quay. Đứt các gân: gân gấp duỗi nông các ngón 2, 3, gân gấp sâu ngón 1, gân dạng dài duỗi ngắn ngón cái, gân duỗi ngón cái dài, gấp cổ tay quay, gân cánh tay quay, gân duỗi cổ tay quay dài, đứt bán phần gân gấp sâu và duỗi riêng ngón 4, 5. Đã phẫu thuật nối thần kinh, gân cơ, kết hợp xương quay, vết mổ mặt trước cổ tay phải (6 x 0,3)cm, sẹo lành. Di chứng: tổn thương nhánh thần kinh giữa + thần kinh quay, còn hạn chế vận động cổ - bàn tay phải. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 32%.

Ông Trịnh Quốc X có đơn xin bãi nại, từ chối giám định thương tích và không có yêu cầu gì.

nh vi của ông L và ông X đánh bị cáo đã bị Công an huyện B, tỉnh Bình Dương ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Quá trình điều tra, bà Hoàng Thị H1 đã thay bị cáo bồi thường cho ông L 4.500.000 đồng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 10/2021/HS-ST ngày 02 tháng 02 năm 2021, Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bình Dương đã quyết định:

“Căn cứ vào điểm c khoản 3 Điều 134, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 47, Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;

Tuyên bố bị cáo Lê Duy T phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Xử phạt bị cáo Lê Duy T: 05 (năm) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày 12 tháng 5 năm 2020.” Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự, nghĩa vụ nếu chậm thi hành án, xử lý vật chứng, án phí, quyền kháng cáo và việc thi hành án theo quy định của pháp luật.

Ngày 04 tháng 02 năm 2021, bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt với lý do hình phạt 05 năm 06 tháng tù là quá nặng và bị cáo là trụ cột trong gia đình, có con nhỏ, có cha bị bệnh tâm thần.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo bổ sung nội dung kháng cáo, yêu cầu Hội đồng xét xử chuyển tội danh của bị cáo từ tội “Cố ý gây thương tích” sang tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” và xin được giảm nhẹ hình phạt.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương phát biểu ý kiến:

Kháng cáo của bị cáo được thực hiện trong hạn luật định nên đủ điều kiện xem xét theo thủ tục phúc thẩm. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời khai của bị cáo, bị hại, người làm chứng có đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo thay đổi kháng cáo, yêu cầu chuyển tội danh của bị cáo từ tội “Cố ý gây thương tích” sang tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” và xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo gây thương tích cho bị hại với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 32% nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị cáo. Bị cáo trình bày bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, con nhỏ, cha bị bệnh nhưng không cung cấp tài liệu gì chứng minh. Bị cáo và bị hại không có mâu thuẫn từ trước, chỉ vì mâu thuẫn trong việc chấp hành nội quy công trình xây dựng, bị cáo là người nhỏ tuổi hơn, được nhắc nhở chấp hành nội quy. Bị hại bị thương tích, hiện nay tay của bị hại vẫn còn di chứng. Bị hại có một phần lỗi. Hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo là đầu khung hình phạt nên kháng cáo của bị cáo là không có cơ sở chấp nhận. Vì vậy, Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

Người bào chữa cho bị cáo trình bày ý kiến:

Có 03 người dùng hung khí gây thương tích cho bị cáo. Bị cáo không yêu cầu giám định thương tích của bị cáo vì thấy bị hại bị thương tích nặng hơn. Thương tích của bị cáo được thể hiện trong hồ sơ vụ án. Ba người cầm hung khí đuổi đánh bị cáo, bắt bị cáo xuống xe. Khoảng cách giữa bị cáo và bị hại là tầm gần và bị hại cầm cây kim loại dài nên sự nguy hiểm của phía bị hại tác động đến bị cáo là điều đương nhiên và thực tế đã gây thương tích cho bị cáo. Hành vi của bị hại là rất nguy hiểm. Cây kim loại mà bị hại sử dụng là hung khí nguy hiểm. Bị cáo bị đuổi đánh nên mới lấy dao. Hành vi của bị hại là trái pháp luật, đã bị xử lý hành chính nên hành vi của bị cáo gây thương tích cho bị hại không có tính chất côn đồ. Ông L cầm cây sắt, khi bị cáo chém vào cổ tay của bị hại thì cây sắt mới văng ra. Ông L bị té vẫn quơ cây sắt thì vẫn gây nguy hiểm cho bị cáo được và lúc đó sự nguy hiểm của bị hại vẫn còn. Hung khí của bị cáo là rựa ngắn nhưng hung khí mà bị hại sử dụng dài khoảng 1,2 mét là hung khí dài hơn sẽ nguy hiểm cho bị cáo. Việc chuyển tội danh của bị cáo từ tội “Cố ý gây thương tích” sang tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” là có căn cứ nên người bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.

Bị cáo bào chữa bổ sung:

Bị hại 02 lần đánh bị cáo trước nhưng không được thể hiện trong Cáo trạng. Bị hại dùng ống sắt đánh một cái vào đầu bị cáo và khi đó bị cáo có giơ chân lên đạp bị hại nhưng không trúng. Bị hại cầm cây dài đánh bị cáo. Cả ba người tập trung đánh bị cáo. Bị cáo đi ra ngoài đường rồi lên xe, chưa kịp đóng cửa thì ba người ở dưới bắt bị cáo xuống nên bị cáo không đóng cửa được. Ông X có tham gia đánh bị cáo. Ngày 07 tháng 3 năm 2020, Cơ quan điều tra có dựng lại hiện trường, lúc đó người bào chữa cho bị cáo chưa tham gia. Ông X tự nhận là họ sử dụng 03 cây hung khí, đưa ra 03 cây hung khí thì Cơ quan điều tra có chụp hình hết nhưng khi lấy lời khai thì bị cáo yêu cầu xem các cây hung khí nhưng không được.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đối đáp:

Tòa án cấp sơ thẩm không xác định bị cáo có tình tiết tăng nặng “Phạm tội có tính chất côn đồ” do có một phần lỗi của bị hại. Bị cáo có thể tìm phương thức xử sự khác thay vì dùng rựa tấn công bị hại. Quá trình lấy lời khai của bị cáo khi có người bào chữa tham gia (Bút lục số 133) thì bị cáo khai nhận rõ hành vi của bị cáo như bị cáo lên xe lấy dao rựa, bị hại thấy bị cáo cầm dao nên lùi lại, bị cáo vung dao chém bị hại. Vì vậy, không có cơ sở xác định bị cáo phạm tội thuộc trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Cả bị cáo và bị hại đều xác định không có mâu thuẫn từ trước. Quá trình điều tra xác định chỉ thu được 02 hung khí.

Bị cáo nói lời sau cùng:

Bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để bị cáo sớm về với gia đình và đi làm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Kháng cáo của bị cáo làm trong thời hạn luật định, hợp lệ nên vụ án được xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Quyết định tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bình Dương, hành vi của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử sơ thẩm thực hiện việc điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[3] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như Tòa án cấp sơ thẩm xác định. Lời nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra, phù hợp với lời khai của bị hại, người làm chứng, kết luận giám định và các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nên có đủ cơ sở kết luận: ngày 06 tháng 3 năm 2020, tại phía trước Công ty Ampacs ở đường N, khu phố B, thị trấn L1, huyện B, tỉnh Bình Dương, bị cáo Lê Duy T đã thực hiện hành vi dùng dao rựa chém bị hại L 02 nhát trúng vào lưng và cổ tay phải gây thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 32%.

[4] Hành vi của bị hại dùng ống sắt tấn công bị cáo là lỗi của bị hại, đã cùng với ông X bị xử lý theo thủ tục hành chính. Lên được xe, bị cáo đã thoát được sự truy đuổi của những người cầm ống sắt nên có thể nổ máy xe chạy nhưng bị cáo đã lấy dao xuống xe để đối mặt với những người truy đuổi bị cáo. Khi bị cáo cầm dao xuống xe, bị hại đã lùi lại và bị ngã nhưng bị cáo tiếp tục tiến tới và chém bị hại gây thương tích. Do đó, hành vi của bị cáo không phải là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như người bào chữa cho bị cáo và bị cáo trình bày mà hành vi của bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích”, với tình tiết định khung là gây thương tích cho bị hại với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 32%, thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), đúng như Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định.

[5] Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sức khỏe của bị hại, làm mất an ninh trật tự và an toàn xã hội nên cần phải nghiêm trị nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

[6] Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và bị hại có một phần lỗi nên Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cho bị cáo là đúng. Tình tiết bị cáo là chắt của Liệt sĩ không phải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng cho bị cáo là không đúng. Tình tiết bị cáo có ông chú là Liệt sĩ do bị cáo trình bày tại phiên tòa phúc thẩm không phải là tình tiết giảm nhẹ. Quá trình điều tra, bà Hoàng Thị H1 đã thay mặt bị cáo bồi thường cho bị hại 4.500.000 đồng nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết giảm nhẹ này cho bị cáo là thiếu nên Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cho bị cáo.

[7] Bị cáo không có tình tiết tăng nặng. Cân nhắc tính chất của hành vi phạm tội, nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đối với bị cáo, xem xét tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự bị cáo được áp dụng thêm tại phiên tòa phúc thẩm thì mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo là không nặng, phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Kháng cáo của bị cáo không có cơ sở chấp nhận.

[8] Việc thay đổi kháng cáo của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm không có cơ sở chấp nhận vì hành vi của bị cáo không thuộc trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như đã phân tích trên.

[9] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương phù hợp với quan điểm của Hội đồng xét xử nêu trên nên được chấp nhận. Quan điểm của Người bào chữa cho bị cáo và bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm không được chấp nhận.

[10] Kháng cáo của bị cáo không được chấp nhận nên bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm quy định tại Điều 135, Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/NQ- UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án và Danh mục Án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết này.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 344, Điều 345, điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Duy T, giữ nguyên quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm số 10/2021/HS-ST ngày 02 tháng 02 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bình Dương về tội danh và hình phạt đối với bị cáo Lê Duy T.

Tuyên bố bị cáo Lê Duy T phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Xử phạt bị cáo Lê Duy T 05 (năm) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 12 tháng 5 năm 2020.

Bị cáo Lê Duy T phải nộp 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

451
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội cố ý gây thương tích số 147/2021/HS-PT

Số hiệu:147/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 23/11/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;