Bản án về tội cố ý gây thương tích số 110/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 110/2022/HS-PT NGÀY 10/08/2022 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 10 tháng 8 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 68/2022/TLPT-HS ngày 10 tháng 5 năm 2022 đối với bị cáo Nguyễn Tấn Y do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 20/2022/HS-ST ngày 28 tháng 3 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Cà Mau.

- Bị cáo có kháng cáo: Nguyễn Tấn Y, sinh năm 1982; nơi cư trú: Ấp C, xã P, huyện N, tỉnh Cà Mau; nghề nghiệp: Làm thuê; trình độ học vấn: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn T (đã chết) và bà Thái Thị N (đã chết); có vợ và 03 người con; tiền án: Không; tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại (có mặt).

- Người bào chữa cho bị cáo: Luật sư Nguyễn Văn Trung - Văn phòng Luật sư Quốc Khởi thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau (có mặt).

Địa chỉ: Khóm 1, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

- Bị hại: Ông Mạc Văn L, sinh năm 1970 (có mặt) Địa chỉ: ấp C, xã P, huyện N, tỉnh Cà Mau - Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Sơn Thị Chanh T, sinh năm 1983 (có mặt) 2. Bà Lâm Thị P, sinh năm 1970 (có mặt) 3. Anh Mạc Hải Đ, sinh năm 1993 (có mặt) Cùng địa chỉ: Ấp C, xã P, huyện N, tỉnh Cà Mau.

- Người làm chứng:

1. Bà Lâm Mỹ C, sinh năm 1983 (có mặt).

2. Ông Lâm Văn L, sinh năm 1972 (có mặt).

3. Bà Huỳnh Thị M, sinh năm 1968 (có mặt).

4. Bà Võ Tuyết H, sinh năm 1971 (có mặt).

5. Ông Lâm Văn L1, sinh năm: 1976 (có mặt).

6. Bà Huỳnh Thị Diễm H, sinh năm 1994 (có mặt).

7. Ông Trần Minh H, sinh năm 1979 (vắng mặt).

8. Ông Phan Đờ P, sinh năm 1968 (vắng mặt).

9. Bà Nguyễn Xuân H, sinh năm 1955 (có mặt).

10. Ông Lâm Văn Đ, sinh năm 1982 (vắng mặt).

Cùng địa chỉ: Ấp C, xã P, huyện N, tỉnh Cà Mau.

11. Ông Phan Văn K, sinh năm 1970 (vắng mặt).

Địa chỉ: Ấp S, xã L, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

12. Ông Nguyễn Văn M, sinh năm 1975 (vắng mặt).

Địa chỉ: Ấp X, xã L, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 15 giờ ngày 11/6/2019 tại phần đất phía trước nhà của ông Mạc Văn L thuộc ấp C, xã P, huyện N, tỉnh Cà Mau, xảy ra cãi vã và xô xát giữa vợ chồng ông Nguyễn Tấn Y với vợ chồng ông Mạc Văn L, nguyên nhân do phía vợ chồng ông Nguyễn Tấn Y nhổ bỏ các cây mật gấu được ông Mạc Văn L trồng trên phần ranh đất tranh chấp. Kết quả, ông Mạc Văn L bị đánh bằng mũ bảo hiểm vào vùng đầu và trán, để lại 01 vết sẹo vùng trán trái (đầu chân mày trái). Kết quả giám định xác định tỷ lệ thương tích của ông Mạc Văn L là 02%. Thu giữ tại hiện trường 01 mũ bảo hiểm có đặc điểm: Màu đen, sọc màu vàng cam, trên mũ có dòng chữ “Jamassata”, bị bể phần kính phía trước. Kết quả giám định xác định mũ bảo hiểm là hung khí nguy hiểm.

Quá trình điều tra, Nguyễn Tấn Y không thừa nhận việc dùng mũ bảo hiểm đánh ông Mạc Văn L gây thương tích mà cho rằng vợ của Nguyễn Tấn Y là Sơn Thị Chanh T dùng mũ bảo hiểm đánh gây ra.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 27/2021/HS-ST ngày 05/5/2021, Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Cà Mau đã xử phạt Nguyễn Tấn Y 06 (sáu) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Ngoài ra, án sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 07/5/2021, bị cáo kháng cáo kêu oan và đề nghị xem lại số tiền bồi thường mà cấp sơ thẩm đã tuyên là quá cao.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số: 74/2021/HS-PT ngày 16/7/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đã hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho Viện kiểm sát nhân dân huyện N để điều tra giải quyết lại theo thủ tục chung.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 20/2022/HS-ST ngày 28/3/2022 của Tòa án nhân dân huyện N đã quyết định: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 134; điểm i khoản 1; khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Tấn Y 06 (sáu) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Ngoài ra, án sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 04/4/2022, bị cáo kháng cáo kêu oan, đề nghị hủy án sơ thẩm tuyên bị cáo không phạm tội.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau tham gia phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Xét kháng cáo của bị cáo Nguyễn Tấn Y được thực hiện trong hạn luật định nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Tấn Y vẫn xác định bị cáo không phải là người gây thương tích cho ông Mạc Văn L mà thương tích của ông Mạc Văn L do vợ của bị cáo là bà Sơn Thị Chanh T gây ra. Bị cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã dựa vào chứng cứ là lời khai của các nhân chứng để kết tội bị cáo trong khi tất cả các nhân chứng đều có mối quan hệ “bà con” với người bị hại và có cả nhân chứng không nhận diện đúng vật chứng của vụ án nên không mang tính khách quan để chứng minh sự việc; hiện trường nơi xảy ra việc đánh nhau có mâu thuẫn nhưng không được làm rõ cũng như thủ tục giám định thương tích ban đầu đều có nội dung xác định là thương tích do bà Sơn Thị Chanh T (là vợ của bị cáo) gây ra nên kháng cáo và yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo không phạm tội.

[2.1] Xét qua kết quả điều tra thu thập được thì khi sự việc xảy ra ông Mạc Văn L được cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định thương tích. Trên cơ sở lời thừa nhận ban đầu của bà Sơn Thị Chanh T nên thủ tục trưng cầu giám định ghi nhận nội dung thương tích của ông Mạc Văn L là do bà Sơn Thị Chanh T gây ra. Giai đoạn này chưa đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, sự việc chưa được tiến hành điều tra nên căn cứ vào lời thừa nhận của bà Sơn Thị Chanh T để lập thủ tục trưng cầu giám định là lẽ đương nhiên. Sau khi khởi tố vụ án hình sự và tiến hành điều tra sự việc thì có căn cứ để xác định bà Sơn Thị Chanh T không phải là người gây ra thương tích mà do Nguyễn Tấn Y thực hiện và khởi tố bị can đối với Nguyễn Tấn Y là hoàn toàn phù hợp.

[2.2] Về hiện trường vụ án ban đầu có ghi nhận “cây xanh che khuất một số đoạn” nhưng đồng thời tại biên bản khám nghiệm hiện trường cũng ghi nhận “sự việc xảy ra từ lâu (hơn 03 tháng kể từ ngày xảy ra việc đánh nhau). Tuy không xác định cụ thể ngay từ ban đầu nhưng với kết quả thu thập được thì về mật độ, chiều cao của các loại cây xanh mọc ven sông không che khuất tầm nhìn của những người chứng kiến sự việc và đây cũng không phải là căn cứ duy nhất để xác định tội phạm.

[2.3] Về vật chứng, tuy trước khi sự việc xảy ra không có chứng cứ chứng minh giữa bị cáo và vợ của bị cáo là bà Sơn Thị Chanh T ai là người đội mũ bảo hiểm màu đen có sọc màu vàng cam là vật gây ra thương tích cho Mạc Văn L (mũ bảo hiểm màu đen có sọc màu vàng cam, có dòng chữ “Jamassata”) và kể cả khi bà Sơn Thị Chanh T là người đội mũ bảo hiểm (mũ bảo hiểm là vật chứng) đi chăng nữa thì cũng không đồng nghĩa với việc bị cáo không thể sử dụng mũ bảo hiểm mà vợ bị cáo đang đội để đánh Mạc Văn L trong khi giữa vợ chồng bị cáo đang xô đẩy, đánh nhau với người bị hại. Thông qua lời khai của bà Nguyễn Xuân H là chị ruột của bị cáo cũng đã chứng minh hàng ngày bị cáo không chỉ sử dụng duy nhất mũ bảo hiểm màu đen mà bị cáo còn sử dụng mũ bảo hiểm màu vàng đen, bà Sơn Thị Chanh T còn sử dụng mũ bảo hiểm màu đỏ trắng (BL 198). Ngoài lời khai của bị cáo, lời thừa nhận của bà Sơn Thị Chanh T (vợ của bị cáo) thì không có một chứng cứ nào chứng minh khi sự việc xảy ra bà Sơn Thị Chanh T là người đội mũ bảo hiểm màu đen có sọc màu vàng cam (vật chứng của vụ án) và cũng không có chứng cứ nào xác định bà Sơn Thị Chanh T dùng mũ bảo hiểm này để đánh ông Mạc Văn L.

[2.4] Lời khai của bị cáo và bà Sơn Thị Chanh T không nhất nhau về việc ai là người đứng trước, đứng sau đối diện với Mạc Văn L từ khi bắt đầu xảy ra việc xô xát, đánh nhau. Bị cáo còn cho rằng giữa vợ chồng bị cáo với vợ chồng ông Mạc Văn L đang lôi kéo, xô đẩy nhau, đánh nhau nhưng bị cáo dắt xe về nhà bỏ vợ bị cáo ở lại nơi đánh nhau là không phù hợp với hoàn cảnh sự việc đang diễn ra. Trong khi bị cáo khai nhận là khi sự việc xô đẩy nhau xảy ra thì bị cáo dắt xe về nhưng bị cáo cũng khai nhận là bị bà Lâm Thị P (vợ ông Mạc Văn L) xô bị cáo té rồi Mạc Hải Đ (con ông Mạc Văn L) xông vào đánh bị cáo. Kết quả thực nghiệm điều tra bị cáo xác định bị cáo bị bà Lâm Thị P nắm cổ áo xô bị cáo té cập lộ giáp bờ sông, nhưng bị cáo cũng khai nhận là bị Mạc Hải Đ dùng dùi cui đánh bị cáo bên trong phần sân đất giáp lộ bê tông. Ngoài ra, bị cáo còn thực hiện hành vi nhờ ông Phan Văn K xác nhận nội dung sai sự thật về việc Lâm Văn Đ không có mặt tại hiện trường nhưng lại khai báo không đúng về việc chứng kiến sự việc xảy ra. Ông Phan Văn K đã nhận thức được việc mình xác nhận nội dung không đúng, làm sai sự thật khách quan của vụ việc nên đã đến cơ quan Công an trình báo (BL 621, 621a, 621b).

[2.5] Qua kết quả thực nghiệm điều tra xác định trong tư thế đứng đối diện với người bị hại thì cả Nguyễn Tấn Y và bà Sơn Thị Chanh T đều có khả năng gây ra thương tích cho người bị hại. Nhưng xét về cơ cấu gây ra thương tích thì ông Mạc Văn L bị đánh bằng mũ bảo hiểm thương tích để lại ở vùng trán trái (đầu chân mày trái) với vị trí vết thương này thì việc bà Sơn Thị Chanh T đứng đối diện với ông Mạc Văn L tay trái cầm mũ bảo hiểm để đánh thì khó gây ra thương tích hơn so với việc Nguyễn Tấn Y cầm mũ bảo hiểm tay phải đứng đối diện với ông Mạc Văn L và đánh gây ra thương tích cho ông Mạc Văn L. Tại phiên tòa, bà Sơn Thị Chanh T cho rằng lời khai của bà trước đây không đúng sự thật, do sợ nên bà khai nhận là dùng tay trái cầm mũ bảo hiểm đánh vào vùng trán trái của ông Mạc Văn L gây thương tích nhưng thực tế thì bà cầm mũ bảo hiểm bằng tay phải để đánh chứ không phải dùng tay trái. Lý do thay đổi lời khai của bà Sơn Thị Chanh T không có căn cứ để công nhận.

[2.6] Đối với những người chứng kiến sự việc tuy có mối quan hệ “bà con” với người bị hại nhưng không phải tất cả đều là anh chị em ruột hay bà con thân thích trong gia đình mà nhiều trường hợp chỉ là quan hệ bà con xa từ vợ hoặc chồng. Nội dung khai báo của những người này đảm bảo sự khách quan, minh bạch, thống nhất và phù hợp với diễn biến của sự việc xảy ra và phù hợp với thương tích để lại trên cơ thể của người bị hại. Từ vị trí đứng quan sát, tất cả những người chứng kiến sự việc đều không bị hạn chế bởi tầm nhìn và đều thống nhất xác định Nguyễn Tấn Y chính là người dùng mũ bảo hiểm màu đen, có sọc màu vàng cam (là vật chứng vụ án) để đánh ông Mạc Văn L và gây ra thương tích.

[3] Từ những căn cứ nêu trên, có cơ sở để xác định Nguyễn Tấn Yên là người dùng mũ bảo hiểm đánh vào vùng trán của ông Mạc Văn L gây ra thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 02%. Mũ bảo hiểm mà bị cáo dùng để đánh người bị hại gây ra thương tích được xác định là hung khí nguy hiểm. Từ đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 1 Điều 134 của Bộ luật hình sự là hoàn toàn có căn cứ. Đồng thời, không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của Nguyễn Tấn Yên.

[4] Xét về hình phạt, mặc dù bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng với mức hình phạt 06 tháng tù mà cấp sơ thẩm áp dụng đối với bị cáo là nghiêm khắc. Nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn trong việc tranh chấp phần ranh đất giữa hai gia đình và việc tranh chấp này chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhưng phía gia đình người bị hại thực hiện việc trồng cây trên đất tranh chấp nhằm xác định quyền sử dụng cho mình và từ đó xảy ra tranh cãi, xô xát nhau. Hành vi mà bị cáo gây thương tích cho người bị hại là không quá nguy hiểm và tỷ lệ tổn thương cơ thể không lớn (02%), nên việc áp dụng mức hình phạt 06 tháng tù giam đối với bị cáo là không tương xứng với hành vi phạm tội, tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị hại cũng như hậu quả xảy ra. Xét thấy không nhất thiết áp dụng hình phạt tù đối với bị cáo mà áp dụng hình phạt Cải tạo không giam giữ đối với bị cáo là phù hợp, tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả, để cho bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật mà cải tạo thành người công dân tốt cho xã hội. Đồng thời xét thấy bị cáo là người lao động làm thuê để mưu sinh cuộc sống hàng ngày cho gia đình, nên miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo. Do vậy, sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm số: 27/2021/HS-ST ngày 05/5/2021 của Tòa án nhân dân huyện N về phần hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Tấn Y.

[5] Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử về tội danh nên được chấp nhận và không chấp nhận đề nghị giữ nguyên về hình phạt đối với bị cáo.

[6] Về trách nhiệm dân sự, cấp sơ thẩm buộc bị cáo Nguyễn Tấn Y chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe theo quy định của pháp luật cho ông Mạc Văn L là có căn cứ. Theo đó, thiệt hại về tiền thuốc, chi phí điều trị, tiền tàu xe, tiền trợ cấp phục hồi sức khỏe là 8.774.000 đồng; tiền mất thu nhập của người nuôi bệnh là 3.400.000 đồng và thiệt hại về tổn thất tinh thần là 4.470.000 đồng (riêng đối với người bị hại bị bệnh tai biến, không có khả năng lao động nên không tính thu nhập). Tổng số tiền bị cáo Nguyễn Tấn Y phải bồi thường cho ông Mạc Văn L là 16.644.000 đồng. Các khoảng thiệt hại trên được cấp sơ thẩm xác định phù hợp nên được giữ nguyên.

[7] Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm, án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch. Tuy kháng cáo của bị cáo không được chấp nhận nhưng do sửa án sơ thẩm về phần hình phạt đối với bị cáo, nên bị cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.

[8] Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm a, b Khoản 1 Điều 355; Khoản 1, 2 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

- Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Tấn Y.

- Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số: 27/2021/HS-ST ngày 05 tháng 5 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Cà Mau (về phần hình phạt).

2. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 134; điểm i khoản 1 Điều 51; Điều 36 của Bộ luật Hình sự. Điều 106, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng Hình sự. Điều 585, 590 của Bộ luật Dân sự. Điểm a, c khoản 1, điểm d khoản 2 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

2.1. Xử phạt bị cáo Nguyễn Tấn Y 01 (một) năm cải tạo không giam giữ về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời hạn chấp hành hình phạt tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục nhận được quyết định thi hành bản án và bản sao bản án.

Giao Nguyễn Tấn Y cho Ủy ban nhân dân xã P, huyện N, tỉnh Cà Mau để giám sát, giáo dục. Miễn khấu trừ thu nhập cho Nguyễn Tấn Y.

2.2. Buộc bị cáo Nguyễn Tấn Y bồi thường các khoảng thiệt hại về sức khỏe cho ông Mạc Văn L bằng tổng số tiền là 16.644.000 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.

2.3. Tịch thu tiêu hủy 01 mũ bảo hiểm màu đen, sọc màu vàng cam, phía trên mũ có dòng chữ “Jamassata”, bị bể phần kính phía trước (là vật chứng vụ án, hiện đang do Chi cục thi hành án dân sự huyện N quản lý).

2.4. Buộc bị cáo Nguyễn Tấn Y phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 832.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch. Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải chịu thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b, và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

167
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội cố ý gây thương tích số 110/2022/HS-PT

Số hiệu:110/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 10/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;