Bản án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự số 42/2022/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ Z, TỈNH KHÁNH HÒA

BẢN ÁN 42/2022/HS-ST NGÀY 22/01/2022 VỀ TỘI CHO VAY LÃI NẶNG TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ

Ngày 21 tháng 01 năm 2022 tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Z mở phiên tòa công khai, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 89/HSST ngày 18 tháng 3 năm 2021 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 175/2021/QĐXXST-HS ngày 03 tháng 5 năm 2021 đối với các bị cáo:

1. Nguyn Tiến V, (Tên gọi khác là: B), sinh năm 1981 tại Hà Nội; Nơi cư trú: Tổ X, Cầu D, quận NTL, thành phố Hà Nội; nghề nghiệp: không. Trình độ văn hóa: 9/12; dân tộc: kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn H và bà Bùi Thị T; có vợ Trần Thị L, có 02 con, con lớn nhất sinh năm 2000 và nhỏ nhất sinh năm 2007; Tiền án, tiền sự: không. Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn: “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Có mặt

2. Đào Việt A, (Tên gọi khác là: C), sinh năm 1997 tại Hà Nội; Nơi cư trú: 115 Ngách 267/2 Hoàng Hoa T, phường LG, quận BĐ, thành phố Hà Nội; nghề nghiệp: không. Trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đào Đức T và bà Đinh Thị V. Tiền án, tiền sự: không. Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn: “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Có mặt

3. Phùng Văn S, sinh năm 1993 tại Hà Nội; Nơi cư trú: thôn Vân H, thị trấn TĐ, huyện BV, thành phố Hà Nội; nghề nghiệp: không. Trình độ văn hóa: 9/12; dân tộc: kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phùng Văn T và bà Nguyễn Thị D. Tiền án, tiền sự: không. Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn: “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Có mặt

4. Vũ Văn T, sinh năm 1991 tại Bắc Giang; Nơi cư trú: KQT, thị trấn C, huyện LN, tỉnh Bắc Giang; nghề nghiệp: không. Trình độ văn hóa: 7/12; dân tộc: kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Vũ Văn T và bà Nguyễn Thị T; có vợ Vi Thị H, có 02 hai con, con lớn nhất sinh năm 2013 và nhỏ nhất sinh năm 2014; Tiền án, tiền sự: không. Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn: “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Có mặt * Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Mai Thị Phương L, sinh năm 1979; Nơi cư trú: 26/12 HV, phường LT, thành phố Z.

2. Bà Nguyễn Thị Tuyết N, sinh năm 1986; Nơi cư trú: 17 YK, phường VN, thành phố Z.

3. Bà Huỳnh Thị T, sinh năm 1975; Nơi cư trú: 22/2 NTH, phường VT, thành phố Z.

4. Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1970; Nơi cư trú: Thôn 2 DĐ, DK, tỉnh Khánh Hòa.

5. Bà Nguyễn Thị Xuân H, sinh năm 1987; Nơi cư trú: 77/15 Tổ 1 Hòa Tây, phường VH, thành phố Z.

6. Bà Trần Thị Kim T, sinh năm 1961; Nơi cư trú: Tổ 17 VĐT, xã VH, thành phố Z.

7. Bà Nguyễn Thị Ngọc S, sinh năm 1965; Nơi cư trú: 26/12 Hùng Vương, phường LT, thành phố Z.

8. Bà Nguyễn Thị Bích P, sinh năm 1995; Nơi cư trú: Ô 3 lô 131 Nguyễn D, phường VH, thành phố Z.

(Tất cả những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án đều vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 10 giờ ngày 01 tháng 11 năm 2018, Công an phường Phước L, thành phố Z tiến hành kiểm tra tạm trú tại nhà số 14A đường Khúc Thừa D, phường Phước L, thành phố Z. Qua kiểm tra, phát hiện trong nhà có các giấy tờ liên quan đến hoạt động cầm thế tài sản, cho vay tiền góp.

Quá trình điều tra đã xác định được, khoảng đầu tháng 4 năm 2018 nhận thấy nhiều người dân có nhu cầu vay tiền nên Nguyễn Tiến V đã cùng với Đào Việt A, Phùng Văn S và Vũ Văn Tthống nhất góp tiền để cho vay lấy lãi. V góp 40.000.000đồng; Việt A, S, T mỗi người góp khoảng 30.000.000đồng. Cả nhóm thống nhất để V là người quản lý, lập sổ sách thống kê, theo dõi việc cho vay; V Anh, T và S có nhiệm vụ phát tờ rơi quảng cáo, tìm người có nhu cầu vay vốn và đến nhà người cần vay tiền để xem xét khả năng trả nợ. Sau đó, cả nhóm sẽ về báo lại cho V biết để thống nhất việc cho vay và xuất tiền cho vay. Đối với những người muốn vay được tiền phải cung cấp giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu bản photo, viết giấy vay tiền thể hiện thông tin của người vay, số tiền vay, thời điểm vay, thời gian hoàn trả...theo yêu cầu của nhóm V. Giấy vay tiền không ghi rõ lãi suất nhưng nhóm vui thống nhất cho vay số tiền từ 2.000.000đồng đến 20.000.000đồng sẽ lấy lãi từ 15% đến 20% số tiền vay, thời hạn cho vay từ 24 ngày đến 40 ngày tùy từng trường hợp và người vay phải trả góp theo ngày. Số tiền góp hàng ngày là số tiền gốc cộng với số tiền lãi cho cho thời hạn vay. Quá trình vay, nếu người vay không có tiền đóng tiếp thì có thể đáo hạn vay bằng cách vay, một khoản vay mới và bị cấn trừ khoản vay cũ còn lại. Giấy tờ cá nhân và giấy vay tiền của người vay sẽ giao cho V quản lý, V ghi chép thông tin của người vay vào 08 quyển sổ bìa A3 để theo dõi.

Hàng ngày, người vay sẽ đến nhà số 14A đường Khúc Thừa D, phường Phước L, thành phố Z để trả tiền góp hoặc người nào ở xa thì nhóm Việt A sẽ đến tận nhà hoặc hẹn một địa điểm công cộng gần nhà người vay để thu tiền rồi mang về giao cho V. V thu tiền ở khu vực huyện NH, tỉnh Khánh Hòa; T thu tiền ở khu vực Cầu Đá và đường Hoàng D, thành phố Z; Việt A thu tiền ở khu vực đường NTT, thành phố Z; S thu tiền ở khu vực Hòn Rớ, xã PĐ, thành phố Z. Hàng tháng, V sẽ trích một phần lãi thu được đưa cho mỗi người trong nhóm một khoảng tiền để chi tiêu cá nhân; số còn lại sẽ bổ sung vào vốn cho vay. Cả nhóm thống nhất đến tết âm lịch năm 2019 sẽ chia tiền gốc.

Quá trình điều tra đã chứng minh được nhóm của V đã cho nhiều người vay tiền với lãi suất khác nhau, cụ thể:

1. Từ ngày 18 tháng 3 năm 2018 đến ngày 02 tháng 9 năm 2018 nhóm V đã cho bà Mai Thị Phương L vay 3 lần, mỗi lần vay 10.000.000đồng, tiền lãi mỗi lần vay là 2.000.000đồng. Mức lãi suất cho vay là 182,5%/năm. Tổng tiền gốc cho vay là: 30.000.000đồng; Tổng tiền lãi thu được là: 6.000.000đồng, trong đó tiền lãi hợp pháp là: 657.534,247đồng; Vậy, số tiền thu lợi bất chính là 5.342.465,753đồng.

2. Từ ngày 27 tháng 5 năm 2018 đến ngày 27 tháng 10 năm 2018 nhóm V đã cho bà Nguyễn Thị Tuyết N vay 13 lần, mỗi lần vay từ 10.000.000đồng đến 20.000.000đồng, tiền lãi mỗi lần vay đối với khoản vay 10.000.000đồng là 2.000.000đồng, đối với khoản vay 20.000.000đồng là 4.000.000đồng. Mức lãi suất cho vay từ 429,41%/năm đến 608,33%/năm. Tổng tiền gốc cho vay là 67.600.000đồng. Tổng tiền lãi thu được là: 32.000.000đồng, trong đó tiền lãi hợp pháp là: 1.167.123,29đồng ; Vậy, số tiền thu lợi bất chính là 30.832.876,71đồng.

3. Từ ngày 24 tháng 5 năm 2018 đến ngày 18 tháng 11 năm 2018 nhóm V đã cho bà Huỳnh Thị T vay 10 lần, mỗi lần vay 5.000.000đồng. Mức lãi suất cho vay từ 486,67%/năm đến 608,33%/năm. Tổng tiền gốc cho vay là: 19.600.000đồng. Tổng tiền lãi thu được là: 20.000.000đồng, trong đó tiền lãi hợp pháp là: 794.520,548 đồng; Vậy, số tiền thu lợi bất chính là 19.205.479,45đồng.

4. Từ ngày 10 tháng 7 năm 2018 đến ngày 01 tháng 9 năm 2018 nhóm Vđã cho bà Nguyễn Thị T vay 5 lần, mỗi lần vay từ 10.000.000đồng. Mức lãi suất cho vay từ 243,33%/năm đến 608,33%/năm. Tổng tiền gốc cho vay là: 12.400.000đồng. Tổng tiền lãi thu được là: 5.000.000đồng, trong đó tiền lãi hợp pháp là: 238.356,164đồng; Vậy, số tiền thu lợi bất chính là 4.761.643,836 đồng.

5. Từ ngày 30 tháng 8 năm 2018 đến ngày 28 tháng 10 năm 2018 nhóm V đã cho bà Nguyễn Thị Xuân H vay 3 lần, mỗi lần vay từ 10.000.000đồng. Mức lãi suất cho vay từ 243,33%/năm đến 331,8%/năm. Tổng tiền gốc cho vay là:

30.000.000đồng. Tổng tiền lãi thu được là: 6.000.000đồng, trong đó tiền lãi hợp pháp là: 410.958,904đồng; Vậy, số tiền thu lợi bất chính là 5.589.041,096đồng.

6. Từ ngày 08 tháng 8 năm 2018 đến ngày 07 tháng 9 năm 2018 nhóm V đã cho bà Trần Thị Kim T vay 3 lần, mỗi lần vay từ 5.000.000đồng. Mức lãi suất cho vay 486,67%/năm. Tổng tiền gốc cho vay là: 9.000.000đồng. Tổng tiền lãi thu được là: 3.000.000đồng, trong đó tiền lãi hợp pháp là: 123.287,671đồng; Vậy, số tiền thu lợi bất chính là 2.876.712,329đồng.

7. Ngày 23 tháng 9 năm 2018 nhóm V đã cho bà Nguyễn Thị Ngọc S vay 10.000.000đồng. Mức lãi suất cho vay 182,5%/năm. Tổng tiền gốc cho vay là:

10.000.000đồng. Tổng tiền lãi thu được là: 2.000.000đồng, trong đó tiền lãi hợp pháp là: 219.178,082đồng; Vậy, số tiền thu lợi bất chính là 1.780.821,918đồng.

8. Từ ngày 19 tháng 9 năm 2018 đến ngày 25 tháng 10 năm 2018 nhóm V đã cho bà Nguyễn Thị Bích P vay 3 lần, mỗi lần vay 10.000.000đồng. Mức lãi suất cho vay từ 384,21%/năm đến 561,54%/năm. Tổng tiền gốc cho vay là: 23.700.000đồng.

Tổng tiền lãi thu được là: 6.000.000đồng, trong đó tiền lãi hợp pháp là:

252.054,795đồng; Vậy, số tiền thu lợi bất chính là 5.747.945,205đồng.

Cáo trạng số 44A/CT-VKSNT ngày 22 tháng 01 năm 2020, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Nha Trang truy tố Nguyễn Tiến V, Đào Việt A, Phùng Văn S, Vũ Anh T về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” được quy định tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận diễn biến hành vi phạm tội của mình như nội dung bản cáo trạng đã nêu.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Nha Trang giữ quyền công tố luận tội và tranh luận: Lời khai nhận của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai tại Cơ quan điều tra và các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án và đã được Hội đồng xét xử thẩm vấn công khai. Đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng khoản 1, khoản 3 Điều 201; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự đối với các bị cáo. Xử phạt mỗi bị cáo từ 01 năm đến 01 năm 06 tháng cải tạo không giam giữ; hình phạt bổ sung: phạt tiền mỗi bị cáo từ 30.000.000đồng đến 40.000.000đồng. Về số tiền thu lợi bất chính và số tiền gốc, tiền lãi hợp pháp là 296.100.000đồng mà các bị cáo có được từ việc cho vay là công cụ phạm tội nên buộc các bị cáo phải liên đới nộp lại số tiền nêu trên vào ngân sách Nhà nước, cụ thể mỗi bị cáo phải nộp 74.025.000đồng. Trách nhiệm dân sự; Xử lý vật chứng vụ án và án phí đề nghị Hội đồng xét xử xét xử theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về thủ tục tố tụng: Tại phiên tòa, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt không có lý do. Xét thấy, việc vắng mặt của đương sự không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Căn cứ Điều 292 của Bộ luật tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử xét xử vụ án theo thủ tục chung.

[2] Các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố, thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Điều tra viên, Kiểm sát viên cũng như của cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định của Điều tra viên, Kiểm sát viên và của các cơ quan tố tụng đã thực hiện là hợp pháp, đúng quy định.

[3] Về nội dung: Tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình, lời khai nhận của các bị cáo hoàn toàn phù hợp lời khai của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cùng các chứng cứ, tài liệu khác đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án và được thẩm tra tại phiên tòa. Do đó, có đủ cơ sở kết luận:

Trong khoảng từ ngày 18 tháng 3 năm 2018 đến ngày 28 tháng 10 năm 2018 trên địa bàn thành phố Z, Nguyễn Tiến V, Đào Việt A, Phùng Văn S và Vũ Văn T đã có hành vi cho vay lấy lãi đối với 08 cá nhân cụ thể: Mai Thị Phương L, Nguyễn Thị Tuyết N, Huỳnh Thị T, Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị Xuân H, Trần Thị Kim T, Nguyễn Thị Ngọc S, Nguyễn Thị Bích P với tổng số tiền cho vay là:

216.100.000đồng, mức lãi suất thấp nhất là 182,5%/năm và cao nhất là 608,33%/năm, tổng số tiền lãi thu được là: 80.000.000đồng, trong đó số tiền lãi hợp pháp là: 3.863.014 đồng, số tiền thu lợi bất chính là: 76.136.986đồng. Như vậy, hành vi cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên (từ 9,125 lần đến 30,41 lần) so với mức lãi suất cao nhất quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự để thu lợi bất chính với số tiền 76.136.986 đồng của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật hình sự. Do đó, Cáo trạng số 44A/CT-VKSNT ngày 22 tháng 01 năm 2020 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Z, tỉnh Khánh Hòa đã truy tố các bị cáo là có căn cứ đúng người, đúng tội.

[4] Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, ảnh hưởng đến lợi ích của người đi vay, gây mất trật tự tại địa phương. Các bị cáo đều nhận thức rõ hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là vi phạm pháp luật nhưng vì hám lợi, muốn có tiền một cách nhanh chóng nên vẫn cố ý thực hiện. Tuy nhiên, quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; bản thân các bị cáo chưa có tiền án, tiền sự nên Hội đồng xét xử áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự đối với các bị cáo. Xét vai trò tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của các bị cáo; Hội đồng xét xử thấy rằng cần áp dụng hình phạt chính cải tạo không giam giữ đối với các bị cáo; Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Tiến V với vai trò là người khởi xướng và cũng là người thực hành; Các bị cáo Đào Việt A, Phùng Văn S và Vũ Văn T đều là người thực hành tích cực trong đồng phạm do đó, mức hình phạt áp dụng đối với bị cáo Nguyễn Tiến V là cao nhất, các bị cáo Đào Việt A, Phùng Văn S và Vũ Văn T áp dụng mức hình phạt tương đương nhau cũng đủ tác dụng giáo dục và phòng ngừa chung trong xã hội.

[5] Về phương tiện phạm tội và tiền thu lợi bất chính:

Theo quy định của pháp luật thì số tiền lãi bất hợp pháp phải trả lại cho những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nhưng tất cả những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều không yêu cầu các bị cáo trả lại tiền lãi bất hợp pháp và vắng mặt tại phiên tòa. Do đó, Hội đồng xét xử xét thấy: Thực tế các bị cáo đã sử dụng tiền lãi hợp pháp và bất hợp pháp thu được để làm vốn cho vay quay vòng, chi tiêu cá nhân nên số tiền lãi thu được trở thành vốn vay và là phương tiện phạm tội. Nên cần tịch thu toàn bộ số tiền gốc dùng làm vốn cho vay và toàn bộ tiền lãi mà các bị cáo đã thu được trong vụ án để nộp ngân sách nhà nước.

Căn cứ Điều 47 Bộ luật hình sự; Điều 288, Điều 289, Điều 290 Bộ luật Dân sự năm 2015; Buộc các bị cáo phải liên đới nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền 296.100.000đồng (Hai trăm chín mươi sáu triệu một trăm ngàn đồng). Cụ thể: Mỗi bị cáo Nguyễn Tiến V, Đào Việt A, Phùng Văn S, Vũ Văn T phải nộp số tiền 74.025.000đồng (Bảy mươi bốn triệu không trăm hai mươi lăm ngàn đồng).

[6] Đối với các trường hợp vay được ghi nhận tại 08 quyển sổ khổ giấy A3, trong sổ không thể hiện địa chỉ liên lạc, tại phiên tòa các bị cáo đều khai nhận không nhớ cụ thể nhân thân, lai lịch từng trường hợp đã cho vay và địa điểm diễn ra giao dịch vay. Vì chưa xác định được nhân thân lai lịch của người vay và tại các quyển sổ không xác định được các trường hợp đáo hạn vay, trường hợp dừng trả nợ vay nên không xác định được số tiền lãi đã thu, cũng như không đủ căn cứ xác định số tiền thu lợi bất chính của các trường hợp này. Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Z đang tiếp tục xác minh điều tra làm rõ nếu có căn cứ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại bản kết luận giám định số 504/GĐTP/2020 ngày 21/8/2020 của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Khánh Hòa kết luận: Roi điện nhãn hiệu 928 Type 50000K Volt Diret – Curren Ultrahigh Voltage không thuộc danh mục công cụ hỗ trợ nhưng có tính năng tác dụng tương tự công cụ hỗ trợ, 01 cây đao là vũ khí thô sơ. Số công cụ này là do Phùng Văn S đặt mua trên mạng internet và cất giấu tại nhà 14 A Khúc Thừa D, phường Phước L, thành phố Z. Tòa án nhân dân thành phố Z đã trả hồ sơ đề nghị xử lý trách nhiệm đối với hành vi tàng trữ vũ khí thô sơ của Phùng Văn S tuy nhiên Viện kiểm sát nhân dân thành phố Z cho rằng, Phùng Văn S chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị kết án về tội danh “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ” nên không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, để tránh bỏ lọt hành vi phạm tội, tiếp tục kiến nghị xử lý trách nhiệm hành chính về hành vi nêu trên của Phùng Văn S theo quy định của pháp luật.

[7] Về trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa, Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt nên tách ra giải quyết bằng vụ án dân sự khác khi có yêu cầu.

[8] Về án phí: Các bị cáo Nguyễn Tiến V, Đào Việt A, Phùng Văn S, Vũ Văn T mỗi bị cáo phải nộp 200.000đồng án phí hình sự sơ thẩm và 3.701.250 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ khoản 1, khoản 3 Điều 201; điểm a khoản 1 Điều 52; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Nguyễn Tiến V.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Tiến V (Tên gọi khác là B) 01 (Một) năm 06 (Sáu) tháng cải tạo không giam giữ về tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Thời hạn cải tạo không giam giữ của bị cáo Nguyễn Tiến V tính từ ngày Ủy ban nhân dân phường CD, quận NT L, thành phố Hà Nội nhận được Quyết định thi hành án và bản sao Bản án.

Giao bị cáo Nguyễn Tiến V cho Ủy ban nhân dân phường CD, quận NTL, thành phố Hà Nội quản lý, giám sát, giáo dục trong thời gian cải tạo không giam giữ. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, phường nơi bị cáo cư trú trong việc quản lý, giám sát, giáo dục bị cáo. Nếu bị cáo Nguyễn Tiến V thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 100 Luật thi hành án hình sự năm 2019.

Hình phạt bổ sung: Phạt tiền 50.000.000đồng (Năm mươi triệu đồng) nộp ngân sách nhà nước.

. Căn cứ khoản 1, khoản 3 Điều 201; điểm a khoản 1 Điều 52; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Đào Việt A.

Xử phạt: Bị cáo Đào Việt A (Tên gọi khác là C) 01 (Một) năm cải tạo không giam giữ về tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Thời hạn cải tạo không giam giữ của bị cáo Đào Việt A tính từ ngày Ủy ban nhân dân phường LG, quận BĐ, thành phố Hà Nội nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.

Giao bị cáo Đào Việt A cho Ủy ban nhân dân phường LG, quận BĐ, thành phố Hà Nội quản lý, giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian cải tạo không giam giữ. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, phường nơi bị cáo cư trú trong việc quản lý, giám sát, giáo dục bị cáo. Nếu bị cáo Đào Việt A thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 100 Luật thi hành án hình sự năm 2019.

Hình phạt bổ sung: Phạt tiền 30.000.000đồng (Ba mươi triệu đồng) nộp ngân sách nhà nước.

. Căn cứ khoản 1, khoản 3 Điều 201; điểm a khoản 1 Điều 52; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Phùng Văn S.

Xử phạt : Bị cáo Phùng Văn S 01 (Một) năm cải tạo không giam giữ về tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Thời hạn cải tạo không giam giữ của bị cáo Phùng Văn S tính từ ngày Ủy ban nhân dân thị trấn TĐ, huyện BV, thành phố Hà Nội nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.

Giao bị cáo Phùng Văn S cho Ủy ban nhân dân thị trấn TĐ, huyện BV, thành phố Hà Nội quản lý, giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian cải tạo không giam giữ. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi bị cáo cư trú trong việc quản lý, giám sát, giáo dục bị cáo. Nếu bị cáo Phùng Văn S thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 100 Luật thi hành án hình sự năm 2019.

Hình phạt bổ sung: Phạt tiền 30.000.000đồng (Ba mươi triệu đồng) nộp ngân sách nhà nước.

. Căn cứ khoản 1 Điều 201; điểm a khoản 1 Điều 52; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Vũ Văn T.

Xử phạt : Bị cáo Vũ Văn T 01 (Một) năm cải tạo không giam giữ về tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Thời hạn cải tạo không giam giữ của bị cáo Vũ Văn T tính từ ngày Ủy ban nhân dân thị trấn C, huyện LN, tỉnh Bắc Giang nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.

Giao bị cáo Vũ Văn T cho Ủy ban nhân dân thị trấn C, huyện LN, tỉnh Bắc Giang quản lý, giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian cải tạo không giam giữ. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi bị cáo cư trú trong việc quản lý, giám sát, giáo dục bị cáo. Nếu bị cáo Vũ Văn T thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 100 Luật thi hành án hình sự năm 2019.

Hình phạt bổ sung: Phạt tiền 30.000.000đồng (Ba mươi triệu đồng) nộp ngân sách nhà nước.

2. Về biện pháp tư pháp: Căn cứ Điều 47 Bộ luật hình sự; Điều 288, Điều 289, Điều 290 Bộ luật Dân sự năm 2015; Buộc các bị cáo liên đới nộp lại số tiền 296.100.000đồng để sung nộp vào ngân sách nhà nước. Cụ thể: Các bị cáo Nguyễn Tiến V, Đào Việt A, Phùng Văn S, Vũ Văn T mỗi bị cáo phải nộp số tiền là:

74.025.000đồng. (Bảy mươi bốn triệu không trăm hai mươi lăm ngàn đồng).

3. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 30 Bộ luật tố tụng hình sự; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt nên tách ra giải quyết bằng vụ án dân sự khác khi có yêu cầu.

4. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 135 và khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Các bị cáo Nguyễn Tiến V, Đào Việt A, Phùng Văn S, Vũ Văn T mỗi bị cáo phải nộp 200.000đồng (Hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 3.701.250 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

5. Về quyền kháng cáo: Các bị cáo có mặt được quyền kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án vắng mặt được quyền kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày niêm yết bản án.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bên phải thi hành án chậm trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự 2015 tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán. Trường hợp quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự”.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1551
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự số 42/2022/HS-ST

Số hiệu:42/2022/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Cam Ranh - Khánh Hoà
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 22/01/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;