TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 839/2024/HS-PT NGÀY 16/09/2024 VỀ TỘI BUÔN LẬU
Ngày 16 tháng 9 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành ra xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 623/2024/TLPT-HS ngày 11 tháng 7 năm 2024 đối với bị cáo Huỳnh Văn V; Do có kháng cáo của bị cáo Huỳnh Văn V đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 64/2024/HS-ST ngày 05 tháng 6 năm 2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 899/2024/QĐXXPT-HS ngày 06 tháng 9 năm 2024, đối với:
- Bị cáo có kháng cáo: Huỳnh Văn V (tên gọi khác Vũ N), sinh năm 1989 tại tỉnh Đồng Tháp; Nơi thường trú: ấp C, xã T, huyện T, tỉnh Đồng Tháp; Nơi tạm trú: Nhà trọ Nguyễn Thị G, Tổ C, khu phố A, phường H, thị xã B, tỉnh Bình Dương; Nghề nghiệp: Công nhân; Trình độ văn hóa (học vấn): 12/12; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Con ông Huỳnh Văn T và bà Đặng Thị Y; Bị cáo có vợ và có 01 người con; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 14/3/2023 đến nay, có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo Huỳnh Văn V: Luật sư Trịnh Bá T1 - thuộc Đoàn Luật sư Thành phố H, (có mặt).
(Ngoài ra, trong vụ án còn có bị cáo Đoàn Phi V1, Nguyễn Huỳnh T2, Kim Thế C, Hứa Tân P, Triệu Ngọc H và 12 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có kháng cáo, không bị kháng nghị nên Tòa không triệu tập).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ngày 28/5/2010, Nguyễn Bảo Q đăng ký thành lập và làm Giám đốc Công ty TNHH S2 (sau đây gọi là Công ty S2), trụ sở tại: số B T, Phường D, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh, ngành nghề kinh doanh: Dịch vụ, thiết bị điện tử, sửa chữa xe ôtô, ... .
Từ năm 2015 đến tháng 01/2017, Q cùng với Đoàn Phi V1, Kim Thế C, Nguyễn Quốc H1, Nguyễn Hoàng S, Hứa Tân P, Triệu Ngọc H, Nguyễn Huỳnh T2, Huỳnh Văn V và các đối tượng khác tổ chức thực hiện các vụ buôn lậu dưới hình thức nhập hàng quá cảnh từ các nước và vùng lãnh thổ như: Singapore, Đ, Mỹ, Hồ N, Nhật Bản, … sang Campuchia, quá cảnh Việt Nam. Nhưng khi hàng hóa về tới Việt Nam, Q cùng đồng bọn đã tổ chức thuê kho bãi, bốc vác, cắt Seal hãng tàu, cắt cửa container (sau đây gọi tắt là cont) đưa toàn bộ hàng xuống tập kết tại các kho chứa và đưa đi tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Sau đó đưa hàng hóa khác đã chuẩn bị sẵn lên cont (chủ yếu là đồ nhựa) rồi đưa sang Campuchia theo lịch trình vận chuyển quá cảnh.
Để thực hiện hành vi buôn lậu trót lọt và tránh việc nghi ngờ phát hiện của cơ quan chức năng, trong thời gian từ tháng 6/2014 đến tháng 01/2017, Q đã đăng ký thành lập thêm 13 Công ty trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh để mở tờ khai nhập hàng lậu với hình thức quá cảnh, mỗi Công ty Q2 thuê một người đứng tên Giám đốc, hầu hết là nhân viên trong Công ty S2, gồm:
(1) Công ty TNHH T11 do Nguyễn Quốc H1 đứng tên Giám đốc. (2) Công ty TNHH T12 do Kim Thế C, đứng tên Giám đốc.
(3) Công ty TNHH T13 do Hứa Tân P đứng tên Giám đốc.
(4) Công ty TNHH V5 do Nguyễn Hoàng Sơn H2, sinh ngày 26/02/1988, HKTT: 220/88 X, Phường B, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh đứng tên Giám đốc.
(5) Công ty TNHH E1 do Võ Phước T3, sinh năm 1983; HKTT: Ấp B, xã X, huyện X, tỉnh Đồng Nai đứng tên Giám đốc.
(6) Công ty TNHH T14 do Nguyễn Thị Thanh T4, sinh ngày 18/5/1989; HKTT: Tổ G, ấp L, xã M, huyện C, tỉnh Long An đứng tên Giám đốc.
(7) Công ty TNHH O do Nguyễn Quang N1 sinh ngày 03/9/1985; HKTT: Tổ 2, làng X, phường H, thị xã H, tỉnh Thừa Thiên Huế đứng tên Giám đốc.
(8) Công ty TNHH R1 do Lâm Duy P1, sinh ngày 30/3/1987; HKTT: Khu phố G, phường P, thành phố B, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đứng tên Giám đốc.
(9) Công ty TNHH T15 do Nguyễn Quỳnh Lệ T5, sinh ngày 15/7/1981; HKTT: 11/5 (Lầu A) T, Phường A, Quận E, Thành phố Hồ Chí Minh đứng tên Giám đốc.
(10) Công ty TNHH M2 do Trần Văn K, sinh ngày 02/01/1989; HKTT:
32/100 Ông Í, Phường A, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh đứng tên Giám đốc.
(11) Công ty TNHH V6 do Triệu Ngọc H, sinh ngày 24/11/1983; HKTT: C C, Phường E, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu đứng tên Giám đốc.
(12) Công ty TNHH T16 do Lê Công P2, sinh ngày 02/04/1979; HKTT:
101 T, phường I, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh đứng tên Giám đốc.
(13) Công ty TNHH T17 do Nguyễn Huỳnh T2, sinh ngày 20/12/1980; HKTT: 1 V, Phường A, Quận F, Thành phố Hồ Chí Minh đứng tên Giám đốc.
Trong quá trình nhập hàng lậu với hình thức quá cảnh, Nguyễn Bảo Q, Đoàn Phi V1, Kim Thế C, Nguyễn Quốc H1 và các đối tượng khác trong đường dây buôn lậu trao đổi, liên lạc thông tin về hoạt động buôn lậu bằng cách gọi điện, nhắn tin nhóm trên phần mềm Skype, W, V2. Theo đó, Q đã tạo nhiều nhóm “chat” trên phần mềm Viber, trong đó có nhóm “P. Kinh doanh TSN” gồm các đối tượng: Nguyễn Bảo Q, Nguyễn Quốc H1, Đoàn Phi V1, Kim Thế C, Nguyễn Huỳnh T6 (vợ Q), T7 (chưa rõ nhân thân lai lịch), nhóm “Phong Thu Tuc LGVN” gồm các đối tượng: Nguyễn Bảo Q, Nguyễn Quốc H1, Đoàn Phi V1, Kim Thế C, Trần Văn K và Nguyễn Thị Thúy V3. Những bị can và đối tượng trên đều là nhân viên trong Công ty S2.
Để trao đổi thuận tiện, Nguyễn Bảo Q và các đối tượng trong đường dây cũng thống nhất với nhau trong cách gọi tên các container với hình thức quá cảnh như sau: “V” là hàng quá cảnh nhập từ nước N1 chuyển dịch vụ cho khách; “A” là hàng nhập lậu với hình thức quá cảnh từ nước N; “B” là hàng nhập lậu với hình thức quá cảnh từ nước Mỹ; “G” là hàng nhập lậu với hình thức quá cảnh từ nước Singapore; “N” là hàng nhập lậu với hình thức quá cảnh từ Hồ N; “Q” là hàng nhập lậu với hình thức quá cảnh từ nước Đ; “MH” là hàng quá cảnh nhập qua đường hàng không, …thủ đoạn làm seal giả để thay thế seal hãng tàu thật bị cắt để lấy hàng trong cont, các đối tượng thực hiện bằng cách: sau khi nhận được vận đơn của hãng tàu, Kim Thế C nhắn tin cho Đoàn Phi V1 để V1 làm giả seal, sau đó V1 nhắn tin cho Nguyễn Đắc T8 để T8 trực tiếp đi làm bảng in lụa số seal rồi in lên seal hãng tàu giả (seal này do Q mua trước đó gửi về) để khi lấy hàng xong, đưa hàng khác lên sẽ dùng seal giả này bấm lại cùng với seal hải quan trước đó các đối tượng nhận được từ cán bộ hải quan nhưng chưa gắn lên cont và tiếp tục vận chuyển sang Campuchia. Ngoài thủ đoạn cắt seal hãng tàu để lấy hàng tiêu thụ ở Việt Nam, rồi gắn seal giả, trường hợp cán bộ hải quan đã gắn seal hải quan thì Nguyễn Bảo Q chỉ đạo cắt vỏ container tại vị trí cửa cont để lấy hàng, sau đó đưa hàng khác lên cont và dùng máy hàn lại vỏ cont.
Để giữ bí mật cho việc vận chuyển, tránh bị phát hiện, Q còn chỉ đạo bố trí người áp tải hàng hoá, bố trí người cảnh giới công an; sử dụng đầu kéo riêng, tài xế riêng của Công ty S2. Chỉ thuê mướn Công ty vận tải chở hàng hoá từ cảng về đến khu vực cầu B, thành phố T, Thành phố Hồ Chí Minh thì tháo cont, sau đó sử dụng xe, tài xế Công ty S2 kéo về địa điểm lấy hàng… Để có địa điểm mở cont lấy hàng quá cảnh và chứa hàng, Q chỉ đạo Nguyễn Quốc H1 thuê và quản lý 04 kho hàng dùng để tập kết, chứa hàng lậu, tân trang sửa chữa, đóng gói bán ra thị trường, tại các địa chỉ: Số D, đường số A, phường H, thành phố T, Thành phố Hồ Chí Minh; Số F Quốc lộ A, phường H, thành phố T, Thành phố Hồ Chí Minh (Cơ sở H7); Hẻm E Quốc lộ A, phường H, thành phố T, Thành phố Hồ Chí Minh và Số B đường V, phường V, thành phố T, tỉnh Bình Dương. Q chỉ đạo Đoàn Phi V1 thuê và quản lý 02 kho bãi, gồm: Số A, Quốc lộ A, khu phố T, phường V, thành phố T, tỉnh Bình Dương (kho A) và 01 kho tại thành phố T, Thành phố Hồ Chí Minh (không rõ địa chỉ, đã trả trước khi thuê kho A).
Để bán hàng hoá ra thị trường Việt Nam, ngoài việc xuất bán không có hoá đơn chứng từ, Q và đồng phạm còn thực hiện việc lập khống hợp đồng thu mua, hợp đồng ký gửi để phục vụ việc bán hàng trong các trường hợp khách hàng yêu cầu hoá đơn, hợp thức hoá đầu vào cho hàng hoá nhập lậu và hợp thức hoá thủ tục kế toán.
Các đối tượng cùng tham gia thực hiện hành vi buôn lậu với Q đều là nhân viên của Q trong Công ty S2 được Q trả lương tháng theo nhu cầu công việc và việc thực hiện hành vi buôn lậu theo sự phân công của Q.
Việc phân công vai trò cho Nguyễn Quốc H1, Đoàn Phi V1, Kim Thế C, Nguyễn Hoàng S, Hứa Tân P, Triệu Ngọc H, Nguyễn Huỳnh T2 và Huỳnh Văn V được Q thực hiện như sau:
Khoảng cuối năm 2011, Nguyễn Quốc H1, sinh năm 1988, HKTT: 44, Lê Hồng P3, phường Đ, thị xã A, tỉnh Gia Lai xin vào làm kế toán cho Công ty S2 và được Q giao nhiệm vụ kế toán kho, làm việc tại trụ sở Công ty. Đầu năm 2013, Q chuyển H1 sang làm kế toán kho tại các kho hàng ở phường H, quận T (nay là thành phố T). Năm 2014, H1 làm thư ký bán hàng cho Q và quản lý nhân viên bốc xếp tại các kho hàng trên. Hàng hóa trong kho là các mặt hàng điện tử đã qua sử dụng và hàng tạp hóa như: Loa, A, sữa, kem đánh răng, thực phẩm chức năng … Đến giữa năm 2015, Q chỉ cho H1 cách tiếp thị và bán hàng hóa trong các kho hàng khi Q không có mặt tại kho. Đến khoảng đầu năm 2016, Q giao cho H1 nhiệm vụ Trưởng phòng bán hàng điện tử đã qua sử dụng. Tại thời điểm này, qua trao đổi với Q về việc xuất hóa đơn bán hàng cho khách, H1 biết rõ tất cả những hàng hóa trên là hàng nhập lậu, việc mua bán hàng hóa trên là buôn lậu nhưng H1 vẫn tiếp tục làm cho Q vì Q trả lương cao cho H1 từ 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng) đến 25.000.000đ (hai mươi lăm triệu đồng)/tháng và H1 chính thức được tham gia các cuộc họp nhóm trên các phần mềm Skype, W, V2 để trao đổi, liên lạc thông tin về hoạt động buôn lậu. Tháng 5/2016, H1 đứng tên thành lập Công ty TNHH T11 (như nêu trên) để mở tờ khai hải quan nhập lậu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam với hình thức nhập hàng quá cảnh theo yêu cầu của Q.
Khoảng tháng 9/2015, Kim Thế C xin vào làm việc tại Công ty S2, C được Q giao nhiệm vụ lái xe và làm thủ tục mở tờ khai hải quan hàng quá cảnh đường hàng không. Đến khoảng tháng 5/2016, Q giao cho C làm thủ tục mở tờ khai hải quan hàng quá cảnh đường biển cho tất cả các Công ty của Q. Hàng quá cảnh đường biển được nhập từ các nước và vùng lãnh thổ: Singapore, Đ, Mỹ, Hồ N, Nhật Bản, …sang Campuchia, quá cảnh Việt Nam, Q trả lương cho C 10.000.000đ (mười triệu đồng)/tháng. Q nói cho C biết những hàng hóa quá cảnh trên có hàng chuyển dịch vụ cho khách, có hàng của Q, những cont hàng quá cảnh của Q sẽ được mở cont lấy hàng tiêu thụ tại Việt Nam, C biết rõ việc làm trên là vi phạm pháp luật nhưng đồng ý thực hiện.
Đầu năm 2015, Đoàn Phi V1 được nhận vào làm việc tại Công ty S2. Đến khoảng tháng 10/2015, Q nhờ Đoàn Phi V1 đứng tên Giám đốc Công ty S2 nhưng thực tế là duyệt chi những hóa đơn, chứng từ liên quan đến sổ sách kế toán còn mọi hoạt động khác của Công ty đều do Q trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Cũng trong thời gian này, Q nói với V1, Q có một số lô hàng thực phẩm, điện lạnh như: Sữa, rượu, loa, máy lạnh, … được nhập từ nước ngoài như: Singapore, Mỹ, N, …về Việt Nam, thủ tục hải quan Q đã giao cho Kim Thế C thực hiện còn V1 có nhiệm vụ giám sát hàng hóa, cắt seal hãng tàu trên container, lấy hàng trong cont đưa về các kho ở thành phố T, Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương bảo quản và làm giả seal hãng tàu, Q trả lương cho Vũ 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng)/tháng. V1 nhận thức được việc làm trên là hành vi buôn lậu nhưng vì hám lợi nên đã đồng ý làm cho Q.
Khoảng năm 2003, Hứa Tân P xin vào làm cho cơ sở sửa chữa điện lạnh Tân Sơn N2 (tiền thân Công ty S2) vừa học vừa làm nghề sửa chữa điện lạnh xe ô tô. Đến năm 2010, P nghỉ làm ở Công ty S2, tự mở tiệm sửa chữa điện lạnh ô tô nhưng làm ăn thua lỗ nên năm 2013 P xin vào Công ty S2 làm lại. Trong thời gian làm việc tại Công ty S2, P được giao nhiệm vụ: Sửa chữa điện lạnh ô tô, từ 2003 đến 2010 được trả lương 600.000đ (sáu trăm nghìn đồng)/tháng, từ 2013 đến 15/01/2017 được trả lương 6.000.000đ (sáu triệu đồng)/tháng. Ngoài nhiệm vụ sửa chữa điện lạnh xe ô tô, từ khoảng đầu năm 2016 đến 14/01/2017, P tham gia bốc xếp hàng nhập lậu, cảnh giới Công an, tham gia áp tải hàng nhập lậu từ Cảng C - Vũng Tàu về nơi bốc dỡ hàng theo sự phân công, chỉ đạo của Đoàn Phi V1 và tân trang, sửa chữa các mặt hàng điện tử như loa, âm ly, đồng hồ trang trí, … do Q nhập lậu về theo sự phân công của Nguyễn Hoàng S. Khi bốc xếp một cont hàng nhập lậu P được Công ty S2 trả 170.000đ (một trăm bảy mươi nghìn đồng)/cont. Trung bình mỗi tháng P bốc xếp được khoảng 07 đến 15 cont. P biết rõ các cont hàng trên là hàng nhập lậu vì theo hiểu biết của P thì khoảng năm 2013, 2014, Việt Nam đã cấm, không cho nhập hàng hoá đã qua sử dụng đối với các mặt hàng điện tử, điện lạnh, P đã làm trong nghề điện lạnh từ 2003 nên biết rõ. Thời gian đầu, P biết các cont hàng trên là hàng nhập lậu, nhập bất hợp pháp nhưng không biết nhập bằng hình thức nào. Đến khoảng giữa năm 2016, P biết các cont hàng trên do Q nhập lậu về với hình thức nhập hàng quá cảnh do anh em trong Công ty S2 bàn tán, nói với nhau nhưng bản thân P không biết hàng quá cảnh là hàng như thế nào. Ngoài ra, tháng 09/2015, Q nhờ P đứng tên thành lập Công ty TNHH T13 (như nêu trên) để nhập hàng từ nước ngoài về kiếm thêm thu nhập cho anh em trong Công ty. P đồng ý và được Q trả mỗi tháng 1.000.000đ (một triệu đồng) đối với việc đứng tên thành lập Công ty. Thời điểm thành lập Công ty, P chưa biết việc Q nhờ P đứng tên thành lập Công ty T13 để nhập hàng lậu với hình thức quá cảnh, đến giữa năm 2016, P biết Q nhập hàng lậu với hình thức quá cảnh nhưng nghĩ có chuyện gì liên quan đến pháp lý thì có Q lo hết nên vẫn đứng tên trên Giấy phép kinh doanh của Công ty T13 với tư cách Giám đốc.
Khoảng năm 2008, Nguyễn Huỳnh T2 quen biết Nguyễn Bảo Q thông qua Nguyễn Huỳnh T6 giới thiệu (T6 là em ruột của T2, năm 2010 thì Q và T6 cưới nhau). Sau khi biết Q, Q kêu T2 vào làm trong Công ty S2 để học nghề sửa chữa điện lạnh xe ô tô, vừa học vừa làm Q trả lương cho T2 khoảng 1.500.000 đồng/tháng. T2 học nghề khoảng 02 năm thì thành thạo và tiếp tục làm thợ sửa chữa điện lạnh xe ô tô cho Công ty S2 đến khi Đoàn Phi V1 và Kim Thế C bị bắt vào ngày 15/01/2017. Mỗi tháng, Q trả lương cho T2 dao động từ 1.500.000đ (một triệu năm trăm nghìn đồng) đến 5.000.000đ (năm triệu đồng)/tháng. Trong thời gian làm việc tại Công ty S2, khoảng năm 2011, Q cho T2 biết, Q có nhập hàng bên Mỹ về kêu T2 phụ kiểm đếm số lượng hàng hóa khi nhập kho, Q trả cho T2 mỗi tháng 2.000.000đ (hai triệu đồng). T2 biết những hàng hóa Q nhập từ Mỹ về là hàng nhập lậu nhưng không biết nhập lậu bằng hình thức nào. Đến khoảng năm 2015, T2 nghe Kim Thế C và Đoàn Phi V1 nói với T2 các hàng hóa do Q nhập từ nước ngoài về là hàng nhập lậu thông qua hình thức nhập hàng quá cảnh. T2 biết rõ việc nhập lậu hàng hóa là vi phạm pháp luật nhưng vẫn đồng ý tham gia kiểm đếm hàng nhập lậu cho Q khi hàng hóa trên được đưa về chứa tại các kho hàng ở Bình Dương và thành phố T để bán ra thị trường Việt Nam. Đến tháng 11/2016, Q nhờ T2 đứng tên thành lập Công ty để nhập hàng quá cảnh, mỗi tháng Q trả thêm cho T2 1.000.000đ (một triệu đồng). T2 biết rõ việc thành lập Công ty để nhập hàng lậu với hình thức quá cảnh là sai, vi phạm pháp luật nhưng vì được trả thêm 1.000.000đ/tháng, có thêm thu nhập nên T2 đồng ý đứng tên với tư cách Giám đốc - Đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH T17 (như nêu trên).
Khoảng năm 2015, Huỳnh Văn V xin vào làm việc tại Công ty S2, V được tuyển vào vị trí thủ kho, lương 5.000.000đ (năm triệu đồng)/tháng. V được giao nhiệm vụ: Quản lý kho hàng của Công ty trên đường Y (không rõ địa chỉ), kho chứa loa, âmpli,… và trông coi, sắp xếp hàng hóa trong kho, xuất, nhập hàng hóa trong kho theo hóa đơn, giấy tờ của Công ty đưa xuống. Đến khoảng tháng 6/2016, Vũ nghỉ làm thủ kho, chuyển sang làm trợ lý cho Đoàn Phi V1 và được trả lương khoảng 6.200.000đ (sáu triệu hai trăm nghìn đồng)/tháng. V1 làm những công việc như: Đi mua văn phòng phẩm cho Công ty, tìm thợ sửa chữa các thiết bị, vật dụng hàng ngày của Công ty bị hư hỏng và giám sát việc sửa chữa.
Đến gần cuối năm 2016, đầu năm 2017, Đoàn Phi V1 phân công V1 đi nhận hàng hóa ở Cảng C, mỗi lần nhận một cont hàng từ cảng C về Kho A, phường V, thị xã T, Bình Dương hoặc về bãi đất trống ở T (không rõ địa chỉ), Huỳnh Văn V được Đoàn Phi V1 trả công 200.000đ (hai trăm nghìn đồng). Mỗi tuần nhận khoảng 3 cont hàng. V1 biết hàng hóa trong cont nhập về là hàng nhập lậu vì khi được phân công đi nhận cont hàng đầu tiên V1 thấy hàng hóa khai báo trên tờ khai hải quan khác với hàng thực tế trong cont khi mở cont lấy hàng tại kho An Thái ở V, T và các bãi đất trống ở T. V1 biết rõ việc tham gia đi nhận các cont hàng nhập lậu là vi phạm pháp luật nhưng vẫn đồng ý làm theo sự phân công của Đoàn Phi V1.
Khoảng tháng 08/2013, Q nhờ Nguyễn Hoàng S đăng ký kinh doanh Cơ sở H7 để tân trang, sửa chữa các thiết bị âm thanh, điện tử. S đồng ý nên Q và S đã thống nhất thuê nhà kho tại địa chỉ: Số F Q, phường H, thành phố T, Thành phố Hồ Chí Minh để làm trụ sở cho Cơ sở H7. S là người đứng tên trên hợp đồng thuê kho và đứng tên trên giấy đăng ký kinh doanh cơ sở H7. Mục đích thành lập cơ sở H7 ban đầu chỉ là sửa chữa, tân trang các mặt hàng thiết bị âm thanh, điện tử như: Loa, ampli của Q mua hàng đã qua sử dụng trong nước. Đến khoảng cuối năm 2015, đầu 2016, S biết Q nhập hàng lậu từ nước ngoài về trong đó có các mặt hàng thiết bị âm thanh, điện tử đã qua sử dụng, nếu các mặt hàng thiết bị âm thanh, điện tử đã qua sử dụng nhập lậu về bị hư hỏng thì đưa về cơ sở H7 để tân trang, sửa chữa, sau đó bán ra thị trường Việt Nam. Ngoài việc tân trang, sửa chữa các thiết bị âm thanh, điện tử do Q nhập lậu về, S còn tham gia cảnh giới Công an trong quá trình vận chuyển hàng nhập lậu từ bãi xuống hàng về các kho chứa hàng theo sự phân công của Đoàn Phi V1. S biết rõ việc Q nhập hàng lậu từ nước ngoài về Việt Nam là vi phạm pháp luật nhưng vẫn đồng ý làm cho Q. Mỗi tháng S được Q trả lương 6.000.000đ (sáu triệu đồng) đối với việc sửa chữa, tân trang hàng nhập lậu và 2.000.000đ (hai triệu đồng) đối với việc cảnh giới Công an trong quá trình vận chuyển hàng nhập lậu.
Khoảng năm 2013, Triệu Ngọc H xin vào làm việc trong Công ty S2, thời gian đầu H làm phụ xe, dọn dẹp, sơn sửa trụ sở Công ty. Đến khoảng năm 2015, H được giao làm thủ kho của kho hàng tại địa chỉ Hẻm E, quốc lộ A, tổ A, khu phố E, phường H, thành phố T, Thành phố Hồ Chí Minh và bốc xếp theo sự phân công trực tiếp từ Nguyễn Quốc H1. Nhiệm vụ của H là quản lý hàng hóa trong kho, đóng gói hàng hóa để giao cho khách hàng, ngoài ra khi xe tải chở hàng về đến kho thì H tham gia khuân vác hàng hóa từ trên xe xuống kho. H được Q trả lương cho nhiệm vụ thủ kho, canh giữ hàng hóa trong kho, đóng hàng cho khách khoảng 6.000.000đ (sáu triệu đồng)/tháng. Khi làm thủ kho tại kho hàng tại hẻm E, H nhận biết những hàng hóa trong kho là hàng nhập lậu. Vì khi nhìn những nhãn mác trên hàng hóa như sữa E có xuất xứ từ Mỹ, ghi tiếng nước ngoài, không có tiếng Việt, các thiết bị điện tử như: Loa, đồng hồ trang trí H chưa từng nhìn thấy ở Việt Nam, không có hoá đơn chứng từ, ... Tất cả các hàng hóa trên được chở bằng xe tải đến kho tại hẻm E với số lượng lớn, mỗi lần 05 đến 06 xe tải loại 1,5 tấn, 2,5 tấn, mỗi tuần chở đến kho khoảng 02 lần và đều được chở đến kho hàng tại hẻm E vào lúc từ 12 giờ đêm đến 02 giờ sáng, không có hóa đơn chứng từ xuất, nhập hàng. Việc nhập, xuất kho hàng hóa được lập đi lập lại nhiều lần nên H và anh em đóng hàng nhận biết những hàng hóa trên là hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc nhưng không biết nhập lậu bằng hình thức nào. H biết rõ việc tham gia làm thủ kho và bốc xếp các hàng hóa nhập lậu trên là vi phạm pháp luật nhưng vẫn đồng ý làm theo sự phân công của Nguyễn Quốc H1. Ngoài ra, H còn tham gia đứng tên đăng ký thành lập Công ty TNHH V6 (như nêu trên) với tư cách Giám đốc - Đại diện theo pháp luật của Công ty theo đề nghị của Nguyễn Quốc H1 để nhập hàng lậu với hình thức quá cảnh.
Như vậy, Từ tháng 10/2015 đến đầu tháng 01/2017, Nguyễn Bảo Q cùng đồng bọn đã làm seal hãng tàu giả, vận chuyển trót lọt khoảng 110 (một trăm mười) cont hàng lậu với hình thức quá cảnh và mở lấy hàng tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Hàng hóa trước khi tiêu thụ ra thị trường Việt Nam được đưa về tập kết ở 04 kho hàng do Nguyễn Quốc H1 quản lý, 03 kho tại thành phố T, Thành phố Hồ Chí Minh và 01 kho ở thành phố T, tỉnh Bình Dương (như đã nêu trên).
Tất cả hàng hóa sau khi tập kết tại các kho hàng trên, H1 chỉ đạo bốc xếp bố trí hàng hóa và tìm thị trường bán các mặt hàng điện tử, điện lạnh, ... H1 đã bán cho nhiều người, trong đó H1 đã bán cho ông Phạm Đăng H3 (sinh ngày 26/5/1979, HKTT: Số B Đường số A, T, Khu phố B, phường L, thành phố T, Thành phố Hồ Chí Minh (chỗ ở: hiện tại chưa xác định được) là chủ cơ sở kinh doanh điện lạnh H8 nhiều lần trong thời gian từ 8/2016 - 02/2017, gồm: 173 (một trăm bảy mươi ba) bộ M3 với giá 2.700.000 đồng/cái, tổng số tiền: 467.100.000đ (bốn trăm sáu mươi bảy triệu một trăm nghìn đồng). Toàn bộ số tiền bán được H1 chuyển cho Q. Còn các mặt hàng khác như: Thực phẩm, dược phẩm, rượu,… Q chỉ đạo các đối tượng khác (chưa xác định rõ) trong Công ty S2 tìm khách hàng để bán ra thị trường Việt Nam.
Quá trình điều tra thu thập chứng cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh B, Tây Ninh và Cục C1 - Bộ C2, Cục Điều tra chống buôn lậu - T18 tiến hành bắt quả tang tại Bình Dương, mở rộng kiểm tra 04 kho hàng liên quan; kiểm tra thông quan 02 cont phát hiện thu giữ vật chứng tại của khẩu M - Tây Ninh, phát hiện hành vi phạm tội của các bị can, nội dung vụ việc như sau:
1. Hành vi phạm tội bị bắt quả tang tại Bình Dương:
Ngày 10/01/2017, sau khi hãng tàu PIL phát hành vận đơn số ASSINCMP 1120501-02 container hàng quá cảnh số hiệu 8752690 (các đối tượng thống nhất gọi tên là cont G73), số seal hãng tàu (X0487522) do nhà vận chuyển là Công ty TNHH T17 do Nguyễn Huỳnh T2 là Giám đốc hợp đồng vận chuyển sẽ cập cảng C, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 13/01/2017, Nguyễn Bảo Q nhiều lần điện thoại cho Kim Thế C qua phần mềm Whatapps yêu cầu C ưu tiên làm thủ tục hải quan để nhận cont G73 khi nhận được vận đơn của hãng tàu. C biết rõ cont G73 sẽ mở lấy hàng tiêu thụ tại Việt Nam vì C đã làm thủ tục mở tờ khai hải quan nhập hàng quá cảnh nhiều lần, những cont nào Q yêu cầu C ưu tiên làm thủ tục hải quan là chắc chắn cont sẽ mở lấy hàng tiêu thụ tại Việt Nam. Cùng ngày, sau khi nhận được vận đơn của hãng tàu, C nhắn số seal hãng tàu cho Đoàn Phi V1 để V1 làm seal giả, sau đó C làm thủ tục đăng ký mở tờ khai vận chuyển độc lập số 500070701620 đối với cont G73, hàng hóa trên tờ khai là hàng bách hóa đồ dùng gia đình (tấm lợp lấy ánh sáng P7), hàng mới 100%, được nhập từ Singapore sang Campuchia quá cảnh Việt Nam.
Đến ngày 14/01/2017, C giao bộ hồ sơ tờ khai vận chuyển trên cho Huỳnh Văn V (Vũ N) để Vũ N ra cảng Cái M nhận cont G73, đồng thời C điện thoại cho Đoàn Phi V1 chuẩn bị xe đầu kéo và người áp tải để ra cảng Cái M nhận hàng. Vũ N đi xe khách từ Bến xe M đến ngã ba C, đi xe ôm vào C, đến bộ phận tiếp nhận nộp giấy giới thiệu, giấy báo hàng đến, lệnh nhận hàng, tờ khai hải quan do Kim Thế C soạn. Sau đó, bộ phận tiếp nhận đưa cho Vũ N phiếu AIR (phiếu để nhận hàng), Vũ Nhỏ nộp hồ sơ vào đội kiểm soát hải quan, sau đó cán bộ hải quan (không biết họ tên) đưa cho Vũ N 01 (một) seal hải quan và giấy tờ kèm theo để nhận container hàng, Vũ N đưa toàn bộ hồ sơ nhận hàng trên và seal hải quan cho tài xế xe đầu kéo (không nhớ họ tên) để vào cảng lấy container hàng, sau đó Vũ N tự đón xe về.
Khoảng 11 giờ 30 phút ngày 14/01/2017, Đoàn Phi V1 thuê xe đầu kéo 51C-711.16 của HTX vận tải số 9 địa chỉ A T, Phường E, Quận E, Thành Phố Hồ Chí Minh (chủ xe là ông Tưởng Văn H4, tài xế là Tưởng Văn L) và gọi điện cho Hứa Tân P theo xe đầu kéo ra cảng C để áp tải cont G73 và gọi điện cho Nguyễn Đắc T8 - nhân viên Công ty S2 (chưa rõ nhân thân lai lịch) chuẩn bị bốc xếp để khuân vác hàng hóa từ cont G73 xuống xe tải tại kho A1 (như đã nêu trên) khi cont G73 được áp tải về đến kho. Đồng thời, Đoàn Phi V1 gọi điện hẹn gặp T8 tại kho A vào lúc 21 giờ cùng ngày để V1 đưa các seal hãng tàu giả (seal giả Q mua ở Singapore đưa cho V1 để chỉnh sửa lại số seal giống số seal hãng tàu thật bấm trên các cont hàng nhập lậu với hình thức quá cảnh) cho T8 đem về chỗ ở của T8 làm giả số seal của cont G1 (số seal hãng tàu thật Đoàn Phi V1 đã nhắn tin cho T8 sau khi C nhắn tin cho V1). Sau đó, V1 tìm mua các thùng nhựa để sau khi lấy hết hàng hóa trong cont G73 ra tiêu thụ tại Việt Nam sẽ đưa các thùng nhựa trên lên cont G73 và sử dụng seal hãng tàu giả mà V1 kêu T8 làm để bấm container để tiếp tục vận chuyển đến cửa khẩu M4 xuất sang Campuchia để hoàn thành lộ trình quá cảnh theo tờ khai hải quan.
Khoảng 18 giờ ngày 14/01/2017, Vũ N điện thoại cho Đoàn Phi V1 thông báo cont G73 đã làm xong thủ tục hải quan tại cảng C. Khoảng 19 giờ cùng ngày, P điện thoại cho Đoàn Phi V1 thông báo sẽ thay xe đầu kéo tại cầu vượt B. Khoảng 20 giờ cùng ngày, Đoàn Phi V1 đến cầu vượt B đợi khoảng 15 phút thì P áp tải xe đầu kéo 51C-711.16 chở cont G73 đến cầu vượt B và tiến hành thay đầu kéo, P đi về kho tại số D, đường số A, phường H, thành phố T, Thành phố Hồ Chí Minh để chuẩn bị nhận hàng từ các xe tải nhỏ chở hàng từ cont vừa nhận như đã định. Còn Đoàn Phi V1 áp tải xe đầu kéo chở cont G73 đến kho A. Khi đến kho A, tài xế xe đầu kéo tháo xe đầu kéo khỏi rơ moóc, cont lái đi đâu không rõ (xe đầu kéo thay và tài xế chưa xác định được). Lúc này, trên cont G73 không bấm seal hải quan nên Đoàn Phi V1 kêu Nguyễn Văn P4, sinh năm 1993, HKTT:
58B, Tổ F, Khu phố A, phường H, thành phố T, Thành phố Hồ Chí Minh dùng kềm cắt seal hãng tàu trên cont G73 (seal hãng tàu bị cắt văng xuống đất và bị thất lạc) và kêu 10 người bốc xếp khuân vác hàng hóa từ container sang 04 (bốn) xe ô tô tải chuẩn bị sẵn, khi đang chuyển hàng hóa từ cont G73 xuống xe ô tô tải biển số 54U - 2043 thì bị lực lượng của Cục C1 - Bộ C2, Cục Điều tra chống buôn lậu - T18 phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh B kiểm tra, phát hiện bắt quả tang.
Đối với Vũ N khi về đến Bến xe M, lấy xe gắn máy (xe của Vũ N gửi trước đó) chạy lên kho A để hỗ trợ cho Đoàn Phi V1 nhưng khi đến cổng kho An Thái thì thấy Công an đến kiểm tra, bắt giữ nên điện cho Nguyễn Bảo Q nói “Lô hàng của mình bị Công an bắt”, Q chạy ô tô xuống kho An T9, xem tình hình, sau đó đi về. Khoảng 01 (một) tiếng sau, Kim Thế C đến kho A để nắm thông tin về việc container G73 bị kiểm tra theo sự chỉ đạo của Q thì bị lực lượng chức năng phát hiện, mời làm việc. Quá trình kiểm tra, xác minh đến 09 giờ ngày 15/01/2017, Đoàn Phi V1 không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa trên nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh B đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với Đoàn Phi V1 và Kim Thế C, tạm giữ vật chứng gồm các hàng hóa như: Sữa, rượu ngoại, bài lá và một số tài sản là công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm, (Phụ lục 1 kèm theo).
Mở rộng điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh B tiến hành khám xét khẩn cấp 04 kho hàng do Nguyễn Quốc H1 quản lý tại các địa chỉ: Số D, đường số A, phường H, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh; Số F Quốc lộ A, phường H, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh; Hẻm E Quốc lộ A thuộc phường H, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh; Số B đường V, phường V, thị xã T, tỉnh Bình Dương phát hiện, thu giữ nhiều hàng hóa như: hàng điện lạnh (tủ lạnh, máy giặt, cụng nóng, cục lạnh máy lạnh; hàng điện tử (máy cassette, đàn piano, loa thùng, máy hát đĩa, ampli; điện cơ (máy quạt, máy quạt hơi nước, máy công cụ); hàng bách hóa tổng hợp (vải, sữa, nước xịt, sữa tắm, nước xúc miệng, kem đánh răng, sữa rửa mặt, thực phẩm chức năng, dầu xả, dầu gội, xà bông, dầu khuynh diệp …) số lượng lớn và một số đồ vật, tài sản, tài liệu liên quan đến việc nhập hàng lậu với hình thức quá cảnh. Tất cả những hàng hóa, đồ vật trên không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Tang vật thu giữ tại 4 kho hàng.
Trong quá trình điều tra các bị can Kim Thế C, Đoàn Phi V1, đối tượng Nguyễn Quốc H1, Kim Thế V4 (em của Kim Thế C), Đỗ Phước H5 (chủ kho) giao nộp nhiều tài liệu (danh sách hàng hóa, tin nhắn trao đổi, hình ảnh …), vật chứng (USB chữ ký số, USB lưu trữ hình ảnh tin nhắn của các bị can, điện thoại của các bị can, máy tính …) liên quan đến hành vi phạm tội của các bị can.
2. Hành vi bị phát hiện tại cửa khẩu M4 - Tây Ninh thông qua kiểm tra hàng hoá:
2.1. Đối với lô hàng của Công ty TNHH T11:
Ngày 05/01/2017, Công ty T11 do Nguyễn Quốc H1 (bị can đã xét xử) làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật mở tờ khai vận chuyển hàng quá cảnh số 500069404150 tại Chi cục hải quan cửa khẩu C3 thuộc Cục Hải quan tỉnh B để vận chuyển hàng đến P, Campuchia. Mặt hàng khai báo là hàng tạp hóa đồ dùng gia đình (thùng nhựa có nắp khóa), hàng mới 100%, số lượng 24 PK; trọng lượng 12.375 kg, trị giá 4.800 USD. Toàn bộ hàng hóa được đóng trong Container số OOLU8752423, Seal hãng tàu số OOLDUZ3096, số vận đơn số OOLU4025934640 và niêm phong Seal hải quan số H.1300.75730. Công ty T11 vận chuyển lô hàng trên theo hợp đồng vận chuyển số 07/QC ngày 30/11/2016 theo tuyến từ cảng C - Quốc lộ B - Cửa khẩu M4.
Trước khi nhận container, Kim Thế C đã nhắn tin thông báo cho Đoàn Phi V1 số Seal hãng tàu, số kiện hàng theo tờ khai để V1 làm giả Seal hãng tàu và chuẩn bị các thùng nhựa để đưa vào trong Container sau khi lấy hàng.
Huỳnh Văn V được Đoàn Phi V1 phân công đến Cảng Cái M làm thủ tục nhận hàng hóa trong Container nêu trên và được Đoàn Phi V1 giao bộ T19 nhận hàng gồm giấy giới thiệu của Công ty T11, tờ khai hàng quá cảnh. Khi đến Cảng C, Huỳnh Văn V làm thủ tục nhận hàng tại Chi cục Hải quan C3, sau đó hướng dẫn cho tài xế xe đầu kéo là Lê Văn T10, sinh năm 1982, ngụ 1 Khu phố T, phường T, thị xã D, tỉnh Bình Dương điều khiển xe ô tô đầu kéo biển số 51C- 781.78 cùng với rơ móc 51R-153.88 vào Cảng nhận hàng, sau đó kéo về Ngã tư Bình Phước rồi cắt cont để lại đây theo yêu cầu. Khoảng 01 ngày sau, theo yêu cầu T10 tiếp tục đến khu vực ngã tư Bình Phước kéo cont đến cửa khẩu M4.
Khi đến cửa khẩu M4, T10 được Trương Kính M1, sinh năm 1961, ngụ ấp T, xã L, huyện B, tỉnh Tây Ninh, là người khai hải quan thuê đón, giao lại hồ sơ để làm thủ tục vận chuyển hàng sang Campuchia và đã bị kiểm tra bắt giữ. Việc anh Trương Kính M1 đi mở tờ khai hải quan là do một người đàn ông tên P5 (không rõ họ tên) liên hệ thuê anh Nguyễn Thành D mở tờ khai thuê nhưng do bận việc nên anh D thuê lại anh M1 đi mở tờ khai hải quan cho lô hàng trong Container số OOLU8752423 thuộc tờ khai vận chuyển số 500069404150.
Khi làm thủ tục thông quan thì bị Chi cục Hải quan M4 kết hợp Đội kiểm soát chống buôn lậu Khu vực Miền nam - Cục điều tra chống buốn lậu Tổng cục Hải quan ra Quyết định tạm dừng hàng hóa qua khu vực giám sát và tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa thuộc tờ khai vận chuyển nêu trên.
Kết quả kiểm tra lô hàng: Thực kiểm 24 kiện/24 kiện (04 thùng/01 kiện);
mặt hàng: Hàng tạp hóa đồ gia đình (thùng nhựa có nắp khóa, quy cách:
760x580x450), hàng mới 100%, trọng lượng 480 KGM (20KGM/kiện). Ngoài ra, thu thập 01 Seal nhựa lõi thép màu xanh số OOLDUZ3096 niêm phong Container số OOLU7852423.
Sau khi kiểm tra, phát hiện hàng hóa thực tế không đúng với tờ khai hải quan nên đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm. Tang vật thu giữ.
2.2. Đối với lô hàng của Công ty TNHH T15 Ngày 14/01/2017, Công ty T15 do Nguyễn Quỳnh Lệ T5 làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật mở tờ khai vận chuyển hàng quá cảnh số 500070700330 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu C3 để vận chuyển hàng đi Campuchia. Mặt hàng khai báo là kệ bếp, thảm lót sàn nhà bếp hàng mới 100%, số lượng 33 PK; trọng lượng 1.976,600 kg, trị giá 2.970 USD. Toàn bộ hàng hóa được đóng trong Container số OOLU1937805, Seal hãng tàu số OOLDCX7008 và niêm phong Seal hải quan số H.1300.76265. Công ty T15 thực hiện vận chuyển theo hợp đồng vận chuyển số 01/VC ngày 05/01/2017 từ cảng C - Quốc lộ B - Cửa khẩu M4.
Trước khi nhận container, Kim Thế C đã nhắn tin thông báo cho Đoàn Phi V1 số Seal hãng tàu, số kiện hàng theo tờ khai để bị can V1 làm giả Seal hãng tàu và chuẩn bị các thùng nhựa để đưa vào trong Container sau khi lấy hàng.
Huỳnh Văn V là người được Kim Thế C phân công đến Cảng Cái M làm thủ tục nhận hàng hóa trong Container nêu trên và được Kim Thế C giao bộ thủ tục nhận hàng. Sau khi làm xong thủ tục nhận hàng, V giao lại hồ sơ cho tài xế Trương Việt H6, sinh năm 1980, địa chỉ: A Khu phố C, phường A, thị xã T, tỉnh Bình Dương điều khiển đầu kéo 51C-130.31 kéo theo rơ móc biển số 51R-171.30 vào Cảng Cái M nhận Container hàng nêu trên và đi cùng 01 người đàn ông tên P (chưa rõ lai lịch) đi đến đầu cầu B, Quốc lộ A, tỉnh Bình Dương, P yêu cầu cắt R và Container hàng để lại đó, cho đầu kéo quay về.
Ngày 15/01/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh B đã bắt quả tang việc vận chuyển hàng quá cảnh nhập lậu trong Container số hiệu 8752690 (như đã nêu trên), đến ngày 17/01/2017, một người đàn ông tên T8 điện thoại liên hệ với anh Nguyễn Cửu D1, sinh năm 1974, ngụ 7 L, Phường A, Quận F, Thành phố Hồ Chí Minh để thuê xe đầu kéo vận chuyển Container nêu trên từ bãi xe của Cây xăng số 10 (gần cầu G) khu vực ngã tư Bình Phước đến cửa khẩu M để giao hàng. Anh Dũng cử lái xe Lê Minh P6 điều khiển xe đầu kéo 51C-797.77 vận chuyển lô hàng trên. Lái xe Lê Minh P6 là người nhận giấy giới thiệu của Công ty TNHH T15 để làm thủ tục xuất hàng tại cửa khẩu M4. Sau khi làm thủ tục xong, anh P6 cắt đầu kéo biển số 51C-797.77 điều khiển đi về, bỏ lại Rờ móc tại cửa khẩu.
Ngày 17/01/2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu M4 tiếp nhận tờ khai vận chuyển của Công ty T15, tuy nhiên khi Hải quan làm thủ tục xuất khẩu cho lô hàng thì không liên lạc được với đại diện doanh nghiệp. Do đó, ngày 08/02/2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu M4 đã ra Quyết định tạm dừng đưa lô hàng qua khu vực giám sát số 13/QĐ-HQMB để kiểm tra thực tế hàng hóa.
Kết quả kiểm tra của Hải quan và kết quả giám định của Công ty TNHH giám định Vinacontrol Thành phố H đối với lô hàng chứa trong Container OOLU1937805 thuộc tờ khai vận chuyển số 500070700330 của Công ty T15 gồm: Điện thoại di động, Máy tính xách tay, Đồng hồ đeo tay, Mỹ phẩm, sữa bột các loại, thức ăn dinh dưỡng, thuốc lá điếu, tinh dầu thuốc lá điện tử, rượu ngoại... tất cả hàng hóa đều không có trong khai báo hải quan, trong đó máy tính xách tay đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng hóa không được phép quá cảnh theo Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Việt Nam và Campuchia.
Sau khi kiểm tra, phát hiện hàng hóa thực tế không đúng với tờ khai hải quan nên đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Căn cứ Kết luận giám định giá tài sản ngày 09/8/2017, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Bình Dương xác định:
- Giá trị hàng hóa thu giữ trong quá trình bắt quả tang là 5.691.312.000đ (năm tỷ sáu trăm chín mươi mốt triệu ba trăm mười hai nghìn đồng).
- Giá trị hàng hóa thu giữ trong quá trình khám xét khẩn cấp 04 (bốn) kho hàng là 8.964.943.000đ (tám tỷ chín trăm sáu mươi bốn triệu chín trăn bốn mươi ba nghìn đồng).
Căn cứ Kết luận định giá số 19/KL-HĐĐG ngày 09/9/2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Tây Ninh, kết luận tại thời điểm tháng 01/2017 (thời điểm xảy ra tội phạm):
- Hàng hóa là các thùng giấy Cac ton và thùng nhựa rỗng chứa trong Container số OOLU8752423 có tổng giá trị 15.984.000đ (mười lăm triệu chín trăm tám mươi tư nghìn đồng).
- Hàng hóa chứa trong Container số OOLU1937805 có tổng giá trị là 13.321.100.000đ (mười ba tỷ ba trăm hai mươi mốt triệu một trăm nghìn đồng).
Căn cứ kết luận số 692/C54B ngày 17/02/2017 của P8 - Bộ C2 tại thành phố Hồ Chí Minh xác định:“Không phát hiện thấy dấu vết cắt, dán trên dây và đầu S1 chì hải quan số HI3.00 76265. Dấu vết trượt nứt trên đầu Seal chì hải quan số HI3.00 76265 hình thành do ngoại lực tác động, khả năng do mở cưỡng bức tạo ra”.
Tổng cộng hàng hóa có giá trị là 27.993.339.000đ (hai bảy tỷ chín trăm trăm chín mươi ba triệu ba trăm ba mươi chín nghìn đồng).
Căn cứ Kết luận giám định tư pháp, thời gian hoàn thành giám định ngày 25/8/2022, các Giám định viên được T18 xác nhận chữ ký ngày 13/9/2022 (kèm theo kết luận giám định), Giám định viên thuộc T18 kết luận:
- Hồ sơ phê duyệt khai báo vận chuyển đối với hàng quá cảnh đảm bảo tính đúng, đầy đủ về số lượng chứng từ, tính hợp lý, hợp lệ, tính phù hợp giữa các chứng từ với nhau trong bộ hồ sơ.
- Trách nhiệm của Hải quan trong hoạt động giám sát hải quan đối với 345 bộ hồ sơ trên đã thực hiện theo quy định pháp luật tại Điều 39, điểm 3, điểm 4 Điều 64 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014; khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 43 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015; Điều 50, Điều 51 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015. Trách nhiệm của chủ hàng theo Điều 40, điểm 1, điểm 2, điểm 4 Điều 64 Luật hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014; khoản 3 và điểm d khoản 6 Điều 43 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015; Điều 50, Điều 51 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015.
Cáo trạng số 11/CT-VKSBD.P1 ngày 14/12/2023 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương quyết định truy tố các bị cáo Đoàn Phi V1, Kim Thế C, Nguyễn Huỳnh T2, Huỳnh Văn V, Hứa Tân P, về tội “Buôn lậu” theo điểm a khoản 4 Điều 188; Triệu Ngọc Hiển theo điểm a khoản 2 Điều 188 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 64/2024/HS-ST ngày 05 tháng 6 năm 2024, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương, quyết định:
Căn cứ các Điều 298, 299, 326, 327, 329, 331, 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
1. Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Đoàn Phi V1, Kim Thế C, Nguyễn Huỳnh T2, Huỳnh Văn V, Hứa Tân P, Triệu Ngọc H phạm tội “Buôn lậu”.
2. Về hình phạt: Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 188; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm a, g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
Xử phạt bị cáo Huỳnh Văn V 13 (mười ba) năm tù; thời hạn phạt tù tính từ ngày 14/3/2023;
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về hình phạt đối với các bị cáo Đoàn Phi V1, Kim Thế C, Nguyễn Huỳnh T2, Hứa Tân P, Triệu Ngọc H; về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.
Ngày 18/6/2024, bị cáo Huỳnh Văn V có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Bị cáo Huỳnh Văn V thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và giữ nguyên yêu cầu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
- Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm giải quyết vụ án: Bản án sơ thẩm tuyên xử bị cáo Huỳnh Văn V phạm tội “Buôn lậu” với mức án 13 năm tù là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật; bị cáo kháng cáo nhưng không có tình tiết giảm nhẹ nào mới. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo; giữ nguyên bản án sơ thẩm.
- Luật sư bào chữa cho bị cáo trình bày: Thống nhất tội danh theo bản án sơ thẩm đã xét xử; Tuy nhiên, mức hình phạt đối với Văn V là quá nặng. Sau khi phạm tội bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Hoàn cảnh kinh tế gia đình bị cáo khó khăn; Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội phụ thuộc vào bị cáo Q, bị cáo không đóng vai trò chủ yếu, bị cáo không có hưởng lợi bất chính. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để bị cáo có điều kiện ssớm về lo cho vợ con của bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Trong quá trình điều tra, truy tố Điều tra viên, Kiểm sát viên đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Đơn kháng cáo của bị cáo Huỳnh Văn V làm trong hạn luật định và hợp lệ nên được xem xét tại cấp phúc thẩm theo quy định tại Điều 333 Bộ luật tố tụng hình sự.
[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Huỳnh Văn V đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của các bị cáo khác, phù hợp với kết quả thẩm định giá, lời khai của những người làm chứng cùng các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, nên có cơ sở xác định:
Từ năm 2015 đến năm 2017, Nguyễn Bảo Q (là giám đốc của Công TNHH sản xuất thương mại T20) đã chủ mưu cầm đầu cùng với các bị cáo Đoàn Phi V1, Kim Thế C, Nguyễn Quốc H1, Nguyễn Hoàng S, Hứa Tân P, Triệu Ngọc H, Nguyễn Huỳnh T2, Huỳnh Văn V thực hiện các vụ buôn lậu dưới hình thức nhập hàng hóa quá cảnh từ các nước và vùng lãnh thổ như Singapore, Đ, Mỹ, Hồ N, Nhật Bản…quá cảnh Việt Nam rồi vận chuyển sang Campuchia. Nhưng khi hàng hóa quá cảnh đến Việt Nam thì Q cùng các bị cáo khác đã tổ chức thuê kho bãi, bốc vác, cắt Seal hãng tàu đưa toàn bộ hàng xuống tập kết tại các kho chứa hàng (03 kho ở thành phố T và 01 kho ở Bình Dương); Đồng thời lập khống các hợp đồng thu mua, hợp đồng ký gửi trong trường hợp khách hàng yêu cầu, hợp thức hóa đầu vào của hàng hóa nhập lậu và thủ tục kế toán để đưa đi tiêu thụ tại lãnh thổ Việt Nam. Sau đó đưa hàng hóa khác đã chuẩn bị sẵn lên cont (chủ yếu là đồ nhượng) rồi đưa sang Campuchia theo lịch trình vận chuyển. Với cách thức trên từ tháng 10/2015 đến tháng 01/2017 Nguyễn Bảo Q cùng đồng phạm đã vận chuyển trót lọt khoảng 110 cont hàng lậu đưa vào tiêu thụ tại lãnh thổ Việt Nam.
Quá trình điều tra, Nguyễn Bảo Q đã bỏ trốn, Nguyễn Quốc H1 đã xét xử ở bản án khác, Nguyễn Hoàng S đã chết.
Do đó, Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên xử bị cáo Đoàn Phi V1, Kim Thế C, Nguyễn Huỳnh T2, Hứa Tân P, Triệu Ngọc H và Huỳnh Văn V đồng phạm tội “Buôn lậu” theo điểm a khoản 4 Điều 188 Bộ luật hình sự là đúng quy định của pháp luật.
[3] Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước. Các bị cáo phạm tội có tổ chức, dưới sự điều hành của Nguyễn Bảo Q đã mốc nối với cán bộ hải quan, làm giả niêm phong hãng tàu, đánh tráo hàng hóa, đưa hàng hóa lậu vào tiêu thụ tại lãnh thổ Việt Nam trong thời gian dài, với lượng hàng hóa đặc biệt lớn gây mất cân đối quản lý cung cầu hàng hóa, thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước. Do đó, cần phải xử các bị cáo mức án thật nghiêm để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung cho xã hội.
[3.1] Xét kháng cáo của bị cáo Huỳnh Văn V:
Trong vụ án này bị cáo Huỳnh Văn V tham gia với vai trò đồng phạm giúp sức, thực hiện công đoạn nhận hàng, quản lý kho hàng lậu, bốc xếp theo sự chỉ đạo, phân công của Công ty S2 do Nguyễn Hoàng Q1 làm chủ…Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian dài, phạm tội thuộc trường hợp “Có tổ chức” và “Phạm tội 02 lần trở lên” theo điểm a, g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, quá trình điều tra bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ sự việc; Bị cáo có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, là lao động chính trong gia đình đang nuôi con nhỏ. Mặt khác, do bị cáo là người làm công ăn lương cho Công ty S2 của Nguyễn Hoàng Q1 nên có phần bị động, lệ thuộc vào sự phân công của Công ty; Ngoài số tiền được trả công 6.200.000 đồng/tháng cộng với 200.000 đồng tiền công đi nhận hàng ngoài cảng thì bị cáo không có hưởng lợi bất chính từ hàng hóa buôn lậu. Theo đó, khi lượng hình Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nêu trên để tuyên xử bị cáo Huỳnh Văn V mức án 13 năm tù là phù hợp với quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo V xin giảm nhẹ hình phạt nhưng không có tình tiết giảm nhẹ nào mới. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp kháng cáo của bị cáo V, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[4] Từ những phân tích và nhận định nêu trên; Hội đồng xét xử thống nhất với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát; không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Huỳnh Văn V, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[5] Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo Huỳnh Văn V phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về án phí và lệ phí Tòa án.
[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm về tội danh và hình phạt đối với các bị cáo Đoàn Phi V1, Kim Thế C, Nguyễn Huỳnh T2, Hứa Tân P, Triệu Ngọc H; về xử lý vật chứng, án phí không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
1. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Huỳnh Văn V; Giữ nguyên Bản án sơ thẩm 64/2024/HS-ST ngày 05 tháng 6 năm 2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.
2. Tuyên bố các bị cáo Huỳnh Văn V phạm tội “Buôn lậu”.
Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 188; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm a, g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
Xử phạt bị cáo Huỳnh Văn V 13 (mười ba) năm tù, về tội “Buôn lậu”; Thời hạn phạt tù tính từ ngày 14/3/2023.
Tiếp tục tạm giam bị cáo theo quyết định giam của Hội đồng xét xử để đảm bảo thi hành án.
3. Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Huỳnh Văn V phải nộp 200.000 đồng.
4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội buôn lậu số 839/2024/HS-PT
Số hiệu: | 839/2024/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 16/09/2024 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về