Bản án về tội buôn lậu số 17/2022/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN QUAN SƠN, TỈNH THANH HÓA

BẢN ÁN 17/2022/HS-ST NGÀY 16/11/2022 VỀ TỘI BUÔN LẬU

Ngày 16 tháng 11 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 17/2022/TLST- HS ngày 03 tháng 10 năm 2022, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 16/2022/QĐXXST-HS ngày 02 tháng 11 năm 2022; Đối với các bị cáo:

1. Họ và tên: Hà Văn Th, sinh năm 1984 tại huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Nơi cư trú: Bản N, xã N, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ học vấn: 03/12; Dân tộc: Thái; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Hà Huy Ch (Đã chết) và bà Hà Thị N (Đã chết); Bị cáo có vợ là Phạm Thị T và 02 con (Con lớn sinh năm 2008, con nhỏ sinh năm 2020); Tiền án; tiền sự: Không.

Bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn: “Cấm đi khỏi nơi cư trú”; Có mặt.

2. Họ và tên: Hà Đình Ch, sinh năm 1983 tại huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa; Nơi cư trú: Bản N, xã N, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Mường; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Hà Văn D và bà Vi Thị T; Bị cáo có vợ là Lữ Thị H và 03 con (Con lớn nhất sinh năm 2006, con nhỏ nhất sinh năm 2020); Tiền án; tiền sự: Không.

Bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn: “Cấm đi khỏi nơi cư trú”; Có mặt.

* Người bào chữa cho các bị cáo Hà Văn Th và Hà Đình Ch: Ông Hà Văn Khôi - Trợ giúp viên pháp lý, công tác tại: Chi nhánh số 1, thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa; Có mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Anh Hà Văn S, sinh năm 1988; Trú tại: Bản N, xã N, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Có mặt.

- Anh Hà Văn D, sinh năm 1977; Trú tại: Thôn H, xã K, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa; Vắng mặt (Có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào thời điểm từ tháng 5/2022 đến tháng 6/2022 tình trạng giá trị tiền Kíp (tiền Lào) giảm mạnh so với tiền Việt Nam, việc mua hàng hóa từ Lào bằng tiền Kíp Lào mang về Việt Nam bán thu tiền Việt sẽ có lãi. Lợi dụng tình hình trên, Hà Văn Th, sinh năm 1984, trú tại bản N, xã N, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã nảy sinh ý định buôn lậu trâu, bò từ nước Lào về Việt Nam bán kiếm lời. Th đã sử dụng điện thoại thông minh, thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo kết nối với 02 đối tượng người Lào có tên Khen Son, Khơ Ly (theo phiên âm tiếng việt) và đặt vấn đề mua bò với những người này. Sau khi kết nối và thống nhất, các đối tượng người Lào khi tìm được bò sẽ quay phim, chụp ảnh gửi cho Th qua địa chỉ mạng xã hội để Thức xem và thống nhất giá cả. Khi thống nhất được giá cả Th lại gửi hình ảnh những con bò do các đối tượng người Lào vừa gửi cho anh Hà Văn D, sinh năm 1977, trú tại thôn H, xã K, huyện Bá Thước (D chuyên hành nghề mua bán trâu, bò) để bán lại số bò đã đặt mua từ Lào cho D. Do không có sẵn tiền nên sau khi thống nhất được giá cả với anh Hà Văn D, Th thường yêu cầu anh D chuyển tiền trước qua tài khoản ngân hàng của Đỗ Thị Gi, sinh năm 1991 là người cùng bản N với Th để Th đổi sang tiền Kíp Lào từ Đỗ Thị Gi để thuận lợi cho việc mua bò từ bên Lào.

Với phương thức trên Hà Văn Th đã thực hiện trót lọt nhiều lần mua bò của các đối tượng bên Lào, đưa trái phép qua biên giới tại khu vực đường mòn qua suối Xôi (cách cửa khẩu Quốc tế Na Mèo khoảng 1,5km về hướng bắc) sang Việt nam bán kiếm lời, cụ thể như sau:

- Vào khoảng cuối tháng 5/2022 mua của Khơ Ly hai lần tổng cộng 06 (sáu) con bò (một lần 04 con, một lần 02 con) và bán lại cho anh Hà Văn D, số tiền cụ thể cả anh D và Th không nhớ cụ thể. Số bò này anh D đã bán cho một người không rõ địa chỉ cụ thể.

- Vào khoảng đầu tháng 6/2022, Th tiếp tục mua của Khơ Ly 05 con bò với số tiền 60.000.000 kíp (sáu mươi triệu kíp - tương đương khoảng hơn 90.000.000 VNĐ), nuôi nhốt tại chuồng bò nhà mình. Đến khoảng giữa tháng 6/2022 Th bán lại 05 (năm) con bò trên cho anh Hà Văn Sá với giá 97.000.000đ (chín mươi bảy triệu đồng). Khi mua bò của Th, anh S đã chuyển số tiền 50.000.000đ (năm mươi triệu đồng) vào số tài khoản của anh Lê Xuân N, sinh năm 1973, trú tại bản N, xã N (Số tài khoản của anh N do Th cung cấp cho anh S để anh S chuyển tiền) để Th đổi lấy tiền kíp Lào của anh N. Số tiền còn lại anh S đưa trực tiếp cho Th.

- Vào giữa tháng 6/2022, Hà Đình Ch, sinh năm 1983 là người cùng bản N và là hàng xóm của Th. Biết Th hay mua bò bên Lào về Việt Nam bán kiếm lời nên Ch đã xin Th làm cùng. Th đồng ý và yêu cầu Ch chuẩn bị tiền để góp vốn, khi cần sẽ dùng để mua bò. Việc tìm đầu vào và đầu ra để mua bán bò cũng như thống nhất giá cả là do Th đảm nhiệm, Ch ngoài việc chuẩn bị tiền còn tham gia đi dắt bò từ khu vực biên giới về theo sự phân công của Th, lỗ, lãi sẽ chia 50/50. Th liên lạc với Khen Son, Khơ Ly qua mạng xã hội đặt mua 08 (tám) con bò. Chiều tối ngày 21/6/2022 khi nhận được thông tin từ phía Khơ Ly đã mang bò đến khu vực biên giới suối Xôi, Th gọi điện cho Ch mang tiền ra khu vực suối Xôi để nhận bò. Ch mang theo 64.000.000đ (sáu mươi tư triệu đồng) tiền của mình ra khu vực suối Xôi đưa cho Khơ Ly và nhận 04 (bốn) con bò, sau đó dắt 04 (bốn) con bò về chuồng bò nhà Th để tập kết. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, khi Th về đến nhà thì nhận được điện thoại của Khen Son, Th tự mình ra khu vực Ch đã nhận bò trước đó nhận 04 (bốn) con bò và đưa cho Khen Son số tiền 39.650.000 kíp (ba mươi chín triệu sáu trăm năm mươi nghìn kíp - tương đương khoảng 50.000.000 VNĐ). Th đưa bò về chuồng nhà mình nhốt cùng 04 (bốn) con bò mà Ch đã mang về trước đó. Sau khi mua được bò, Th đã gọi điện thoại cho anh Hà Văn D lên lấy 08 (tám) con bò với giá đã thỏa thuận trước đó là 135.000.000đ (một trăm ba mươi lăm triệu đồng). Sáng ngày 22/6/2022 anh D điều khiển xe Ô tô tải BKS: 36H-000xx đến nhà Th, tại đây Th và Ch dắt bò lên xe cho anh D, anh D đưa cho Th số tiền 9.000.000đ (chín triệu đồng), còn nợ lại 26.000.000 đ (hai mươi sáu triệu đồng) hẹn thanh toán sau (trước đó anh D đã chuyển trước cho Th số tiền 100.000.000đ (một trăm triệu đồng), gồm đưa trực tiếp 02 lần, một lần 43.000.000đ (bốn mươi ba triệu đồng), một lần 7.000.000đ (bảy triệu đồng) và chuyển qua tài khoản chị Đỗ Thị Gi 50.000.000đ). Trưa cùng ngày, Ch lên nhà Th, Th trả lại cho Ch 64.000.000đ (sáu mươi tư triệu đồng) mà Ch đã bỏ ra để mua 04 (bốn) con bò và đưa cho Ch thêm 1.600.000đ (một triệu sáu trăm nghìn đồng) tiền lời từ việc mua bán 08 (tám) con bò (tổng lãi được 3.200.000đ).

Để phục vụ quá trình điều tra, ngoài việc thu giữ 08 (tám) con bò, 01 xe ô tô BKS: 36H-000xx, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quan Sơn còn tạm giữ của Hà Văn D 01 điện thoại di động Iphone 11 màu trắng, tạm giữ của Hà Văn Th 01 điện thoại di động màu đen, nhãn hiệu OPPO, số IMEL 1: 866892050713018, số IMEL 2: 8668920500713000, tạm giữ của Hà Đình Ch 01 điện thoại di động màu đen, nhãn hiệu OPPO A54 số IMEL 1: 862892052277891, số IMEL 2: 86289205277883.

Tại bản kết luận định giá tài sản số: 06/2022 - BB-HĐĐG ngày 04/7/2022 của HĐĐGTS huyện Quan Sơn kết luận:

- 08 (tám) con bò Hà Văn D mua của Hà Văn Th và Hà Đình Ch (được đánh số từ D1 đến D8 và đeo số 04, 05, 08, 09, 10, 17, 23, 24) có tổng trị giá 126.910.000đ (một trăm hai mươi sáu triệu chín trăm mười nghìn đồng).

- 05 (năm) con bò Hà Văn Th bán cho Hà Văn S (được đánh số 07, 14, 18, 20, 25) có tổng giá trị 91.490.000đ (chín mươi mốt triệu bốn trăm chín mươi nghìn đồng).

Tại Cơ quan CSĐT Công an huyện Quan Sơn, Hà Văn Th và Hà Đình Ch đã thừa nhận cùng nhau mua 08 (tám) con bò của các đối tượng người Lào từ bên nước CHDCND Lào đưa trái phép qua biên giới tại khu vực đường mòn qua suối Xôi (cách cửa khẩu Quốc tế Na Mèo khoảng 1,5km về hướng bắc) vào ngày 21/6/2022 về Việt Nam để bán kiếm lời.

Ngoài việc cùng với Hà Đình Ch mua trái phép 08 (tám) con bò từ bên nước CHDCND Lào vào ngày 21/6/2022, Hà Văn Th còn thực hiện thêm 03 lần mua bò trái phép từ nước CHDCND Lào về Việt Nam với tổng số 11 (mười một) con; Cụ thể: Lần thứ nhất 04 (bốn) con, lần thứ hai 02 (hai) con. Hai lần này, ngoài lời khai của Hà Văn Th và Hà Văn D, Cơ quan CSĐT không thu giữ được tang vật nên không có cơ sở để xử lý Hà Văn Th đối với những lần vi phạm trên. Đối với lần thứ ba Hà Văn Th mua 05 (năm) con bò (trị giá 91.490.000đ - Theo bản kết luận định giá tài sản số 06/2022 - BB-HĐĐG ngày 04/7/2022 của HĐĐGTS huyện Quan Sơn) và đã bán cho Hà Văn S. Lần vi phạm này chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, do đó Cơ quan CSĐT Công an huyện Quan Sơn đã chuyển lần vi phạm này của Hà Văn Th đến UBND tỉnh Thanh Hóa để xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

Đối với những đồ vật thu giữ của anh Hà Văn D gồm: 01 Ô tô tải BKS:

36H-000xx và 01 điện thoại di động Iphone 11 màu trắng, do không phải vật chứng của vụ án nên đã được Cơ quan CSĐT Công an huyện Quan Sơn trả lại cho Hà Văn D theo quy định.

Vật chứng của vụ án gồm:

- 01 (Một) điện thoại di động màu đen, nhãn hiệu OPPO, số IMEL 1: 866892050713018, số IMEL 2: 8668920500713000.

- 01 (một) điện thoại di động màu đen, nhãn hiệu OPPO A54, số IMEL 1: 862892052277891, số IMEL 2: 86289205277883.

(Số vật chứng trên hiện đang được lưu giữ tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Quan Sơn để xử lý theo quy định).

- Đối với 08 (tám) con bò thu giữ là vật chứng của vụ án, do khó bảo quản nên đã được tiến hành bán đấu giá để sung vào ngân sách nhà nước.

Về trách nhiệm dân sự: Anh Hà Văn D yêu cầu Hà Văn Th trả lại số tiền 109.000.000đ (một trăm linh chín triệu đồng) mà anh D đã chuyển cho Th để mua 08 (tám) con bò; Anh Hà Văn S yêu cầu Hà Văn Th trả lại số tiền 97.000.000đ (chín mươi bảy triệu đồng) mà S đã chuyển cho Th để mua 05 (năm) con bò. Hiện nay, Hà Văn Th vẫn chưa hoàn trả số tiền trên cho anh D và anh S.

Tại bản Cáo trạng số: 16/CT-VKSQS, ngày 02/10/2022, Viện kiểm sát nhân dân huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa (VKSND) đã truy tố các bị cáo Hà Văn Th và Hà Đình Ch về tội: “Buôn lậu” quy định tại khoản 1 Điều 188 của BLHS.

Đại diện VKSND huyện Quan Sơn tại phiên tòa luận tội đối với các bị cáo vẫn giữ nguyên quyết định truy tố như Cáo trạng và đề nghị HĐXX tuyên bố các bị cáo Hà Văn Th và Hà Đình Ch phạm tội: “Buôn lậu”. Về trách nhiệm hình sự: Đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 188; Điều 17; điểm i, s khoản 1, 2 Điều 51; Điều 58; Điều 65 của BLHS, xử phạt bị cáo Hà Văn Th mức án từ 12 đến 15 tháng tù cho hưởng án treo, thời giạn thử thách từ 24 đến 30 tháng; xử phạt bị cáo Hà Đình Ch mức án từ 09 đến 12 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 18 đến 24 tháng. Về xử lý vật chứng: Áp dụng điểm a, b khoản 1 Điều 47 của BLHS; điểm a, b khoản 2, điểm c khoản 3 Điều 106 của BLTTHS để tuyên tịch thu nộp vào ngân sách nhà nước đối với: 01 (Một) điện thoại di động màu đen, nhãn hiệu OPPO, số IMEL 1: 866892050713018, số IMEL 2: 8668920500713000; 01 (một) điện thoại di động màu đen, nhãn hiệu OPPO A54, số IMEL 1: 862892052277891, số IMEL 2: 86289205277883. Số tiền 97.860.000 đồng là tiền bán vật chứng 08 (Tám) con bò. Truy thu của mỗi bị cáo số tiền 1.600.000đ là khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội. Về hình phạt bổ sung: Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo. Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Hà Văn Th phải trả lại cho anh Hà Văn D số tiền 109.000.000đ, trả lại cho anh Hà Văn S số tiền 97.000.000đ. Về án phí: Buộc các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định.

Tại phiên tòa, người bào chữa cho bị cáo thống nhất với ý kiến của Đại diện VKS về tội danh cũng như điều luật áp dụng và đề nghị HĐXX xem xét đối với các bị cáo là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, do đó khi lượng hình cần phải xem xét toàn diện các tình tiết trong vụ án, động cơ, mục đích phạm tội, vai trò của các bị cáo cũng như các tình tiết giảm nhẹ TNHS để đưa ra hình phạt vừa đảm bảo tính răn đe, đồng thời thể hiện được sự khoan hồng của pháp luật đối với người phạm tội; Đề nghị mức xử phạt đối với bị cáo Hà Văn Th từ 09 đến 12 tháng tù cho hưởng án treo; bị cáo Hà Đình Ch từ 07 đến 09 tháng tù cho hưởng án treo. Về hình phạt bổ sung và án phí: Các bị cáo là lao động tự do, công việc và thu nhập không ổn định, kinh tế gia đình khó khăn, sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn do đó đề nghị HĐXX xem xét miễn hình phạt bổ sung và miễn án phí đối với các bị cáo.

Trong quá trình điều tra, truy tố cũng như tại phiên tòa, Hà Văn Th và Hà Đình Ch đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội đúng như nội dung bản cáo trạng đã mô tả, không có ý kiến gì đối với các văn bản tố tụng hình sự, cũng như lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và các tài liệu khác thu thập được trong quá trình điều tra. Các bị cáo không có ý kiến tranh luận gì.

Lời nói sau cùng, các bị cáo đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX nhận định như sau:

[1] Về tội danh: Lời khai báo của các bị cáo tại phiên tòa hoàn toàn thống nhất với lời khai của các bị cáo trong giai đoạn điều tra, truy tố, lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Kết luận giám định và các văn bản tố tụng hình sự khác. Như vậy, có đủ cơ sở kết luận: Vào giữa tháng 6/2022, các bị cáo Hà Văn Th và Hà Đình Ch cùng bàn bạc, thống nhất mua bò bên Lào về Việt Nam bán kiếm lời. Th yêu cầu Ch chuẩn bị tiền để góp vốn, khi cần sẽ dùng để mua bò. Việc tìm đầu vào và đầu ra để mua bán bò cũng như thống nhất giá cả là do Th đảm nhiệm, Ngoài việc chuẩn bị tiền Ch còn tham gia đi dắt bò từ khu vực biên giới về theo sự phân công của Th, tiền lỗ, lãi sẽ chia 50/50. Th liên lạc với Khen Sơn, Khơ Ly qua mạng xã hội đặt mua 08 (tám) con bò. Chiều tối ngày 21/6/2022 khi nhận được thông tin từ phía Khơ Ly đã mang bò đến khu vực biên giới suối Xôi, Th gọi điện cho Ch mang tiền ra khu vực suối Xôi để nhận bò. Ch mang theo 64.000.000đ (sáu mươi tư triệu đồng) tiền của mình ra khu vực suối Xôi đưa cho Khơ Ly và nhận 04 (bốn) con bò, sau đó dắt 04 (bốn) con bò về chuồng bò nhà Th để tập kết. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, khi Th về đến nhà thì nhận được điện thoại của Khen Son, Thức tự mình ra khu vực Ch đã nhận bò trước đó nhận 04 (bốn) con bò và đưa cho Khen Son số tiền 39.650.000 kíp (ba mươi chín triệu sáu trăm năm mươi nghìn kíp - tương đương khoảng 50.000.000 VNĐ). Th đưa bò về chuồng nhà mình nhốt cùng 04 (bốn) con bò mà Ch đã mang về trước đó. Sau khi mua được bò, Th đã gọi điện thoại cho anh Hà Văn D lên lấy 08 (tám) con bò với giá đã thỏa thuận trước đó là 135.000.000đ (một trăm ba mươi lăm triệu đồng). Sáng ngày 22/6/2022 anh D điều khiển xe Ô tô tải BKS: 36H-000xx đến nhà Th, tại đây Th và Ch dắt bò lên xe cho anh D. Số tiền lời từ việc bán bò cho anh D được 3.200.000đ Th đã chia đôi cho Th và Ch mỗi bị cáo được 1.600.000đ. Tại bản kết luận định giá tài sản số: 06/2022 - BB- HĐĐG ngày 04/7/2022 của HĐĐGTS huyện Quan Sơn kết luận: 08 (tám) con bò Hà Văn D mua của Hà Văn Th và Hà Đình Ch có tổng trị giá 126.910.000đ (một trăm hai mươi sáu triệu chín trăm mười nghìn đồng). Hành vi của các bị cáo Hà Văn Th và Hà Đình Ch đã phạm vào tội “Buôn lậu” quy định tại khoản 1 Điều 188 của BLHS. Như vậy, VKSND huyện Quan Sơn đã truy tố các bị cáo Hà Văn Th và Hà Đình Ch về tội: “Buôn lậu” quy định tại khoản 1 Điều 188 của BLHS là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[2] Xét tính chất của vụ án là ít nghiêm trọng, hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm đến việc quản lý ngoại thương. Về ý thức chủ quan, các bị cáo nhận thức được việc buôn lậu là vi phạm pháp luật, nhưng thấy việc buôn lậu dễ kiếm tiền trước mắt nên các bị cáo đã liên kết với nhau, cùng góp vốn đi mua bò để bán kiếm lời. Hành vi của các bị cáo đã xâm hại đến nền kinh tế đất nước, gây thất thu cho Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, trị an tại địa phương, loại tội phạm này trong thời gian gần đây có xu hướng gia tăng và xảy ra gần biên giới, đường biên dài, đường mòn lối mở nhiều, lợi dụng sự sơ hở của cơ quan chức năng để buôn bán kiếm tiền bất chính, gây nhiều bức xúc trong nhân dân, việc có hình phạt nghiêm đối với bị cáo để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật là rất cần thiết.

Phân hóa vai trò phạm tội trong vụ án thấy rằng: Trong vụ án này Hà Văn Th là người chủ mưu, trực tiếp đảm nhiệm việc liên lạc, tìm kiếm người bán, người mua bò, thống nhất về giá cả, chuẩn bị địa điểm tập kết bò. Do đó, Th giữ vai trò số một trong vụ án. Bị cáo Hà Đình Ch chuẩn bị tiền và cũng tham gia đi dắt bò. Do đó, Ch có vai trò thứ hai trong vụ án. Các bị cáo không có sự bàn bạc, phân vai, phân việc chặt chẽ, nên chỉ xác định là đồng phạm giản đơn.

[3] Xét nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với các bị cáo:

* Về nhân thân: Các bị cáo Hà Văn Th và Hà Đình Ch là người có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, không có tiền án, tiền sự.

* Tình tiết giảm nhẹ TNHS: Trong quá trình điều tra, truy tố cũng như tại phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Các bị cáo đều được chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận việc chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước. Ngoài ra bị cáo Th có bố đẻ là ông Hà Huy Ch là người có công với đất nước và được tặng thưởng: “Huy chương kháng chiến hạng nhất”, “Huân chương kháng chiến hạng ba” và “Huân chương chiến sĩ vẻ vang”. Do đó, các bị cáo được hưởng các tình tiết giảm TNHS quy định tại điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của BLHS.

* Tình tiết tăng nặng TNHS: Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng TNHS. [4] Về hình phạt: Với tính chất vụ án và hành vi phạm tội, các bị cáo đều có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS; có nơi cư trú ổn định. Vì vậy, không cần thiết phải cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 65 của BLHS, cho các bị cáo được cải tạo tại địa phương, dưới sự giám sát của chính quyền địa phương nơi các bị cáo cư trú cũng đủ điều kiện để các bị cáo cải tạo trở thành công dân sống có ý thức tuân theo pháp luật, có ích cho gia đình và xã hội, đồng thời để giáo dục và phòng ngừa chung.

Về hình phạt bổ sung: Các bị cáo là lao động tự do, công việc và thu nhập không ổn định; Chính quyền địa phương xác nhận gia đình đang khó khăn về kinh tế, hiên đang nuôi con nhỏ ăn học. Do đó, không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo.

[5] Về trách nhiệm dân sự: Anh Hà Văn D yêu cầu Hà Văn Th trả lại số tiền 109.000.000đ; Anh Hà Văn S yêu cầu Hà Văn Th trả lại số tiền 97.000.000đ. Hiện nay, Hà Văn Th vẫn chưa hoàn trả số tiền trên cho anh D và anh S. Do đó, bị cáo Hà Văn Th phải có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền trên cho anh D và anh S là phù hợp. [6] Về xử lý vật chứng:

- 01 (Một) điện thoại di động màu đen, nhãn hiệu OPPO, số IMEL 1: 866892050713018, số IMEL 2: 8668920500713000 của Hà Văn Th.

- 01 (một) điện thoại di động màu đen, nhãn hiệu OPPO A54, số IMEL 1: 862892052277891, số IMEL 2: 86289205277883 của Hà Đình Ch.

Hai chiếc điện thoại nêu trên đều là phương tiện các bị cáo đã trực tiếp sử dụng vào việc phạm tội nên cần tịch thu nộp vào ngân sách nhà nước là phù hợp. (Số vật chứng trên hiện đang được lưu giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quan Sơn để xử lý theo quy định).

- Tịch thu sung vào ngân sách nhà nước số tiền: 97.860.000 đồng (Chín mươi bảy triệu tám trăm sáu mươi nghìn đồng) là tiền bán vật chứng 08 (Tám) con bò (Số tiền này hiện đang được tạm giữ trong số tài khoản tạm giữ của Phòng Tài chính - Kế hoạch UBND huyện Quan Sơn, số tài khoản 39411061xxx).

[7] Về các tình tiết liên quan đến vụ án:

- Số tiền lời từ việc bán bò cho anh D được 3.200.000đ (Ba triệu hai trăm nghìn đồng), các bị cáo đã chia nhau mỗi bị cáo được nhận 1.600.000đ (Một triệu sáu trăm nghìn đồng). Đây là khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội, các bị cáo vẫn chưa giao nộp lại nên cần truy thu nộp vào ngân sách nhà nước là phù hợp.

- Đối với Hà Văn D là người trực tiếp mua 08 (tám) con bò của Hà Văn Th và Hà Đình Ch. Khi mua bò Hà Văn D không biết bò do Th và Ch nhập lậu nên không xử lý Hà Văn D là phù hợp.

- Đối với Hà Văn S mua của Hà Văn Th 05 (năm) con bò, S không biết bò do Th nhập lậu nên không xử lý Hà Văn S là phù hợp.

- Đối với Đỗ Thị Gi và Lê Xuân N là những người nhận chuyển tiền từ Hà Văn D, Hà Văn Sá cho Hà Văn Th. Do Gi và N sống ở khu vực biên giới, thường xuyên giao dịch với người nước Lào, nên có tích lũy tiền Kíp Lào, không hoạt động kinh doanh, đổi tiền. Bản thân Gi, N không biết mục đích chuyển tiền của Th nên Cơ quan điều tra không đủ căn cứ để xử lý về hành vi đổi ngoại tệ của Gi và N.

- Đối với hai người Lào tên Khe Son và Khơ Ly đã bán bò cho Hà Văn Th và Hà Đình Ch, do không xác định được địa chỉ, tên, tuổi chính thức nên chưa đủ căn cứ xử lý, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quan Sơn tiếp tục điều tra nếu có căn cứ sẽ xử lý sau.

[8] Về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của BLTTHS. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiền hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[9] Về án phí: Các bị cáo phải chịu án phí HSST theo quy định của pháp luật.

Đối với án phí DSST: Bị cáo Hà Văn Th là đối tượng thuộc hộ cận nghèo (Có Giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo) và đã có đơn đề nghị miễn án phí DSST.

Do đó, cần xem xét miễn tiền án phí DSST cho bị cáo Th là phù hợp.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 188; Điều 17; điểm a, b khoản 1 Điều 47; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58; Điều 65 của Bộ luật hình sự. Điểm a, b khoản 2, điểm c khoản 3 Điều 106; khoản 2 Điều 135; khoản 2 Điều 136; Điều 331; Điều 333 của Bộ luật tố tụng hình sự. Điểm đ khoản 1 Điều 12; điểm a khoản 1 Điều 23 và danh mục án phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

* Tuyên bố: Các bị cáo Hà Văn Th và Hà Đình Ch phạm tội: “Buôn lậu”.

* Xử phạt:

- Bị cáo Hà Văn Th 12 (Mười hai) tháng tù, cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 24 (Hai mươi bốn) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

- Bị cáo Hà Đình Ch 09 (Chín) tháng tù, cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 18 (Mười tám) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao các bị cáo Hà Văn Th và Hà Đình Ch cho UBND xã N, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy đinh của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 92 Luật thi hành án hình sự.

* Về xử lý vật chứng:

- Tịch thu nộp ngân sách nhà nước gồm:

+ 01 (Một) điện thoại di động màu đen, nhãn hiệu OPPO, số IMEL 1: 866892050713018, số IMEL 2: 8668920500713000.

+ 01 (một) điện thoại di động màu đen, nhãn hiệu OPPO A54, số IMEL 1: 862892052277891, số IMEL 2: 86289205277883.

(Số vật chứng trên hiện đang được quản lý tại Chi cục THADS huyện Quan Sơn, theo Biên bản giao nhận vật chứng, tài sản ngày 04/10/2022).

+ Số tiền: 97.860.000 đồng (Chín mươi bảy triệu tám trăm sáu mươi nghìn đồng) là tiền bán vật chứng 08 (Tám) con bò.

(Số tiền này hiện đang được tạm giữ trong số tài khoản tạm giữ của Phòng Tài chính - Kế hoạch UBND huyện Quan Sơn, số tài khoản 39411061xxx).

- Truy thu của Hà Văn Th số tiền 1.600.000đ (Một triệu sáu trăm nghìn đồng) và của Hà Đình Ch số tiền 1.600.000đ (Một triệu sáu trăm nghìn đồng) để nộp vào ngân sách nhà nước.

* Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ vào các Điều 584; 585 và 589 của Bộ luật dân sự. Buộc Hà Văn Th phải hoàn trả cho anh Hà Văn D số tiền 109.000.000đ (một trăm linh chín triệu đồng); Hoàn trả cho anh Hà Văn S số tiền 97.000.000đ (chín mươi bảy triệu đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án, nếu người phải thi hành án không thi hành, thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 và khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

* Về án phí: Các bị cáo Hà Văn Th và Hà Đình Ch mỗi bị cáo phải nộp 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

Miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm cho bị cáo Hà Văn Th.

* Về quyền kháng cáo: Các bị cáo; Người bào chữa; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt (Hà Văn S) có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt (Hà Văn D) có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7,7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

57
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội buôn lậu số 17/2022/HS-ST

Số hiệu:17/2022/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Quan Sơn - Thanh Hoá
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 16/11/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: [email protected]
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;