TÒA ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ PHỔ YÊN, TỈNH THÁI NGUYÊN
BẢN ÁN 114/2021/HSST NGÀY 27/08/2021 VỀ TỘI BẮT, GIỮ NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT VÀ CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 27/8/2021, tại trụ sở Toà án nhân dân thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 109/2021/TLST-HS ngày 28 tháng 7 năm 2021, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số:119/2021/QĐXX ngày 12/8/2021, đối với bị cáo:
Họ và tên: Ma Văn V; Tên gọi khác: Không, sinh ngày 22/8/1984 Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: thôn Ngọc Minh, xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Tày; Tôn giáo: Không. Trình độ văn hoá: 8/12; Nghề nghiệp: Lao động tự do. Con ông: Con ông Ma Văn C (đã chết) và bà Ma Thị Ư (sinh năm 1953, trú tại: thôn Ngọc Minh, xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang). Bị cáo có ba chị em, Võ là con thứ hai; Có vợ là: Phùng Thị Đ (đã ly hôn năm 2020), vợ chồng có 02 con (lớn sinh năm 2007, nhỏ sinh năm 2010).
Tiền án, tiền sự: Không.
Nhân thân: Năm 2019, Công an huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang xử phạt hành chính số tiền 1.500.000 đồng về hành vi “Đánh bạc” tại Quyết định số 120/QĐ-XPVPHC ngày 11/4/2019.
Biện pháp ngăn chặn: Ma Văn V được áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” đến ngày 07/5/2021 được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú bằng biện pháp “Tạm giam” đến nay tại Nhà tạm giữ Công an thị xã Phổ Yên . Có mặt tại phiên tòa.
Người bào chữa cho bị cáo Ma Văn Võ: Bà Nguyễn Thị Dung – Trợ giúp viên Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thái Nguyên – Có mặt tại phiên toà.
* Bị hại: Chị Phùng Thị Đ, sinh năm 1983 – Có đơn xin xét xử vắng mặt.
ĐKHKTT: Thôn Vằng Áng, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang
* Người làm chứng:
1. Anh Hoàng Văn S, sinh năm 1973 ĐKHKTT: Thôn Nà Thom, xã Khuân Hà, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang 2. Ông Phùng Văn P, sinh năm 1953 ĐKHKTT: Thôn Vằng Áng, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang 3. Bà Triệu Thị N, sinh năm 1954 ĐKHKTTT: Thôn Vằng Áng, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang 4. Anh Nguyễn Văn T, sinh năm 1986 ĐKHKTT: Xóm Liên Minh, xã Hồng Tiến , thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên.
(Đều vắng mặt tại phiên toà)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Chị Phùng Thị Đ (Sinh năm 1983; trú tại thôn Vằng Áng, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) và Ma Văn V trước đây là vợ chồng, nhưng đã được Tòa án nhân dân huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang giải quyết ly hôn, tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thỏa thuận của các đương sự số: 187/2020/QĐST-HN&GĐ ngày 01/9/2020. Chị Đ hiện làm công nhân cho khu công nghiệp Samsung tại thị xã Phổ Yên, trước ngày 20/9/2020 chị Đ về gia đình chơi và thăm các con, đến khoảng 17 giờ ngày 20/9/2020, chị Đ bắt xe khách từ Tuyên Quang đi đến thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên để làm việc. Khi xe ô tô khách chở chị Đào đi đến khu vực thôn Bợ 2, xã Bình Xa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang thì Ma Văn V điều khiển xe mô tô đuổi theo và chặn xe khách lại (do Võ nghe con trai lớn nói chuyện mẹ đang bắt xe khách đi làm). Sau đó, Võ lên xe bảo với anh Hoàng Văn S (Sinh năm 1973; trú tại thông Nà Thom, xã Khuân Hà, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, lái xe ô tô khách) là đi tìm vợ. Khi lên xe Võ nhìn qua một lượt rồi đi từ đầu xe đến cuối xe nhưng chưa tìm thấy chị Đ, sau đó V lấy điện thoại ra gọi vào số điện thoại của chị Đ thì phát hiện chị Đào đang ngồi ở gần cửa lên xuống xe. Võ yêu cầu chị Đ xuống xe nhưng chị Đ không xuống. V chửi chị Đ rồi cầm vào cổ tay trái của chị Đ kéo xuống nhưng chị Đ bám tay phải vào chân ghế làm Võ không kéo đuợc. V cầm mũ bảo hiểm bằng tay phải định đánh chị Đào thì anh Sửu đi đến can ngăn lại. V tiếp tục chửi chị Đào rồi túm tóc chị Đào kéo mạnh để chị Đào xuống xe. Do bị V kéo mạnh nên khi chị Đ xuống xe không bước kịp bậc lên xuống ở cửa xe đã bị ngã úp mặt xuống đường. V không túm tóc chị Đ nữa, chị Đ đứng dậy đòi đi lên xe ô tô khách thì V đứng trước cửa xe chặn lại đồng thời lấy một con dao từ trong người ra và nói “Mày lên xe ô tô thì tao đâm mày chết”. Ngay lúc đó anh S đã giằng lấy con dao V đang cầm trên tay rồi anh Sửu kiểm tra xem trên người Võ còn có đồ vật nào khác không nhưng không thấy vật gì. V bảo anh Sửu lái xe đi trước, anh S cầm theo con dao và điều khiển xe ô tô đi tiếp, khi đến qua cầu Bợ thì anh Sửu đã ném con dao xuống sông. Lúc này chỉ còn lại V và chị Đ, V bắt chị Đ phải đi cùng xe máy với V đến thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên nhưng chị Đ không đồng ý. Võ cúi xuống nhặt một hòn đá ở dìa đường cầm trên tay phải nói với chị Đ “Mày không đi lên xe theo tao, tao cho mày cục đá vào đầu luôn”. Do sợ bị Vđánh nên chị Đ buộc phải đồng ý đi cùng V. V cầm túi xách, điện thoại của chị Đ rồi bắt chị Đào ngồi lên xe mô tô có biển kiểm soát 22F1-198.91 đi cùng V. Khi đến phòng trọ của Vở xóm Liên Minh, xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, Võ dắt xe mô tô vào trong phòng trọ, V bảo chị Đ đi vào phòng nhưng chị Đ không vào mà ngồi ở trước cửa ra vào. V đẩy chị Đ vào phòng rồi chốt cửa lại. Tại đây, V bắt chị Đ phải ở lại phòng trọ của V qua đêm, chị Đ do sợ hãi nên không phản ứng gì. Quá trình ở tại phòng trọ, V thấy điện thoại của chị Đ có tin nhắn của nick Zalo “Anh Đ” gửi đến. Do ghen tuông nên V đã yêu cầu chị Đào cởi áo để Võ chụp ảnh, chị Đ không đồng ý thì bị V đánh và yêu cầu chị Đào phải cởi áo để chụp ảnh. Chị Đ tự cởi áo ra, sau đó V có chụp ảnh V đang ôm chị Đ bằng điện thoại của chị Đ (chỉ chụp từ phần cổ trở lên) và gửi cho người có nick Zalo “Anh Đ” thì người này chặn tin nhắn. Khoảng 10 phút sau, khi Võ nằm trên giường phía bên phải chị Đ, lúc này chị Đ đang trong tình trạng không mặc áo và nằm ngửa. Võ đã nảy sinh ý định quan hệ tình dục với chị Đ. Võ dùng tay cởi hết quần của chị Đào rồi nằm úp lên người chị Đào để quan hệ tình dục. Quá trình V cởi quần và quan hệ tình dục với chị Đ, chị Đ không có phản kháng và đồng thuận với V. Trong thời gian từ 23 giờ ngày 20/9/2020 đến khoảng 06 giờ ngày 21/9/2020, V đã 03 (ba) lần có hành vi giao cấu với chị Đ, việc V giao cấu với chị Đ được chị Đ đồng ý, không có sự cưỡng ép, đe dọa.
Đến khoảng hơn 06 giờ ngày 21/9/2020, chị Đ yêu cầu V trả điện thoại và túi xách cho chị Đ để chị Đ đi vào Công ty làm việc nhưng V không trả mà bảo chị Đ muốn đi làm thì phải đưa chứng minh nhân dân, thẻ ra vào công ty, điện thoại và thẻ ATM cho Vvà nói với chị Đào “Bây giờ mày không đưa thẻ để tao đi rút tiền thì tao giết mày rồi tao về đầu thú”. Sau đó Võ bắt chị Đ đọc mật khẩu của thẻ ATM để Võ đi rút tiền. Do sợ bị Võ đánh nên chị Đ đã thực hiện theo yêu cầu của V. Chị Đ đã đọc sai mật khẩu thẻ ATM cho Võ là “198483” nhưng do trước đó V đã biết được mật khẩu thật là “198384”. V cầm thẻ ATM và điện thoại của chị Đ đi rút tiền. Trước khi đi V không khóa cửa phòng trọ, V yêu cầu chị Đ ở lại phòng trọ và không được báo Công an. Sau đó, Võ để lại cho chị Đ một chiếc điện thoại di động rồi bỏ đi. Khoảng 05 phút V quay lại kiểm tra, thấy chị Đ vẫn ở trong phòng trọ thì V mới đi rút tiền. Thấy V đi rồi, chị Đ ra ngoài nhờ người đưa đến kí túc xá Samsung để đi làm. Võ đi tìm cây ATM để rút tiền và đã sử dụng thẻ ATM của ngân hàng Vietcombank mang tên Phùng Thị Đ rút làm 10 lần mỗi lần 2.000.000 đồng được tổng số tiền 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng) tại cây ATM thuộc khu vực gần Công ty Samsung. Đến khoảng 11 giờ 40 phút cùng ngày Vgọi điện cho chị Đ ra cổng ký túc xá Samsung để đưa tài sản đã lấy của chị Đ và đưa cho chị Đ số tiền 1.000.000 đồng (Một triệu đồng). Chị Đ kiểm tra tài khoản thấy trong thẻ ATM bị rút mất số tiền 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng). Sau đó chị Đ đã gọi điện cho V để đòi tiền nhưng V không trả lại. Cùng ngày 21/9/2020, chị Đ đã đến Công an xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên trình báo sự việc như trên. Đến ngày 24/9/2020, sau khi biết chị Đ đã trình báo cơ quan Công an, V mang số tiền 19.000.000 đồng (Mười chín triệu đồng) sang trả lại cho bố mẹ đẻ của chị Đ là ông Phùng Vinh P (sinh năm 1953) và bà Triệu Thị N (sinh năm 1954, cùng trú tại: Thôn Vằng Áng, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang). Sau đó ông Phú đã chuyển cho chị Đ 1.000.000 đồng (Một triệu đồng) để chị Đ lấy tiền chi tiêu còn lại 18.000.000 đồng (Mười tám triệu đồng) ông P đã giao nộp cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Phổ Yên để giải quyết.
Để có cơ sở xác định việc chị Đ bị giao cấu và tỷ lệ thương tích của chị Đào ngày 21/9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Phổ Yên đã trưng cầu giám định số 324/CSĐT yêu cầu Trung tâm pháp y tỉnh Thái Nguyên giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên đối với chị Phùng Thị Đ và Quyết định số 323/CSĐT yêu cầu Trung tâm pháp y tỉnh Thái Nguyên giám định pháp y tình dục và tại thời điểm giám định xác định chị Đ có thai hay không? Tại bản Kết luận giám định số 74/TD ngày 23/9/2020 của Trung tâm pháp y Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên kết luận:
Các dấu vết thu thập được: Màng trinh có vết rách cũ tại vị trí 3h, 9h. Trong dịch âm đạo tìm thấy hình ảnh tinh trùng và xác tinh trùng trên tiêu bản soi tươi. Hiện tại Phùng Thị Đ không có thai.
Tại bản kết luận giám định số 507/TgT ngày 23/9/2020 của Trung tâm pháp y Sở y tế tỉnh Thái Nguyên kết luận:
1. Dấu hiệu chính qua giám định: Hiện tại không có dấu vết của thương tích.
2.Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 0% (Không phần trăm).
Tiến hành xác minh tại ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Thái Nguyên xác định được, vào ngày 21/9/2020, số tài khoản 0821000169190 mang tên Phùng Thị Đ (sinh ngày 10/9/1983, địa chỉ: Minh Quang, Chiêm Hóa, Tuyên Quang) có thực hiện 10 giao dịch rút tiền tại cây ATM mỗi lần rút 2.000.000 đồng.
Về trách nhiệm dân sự: Ma Văn V đã trả lại đủ cho chị Đào số tiền 20.000.000 đồng, chị Đ không có yêu cầu đề nghị bồi thường gì thêm.
Vật chứng vụ án: 01 mô tô biển kiểm soát 22F1-198.91 cùng mũ bảo hiểm là phương tiện, công cụ Võ sử dụng vào việc phạm tội. Quá trình xác minh xác định được chiếc xe mô tô và mũ bảo hiểm trên thuộc sở hữu của anh Ma Văn T (Sinh năm 1987; trú tại thôn Đon Mệnh, xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) là em trai của Võ. Khi Võ sử dụng xe của anh T , anh T không được biết V sử dụng vào việc phạm tội nên Cơ quan điều tra không tạm giữ chiếc xe nói trên. Đối với 01 con dao V dùng để dọa chị Đ là dao dạng sắt dài khoảng 10cm màu đen đã bị anh Hoàng Văn S lấy được và vứt xuống sông, đến nay không truy tìm được.
Với nội dung nêu trên Tại bản cáo trạng số 114/CT - VKSPY ngày 27 tháng 7 năm 2021 của Viện kiểm sát nhân dân thị xã Phổ Yên đã truy tố Ma Văn V về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” theo khoản 1 Điều 157 Bộ luật hình sự và tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 170 Bộ luật hình sự (BLHS).
Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố luận tội và tranh luận:
Giữ nguyên quyết định đối với bị cáo về tội danh như nội dung bản cáo trạng đã truy tố.
Nhân thân: Bị cáo chưa có tiền án, tiên sự nhưng có nhân thân xấu: Năm 2019, Công an huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang xử phạt hành chính số tiền 1.500.000 đồng về hành vi “Đánh bạc” tại Quyết định số 120/QĐ-XPVPHC ngày 11/4/2019.
Tình tiết tăng nặng TNHS: Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng TNHS nào tại Điều 52 BLHS.
Tình tiết giảm nhẹ được hưởng: Bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là “Người phạm tội tự nguyện bồi thường thiệt hại” và “Người phạm tội thành khẩn khai báo” quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự Từ những căn cứ nêu trên: Đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo Ma Văn Võ tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” và tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Đề nghị hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 157; khoản 1 Điều 170, điểm b, s khoản 1 Điều 51; Điều 38, Điều 55 BLHS, xử phạt bị cáo Ma Văn Võ từ 9 – 12 tháng tù về tội ”Bắt, giữ người trái pháp luật, từ 18 – 24 tháng tù về tội ”Cưỡng đoạt tài sản”. Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho hai tội từ 27 - 36 tháng tù.
Hình phạt bổ sung: Đề nghị không áp dụng do bị cáo là lao động tự do không có tài sản, không có thu nhập.
Về án phí và quyền kháng cáo:bị cáo được miễn án phí theo quy định; bị cáo , bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được quyền kháng cáo bản án theo quy địnhcủa pháp luật.
Đề nghị HĐXX cân nhắc mức án để ra quyết định đúng pháp luật.
Phần tranh tụng:
*Ý kiến tranh luận cũng như bào chữa của trợ giúp viên đối với bị cáo Về tội danh Viện kiểm sát truy tố đối với bị cáo Ma Văn V về hai tội là hoàn toàn có căn cứ. Tuy nhiên, tại phiên toà hôm nay bị cáo đã thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội. Căn cứ nhân thân điều kiện hoàn cảnh của bị cáo phạm ội do động cơ, mục đích bị ức chế kéo dài đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáp hưởng mức án thấp nhất khung hình phạt đối với hai tội, ngoài ra đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ khác tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự do người bị hại cũng có lỗi và bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
*VKS đối đáp tranh luận:
Về ý kiến bào chữa của trợ giúp viên cho bị cáo V Viện kiểm sát không chấp nhận vì mức án VKS đề nghị với HĐXX đã là đầu khung hình phạt; còn đối với tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự trợ giúp viên đề nghị cũng không được chấp nhận, bởi người bị hại không có lỗi khi bị hại có quan hệ bạn bè với người khác là lúc bị cáo và bị hại đã chấm dứt quan hệ vợ chồng, tại giai đoạn điều tra chị Đ không đề nghị cơ quan điều tra xem xét đối với tội hiếp dâm vì cho rằng chị quan hệ tình dục với bị cáo là tự nguyện chứ không phải có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Kết thúc phần tranh tụng bị cáo, người bào chữa của bị cáo và đại diện VKS thị xã Phổ Yên không đưa ra quan điểm đối đáp, tranh luận gì thêm.
Lời nói sau cùng của các bị cáo trước khi HĐXX nghị án: Bị cáo đã thấy việc làm của mình là vi phạm pháp luật, bị cáo xin HĐXX cho hưởng mức án thấp nhất.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
[1]. Thủ tục tố tụng:
[1.1]. Về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng: Trong quá trình điều tra vụ án, các quyết định và các hành vi tố tụng của Điều tra viên và Kiểm sát viên đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Tất cả các Quyết định tố tụng trong vụ án đều được lập, giao nhận cho những người tham gia tố tụng theo đúng trình tự mà pháp luật quy định. Các tài liệu, chứng cứ đã thu thập đều phản ánh đúng sự thật khách quan của vụ án, phù hợp với diễn biến của phiên tòa và có đủ cơ sở để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện là hợp pháp.
[1.2]. Người bị hại chị Phùng Thị Đ có đơn xin xét xử vắng mặt; những người làm chứng vắng mặt tại phiên toà không có lý do. HĐXX thấy rằng, trong hồ sơ đã có lời khai thể hiện quan điểm của họ, kiểm sát viên, bị cáo cũng đề nghị xét xử vắng mặt. Xét thấy việc những người vắng mặt nhưng trong hồ sơ đã có lời khai thể hiện quan điểm của họ nên việc vắng mặt họ không gây trở ngại cho quá trình xét xử . Vì vậy, Hội đồng xét căn cứ Điều 292, 293 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS), xét xử vắng mặt họ theo quy định của pháp luật;
[1.3]. Bị cáo Ma Văn V là dân tộc thiểu số sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn của huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang được Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thái Nguyên cử người bào chữa cho bị cáo, tại phiên toà bị cáo nhất trí người bào chữa theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý và Quyết định số 861/2021/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, Khu vực II, Khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Hội đồng xét xử chấp nhận trợ giúp viên do Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thái Nguyên cử là người bào chữa cho bị cáo.
[2] Về hành vi bị truy tố và xét xử đối với bị cáo:
Tại phiên tòa, bị cáo Ma Văn V giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra. Lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của người bị hại; phù hợp với các tài liệu, chứng cứ của vụ án, HĐXX có đủ cơ sở xác định:
Ma Văn V và Phùng Thị Đ đã chấm dứt quan hệ hôn nhân kể từ ngày 01/9/2020. Tuy nhiên, V vẫn tỏ thái độ ghen tuông vô cớ đối với chị Đ , cụ thể: Khoảng 21 giờ ngày 20/9/2020, Ma Văn V đã dùng vũ lực (kéo tay, túm tóc) và sử dụng hung khí nguy hiểm (mũ bảo hiểm, dao, đá) để đe dọa chị Phùng Thị Đ bắt chị Đ phải xuống xe khách tại khu vực xóm Bợ 2, xã Bình Xa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang để đi cùng xe mô tô với V đến phòng trọ của V tại xóm Liên Minh, xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Tại phòng trọ, Võ đẩy chị Đ vào trong phòng, chốt cửa lại và giữ chị Đ ở phòng trọ của V từ khoảng 23 giờ ngày 20/9/2020 đến khoảng 07 giờ ngày 21/9/2020 (khoảng thời gian giữ chị Đ là 8 giờ), sau đó chị Đ đã bỏ trốn được ra ngoài. Cũng trong khoảng thời gian giữ chị Đ tại phòng trọ V có lời nói đe dọa uy hiếp tinh thần chị Đ làm cho chị Đ sợ bị đánh mà buộc phải đưa thẻ ATM của chị Đ và đọc mật khẩu thẻ cho V để V đi rút và chiếm đoạt số tiền 20.000.000 đồng từ thẻ ATM của chị Đ sau đó có đưa lại cho chị Đ 1.000.000 đồng để chi tiêu. Đến ngày 24/9/2020, khi biết chị Đ đã trình báo cơ quan Công an thì V mới mang số tiền trên trả lại cho bố mẹ của chị Đ .
Trong khoảng thời gian bắt, giữ chị Đào, Ma Văn V còn có hành vi quan hệ tình dục với chị Phùng Thị Đ 03 (ba) lần nhưng chị Đ xác định khi V quan hệ tình dục thì chị Đ đồng thuận và không bị Võ dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để buộc chị Đ phải giao cấu trái ý muốn. Do đó, Cơ quan điều tra không xem xét xử lý về hành vi này.
[3] Ý thức và hành vi của bị cáo thực hiện đã thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành của tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”, và “Cưỡng đoạt tài sản” tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 157 và khoản 1 Điều 170 Bộ luật hình sự. Do đó, bản cáo trạng số 114/CT - VKSPY ngày 27/7/2021 của Viện kiểm sát nhân dân thị xã Phổ Yên truy tố bị cáo Ma Văn Võ về tội danh và điều luật viện dẫn là có căn cứ, đúng pháp luật.
Cụ thể Điều luật có nội dung:
“Điều 157. Tội bắt, giữ người trái pháp luật 1. Người nào bắt, giữ… người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…” “Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản 1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm…” [5] Đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS bị cáo được hưởng:
Tội phạm do bị cáo thực hiện là nghiêm trọng đã xâm phạm đến quyền tự do thân thể, tự do cá nhân của công dân được pháp luật bảo vệ, đồng thời còn xâm phạm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của bị hại là khách thể được pháp luật hình sự Việt Nam bảo vệ, gây mất trật tự trị an tại địa phương, gây lo lắng cho quần chúng nhân dân trong việc quản lý tài sản.
Về nhân thân: Mặc dù được coi chưa có tiền án, tiền sự nhưng có nhân thân cần đề cập để HĐXX cân nhắc mức án trong khi lượng hình, đó là: Năm 2019, Công an huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang xử phạt hành chính số tiền 1.500.000 đồng về hành vi “Đánh bạc” tại Quyết định số 120/QĐ-XPVPHC ngày 11/4/2019. Bị cáo đã thực hiện nộp phạt ngày 16/4/2019.
Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo đều có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải. Sau khi phạm tội bị cáo tự nguyện hoàn trả số tiền chiếm đoạt được cho bố mẹ đẻ của bị hại. Do vậy, Bị cáo được hưởng 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” và “Người phạm tội khắc phục bồi thường hậu quả” quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự.
Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng TNHS tại Điều 52 BLHS.
[5] Hội đồng xét xử nhận định về hình phạt cần áp dụng: Khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo là người trưởng thành, nhận thức đầy đủ hành vi giữ bị hại trong khoảng thời gian từ 23 giờ ngày 20/9/2020 đến 7 giờ ngày 21/9/2020 sau đó có lời nói đe dọa uy hiếp tinh thần để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản từ tài khoản thẻ ATM của bị hại. Về ý thức bị cáo thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoàn toàn là lỗi cố ý. Vì vậy, cần xử phạt bị cáo với mức án tương xứng với tính chất mức độ hành vi đã thực hiện, có xét đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của bị cáo, đủ để giáo dục, cải tạo bị cáo và có tác dụng đấu tranh phòng ngừa chung. Khi quyết định hình phạt cần căn cứ điểm a khoản 1 Điều 55 BLHS tổng hợp hình phạt tù của hai tội đối với bị cáo.
[6] Về hình phạt bổ sung: Bị cáo không có việc làm và không có thu nhập ổn định, là người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn của tỉnh Tuyên Quang. Do đó, Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo.
[7]. Tại phiên toà người bào chữa cho bị cáo V có quan điểm đề nghị HĐXX cho bị cáo hưởng mức án thấp nhất, miễn án phí cho bị cáo vì là người dân tộc thiểu số sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và cho bị cáo hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ khác tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự do người bị hại có lỗi và có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Đề nghị của trợ giúp viên bào chữa cho bị cáo Hội đồng xét xử thấy có căn cứ chấp nhận một phần lời đề nghị cho bị cáo cho miễn án phí, bởi tại Nghị quyết 326 nghị quyết của UBTVQH quy định về án phí, lệ phí Toà án nêu rõ điều kiện này tại điểm đ khoản 1 Điều 12. Đối với đề nghị cho hưởng mức án thấp nhất sẽ được Hội đồng xét xử xem xét để đánh giá toàn diện các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng như nhân thân của bị cáo trong khi lượng hình. Đối với tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự như trợ giúp viên đề nghị không được chấp nhận, bởi bị hại không hề có lỗi mà khi thực hiện hành vi phạm tội giữa bị cáo và bị hại đã chấm dứt quan hệ vợ chồng, được Toà án nhân dân huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang giải quyết cho ly hôn nên bị hại có quan hệ bạn bè là quyền của bị hại, cũng trong cả giai đoạn điều tra cũng không có văn bản nào thể hiện người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
[8] Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã trình bày luận tội đối với bị cáo, đề nghị HĐXX kết tội bị cáo như Cáo trạng đã truy tố, đề nghị mức hình phạt đối với bị cáo. Xét đề nghị của Kiểm sát viên là có căn cứ, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ của vụ án và diễn biến, kết quả tranh tụng tại phiên tòa cũng như nhận định của HĐXX. Vì vậy, được chấp nhận.
[9] Về trách nhiệm dân sự: xác nhận việc bị cáo đã thực hiện xong bồi thường dân sự cho bị hại, bị hại không yêu cầu khoản bồi thường nào khác nên Hội đồng xét xử không đề cập [9] Về án phí và quyền kháng cáo: Bị cáo phải chịu án phí HSST Bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.
[10].Các vấn đề khác: Đối với 01 mô tô biển kiểm soát 22F1-198.91 cùng mũ bảo hiểm là phương tiện, công cụ V sử dụng vào việc phạm tội. Quá trình xác minh xác định được chiếc xe mô tô và mũ bảo hiểm trên thuộc sở hữu của anh Ma Văn T (Sinh năm 1987; trú tại thôn Đon Mệnh, xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) là em trai của V . Khi Võ sử dụng xe của anh T thì anh T không được biết V sử dụng vào việc phạm tội nên Cơ quan điều tra không tạm giữ chiếc xe nói trên. Đối với 01 con dao V dùng để dọa chị Đ là dao dạng sắt dài khoảng 10cm màu đen đã bị anh Hoàng Văn S lấy được và vứt xuống sông, đến nay không truy tìm được.
Ngoài ra Ma Văn Võ còn có hành vi quan hệ tình dục với chị Phùng Thị Đ 03 (ba) lần trong thời gian giữ chị Đ tại phòng trọ thuộc xóm Liên Minh,xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên. Tuy nhiên, chị Đ xác định khi V quan hệ tình dục thì chị Đ đồng thuận và không bị V dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để buộc chị Đ phải giao cấu trái ý muốn. Cơ quan điều tra không xem xét xử lý về hành vi này. Do đó, HĐXX không đề cập.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Ma Văn V phạm tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”.
2. Hình phạt chính:
Áp dụng khoản 1 Điều 157; khoản 1 Điều 170; Điểm b, s khoản 1 Điều 51; Điều 38; điểm a khoản 1 Điều 55 Bộ luật hình sự:
Xử phạt: bị cáo Ma Văn V 09 (chín) tháng tù về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”, 21 (Hai mươi mốt) tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Tổng hợp hình phạt tù: buộc bị cáo Ma Văn V phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 30 (Ba mươi) tháng tù.
Thời hạn phạt tù tính từ ngày bị bắt 07/5/2021.
Căn cứ Điều 329 BLTTHS quyết định tạm giam bị cáo Ma Văn Võ 45 ngày, kể từ ngày tuyên án để đảm bảo thi hành án.
3. Hình phạt bổ sung: Không áp dụng đối với bị cáo Ma Văn Võ.
4. Về trách nhiệm dân sự: Đối với tài sản của chị Đào: Chủ tài sản đã nhận lại tài sản, không có yêu cầu bồi thường, HĐXX không xem xét.
5. Vật chứng: Không có.
6. Án phí: : Áp dụng Điều 135, 136 Bộ luật tố tụng hình sự; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án Miễn án phí HSST cho bị cáo Ma Văn V .
7. Quyền kháng cáo: Áp dụng Điều 331, 332, 333 BLTTHS Án xử công khai sơ thẩm có mặt bị cáo tại phiên tòa. Bị cáo có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người bị hại (chị Đ ) vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản sao bản án hoặc bản án được niêm yết công khai hợp lệ theo quy định của pháp luật./.
Bản án về tội bắt, giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản số 114/2021/HSST
Số hiệu: | 114/2021/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thị xã Phổ Yên - Thái Nguyên |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 27/08/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về