Bản án về thay đổi người trực tiếp nuôi con số 370/2021/HNGĐ-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN QUẬN BẮC TỪ LIÊM, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 370/2021/HNGĐ-ST NGÀY 23/07/2021 VỀ THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON

Trong ngày 23 tháng 7 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân quận Bắc Từ Liêm xét xử sơ thẩm, công khai vụ án hôn nhân gia đình thụ lý số 194/2021/TLST- HNGĐ ngày 26 tháng 5 năm 2021 về việc “Thay đổi người trực tiếp nuôi con” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 70/2021/QĐXXST-HNGĐ ngày 02/7/2021 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Chị Hà Hải Y, sinh năm 1987; Nơi cư trú: Tổ dân phố số 1, phường Đ, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội;

Bị đơn: Anh Đoàn Thanh T, sinh năm 1986; Nơi cư trú: Tổ dân phố số 2, phường Đ, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện về việc thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con chung sau ly hôn đề ngày 14/5/2021 và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nguyên đơn chị Hà Hải Y trình bày:

Tại Quyết định Công nhận sự thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 438/2019/QĐST-HNGĐ ngày 22/11/2019, Tòa án nhân dân quận B đã công nhận sự thuận tình ly hôn của chị và anh Đoàn Thanh T, đồng thời công nhận sự thỏa thuận của anh chị về con chung như sau: Giao cho anh T trực tiếp nuôi dưỡng hai con chung của anh chị là Đoàn Hà Hương G và Đoàn Hải P. Anh T không yêu cầu chị Y cấp dưỡng nuôi con.

Về lí do chị để anh T nuôi con sau li hôn: Chị kết hôn với anh Đoàn Thanh T năm 2009. Thời gian đầu sau kết hôn chị đã bị anh T và gia đình anh T ngược đãi, đối xử tệ bạc. Khi chị mang thai con lớn được 08 tháng và mới sinh con được 10 ngày, anh T đã đánh chị khi vết mổ còn chưa lành. Cũng trong thời gian chị Y mang bầu và nuôi con, anh T không cho chị về thăm bố mẹ đẻ (Khi đó bố mẹ chị còn ở quê), mẹ và em gái anh T nhiều lần chửi bới, xúc phạm chị và gia đình chị. Điều đó làm chị quá uất ức và bị trầm cảm sau sinh. Năm 2011, mẹ, em gái và người nhà anh T ném quần áo của chị đuổi chị ra khỏi nhà (cả xóm đều nhìn thấy) khiến chị phải ra ngoài ở trọ. Thời gian chị ra ngoài ở trọ cùng con gái lớn là Đoàn Hà Hương G, anh T và gia đình anh T không hỏi thăm, không có trách nhiệm với hai mẹ con. Anh T còn thường xuyên đến nhà trọ của hai mẹ con chị ăn ở, nhưng lại chửi bới và có chiếc tivi anh T cũng tháo ra mang về, không chu cấp cho con bất kể một khoản nào. Đầu năm 2012, mẹ đẻ chị thương con cháu nên đón về nhà ở. Anh T thấy vậy nên ép chị phải về nhà, gây áp lực nếu không sẽ bế cháu Hương G về nhà. Thực tế anh T nhiều lần bế cháu về khiến cháu hoảng sợ, vì thương con nên chị đã cam chịu. Khi em gái anh T vỡ nợ và lên nhà anh T ở, anh T đến nhà chị ở cùng với mẹ con chị tại nhà mẹ đẻ chị (Mẹ chị lúc đó đã mua nhà ở cùng khu tập thể với nhà anh T). Thời điểm mang thai cháu P, chị vẫn ở nhà mẹ đẻ chị. Khi chị sinh cháu P được 5 tháng, anh T đánh chị ngay tại nhà mẹ đẻ chị trước mặt bố mẹ đẻ chị, bóp cổ chị trước mặt họ nội lên thăm bố chị ốm. Anh T thường xuyên vắng nhà, nói là đi công tác nhưng đến khi chị phát hiện anh T ngoại tình, anh T không nhận lỗi còn đánh đập chị. Trong quá trình anh chị sống tại nhà bố mẹ đẻ chị, chị và mẹ chị là người chăm sóc các con chị. Hàng xóm đều biết gia đình anh T không có trách nhiệm với các con chị, thậm chí các cháu đi cấp cứu nhiều lần không một ai hỏi han, thăm nom. Vì thương con, chị nhiều lần bỏ qua, quay lại với anh T nhưng chỉ được thời gian ngắn lại bị anh T gây sự đánh đập. Năm 2019, anh T đánh chị trước mặt con và ném quần áo đuổi chị đi trong đêm và cấm hai cháu không được theo chị. Anh T cặp bồ công khai nên chị làm đơn ly hôn nhưng anh T lại gây khó dễ, cản trở việc ly hôn bằng áp lực con cái, không cho chị gặp con, không chịu chia sẻ việc nuôi con. Chị phải chấp nhận điều kiện để anh T nuôi cả hai cháu vì cháu thứ hai con nhỏ, không muốn để cháu một mình trên nhà nội. Anh chị đã thỏa thuận anh T nuôi hai cháu, chị không phải chu cấp nhưng nhận trả toàn bộ số nợ hai vợ chồng làm ăn thua lỗ anh T mới đồng ý ly hôn.

Lí do chị Y xin thay đổi người trực tiếp nuôi con là: Anh T cản trở chị thăm nom, chăm sóc con chung, có hành vi bạo lực với chị khi chị đến thăm con và không đảm bảo điều kiện nuôi con. Sau khi ly hôn, thời gian đầu chị vẫn được gặp và đón các con, chị vẫn chăm sóc hai cháu chu đáo, mua sắm quần áo đồ dùng đầy đủ, các con ốm chị vẫn đưa đi viện khám vì có lúc con ốm, anh T còn không có nhà. Năm 2020, số lần gặp con của chị bị hạn chế, anh T chỉ cho chị đón vài lần kèm con học mùa dịch. Khi anh T bắt đầu mối quan hệ mới, anh T đã cấm hoàn toàn không cho hai cháu gặp mẹ và đến nhà bà ngoại. Ngày khai giảng cháu Hải P vào lớp 1, chị tha thiết được đưa cháu đến trường, cháu khóc muốn mẹ đưa đi, anh T mới cho chị được đưa cháu đến trường. Chị đề nghị đón con để kèm học lớp 1, anh T không đồng ý. Sinh nhật cháu Hải P, chị xin đón cháu về bà ngoại tổ chức sinh nhật nhưng anh T đã gọi điện cho bà, bắt cháu về để bạn gái anh T tổ chức sinh nhật. Chị đã nói anh T rất nhiều lần dù ly hôn cũng cho các con được yêu thương đầy đủ bố mẹ nhưng anh T không đồng ý, luôn lấy đủ lí do không cho đón con (dịch bệnh, học hành, con gặp mẹ xong về hư ...) mặc dù những thời điểm chị xin đón con không có dịch bệnh.

Anh T có những xử sự không đúng như cho hai cháu đi chơi cùng bạn gái của anh T, rồi ngủ ở nhà cô ấy, cho về quê nội đúng tâm dịch. Cháu G học hành sa sút, chị muốn đón cháu kèm cặp, đã trao đổi về tình trạng của cháu nhưng anh T không cho. Cháu còn bị em ruột của anh T đe dọa, chửi mắng không cho xuống bà ngoại, dùng lời lẽ nặng nề của người lớn với đứa trẻ. Bà nội cháu cũng thường chửi và không cho cháu đến nhà bà ngoại, cấm cháu gọi điện cho mẹ, tiêm nhiễm điều không tốt về mẹ cho hai cháu làm hai cháu luôn sợ hãi. Cháu G được cô giáo trao đổi do có vấn đề tâm lý luôn sợ sệt nhà nội và sợ cả các bạn ở lớp. Lần cuối cùng chị được đón hai cháu là ngày mùng 2 tết và mùng 5 tết (hóa vàng) và anh T chỉ cho các cháu đến chơi một tiếng rồi bắt về. Mặc dù nhà anh T cách nhà mẹ chị gần 100m, các cháu vẫn thường xuyên đi lại một mình, cháu lớn tự đi học, đi chợ mua thức ăn nhưng bị cấm không được vào nhà bà ngoại. Cháu nhớ mẹ nên tan học vào mượn điện thoại của bà để gọi cho mẹ. Ngày 19/2/2021, cháu G bị ốm, anh T đã gọi điện cho chị yêu cầu đưa số tiền 10 triệu đồng để cho trả tiền chữa bệnh cho cháu nếu không thì hàng ngày đưa cháu đi đón cháu về, ép chị phải lựa chọn 1 trong 2. Sau khi nhắn và gọi điện cho chị không đạt được mục đích, anh T đã chặn liên lạc toàn bộ và từ đó đến nay chị chưa được gặp con.

Vì nhớ con, chị đã nhắn tin nói nhẹ nhàng để đón con, anh T cũng không cho đón. Ngày 06/5/2021 anh T bảo con gái là nhắn tin cho chị là “bố đồng ý cho lên mẹ, hỏi mẹ xem có đón không” cháu rất vui và mong mẹ về đón. Nhưng khi chị lên đón thì anh T không cho đón và lôi chị vào nhà đánh, có cả mẹ anh T, bạn của em anh T ở đó. Chị đã trình báo tổ dân phố, hội phụ nữ và Công an phường về sự việc này. Từ ngày 07/5/2021 đến nay anh T chặn hết liên lạc từ điện thoại của các cháu, khiến chị không liên lạc được. Các cháu đã biết sự việc anh T đánh chị nên rất buồn và muốn chị đón hai cháu về ở cùng. Trong quá trình hai cháu sống cùng anh T, anh T thường xuyên vắng nhà, không có thời gian chăm sóc con.

Anh T đã đón bạn gái và một con riêng của bạn gái - cháu 3 tuổi về sống cùng, có cuộc sống mới, kinh tế cũng không đảm bảo. Anh T chậm đóng học phí cho các con, có tháng không đóng học để nhà trường gọi điện thông báo cho chị. Chị muốn hai cháu được học hành, được chăm sóc chu đáo, giáo dục tốt để phát triển tinh thần và thể chất nên chị mong muốn được đón hai cháu về nuôi, chăm sóc, dạy dỗ các cháu.

Nếu chị được Tòa án giao cho nuôi hai cháu, chị sẽ cùng hai cháu ở tại nhà mẹ đẻ chị tại tổ dân phố số 1, phường Đ, quận Bắc Từ Liêm. Mẹ chị đã về hưu, có đủ sức khỏe tốt để giúp đỡ chị chăm sóc các con. Chị đang làm việc tại Công ty TNHH B (Công ty hiện đang chuyển đổi loại hình kinh doanh). Thu nhập của chị bình quân khoảng 25.000.000 đồng/tháng và công việc ổn định đảm bảo việc nuôi dưỡng con chung.

Tại bản tự khai đề ngày 03/6/2021 và tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, bị đơn, anh Đoàn Thanh T trình bày:

Sau khi anh ly hôn với chị Y, anh được nuôi hai con chung là Đoàn Hà Hương G và Đoàn Hải P. Trong quá trình nuôi con, anh luôn đảm bảo cho các cháu có cuộc sống tốt, được ăn học đầy đủ còn chị Y không chu cấp gì để anh nuôi con. Anh vẫn tạo điều kiện cho chị Y thăm nom, liên lạc với các con. Anh T nhất trí để chị Y nuôi con nhưng nếu trong quá trình nuôi con, chị Y không đảm bảo điều kiện nuôi con tốt, anh sẽ đón con về bất cứ lúc nào. Anh T hiện đang làm việc tại Công ty CP D với mức thu nhập bình quân 16.000.000 đồng/tháng. Về chỗ ở, anh và hai con đang sống cùng nhà với cha mẹ anh ở tổ dân phố số 2, phường Đ, quận Bắc Từ Liêm. Bố mẹ anh còn khỏe, sẽ giúp đỡ anh trong việc chăm sóc con cái.

Ngày 14/6/2021, tại Tòa án, anh T, chị Y đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ việc, cụ thể: Anh chị thỏa thuận giao hai cháu Đoàn Hà Hương G và Đoàn Hải P cho chị Y trực tiếp nuôi dưỡng, anh T không phải cấp dưỡng nuôi con. Anh T có quyền thăm nom con chung, không ai được cản trở. Tuy nhiên, ngày 21/6/2021, anh T đã có đơn đề nghị thay đổi thỏa thuận nêu trên và có nguyện vọng được nuôi cháu P.

Chị Y vẫn giữ nguyên nguyện vọng được nuôi hai con chung, nếu Tòa án giao cho mỗi người một con thì chị xin được nuôi cháu P vì cháu P còn rất nhỏ, cháu G có thể tự chăm sóc bản thân.

Tại phiên tòa:

- Chị Y giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và đề nghị Tòa án giao hai con chung cho chị nuôi dưỡng và không yêu cầu anh T cấp dưỡng nuôi con.

- Anh T đề nghị Tòa án giao cháu P cho anh trực tiếp nuôi dưỡng, anh luôn đảm bảo việc nuôi con và không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của chị Y. Nếu chỉ được nuôi một cháu, anh có nguyện vọng được nuôi cháu P nhưng anh rất mong muốn hai cháu được ở cùng với nhau.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Bắc Từ Liêm phát biểu ý kiến:

+ Về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án: Thẩm phán đã chấp hành đúng quy định tại Điều 48 Bộ luật tố tụng dân sự.

+ Việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án tại phiên tòa: Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về phiên tòa sơ thẩm. Các quy định về phiên tòa, thủ tục bắt đầu phiên tòa, tranh tụng đều được Hội đồng xét xử thực hiện theo đúng quy định tại Chương 14 Bộ luật tố tụng dân sự.

+ Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng: Các đương sự đã thực hiện đúng các quy định tại các điều 70,71, 72, 234 của Bộ luật tố tụng dân sự về quyền và nghĩa vụ của mình.

+ Ý kiến về việc giải quyết vụ án: Đề nghị Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; Giao cho chị Y nuôi dưỡng hai con chung; Anh T không phải cấp dưỡng nuôi con chung.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận công khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Các đương sự trong vụ án cư trú tại quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội nên thẩm quyền giải quyết vụ án thuộc về Tòa án nhân dân quận Bắc Từ Liêm theo quy định tại Điều 28, khoản 1 điều 35, khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Về nội dung:

2.1. Xét yêu cầu khởi kiện thay đổi người trực tiếp nuôi con của nguyên đơn Chị Y khởi kiện yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con, giao hai con chung của chị và anh T là Đoàn Hà Hương G, sinh ngày 09/10/2009 và Đoàn Hải P, sinh ngày 25/10/2014 cho chị trực tiếp nuôi con vì anh T cản trở chị thăm nom, chăm sóc con chung, có hành vi bạo lực với chị khi chị đến thăm con và không đảm bảo điều kiện nuôi con.

Về việc anh T cản trở chị Y thăm nom, chăm sóc con chung: Chị Y khai từ năm 2020, anh T hạn chế quyền thăm nom của chị, đến ngày 06/5/2021, anh T cho chị đến thăm con nhưng lại kéo chị vào nhà, đánh đập chị, gây thương tích cho chị. Công an phường Đức Thắng cũng xác nhận có sự việc này, đã hòa giải hai bên và đã yêu cầu các bên không có những xử sự tương tự.

Về điều kiện nuôi con của anh T: Chị Y cho rằng anh T không đảm bảo điều kiện nuôi con như anh T thường xuyên vắng nhà, không có thời gian chăm sóc con. Hiện nhà anh T rất đông người ở và khá phức tạp, gồm bố mẹ anh T, anh T, hai cháu G P còn có em gái anh T và hai con của em gái anh T. Ngoài ra anh T đã đưa bạn gái và một con riêng của bạn gái, cháu được 3 tuổi về sống cùng. Anh T chậm đóng học phí cho các con, có tháng không đóng học để nhà trường gọi điện thông báo cho chị, giáo viên và Nhà trường nơi cháu G, cháu P đều có xác nhận về việc này. Nhà trường, nơi cháu P học phản ánh, việc học tập cháu P ở học kì 2 sa sút so với học kì 1, bỏ học một số buổi online hoặc có học nhưng không tập trung, nhiều lần cháu không hoàn thành bài tập về nhà vì cháu nói là bài khó, không có người hướng dẫn nên không làm được. Vở dặn dò của cháu P, ở mục kí nhận các trao đổi hàng ngày về học tập và kỉ luật của học sinh, người kí phần phụ huynh thường là bà cháu. Giáo viên chủ nhiệm đã nhắn tin, trao đổi với anh T nhiều lần nhưng có lần anh T không phản hồi. Về tâm lí, theo giáo viên chủ nhiệm lớp cháu P, học kì 1, cháu P hòa đồng với bạn, tham gia các hoạt động của lớp nhưng đến học kì 2 cháu trầm tính, ít hòa đồng, giờ ra chơi cháu ngồi một chỗ để làm việc riêng, không chơi với các bạn.

Về điều kiện nuôi con, hai anh chị đều được bố mẹ đẻ cho ở nhờ và trợ giúp trong việc chăm sóc con cái, đều có việc làm và thu nhập đủ để nuôi dưỡng các con chung.

Về nguyện vọng của con chung: Cháu G có nguyện vọng được ở với mẹ là chị Y.

Như vậy, việc anh T trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng hai cháu G, P trong thời gian vừa qua là chưa tốt, làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của các cháu G, cháu P. Mặc đù điều kiện nuôi con là như nhau nhưng để đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của các cháu G, P và nguyện vọng của cháu G, cần giao cả hai cháu cho chị Y trực tiếp nuôi dưỡng. Người không trực tiếp nuôi con là anh T được quyền thăm nom con chung, không ai được cản trở.

2.2. Về cấp dưỡng nuôi con : Chị Y không yêu cầu anh T cấp dưỡng nuôi con nên tạm hoãn việc cấp dưỡng nuôi con cho anh T đến khi có sự thay đổi khác.

[3] Về án phí: Chị Y phải chịu án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm theo quy định tại Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự ; Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các điều 58, 81, 82, 83, 84 của Luật Hôn nhân và Gia đình; Khoản 4 Điều 147; Điều 271; Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con của chị Hà Hải Y với anh Đoàn Thanh T.

2. Giao cháu Đoàn Hà Hương G, sinh ngày 09/10/2009 và Đoàn Hải P, sinh ngày 25/10/2014 cho chị Y trực tiếp nuôi dưỡng. Anh T được quyền thăm nom con chung, không ai được cản trở

3. Về cấp dưỡng nuôi con: Tạm hoãn việc cấp dưỡng nuôi con cho anh T cho đến khi có sự thay đổi khác.

4. Về án phí : Chị Y phải chịu 300.000 đồng án phí ly hôn sơ thẩm. Chị Y đã nộp 300.000 đồng tạm ứng án phí theo biên lai số 42600 ngày 07/4/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Bắc Từ Liêm nay chuyển thành án phí. Chị Y đã nộp đủ án phí.

5. Các đương sự có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

456
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về thay đổi người trực tiếp nuôi con số 370/2021/HNGĐ-ST

Số hiệu:370/2021/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 23/07/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;