Bản án về ly hôn, tranh chấp nuôi con số 26/2021/HNGĐ-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN MỎ CÀY BẮC - TỈNH BẾN TRE

BN ÁN 26/2021/HNGĐ-ST NGÀY 04/06/2021 VỀ LY HÔN, TRANH CHẤP NUÔI CON

Trong ngày 04 tháng 6 năm 2021, tại phòng xử án Tòa án nhân dân huyện Mỏ Cày Bắc xét xử sơ thẩm công khai vụ án hôn nhân gia đình đã thụ lý số: 304/2020/TLST- HNGĐ ngày 14 tháng 10 năm 2020 về việc: “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con”, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 34/2021/QĐXXST - HNGĐ ngày 26/5/2021. Giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Trần Thị Thúy L, sinh năm 1982 (có mặt).

Trú tại: ấp T, xã T1, huyện M, tỉnh Bến Tre.

2. Bị đơn: Ông Đào Văn Đ, sinh năm 1970 (có mặt).

Trú tại: ấp T, xã T1, huyện M, tỉnh Bến Tre.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn xin ly hôn đề ngày 03/8/2020 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn bà Trần Thị Thúy L trình bày: Bà và ông Đ do tự quen biết và tự nguyện tiến đến hôn nhân năm 2002, có đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã T1 vào năm 2004; sau khi kết hôn, bà sống chung với gia đình bên ông Đ được khoảng 01 năm thuộc ấp T, xã T1, sau đó vợ chồng ra ở riêng ở cùng ấp và sống hạnh phúc cho đến năm 2015 thì phát sinh nhiều mâu thuẫn mất hạnh phúc do vợ chồng bất đồng quan điểm, thường hay cãi vã nhau, ông Đ nhiều lần đánh đập bà phải đi bệnh viện nhiều lần, ngoài ra ông Đ còn có quan hệ tình cảm với người phụ nữ khác. Vợ chồng đã ly thân khoảng từ tháng 9 năm 2015 cho đến nay, vào năm 2018 bà đã thuê nhà trọ để ở cùng 02 con chung tại ấp T, xã T1, hiện tại thì bà và 02 con đang sinh sống ở ấp T2, xã T3.

Khong năm 2016 bà có gửi đơn ly hôn với ông Đ tại Tòa án huyện M nhưng do ông Đ kêu bà rút đơn ly hôn lại để lo cho con, sau đó bà có rút đơn ly hôn lại nhưng thời gian sau này ông Đ vẫn tiếp tục đánh đập bà nhiều lần nên nay bà mới quyết định ly hôn. Thời gian ly thân, bà và ông Đ có gặp nhau nhưng bà và ông Đ không có bàn bạc thỏa thuận hàn gắn tình cảm vợ chồng với nhau. Nay bà xét thấy không thể hàn gắn tình cảm vợ chồng với nhau được nên yêu cầu được ly hôn với ông Đ.

Về con chung: vợ chồng có 02 con chung là Đào Mạnh C, sinh ngày 17/02/2004 và Đào Trần Đ, sinh ngày 19/7/2014, hiện tại 02 con đang sống chung với bà. Bà xin được nuôi cả 02 con chung sau khi ly hôn, tại phiên tòa bà không yêu cầu ông Đ cấp dưỡng nuôi con (rút yêu cầu cấp dưỡng), bà có đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con, bà đã một mình nuôi 02 con từ năm 2018 cho đến nay, hiện tại cháu C đang học lớp 12 ở Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện M, còn cháu Đ cũng đã đi học lớp 2 ở Trường tiểu học T (học bán trú). Bà làm thuê ở công ty Trách nhiệm hữu hạn dừa N thuộc ấp T2, xã T3, huyện M với mức thu nhập trung bình mỗi tháng là 12.000.000 đồng, ngoài ra bà còn làm thêm việc khác (một tuần 02 ngày) để kiếm thêm thu nhập nên đủ điều kiện để trực tiếp nuôi 02 con. Việc ông Đ cho rằng bà không tạo điều kiện cho ông Đ thăm nom con là không có.

Về tài sản chung, nợ chung: không có. Trước đây khi vợ chồng còn sống chung thì có nợ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bến Tre – Phòng giao dịch huyện M số tiền là 25.000.000 đồng vốn gốc và tiền lãi nhưng số nợ ngân hàng đã trả xong trước khi bà ra ngoài thuê nhà trọ ở riêng (năm 2018), vì khi bà bỏ nhà đi thì số nợ còn là 22.000.000 đồng (trả được 3.000.000 đồng trước đó) thì bà cũng đã đưa tiền cho ông Đ để trả tất nợ nhưng ông Đ chỉ trả cho ngân hàng là 12.000.000 đồng, còn lại 10.000.000 đồng là ông Đ tự ý giữ lại để sử dụng cá nhân mà bà không biết việc này. Do đó, đây là nợ riêng của ông Đ chứ không có liên quan gì đến bà. Tại phiên tòa, ông Đ rút yêu cầu đòi bà trả ½ số nợ này là 5.000.000 đồng cho ông Đ (do ông Đ đã trả nợ xong cho ngân hàng) nên bà không có ý kiến gì khác.

Tại các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm bị đơn ông Đào Văn Đ trình bày: lời trình bày của bà L về thời gian, điều kiện kết hôn, quá trình chung sống là đúng nhưng vợ chồng sống hạnh phúc hơn 10 năm, sau đó khoảng năm 2018 phát sinh nhiều mâu thuẫn, nguyên nhân chủ yếu là do vợ chồng bất đồng quan điểm, thường hay cãi vã nhau, có lần xảy ra xô xát nhau thì ông có tát vợ vài cái tát tay. Ông đã ly thân với bà L khoảng 02 năm nay và bà L đưa 02 con chung ở nhà trọ thuộc ấp T, xã T1 cho đến nay. Thời gian ly thân, ông và bà L có gặp nhau nhưng vợ chồng không có bàn bạc thỏa thuận hàn gắn tình cảm vợ chồng với nhau. Nay bà L cương quyết xin ly hôn thì ông cũng đồng ý theo yêu cầu của bà L do vợ chồng khó có thể hàn gắn tình cảm vợ chồng với nhau được.

Về con chung: thời gian sống chung, vợ chồng có 02 con chung là Đào Mạnh C, sinh ngày 17/02/2004 và Đào Trần Đ, sinh ngày 19/7/2014, từ lúc ly thân vào năm 2018 cho đến nay 02 con đang sống chung với bà L; sau khi ly hôn, ông yêu cầu được trực tiếp nuôi một đứa con là cháu Đào Trần Đ, còn bà L sẽ nuôi cháu Đào Mạnh C, không bên nào phải cấp dưỡng nuôi con. Theo ông thì bà L không đủ khả năng để nuôi hết cả 02 con, đồng thời bà L quê ở miền Bắc (tỉnh Nghệ An) không có nhà đất gì, chỉ ở nhà trọ và làm thuê nên không đủ khả năng để nuôi 02 con. Riêng ông thì có đất do cha mẹ cho từ lúc 25 tuổi với diện tích đất khoảng 2000m2 nhưng chưa làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất sang cho ông đứng tên (do mẹ ruột đang đứng tên quyền sử dụng đất) và ông có cất nhà tạm trên đất. Do ông đã lớn tuổi nên mong muốn có con ở bên cạnh, ông không có công việc ổn định nhưng có thu nhập hoa lợi từ vườn dừa khoảng từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng mỗi tháng (trồng khoảng 45 cây dừa), ngoài ra những người em ruột của ông sẽ phụ tiền nuôi con với ông. Trường hợp bà L nuôi hết cả 02 con và yêu cầu ông cấp dưỡng mỗi tháng 500.000 đồng/con chung thì ông không có khả năng cấp dưỡng do đã lớn tuổi và không có công việc ổn định, còn phải trả nợ thức ăn chăn nuôi gia súc cho người khác.

Về tài sản chung và nợ chung: không có. Trước đây khi vợ chồng còn sống chung thì có nợ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bến Tre – Phòng giao dịch huyện M số tiền là 25.000.000 đồng vốn gốc và tiền lãi nhưng số nợ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bến Tre – Phòng giao dịch huyện M còn nợ là 10.000.000 đồng vốn gốc và tiền lãi mà vợ chồng vay để nuôi bò thì trong quá trình Tòa án giải quyết thì số nợ đến hạn nên vào tháng 12 năm 2020 và tháng 02 năm 2021 thì ông đã trả tất nợ cho ngân hàng; bà L cho rằng khi bà L bỏ nhà đi thuê nhà trọ ở riêng năm 2018 thì vợ chồng đã trả nợ xong là không đúng vì khi bà L bỏ nhà đi thì số nợ còn là 22.000.000 đồng (chỉ trả được 3.000.000 đồng), sau đó ông chỉ trả cho ngân hàng là 12.000.000 đồng, còn số tiền 10.000.000 đồng còn lại thì ông phải trả nợ thức ăn chăn nuôi gia súc cho bà Đỗ Cao Hoàng S mà Tòa án đã giải quyết vào tháng 4 năm 2018 (hứa mỗi năm trả là 10.000.000 đồng) nên thực tế vợ chồng vẫn còn nợ ngân hàng là 10.000.000 đồng vốn gốc. Tuy nhiên, tại phiên tòa, ông rút yêu cầu đòi bà L phải hoàn trả cho ông số tiền là 5.000.000 đồng vì ông muốn để lại số tiền này để chăm lo cho 02 con chung.

Tại phiên tòa Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm:

- Về tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự, các đương sự đã thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của mình.

- Về nội dung: đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các Điều 217, 218 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; các Điều 55, 81, 82, 83, 84 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể: Về hôn nhân: ghi nhận sự thuận tình ly hôn giữa bà Trần Thị Thúy L và ông Đào Văn Đ; về con chung: bà Trần Thị Thúy L được trực tiếp nuôi 02 con chung là cháu Đào Mạnh C, sinh ngày 17/02/2004 và cháu Đào Trần Đ, sinh ngày 19/7/2014; ông Đào Văn Đ không phải cấp dưỡng nuôi con do bà L không có yêu cầu; về tài sản chung, nợ chung: không có nên không đề cập. Đỉnh chỉ xét xử đối với yêu cầu phản tố của ông Đ về việc đòi bà L phải hoàn trả cho ông Đ số tiền là 5.000.000 đồng do ông Đ rút yêu cầu.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về quan hệ hôn nhân: bà Trần Thị Thúy L và ông Đào Văn Đ trên cơ sở quen biết nhau trước nên cả hai tự nguyện tiến đến hôn nhân, có tiến hành đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã T1 vào năm 2004. Xét thấy, hôn nhân của bà L và ông Đ đã tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật hôn nhân gia đình nên được xem là hôn nhân hợp pháp, được pháp luật công nhận và bảo vệ. Sau khi kết hôn, bà L và ông Đ có thời gian sống hạnh phúc và có với nhau 02 con chung nhưng vì những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình mà đã dẫn đến việc bà L xin ly hôn. Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, bà L và ông Đ đều cho rằng mâu thuẫn của vợ chồng ông bà là đã trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được nên đều có nguyện vọng được ly hôn với nhau. Do đó, Hội đồng xét xử xét thấy: ông bà là vợ chồng nhưng không quan tâm, giúp đỡ nhau để tạo điều kiện cho nhau phát triển về mọi mặt và ông Đ còn có hành vi bạo lực gia đình đã làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được nên căn cứ vào Điều 55, 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 Hội đồng xét xử ghi nhận sự thuận tình ly hôn giữa bà L và ông Đ là phù hợp.

[2] Về con chung: thời gian sống chung, bà L và ông Đ có 02 con chung là Đào Mạnh C, sinh ngày 17/02/2004 và Đào Trần Đ, sinh ngày 19/7/2014. Sau khi ly hôn, cả bà L và ông Đ đều có nguyện vọng được trực tiếp nuôi con chung là cháu Đào Trần Đ, còn cháu C thì ông bà thống nhất giao cho bà L trực tiếp nuôi theo nguyện vọng của cháu C. Hội đồng xét xử xét thấy, đối với cháu C thì bà L và ông Đ thống nhất giao cháu C cho bà L trực tiếp nuôi là phù hợp với nguyện vọng của cháu C nên Hội đồng xét xử ghi nhận; đối với cháu Đ, căn cứ vào lời khai của bà L và ông Đ cũng như tài liệu, chứng cứ mà bà L cung cấp cho Tòa án có cơ sở xác định: từ lúc ly thân vào năm 2018 cho đến nay thì 02 con chung đã sống chung với bà L, hiện tại bà L có công việc và mức thu nhập ổn định là 12.000.000 đồng mỗi tháng, bà L cũng đảm bảo việc trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục 02 con chung; đối với ông Đ thì không có công việc và mức thu nhập ổn định, không có quyền sử dụng đất và nhà ở kiên cố, chính ông Đ cũng xác định nếu bà L yêu cầu ông cấp dưỡng nuôi con thì ông không có khả năng cấp dưỡng nuôi con do đã lớn tuổi mà không có công việc ổn định và còn phải trả nợ thức ăn chăn nuôi gia súc theo quyết định của Tòa án cho bà Đỗ Cao Hoàng S. Hơn nữa, lý do ông Đ không đồng ý cho bà L được trực tiếp nuôi con là vì ông cho rằng: bà L không tạo điều kiện cho ông thăm nom con nhưng bà L không thừa nhận việc này, ông Đ cũng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh bà L từng ngăn cản việc ông thăm nom con. Tại phiên tòa, bà L khẳng định việc thăm nom con sau khi ly hôn thì bà vẫn bảo đảm cho ông Đ được thăm nom con, hoàn toàn không ngăn cản ông Đ trong việc thăm nom con. Do đó, Hội đồng xét xử xét thấy: để đảm bảo quyền lợi cho sự phát triển về thể chất và sự phát triển tốt về tinh thần cho cháu Đ nên Hội đồng xét xử giao cháu Đào Trần Đ cho bà L được trực tiếp nuôi là hoàn toàn phù hợp theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Tại phiên tòa, bà L rút yêu cầu cấp dưỡng nuôi con đối với ông Đ, xét thấy đây là sự tự nguyện của bà L nên Hội đồng xét xử căn cứ vào Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự đình chỉ xét xử đối với yêu cầu cấp dưỡng nuôi con của bà L.

[3] Về tài sản chung và nợ chung: bà L và ông Đ đều trình bày là không có nên Hội đồng xét xử không đề cập. Tại phiên tòa, ông Đ rút yêu cầu đối với bà L về việc đòi bà L hoàn trả cho ông số tiền là 5.000.000 đồng, xét thấy: đây là sự tự nguyện của ông Đ nên Hội đồng xét xử căn cứ vào Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự đình chỉ xét xử đối với yêu cầu này của ông Đ.

[4] Xét thấy quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là hoàn toàn phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận toàn bộ.

[5] Về án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm: bà L phải chịu do bà L yêu cầu ly hôn theo quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các Điều 217, 218, 244 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; các Điều 55, 56, 81, 82, 83, 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

Về quan hệ hôn nhân: công nhận sự thuận tình ly hôn giữa bà Trần Thị Thúy L và ông Đào Văn Đ.

Về con chung: sau khi ly hôn, bà Trần Thị Thúy L được trực tiếp nuôi 02 con chung là cháu Đào Mạnh C, sinh ngày 17/02/2004 và cháu Đào Trần Đ, sinh ngày 19/7/2014, hiện đang sống chung với bà L. Ông Đào Văn Đ không phải cấp dưỡng nuôi con do bà L không có yêu cầu.

Sau khi ly hôn, cha, mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và các luật khác có liên quan. Người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình, yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình. Người trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 5 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình, Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Về tài sản chung và nợ chung: bà L và ông Đ đều trình bày là không có nên không đề cập.

Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của ông Đ về việc đòi bà L hoàn trả cho ông số tiền là 5.000.000 đồng do ông Đ rút yêu cầu.

Về án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm: bà Trần Thị Thúy L phải nộp 300.000 đồng nhưng được khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0003684 ngày 14/10/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mỏ Cày Bắc nên bà không còn phải nộp thêm.

Hoàn trả cho ông Đào Văn Đ số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu số 0000650 ngày 14/4/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mỏ Cày Bắc.

Án phí sung vào công quỹ Nhà nước.

Nguyên đơn, bị đơn có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

183
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về ly hôn, tranh chấp nuôi con số 26/2021/HNGĐ-ST

Số hiệu:26/2021/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Mỏ Cày Bắc - Bến Tre
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 04/06/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;