Bản án về khởi kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực chính sách đối với chế độ thương binh số 237/2023/HC-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 237/2023/HC-PT NGÀY 27/07/2023 VỀ KHỞI KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CHẾ ĐỘ THƯƠNG BINH

Ngày 27 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, xét xử phúc thẩm công khai trực tuyến vụ án hành chính thụ lý số 135/2022/TLPT-HC ngày 12 tháng 7 năm 2022 về việc “Khởi kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực chính sách về chế độ thương binh”. Do bản án hành chính sơ thẩm số 24/2022/HC-ST ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên bị kháng cáo; giữa các đương sự:

- Người khởi kiện: Bà Phạm Thị L, sinh năm: 1958 (1963). Địa chỉ: C Quốc lộ A, phố C, thị trấn C, huyện T, Phú Yên. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Ông Nguyễn Minh N – Luật sư, Công ty L8, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Địa chỉ: 5 đường T, phường H, Quận I, T phố Hồ Chí Minh. Có mặt.

- Người bị kiện:

+ Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên.

+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Đức T - Phó Giám đốc. Có mặt.

+ Ủy ban nhân dân xã A, huyện T, tỉnh Phú Yên.

+ Ủy ban nhân dân huyện T, tỉnh Phú Yên. Vắng mặt.

+ Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên.

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên. Có đơn xin xet xử vắng mặt.

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

+ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện T, tỉnh Phú Yên.

Người đại diện theo pháp luật: bà Đỗ Thị Thúy V. Có mặt.

+ Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh Phú Yên. Vắng mặt.

+ Thanh tra tỉnh Phú Yên.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đoàn Ngọc L1. Có mặt. Người kháng cáo: Bà Phạm Thị L.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 05/3/2020 và quá trình tố tụng, người khởi kiện và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện thống nhất trình bày:

Bà Phạm Thị L là người được hưởng chính sách như Thương binh theo Giấy chứng nhận số PK/CK-120797, là Đội viên, thương tật hạng ¾ (41%) do Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tỉnh Phú Yên cấp ngày 20/5/2002. Từ khi được cấp Giấy chứng nhận, bà L được nhận tiền trợ cấp hàng tháng, tính từ ngày 01/01/1995 theo Quyết định số 581/QĐ-TC ngày 01/11/1997.

Từ tháng 7/2019 bà L không được tiếp tục nhận chế độ nêu trên, ngày 26/8/2019 bà L khiếu nại đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện T. Ngày 29/8/2019 Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện T có Công văn trả lời đơn khiếu nại của bà L, đồng thời bà L được nhận Quyết định 3291/QĐ-SLĐTBXH ngày 24/6/2019 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên về việc “Tạm đình chỉ chế độ trợ cấp hàng tháng cho người hưởng chính sách như thương binh” với lý do bà L không thuộc diện được hưởng chế độ “Người hưởng chính sách như thương binh.

Ngày 28/9/2019 bà L làm đơn khiếu nại đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên. Ngày 08/10/2019 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên mời bà L đến làm việc nhưng không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Đồng thời giao cho bà L Quyết định số 5807/QĐ-SLĐTBXH ngày 02/10/2019 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên về việc “Đình chỉ chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người hưởng chính sách như thương binh của bà Phạm Thị L” với lý do “Bị thương trong trường hợp không có cá nhân, tổ chức phân công nhiệm vụ”.

Bà Phạm Thị L khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết:

1/ Hủy Quyết định số 5807/QĐ-SLĐTBXH ngày 02 tháng 10 năm 2019 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên, về việc “Đình chỉ chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người hưởng chính sách như thương binh” (viết tắt là Quyết định số 5807/QĐ-SLĐTBXH);

2/ Hủy Quyết định số 3219/QĐ-SLĐTBXH ngày 24/6/2019 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên, về việc “Tạm đình chỉ chế độ trợ cấp hàng tháng cho người hưởng chính sách như thương binh” (viết tắt là Quyết định số 3291/QĐ-SLĐTBXH);

3/ Buộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên tiếp tục thực hiện chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người hưởng chính sách như thương binh theo Giấy chứng nhận số PK/CK-120797 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên cấp ngày 20/5/2002;

4/ Buộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần, kể từ tháng 7 năm 2019 cho đến khi vụ kiện kết thúc, với mức 1.992.000đồng/tháng;

5/ Hủy Quyết định số 5808/QĐ-SLĐTB-XH ngày 02/10/2019 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên về việc thu hồi khoản tiền trợ cấp hàng tháng đối với người hưởng chính sách như thương binh đối với bà Phạm Thị L (viết tắt là Quyết định số 5808/QĐ-SLĐTB-XH);

6/ Hủy Biên bản làm việc của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên ngày 14/5/2019 về việc phối hợp đề xuất UBND tỉnh xử lý trường hợp của bà Phạm Thị L;

7/ Hủy Công văn số 540/SLĐTBXH-TTr ngày 17/5/2019 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên về việc kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý trường hợp bà Phạm Thị L (viết tắt là Công văn số 540/SLĐTBXH-TTr);

8/ Hủy Công văn số 3106/UBND-NC ngày 13/6/2019 của UBND tỉnh Phú Yên về việc thống nhất kiến nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên trường hợp của bà Phạm Thị L (viết tắt là Công văn số 3106/UBND- NC);

9/ Hủy Công văn số 749/SLĐTBXH-NCC ngày 24/6/2019 của Sở LĐTBXH tỉnh Phú Yên gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện T và UBND xã A, về việc đề nghị lập thủ tục xóa danh hiệu người hưởng chính sách như thương binh trường hợp bà Phạm Thị L (viết tắt là Công văn số 749/SLĐTBXH-NCC);

10/ Hủy Công văn số 103/UBND ngày 27/6/2019 của UBND xã A về việc đề nghị thu hồi biên bản họp xét duyệt và Biên bản đề nghị công nhận thương binh đối với bà Phạm Thị L (viết tắt là Công văn số 103/UBND);

11/ Hủy Công văn số 784/UBND ngày 02/7/2019 của UBND huyện T về việc thu hồi Giấy chứng nhận bị thương (Viết tắt là Công văn số 784/UBND).

Người bị kiện Sở L; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên trình bày:

Xuất phát từ đơn thư của công dân nên Chủ tịch UBND huyện T ban hành quyết định thụ lý đơn tố cáo, tiến hành xác minh, đến ngày 11/01/2018 Chủ tịch UBND huyện T ban hành Kết luận số 04A/KL với nội dung bà Phạm Thị L có năm sinh 1958, được hưởng trợ cấp chế độ thương binh hàng tháng theo Quyết định số 581/QĐ-TC ngày 01/11/1997 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên. Quá trình kiểm tra, xác minh thì bà Phạm Thị L là đối tượng không tham gia cách mạng mà hưởng chế độ thương binh là không có cơ sở.

Ngày 08/5/2019 tổ xác minh của Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên làm việc với bà L thì bà xác định nội dung Thanh tra tỉnh Phú Yên làm việc với bà L là hoàn toàn đúng.

Trên cơ sở nội dung làm việc của Thanh tra tỉnh Phú Yên và nội dung làm việc Tổ xác minh của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên, xác định: Ngày 21/12/1967 bà Phạm Thị L không được người có thẩm quyền phân công nhiệm vụ gì, theo hồ sơ xác minh gồm Giấy chứng minh nhân dân, hồ sơ cán bộ công chức,…đều thể hiện bà Phạm Thị L sinh năm 1963, không có tài liệu, chứng cứ chứng minh bà L sinh năm 1958.

Vì vậy, căn cứ Điều 43 Thông tư số 05/TTBLĐTB&XH ngày 15/5/2013 của Bộ L9 hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân nên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên đã làm thủ tục và ban hành Quyết định số 3219/QĐ-SLĐTBXH ngày 24/6/2019 về việc “Tạm đình chỉ chế độ trợ cấp hàng tháng cho người hưởng chính sách như thương binh” và Quyết định số 5807/QĐ-SLĐTBXH ngày 02/10/2019 về việc “Đình chỉ chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người hưởng chính sách như thương binh” là đúng quy định pháp luật nên không đồng ý các yêu cầu khởi kiện của bà L.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Ủy ban nhân dân huyện T trình bày: Trên cơ sở hồ sơ và văn bản của UBND xã A gồm: Đơn xin giám định thương tật ngày 13/02/1991, Tờ khai của người bị thương ngày 20/12/1991; Giấy xác nhận của ông Mai Văn M ngày 22/02/1991; Giấy xác nhận của ông Mai Anh T1 ngày 08/9/1991; Biên bản suy tôn đề nghị xét duyệt thương binh của nhân dân thôn Phú Hội ngày 13/10/1991; Biên bản xét duyệt thương binh trong hai cuộc kháng chiến của UBND xã A ngày 25/12/1991 để UBND huyện T cấp giấy chứng nhận bị thương số 62 ngày 03/12/1994 cho bà Phạm Thị L, sinh năm 1958; Nguyên quán: Thôn P, xã A, huyện T, tỉnh Phú Yên. Căn cứ Quyết định số 3219/QĐ-SLĐTBXH ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên và Công Văn số 749/SLĐTBXH-NC ngày 24/6/2019 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên về việc đề nghị lập thủ tục xóa danh hiệu người hưởng chính sách như thương binh. Ngày 02/7/2019 UBND huyện T ban hành Văn bản số 784/UBND rút lại Giấy chứng nhận bị thương số 62 ngày 03/12/1994.

+ Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh Phú Yên trình bày: Theo hồ sơ giám định thương tật của bà Phạm Thị L, thương tích của bà L được xác định theo nguyên tắc cộng lùi, tổng tỷ lệ thương tật 41%.

+ Ủy ban nhân dân xã A trình bày: Bà Phạm Thị L, nguyên quán: P, An Ninh Đ, T, Phú Yên. Hộ khẩu thường trú hiện nay: 397 Quốc lộ A, khu phố C, thị trấn C, huyện T, tỉnh Phú Yên. Hiện tại trong cơ sở dữ liệu cũng như sổ bộ H1 – hộ khẩu xã không còn lưu giữ thông tin bà L nên không xác định được bà L sinh năm bao nhiêu. Căn cứ Công văn số 749/SLĐTBXH-NCC ngày 24/6/2019 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên về việc đề nghị lập thủ tục xóa danh hiệu người hưởng chính sách như thương binh. UBND xã chấp hành và có Công văn số 103/UBND ngày 27/6/2019 về việc đề nghị thu hồi biên bản họp xét duyệt và biên bản đề nghị công nhận thương binh đối với bà Phạm Thị L.

Người làm chứng:

+ Ông Mai Văn M trình bày (BL58): Tháng 12/1967 Chi bộ xã An Ninh có triệu tập cuộc họp, nội dung bàn về chuẩn bị lực lượng đấu tranh chính trị, binh vận lực lượng vũ trang, phân công đi vào vùng địch quyên góp tiền ủng hộ kháng chiến, vận động thanh niên trong vùng địch thoát ly tham gia cách mạng… Thời điểm tháng 12 năm 1967 bà Phạm Thị L hoạt động trong đội thiếu nhi của xã A. Thời điểm bà L bị thương bà đang họp trong đội thiếu nhi tại Chợ G, thôn X, nội dung họp phổ biến chuẩn bị lực lượng để tham gia chiến dịch tấn công và nổi dậy Xuân M1 thân thì bị quân địch tấn công, đã hy sinh và bị thương 64 người (trong đó có bà L bị thương).

+ Ông Phạm Văn Đ1 trình bày (BL75): Ông Phạm Văn Đ1 và bà Phạm Thị L có mối quan hệ bà con họ hàng xa, hai bên không có mâu thuẫn gì. Khoảng năm 1990-1991 ông Đ1 làm Công an thôn P1 (thường gọi là thôn E) xã A, huyện T, Phiên họp ngày 15/10/1991 do thôn P tổ chức để xét đề nghị cấp trên công nhận là thương binh theo chính sách thì ông không nhớ, sau khi Tòa cho xem biên bản phiên họp ông Đ1 xác nhận đúng là chữ ký của ông. Bà Phạm Thị L sinh năm nào thì ông Đ1 không biết, bà L được hưởng chính sách gì ông Đ1 cũng không rõ, trong chiến tranh chống Mỹ bà Phạm Thị L có tham gia hoạt động trong tổ chức nào ông Đ1 không biết.

+ Ông Huỳnh Văn T2 trình bày (BL76): Ông T2 làm Trưởng Công an xã A từ năm 2003 đến tháng 7/2013, trước đây ông có tham gia họp xét các trường hợp đề nghị hưởng chính sách thương binh, liệt sỹ ở xã A hay không thì ông không nhớ. Trong thời gian ông làm Trưởng Công an xã A thì ông có xác nhận năm sinh cho bà Phạm Thị L. Theo quy định trước khi xác nhận năm sinh cho một người nào đó thì Công an phải kiểm tra hồ sơ lưu trữ, xác minh từ người lớn tuổi ở địa phương, khi thông tin phù hợp nhau thì Trưởng Công an xã ký xác nhận. Trường hợp của bà Phạm Thị L thì ông Huỳnh Văn Trung trực t hỏi ông Trịnh Ngọc C, ông Trần S và bà Huỳnh Thị L2 (chị ruột ông T2) nhưng ông T2 không lập biên bản. Sau đó ông T2 đối chiếu hồ sơ gốc về quản lý hành chính lưu ở Công an xã A thì tuổi thật và tuổi trên giấy tờ của bà Phạm Thị L, sinh năm 1958, thấy phù hợp nên ông trực tiếp viết nội dung xác nhận bà Phạm Thị L, sinh năm 1958. Việc xác minh nhưng không lập biên bản là sai quy định.

+ Ông Trịnh Ngọc C trình bày: Năm 1967 ông C có nghe người dân thôn P nói nhà ông Phạm L3 (cha của bà Phạm Thị L) có 2 người con gái (Phạm Thị H và Phạm Thị L) bị thương…ông nghe nói hôm đó sinh hoạt thiếu nhi để tập bài ca, có tổ chức thanh niên về tổ chức sinh hoạt bài ca cách mạng nhưng không biết người này là ai. Chỉ đạo việc tổ chức sinh hoạt này là ông Mai Xuân M2 sau này đổi lại là Mai Văn M và ông Mai Anh T1, hai ông này hoạt động cách mạng, còn có quan hệ họ hàng gì thì ông không biết. Ông C xem biên bản họp xét duyệt thương binh trong hai cuộc kháng chiến vào ngày 25/12/1991 và công nhận chữ C và chữ ký trong biên bản đúng là của ông.

+ Ông Nguyễn Văn B trình bày: Tôi có tham gia cuộc họp thiếu nhi vào tháng 12/1967…cuộc họp này chúng tôi chỉ hát ca, sau đó bị địch tập kích tại vùng Chợ G, nhiều người chết, nhiều người bị thương, trong đó có ông B, bà Phạm Thị L.

+ Ông Nguyễn Thanh T3 trình bày: Thời điểm năm 1967 ông tham gia đội thiếu niên, ông có nhận thông báo tổ chức họp chuẩn bị cho kế hoạch Xuân M1 thân năm 1968, ông chưa kịp đến nơi tụ họp thì bị địch tập kích…ông nghe thông tin nên biết được bà Phạm Thị L thời điểm đó cũng là đội viên thiếu niên như ông, đến tham gia cuộc họp thì bị thương.

+ Ông Nguyễn Thanh T4, ông Nguyễn Kim L4 trình bày: Cuộc họp ngày 21/12/1967 ông không tham gia. Hội đồng xét duyệt của UBND xã công nhận thương binh cho bà Phạm Thị L là hoàn toàn công khai, minh bạch, khách quan.

+ Ông Trần S, ông Huỳnh K, ông Nguyễn M3, bà Huỳnh Thị S1, bà Nguyễn Thị L5, bà Đào Thị L6, bà Võ Thị Đ2, bà Võ Thị L7, bà Huỳnh Thị S1, bà Trần Thị P đều trình bày: Bà Phạm Thị L có sinh hoạt thiếu nhi tại Chợ G và bị thương đêm 21/12/1967.

Tòa án đã tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và tiến hành đối thoại để các đương sự thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án nhưng người khởi kiện vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, người bị kiện vẫn giữ nguyên quyết định hành chính bị kiện.

Tại ản án hành chính sơ thẩm số 24/2022/ - T ngày 06/6/2022 của Tòa án nhân dân t nh hú ên đ quy t định:

Căn cứ Điều 3; khoản 1 Điều 30; khoản 3 Điều 32 của Luật tố tụng hành chính; điểm a khoản 2 Điều 193 và khoản 1 Điều 348 của Luật tố tụng hành chính; khoản 1 Điều 32 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.

Áp dụng Điều 12 Pháp lệnh ưu đãi người có công ngày 29/8/1994; Điều 25 Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (nay là Điều 27 Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng).

Tuyên xử: Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị L, về các yêu cầu:

1/ Hủy Quyết định số 5807/QĐ-SLĐTBXH ngày 02 tháng 10 năm 2019 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên, về việc “Đình chỉ chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người hưởng chính sách như thương binh”;

2/ Hủy Quyết định số 3219/QĐ-SLĐTBXH ngày 24/6/2019 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên, về việc “Tạm đình chỉ chế độ trợ cấp hàng tháng cho người hưởng chính sách như thương binh”.

3/ Buộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên tiếp tục thực hiện chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người hưởng chính sách như thương binh theo Giấy chứng nhận số: PK/CK-120797 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên cấp ngày 20/5/2002.

4/ Buộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần, kể từ tháng 7 năm 2019 cho đến khi vụ kiện kết thúc, với mức 1.992.000đồng/tháng.

5/ Hủy Quyết định số 5808/QĐ-SLĐTB-XH ngày 02/10/2019 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên về việc thu hồi khoản tiền trợ cấp hàng tháng đối với người hưởng chính sách như thương binh đối với bà Phạm Thị L.

6/ Hủy Biên bản làm việc của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên ngày 14/5/2019 về việc phối hợp đề xuất UBND tỉnh xử lý trường hợp của bà Phạm Thị L;

7/ Hủy Công văn số 540/SLĐTBXH-TTr ngày 17/5/2019 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên về việc kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý trường hợp bà Phạm Thị L;

8/ Hủy Công văn số 3106/UBND-NC ngày 13/6/2019 của UBND tỉnh Phú Yên về việc thống nhất kiến nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên trường hợp của bà Phạm Thị L;

9/ Hủy Công văn số 749/SLĐTBXH-NCC ngày 24/6/2019 của Sở LĐTBXH tỉnh Phú Yên gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện T và UBND xã A, về việc đề nghị lập thủ tục xóa danh hiệu người hưởng chính sách như thương binh trường hợp bà Phạm Thị L;

10/ Hủy Công văn số 103/UBND ngày 27/6/2019 của UBND xã A về việc đề nghị thu hồi Biên bản họp xét duyệt và Biên bản đề nghị công nhận thương binh đối với bà Phạm Thị L.

11/ Hủy Công văn số 784/UBND ngày 02/7/2019 của huyện T về việc thu hồi giấy chứng nhận bị thương.

Vì không có căn cứ pháp luật.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về phần án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 08/6/2022, người khởi kiện bà Phạm Thị L kháng cáo bản án sơ thẩm; yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Phạm Thị L không rút đơn khởi kiện và giữ nguyên kháng cáo.

Đại diện VKSND cấp cao tại Đà Nẵng phát biểu về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và của những người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng quy định của Luật tố tụng hành chính và về nội dung vụ án: Đề nghị HĐXX tuyên bác kháng cáo và giữ nguyên quyết định của bản án hành chính sơ thẩm.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử thấy:

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Các yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị L về hủy các văn bản và yêu cầu:

[1.1] Công văn số 540/SLĐTBXH-TTr ngày 17/5/2019 của Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Phú Yên gửi UBND tỉnh Phú Yên về việc kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý trường hợp bà Phạm Thị L;

Công văn số 3106/UBND-NC ngày 13/6/2019 của UBND tỉnh Phú Yên về việc thống nhất kiến nghị của Sở L và Xã hội trường hợp của bà Phạm Thị L;

Công văn số 749/SLĐTBXH-NCC ngày 24/6/2019 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên về việc đề nghị Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện T và UBND xã A lập thủ tục xóa danh hiệu người hưởng chính sách như thương binh trường hợp bà Phạm Thị L;

Biên bản làm việc của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên ngày 14/5/2019 về việc phối hợp đề xuất UBND tỉnh xử lý trường hợp của bà Phạm Thị L.

Buộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần, kể từ tháng 7 năm 2019 cho đến khi vụ kiện kết thúc, với mức 1.992.000đồng/tháng Tòa án cấp sơ thẩm nhận định các văn bản nêu trên và yêu cầu về bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần không thuộc đối tượng khởi kiện là đúng quy định tại Điều 3 Luật tố tụng hành chính.

[1.2] Đối với các văn bản: Quyết định số 5807/QĐ-SLĐTBXH; Quyết định số 3219/QĐ-SLĐTBXH; Quyết định số 5808/QĐ-SLĐTB-XH, Công văn số 784/UBND; Công văn số 103/UBND và yêu cầu buộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên tiếp tục thực hiện chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người hưởng chính sách như thương binh của bà Phạm Thị L là các đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính và Tòa án cấp sơ thẩm xem xét, giải quyết là đúng theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 3, Điều 30; khoản 3 Điều 32;

điểm a khoản 2 Điều 116 Luật tố tụng hành chính.

[2] Về nội dung:

[2.1] Trên cơ sở các văn bản, tài liệu: Đơn xin giám định thương tật ngày 13/02/1991 của bà Phạm Thị L, Tờ khai của người bị thương ngày 20/12/1991 của bà Phạm Thị L, giấy xác nhận của ông Mai Văn M ngày 22/02/1991 và của ông Mai Anh T1 ngày 08/9/1991, Biên bản suy tôn đề nghị xét duyệt thương binh của nhân dân thôn Phú Hội ngày 13/10/1991 và Biên bản xét duyệt thương binh trong hai cuộc kháng chiến của UBND xã A ngày 25/12/1991 đối với bà Phạm Thị L; UBND huyện T cấp giấy chứng nhận bị thương số 62 ngày 03/12/1994 cho bà Phạm Thị L (sinh năm 1958) và bà L được giám đốc Sở lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số 581/QĐ- TC ngày 01/11/1997, với nội dung bà Phạm Thị L có năm sinh 1958, được hưởng trợ cấp hàng tháng theo chế độ người hưởng chính sách như thương binh.

[2.2] Căn cứ vào các văn bản, tài liệu có trong hồ sơ thương binh của bà Phạm Thị L khai để hưởng chế độ người hưởng chính sách như thương binh lập năm 1991 nêu trên cùng lời khai của bà lương, lời khai của các nhân chứng trong quá trình xác minh, thu thập các tài liệu liên quan đến đơn tố cáo đối với bà Phạm Thị L và tại Tòa án cấp sơ thẩm. HĐXX cấp phúc thẩm có cơ sở xác định: Bà Phạm Thị L có tham gia sinh hoạt thiếu nhi tại chợ G, xã A (nay là xã A) và bị thương vào khoảng thời gian tối 21/12/1967 với mức độ thương tật là 41% như biên bản giám định thương tật số 68 ngày 03/12/1994 của Hội đồng giám định y khoa tỉnh Phú Yên kết luận.

Việc bị thương của bà Phạm Thị L theo hồ sơ kê khai năm 1991 thì bà L bị thương trong trường hợp cấp trên phân công nhiệm vụ: “Cấp ủy chi bộ phân công họp bàn kế hoạch chuẩn bị Xuân M1 thân 1968 bị địch tập kích bắn bị thương…” (tờ khai người bị thương ngày 20/12/1991 của bà Phạm Thị L và giấy chứng nhận bị thương số 62 ngày 03/12/1994 của UBND huyện T). Tuy nhiên, tại lời trình bày của bà Phạm Thị L ngày 26/12/2018 (đã được bà L thừa nhận lời trình bày này là khách quan, đúng sự thật tại Biên bản làm việc ngày 08/5/2019 với Sở lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên và tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29/3/2022) cho thấy trường hợp bà L bị thương không do tổ chức, cá nhân nào phân công: “không có cá nhân, tổ chức nào phân công nhiệm vụ cho tôi làm gì…”. Vì vậy, việc xác định về trường hợp bị thương của bà Phạm Thị L theo hồ sơ kê khai năm 1991 là không đúng sự thật. Bên cạnh đó, ngoài hồ sơ thương binh của bà L thể hiện bà L sinh năm 1958 thì không có các tài liệu khác để chứng minh bà L sinh năm 1958 (các giấy tờ về nhân thân và giấy tờ khác: giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, lý lịch cán bộ công chức, các bằng cấp tốt nghiệp và quyết định nghỉ việc của bà L đều ghi bà L sinh ngày 10/4/1963); việc bà L kê khai sinh năm 1958 tại hồ sơ thương binh đã được bà L thừa nhận là kê khai để được hưởng chế độ thương binh. Cho nên, UBND huyện T cấp giấy chứng nhận bị thương số 62 ngày 03/12/1994 xác định bà Phạm Thị L sinh năm 1958 là không đủ căn cứ.

Mặt khác, trường hợp bị thương của bà Phạm Thị L vào tối ngày 21/12/1967, không thuộc đối tượng được hưởng chính sách như thương binh theo quy định tại Điều 12 Pháp lệnh số 36-L/CTN ngày 29/8/1994 về ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh…Điều 25 Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh…và mục I phần B thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT/BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25/11/1998. Cụ thể: Bà Phạm Thị L bị thương của bà Phạm Thị L vào tối ngày 21/12/1967 không thuộc một trong các trường hợp “1. Chiến đấu với địch hoặc trong khi trực tiếp chiến đấu;

2. Do địch tra tấn kiên quyết đấu tranh, không chịu khuất phục, để lại thương tích thực thể;

3. Đấu tranh chống các loại tội phạm;

4. Dũng cảm làm những công việc cấp bách phục vụ quốc phòng an ninh, dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhà nước và của nhân dân;

5. Làm nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở những vùng đặc biệt khó khăn, gian khổ (nơi có phụ cấp lương đặc biệt 100%);

6. Làm nghĩa vụ quốc tế”.

Do đó, Quyết định số 581/QĐ-TC ngày 01/11/1997 của giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên căn cứ vào hồ sơ thương binh của bà Phạm Thị L để quyết định trợ cấp thương tật cho bà Phạm Thị L là không đúng quy định và Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà L là có căn cứ và đúng pháp luật.

[3] Từ các nhận định trên, HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thị L.

[4] Về án phí: Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận nên bà Phạm Thị L phải chịu án phí hành chính phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính.

Bác kháng cáo của bà Phạm Thị L; giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm; xử:

Áp dụng: Điều 12 Pháp lệnh số 36-L/CTN ngày 29/8/1994 về ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh…Điều 25 Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng và mục I phần B thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT/BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25/11/1998 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án; xử:

- Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị L, về các yêu cầu:

1/ Hủy Quyết định số 5807/QĐ-SLĐTBXH ngày 02 tháng 10 năm 2019 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên, về việc “Đình chỉ chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người hưởng chính sách như thương binh”;

2/ Hủy Quyết định số 3219/QĐ-SLĐTBXH ngày 24/6/2019 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên, về việc “Tạm đình chỉ chế độ trợ cấp hàng tháng cho người hưởng chính sách như thương binh”.

3/ Buộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên tiếp tục thực hiện chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người hưởng chính sách như thương binh theo Giấy chứng nhận số: PK/CK-120797 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên cấp ngày 20/5/2002.

4/ Buộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần, kể từ tháng 7 năm 2019 cho đến khi vụ kiện kết thúc, với mức 1.992.000đồng/tháng.

5/ Hủy Quyết định số 5808/QĐ-SLĐTB-XH ngày 02/10/2019 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên về việc thu hồi khoản tiền trợ cấp hàng tháng đối với người hưởng chính sách như thương binh đối với bà Phạm Thị L.

6/ Hủy Biên bản làm việc của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên ngày 14/5/2019 về việc phối hợp đề xuất UBND tỉnh xử lý trường hợp của bà Phạm Thị L;

7/ Hủy Công văn số 540/SLĐTBXH-TTr ngày 17/5/2019 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên về việc kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý trường hợp bà Phạm Thị L;

8/ Hủy Công văn số 3106/UBND-NC ngày 13/6/2019 của UBND tỉnh Phú Yên về việc thống nhất kiến nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên trường hợp của bà Phạm Thị L;

9/ Hủy Công văn số 749/SLĐTBXH-NCC ngày 24/6/2019 của Sở LĐTBXH tỉnh Phú Yên gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện T và UBND xã A, về việc đề nghị lập thủ tục xóa danh hiệu người hưởng chính sách như thương binh trường hợp bà Phạm Thị L;

10/ Hủy Công văn số 103/UBND ngày 27/6/2019 của UBND xã A về việc đề nghị thu hồi Biên bản họp xét duyệt và Biên bản đề nghị công nhận thương binh đối với bà Phạm Thị L.

11/ Hủy Công văn số 784/UBND ngày 02/7/2019 của huyện T về việc thu hồi giấy chứng nhận bị thương.

- Về án phí hành chính phúc thẩm: Bà Phạm Thị L phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng); được trừ vào số tiền 300.000 đồng đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 07312 ngày 16/6/2022 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên.

- Giữ nguyên các quyết định khác của bản án sơ thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

149
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về khởi kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực chính sách đối với chế độ thương binh số 237/2023/HC-PT

Số hiệu:237/2023/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 27/07/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;