TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
BẢN ÁN 33/2023/HC-ST NGÀY 14/08/2023 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THUẾ
Trong các ngày 20, 31 tháng 7 và ngày 14 tháng 8 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 28/2020/TLST-HC ngày 10 tháng 01 năm 2020 về “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực thuế” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 20/2023/QĐXXST-HC ngày 21/4/2023, Quyết định hoãn phiên tòa số 267/2023/QĐST-HC ngày 22/5/2023, Thông báo số 328/TB-TA ngày 21/6/2023, giữa các đương sự:
1. Người khởi kiện: Công ty P.
Địa chỉ: Khu phố , phường T, thành phố H, tỉnh Đồng Nai.
Người đại diện theo pháp luật: Ông P – Chức vụ: Tổng giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Quốc T, sinh năm 1964.
Địa chỉ: Khu phố A, phường B, Quận C, thành phố Hồ Chí Minh (Văn bản ủy quyền ngày 11/11/2019) – có mặt.
2. Người bị kiện: Cục trưởng Cục thuế tỉnh Đ.
Địa chỉ: Đường N, khu phố A, phường Q, thành phố H, tỉnh Đồng Nai.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Toàn T1 – Chức vụ: Cục trưởng Cục thuế tỉnh Đ.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Quốc T2 – Chức vụ: Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Đ (Văn bản ủy quyền ngày 16/5/2023) – có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo đơn khởi kiện, các văn bản trình bày ý kiến và trong quá trình giải quyết vụ án, người khởi kiện Công ty P do ông Nguyễn Quốc T trình bày:
Ngày 21/8/2019, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Đ ban hành Quyết định số 1531/QĐ-CT về việc thanh tra thuế tại Công ty P. Theo quyết định, nội dung thanh tra thuế liên quan đến “Giá vốn hàng năm”, “Chi phí quản lý doanh nghiệp” và “kỳ hoàn thuế GTGT” của Công ty từ năm 2015 đến năm 2018.
Ngày 04/9/2019, Đoàn thanh tra ban hành Biên bản công bố quyết định thanh tra. Ngày 29/8/2019, người đại diện Công ty ủy quyền cho bà Lê Thị Thúy V là kế toán trưởng của Công ty để đại diện cung cấp thông tin, tài liệu, số liệu, ký các biên bản, chịu trách nhiệm nội dung các biên bản đã ký với cơ quan thuế. Thời gian ủy quyền từ ngày 04/9/2019 đến hết ngày 30/9/2019.
Vào các ngày 09/9/2019, 11/9/2019, 13/9/2019, 16/9/2019, 18/9/2019 và 23/9/2019 đã diễn ra các phiên làm việc giữa Công ty và Đoàn thanh tra liên quan đến số liệu, sổ sách kế toán, chứng từ, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế. Mỗi phiên làm việc đều có lập biên bản ghi nhận nội dung làm việc.
Ngày 09/10/2019, Đoàn thanh tra đề nghị cung cấp hồ sơ giải trình các vấn đề cần làm rõ trong các biên bản làm việc. Ngày 10/10/2019, Công ty cung cấp chứng từ và hồ sơ và được yêu cầu tiếp tục cung cấp hồ sơ bổ sung về quy trình tính giá thành kèm số liệu dẫn chứng cụ thể.
Ngày 10/10/2019, Công ty nhận bản dự thảo của Biên bản thanh tra ngày 11/10/2019 từ ông Vũ Trọng N qua địa chỉ thư điện tử, đề nghị Công ty xem qua nội dung trước khi Đoàn thanh tra ban hành Biên bản thanh tra chính thức. Ngày 11/10/2019, ông N tiếp tục gửi một thư điện tử khác khẳng định nội dung Biên bản thanh tra là nội dung cuối cùng. Ông N không có đến Công ty để lập và giao nhận Biên bản thanh tra cho Công ty theo như nội dung biên bản ghi nhận.
Ngày 16/10/2019, Công ty gửi Công văn số 20191012/ONP-VN ngày 16/10/2019 giải trình vấn đề cung cấp hồ sơ kèm chứng từ, số liệu chứng minh, nêu ý kiến của Công ty đối với nội dung bản dự thảo Biên bản thanh tra.
Ngày 22/10/2019, vào lúc 10 giờ sáng, ông N gọi điện cho Công ty yêu cầu cung cấp bổ sung dữ liệu doanh thu và giá vốn của hàng sản xuất, tách riêng doanh thu và giá vốn của hàng sản xuất, tách riêng doanh thu và giá vốn của nguyên vật liệu mua vào xuất bán cho các năm 2015, 2016, 2017 và 2018. Đến 10 giờ 15 phút cùng ngày, Đoàn Thanh tra trong đó có ông N trực tiếp đến Công ty tiến hành công bố và giao nhận Biên bản thanh tra. Nội dung biên bản thanh tra được giữ nguyên so với bản dự thảo, Công ty không đồng ý nên không ký vào Biên bản thanh tra. Đồng thời, Công ty đã nộp tại chỗ cho Đoàn Thanh tra số 01-ONP-Tax/2019 cùng bản sao của Công văn số 20191012/ONP-VN và Công văn số 20191016/ONP-VN để đảm bảo rằng Đoàn Thanh tra đã nhận được các giải trình của Công ty.
Ngày 25/10/2019, Công ty tiếp tục nộp Công văn số 20191025/ONP-VN ngày 25/10/2019 cung cấp thêm thông tin tài liệu theo yêu cầu của ông N qua điện thoại ngày 22/10/2019. Ngày 30/10/2019, Công ty tiếp tục nộp Công văn số 20191030/ONP-VN để giải trình thêm các nội dung thanh tra tại Bộ phận một cửa của Cục thuế.
Ngày 04/11/2019, Cục trưởng Cục thuế ban hành Kết luận thanh tra số 8295/KLTT-CT và Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2025/QĐ-CT. Tổng số tiền thuế bị truy thu, tiền phạt và tiền chậm nộp theo quyết định xử phạt là 8.065.929.645đ. Ông N gửi thư điện tử thông báo Đoàn Thanh tra xuống công bố Kết luận thanh tra và Quyết định xử phạt vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 05/11/2019. Cùng ngày, Công ty làm Công văn số 20191104/ONP-VN nộp lên phòng một cửa đề nghị có cuộc họp với Đoàn Thanh tra và Cục thuế tỉnh Đ để giải trình và cung cấp thông tin, tài liệu về cách hạch toán giá vốn nhằm hỗ trợ Đoàn Thanh tra trong quá trình thanh tra tại Công ty.
Ngày 05/11/2019, ông N đến sớm hơn lịch hẹn 30 phút nên không gặp được người đại diện theo pháp luật của Công ty để bàn giao Kết luận thanh tra và Quyết định xử phạt để ký nhận. Ông N tự quay phim ghi lại quá trình bàn giao và để lại các giấy tờ này trên bàn dù chưa đến giờ hẹn và không có mặt người đại diện theo pháp luật của Công ty.
Theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2025/QĐ-CT ngày 04/11/2019, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Đ đã áp dụng Nghị định số 129/2013/NĐ- CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ phạt Công ty tổng cộng 8.065.929.645 đồng, cụ thể: Hình thức xử phạt chính: phạt tiền 1.129.638.147 đồng, (20% số thuế thiếu đối với hành vi khai sai thuế TNDN năm 2015, 2016, 2017, 2018; Phạt bổ sung số tiền 3.500.000 đồng do không cung cấp SSKT, thông tin, tài liệu, số liệu liên quan đến nghĩa vụ thuế; Biện pháp khắc phục hậu quả: Truy thu thuế TNDN năm 2015, 2016, 2017, 2018 số tiền là 5.648.190.733 đồng; tiền chậm nộp 1.284.600.764 đồng.
Căn cứ theo điểm a và d khoản 1 Điều 7 Thông tư số 156/2013/TT-BTC thì Quyết định ấn định thuế và Quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật thuế là hai quyết định hành chính độc lập. Việc Cục trưởng ra Quyết định xử phạt bào gồm cả nội dung về xử phạt vi phạm hành chính thuế và việc ấn định thuế là không chính xác. Đồng thời, theo khoản 5 và 6 Điều 25 Thông tư số 156/2013/TT-BTC thì cơ quan thuế phải gửi quyết định ấn thuế cho người nộp thuế theo mẫu số 01.AĐTH ban hành kèm theo Thông tư này, số tiền thuế được ấn định từ 500.000.000đ trở lên thì thời hạn nộp thuế là 30 ngày kể từ ngày cơ quan thuế ký quyết định ấn thuế. Quyết định xử phạt 2025/QĐ-CT ấn định thời hạn nộp là 10 ngày kể từ ngày ra quyết định là không phù hợp.
Công ty P khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định xử phạt hành chính số 2025/QĐ-CT ngày 04/11/2019 vì các lý do:
+ Cục trưởng Cục thuế tỉnh Đ cho rằng Công ty không cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu, số liệu liên quan là không có căn cứ. Thứ nhất, về phương diện kế toán quản trị, các thông tin, dữ liệu mà Công ty thu thập, xác định và hoạch toán tại các tài liệu kế toán của Công ty hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật về kế toán, chế độ và chuẩn mực kế toán Việt Nam theo Thông tư số 214/2012/TT- BTC ngày 06/12/2012 của Bộ Tài chính. Công ty chỉ cần hạch toán đúng với các quy định và hướng dẫn chung về nguyên tắc, phương pháp kế toán, phù hợp với hoạt động sản xuất của mình, số liệu trên sổ sách kế toán là đầy đủ, chính xác, trung thực. Thực tế, số liệu, tài liệu và sổ sách của Công ty luôn tuân theo các chuẩn mực kế toán nói trên.
+ Thứ hai, về việc xác định sản phẩm dở dang trong quá trình sản xuất của Công ty: Đặc thù ngành nghề và sản phẩm, quy trình sản xuất của Công ty tương đối đơn giản, chỉ bao gồm cắt, ghép, chà nhám, sơn, lắp ráp và đóng gói. Khi nguyên vật liệu được đưa vào dây chuyền sản xuất, Công ty chỉ có linh kiện hay sản phẩm dở dang trước khi sản phẩm được hoàn chỉnh thành thành phẩm. Sản phẩm không trải qua nhiều giai đoạn sản phẩm nên Công ty không áp dụng tính giá tiền theo phương pháp phân bước mà chỉ ghi nhận sản phẩm dở dang và thành phẩm. Công ty đã giải trình nhiều lần với Đoàn thanh tra về quy trình sản xuất, việc áp dụng phương pháp tính giá thành thành phẩm theo định mức, việc lựa chọn các hồ sơ hạch toán giá thành của Thành phẩm, bao gồm: Định mức tiêu hao nguyên liệu để sản xuất ra 01 đơn vị thành phẩm; biên bản kiểm kê định kỳ (nhằm xác định lượng nguyên vật liệu và thành phẩm còn tồn thực tế); báo cáo nhập xuất tồn nguyên vật liệu, thành phẩm theo tháng; bảng tính giá thành thành phẩm mỗi tháng dựa vào nguyên vật liệu thực xuất dùng và các chi phí sản xuất (gồm chi phí nhân công, chi phí sản xuất chung) để tạo ra các thành phẩm hoàn chỉnh nhập kho để bán.
Đoàn thanh tra vẫn kết luận Công ty không cung cấp các tài liệu về bán thành phẩm dù đã nghe Công ty giải trình là vô lý, không phù hợp đặc điểm tình hình cụ thể về tổ chức sản xuất, quy trình công nghệ, cơ cấu chi phí, trình độ quản lý của Công ty và thiếu căn cứ pháp luật. Đoàn thanh tra không hiểu rõ bản chất, nghiệp vụ và chuyên môn của kế toán quản trị, hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành. Việc xác định hàng tồn kho là bán thành phẩm hay sản phẩm dở dang chỉ ảnh hưởng đến phương pháp tính và phân bổ chi phí tại các thời điểm, giai đoạn khác nhau trong quá trình sản xuất, không ảnh hưởng đến chi phí sản xuất cuối kỳ vì chi phí sản xuất của sản phẩm dở dang và bán thành phẩm đều bao gồm chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công và chi phí sản xuất chung trong cả hai trường hợp.
+ Thứ ba, báo cáo tài chính từ năm 2015 đến năm 2018 của Công ty được kiểm toán bởi đơn vị kiểm toán độc lập là Công ty TNHH KPMG, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh thể hiện tính trung thực, chính xác và tuân thủ pháp luật của phương thức hạch toán kế toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong quá trình sản xuất của Công ty.
+ Thứ tư, việc cung cấp hồ sơ, tài liệu, sổ sách kế toán cho Đoàn thanh tra qua các buổi làm việc ngày 09/9/2019, 11/9/2019, 13/9/2019, 16/9/2019, 18/9/2019, buổi đối thoại ngày 23/9/2019 với Đoàn thanh tra; các công văn số 20191016/ONP-VN, 20191012/ONP-VN, 20191025/ONP-VN và 20191030/ONP-VN, Công ty đã cung cấp tài liệu theo yêu cầu của Đoàn thanh tra bao gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Công ty; báo cáo tài chính từ năm 2015 đến năm 2018 đã được kiểm toán; bảng cân đối số phát sinh; bảng lương 12 tháng; thỏa ước lao động tập thể;
bảng thống kê, kiểm kê sản phẩm dở dang tồn kho bao gồm sản phẩm dở dang trong kho và sản phẩm dở dang trên dây chuyền sản xuất; bảng định mức nguyên vật liệu cho từng sản phẩm bao gồm thành phẩm và sản phẩm dở dang, bảng định mức cập nhật giá bình quân của vật tư để tính giá thành của sản phẩm dở dang và thành phẩm mỗi tháng; sổ sách kế toán liên quan việc theo dõi, kiểm kê, tính giá thành của Công ty; sơ đồ quy trình tính giá thành; bảng liệt kê doanh số và giá vốn hàng bán của hàng sản xuất theo từng năm giai đoạn 2015-2018; giải thích chênh lệch giữa số liệu trên bảng kiểm kê và số liệu trên sổ nhập xuất tồn của sản phẩm dở dang và các giải trình khác liên quan. Các tài liệu trên bao gồm các nội dung, số liệu hoàn chỉnh để Công ty đánh giá, tính toán giá vốn hàng bán chính xác nên đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan việc xác định giá vốn hàng bán của Đoàn thanh tra.
+ Thứ năm, Đoàn thanh tra không có thẩm quyền kết luận việc chấp hành chế độ, chuẩn mực, quy định về kế toán của Công ty theo quy định tại Điều 69, Điều 70 và Điều 71 Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ. Ngoài ra Đoàn thanh tra còn không tuân thủ nội dung hướng dẫn của Công văn số 4717/TCT-TTr ngày 10/11/2015 của Tổng Cục thuế và tiến hành sai quy trình quy trình thanh tra trong việc xác định thẩm quyền ban hành kết luận thanh tra liên quan việc chấp hành chế độ, chuẩn mực, quy định về kế toán của Công ty.
+ Đối với việc áp dụng tỷ lệ 74,94% doanh thu cho giá vốn bán hàng từ năm 2015 đến năm 2918: Đoàn thanh tra không đưa ra cơ sở pháp lý được áp dụng. Quyết định thanh tra số 1531/QĐ-CT-TT ngày 21/8/2019 của Cục thuế tỉnh Đ về việc thanh tra thuế tại Công ty, nội dung “Giá chuyển nhượng” không bao gồm trong nội dung thanh tra, việc xác định tỷ lệ của doanh nghiệp có cùng quy mô, ngành nghề tại địa phương gần tương đồng với việc xác định giá giao dịch liên kết. Ngoài ra, Đoàn thanh tra sử dụng toàn bộ doanh thu trong kỳ để làm cơ sở ấn định thuế, tuy nhiên doanh thu này bao gồm cả doanh thu của hoạt động xuất khẩu nguyên vật liệu và hoạt động sản xuất. Giá vốn của hoạt động xuất khẩu nguyên vật liệu được kết chuyển trực tiếp từ nguyên liệu, vật liệu TK 152, không liên quan việc hạch toán giá thành sản phẩm của hoạt động sản xuất mà Đoàn thanh tra yêu cầu Công ty giải trình. Tỷ lệ giá vốn của hoạt động xuất khẩu nguyên vật liệu là khác với tỷ lệ giá vốn của hoạt động sản xuất nên việc áp đặt 74,94% của doanh thu là giá vốn hàng bán cho cả 2 hoạt động xuất khẩu nguyên vật liệu và hoạt động sản xuất đã dẫn đến sai số khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy tỷ lệ giá vốn trên doanh thu mà Đoàn thanh tra xác định là không chính xác.
* Tại các văn bản trình bày ý kiến và trong quá trình giải quyết vụ án, người bị kiện Cục trưởng Cục thuế tỉnh Đ do ông Nguyễn Quốc T2 đại diện trình bày:
+ Cơ sở ban hành Quyết định xử phạt hành chính số 2025/QĐ-CT ngày 04/11/2019: Thực hiện Quyết định số 134/QĐ-TCT ngày 30/01/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục thuế về việc phê duyệt kế hoạch thanh tra tại doanh nghiệp năm 2019, ngày 21/8/2019, Cục thuế tỉnh Đ ban hành Quyết định thanh tra tại Công ty P trong thời kỳ từ 2015 – 2018, nội dung thanh tra: giá vốn, chi phí quản lý doanh nghiệp và các Quyết định hoàn thuế. Theo hồ sơ thanh tra và căn cứ quy định tại Luật Thanh tra, Luật quản lý thuế, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật xử lý vi phạm hành chính, Cục thuế tỉnh Đ đã ban hành Kết luận thanh tra số 8295/KLTT-CT ngày 04/11/2019 và Quyết định xử phạt hành chính số 2025/QĐ-CT ngày 04/11/2019 đối với Công ty P, số tiền xử lý vi phạm cụ thể: Truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2015 đến năm 2018 số tiền 5.648.190.733 đồng; xử phạt hành vi kê khai sai bằng 20% số thuế truy thu số tiền 1.129.638.147 đồng; xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không cung cấp sổ sách kế toán, thông tin, tài liệu, số liệu liên quan đến nghĩa vụ thuế số tiền 3.500.000đồng; tiền chậm nộp đối với số thuế truy thu số tiền 1.284.600.764 đồng.
+ Căn cứ ấn định số liệu giá vốn từ năm 2015 đến năm 2018: Căn cứ nội dung các biên bản làm việc, Đoàn thanh tra ghi nhận như sau: Các số liệu, tài liệu, sổ sách kế toán đơn vị không cung cấp hoặc cung cấp không đúng với yêu cầu của Đoàn thanh tra, không đúng quy trình sản xuất thực tế tại đơn vị (ví dụ: bảng định mức thành phẩm không có mã linh kiện, không cung cấp mã chuyển đổi vật tư), số liệu bỏ ngoài sổ sách kế toán (chênh lệch tồn kho kiểm kê và tồn kho sổ nhập xuất tồn linh kiện 2018), sổ sách kế toán không rõ ràng (sổ nhập xuất tồn bán thành phẩm linh kiện 2018 chỉ có số lượng không có giá trị, sổ TK 1541 bị âm hàng ngày), không chứng minh được vật tư xuất sản xuất tạo ra giá thành thành phẩm dẫn đến giá thành thành phẩm, bán thành phẩm (linh kiện) không chính xác ảnh hưởng đến xác định giá vốn hàng bán và trị giá thành phẩm, bán thành phẩm tồn kho sổ sách kế toán không đúng, không chứng minh được số liệu từ sổ nhập xuất tồn vật tư xuất sản xuất tạo ra nhập xuất tồn linh kiện, từ nhập xuất tồn linh kiện tạo ra nhập xuất tồn thành phẩm, hạch toán kế toán không đúng quy định (sổ TK 1541 tồn âm hàng ngày do có xuất không có nhập), không có sổ xuất nhập tồn bán thành phẩm từ 2015-2017, không chứng minh được chênh lệch xuất vật tư tương ứng nhập thành phẩm. Như vậy, Công ty đã vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 122 Thông tư số 200/2014/TT- BTC về hướng dẫn chế độ kế toán; khoản 1b Điều 86 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 về nghĩa vụ của đối tượng thanh tra trong việc cung cấp hồ sơ. Căn cứ quy định về ấn định thuế của Luật Quản lý thuế liên quan đến hành vi vi phạm của Công ty; Điều 25 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có cùng ngành nghề, cùng quy mô trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xác định được tỷ lệ giá vốn/doanh thu áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2015-2018 của Công ty P là 74,94%.
+ Trình tự, thủ tục, mẫu Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và công bố dữ liệu xác định tỷ lệ: Đoàn thanh tra thực hiện đúng quy định về nhiệm vụ quyền hạn và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 85 và Điều 86 Luật Quản lý thuế. Mẫu quyết định xử phạt hành chính áp dụng theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017. Về dữ liệu của các doanh nghiệp có cùng quy mô, ngành nghề làm căn cứ xác định tỷ lệ ấn định giá vốn được giữ bí mật theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Luật Quản lý thuế nên Cục thuế không công bố.
Đối với yêu cầu của người khởi kiện, đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
* Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai:
- Về việc chấp hành pháp luật tố tụng: từ khi thụ lý vụ án đến khi xét xử tại phiên tòa, Thẩm phán, Thư ký và Hội đồng xét xử thực hiện đúng quy định của pháp luật. Các đương sự thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định.
- Về việc giải quyết vụ án:
Về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn, thời hiệu xử lý vi phạm pháp luật về thuế: Cục trưởng Cục thuế tỉnh Đồng Nai thực hiện chưa đầy đủ, chưa đúng theo quy định tại các Điều từ 82 đến 87, 109, 110 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội; Điều 2, 3 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ; Điều 4, 5, 6 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ tài chính.
Về nội dung, tính có căn cứ của quyết định hành chính bị kiện:
Công ty đã không tuân thủ việc cung cấp các hóa đơn chứng từ, sổ sách làm căn cứ tính thuế khi đã hết thời hạn kiểm tra, số liệu không đầy đủ, không chính xác dẫn đến không xác định đúng các yếu tố làm căn cứ tính số thuế phải nộp là vi phạm Điều 25 Thông tư số 156/2013 ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính, Điều 10 Thông tư 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 của Bộ tài chính. Do đó thuộc trường hợp bị ấn định mức giá được sử dụng để kê khai tính thuế, ấn định thu nhập chịu thuế hoặc số thuế thu nhập phải nộp đối với các năm từ 2015 đến năm 2018. Tuy nhiên Cục thuế ấn định thuế đối với Công ty là 74,94% (theo yếu tố giá vốn chiếm tỷ lệ/doanh thu) là chưa chính xác, chưa phù hợp Điều 36 Luật Quản lý thuế số 78 nên nội dung Quyết định bị khởi kiện do Cục trưởng Cục thuế tỉnh Đ ban hành chưa đúng quy định, không đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện, hủy Quyết định xử phạt hành chính số 2025/QĐ-CT ngày 04/11/2019 của Cục trưởng Cục thuế tỉnh Đ.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng: Công ty P (sau đây gọi tắt là Công ty) khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định xử phạt hành chính số 2025/QĐ-CT ngày 04/11/2019 của Cục trưởng Cục thuế tỉnh Đ (sau đây gọi tắt là Cục trưởng) nên xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực thuế” quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3, khoản 1 Điều 30 của Luật Tố tụng hành chính. Đối tượng khởi kiện là quyết định của Cục trưởng nên thuộc thẩm quyền giải quyết sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai theo quy định tại khoản 3 Điều 32 của Luật Tố tụng hành chính. Quyết định bị khởi kiện được ban hành ngày 04/11/2019 đến ngày 12/11/2019, Công ty nộp đơn khởi kiện là còn trong thời hiệu khởi kiện theo điểm a khoản 2 Điều 116 của Luật Tố tụng hành chính nên Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai thụ lý giải quyết theo quy định.
[2] Về tính hợp pháp của Quyết định hành chính bị khởi kiện: [2.1] Về thời hạn, trình tự, thủ tục, thẩm quyền và thời hiệu.
Công ty là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, được thành lập theo Giấy chứng nhận đầu tư số 471043000258 ngày 05/02/2010 do UBND tỉnh Đồng Nai cấp, đăng ký thay đổi lần 3 ngày 31/8/2017; ngành nghề kinh doanh là sản xuất gia công các sản phẩm nội thất bằng gỗ và kim loại; mở sổ kế toán trên phần mềm; hoạch toán độc lập; niên độ kế toán từ ngày 01/01 đến 31/12 năm dương lịch; kê khai nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.
Ngày 21/8/2019, Cục trưởng ban hành Quyết định số 1531/QĐ-CT về việc thanh tra thuế tại Công ty về các nội dung: Giá vốn bán hàng từ năm 2015 đến năm 2018; chi phí quản lý doanh nghiệp từ năm 2015 đến năm 2018; kiểm tra kỳ hoàn thuế giá trị gia tăng theo các Quyết định số 2832HT/QĐ-CT ngày 22/10/2018, Quyết định số 3124HT/QĐ-CT ngày 23/11/2018 và Quyết định số 3389HT/QĐ-CT ngày 24/12/2018 của Cục thuế tỉnh Đ. Thời kỳ thanh tra từ năm 2015 đến năm 2018, thời hạn thanh tra 15 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.
Ngày 04/9/2019, Đoàn thanh tra công bố quyết định thanh tra, quá trình thanh tra có lập biên bản làm việc với Công ty vào các ngày 09/9/2019, 11/9/2019, 13/9/2019, 16/9/2019, 18/9/2019 và 23/9/2019 liên quan đến sổ sách kế toán, chứng từ, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế. Đoàn thanh tra kết thúc thanh tra vào ngày 24/9/2019.
Ngày 10/10/2019, Đoàn Thanh tra gửi bản dự thảo Biên bản thanh tra. Ngày 11/10/2019, Đoàn Thanh tra phát hành Biên bản thanh tra. Ngày 22/10/2019, Đoàn Thanh tra công bố Biên bản thanh tra nhưng người khởi kiện không ký và gửi Biên bản thanh tra cho Đoàn Tranh tra.
Ngày 04/11/2019, Cục trưởng ban hành Kết luận thanh tra về thuế số 8295/KLTT-CT và Quyết định xử phạt hành chính số 2025/QĐ-CT. Tiến hành công bố Kết luận thanh tra vào ngày 05/11/2019.
Tại điểm d mục 2.5 phần II Quy trình thanh tra thuế ban hành kèm theo Quyết định số 1404/QĐ-TCT ngày 28/7/2015 của Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuế quy định khi kết thúc thanh tra, trường hợp người nộp thuế không ký Biên bản thanh tra thì chậm nhất trong 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày công bố công khai biên bản thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, báo cáo lãnh đạo bộ phận thanh tra để trình Lãnh đạo cơ quan thuế ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính, đồng thời thông báo yêu cầu người nộp thuế ký biên bản thanh tra. Nếu người nộp thuế vẫn không ký biên bản thanh tra thì trong thời hạn tối đa không quá 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày công bố công khai biên bản thanh tra, Lãnh đạo cơ quan thuế ban hành Quyết định xử lý về thuế, xử phạt vi phạm hành chính về thuế và kết luận thanh tra thuế theo nội dung trong biên bản thanh tra”. Tuy nhiên, Trưởng Đoàn thanh tra không lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính để xử lý hành chính theo quy trình là có thiếu sót.
Tại Biên bản thanh tra và Kết luận thanh tra, Công ty bị ấn định thuế thu nhập theo yếu tố giá vốn chiếm tỷ lệ 74,94%/doanh thu. Theo quy định tại Điều 40 của Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 thì Cơ quan thuế thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế về lý do ấn định thuế, căn cứ ấn định thuế, số thuế ấn định, thời hạn nộp thuế. Tuy nhiên, Cục thuế không thực hiện cung cấp thông tin về các doanh nghiệp mà mình lựa chọn làm cơ sở cho việc ấn định thuế cho Công ty.
Như vậy, về thời hạn, trình tự, thủ tục, thẩm quyền và thời hiệu thì Đoàn thanh tra, Cục trưởng chưa đảm bảo thực hiện theo quy định tại các Điều 82, 83, 84, 85, 86, 87, 109, 110 của Luật Quản lý số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006;
các Điều 25, 65, 66 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013.
[2.2] Về nội dung quyết định hành chính bị khởi kiện.
Căn cứ diễn biến quá trình thanh tra tại Công ty thể hiện tại các biên bản làm việc lập vào các ngày 09/9/2019, 11/9/2019, 13/9/2019, 16/9/2019, 18/9/2019 và Biên bản đối thoại ngày 23/9/2019 thể hiện:
- Theo Biên bản làm việc ngày 09/9/2019 ghi nhận: Công ty không cung cấp được sổ chi tiết và sổ tổng hợp nhập xuất tồn bán thành phẩm từ năm 2015 đến năm 2017. Không cung cấp được sổ tổng hợp nhập xuất tồn bán thành phẩm năm 2018, cung cấp được sổ chi tiết nhập xuất tồn bán thành phẩm có mã bán thành phẩm năm 2018 nhưng chỉ có số lượng nhập xuất tồn không có trị giá nhập xuất tồn, trong sổ xuất nhập tồn này chỉ có bán thành phẩm trong kho lắp ráp, không có bán thành phẩm trên dây chuyền sản xuất. Đơn vị có sổ kế toán TK 1541 bán thành phẩm chỉ thể hiện được tổng phát sinh nợ, phát sinh có.
- Căn cứ vào bảng định mức vật tư sản xuất ra thành phẩm Công ty cung cấp, Đoàn thanh tra đối chiếu phân tích, bóc tách số liệu bảng định mức vật tư với sổ nhập xuất tồn vật tư và nhập xuất tồn thành phẩm kết quả số lượng và trị giá vật tư xuất thừa, thiếu để tạo ra thành phẩm như sau: Năm 2015, chênh lệch âm 31.580.750.620đ; năm 2016, chênh lệch âm 2.371.121.241đ, chênh lệch dương 847.987.999đ; năm 2017, chênh lệch âm 6.245.342.875đ, chênh lệch dương 1.299.062.813đ; năm 2018, chênh lệch âm 6.035.255.215đ, chênh lệch dương 3.230.891.162đ nên Đoàn thanh tra lập biên bản yêu cầu Công ty giải trình, cung cấp sổ sách kế toán nhập xuất tồn bán thành phẩm (TK 1541) năm 2015 – 2018; bảng kê chuyển đổi mã vật tư trong bảng chi tiết nhập xuất tồn vật tư; toàn bộ bảng tính giá thành của bán thành phẩm 1541 và thành phẩm 1551 theo từng tháng tương ứng với với sổ nhập xuất tồn bán thành phẩm và nhập xuất tồn thành phẩm từ 2015 – 2018; bảng định mức vật tư sản xuất ra bán thành phẩm 1541 và định mức vật tư sản xuất ra thành phẩm 1551 tương ứng với số lượng sổ nhập xuất tồn bán thành phẩm và thành phẩm trên sổ chi tiết, sổ tổng hợp nhập xuất tồn bán thành phẩm, thành phẩm từng năm từ 2015 - 2018. Thời hạn cung cấp 02 ngày làm việc kể từ ngày ký biên bản 16/9/2019.
- Tại biên bản làm việc ngày 18/9/2019 ghi nhận Công ty không có khả năng cung cấp sổ chi tiết, sổ tổng hợp nhập xuất tồn bán thành phẩm theo yêu cầu. Đối với bảng mã bán thành phẩm dùng cho sản xuất ra mã thành phẩm Công ty có thiết lập bảng mã này cho mục đích tương lai về mặt quản trị kho vật tư, kho bán thành phẩm và kho thành phẩm nhưng hiện tại Công ty tính giá thành từ vật tư xuất ra thành phẩm không qua khẩu bán thành phẩm nên Công ty xin không cung cấp. Đoàn thanh tra kiểm tra đối chiếu số liệu bảng tính giá thành thành phẩm Công ty cung cấp ghi nhận Công ty không thuyết minh được số lượng vật tư (xuất theo từng mã vật tư) cho những thành phẩm nào hoàn thành nhập kho và không có bảng thuyết minh bằng số liệu để thuyết minh số lượng vật tư trong tháng theo từng mã vật tư sản xuất để phân bổ theo định mức từng mã vật tư cho các mã thành phẩm nào nhập trong tháng để tính giá thành từng mã sản phẩm. Công ty có ý kiến là theo bảng tính giá thành cung cấp cho Đoàn thanh tra không thể hiện được số lượng từng mã vật tư sản xuất phân bổ cho từng mã thành phẩm nào nhập trong tháng, chỉ có thể hiện tổng số lượng vật tư xuất ra để sản xuất cho các mã thành phẩm nhập trong tháng, đây là cách tính giá thành phù hợp với chuẩn mực kế toán nhưng không đáp ứng được yêu cầu của Đoàn thanh tra.
Do Công ty không cung cấp sổ nhập xuất tồn bán thành phẩm từ năm 2015 đến 2017, năm 2018 cung cấp sổ chi tiết nhập xuất tồn bán thành phẩm nhưng không cung cấp bảng định mức vật tư sản xuất ra bán thành phẩm và không cung cấp bảng định mức vật tư sản xuất ra thành phẩm (trong bảng định mức vật tư sản xuất ra thành phẩm phải có mã bán thành phẩm) theo quy trình sản xuất của đơn vị nên Đoàn thanh tra đã tổ chức cuộc đối thoại vào ngày 23/9/2019. Nội dung buổi đối thoại thể hiện: Tại biên bản làm việc ngày 09/9/2019, Công ty trình bày về quy trình sản xuất ra thành phẩm là Công ty xuất nguyên vật liệu chính và một số nguyên vật liệu phụ để sản xuất ra bán thành phẩm, đồng thời xuất ra nguyên liệu phụ để đóng gói, lắp ráp tạo ra thành phẩm. Do có hiểu nhầm về câu từ nên Công ty xác định lại quy trình sản xuất là từ vật tư đơn vị sản xuất ra linh kiện của thành phẩm, từ linh kiện đơn vi lắp ráp đóng gói trở thành thành phẩm và chia làm hai loại gồm loại 1 là sản phẩm dở dang dạng linh kiện đã qua các công đoạn sản xuất kiểm tra chỉ chờ lắp ráp đóng gói trở thành thành phẩm, loại 2 là sản phẩm dở dang loại vật tư dở dang, Công ty không có bán thành phẩm. Công ty cung cấp cho Đoàn thanh tra số liệu, tài liệu là bảng kiểm kê tồn kho (BTP) nay gọi là linh kiện (TK 1541) bao gồm linh kiện trong kho và trên chuyền sản xuất và kê tồn kho vật liệu phụ đóng gói (TK 1542) từ 2015 – 2018, nhưng sổ chi tiết và sổ tổng hợp xuất nhập tồn bán thành phẩm nay gọi là linh kiện Công ty chỉ cung cấp sổ chi tiết của năm 2018, từ năm 2015 – 2017 không cung cấp. Qua kiểm tra đối chiếu số lượng theo mã linh kiện (trước đây gọi là bán thành phẩm) năm 2018, Đoàn thanh tra ghi nhận có sự chênh lệch số lượng linh kiện theo bảng kiêm kê tồn kho 1541 kê khai với sổ nhập xuất tồn là 18.090 linh kiện.
Theo Biên bản thanh tra, Đoàn kiểm tra ghi nhận như sau: Các số liệu, tài liệu, sổ sách kế toán đơn vị không cung cấp hoặc cung cấp không đúng với yêu cầu của Đoàn thanh tra, không đúng quy trình sản xuất thực tế tại đơn vị (ví dụ: bảng định mức thành phẩm không có mã linh kiện, không cung cấp mã chuyển đổi vật tư), số liệu bỏ ngoài sổ sách kế toán (chênh lệch tồn kho kiểm kê và tồn kho sổ nhập xuất tồn linh kiện 2018), sổ sách kế toán không rõ ràng (sổ nhập xuất tồn bán thành phẩm linh kiện 2018 chỉ có số lượng không có giá trị, sổ TK 1541 bị âm hàng ngày), không chứng minh được vật tư xuất sản xuất tạo ra giá thành thành phẩm dẫn đến giá thành thành phẩm, bán thành phẩm (linh kiện) không chính xác ảnh hưởng đến xác định giá vốn hàng bán và trị giá thành phẩm, bán thành phẩm tồn kho sổ sách kế toán không đúng, không chứng minh được số liệu từ sổ nhập xuất tồn vật tư xuất sản xuất tạo ra nhập xuất tồn linh kiện, từ nhập xuất tồn linh kiện tạo ra nhập xuất tồn thành phẩm, hạch toán kế toán không đúng quy định (sổ TK 1541 tồn âm hàng ngày do có xuất không có nhập), không có sổ xuất nhập tồn bán thành phẩm từ 2015-2017, không chứng minh được chênh lệch xuất vật tư tương ứng nhập thành phẩm. Như vậy, ghi nhận này phù hợp với diễn biến, kết quả quá trình thanh tra nêu trên. Theo đó, vi phạm của Công ty thuộc trường hợp ấn định thuế đối với người nộp thuế nộp thuế theo phương pháp kê khai quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 37 của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006.
Tại điểm a khoản 2 Điều 25 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 quy định trường hợp kiểm tra thuế, thanh tra thuế có căn cứ chứng minh người nộp thuế hạch toán kế toán không đúng quy định, số liệu trên sổ kế toán không đầy đủ, không chính xác, trung thực dẫn đến không xác định đúng các yếu tố làm căn cứ tính số thuế phải nộp thì người nộp thuế theo phương pháp kê khai bị ấn định từng yếu tố liên quan đến việc xác định số thuế phải nộp. Căn cứ điểm b khoản 4 Điều 25 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013, Đoàn thanh tra đã ấn định thuế thu nhập doanh nghiệp theo yếu tố giá vốn chiếm tỷ lệ 74,94%/doanh thu, kiến nghị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp các năm 2015, 2016, 2017, 2018 và xử phạt về các hành vi vi phạm của Công ty.
Ngày 04/11/2019, Cục trưởng ban hành Kết luận thanh tra số 8295/KLTT-CT và Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2025/QĐ-CT đối với Công ty. Theo quyết định xử phạt, Công ty bị áp dụng các hình thức xử phạt như sau: Hình thức xử phạt chính: phạt tiền 1.129.638.147 đồng, (20% số thuế thiếu đối với hành vi khai sai thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2015, 2016, 2017, 2018; Phạt bổ sung số tiền 3.500.000 đồng do không cung cấp sổ sách kế toán, thông tin, tài liệu, số liệu liên quan đến nghĩa vụ thuế; Truy thu thuế năm 2015, 2016, 2017, 2018 số tiền là 5.648.190.733 đồng; Biện pháp khắc phục hậu quả: Truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2015, 2016, 2017, 2018 số tiền là 5.648.190.733 đồng; tiền chậm nộp 1.284.600.764 đồng.
Theo viện dẫn trên thì Cục trưởng xử phạt Công ty hình thức xử phạt bổ sung số tiền 3.500.000 đồng do không cung cấp sổ sách kế toán, thông tin, tài liệu, số liệu liên quan đến nghĩa vụ thuế là phù hợp điểm a khoản 2 Điều 9, điểm a khoản 1 Điều 10, khoản 6 Điều 14 Nghị định 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 và khoản 2 Điều 109 của Luật quản lý thuế. Tuy nhiên, về khoản tiền phạt theo hình thức xử phạt chính, tiền thuế truy thu và tiền chậm nộp, các khoản tiền này được xác định theo tỷ lệ thuế ấn định đối với Công ty là 74,94% căn cứ vào Biên bản thanh tra và Kết luận thanh tra. Do vậy, cần xem xét tỷ lệ thuế được ấn định có đúng quy định hay không. Theo tài liệu Cục thuế cung cấp thì Cục thuế căn cứ vào điểm b khoản 4 Điều 25 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013. Điểm b khoản 4 Điều 25 Thông tư quy định hướng dẫn như sau:
“b) Các thông tin về:
b.1) Người nộp thuế kinh doanh cùng mặt hàng, ngành nghề, cùng qui mô tại địa phương. Trường hợp tại địa phương không có thông tin về mặt hàng, ngành nghề, qui mô của người nộp thuế thì lấy thông tin của người nộp thuế kinh doanh cùng mặt hàng, ngành nghề, cùng quy mô tại địa phương khác;
b.2) Số thuế phải nộp bình quân của một số cơ sở kinh doanh cùng ngành nghề, cùng mặt hàng tại địa phương. Trường hợp tại địa phương không có thông tin về một số cơ sở kinh doanh cùng ngành nghề, cùng mặt hàng của người nộp thuế thì lấy số thuế phải nộp bình quân của một số cơ sở kinh doanh cùng ngành nghề, cùng mặt hàng tại địa phương khác.” Như vậy, theo hướng dẫn trên thì phải thu thập lấy thông tin từ nhiều người nộp thuế kinh doanh cùng mặt hàng, ngành nghề, cùng qui mô tại địa phương hoặc địa phương khác để tính bình quân, xác định tỷ lệ thuế ấn định. Theo tài liệu cung cấp thì Cục thuế có thu thập thông tin của 07 doanh nghiệp để làm cơ sở ấn định. Tuy nhiên, trong 07 doanh nghiệp này chỉ có 01 doanh nghiệp là Công ty A, là doanh nghiệp có quy mô và ngành nghề tương đồng với Công ty. Qua xem xét tài liệu được cung cấp thì tỷ lệ thuế ấn định đối với Công ty A năm 2017 là 74,94%, năm 2018 là 74,74%, năm 2015 và năm 2016 không thể hiện, theo trình bày của người đại diện là do công ty này không có doanh thu. Như vậy, Cục thuế chỉ lấy tỷ lệ thuế ấn định đối với A trong hai năm 2017, 2018 đều với tỷ lệ là 74,94% để ấn định thuế đối với Công ty cho chu kỳ thuế từ 2015 đến 2018 là 74,94% là không đúng với hướng dẫn nêu trên.
Về thời hạn thực hiện Quyết định xử phạt, Cục trưởng buộc Công ty phải nộp tiền phạt và tiền khắc phục hậu quả trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Theo trình bày của người đại diện, thời hạn này ghi đúng theo mẫu số 20/KTTT ban hành kèm Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013. Tuy nhiên, qua đối chiếu thì mẫu số 20/KTTT là mẫu Quyết định về việc xử lý vi phạm về thuế nhưng Cục trưởng không áp dụng mẫu này mà áp dụng mẫu Quyết định xử phạt vi phạm hành chính để xử phạt Công ty theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính Phủ quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định khoản 6 Điều 25 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 thì số tiền thuế ấn định từ năm trăm triệu đồng trở lên, thời hạn nộp là 30 ngày nên Cục trưởng ấn định ấn định thời hạn nộp 10 ngày là không phù hợp.
Từ những nhận định trên, xét việc Cục trưởng ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2025/QĐ-CT ngày 04/11/2019 chưa đảm bảo đúng quy định pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty nên Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty, hủy Quyết định và buộc Cục trưởng thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định pháp luật.
[3] Về án phí: Do yêu cầu khởi kiện của Công ty được chấp nhận nên Cục trưởng phải chịu 300.000đ án phí hành chính sơ thẩm. Hoàn trả Công ty tiền tạm ứng án phí đã nộp.
[4] Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai cơ bản phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử theo nhận định trên.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 30, khoản 3 Điều 32, khoản 2 Điều 116, khoản 2 Điều 193 và Điều 194 của Luật Tố tụng hành chính;
Áp dụng các Điều 37, 40, 76, 82, 83, 84, 85, 86, 87, 103, 109 và 110 của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012); các Điều 3, 16, 44, 57 và 66 của Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012; các Điều 9, 10 và 14 Nghị định 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013; các Điều 25, 65 và 66 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013; Điều 21 Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty P đối với Cục trưởng Cục thuế tỉnh Đ.
Hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2025/QĐ-CT ngày 04/11/2019 của Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đ.
Buộc Cục trưởng Cục thuế tỉnh Đ thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định pháp luật.
2. Về án phí: Cục trưởng Cục thuế tỉnh Đ phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) án phí hành chính sơ thẩm. Hoàn trả Công ty P tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0003693 ngày 07/01/2020 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai.
3. Về quyền kháng cáo: Các bên đương sự có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 (mười lăm ngày) ngày kể từ ngày tuyên án.
Bản án 33/2023/HC-ST về khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực thuế
Số hiệu: | 33/2023/HC-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đồng Nai |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 14/08/2023 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về