Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực thuế nhập khẩu số 03/2022/HC-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 03/2022/HC-PT NGÀY 06/01/2022 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THUẾ NHẬP KHẨU

Ngày 06 tháng 01 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 151/2021/TLPT-HC ngày 02 tháng 3 năm 2021 về việc “Khiếu kiện Quyết định hành chính trong lĩnh vực thuế nhập khẩu”.Do Bản án hành chính sơ thẩm số 961/2020/HC-ST ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 2462/2021/QĐPT-HC ngày 22 tháng 12 năm 2021, giữa các đương sự:

- Người khởi kiện: ng ty TNHH Đại Phát T. Địa chỉ: Số 333 đường L, Khóm x, Phường X, Thành phố C, tỉnh Cà Mau.

Người đại diện theo uỷ quyền:

1. Ông Trần Quang Kim S (có mặt).

2. Bà Dương Thị Cẩm C (có mặt).

Cùng địa chỉ: Phòng 20xx, Tầng 2x, Toà nhà C, 72-74 N, Phường X, Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người khởi kiện: Ông Dương Hoàng T, Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Luật Việt, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

- Người bị kiện: Cục trưởng Cục H Thành phố Hồ Chí Minh. Địa chỉ: 140 N, Phường X, Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngưi đại diện theo ủy quyền: Ông Phan Minh L, chức vụ: Cục phó Cục H Thành phố Hồ Chí Minh (xin xử vắng mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện:

1. Bà Huỳnh Thị H, chức vụ: Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan (xin vắng mặt).

2. Ông Trần Minh N, chức vụ: Công chức Cục H Thành phố Hồ Chí Minh ( có mặt).

3. Ông Huỳnh Việt H, chức vụ: Đội trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan (có mặt).

- Người kháng cáo: Cục trưởng Cục H Thành phố Hồ Chí Minh.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Căn cứ theo đơn khiếu kiện ngày 06/11/2019, bản tự khai và quá trình tố tụng, người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện trình bày:

Công ty TNHH Đại Phát T (sau đây gọi tắt Đại Phát T) nhập khẩu mặt hàng xe điện chạy trong sân golf (“xe điện”) theo 05 tờ khai số 101240892542/A11/02CI ngày 21/01/2017, 101132538952/A11/02CI ngày 17/11/2016, 101145002011/A11/02CI ngày 25/11/2016, 101190893052/A11/02CI ngày 26/12/2016 và 101190893052/A11/02CI ngày 26/12/2016 có mã hàng hóa (mã HS) là 8703.10.10 và đã nộp đủ thuế theo thuế suất 5% đối với lô hàng trên.

Ngày 12/12/2018 Chi cục kiểm tra sau thông quan Cục H Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra sau thông quan đối với Đại Phát T và cho rằng Đại Phát T đã khai sai mã số hàng hóa, sau đó Cục trưởng Cục H Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 15/QĐ-HQHM/ÂĐT-STQ ngày 16/01/2019 về vệc ấn định thuế đối với Đại Phát T.

Ngày 29/3/2019 Chi cục kiểm tra sau thông quan đã lập Biên bản vi phạm hành chính và Cục trưởng Cục H Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 52/QĐ-XPVPHC ngày 03/4/2019 đối với Đại Phát T.

Đại Phát T đã nộp đủ tiền thuế theo Quyết định số 15/QĐ-HQHM/ÂĐT-STQ và tiếp tục khiếu nại. Ngày 17/6/2019 Cục trưởng Cục H Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định giải quyết khiếu nại số 19/QĐ-GQKN với nội dung giữ nguyên Quyết định số 15/QĐ-HQHM/ÂĐT-STQ.

Theo Đại Phát T việc áp dụng mã HS 8703.10.10 cho xe điện là có cơ sở, theo các căn cứ sau đây:

1. Nguyên tắc phân loại hàng hóa nhập khẩu để xác định mã số khai thuế theo quy định pháp luật.

Theo quy định, việc phân loại hàng hóa nhập khẩu để áp mã số, khai thuế phải tuân theo hướng dẫn tại các văn bản pháp luật dưới đây:

a) Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 hướng dẫn về phân loại hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (“Thông tư 14”). Tại Thông tư 14 quy định:

- Để phân loại hàng hóa, người khai hải quan có thể sử dụng cơ sở dữ liệu về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam để xác định các thông tin về tính năng, công dụng của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (khoản 3 Điều 3 Thông tư 14);

- Một mặt hàng chỉ có một mã số duy nhất theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Khi phân loại hàng hóa phải tuân thủ theo: (i) Điều 26 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014 (“Luật HQ”); (ii) Điều 16 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 15/1/2015 (“Nghị định 08”) và (iii) các hướng dẫn tại Thông tư 14 (Điều 4 Thông tư 14).

Như vậy, để xác định đúng mã số hàng hóa nhập khẩu, người khai hải quan phải áp dụng nội dung của Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Điều 26 Luật HQ và Điều 16 Nghị định 08.

b) Luật Hải Quan và Nghị định 08. Tại Điều 26 Luật HQ quy định:

- Phân loại hàng hóa để xác định mã số hàng hóa làm cơ sở tính thuế và thực hiện chính sách quản lý hàng hóa. Khi phân loại hàng hóa phải căn cứ hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin khác có liên quan đến hàng hóa nhập khẩu để xác định tên gọi, mã số của hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam (khoản 1 Điều 26 Luật HQ);

- Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam gồm mã số, tên gọi, mô tả hàng hóa, đơn vị tính và các nội dung giải thích kèm theo do Bộ Tài Chính ban hành (khoản 2, khoản 4 Luật HQ);

Tại Điều 16 Nghị định 08 quy định:

- Phân loại hàng hóa để xác định tên gọi, mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam;

- Việc phân loại hàng hóa căn cứ vào hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin về thành phần, tính năng, công dụng của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

- Phân loại hàng hóa để xác định mã số hàng hóa làm cơ sở tính thuế và thực hiện chính sách quản lý hàng hóa.

- Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết việc phân loại hàng hóa.

Như vậy, tại Luật HQ và Nghị định 08, Thông tư 14 đều đã quy định rõ ràng về việc: khi người khai hải quan xác định mã số hàng hóa nhập khẩu để khai thuế, thì phải phân loại hàng hóa đó; Khi phân loại phải căn cứ vào: hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật, tính năng, công dụng của hàng hóa nhập khẩu trên cơ sở sử dụng dữ liệu về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành. Đại Phát T khi xác định mã số HS của Xe Điện cũng áp dụng đúng các quy định nêu trên.

2. Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được ban hành theo Thông tư 103/2015/TT-BTC ngày 15/9/2015 (“Thông tư 103”) của Bộ Tài chính.

Tại Thông tư 103 có đính kèm theo 2 phụ lục gồm có:

- Phụ lục 1: Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam (“Danh Mục Hàng Hóa XNK”) và - Phụ lục 2: Sáu quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh Mục Hàng Hóa XNK dựa trên Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hoá (HS) của Tổ chức Hải quan thế giới (“Quy Tắc Phân Loại”).

a). Tại Quy tắc 1 của Quy Tắc Phân Loại quy định rằng:

Để đảm bảo tính pháp lý, việc phân loại hàng hóa phải được xác định theo nội dung của từng nhóm của Danh Mục Hàng Hóa XNK. Tên các phần, chương và phân chương không có giá trị pháp lý trong việc phân loại hàng hóa. Việc phân loại hàng hóa được xác định theo (i) nội dung của nhóm hàng, (ii) các quy định tại các Quy tắc 2, 3, 4 và 5 khi nội dung nhóm hàng hoặc các Chú giải không có yêu cầu nào khác (Trong đó, nhiều hàng hóa có thể được phân loại trong Danh mục mà không cần xem xét thêm bất cứ quy tắc giải thích nào).

b). Theo Danh Mục Hàng Hóa XNK Đối chiếu với Quy Tắc Phân Loại nêu trên, Đại Phát T thấy rằng tại Chương 87 – “Xe trừ phương tiện chạy trên đường xe lửa hoặc xe điện, và các bộ phận và phụ kiện của chúng”, Phần XVII – “Xe cộ, phương tiện bay, tàu thuyền và các thiết bị vận tải liên hợp” của Danh Mục Hàng Hóa XNK đã có nội dung mô tả nhóm hàng khá rõ ràng như sau:

Mã hàng

Tên gọi, mô tả hàng hóa

Đơn vị tính

87.03

Ô tô và các loại xe khác có động cơ được thiết kế chủ yếu để chở người (trừ các loại thuộc nhóm 87.02), kể cả xe chở người có khoang hành lý chung (station wagons) và ô tô đua.

 

8703.10

- Xe được thiết kế đặc biệt để đi trên tuyết; xe ô tô chơi gôn (golf car) và các loại xe tương tự:

 

8703.10.10

- Xe ô tô chơi gôn, kể cả xe phục vụ sân gôn (golf buggies)

chiếc

8703.10.90

- Loại khác

chiếc

 

- Xe khác, loại có động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy bằng tia lửa điện:

 

Dựa theo phần mô tả trên, thể hiện rằng:

- Ô tô và các loại xe khác có động cơ được thiết kế chủ yếu để chở người (trừ các loại thuộc nhóm 87.02), kể cả xe chở người có khoang hành lý chung (station wagons) và ô tô đua được xếp vào nhóm có mã hàng 87.03;

- Xe được thiết kế đặc biệt để đi trên tuyết; xe ô tô chơi gôn (golf car) và các loại xe tương tự được xếp vào nhóm có mã hàng 8703.10;

- Xe ô tô chơi gôn, kể cả xe phục vụ sân gôn (golf buggies) được xếp vào nhóm có mã hàng 8703.10.10;

- Xe loại khác của nhóm xe có động cơ được thiết kế chủ yếu để chở người/xe chở người có khoang hành lý chung được xếp vào nhóm có mã hàng 8703.10.90.

Như vậy, căn cứ vào quy tắc 1 Quy Tắc Phân Loại (nội dung nhóm hàng) và nội dung mô tả hàng hóa của Danh Mục Hàng Hóa XNK (nhóm 87.03, chương 87, phần XVII) như nêu trên, có cơ sở để phân loại và xác định Xe Điện (loại xe dành phục vụ trong sân gôn) thuộc nhóm hàng có mã số 8703.10, mã số chi tiết là 8703.10.10.

3. Danh mục các loại phương tiện chuyên dùng có tay lái bên phải hoạt động trong phạm vi hẹp và không tham gia giao thông được phép nhập khẩu (“Danh Mục Phương Tiện Chuyên Dùng”) được ban hành theo Thông tư số 13/2015/TT-BGTVT ngày 21/4/2015 (“Thông tư 13”) của Bộ Giao thông vận tải.

Tại Phụ lục 1 Thông tư 13 có công bố Danh Mục Phương Tiện Chuyên Dùng thuộc diện quản lý của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Theo đó, tại Danh Mục Phương Tiện Chuyên Dùng này, Bộ GTVT có đưa ra nội dung mô tả hàng hóa chuyên ngành bên cạnh mô tả hàng hóa tại Danh Mục Hàng Hóa XNK của Bộ Tài chính đối với Xe Điện cũng có mã hàng (mã HS) là 8703.10.10. Cụ thể:

Mã hàng (HS)

Mô tả hàng hóa theo Danh Mục Hàng Hóa XNK của Bộ Tài chính

Mô tả hàng hóa chuyên ngành theo Danh Mục Phương Tiện Chuyên Dùng

8703.10.10

Xe ô tô chơi golf, kể cả xe phục vụ sân gôn (Golf buggies)

Các loại xe chở người 4 bánh chạy trong sân golf

8703.10.90

Loại khác

Các loại xe chạy trong khu vui chơi giải trí, khu du lịch, bao gồm:

+ Xe chở người 4 bánh có gắn động cơ;

+ Xe địa hình.

- Các loại xe máy chuyên dùng chở người khác có gắn động cơ

 4. Biểu Thuế xuất nhập khẩu ưu đãi của Việt Nam (“Biểu Thuế XNK”) Tại Biểu Thuế XNK để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hoá giữa Asean - Trung Quốc giai đoạn 2016-2018 được ban hành kèm theo Nghị định 128/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 (“ACFTA”) cũng có quy định mã “8703.10” với mô tả là “Xe được thiết kế đặc biệt để đi trên tuyết; xe ô tô chơi gôn (golf car) và các loại xe tương tự”; chi tiết của hàng hoá này có mã hàng “8703.10.10” được mô tả là “Xe ô tô chơi gôn, kể cả xe phục vụ sân gôn (golf buggies)”. Theo đó, hàng hóa có mã 8703.10.10 được áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi là 5% trong năm 2016-2017. Cụ thể:

Mã hàng

Tên gọi, mô tả hàng hóa

Thuế suất ACFTA (%)

Nước không được hưởng ưu đãi

2016

2017

2018

 

Chương 87 - Xe cộ trừ phương tiện chạy trên đường xe lửa hoặc xe điện, và các bộ phận và phụ kiện của chúng

 

 

 

 

87.03

Ô tô và các loại xe khác có động cơ được thiết kế chủ yếu để chở người (trừ các loại thuộc nhóm 87.02), kể cả xe chở người có khoang hành lý chung (station wagons) và ô tô đua.

 

 

 

 

8703.10

- Xe được thiết kế đặc biệt để đi trên tuyết; xe ô tô chơi gôn (golf car) và các loại xe tương tự:

 

 

 

 

8703.10.10

- Xe ô tô chơi gôn, kể cả xe phục vụ sân gôn (golf buggies)

5

5

0

BN, ID, MM

Như vậy, các cơ quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật được trích dẫn tại mục 3, mục 4 Bản giải trình này (gồm có Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ GTVT) đều thống nhất xếp loại xe phục vụ sân golf và các loại xe tương tự loại xe phục vụ sân golf vào nhóm có mã số/mã hàng là “8703.10”, với mã số/mã hàng chi tiết là “8703.10., có thuế suất áp dụng là 5%. Chúng tôi thấy rằng, việc phân loại này dựa theo tính chất, công năng, phạm vi/mục đích sử dụng của Xe Điện (không phân biệt số lượng chỗ ngồi của loại xe này).

5. Hồ sơ hải quan nhập khẩu Xe Điện của Đại Phát T Tại 04 bộ hồ sơ hải quan của Xe Điện mà Đại Phát T nhập khẩu (đã nộp cho Tòa án), gồm có:

a) Các tờ khai hàng hóa nhập khẩu (thông quan): đều mô tả hàng hóa mà Đại Phát T nhập khẩu là: Xe điện phục vụ trong sân golf, xe không đăng ký lưu hành, không tham gia giao thông.

b) Các Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Form E): tại đây Xe điện được gọi là Golf Car, tức xe chạy/phục vụ trong sân golf, có ghi rõ mã số HS của sản phẩm là 8703.10.

c) Các Hợp đồng mua hàng, Hóa đơn: đều gọi tên Xe Điện được nhập khẩu là Golf Car, tức xe chạy/phục vụ trong sân golf.

d) Các Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật: tại các Giấy chứng nhận này, Cục đăng kiểm (thuộc Bộ GTVT) cũng xác định loại phương tiện như Xe Điện là Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ không tham gia giao thông, đã kiểm tra và đạt yêu cầu.

Như vậy, căn cứ vào nội dung bộ hồ sơ hải quan nhập khẩu hàng hóa, có cơ sở để xác định loại hàng hóa mà Đại Phát T nhập khẩu là xe điện chạy trong sân golf đúng như mô tả tại Danh Mục Hàng Hóa XNK, Danh Mục Phương Tiện Chuyên Dùng, Biểu Thuế XNK nên việc Đại Phát T áp dụng thuế suất nhập khẩu 5% cho Xe Điện là đúng với quy định.

Ngoài ra, mã số 8703.10.10 mà Đại Phát T xác định để kê khai thuế khi nhập khẩu Xe Điện cũng trùng khớp với việc phân loại hàng hóa của nước sản xuất Trung Quốc tại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Form E). Đại Phát T cho rằng, sự trùng khớp này không phải là ngẫu nhiên, mà việc phân loại đó là đúng theo mô tả của danh mục hàng hóa mà toàn thế giới áp dụng. Việc phân loại đó cũng hoàn toàn phù hợp với Danh Mục Hàng Hóa XNK, Danh Mục Phương Tiện Chuyên Dùng. Đây là một trong các cơ sở pháp lý quan trọng mà Đại Phát T áp dụng khi xác định mã hàng hóa cho Xe Điện để khai thuế khi nhập khẩu vào Việt Nam.

6.Theo hướng dẫn không chính thức của cơ quan hải quan Sản phẩm Xe điện nói trên cũng được Đại Phát T nhập khẩu tại cơ quan Hải quan Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Theo tham khảo ý kiến tư vấn của Cục Hải quan Đồng Nai trên trang “http://dncustoms.gov.vn” và được hướng dẫn rằng mã HS của Xe Điện mà Đại Phát T nhập khẩu là 8703.10 (Tài liệu đính kèm đơn khởi kiện).

Ngoài ra, Cục Hải quan Đồng Nai đã từng trích dẫn CV số 1037/DKVN-VAQ và thừa nhận tinh thần của công văn này, cụ thể Hải quan Đồng Nai cho rằng: “Nếu hàng hoá được chứng nhận tiêu chuẩn về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe nhập khẩu tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế theo Thông tư 86/2014/TT-BGTVT thì có thể xem xét áp vào mã 8703.10 và áp dụng các mức thuế suất nhập khẩu nêu trên”) Như vậy, dù là thực hiện thủ tục nhập khẩu tại các nơi khác nhau, nhưng pháp luật áp dụng chỉ có một nên tư vấn của Cục Hải quan Đồng Nai là có cơ sở để Đại Phát T tin cậy, áp dụng. Bởi tất cả các nội dung trình bày, phân tích, cùng các cơ sở pháp lý nêu trên, Đại Phát T khẳng định hoàn toàn có căn cứ để phân loại sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc là Xe điện chạy/phục vụ trong sân gôn (golf) có mã số HS là 8703.10.10 với thuế suất áp dụng là 5%.

Yêu cầu của người khởi kiện: Tuyên hủy Quyết định số 15/QĐ- HQHCM/ÂĐT-STQ ngày 16/01/2019 của Cục Trưởng Cục H Thành phố Hồ Chí Minh, huỷ Quyết định số 19/QĐ-HQHCM/ÂĐT-STQ ngày 17/06/2019 của Cục trưởng Cục H Thành phố Hồ Chí Minh; Hoàn trả lại số tiền 703.955.697 đồng Công ty TNHH Đại Phát T đã nộp vào tài khoản số 7111.0.2995182 của Chi cục kiểm tra sau thông quan mở tại Kho bạc Nhà nước quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Người bị kiện Cục trưởng Cục H Thành phố Hồ Chí Minh, có đại diện theo ủy quyền trình bày:

Ngày 30/11/2018, Cục trưởng Cục H Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 3301/QĐ-HQHCM về việc kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan đối với Công ty TNHH Đại Phát T – Mã số thuế: 2000761784. Địa chỉ: Số 333 Lý Thường Kiệt, Khoám 7, Phường 6, Thành phố Cà Mau, Cà Mau (sau đây gọi tắt là Công ty, Doanh nghiệp).

Kết quả kiểm tra: Cơ quan Hải quan xác định Công ty khai sai mã số, thuế suất đối với mặt hàng xe điện chở người (loại trên 10 chỗ), xe điện chở hàng do Công ty TNHH Đại Phát T nhập khẩu theo Tờ khai hải quan đăng ký tại Cục H Thành phố Hồ Chí Minh, theo đó tiến hành ban hành ấn định thuế truy thu số tiền còn thiếu, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

- Ngày 16/01/2019, Cục trưởng Cục H Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 15/QĐ-HQHCM/ÂĐT-STQ về việc ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, số tiền thuế ấn định như sau:

Tiền thuế nhập khẩu ấn định là 609.841.740 đồng, tiền thuế TTĐB ấn định là 30.117.984 đồng, tiền thuế GTGT ấn định là 63.995.973 đồng; Tổng cộng 703.955.697 đồng.

- Ngày 03/4/2019, Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan ban hành Quyết định số 52/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với Công ty. Xử phạt hành vi: Khai sai mã số, thuế suất, mức thuế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu dẫn đến thiếu số thuế phải nộp mà cơ quan hải quan phát hiện khi kiểm tra sau thông quan nhưng Công ty không nộp đủ số tiền thuế phải nộp theo quy định trước thời điểm lập biên bản vi phạm. Số tiền phạt: 703.955.697 đồng.

- Ngày 17/6/2019, Cục trưởng Cục H Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 19/QĐ-GQKN về việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH Đại Phát T (lần đầu) tại đơn khiếu nại không số đề ngày 19/02/2019 của Công ty. Quyết định: Giữ nguyên Quyết định số 15/QĐ-HQHCM/ÂĐT-STQ ngày 16/01/2019 về việc ấn định thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Căn cứ các quy định pháp luật có liên quan đến kiểm tra sau thông quan, giải quyết khiếu nại đối với Công ty TNHH Đại Phát T, phía người bị kiện có ý kiến như sau: Quyết định số 15/QĐ-HQHCM/ÂĐT-STQ ngày 16/01/2019 về việc ấn định thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và Quyết định số 19/QĐ-GQKN về việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH Đại Phát T (lần đầu) là đúng quy định. Đề nghị giữ nguyên các quyết định trên.

Tại Bản án số 961/2020/HC-ST ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

- Căn cứ: Khoản 1 Điều 30, Khoản 3 Điều 32; Khoản 1, điểm a Khoản 2, Điều 116; Khoản 1 Điều 158; điểm b Khoản 2, Điều 193 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015;

- Căn cứ Luật Hải quan; Luật khiếu nại; Nghị định số 128/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa Asean – Trung Quốc; Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 01/7/2015 của Bộ Tài chính về ban hành danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam; Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính về hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đố với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Thông tư 86/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về điều kiện đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và người điểu khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế.

- Căn cứ khoản 2 Điều 32 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án, Tuyên xử:

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Phát T gồm:

- Hủy Quyết định số 15/QĐ-HQHCM/ÂĐT-STQ ngày 16/01/2019 của Cục Trưởng Cục H Thành phố Hồ Chí Minh về việc ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

- Hủy Quyết định số 19/QĐ-HQHCM/ÂĐT-STQ ngày 17/6/2019 của Cục Trưởng Cục H Thành phố Hồ Chí Minh về việc giải quyết khiếu nại của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Phát T.

- Buộc Cục H Thành phố phải hoàn lại cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Phát T số tiền 703.955.697 đồng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí hành chính sơ thẩm, quyền kháng cáo.

Ngày 07/8/2020, ông Đinh Ngọc T - Cục trưởng Cục H Thành phố Hồ Chí Minh là người bị kiện kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm, đề nghị hủy Bản án số 961/2020/HC-ST ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, giữ nguyên Quyết định số 15/QĐ-HQHCM/ÂĐT-STQ ngày 16/01/2019, Quyết định số 19/QĐ-GQKN ngày 17/6/2019 của Cục H Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị kiện vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo; Việc ấn định thuế đối với Công ty là hoàn toàn có cơ sở, đúng quy định pháp luật, Tòa sơ thẩm buộc trả lại số tiền thuế đã truy thu đối với người khởi kiện sẽ gây thất thu ngân sách số tiền lớn. Đề nghị tòa cấp phúc thẩm bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Đại Phát T.

- Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện cho rằng, lý do mà người bị kiện xác định lại mã hàng hóa và ấn định thuế cho Công ty là căn cứ vào công văn 4711 ban hành ngày 14/7/2017 của Tổng Cục H. Trong khi công văn này không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nội dung hướng dẫn trái luật, đề nghị Tòa phúc thẩm bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm: Thẩm phán, Hội đồng xét xử tiến hành đúng theo quy định của pháp luật tố tụng và các đương sự cũng chấp hành đúng với quyền và nghĩa vụ của các đương sự được pháp luật quy định. Đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1.]. Về đánh giá tính hợp pháp và tính có căn cứ của Quyết định số 15/QĐ- HQHCM/ÂĐT-STQ của Cục Trưởng Cục H Thành phố Hồ Chí Minh (viết tắt là Quyết định số 15), thấy rằng: Người bị kiện đã căn cứ vào Biên bản kiểm tra sau thông quan số 1523/BB-HC ngày 12/12/2018 đối với mặt hàng xe điện chở người và xe điện chở hàng thuộc 04 tờ khai đăng ký tại Cục H Thành phố Hồ Chí Minh và cho rằng Công ty TNHH Đại Phát T đã có hành vi khai sai mã số, thuế suất, từ đó ban hành Quyết định số 15 ấn định thuế đối với Công ty TNHH Đại Phát T phải nộp thêm là 703.955.697 đồng là chưa phù hợp với quy định pháp luật, bởi lẽ:

Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Hải quan về phân loại hàng hóa và Điều 16 Nghị định 08 của Chính phủ hướng dẫn: Khi phân loại hàng hóa để tính thuế thì phải căn cứ vào hồ sơ hải quan và các tài liệu kỹ thuật và các thông tin về thành phần, tính năng, công dụng của hàng hóa xuất nhập khẩu. Còn tại khoản 1, 3 Điều 6 Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính quy định: “Trường hợp có sự khác biệt về mô tả hàng hóa tại danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và mô tả theo danh mục HS thì áp dụng trực tiếp mô tả hàng hóa theo danh mục HS để hướng dẫn phân loại và xử lý khiếu nại theo nguyên tắc áp dụng quy định của Điều ước quốc tế”. Theo bản chú giải chi tiết danh mục HS 2012 mô tả hàng hóa, thì mã HS 87.02 áp dụng cho xe ô tô, còn mã HS 87.03 áp dụng cho xe ô tô và các loại xe khác có động cơ được thiết kế để chở người.“Trường hợp có ý kiến khác nhau về phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế khi áp dụng Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, tiêu chuẩn chuyên ngành, Bộ Tài chính thống nhất với các Bộ quản lý chuyên ngành liên quan để xử lý”.

Thứ hai, tại văn bản số 1064/BGTVT-KHCN ngày 11/02/2020 của Bộ Giao thông Vận tải trả lời cho Tổng Cục H có nêu: “Hiện tại, việc kiểm tra chứng nhận chất lượng đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ đang được Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện theo quy định tại Thông tư 86/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (15/2/2015), các loại phương tiện trước đây được chứng nhận với tên gọi xe chạy trong sân golf, xe chạy trong khu vui chơi giải trí, xe điện vận chuyển bệnh nhân được thay bằng Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ”.

Thứ ba, căn cứ vào Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và Bảo vệ môi trường xe chở người bốn bánh có gắn động cơ nhập khẩu do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp cho Công ty TNHH Đại Phát T đối với mặt hàng xe nhập khẩu có nội dung: “Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ đã được kiểm tra và đạt yêu cầu theo Thông tư số 86/2014/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ Trưởng Bộ Giao thông Vận tải”.

Như vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 86 thì mặt hàng xe điện do Công ty TNHH Đại Phát T nhập khẩu không phải là xe ô tô mà được xác định là xe chở người có gắn động cơ và căn cứ vào Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Trung Quốc (nước sản xuất) thì loại xe này dùng phục vụ sân gôn, nên chiếu theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 103/2015/TT-BTC ngày 01/7/2015 của Bộ Tài chính thì được xếp vào phân nhóm có mã số là 8703.10.10. Đồng thời căn cứ vào Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa Asean – Trung Quốc giai đoạn 2016 – 2018 ban hành kèm theo Nghị định số 128/2016/NĐ- CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ thì thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của loại xe này là 5%. Nên Công ty TNHH Đại Phát T đã khai đúng mã hàng hóa và nộp thuế đúng quy định.

Vì vậy, án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện tuyên hủy các quyết định Quyết định số 15 và Quyết định giải quyết khiếu nại số 19 của người bị kiện là có căn cứ;

[2]. Tuy nhiên, án sơ thẩm tuyên buộc Cục H Thành phố Hồ Chí Minh phải hoàn lại tiền thuế cho Công ty TNHH Đại Phát T số tiền 703.955.697 đồng là vượt quá thẩm quyền, không đúng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 193 Luật tố tụng hành chính; bởi lẽ theo quy định thì chỉ buộc người bị kiện thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định pháp luật; đồng thời kiến nghị cách thức xử lý đối với 02 Quyết định hành chính 15, Quyết định số 19: hoàn trả lại cho người khởi kiện số tiền thuế ấn định chưa đúng như đã phân tích trên. Mặt khác, phần quyết định bản án sơ thẩm còn tuyên: Hủy Quyết định số 19/HQHCM/ÂĐT-STQ ngày 16/01/2019 là có sai sót trong soạn thảo văn bản, bởi Quyết định số 19 là Quyết định giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục H Thành phố Hồ Chí Minh, được ký hiệu số 19/QĐ-GQKN. Vì vậy, cần điều chỉnh lại cách tuyên án cho phù hợp.

[3]. Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của người bị kiện theo như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp.

[4]. Về án phí hành chính phúc thẩm: Do người bị kiện kháng cáo không được chấp nhận nên phải chịu án phí theo quy định.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 241 của Luật tố tụng hành chính; Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Bác kháng cáo của người bị kiện Cục trưởng Cục H Thành phố Hồ Chí Minh về việc yêu cầu Tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Đại Phát T.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Phát T đối với người bị kiện Cục Trưởng Cục H Thành phố Hồ Chí Minh:

- Hủy Quyết định số 15/QĐ-HQHCM/ÂĐT-STQ ngày 16/01/2019 của Cục Trưởng Cục H Thành phố Hồ Chí Minh về việc ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

- Hủy Quyết định số 19/QĐ-GQKN ngày 17/6/2019 của Cục Trưởng Cục H Thành phố Hồ Chí Minh về việc giải quyết khiếu nại của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Phát T.

3. Buộc người bị kiện thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định pháp luật theo hướng: làm thủ tục hoàn lại cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Phát T số tiền ấn định thuế chưa đúng bằng 703.955.697 đồng.

4. Án phí hành chính phúc thẩm người bị kiện Cục Trưởng Cục H Thành phố Hồ Chí Minh phải chịu 300.000 (ba trăm nghìn) đồng, ngày 15/09/2020 có tạm ứng án phí 300.000 (ba trăm nghìn) đồng theo biên lai thu tiền số 0092564 tại Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh, nay được đối trừ.

5. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1418
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực thuế nhập khẩu số 03/2022/HC-PT

Số hiệu:03/2022/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 06/01/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;