TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 119/2022/HC-PT NGÀY 15/04/2022 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH
Ngày 15 tháng 4 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án hành chính thụ lý số 374/2021/TLPT-HC ngày 01 tháng 10 năm 2021 về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính” do có kháng cáo của người khởi kiện đối với Bản án hành chính sơ thẩm số 39/2020/HC-ST ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 2749/2022/QĐ-PT ngày 19 tháng 3 năm 2022 giữa:
* Người khởi kiện: Bà Lương Thị Kim A, sinh năm 1962, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt;Địa chỉ: Thôn C2, xã C1, huyện C, tỉnh Thái Bình.
* Người bị kiện: Bảo hiểm xã hội (sau đây gọi tắt là BHXH) tỉnh Thái Bình;
Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Quốc B, chức vụ: Giám đốc BHXH tỉnh Thái Bình.
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị Hồng B1, chức vụ: Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thái Bình (Văn bản ủy quyền số 1482/UQ-BHXH ngày 16/7/2020 của Giám đốc BHXH tỉnh Thái Bình), có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: BHXH huyện C;
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Cao B2, chức vụ: Giám đốc BHXH huyện C, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo Bản án sơ thẩm và các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ nội dung vụ án được tắm tắt như sau:
Ngày 13/5/2019 Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 446/QĐ-BHXH (sau đây gọi tắt là Quyết định số 446) về việc điều chỉnh chế độ hưu trí đối với bà Lương Thị Kim A, không đồng ý với quyết định nêu trên, bà Lương Thị Kim A khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định số 446.
* Quá trình giải quyết vụ án người khởi kiện trình bày như sau:
Bà A là giáo viên mầm non xã C1, huyện C, tỉnh Thái Bình từ năm 1989. Tháng 3/2017 bà được nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí; trong đó từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 bà truy đóng BHXH theo Công văn số 3658/BHXH-BT, ngày 17/9/2913 của BHXH Việt Nam, mức lương theo hệ số 1,4; lương hưu của bà là 2.161.664 đồng. Song đến tháng 5/2019 BHXH tỉnh Thái Bình lại tính cho bà đóng BHXH từ tháng 01/1995 đến tháng 2/2001 theo mức tiền đồng Việt Nam; dẫn đến lương hưu của bà bị giảm còn 1.626.870đ và truy thu của bà từ tháng 3/2017 đến tháng 5/2019 với số tiền 15.791.960đ.
Việc BHXH tỉnh Thái Bình căn cứ Công văn số 3085, ngày 16/8/2018 của BHXH Việt Nam để ra quyết định điều chỉnh chế độ hưu trí của bà là không đúng; công văn này không có quyền phủ nhận việc truy thu BHXH đối với giáo viên mầm non. Vì vậy, bà khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định số 446 của BHXH tỉnh Thái Bình về việc điều chỉnh chế độ hưu trí để khôi phục lại mức lương bà đã lĩnh đến tháng 5/2019.
* Người bị kiện là BHXH tỉnh Thái Bình trình bày:
Bà Lương Thị Kim A là giáo viên mầm non xã C1, huyện C, được tham gia đóng Bảo hiểm xã hội từ tháng 01/2002 theo Quyết định số 81/2002/QĐ-UB và Quyết định số 84/2002/QĐ-UB của Ủy ban nhân dân tỉnh, số tiền truy thu và ghi sổ BHXH theo mức tiền lương là hệ số. Việc ghi sổ BHXH đối với bà A giai đoạn từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 theo mức tiền lương bằng hệ số là sai do sai sót về nghiệp vụ, dẫn đến việc giải quyết chế độ hưu trí của bà A theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật BHXH là chưa đúng mà phải thực hiện theo khoản 3 Điều 62 Luật BHXH mới đúng.
Ngày 16/8/2018, BHXH Việt Nam có Công văn số 3085/BHXH-CSXH về việc chấn chỉnh công tác giải quyết chế độ BHXH đối với giáo viên mầm non. Trền cơ sở đó BHXH tỉnh đã ban hành Công văn số 1860/BHXH-QLT, ngày 31/8/2018 chỉ đạo BHXH huyện, thành phố kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quá trình đóng BHXH của giáo viên mầm non và thực hiện điều chỉnh mức tiền lương ghi sổ BHXH đối với giáo viên mầm non đang tham gia đóng BHXH từ mức lương theo hệ số sang mức lương theo tiền Việt Nam đồng đối với thời gian truy thu BHXH từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001.
- Thời gian bà A truy thu đóng BHXH theo mức tiền lương (tiền đồng Việt Nam) do người sử dụng lao động quyết định là: 84 tháng (07 năm).
- Thời gian bà A đóng BHXH theo hệ số lương do Nhà nước quy định là:
182 tháng (15 năm 2 tháng).
+ Tổng số tiền lương do người sử dụng lao động quy định: 58.258.368đ.
+ Tổng số tiền lương do Nhà nước quy định là: (Lương bình quân 6 năm cuối trước ki về nghỉ hưu = 3.202.467đ) x 182 tháng = 582.848.933đ.
Như vậy, tiền lương bình quân chung của cả 2 quá trình là: (58.258.368 + 582.848.933đ) : (84 tháng + 182 tháng) = 2.410.178đ.
Tỷ lệ % tính lương hưu hàng tháng của bà A là 67,5%.
Lương hưu hàng tháng của bà A sau điều chỉnh là: 2.410.178 x 67,5% = 1.626.870đ, thời điểm hưởng lương từ tháng 3/2017.
Như vậy, sau điều chỉnh, lương hưu của bà A giảm đi 534.795đ/tháng và số tiền chênh lệch phải thu hồi từ tháng 3/2017 đến tháng 5/2019 là 15.791.960đ.
BHXH tỉnh Thái Bình khẳng định việc ban hành Quyết định số 446 là đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; đề nghị Tòa án xem xét bác đơn khởi kiện của bà A theo quy định của pháp luật.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Bảo hiểm xã hội huyện C, tỉnh Thái Bình trình bày:
Việc điều chỉnh cách ghi số tiền đóng Bảo hiểm xã hội của bà A giai đoạn từ ngày 01/01/1995 đến 31/12/2001 là đúng quy định, trước đây do sai sót nghiệp vụ đã ghi sai nên nay điều chỉnh lại cho đúng, việc bà A yêu cầu hủy Quyết định số 446, giữ nguyên mức lương hưu trước khi điều chỉnh không có cơ sở. Bảo hiểm xã hội huyện C đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu của bà Lương Thị Kim A.
Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 39/2020/HC-ST ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã quyết định:
Căn cứ khoản 1 Điều 30; khoản 3 Điều 32; điểm a khoản 2 Điều 116; khoản 1, 2 Điều 158; điểm a khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính;
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 4, Điều 5, khoản 3 Điều 23, Điều 54, Điều 56, khoản 3 Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Nghị định số 01/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 của Chính phủ; Quyết định số 1414/QĐ-BHXH ngày 04/10/2016 và Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Xử:
Bác đơn khởi kiện của bà Lương Thị Kim A yêu cầu hủy Quyết định số 446/QĐ-BHXH ngày 13/5/2019 của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình về việc điều chỉnh chế độ hưu trí đối với bà Lương Thị Kim A.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.
Ngày 28 tháng 12 năm 2020, người khởi kiện là bà Lương Thị Kim A có đơn kháng cáo yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự đều có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm:
- Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng đã thực thiện đúng quy định của pháp luật.
- Về nội dung: Sau khi phân tích, đánh giá chứng cứ thấy việc Tòa án cấp sơ thẩm xét xử đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật; tại cấp phúc thẩm không có thêm tình tiết gì mới, nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bà A. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 241 Luật tố tụng hành chính bác kháng cáo của bà Lương Thị Kim A, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, ý kiến của Kiểm sát viên, sau khi thảo luận và nghị án Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về thủ tục tố tụng: Ngày 29/5/2019, bà A nhận Quyết định số 446/QĐ- BHXH ngày 13/5/2019 của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình. Ngày 28/5/2020, bà A nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình yêu cầu hủy Quyết định số 446 là còn thời hiệu khởi kiện, Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 116 của Luật tố tụng hành chính.
[2]. Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành Quyết định hành chính bị khiếu kiện: Quyết định số 446 được ban hành dưới thể thức văn bản, do Giám đốc BHXH tỉnh Thái Bình ký ban hành là đúng thẩm quyền của BHXH tỉnh quy định tại Quyết định số 1414/QĐ-BHXH ngày 04/10/2016 của BHXH Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH địa phương; Quyết định số 03/QĐ-TCCB ngày 15/6/1995 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc thành lập BHXH tỉnh Thái Bình. Về trình tự, thủ tục ban hành Quyết định số 446 theo đúng quy định tại Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của BHXH Việt Nam ban hành quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả chế độ BHXH, BHTN.
Tại phiên tòa, người khởi kiện là bà A, người bị kiện là BHXH tỉnh Thái Bình và Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là BHXH huyện C, tỉnh Thái Bình đều vắng mặt nhưng đã có văn bản đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt. Căn cứ Điều 225 Luật tố tụng hành chính, Hội đồng xét xử quyết định tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung.
[3] Xét kháng cáo của bà Lương Thị Kim A, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy:
[3.1] Theo Quyết định số 310/QĐ-BHXH ngày 07/3/2017 về việc hưởng chế độ hưu trí của bà Lương Thị Kim A, thì bà A được hưởng lương hưu bình quân của 06 năm cuối là 3.202.467 đồng x 67,5% = 2.161.664 đồng và được điều chỉnh lương hàng năm theo mức lương cơ bản.
Theo quy định tại Công văn số 2150/GDĐT-BHXH ngày 22/3/2004 của liên ngành Bộ Giáo dục và Đào tạo - BHXH Việt Nam, về việc thực hiện BHXH và BHYT đối với người lao động thuộc các cơ sở giáo dục mầm non ghi rõ: “Người lao động đã có thời gian làm việc liên tục tại các cơ sở mầm non từ trước hoặc sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 mà chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì có thể đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian từ tháng 1/1995 đến khi đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Mức đóng bằng 15% mức tiền lương tính trên mức tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm thu, nộp”. Như vậy, mức tiền lương làm căn cứ truy thu và ghi sổ BHXH từ tháng 01/1995 đến khi được đóng BHXH bắt buộc đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế Nhà nước là mức tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm thu, nộp (không phải là hệ số). Số tiền truy thu = 350.000 đồng x 15% x tổng số thời gian truy thu. (Mức lương tối thiểu chung được quy định tại Nghị định 118/2005/NĐ – CP ngày 15/9/2005 của Chính phủ là 350.000 đồng).
Tuy nhiên, ngày 11/01/2006, Liên ngành Giáo dục và Đào tạo - BHXH tỉnh Thái Bình đã ban hành Hướng dẫn số 30/HD-LN về việc thực hiện truy thu BHXH, BHYT đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế Nhà nước, và do sai sót về nghiệp vụ, nhận thức không chính xác quy định của công văn số 2150/GDĐT- BHXH về mức lương làm căn cứ trích nộp BHXH, BHYT, nên mục 1 của hướng dẫn số 30/HD-LN về “Phạm vi, đối tượng áp dụng, mức lương làm căn cứ trích nộp BHXH, BHYT…” đã có nhiều mẫu thuẫn, trong đó vừa hướng dẫn “…căn cứ vào điểm 1, 2, 4 hướng dẫn số 61/HD-LN”, vừa hướng dẫn “mức đóng bằng 15% mức tiền lương tính trên mức tiền lương tối thiểu do nhà nước quy định tại thời điểm thu nộp”. Như vậy, hướng dẫn số 30/HDLN nêu trên là không nhất quán và có nội dung không đúng với quy định tại công văn số 2150/GDĐT-BHXH. Từ đó dẫn đến việc cơ quan BHXH thực hiện thu và ghi sổ BHXH của bà A giai đoạn truy nộp BHXH từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 không đúng quy định (tiền lương làm căn cứ đóng BHXH không ghi tiền đồng mà ghi hệ số).
Mặt khác, việc BHXH lấy mức tiền lương là hệ số làm căn cứ truy thu và ghi BHXH là không đúng, dẫn đến việc giải quyết chế độ hưu trí cho bà Lương Thị Kim A là chưa đúng quy định việc tính tiền để hưởng lương hưu của người lao động:
+ Trường hợp ghi sổ Bảo hiểm xã hội theo mức tiền lương là hệ số khi giải quyết chế độ hưu trí được tính lương hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật BHXH thì tính bình quân tiền lương của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
+ Trường hợp ghi sổ Bảo hiểm xã hội theo mức tiền lương tối thiểu (tiền đồng Việt Nam) do nhà nước tại thời điểm thu, nộp khi giải quyết chế độ hưu trí được tính lương hưu theo quy định tại khoản 3, Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội thì tính bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội chung của toàn bộ thời gian.
[3.2]. Do khi điều chỉnh lại mức tiền lương ghi trên sổ BHXH thì toàn bộ thời gian đóng BHXH của bà A có 02 quá trình lương: Một là thời gian truy đóng BHXH (từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001) mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bằng tiền đồng; hai là thời gian đóng BHXH (từ tháng 1/2002 đến tháng 3/2017) mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bằng hệ số. Do đó, BHXH tỉnh Thái Bình đã áp dụng khoản 3 Điều 62 Luật BHXH năm 2014, ban hành Quyết định số 446/QĐ-BHXH ngày 13/5/2019 về việc điều chỉnh chế độ hưu trí đối với bà Lương Thị Kim A. Mức lương sau điều chỉnh đối với bà A mà BHXH tỉnh Thái Bình đã xác định (1.626.870 đồng/tháng) là đúng quy định pháp luật, đúng với thời gian tham gia BHXH, đúng với mức lương làm căn cứ đóng BHXH của bà Lương qua các giai đoạn.
Đối với hướng dẫn số 30/HD-LN ngày 11/01/2006 của Liên ngành Giáo dục và Đào tạo - BHXH tỉnh Thái Bình là không đúng quy định của Công văn số 2150/GDĐT-BHXH. Tuy nhiên, đây là văn bản mang tính hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ của liên ngành, không phải là quyết định hành chính có liên quan. Vì vậy, không thuộc thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính của Tòa án, nên Hội đồng xét xử không giải quyết.
Từ những lập luận trên, Hội đồng xét xử thấy Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lương Thị Kim A là có căn cứ. Do đó không có cơ sở chấp nhận kháng cáo hủy bản án sơ thẩm của người khởi kiện.
[4] Về án phí: Kháng cáo của bà Lương Thị Kim A không được chấp nhận lẽ ra bà phải chịu án phí, nhưng đến thời điểm xét xử phúc thẩm bà A đã đủ 60 tuổi, thuộc đối tượng được miễn án phí nên miễn án phí phúc thẩm cho bà A theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 241 Luật tố tụng hành chính:
1. Bác kháng cáo của người khởi kiện bà Lương Thị Kim A; giữ nguyên quyết định của Bản án hành chính sơ thẩm số 39/2020/HC-ST ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình.
2. Về án phí: Miễn án phí hành chính phúc thẩm cho bà Lương Thị Kim A, hoàn trả cho bà Lương Thị Kim A 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí mà bà A đã nộp theo biên lai thu số 0009872, ngày 28 tháng 12 năm 2020 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình.
3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính số 119/2022/HC-PT
Số hiệu: | 119/2022/HC-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 15/04/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về