TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 11/2024/HC-PT NGÀY 19/01/2024 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH
Ngày 19 tháng 01 năm 2024, tại Điểm cầu trung tâm, trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng kết nối với Điểm cầu thành phần, trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Quảng Trị, tiến hành xét xử phúc thẩm trực tuyến công khai vụ án hành chính thụ lý số 172/2023/TLPT-HC ngày 31 tháng 7 năm 2023 về việc: “Khiếu kiện quyết định hành chính”.
Do Bản án hành chính sơ thẩm số 02/2023/HC-ST ngày 17/5/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 606/2023/QĐ-PT ngày 26 tháng 12 năm 2023, giữa các đương sự:
- Người khởi kiện: Bà Phan Thị X, sinh năm 1956; địa chỉ: Khu phố A 3, thị trấn C, huyện V, tỉnh Quảng Trị, có mặt.
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Trần Thị Thu T, sinh năm 1963; địa chỉ:, tỉnh Hà Tĩnh, vắng mặt.
- Người bị kiện:
1. Uỷ ban nhân dân huyện V, tỉnh Quảng Trị; địa chỉ: thị trấn H, huyện V, tỉnh Quảng Trị.
1 Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Thiên T – Phó Chủ tịch UBND huyện V, có mặt. (Quyết định uỷ quyền số 135/QĐ-UBND ngày 16/01/2024 của Chủ tịch UBND huyện Vình Linh)
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của UBND huyện V theo Quyết định số 873/QĐ-UBND ngày 21/4/2023:
+Ông Nguyễn Đình L – Trưởng phòng NN và PTNT huyện V, vắng.
+Ông Nguyễn Đức T – Trưởng phòng Tư pháp huyện V, có mặt.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện V, tỉnh Quảng Trị; địa chỉ: thị trấn H, huyện V, tỉnh Quảng Trị.
Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Nguyễn Thiên T-Phó chủ tịch UBND huyện V, có mặt (Quyết định uỷ quyền số 141/QĐ-UBND ngày 16/01/2024 của Chủ tịch UBND huyện V uỷ quyền cho ông Nguyễn Thiên T-Phó Chủ tịch, do Chủ tịch Thái Văn T ký).
3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Trị; địa chỉ: tỉnh Quảng Trị, có văn bản xin xét xử vắng mặt (Văn bản số 325/UBND-KT ngày 17/01/2024 do Chủ tịch UBND Võ Văn H ký)
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị theo Quyết định số 947/QĐ-UBND ngày 15/5/2023:
1. Ông Nguyễn Hữu V - Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Trị, có mặt.
2. Ông Nguyễn C – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị, có văn bản xin xét xử vắng mặt.
3. Ông Văn Đức D – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
1. Theo đơn khởi kiện của bà Phan Thị X và trong quá trình giải quyết vụ án, người khởi kiện trình bày:
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo UBND huyện V tiến hành kiểm tra, thống kê thiệt hại để đền bù thiệt hại lô hàng tẩm ướp lưu kho bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển cho cơ sở bà X theo đúng trình tự và đã báo cáo thiệt hại ra Trung ương ngày 22/4/2017 với tổng số lô hàng kiểm đếm của bà X gồm có 61.476kg mắm chượp, 1.024kg ruốc và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kinh phí chi trả bồi thường, được Bộ Tài chính cấp tiền để tỉnh Quảng Trị chi trả cho bà X từ năm 2017. Tuy nhiên, do thực hiện không đúng văn bản nên UBND tỉnh Quảng Trị, UBND huyện V đã từ chối không chi trả cho bà X do sản phẩm đã chuyển màu, không bảo đảm chất lượng. Cơ sở sản xuất của bà X đã báo cáo, UBND đã lập đoàn xem xét cho tiêu hủy, biên bản ngày 04/4/2017 về việc xử lý hàng thủy sản tồn kho không tiêu thụ được đã thể hiện “Toàn bộ số hàng trên do ảnh hưởng sự cố môi trường biển năm 2016 cơ sở không tiêu thụ được”. Và đến ngày 12/4/2021 có đầy đủ các cơ quan, ban ngành liên quan tiến hành tiêu hủy hàng hải sản tẩm ướp tồn kho bị hư hỏng, ảnh hưởng đến môi trường của bà Phan Thị X “Chủ cơ sở bàn giao hải sản tiêu hủy, hư hỏng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho đơn vị thực hiện tiêu hủy với sự chứng giám của các đơn vị giám sát tiêu hủy”. Kết quả đã tiêu hủy toàn bộ 61.476kg mắm chượp, 1.024kg ruốc.
Tại Quyết định số 309/QĐ-TTG ngày 09/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi bổ sung Điều 1 và khoản 1 Điều 2 Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển. Có định mức kèm theo quyết định thì tại mục 7.2 Hỗ trợ hàng hải sản tạm trữ tiêu hủy là 100%.
Đến tháng 9/2021, UBND huyện V mới phê duyệt kinh phí bồi thường cho bà X theo Quyết định số: 3920/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND huyện V. Tuy nhiên, số kinh phí chỉ hỗ trợ 30% là không đúng với số thiệt hại thực tế của bà X. Vì vậy, bà X đã khiếu nại và đã được UBND huyện V ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 4616/QĐ-UBND ngày 05/11/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 số 118/QĐ-UBND ngày 14/01/2022, nội dung quyết định đã thực hiện sai trong công tác chi trả hỗ trợ, bồi thường thiệt hại do bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển năm 2016 và cũng không bồi thường giá trị lô hàng thực tế đã bị tiêu hủy của bà X. Vì vậy, bà X đề nghị Tòa án giải quyết:
- Hủy Quyết định số 3920/QĐ-UBND ngày 06/09/2021 của UBND huyện V về việc phê duyệt hỗ trợ bồi thường kinh phí cho các cơ sở kinh doanh tại thị trấn C và xã V có hàng hải sản tồn kho bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển năm 2016.
- Hủy Quyết định số 4616/QĐ-UBND ngày 05/11/2021 của Chủ tịch UBND huyện V về việc giải quyết khiếu nại của bà Phan Thị X (lần đầu).
- Hủy Quyết định số 118/QĐ-UBND ngày 14/01/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị về việc giải quyết khiếu nại của bà Phan Thị X (lần hai).
- Buộc UBND huyện V, tỉnh Quảng Trị phê duyệt kinh phí chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường giá trị thực tế của lô hàng là 100% gồm: Mắm chợp 61.476kg x 30.000 đồng = 1.843.080.000 đồng; ruốc 1.024kg x 100.000 đồng = 102.000.000 đồng. Tổng cộng: 1.945.080.000 đồng.
Xin rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện đề nghị: Buộc UBND huyện V bồi thường thiệt hại do việc thực hiện không đúng các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gồm: Tiền lãi do không bán được hàng từ năm 2016 cho đến nay:
1.851.560.000 đồng; phí lưu kho do UBND huyện V không kịp thời xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2016 đến thời điểm đem hàng đi tiêu hủy: 135.000đồng x 52 tháng x 62,5 tấn = 438.750.000 đồng; chi phí ảnh hưởng về tinh thần và sức khỏe trong 06 năm đi khiếu nại: 20.000.000 đồng; chi phí in ấn tài liệu trong 06 năm đi khiếu nại: 20.000.000 đồng; chi phí đi lại khiếu nại từ Trung ương đến địa phương trong 06 năm: 72.000.000 đồng. Tổng cộng:
2.402.310.000 đồng.
2. Tại văn bản trình bày ý kiến và trong quá trình giải quyết vụ án người bị kiện UBND huyện V trình bày:
Đối với những vấn đề cụ thể người khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh giải quyết, UBND huyện V có ý kiến như sau:
1. Nội dung 1: Hủy các Quyết định hành chính của UBND huyện V số:
3920/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 về việc phê duyệt hỗ trợ bồi thường kinh phí cho các cơ sở kinh doanh tại thị trấn C và xã V có hàng hải sản tồn kho bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển năm 2016; số 4616/QĐ-UBND ngày 05/11/2021 về việc giải quyết khiếu nại (lần đầu) của bà Phan Thị X.
Ngày 26/11/2020, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện V nhận được hồ sơ, Tờ trình số 220/TTr-UBND ngày 17/11/2020 của UBND thị trấn C đề nghị thẩm định khối lượng và thời gian thu mua hàng thủy sản tồn kho thuộc nhóm hàng tẩm ướp của các cơ sở kinh doanh đề nghị bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển của 04 hộ: Lê T T, Lê Thị H, Phan Thị X, Trần Thị X. Ngày 01/12/2020, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nhận được hồ sơ, Tờ trình số 220/TTr- UBND ngày 17/11/2020 của UBND thị trấn C đề nghị thẩm định khối lượng và thời gian thu mua hàng thủy sản tồn kho thuộc nhóm hàng tẩm ướp của các cơ sở kinh doanh đề nghị bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển của hộ bà Phan Thị X. Tuy nhiên, qua kiểm tra hồ sơ nhận thấy hồ sơ chưa đầy đủ, ngày 22/12/2020 phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện V đã có Công văn số 505/NN-TS về việc đề nghị hoàn thiện hồ sơ hàng hải sản tồn kho thuộc nhóm hải sản tẩm ướp gửi UBND thị trấn C, xã V. Đến ngày 16/4/2021, UBND thị trấn C và UBND xã V đã bổ sung hồ sơ của các hộ nói trên.
Ngày 20/4/2021, UBND huyện V nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân có hàng hải sản tồn kho thị trấn C và xã V ghi ngày 19/4/2021 về việc chi trả tiền bồi thường thiệt hại về sự cố môi trường biển hàng hải sản tồn kho đã tiêu hủy do ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Ngày 28/5/2021, UBND tỉnh có Văn bản số 2138/UBND-NN về việc giải quyết kiến nghị của công dân về hỗ trợ tiền lãi ngân hàng, tiền lưu kho, tiền điện phát sinh của lô hàng hải sản tẩm ướp tồn kho bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.
UBND huyện V đã chỉ đạo Hội đồng đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường biển huyện tổ chức họp vào ngày 26/4/2021 để thẩm định hồ sơ, áp giá hỗ trợ hàng hải sản của các hộ kinh doanh ở thị trấn C và xã V bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển năm 2016 đối với hồ sơ của các hộ Lê T T, Lê Thị H, Phan Thị X, Trần Thị X, Bùi Xuân K. Qua xem xét thẩm định hồ sơ và áp giá hỗ trợ đền bù, Hội đồng đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường biển huyện V nhận thấy có một số nội dung chưa rõ áp dụng ở các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên Hội đồng đánh giá đề nghị UBND huyện có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính tỉnh Quảng Trị hướng dẫn xử lý và định mức áp giá hàng thủy hải sản tồn kho của các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển năm 2016.
Trong thời gian chờ văn bản của cấp trên hướng dẫn, ngày 13/5/2021, UBND huyện V nhận được Công văn số 1791/UBND-NN ngày 11/5/2021 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc giải quyết kiến nghị của công dân. Nhận thấy nội dung đơn có tính chất phức tạp nên ngày 18/5/2021, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 1270/QĐ-UBND thành lập Tổ xác minh. Kết quả xác minh giải quyết về quy trình thủ tục hồ sơ hỗ trợ đền bù đảm bảo đúng theo quy định.
Ngày 11/6/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn số 3576/BNN-TCTS về việc trả lời Công văn số 1999/UBND-NN ngày 21/5/2021; Công văn số 2432/UBND-NN ngày 15/6/2021 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc áp giá hàng thủy hải sản tồn kho bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.
Sau khi giải quyết đơn kiến nghị và trả lời cho công dân theo quy định. Ngày 25/8/2021, UBND huyện V đã chỉ đạo Hội đồng đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường biển huyện tổ chức thẩm định hồ sơ, áp giá hỗ trợ hàng hải sản của các hộ kinh doanh ở Thị trấn C và xã V bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển năm 2016. Ngày 06/9/2021, UBND huyện V đã ban hành Quyết định số 3920/QĐ-UBND về việc phê duyệt hỗ trợ bồi thường kinh phí cho các cơ sở kinh doanh tại thị trấn C và xã V có hàng hải sản tồn kho bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển năm 2016 đối với các chủ cơ sở kinh doanh: Phan Thị X, Lê T T, Trần Thị X, Nguyễn Thị Lan, Bùi Xuân K.
Ngày 29/9/2021, bà Phan Thị X có đơn khiếu nại Quyết định số 3920/QĐ- UBND ngày 06/9/2021 của UBND huyện V. UBND huyện đã thụ lý, giải quyết đơn khiếu nại theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Khiếu nại năm 2011 và đã ban hành Quyết định số 4616/QĐ-UBND ngày 05/11/2021 về việc giải quyết khiếu nại của bà Phan Thị X (lần đầu) với nội dung: khẳng định khiếu nại của bà Phan Thị X đối với Quyết định số 3920/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND huyện V là khiếu nại sai, quyết định giữ nguyên Quyết định số 3920/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND huyện V với những lý do sau:
- Về định mức bồi thường:
Đối chiếu các nội dung của Quyết định số 3920/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND huyện V với các Văn bản quy định của Nhà nước thấy rằng: Định mức hỗ trợ sản phẩm Mắm chợp (chượp) và Ruốc đặc của bà Phan Thị X áp dụng 30% là đúng theo quy định vì: Tại Biên bản làm việc (Về việc xử lý hàng thủy sản tồn kho không tiêu thụ được) ngày 04/4/2017 của các sở ban ngành cấp tỉnh gồm: Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị, Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Chi cục Thủy sản, Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, UBND huyện V, UBND thị trấn C và bà Phan Thị X có ghi nội dung: Đảm bảo an toàn thực phẩm; Toàn bộ số hàng trên cơ sở không tiêu thụ được do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển năm 2016, cơ sở sản xuất kinh doanh đề nghị được trợ giá tiêu thụ toàn bộ số hàng tồn kho nói trên.
Tại Biên bản thẩm định ngày 25/8/2021 của Hội đồng đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường biển theo Quyết định số 4177/QĐ-UBND ngày 01/12/2020 của UBND huyện V thì định mức được áp dụng theo Quyết định số 309/QĐ- TTg ngày 09/3/2017 của Thủ Tướng Chính phủ, Công văn số 1826/TTg-NN ngày 29/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 3576/BNN-TCTS ngày 11/6/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cụ thể, định mức đối với hàng hải sản tồn đọng khác ngoài Sứa được hỗ trợ 30% giá trị lô hàng.
UBND huyện không áp dụng theo điểm 7.2 Mục 7 tại Bảng định mức bồi 15 3 thường thiệt hại do sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền trung (Ban hành theo Quyết định số 309/QĐ-TTg ngày 09/3/2017 của Thủ Tướng Chính phủ) là đúng vì tại điểm 7.1 khoản 7 Quyết định số 309/QĐ-TTg ghi là: “Hỗ trợ hàng hải sản tạm trữ tiêu thụ định mức chung là 30%”. Tại điểm 7.2 khoản 7 ghi là: “Hỗ trợ hàng hải sản tạm trữ tiêu hủy định mức chung là 100%” Trong khi đó, tại hồ sơ đề nghị bồi thường, hỗ trợ của các hộ nói trên không phải là hàng hải sản tạm trữ tiêu hủy mà là hàng đảm bảo chất lượng và đề nghị hỗ trợ để tiêu thụ.
Như vậy, Quyết định số 3920/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND huyện V không áp dụng sai định mức bồi thường.
- Về đơn giá: Quyết định số 3920/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND huyện V đã áp dụng đúng đơn giá bồi thường, hỗ trợ. Cụ thể:
Mặt hàng Mắm chượp được áp dụng theo Quyết định số 128/QĐ-UBND ngày 19/01/2017 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc sửa đổi bổ sung định mức bồi thường, hỗ trợ tiêu thụ, tiêu hủy hàng hải sản tồn kho bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ban hành kèm theo Quyết định số 3300/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 của UBND tỉnh Quảng Trị. Mặt hàng Ruốc đặc được áp dụng theo Quyết định số 3318/QĐ-UBND ngày 23/11/2020 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc bổ sung định mức bồi thường, hỗ trợ tiêu thụ, tiêu hủy hàng hải sản tồn kho bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Về việc áp dụng văn bản: Quyết định số 3920/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND huyện V đã áp dụng theo nội dung Công văn số 1826/TTg-NN ngày 29/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ để quyết định việc bồi thường, hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại do sự cố môi trường biển năm 2016 là đúng vì đối chiếu với Công văn số 1826/TTg-NN ngày 29/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ, thấy rằng: Tại điểm a khoản 1 Công văn số 1826/TTg-NN ngày 29/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ có ghi nhận tỉnh Quảng Trị 1.501 tấn, kinh phí hỗ trợ là 42,7 tỷ đồng; Xác định mức hỗ trợ đối với sản phẩm sứa là 100%, các hàng hải sản tồn đọng khác là 30% và Công văn này Thủ tướng Chính phủ gửi đến UBND 4 tỉnh miền trung gồm: Hà tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa thiên Huế. Vì vậy, UBND huyện V áp dụng theo công văn này.
Đồng thời, Quyết định số 3920/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND huyện V không mâu thuẫn với các chứng cứ khác.
Bà Phan Thị X không đồng tình với Quyết định số 3920/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND huyện V và tiếp tục có đơn khiếu nại gửi UBND tỉnh Quảng Trị. Ngày 14/01/2022, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định số 118/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của bà Phan Thị X, trú tại khu phố A 3, thị trấn C, huyện V, tỉnh Quảng Trị (lần hai) công nhận và giữ nguyên nội dung Quyết định số 4616/QĐ-UBND ngày 05/11/2021 của Chủ tịch UBND huyện V, yêu cầu bà Phan Thị X thực hiện Quyết định số 4616/QĐ-UBND ngày 05/11/2021 của Chủ tịch UBND huyện V.
Như vậy, UBND huyện V ban hành Quyết định số 3920/QĐ-UBND ngày 06/9/2020 của UBND huyện V về việc phê duyệt hỗ trợ bồi thường kinh phí cho các cơ sở kinh doanh tại thị trấn C và xã V có hàng hải sản tồn kho bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển năm 2016 (trong đó có cơ sở kinh doanh bà Phan Thị X) và Quyết định số 4616/QĐ- UBND ngày 05/11/2021 về việc giải quyết khiếu nại của bà Phan Thị X (thực hiện đúng trình tự, đối tượng, định mức hỗ trợ theo quy định nên UBND huyện V không hủy các Quyết định này.
2. Nội dung 2: Buộc UBND huyện V, tỉnh Quảng Trị phê duyệt kinh phí chi trả tiền bồi thường giá trị thực tế của lô hàng:
- Mắm chợp: 61.476 kg x 30.000 đồng = 1.843.080.000 đồng - Ruốc: 1.024 kg x 100.000 đồng = 102.000.000 đồng Tổng cộng: 1.945.080.000 đồng (một tỷ chín trăm bốn mươi lăm triệu không trăm tám mươi ngàn đồng) Theo bản kê khai số lượng hàng hải sản lưu kho ngày 20/12/2016 của bà Phan Thị X, kê khai khối lượng mắm chợp là 61.221 kg và khối lượng ruốc đặc là 1.020 kg.
Việc UBND huyện V ban hành Quyết định số 3920/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND huyện V về việc phê duyệt hỗ trợ bồi tin thường kinh phí cho các cơ sở kinh doanh tại thị trấn C và xã V có hàng hải sản tồn kho bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển năm 2016 đã được các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết khiếu nại và công nhận là đúng nên yêu cầu chi trả tiền bồi thường nói trên của bà Phan Thị X là không có cơ sở. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh không chấp nhận yêu cầu của bà X 3. Nội dung 3: Buộc UBND huyện V, tỉnh Quảng Trị bồi thường thiệt hại do việc thực hiện không đúng các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, số tiền tổng cộng: 2.402.310.000 đồng (hai tỷ bốn trăm linh hai triệu ba trăm mười ngàn đồng).
UBND huyện V đã có Quyết định số 3920/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 về việc phê duyệt hỗ trợ bồi thường kinh phí cho các cơ sở kinh doanh tại thị trấn C và xã V có hàng hải sản tồn kho bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển năm 2016. Tuy nhiên, bà Phan Thị X không đồng tình và có Đơn khiếu nại gửi UBND huyện, UBND tỉnh Quảng Trị. Vì vậy, quá trình thực hiện các thủ tục, hồ sơ trình hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở kinh doanh tại thị trấn C và xã V phải dừng lại nhiều lần để xử lý, giải quyết đơn khiếu nại của công dân.
Ngày 14/01/2022, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định số 118/QĐ- UBND về việc giải quyết khiếu nại (lần hai) của bà Phan Thị X với kết luận: công nhận và giữ nguyên nội dung các Quyết định giải quyết khiếu nại (lần đầu) của Chủ tịch UBND huyện V. Căn cứ hiệu lực pháp luật của Quyết định giải quyết khiếu nại (lần hai) đối với bà Phan Thị X, ngày 01/6/2022, UBND huyện V đã có Tờ trình số 935/TTr-UBND về việc thẩm định và phê duyệt hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở kinh doanh tại thị trấn C và xã V có hàng hải sản tồn kho bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển năm 2016 (trong đó có bà Phan Thị X).
Ngày 08/9/2022, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 2326/QĐ-UBND về việc tạm cấp kinh phí thực hiện bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển tại huyện V. UBND huyện đã có Công văn số 1713/UBND- NN ngày 23/9/2022 về việc Cung cấp thông tin để thực hiện chi trả hàng hải sản tồn kho bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển. Tuy nhiên theo Báo cáo số 68/BC-UBND ngày 26/9/2022 của UBND thị trấn C, bà Phan Thị X chưa cung cấp thông tin để thực hiện chi trả kinh phí.
Mặt khác, thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển chưa có văn bản hướng dẫn về đối tượng thiệt hại và trình tự thực hiện thủ tục đền bù, hỗ trợ cho đối tượng hàng hải sản tồn kho thuộc nhóm hải sản tẩm ướp. Sau khi có văn bản số 4725/BNN-TCTS ngày 15/7/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xử lý hàng hải sản tồn kho thuộc nhóm hải sản tẩm ướp, ngày 04/8/2020, CUBND tỉnh có Công văn số 3539/UBND-NN về việc xử lý hàng thủy sản tồn kho thuộc nhóm hải sản tẩm ướp nên ngày 06/8/2020, UBND huyện V có Công văn số 1218/UBND-NN về việc xử lý hàng thủy hải sản tồn kho thuộc nhóm hải sản tẩm ướp để chỉ đạo UBND các xã, thị trấn có các cơ sở kinh doanh hàng thủy sản tồn kho thuộc nhóm hải sản tẩm ướp tổ chức kiểm tra, rà soát các tin cơ sở đủ điều kiện để tiến hành các thủ tục đền bù, hỗ trợ theo quy định.
Căn cứ vào hồ sơ, đối chiếu theo các quy định của Nhà nước, UBND huyện đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện.
Người bị kiện là Chủ tịch UBND huyện V và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị: Quá trình giải quyết vụ án không có văn bản trình bày ý kiến và không tham gia phiên hòa giải.
Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 02/2023/HC-ST ngày 17/5/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đã quyết định:
Căn cứ khoản 1 Điều 30, khoản 4 Điều 32 ; điểm a khoản 2 Điều 116; điểm b khoản 1 Điều 143; khoản 1, 2 Điều 158; điểm b khoản 1 Điều 168 ; điểm b khoản 2 Điều 193 Luật tố tụng hành chính năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Xử:
- Chấp nhận toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện;
- Hủy một phần Quyết định số 3920/QĐ-UBND ngày 06/09/2021 của UBND huyện V về việc phê duyệt hỗ trợ bồi thường kinh phí cho các cơ sở kinh doanh tại thị trấn C và xã V có hàng hải sản tồn kho bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển năm 2016 đối với bà Phan Thị X;
- Hủy Quyết định số 4616/QĐ-UBND ngày 05/11/2021 của Chủ tịch UBND huyện V về việc giải quyết khiếu nại của bà Phan Thị X (lần đầu);
- Hủy Quyết định số 118/QĐ-UBND ngày 14/01/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị về việc giải quyết khiếu nại của bà Phan Thị X (lần hai);
- Buộc UBND huyện V, tỉnh Quảng Trị phê duyệt kinh phí chi trả tiền bồi thường 100% giá trị thực tế của lô hàng: Mắm chợp 61.221kg x 20.000 đồng = 1.224.420.000 đồng; ruốc 1.020kg x 100.000 đồng = 102.000.000 đồng. Tộng cộng: 1.326.420.000 đồng.
- Đình chỉ đối với yêu cầu buộc UBND huyện V bồi thường thiệt hại do việc thực hiện không đúng các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gồm: Tiền lãi do không bán được hàng từ năm 2016 cho đến nay: 1.851.560.000 đồng; phí lưu kho do UBND huyện V không kịp thời xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2016 đến thời điểm đem hàng đi tiêu hủy: 438.750.000 đồng; chi phí ảnh hưởng về tinh thần và sức khỏe trong 06 năm đi khiếu nại: 20.000.000 đồng;
chi phí in ấn tài liệu trong 06 năm đi khiếu nại: 20.000.000 đồng; chi phí đi lại khiếu nại từ Trung ương đến địa phương trong 06 năm: 72.000.000 đồng. Tổng cộng: 2.402.310.000 đồng.
Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 31 tháng 5 năm 2023, UBVND huyện V và Chủ tịch UBND huyện V, tỉnh Quảng Trị kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm, đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét sửa Bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Phan Thị X.
Ngày 31 tháng 5 năm 2023, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị có kháng nghị số 120/QĐ-VKS-HC kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án hành chính sơ thẩm số 02/2023/HC-ST ngày 17/5/2023 của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Trị.
Tại phiên toà phúc thẩm người bị kiện và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét chấp nhận toàn bộ nội dung kháng cáo của UBND huyện V và của Chủ tịch UBND huyện V, sửa Bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận đơn khởi kiện của bà Phan Thị X.
Bà Phan Thị X đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của người bị kiện và kháng nghị của Viện kiểm sát, giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thẩm.
Tại phiên toà phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng Thẩm phán chủ toạ và Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Luật tố tụng hành chính trong giai đoạn xét xử phúc thẩm. Về nội dung: Đại diện VKSNDCC tại Đà Nẵng giữ nguyên Quyết định kháng nghị số 120/QĐ-VKS-HC ngày 31/5/2023 của Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị và cho rằng Toà án cấp sơ thẩm xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện Phan Thị X là không có căn cứ, do đó đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ vào khoản 2 Điều 241 Luật tố tụng hành chính: Chấp nhận kháng nghị và kháng cáo của người bị kiện UBND huyện V, Chủ tịch UBND huyện V sửa toàn bộ Bản án sơ thẩm theo hướng bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện Phan Thị X.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa; trên cơ sở xem xét đầy đủ các tài liệu chứng cứ, ý kiến của các bên đương sự và xem xét quan điểm của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:
[1] Tại phiên toà phúc thẩm hôm nay, bà Trần Thị Thu T là người đại diện theo uỷ quyền của người khởi kiện Phan Thị X vắng nhưng người khởi kiện bà Phan Thị X có mặt; người bị kiện Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị vắng nhưng có văn bản đề nghị xét xử vắng mặt, do đó Toà án tiến hành xét xử vụ án theo quy định tại Điều 225 Luật tố tụng hành chính.
[2] Tại phiên toà phúc thẩm, người khởi kiện bà Phan Thị X không rút đơn khởi kiện. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng giữ nguyên Quyết định kháng nghị số 120/QĐ-VKS-HC ngày 31/5/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị. Đại diện người bị kiện UBND huyện V, tỉnh Quảng Trị và Chủ tịch UBND huyện V, tỉnh Quảng Trị giữ nguyên nội dung yêu cầu kháng cáo. Các bên đương sự không đối thoại thành, Toà án tiến hành xét xử vụ án theo quy định của pháp luật.
[3] Kháng nghị số 120/QĐ-VKS-HC ngày 31/5/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị và Kháng cáo của người bị kiện UBND huyện V, tỉnh Quảng Trị, Chủ tịch UBND huyện V, tỉnh Quảng Trị đều cùng nội dung đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét sửa Bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Phan Thị X. Xét nội dung kháng nghị và nội dung kháng cáo, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng.
[3.1] Xét yêu cầu của người khởi kiện:
Người khởi kiện đã đồng ý đối với: Quyết định số 3920/QĐ-UBND ngày 06/09/2021 của UBND huyện V về việc phê duyệt hỗ trợ bồi thường kinh phí cho các cơ sở kinh doanh tại thị trấn C và xã V có hàng hải sản tồn kho bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển năm 2016, về hỗ trợ bồi thường đối tượng chủng loại: Mắm chợp: 61.476 kg và Ruốc: 1.024 kg.
Không đồng ý về xác định mức hỗ trợ đối với sản phẩm là 30% và cho rằng UBND huyện áp dụng sai định mức bồi thường, đồng thời đề nghị áp giá đối với mặt hàng Mắm chợp thành phẩm là 30.000 đồng/kg.
Đề nghị Tòa án hủy: Quyết định số 3920/QĐ-UBND ngày 06/09/2021 của UBND huyện V để phê duyệt hỗ trợ bồi thường kinh phí 100% giá trị đối với hàng hải sản hư hỏng bị tiêu hủy, đồng thời đề nghị áp giá đối với mặt hàng Mắm chợp thành phẩm là 30.000 đồng/kg .
Hủy Quyết định số 4616/QĐ-UBND ngày 05/11/2021 của Chủ tịch UBND huyện V về việc giải quyết khiếu nại của bà Phan Thị X (lần đầu); Hủy Quyết định số 118/QĐ-UBND ngày 14/01/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị về việc giải quyết khiếu nại của bà Phan Thị X (lần hai).
[3.2] Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng, về định mức hỗ trợ: Ngày 29/9/2016, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 1880/QĐ-TTg về việc ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến thừa Thiên Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển (Quyết dịnh 1880).Ngày 9/3/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 309/QĐ- TTg về sửa đổi bổ sung Điều 1 và khoản 1 Điều 2 Quyết định số 1880 (Quyết định 309). Quyết định số 309 quy dịnh rõ định mức hàng hải sản tạm trữ tiêu thụ là 30% tại mục 7.1, hỗ trợ hàng hải sản tạm trữ tiêu huỷ là 100% tại mục 7.2.
Quá trình thực hiện, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh và chính quyền địa phương tổ chức rà soát, thống kê đối tượng, khối lượng hàng thuỷ sản thuộc diện hỗ trợ, bồi thường do sự cố môi trường biển để tiến hành bồi thường, hỗ trợ và tiêu huỷ theo quy định.
Tại Biên bản làm việc (Về việc xử lý hàng thủy sản tồn kho không tiêu thụ được) ngày 04/4/2017 của các sở ban ngành cấp tỉnh gồm: Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị, Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Chi cục Thủy sản, Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, UBND huyện V, UBND thị trấn C và bà Phan Thị X có ghi nội dung: Toàn bộ số hàng 61.221 kg mắm chợp nguyên liệu, 1.020 kg ruốc đặc, 3.960 lít nước mắn thành phẩm lưu kho của cơ sở đảm bảo an toàn thực phẩm. Cơ sở không tiêu thụ được do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển năm 2016. Cơ sở đề nghị được trợ giá tiêu thụ toàn bộ số hàng tồn kho nói trên. Bà Phan Thị X có ký tên trong biên bản này (BL- 18,19, 20). Tại phiên toà phúc thẩm hôm nay, bà Phan Thị X xác nhận đúng nội dung này. Tại bản tổng hợp kết quả kiểm nghiệm hải sản tồn kho tại các kho đông lạnh (theo Công văn số 01/CC-TTNĐ ngày 29/6/2017 của Chi cục ATVSTP) thể hiện: Các mẫu lấy từ số hàng tồn kho của cơ sở bà X đều có kết quả kiểm nghiệm “Đạt”. Căn cứ vào biên bản làm việc này và kết quả kiểm nghiệm trên có đủ cơ sở xác định toàn bộ hàng thuỷ hải sản tẩm ướp tồn kho của cơ sở bà X không bị nhiễm độc do sự cố môi trường biển, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên được tạm trữ để tiêu thụ mà không bị tiêu huỷ.
Sau khi tiến hành kiểm kê, UBND tỉnh Quảng Trị đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đối tượng và khối lượng hàng thuỷ sản thuộc diện hỗ trợ, bồi thường do sự cố môi trường biển đúng quy định. Tại điểm c khoản 2 mục II Thông báo số 506/TB-VPCP ngày 30/10/2017 thông báo kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp lần thứ X, Ban Chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường (Thông báo 506) có nội dung: Về lượng hải sản tồn kho và các đối tượng tồn đọng thuộc đối tượng tại Quyết định số 1880 và Quyết định số 309 của Thủ tướng chính phủ nhưng do chưa kê khai trước ngày 8/11/2016, chưa được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của Bộ y tế được hỗ trợ 30% giá trị lô hàng. Tại Công văn số 1826/TTg-NN ngày 29/11/2017 của Thủ tướng chính phủ, quy định: Đối với hàng hải sản tồn đọng, mức hỗ trợ đối với sản phẩm sứa hỗ trợ 100% giá trị lô hàng; đối với hàng hải sản tồn đọng khác hỗ trợ 30% giá trị lô hàng.
Như vậy, theo quy định tại Quyết định số 309, Thông báo 506 và Công văn số 1826 thì hành hải sản tẩm ướp tồn kho của cơ sở bà X nói trên được kê khai sau ngày 8/11/2016, chưa được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của Bộ y tế, thuộc hàng tạm trữ tiêu thụ nên được hỗ trợ 30% giá trị lô hàng.
Tại Công văn số 3576/BNN-TCTS ngày 11/6/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời Công văn số 1999/UBND-NN ngày 21/5/2021 của UBND tỉnh Quảng Trị, có nội dung: Theo Quyết định 309/QĐ-TTg ngày 9/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ, tại điểm 7.2 “ Hỗ trợ hàng hải sản tạm trữ tiêu huỷ là 100%” là quy định cho hàng hải sản tạm trữ, lưu kho đã được kê khai trước ngày 8/11/2016 và được Bộ y tế kiểm nghiệm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Đề nghị của UBND tỉnh Quảng Trị đã được Thủ tướng chính phủ đồng ý tại Thông báo 506/TB-VPCP. Do đó, số hàng hải sản tồn đọng nêu trên của UBND tỉnh Quảng Trị chưa được kê khai trước ngày 8/11/2016 và chưa được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của Bộ y tế thì thực hiện theo mức hỗ trợ nêu trên (30%).
[3.3] Toà án cấp sơ thẩm không xem xét đánh giá về chất lượng sản phẩm hàng tồn kho của cơ sở bà X đã được kê khai, kiểm kê, kiểm nghiệm tại thời điểm ngày 4/4/2017; áp dụng không đúng các văn bản đã viện dẫn mà chỉ căn cứ vào kết quả thực tế là hàng hoá đã bị tiêu huỷ sau 4 năm lưu kho mà không tiêu thụ được để áp dụng mục 7.2 Quyết định 309, tuyên xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện, huỷ các Quyết định số 3920/QĐ-UBND ngày 6/9/2021 của UBND huyện V, Quyết định số 4616/QĐ-UBND ngày 5/11/2021 của Chủ tịch UBND huyện V về việc giải quyết khiếu nại của bà Phan Thị X (lần đầu) và Quyết định số 118/QĐ-UBND ngày 14/01/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị về giải quyết khiếu nại của bà Phan Thị X (lần hai), buộc UBND huyện Vình Linh phải áp dụng định mức hỗ trợ 100% giá trị lô hàng cho cơ sơ của bà X là không khách quan, không phù hợp với các tình tiết khách quan vủa vụ án, không đúng quy định của pháp luật. Xét thấy, các Quyết định hành chính bị kiện của UBND huyện V, Quyết định của Chủ tịch UBND huyện V và Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã nêu trên là có căn cứ và đúng pháp luật. Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị và kháng cáo của Chủ tịch UBND huyện và UBND huyện V, tỉnh Quảng Trị về đề nghị Toà án cấp phúc thẩm sửa Bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện Phan Thị X là có căn cứ, do đó Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo và kháng nghị, sửa Bản án sơ thẩm, xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện.
[4] Ngoài ra, trong phần Quyết định của Bản án sơ thẩm tuyên “Buộc UBND huyện V, tỉnh Quảng Trị phê duyệt kinh phí chi trả tiền bồi thường 100% giá trị thực tế của lô hàng: Mắm chợp 61.221kg x 20.000 đồng = 1.224.420 đồng; ruốc 1.020 kg x 100.000 đồng = 102.000.000 đồng. Tổng cộng 1.326.420.000 đồng” là không đúng với thẩm quyền quy định tại Điều 193 Luật tố tụng hành chính. Điều luật quy định, trường hợp Toà án chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện thì Toà án án tuyên huỷ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có), buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền thực hiện công vụ, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Toà án cấp sơ thẩm không đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu khởi kiện do người khởi kiện rút tại phiên toà. Theo đơn khởi kiện, bà X yêu cầu Toà án buộc UBND huyện V tỉnh Quảng Trị phê duyệt kinh phí chi trả tiền bồi thường giá trị thực tế của lô hàng: Mắm chợp: 61.476 kg x 30.000 đồng=1.843.080 đồng; Ruốc: 1.024 kg x 100.000 đồng = 102.000.000 đồng. Tổng cộng 1.945.080.000 đồng (BL-01,02). Tại phiên toà sơ thẩm, chỉ yêu cầu đối với số lượng hải sản bị tiêu huỷ là: Mắm chợp 61.221 kg (giảm 225 kg so với yêu cầu khởi kiện); Ruốc đặc là 1.020 kg (giảm 04 kg so với yêu cầu khởi kiện) nhưng Toà án cấp sơ thẩm không đình chỉ đối với nội dung rút này của người khởi kiện là vi phạm khoản 2 Điều 173 Luật tố tụng hành chính.
Mặc dù cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, kháng nghị, sửa Bản án sơ thẩm theo hướng Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện nhưng những nội dung này (nêu ở mục [4]), cấp phúc thẩm thấy cần thiết nêu ra để Toà án cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm khi giải quyết các vụ án hành chính.
[5] Về án phí:
Về án phí sơ thẩm hành chính: Do vụ án bị Toà án cấp phúc thẩm sửa nên cấp phúc thẩm xác định lại nghĩa vụ nộp án phí sơ thẩm theo quy định tại Điều 348 Luật tố tụng hành chính và Điều 32 của Nghị quyết 326/2016/NQ- UBTVQH ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội quy định vè án phí, lệ phí Toà án. Theo đó, người khởi kiện bà Phan Thị X phải nộp 300.000 đồng tiền án phí hành chính sơ thẩm nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí 300.000 đồng đã nộp. UBND huyện V, tỉnh Quảng Trị; Chủ tịch UBND huyện V, tỉnh Quảng Trị và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị không phải chịu án phí hành chính sơ thẩm.
Về án phí hành chính phúc thẩm: Do yêu cầu kháng cáo của người bị kiện được chấp nhận nên người bị kiện không phải chịu án phí hành chính phúc thẩm theo quy định của pháp luật. Do đó, Chủ tịch UBND và UBND huyện V, tỉnh Quảng Trị được hoàn trả số tiền tiềm tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại cơ quan Thi hành án dân sự.
Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 241 Luật tố tụng hành chính: Chấp nhận kháng nghị số 120/QĐ-VKS-HC ngày 31 tháng 5 năm 2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị và kháng cáo của UBND huyện V, tỉnh Quảng Trị, kháng cáo của Chủ tịch UBND huyện V, tỉnh Quảng Trị, sửa Bản án sơ thẩm.
Căn cứ khoản 1 Điều 30, khoản 4 Điều 32 ; điểm a khoản 2 Điều 116; điểm b khoản 1 Điều 143; điểm a khoản 2 Điều 193 Luật tố tụng hành chính năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án,
Xử:
1. Bác toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện Phan Thị X về:
- Hủy một phần Quyết định số 3920/QĐ-UBND ngày 06/09/2021 của UBND huyện V về việc phê duyệt hỗ trợ bồi thường kinh phí cho các cơ sở kinh doanh tại thị trấn C và xã V có hàng hải sản tồn kho bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển năm 2016 đối với bà Phan Thị X;
- Hủy Quyết định số 4616/QĐ-UBND ngày 05/11/2021 của Chủ tịch UBND huyện V về việc giải quyết khiếu nại của bà Phan Thị X (lần đầu);
- Hủy Quyết định số 118/QĐ-UBND ngày 14/01/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị về việc giải quyết khiếu nại của bà Phan Thị X (lần hai);
- Buộc UBND huyện V, tỉnh Quảng Trị phê duyệt kinh phí chi trả tiền bồi thường 100% giá trị thực tế của lô hàng: Mắm chợp 61.221kg x 20.000 đồng = 1.224.420.000 đồng; ruốc 1.020kg x 100.000 đồng = 102.000.000 đồng. Tộng cộng: 1.326.420.000 đồng.
2. Đình chỉ đối với yêu cầu buộc UBND huyện V bồi thường thiệt hại do việc thực hiện không đúng các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gồm: Tiền lãi do không bán được hàng từ năm 2016 cho đến nay: 1.851.560.000 đồng; phí lưu kho do UBND huyện V không kịp thời xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2016 đến thời điểm đem hàng đi tiêu hủy: 438.750.000 đồng; chi phí ảnh hưởng về tinh thần và sức khỏe trong 06 năm đi khiếu nại: 20.000.000 đồng; chi phí in ấn tài liệu trong 06 năm đi khiếu nại: 20.000.000 đồng; chi phí đi lại khiếu nại từ Trung ương đến địa phương trong 06 năm: 72.000.000 đồng. Tổng cộng: 2.402.310.000 đồng.
3. Về án phí hành chính sơ thẩm:
-UBND huyện V; Chủ tịch UBND huyện V; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị không phải chịu án phí hành chính sơ thẩm.
-Bà Phan Thị X phải nộp 300.000 đồng tiền án phí hành chinh sơ thẩm nhưng được khấu trừ vào số tiền 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm đã nộp theo biên lai thu tiền số 0000229 ngày 09/02/2023 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị.
4. Về án phí hành chính phúc thẩm: UBND huyện V, tỉnh Quảng Trị; Chủ tịch UBND huyện V, tỉnh Quảng Trị không phải chịu án phí phúc thẩm hành chính, do đó được hoàn trả số tiền 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền số 0000309 và hoàn trả số tiền 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu số 0000310 cùng ngày 06 tháng 7 năm 2023 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Quảng trị.
Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 11/2024/HC-PT về khiếu kiện quyết định hành chính
Số hiệu: | 11/2024/HC-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 19/01/2024 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về