Bản án 677/2022/HC-PT về khiếu kiện quyết định hành chính quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thuế

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 677/2022/HC-PT NGÀY 25/08/2022 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG LĨNH VỰC THUẾ

Ngày 25 tháng 08 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính phúc thẩm thụ lý số: 312/2021/TLPT-HC ngày 25/05/2021 về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thuế”;Do bản án hành chính sơ thẩm số 528/2021/HC-ST ngày 19/04/2021 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo;

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 986/2022/QĐ-PT ngày 14/06/2022 giữa các đương sự:

1/Người khởi kiện:

Ông Trần Đức P, sinh năm 1988 (vắng mặt);

Địa chỉ: N S H L, phường 10, quận T B, Thành phố H.

Người đại diện của ông Trần Đức P (giấy ủy quyền công chứng tại Văn phòng công chứng T B, Thành phố H vào ngày 05/07/2022):

Bà Trần Phạm Cát T, sinh năm 1984 (có mặt);

Địa chỉ: B C 1, phường 14, quận T B, Thành phố H.

Người bảo vệ quyền lợi của người khởi kiện:

Luật sư Trần Minh H, Văn phòng Luật sư Gia Đình (có mặt);

Địa chỉ: Ng V L, phường 12, quận 6, Thành phố H.

2/Người bị kiện:

2.1/Cục trưởng Cục thuế Thành phố H (vắng mặt do có văn bản ghi ngày 21/07/2022 yêu cầu xét xử vắng mặt đương sự);

Địa chỉ: 63 Vũ Tông Phan, phường An Phú, Thành phố Thủ Đức, Thành phố H

2.2/Chi cục trưởng Chi cục thuế quận T B, Thành phố H (vắng mặt do có văn bản ghi ngày 12/07/2022 yêu cầu xét xử vắng mặt đương sự);

Địa chỉ: 450 Trường Chinh, phường 13, quận T B, Thành phố Hồ Chí Minh;

Người bảo vệ quyền lợi của người bị kiện (Cục trưởng Cục thuế Thành phố H và Chi cục trưởng Chi cục thuế quận T B):

-Ông Đỗ Quốc T, Phó trưởng Phòng Thanh tra thuế số 4 thuộc Cục thuế Thành phố H (có mặt);

-Ông Lê Hữu C, Kiểm tra viên thuế-Cục thuế Thành phố H (có mặt).

3/Người kháng cáo:

Ông Trần Đức P, là người khởi kiện.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ghi ngày 24/04/2019 và lời trình bày trong quá trình giải quyết vụ án, yêu cầu khởi kiện của ông Trần Đức P như sau:

Năm 2016, ông Trần Đức P (ông P) sản xuất phần mềm trò chơi điện tử và đưa lên Google để cho nhiều người sử dụng miễn phí.

Sau khi phần mềm trò chơi đưa lên mạng, Google Asia Pacific Pte sẽ tự cài đặt các quảng cáo vào trò chơi; ông P không thực hiện việc quảng cáo và không cung cấp dịch vụ quảng cáo trên các phần mềm từ Google; Google Asia Pacific Pte là bên thực hiện quảng cáo trên phần mềm trò chơi điện tử do ông P sản xuất và xuất khẩu.

Từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/01/2017, ông P đã nhận được số tiền thanh toán từ Google Asia Pacific Pte (qua ngân hàng) là 41.448.582.407 đồng; khoản tiền này được Google Asia Pacific Pte tính trên số lượng người truy cập ở nước ngoài khi sử dụng trò chơi điện tử của ông P.

Vào ngày 16/05/2018, Cục thuế Thành phố H lập biên bản làm việc, yêu cầu ông P kê khai thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu từ Google Asia Pacific Pte.

Ngày 29/06/2018, ông P liên hệ với Chi cục thuế quận T B để nộp 13 tờ khai thuế đối với cá nhân kinh doanh trong kỳ phát sinh doanh số từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/01/2017. Sau đó, vào ngày 28 và ngày 29/06/2018, ông P đã nộp đủ số tiền thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân vào ngân sách Nhà nước, số tiền là 2.901.400.768 đồng.

Vào lúc 08 giờ ngày 03/07/2018, Chi cục thuế quận T B đóng dấu xác nhận việc ông P đã nộp xong các tờ kê khai thuế, trước thời điểm Cục thuế Thành phố H lập biên bản vi phạm hành chính về thuế vào lúc 09 giờ ngày 03/07/2018. Do ông P nhờ đơn vị dịch vụ làm thủ tục kê khai thuế, nên không biết rằng vào lúc 08 giờ ngày 03/07/2018, hồ sơ kê khai thuế đã hoàn thành. Vì vậy, việc Cục thuế Thành phố H lập biên bản vi phạm hành chính ngày 03/07/2018, cho rằng ông P chưa kê khai thuế, là không đúng.

Ngày 18/07/2018, Cục trưởng Cục thuế Thành phố H ban hành quyết định số 4282/QĐ-CT về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với ông P do có hành vi khai sai, dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp (sau đây gọi là quyết định số 4282).

Đến ngày 15/11/2018, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận T B ban hành quyết định số 412838/QĐ CCNH-QLN về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng (sau đây gọi là quyết định số 412838).

Không đồng ý với quyết định số 412838, ông P khiếu nại. Vào ngày 18/01/2019, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận T B ban hành quyết định số 672/QĐGQKN-CCT về việc giải quyết khiếu nại (lần đầu) (sau đây gọi là quyết định số 672) với nội dung như sau: không công nhận nội dung đơn khiếu nại của ông P.

Sau đó ông P tiếp tục khiếu nại. Vào ngày 03/04/2019, Cục trưởng Cục thuế Thành phố H ban hành quyết định số 15/QĐ-CT-KN về việc giải quyết khiếu nại (lần hai) (sau đây gọi là quyết định số 15), bác bỏ yêu cầu khiếu nại của ông P.

ông P cho rằng những quyết định nói trên của Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận T B và Cục trưởng Cục Thuế Thành phố H đều không đúng pháp luật, cụ thể như sau:

-Biên bản vi phạm hành chính về thuế ngày 03/7/2018 vi phạm về hình thức vì không xác định cụ thể hành vi vi phạm của ông P sẽ bị xử phạt theo điều luật nào. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 4282/QĐ-CT ngày 15/11/2018 ban hành sau 15 ngày kể từ ngày lập biên bản, là vi phạm Khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; quyết định số 4282 xác định nghề nghiệp/lĩnh vực hoạt động của ông P là quảng cáo trên các phần mềm từ Google, là không đúng, dẫn đến việc áp mức thuế giá trị gia tăng 5% là không đúng quy định của pháp luật, bởi vì ông P không phải là người cung cấp dịch vụ quảng cáo, không tự kinh doanh quảng cáo trên phần mềm của Google và Google không phải là sàn giao dịch thương mại điện tử; ông P chỉ là người sản xuất phần mềm xuất khẩu, các quảng cáo Google hiển thị trên phần mềm, được thực hiện ở nước ngoài, cho đối tượng người dùng ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, hoạt động này được tính thuế suất giá trị gia tăng là 0% đối với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu (có hợp đồng cung cấp hàng hóa dịch vụ, tiền thanh toán qua ngân hàng). Như vậy, ông P chỉ phải đóng thuế thu nhập cá nhân 2% trên doanh thu và thuế giá trị gia tăng là 0%;

-Cục trưởng Cục thuế Thành phố H xác định rằng ông P vi phạm Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ và áp dụng mức phạt 20% tính trên số tiền thuế khai thiếu là không có căn cứ, bởi vì ông P đã nộp đầy đủ tờ khai thuế đối với cá nhân kinh doanh và nộp đủ số tiền thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân là 2.901.400.768 đồng trước ngày cơ quan thuế lập biên bản vi phạm hành chính về thuế;

Vì vậy, ông P khởi kiện, yêu cầu Tòa án hủy quyết định số 4282, quyết định số 412838, quyết định số 672 và quyết định số 15 nói trên.

Người bị kiện là Cục trưởng Cục Thuế Thành phố H trình bày ý kiến như sau:

Trong năm 2016 và năm 2017, ông P đã phát sinh thu nhập, thu được từ quảng cáo trên Google dựa trên các ứng dụng trò chơi với doanh thu là 41.448.582.407 đồng nhưng ông P không đăng ký thuế, không nộp hồ sơ khai thuế, không nộp số thuế phát sinh từ hoạt động kinh doanh của cá nhân vào ngân sách Nhà nước, là vi phạm Khoản 1; Khoản 2; Khoản 3 Điều 7; Điều 32 và Điều 42 của Luật Quản lý thuế.

ông P hoạt động kinh doanh nhưng không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 32 của Luật Quản lý thuế, sẽ được xác định là hành vi trốn thuế theo quy định tại Khoản 1 Điều 108 Luật Quản lý thuế, điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ.

Tuy nhiên, căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ, thì hành vi khai man trốn thuế của ông P là hành vi vi phạm lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ và đã tự giác nộp đủ số tiền thuế vào ngân sách Nhà nước trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt, nên cơ quan thuế lập biên bản ghi nhận để xác định lại hành vi khai thiếu thuế. Do đó, căn cứ Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ, ông P bị phạt 20% số tiền thuế khai thiếu. Ngoài ra, ông P bị tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế khai thiếu, theo quy định tại Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ.

Căn cứ Khoản 2.a và 2.b Điều 2; Điều 3 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài chính, thì ông P là cá nhân cư trú và kinh doanh dịch vụ (quảng cáo cho Google) tại Việt Nam, phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo tỷ lệ 5% trên doanh thu, nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo tỷ lệ 2% trên doanh thu.

Như vậy, ông P phải nộp số tiền thuế khai thiếu bị truy thu, số tiền phạt và số tiền chậm nộp đối với số thuế khai thiếu, tính như sau:

-Thuế GTGT phải nộp (5%): 41.448.582.407 đồng x 5% = 2.072.429.120 đồng;

-Thuế TNCN phải nộp (2%): 41.448.582.407 đồng x 2% = 828.971.648 đồng;

-Tổng số tiền thuế phải nộp: 2.901.400.768 đồng;

-Phạt 20% số tiền thuế khai thiếu: 2.901.400.768 đồng x 20% = 580.280.153 đồng;

-Số tiền chậm nộp đối với số thuế khai thiếu: 582.594.530 đồng;

Căn cứ Khoản 3 Điều 103; Khoản 2 Điều 109 của Luật Quản lý thuế, Cục trưởng Cục Thuế Thành phố H đã ban hành quyết định số 4282 xử phạt vi phạm pháp luật về thuế đối với ông P.

Cục trưởng Cục Thuế Thành phố H đề nghị Tòa án bác đơn khởi kiện của ông P.

Người bị kiện là Chi cục trưởng Chi cục thuế quận T B trình bày ý kiến như sau:

Chi cục trưởng Chi cục thuế quận T B ban hành quyết định số 412838 về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng và ban hành quyết định số 672 về việc giải quyết khiếu nại của ông P (lần đầu), là đúng pháp luật; đề nghị Tòa án bác yêu cầu khởi kiện của ông P.

Tại bản án hành chính sơ thẩm số 528/2021/HC-ST ngày 19/04/2021, Tòa án nhân dân Thành phố H đã xét xử như sau:

-Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Trần Đức P về việc yêu cầu hủy quyết định số 4282/QĐ-CT ngày 18/7/2018 về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế của Cục trưởng Cục thuế Thành phố H; quyết định số 412838/QĐ-CCNH-QLN ngày 15/11/2018 về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng của Chi cục trưởng Chi cục thuế quận T B; quyết định số 672/QĐGQKN-CCT ngày 18/01/2019 về việc giải quyết khiếu nại của ông Trần Đức P (lần đầu) của Chi cục trưởng Chi cục thuế quận T B và quyết định số 15/QĐ-CT-KN ngày 03/4/2019 về việc giải quyết khiếu nại của ông Trần Đức P (lần hai) của Cục trưởng Cục thuế Thành phố H.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí hành chính sơ thẩm và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Vào ngày 22/04/2021, người khởi kiện ông Trần Đức P có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự trình bày ý kiến như sau:

Người kháng cáo là ông Trần Đức P, do bà Trần Phạm Cát Tiên làm đại diện, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Đức P vì những lý do sau đây:

-Ông Trần Đức P chỉ là người sản xuất phần mềm (trò chơi) để cung ứng cho người nước ngoài. Vì vậy, việc truy thu thuế với thuế suất 5% là không đúng; đúng ra, thuế suất chỉ là 0%;

-Ông Trần Đức P không phải là người quảng cáo và không hoạt động về ngành nghề quảng cáo;

-Người sử dụng phần mềm (trò chơi) của ông Trần Đức P là người nước ngoài; lợi nhuận mà ông Trần Đức P thu được từ người dùng trong nước (qua việc sử dụng trò chơi của ông Trần Đức P) chỉ vào khoảng 1.900 đô-la Mỹ;

-Áp dụng thuế VAT đối với ông Trần Đức P là không đúng bởi vì đương sự không phải là sử dụng sau cùng phần mềm trò chơi.

Luật sư bảo vệ quyền lợi của ông Trần Đức P đồng ý với những ý kiến nói trên và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của đương sự.

Người bảo vệ quyền lợi của người bị kiện trình bày ý kiến như sau:

-Ông Trần Đức P là người sản xuất phần mềm trò chơi. Sau đó, giữa ông Trần Đức P và công ty Google Asia Pacific Pte đã ký kết hợp đồng, mà theo hợp đồng đó, ông Trần Đức P sẽ hưởng lợi nhuận thông qua việc quảng cáo của công ty Google Asia Pacific Pte trên chương trình trò chơi điện tử do ông Trần Đức P làm ra. Như vậy, mặc dù ông Trần Đức P không phải là người làm quảng cáo, nhưng lợi nhuận của đương sự thu được từ hợp đồng với công ty công ty Google Asia Pacific Pte thông qua việc quảng cáo; hợp đồng giữa ông Trần Đức P với công ty công ty Google Asia Pacific Pte không phải là loại hợp đồng mua-bán một lần đối với phần mềm mà ông Trần Đức P làm ra. Vì vậy, ông Trần Đức P sẽ được hưởng lợi nhuận tính trên số người có sử dụng trò chơi điện tử do đương sự làm ra và do sự quảng cáo từ công ty Google Asia Pacific Pte khi những khách hàng sử dụng trò chơi của ông Trần Đức P; lợi nhuận này được tính liên tục, dựa trên số người chơi trò chơi điện tử của ông Trần Đức P.

Vì vậy, việc Cục Thuế Thành phố H và Chi Cục Thuế quận T B áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 5% và thuế suất thu thập cá nhân 2% đối với thu nhập của ông Trần Đức P là đúng pháp luật.

Với những ý kiến nói trên, người bảo vệ quyền lợi của Cục Trưởng cục Thuế Thành phố H và Chi cục Trưởng Chi cục Thuế quận T B đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của ông Trần Đức P, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Những đương sự khác vắng mặt tại phiên tòa nhưng họ không có ý kiến nào khác với những ý kiến đã trình bày trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố H đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại; lý do như sau:

-Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập chứng cứ đầy đủ (xác định khoản tiền mà ông Trần Đức P được hưởng trong năm 2016 và 2017; chưa xem xét, thu thập chứng cứ của việc chuyển tiền từ công ty Google Asia Pacific Pte cho ông Trần Đức P qua ngân hàng); chưa triệu tập công ty Google Asia Pacific Pte tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]Về thủ tục tố tụng:

Tòa án cấp phúc thẩm mở phiên tòa lần thứ nhất vào ngày 13/07/2022 nhưng phải hoãn phiên tòa do ông Trần Đức P (là người kháng cáo) có đơn ghi ngày 12/07/2022 xin hoãn phiên tòa.

Tòa án cấp phúc thẩm mở phiên tòa lần thứ hai vào ngày hôm nay; người kháng cáo là ông Trần Đức P, do bà Trần Phạm Cát Tiên làm đại diện, có mặt; người bị kiện vắng mặt do họ có văn bản yêu cầu xét xử vắng mặt.

Vì vậy, việc xét xử phúc thẩm vẫn được thực hiện theo luật định.

[2]Về nội dung giải quyết vụ án:

[2.1]Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Tòa án có căn cứ xác định rằng trong năm 2016 và năm 2017, ông Trần Đức P nhận được khoản tiền 41.448.582.407 đồng do công ty công ty Google Asia Pacific Pte thanh toán; khoản tiền này phát sinh từ việc quảng cáo trên Google, dựa trên các ứng dụng trò chơi điện tử mà ông Trần Đức P làm ra.

Mặc dù ông Trần Đức P không phải là người làm nghề quảng cáo, nhưng khoản thu thập 41.448.582.407 đồng phát sinh từ giao dịch giữa đương sự với công ty Google Asia Pacific Pte; số tiền vừa nêu, là do công ty Google Asia Pacific Pte trả cho ông Trần Đức P, thông qua thu nhập từ quảng cáo mà công ty Google Asia Pacific Pte thu được từ những khách hàng khi họ sử dụng trò chơi điện tử do ông Trần Đức P làm ra và do ông Trần Đức P đưa lên mạng internet.

Khoản lợi nhuận nói trên, ông Trần Đức P không đăng ký thuế, không nộp hồ sơ khai thuế và không nộp tiền thuế phát sinh từ hoạt động kinh doanh của mình vào ngân sách Nhà nước, là vi phạm vào Khoản 1; Khoản 2; Khoản 3 Điều 7; Điều 32 và Điều 42 của Luật Quản lý thuế năm 2016.

Như vậy, ông Trần Đức P là người có hoạt động kinh doanh nhưng đã không nộp hồ sơ khai thuế (hoặc đã nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế), được xác định là người có hành vi trốn thuế. Do đó, việc Cục Thuế Thành phố H và Chi cục Thuế quận T B kết luận rằng ông Trần Đức P là người trốn nộp thuế, chiếu theo Khoản 1 Điều 108 Luật Quản lý thuế năm 2016.

[2.2]Tuy nhiên, việc không nộp hồ sơ khai thuế của ông Trần Đức P là sự vi phạm lần đầu, sau đó ông Trần Đức P đã nộp đủ số tiền thuế vào ngân sách Nhà nước trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền về thuế ra quyết định xử phạt. Vì vậy, cơ quan thuế lập biên bản ghi nhận và để xác định lại hành vi khai thiếu thuế. Trên cơ sở đó, việc cơ quan thuế phạt ông Trần Đức P 20% số tiền thuế khai thiếu và chỉ tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế khai thiếu, chiếu theo Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, là có căn cứ pháp luật.

Ngoài ra, ông Trần Đức P còn được xác định là cá nhân cư trú tại Việt Nam và có hoạt động kinh doanh dịch vụ tại Việt Nam, nên đương sự phải nộp thuế giá trị gia tăng theo thuế suất 5% tính trên doanh thu và thuế thu nhập cá nhân theo thuế suất 2% tính trên doanh thu.

[2.3]Như vậy, ông Trần Đức P phải nộp số tiền thuế khai thiếu, bị truy thu, số tiền phạt và số tiền chậm nộp đối với số thuế khai thiếu, như sau:

-Thuế giá trị gia tăng phải nộp (5%): 41.448.582.407 đồng x 5% = 2.072.429.120 đồng;

-Thuế thu nhập cá nhân phải nộp (2%): 41.448.582.407 đồng x 2% = 828.971.648 đồng;

-Tổng số tiền thuế phải nộp: 2.901.400.768 đồng;

-Bị phạt 20% tính trên số tiền thuế khai thiếu: 2.901.400.768 đồng x 20% = 580.280.153 đồng;

-Số tiền chậm nộp đối với số thuế khai thiếu: 582.594.530 đồng;

[3]Với những tài liệu, chứng cứ và tình tiết của vụ án đã phân tích nói trên, xét thấy việc Tòa án cấp xét xử, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Đức P, là có căn cứ pháp luật.

Ông Trần Đức P kháng cáo bản án sơ thẩm nhưng không có tình tiết, chứng cứ gì khác, Tòa án cấp phúc thẩm không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 203; Điều 241; Điều 242 của Luật tố tụng Hành chính năm 2015 ;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Án phí, Lệ phí tòa án;

1/Không chấp nhận kháng cáo của ông Trần Đức P; giữ nguyên bản án sơ thẩm số 528/2021/HC-ST ngày 19/04/2021 của Tòa án nhân dân Thành phố H.

2/Về án phí phúc thẩm: ông Trần Đức P phải chịu 300.000 đồng nhưng được trừ vào số tiền đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai số 0094006 ngày 27/04/2021 của Cục Thi hành án Dân sự Thành phố H; ông Trần Đức P đã nộp đủ án phí phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

921
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 677/2022/HC-PT về khiếu kiện quyết định hành chính quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thuế

Số hiệu:677/2022/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 25/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;