TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
BẢN ÁN 52/2022/HC-ST NGÀY 29/08/2022 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH, HÀNH VI HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BẢO HIỂM XÃ HỘI
Ngày 29 tháng 8 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 42/2022/TLST-HC ngày 27-6-2022, về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 64/2022/QĐXXST-HC ngày 09-8-2022, giữa các đương sự:
Người khởi kiện: Ông B, sinh năm 1959 Địa chỉ: Số nhà 05 đường X , Phường 7, thành phố Đ , tỉnh Lâm Đồng; có mặt.
Người bị kiện:
- Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Địa chỉ: Số 19 đường T , Phường V, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
- Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Người đại diện theo pháp luật: Ông Đậu Tú L , chức vụ: Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng; có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện: Ông Nguyễn C, chức vụ: Trưởng phòng thanh tra, kiểm tra Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng; có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo đơn khởi kiện đề ngày 20-6-2022 và bản tự khai của người khởi kiện ông B trình bày như sau:
Từ tháng 8-1976 đến tháng 12-1988 ông công tác tại Công an thành phố Đà Lạt thuộc Ty Công an tỉnh Lâm Đồng theo quyết định số 45/TC/CB ngày 20-7- 1976.
Từ tháng 1-1989 ông chuyển ngành về công tác tại Lâm trường Đà Lạt theo Quyết định chuyển ngành số 09/PX3 ngày 02-01-1989 và Giấy thuyên chuyển lương thực, thực phẩm số 63/PH12 ngày 20-01-1989 của Công an tỉnh Lâm Đồng. Ông đã nộp hồ sơ chuyển ngành cho Lâm Trường Đà Lạt, người tiếp nhận hồ sơ là ông Nguyễn Văn T có sự chứng kiến của ông Nguyễn Văn H (quyền Giám đốc Lâm trường lúc bấy giờ); sau khi nhận hồ sơ của ông thì hẹn chờ cơ quan họp phân công công tác. Tuy nhiên, thời gian này do Lâm trường Đà Lạt đang trong quá trình giải thể nên Lâm trường chưa phân công công việc cho ông.
Đến tháng 8-1989 Lâm trường Đà Lạt có Quyết định giải thể để sáp nhập Liên hiệp Lâm công nghiệp III Lâm Đồng. Tháng 12-1992 Liên hiệp Lâm công nghiệp III Lâm Đồng cũng bị giải thể (hai doanh nghiệp này đều trực thuộc UBND tỉnh Lâm Đồng lúc bấy giờ). Khi các đơn vị này giải thể cũng chưa giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp bảo hiềm xã hội một lần cho ông. Trong quá trình các cơ quan này giải thể thì đã làm thất lạc hồ sơ lao động của ông.
Từ tháng 8-1989 đến tháng 7-2015 ông là lao động tự do, không tham gia bảo hiểm xã hội. Từ tháng 8-2015 đến 9-2021 ông là nhân viên Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Vương Tùng Lâm, tham gia bảo hiểm xã hội với mã số BHXH: 6815001194.
Theo Điều 34 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29-12-2015 của Bộ Lao động Thương binh xã hội thì: “Người lao động làm việc thuộc khu vực Nhà nước, nghỉ chờ việc từ ngày 01-11-1987 đến trước ngày 01-01-1995 do doanh nghiệp, cơ quan tổ chức không sắp xếp, bố trí được việc làm chưa giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, tính đến ngày 31- 12-1994 vẫn còn có tên trong danh sách lao động của đơn vị thì được tính thời gian công tác trước khi nghỉ chờ việc để tính hưởng bảo hiểm xã hội”.
Khoản 7 Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11-11-2015 của Chính phủ quy định: “Đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác trước ngày 01-01-1995 thì cơ quan quản lý người lao động giải trình lý do bị mất, xác nhận về quá trình công tác, việc chưa nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp một lần báo cáo Bộ, Ngành chủ quản ở Trung ương hoặc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận và có văn bản gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để xem xét, quyết định”.
Căn cứ các quy định của pháp luật ông đã gửi đơn đến BHXH tỉnh Lâm Đồng xem xét cộng nối thời gian công tác từ tháng 8-1976 đến tháng 12-1988 tại Công an thành phố Đà Lạt với thời gian đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH cho ông. Ngày 28-10-2021, BHXH tỉnh Lâm Đồng có Công văn số 1726/BHXH-TTKT thông báo không xem xét cộng nối thời gian công tác từ tháng 8-1976 đến tháng 12-1988 với thời gian đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH cho ông. Không đồng ý với nội dung của Công văn 1726 nên ông đã khiếu nại đến BHXH tỉnh Lâm Đồng và Giám đốc BHXH tỉnh Lâm Đồng đã ra Quyết định giải quyết khiếu nại số 157/QĐ-BHXH ngày 10-3-2022 không chấp nhận đơn khiếu nại của ông.
Đối chiếu với quy định trên thì ông đủ điều kiện để xem xét cộng nối thời gian công tác từ tháng 8-1976 đến 12-1988 với thời gian đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH, bởi vì:
Thời gian ông công tác tại Công an thành phố Đà Lạt từ 8-1976 đến tháng 12-1988 là sự thật, điều này thể hiện qua hồ sơ công tác tại Công an thành phố Đà Lạt từ tháng 8-1976 đến tháng 12-1988 gồm: Quyết định tạm tuyển vào ngành Công an ngày 20-7-1976; Quyết định chuyển công tác đến Lâm trường Đà Lạt; Giấy giới thiệu cung cấp lương thực, thực phẩm ngày 20-01-1989; Giấy xác nhận quá trình công tác ngày 17-8-2015; Giấy xác nhận diễn biến tiền lương ngày 07-9-2020.
Mặc dù hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác của ông đã bị Lâm trường Đà Lạt làm thất lạc mất (đây là lỗi của cơ quan nhà nước không phải lỗi của người lao động) nhưng ông Nguyễn Văn Hiếu, nguyên quyền Giám đốc Lâm trường Đà Lạt lúc bấy giờ đã xác nhận ông đã nộp hồ sơ chuyển ngành cho Lâm trường Đà lạt và ông Hiếu đã ký quyết định tiếp nhận ông nhưng chưa phân công công việc do Lâm trường đang trong giai đoạn chuẩn bị giải thể; đồng thời xác nhận ông chưa nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp một lần theo quy định. Lâm trường làm thất lạc hồ sơ của ông do thời điểm đó quản lý hồ sơ thiếu chặt chẽ do cơ quan di chuyển đi nhiều nơi.
Còn BHXH tỉnh Lâm Đồng đã 2 lần nhận hồ sơ ông nộp đều làm thất lạc tài liệu, cụ thể:
Lần thứ nhất: 13-3-2017 ông đến gặp ông Sự trực phòng một của BHXH tỉnh Lâm Đồng, hướng dẫn ông đem nộp hồ sơ cho ông Mai Ngọc H - Giám đốc Chi nhánh Đà Lạt lúc bấy giờ. Đầu năm được ông Hưng cho biết hồ sơ của ông đã bị thất lạc. Yêu câu ông đem bộ hồ sơ khác có dấu đỏ đến nộp.
Lần thứ hai: Ông nộp hồ sơ tại BHXH tỉnh Lâm Đồng, địa chỉ: số ** đường T, Phường 9, thành phố Đà Lạt vào ngày 10-3-2020. Đến tháng 8- 2020 ông lại được thông báo hồ sơ của ông lại thất lạc.
Trong Quyết định số 728/QĐ-BHXH ngày 28-9-2021 quyết định về giải quyết khiếu nại của ông B, cũng đã thừa nhận là BHXH tỉnh Lâm Đồng đã làm mất hồ sơ và giải quyết hồ sơ của ông Bình kéo dài từ 2017 tới 2022.
Do vậy, ông khởi kiện yêu cầu Tòa án:
+ Hủy Quyết định giải quyết khiếu nại số 157/QĐ-BHXH ngày 10-3-2022 của Giám đốc BHXH tỉnh Lâm Đồng;
+ Hủy Văn bản số 1726/BHXH-TTKT ngày 28-10-2021 của BHXH tỉnh Lâm Đồng về việc tính thời gian công tác trước năm 1995 đối với ông B;
+ Buộc BHXH tỉnh Lâm Đồng cộng nối thời gian công tác từ tháng 8 năm 1976 đến tháng 12 năm 1988 tại Công an thành phố Đà Lạt với thời gian đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH cho ông B.
* Theo người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng và Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng trình bày:
Quá trình công tác của ông B theo hồ sơ như sau:
Từ tháng 8-1976 đến tháng 12-1988: Công tác tại Công an thành phố Đà Lạt thuộc Ty Công an tỉnh Lâm Đồng theo Quyết định số 45/TC/CB ngày 20-7- 1976 của Ty Công an Lâm Đồng (nay là Công an tỉnh Lâm Đồng) về việc tạm tuyển vào ngành công an.
Từ tháng 01-1989 chuyển ngành về công tác tại Lâm Trường Đà Lạt theo Quyết định chuyển ngành số 09/PX3 ngày 02-01-1989 và giấy giới thiệu cung cấp lương thực, thực phẩm số 63/PH12 ngày 20-01-1989 của Công an tỉnh Lâm Đồng;
Tháng 8-1989 Lâm Trường Đà Lạt có quyết định giải thể để thành lập các đơn vị thành viên trong Liên hiệp Lâm công nghiệp III Lâm Đồng (Quyết định số 344/QĐ-UBTC ngày 04-8-1989 của UBND tỉnh Lâm Đồng), sau một thời gian hoạt động đến tháng 12-1992 Liên hiệp Lâm công nghiệp III Lâm Đồng giải thể theo Quyết định số 917QĐ/UB-TC ngày 07-12-1992 của UBND tỉnh Lâm Đồng;
- Từ tháng 8-1989 đến tháng 7-2015: Lao động tự do, không tham gia BHXH; Từ tháng 8-2015 đến (9-2021): Nhân viên Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Vương Tùng Lâm- Đà Lạt (mã số BHXH: 6815001194).
Trình tự ban hành công văn số 1726/BHXH-TTKT ngày 28-10-2021:
Sau khi ông B đề nghị cộng nối thời gian công tác từ tháng 8-1976 đến tháng 12-1988 với thời gian đóng BHXH sau này để được tính hưởng BHXH. Đến ngày 13-3-2020, BHXH tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản số 334/BHXH- CST gửi cho Ban quản lý rừng Lâm Viên về việc phối hợp giải quyết đơn đề nghị của ông B;
- Ngày 13-8-2020, Ban quản lý rừng Lâm Viên có công văn số 354/BQL về việc phối hợp giải quyết đơn đề nghị của ông B, nội dung trả lời:
Qua rà soát hồ sơ tại đơn vị không thấy có giấy tờ, tài liệu nào liên quan đến ông B như BHXH tỉnh Lâm Đồng nêu trong công văn số 334/BHXH-CST ngày 13-3-2020. Do vậy, đơn vị không có cơ sở xác minh ông B chuyển ngành từ Công an thành phố Đà Lạt đến nhận công tác tại Lâm trường Đà Lạt thời điểm tháng 01-1989;
Do không tìm thấy hồ sơ tài liệu liên quan, danh sách nhận trợ cấp thôi việc và danh sách lao động của các đơn vị liên quan Lâm trường Đà Lạt đến thời điểm ngày 31-12-1994 và hồ sơ công nhân viên chức của Ban quản lý rừng Lâm Viên từ năm 1993 đến nay không có tên ông B, nên BHXH tỉnh Lâm Đồng không có căn cứ xem xét tính thời gian công tác trước ngày 01-01-1995 để tính hưởng BHXH đối với ông B.
Căn cứ theo Điều 34 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29-12- 2015 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, hồ sơ ông Bình không có Quyết định tiếp nhận, không có danh sách người lao động của đơn vị đến 31-12-1994, không có quyết định nghỉ chờ việc nên không có căn cứ để xem xét cộng nối thời gian công tác từ tháng 8-1976 đến tháng 12-1988 với thời gian có đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH đối với ông Bình.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngàỵ 11-11-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định trường hợp không còn hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác trước ngày 01-01-1995 thì cơ quan quản lý người lao động giải trình lý do bị mất, xác nhận về quả trình công tác, diễn biến tiền lương, việc chưa nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp một lần báo cáo Bộ, Ngành chủ quản ở Trung ương hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận và có văn văn gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để xem xét, quyết định. Đối chiếu với quy định nêu trên, đề nghị ông B liên hệ với cơ quan quản lý trước khi nghỉ việc để được xem xét, giải quyết theo quy định. Ngày 28-10-2021, Bảo hiểm xã hội Lâm Đồng ban hành văn bản số 1726/BHXH-TTKT trả lời cho ông Bình được biết. Không đồng ý ông Bình khiếu nại và ngày 10-3-2022 Giám đốc Bảo hiểm xã hội ban hành Quyết định số 157/QĐ-BHXH giữ nguyên văn bản số 1726/BHXH-TTKT.
Việc ông B yêu cầu hủy văn bản số 1726/BHXH-TTKT ngày 28-10-2021 về việc tính thời gian công tác trước năm 1995 đối với ông B và Quyết định số 157/QĐ-BHXH ngày 10-3-2022 về việc giải quyết khiếu nại của ông B (lần đầu) là không có cơ sở pháp lý. Vì vậy, BHXH tỉnh Lâm Đồng không đồng ý hủy công văn số 1726/BHXH-TTKT ngày 28-10-2021 và Quyết định số 157/QĐ-BHXH ngày 103-2022 của BHXH tỉnh Lâm Đồng.
Vụ án đã được tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ theo thủ tục chung; tổ chức đối thoại nhưng không thành.
Tại phiên tòa hôm nay, ông B giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện đề nghị Tòa án xem xét giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho ông B.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án không vi phạm gì. Đối với người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quyền, nghĩa vụ tố tụng.
Về nội dung: Căn cứ điểm b, khoản 2 Điều 193 Luật tố tụng Hành chính đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà, trên cơ sở xem xét toàn diện ý kiến của người khởi kiện, của người bị kiện, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát và các văn bản pháp luật có liên quan; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên toà. Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định:
[1] Về tố tụng: Đại diện hợp pháp của người bị kiện có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Căn cứ khoản 1, 3 Điều 158 của Luật tố tụng hành chính Tòa án tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung.
[2] Về đối tượng, thời hiệu khởi kiện và thẩm quyền giải quyết:
Xuất phát từ việc ông B cho rằng ông đủ điều kiện được cộng nối thời gian công tác tại từ tháng 8-1976 đến tháng 12-1988 với thời gian có đóng Bảo hiểm xã hội sau này để được tỉnh BHXH. Tuy nhiên, BHXH tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản số 1726/BHXH-TTKT ngày 28-10-2021 trả lời không có căn cứ xem xét cộng nối thời gian công tác từ tháng 8-1976 đến tháng 12-1988 với thời gian có đóng bảo hiểm xã hội sau này để tính BHXH đối với ông Bình. Không đồng ý với văn bản 1726/BHXH-TTKT ông Bình khiếu nại và ngày 10-3-2022 Giám đốc Bảo hiểm xã hội ban hành Quyết định số 157/QĐ-BHXH giải quyết khiếu nại nội dung giữ nguyên văn bản số 1726/BHXH-TTKT. Cho rằng các văn bản này là không đúng quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông nên ngày 20-6-2022 ông có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án:
+ Hủy Quyết định giải quyết khiếu nại số 157/QĐ-BHXH ngày 10-3-2022 của Giám đốc BHXH tỉnh Lâm Đồng;
+ Hủy Văn bản số 1726/BHXH-TTKT ngày 28-10-2021 của BHXH tỉnh Lâm Đồng về việc tính thời gian công tác trước năm 1995 đối với ông B;
+ Buộc BHXH tỉnh Lâm Đồng cộng nối thời gian công tác từ tháng 8 năm 1976 đến tháng 12 năm 1988 tại Công an thành phố Đà Lạt với thời gian đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH cho ông B.
Căn cứ khoản 2 Điều 3, Điều 30, Điều 32, Điều 116 Luật tố tụng Hành chính; xác định đối tượng khởi kiện là “Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý Nhà nước về Bảo hiểm xã hội”, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng và còn trong thời hiệu khởi kiện.
[3] Xét về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành các quyết định bị khiếu kiện.
Căn cứ Luật tổ Chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật khiếu nại số 02/2011/QH13 ngày 11-11-2011 và Nghị định hướng dẫn thi hành thì các quyết định là đối tượng khởi kiện được ban hành đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
[4] Về nội dung:
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng không có căn cứ cộng nối thời gian công tác đối với ông B là do không tìm thấy hồ sơ tài liệu liên quan, danh sách nhận trợ cấp thôi việc và danh sách lao động của các đơn vị liên quan Lâm trường Đà Lạt đến thời điểm ngày 31-12-1994 và hồ sơ công nhân viên chức của Ban quản lý rừng Lâm Viên từ năm 1993 đến nay không có tên ông B, nên BHXH tỉnh Lâm Đồng không có căn cứ xem xét tính thời gian công tác trước ngày 01-01-1995 để tính hưởng BHXH đối với ông B.
Qua xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ thấy rằng:
Từ tháng 8-1976 đến tháng 12-1988 ông B công tác tại Công an thành phố Đà Lạt thuộc Ty Công an tỉnh Lâm Đồng theo Quyết định số 45/TC/CB ngày 20-7-1976 của Ty Công an Lâm Đồng (nay là Công an tỉnh Lâm Đồng) về việc tạm tuyển vào ngành công an; Quyết định chuyển ngành số 09/PX3 ngày 02-01- 1989; Giấy thuyên chuyển lương thực, thực phẩm số 63/PH12 ngày 20-01-1989;
Giấy xác nhận quá trình công tác ngày 17-8-2015; Giấy xác nhận diễn biến tiền lương số 1302/GXN-CAT-PX01 ngày 07-9-2020. Theo các tài liệu này thì từ tháng 01-1989 ông B chuyển ngành về công tác tại Lâm Trường Đà Lạt.
Ông B cho rằng thời điểm ông chuyển ngành về Lâm Trường Đà Lạt có ông Nguyễn Văn Hiếu nguyên là quyền Giám đốc Lâm Trường thời điểm đó chứng kiến việc ông nộp hồ sơ. Điều này phù hợp với tài liệu có trong hồ sơ tại Bút lục số 08 ông Nguyễn Văn Hiếu đã xác nhận nội dung ông B được ông ký quyết định tiếp nhận từ công an TP Đà Lạt chuyển ngang qua làm việc tại Lâm trường từ tháng 01-1989; hồ sơ đã nộp tại Phòng tổ chức cán bộ có ông Nguyễn Văn Tem trưởng phòng nhận. Do cơ quan giải thể nên chưa phân công công việc cho ông Bình. Cơ quan làm thất lạc hồ sơ do thời điểm đó cơ quan giải thể, việc quản lý chưa chặt chẽ.
Tại Bút lục số 06 bà Vũ Thị Cậy nguyên là cán bộ tổ chức Lâm trường Đà Lạt cũng xác nhận ông B có chuyển công tác từ công an thành phố về Lâm trường nhưng chưa được phân công công tác.
Tại văn bản số 1375/UBND-VX3 ngày 08-3-2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng thể hiện nội dung:
“Từ tháng 1-1989 ông B có quyết định chuyển ngành từ Công an Lâm Đồng sang làm việc tại Lâm trường Đà Lạt. Tuy nhiên, lúc này Lâm trường chuẩn bị giải thể; trong thời gian từ tháng 1-1989 đến khi đơn vị có quyết định giải thể chính thức, ông B chưa được bố trí việc làm nên cũng chưa nhận lương và chưa hưởng các chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp một lần.
4. Lý do mất một số giấy tờ gốc: Ông B từ Công an Lâm Đồng chuyển ngành về Lâm trường Đà Lạt có đầy đủ hồ sơ gốc; do Lâm trường Đà Lạt giải thể, cán bộ tổ chức lưu trữ chuyển công tác, nghỉ việc nên hồ sơ, giấy tờ của ông B nộp cho Lâm trường bị thất lạc. Đề nghị Bảo hiểm xã hội hoàn tất hồ sơ đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét quyết định cộng nối thời gian công tác trước năm 1995 cho ông B theo quy định”.
Như vậy, từ các tài liệu, chứng cứ nêu trên thấy từ tháng 8-1976 đến tháng 12-1988 ông B công tác tại Công an thành phố Đà Lạt. Từ tháng 1-1989 ông B có quyết định chuyển ngành từ Công an Lâm Đồng sang làm việc tại Lâm trường Đà Lạt nhưng chưa được phân công công tác do Lâm nghiệp trong giai đoạn giải thể. Ông B đã nộp hồ sơ cho cơ quan tiếp nhận công tác. Tuy nhiên, Lâm trường Đà Lạt đã làm mất hồ sơ của ông Bình. Việc mất hồ sơ hoàn toàn không phải do lỗi của ông Bình; các cán bộ công tác tại Lâm Trường Đà Lạt đã xác nhận việc ông B được chuyển ngành đến làm việc tại Lâm Trường, ông Bình cũng chưa được hưởng các chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp một lần.
Căn cứ theo Điều 34 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29-12- 2015 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định:
“Điều 34. Tính thời gian công tác đối với người lao động làm việc thuộc khu vực nhà nước, nghỉ chờ việc từ ngày 01 tháng 11 năm 1987 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 1. Người lao động làm việc thuộc khu vực nhà nước, nghỉ chờ việc từ ngày 01 tháng 11 năm 1987 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 do doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức không sắp xếp, bố trí được việc làm, chưa giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc bảo hiểm xã hội một lần, tính đến ngày 31 tháng 12 năm 1994 vẫn còn có tên trong danh sách lao động của đơn vị thì được tính thời gian công tác trước khi nghỉ chờ việc để tính hưởng bảo hiểm xã hội”.
Theo Công văn số 3595/LĐTBXH-BHXH ngày 18-9-2020 của Bộ lao động thương binh và xã hội hướng dẫn tính thời gian công tác đối với người lao động không còn hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trước ngày 01-01-1995 thì:
“1. Cơ quan bảo hiểm xã hội căn cứ vào hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để xem xét tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đối với người lao động, bao gồm các giấy tờ sau: Hợp đồng lao động hoặc Quyết định tuyển dụng; các Quyết định nâng lương, chuyển xếp lương; Quyết định điều động hoặc Quyết định chuyển công tác; Quyết định phục viên xuất ngũ, chuyển ngành; Quyết định nghỉ chờ việc; Quyết định nghỉ việc hoặc chấm dứt Hợp đồng lao động; Lý lịch gốc và lý lịch bổ sung (nếu có)”.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngàỵ 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một sổ điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc: Đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác trước ngày 01-01-1995 thì cơ quan quản lý người lao động giải trình lý do bị mất, xác nhận về quả trình công tác, diễn biến tiền lương, việc chưa nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp một lần báo cáo Bộ, Ngành chủ quản ở Trung ương hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận và có văn văn gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để xem xét, quyết định”.
Đối chiếu với các quy định nêu trên, thì ông B đủ điều kiện để được cộng nối thời gian công tác tại Công an thành phố Đà Lạt. Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng ban hành Văn bản số 1726/BHXH-TTKT ngày 28-10-2021 trả lời không có căn cứ xem xét cộng nối thời gian công tác từ tháng 8-1976 đến tháng 12-1988 với thời gian có đóng bảo hiểm xã hội sau này để tính BHXH đối với ông Bình là không đúng. Theo đó, Giám đốc Bảo hiểm xã hội ban hành Quyết định số 157/QĐ-BHXH giải quyết khiếu nại nội dung giữ nguyên văn bản số 1726/BHXH-TTKT cũng là không đúng.
[5] Lập luận và đề nghị của của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là có cơ sở nên cần chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông B, hủy các văn bản nêu trên.
[6] Về án phí: Do yêu cầu khởi kiện của ông Bình được chấp nhận nên Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng mỗi đương sự phải chịu 300.000 đồng án phí hành chính sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ vào khoản 1, khoản 2 Điều 3, Điều 30, Điều 32, Điều 116, Điều 164, Điều 191, điểm b khoản 2 Điều 193, Điều 206, Điều 348 của Luật tố tụng hành chính;
- Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11-11-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một sổ điều của Luật BHXH về BHXH; Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29-12-2015 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH;
- Căn cứ Luật khiếu nại năm 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
- Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, quy định về án phí lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông B về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội”.
+ Hủy Quyết định giải quyết khiếu nại số 157/QĐ-BHXH ngày 10-3-2022 của Giám đốc BHXH tỉnh Lâm Đồng;
+ Hủy Văn bản số 1726/BHXH-TTKT ngày 28-10-2021 của BHXH tỉnh Lâm Đồng về việc tính thời gian công tác trước năm 1995 đối với ông B;
+ Buộc BHXH tỉnh Lâm Đồng cộng nối thời gian công tác từ tháng 8 năm 1976 đến tháng 12 năm 1988 tại Công an thành phố Đà Lạt với thời gian đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH cho ông B.
2. Về án phí: Buộc Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng mỗi đương sự phải chịu 300.000 đồng án phí hành chính sơ thẩm.
3. Về quyền kháng cáo: Báo cho đương sự có mặt tại phiên tòa biết có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; đương sự vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án (hoặc trong hạn 15 ngày kể từ ngày bản án được niêm yết), để yêu cầu Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm
Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội số 52/2022/HC-ST
Số hiệu: | 52/2022/HC-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Lâm Đồng |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 29/08/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về