TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
BảN ÁN 54/2021/DS-PT NGÀY 26/04/2021 VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO SỨC KHỎE BỊ XÂM PHẠM
Trong ngày 26 tháng 4 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh A xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 47/2021/TLPT-DS ngày 18 tháng 3 năm 2021 về việc “Bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 19/2021/DS-ST ngày 05 tháng 02 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh A bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 59/2021/QĐXXPT-DS ngày 18 tháng 3 năm 2021 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 69/QĐ-PT ngày 12 tháng 4 năm 2021, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1969; nơi cư trú: Tổ 12, ấp B, xã H, huyện T, tỉnh A. (Có mặt) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Phạm Thái B, sinh năm 1971 – Là Luật sư của Văn phòng Luật sư Thái B – Thuộc đoàn Luật sư tỉnh A. (Có mặt) 2. Bị đơn:
2.1. Bà Nguyễn Thị Thùy T (Tên gọi khác là D), sinh năm 1990; (Có mặt) 2.2. Ông Võ Văn H (Tên gọi khác là Đồng), sinh năm 1986; (Có mặt) Cùng cư trú: Tổ 02, ấp P2, xã P, huyện T, tỉnh A.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1. Ông Nguyễn Văn S, sinh năm 1967; nơi cư trú: Tổ 12, ấp P1, xã PB, huyện T, tỉnh A. (Có mặt) 3.2. Bà Nguyễn Thị Kiều T, sinh năm 1994; nơi cư trú: Tổ 12, ấp P1, xã PB, huyện T, tỉnh Av. (Vắng mặt, có đơn xin vắng mặt) 4. Người làm chứng: Bà Huỳnh Thị L, sinh năm 1971; nơi cư trú: Tổ 10, ấp T, xã M, huyện C, tỉnh A. (Vắng mặt) 5. Người kháng cáo: Bà Nguyễn Thị N là nguyên đơn trong vụ án.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo nội dung án sơ thẩm:
Trong đơn khởi kiện ngày 18 tháng 6 năm 2020 của nguyên đơn bà Nguyễn Thị N và trong qua trình giải quyết vụ án, cũng như tại phiên tòa ông Lê Văn L là người đại diện của nguyên đơn trình bày:
Khoảng 19 giờ 30 phút, ngày 24/4/2020 bà N đi công việc gia đình, đi bộ Nng qua nhà của bị đơn khoảng 20m (thuộc ấp P2, xã P), không hiểu lý do vợ chồng bị đơn đi theo, từ phía sau túm tóc bà N kéo xuống, liên tiếp đánh vào vùng đầu, mặt, cổ, đánh bằng gì không biết, bẻ gãy ngón út bàn tay trái. Sau khi được mọi người can ngăn thì ông H tiếp tục dùng chân đạp vào bụng làm bà N té ngã vào hàng rào nhà dân và ngất xỉu. Sau đó, được người thân đưa đi điều trị tại Bệnh viện đa khoa Nhật Tân (thành phố Đ, tỉnh A) nằm viện 14 ngày từ ngày 24/4/2020 đến ngày 07/5/2020 ra viện. Bà N bị thương tích là lỗi hoàn toàn do bị đơn gây ra.
Bà N yêu cầu bị đơn bồi thường tổng cộng 114.473.000 đồng (làm tròn số), nhưng sau khi tính lại ngày 18/12/2020 bà N có đơn xin thay đổi yêu cầu khởi kiện số tiền bồi thường là 114.373.000 đồng (làm tròn số) gồm các khoản:
1. Tiền thuốc điều trị: 9.873.000 đồng;
2. Tiền xe đi bệnh viện và về nhà: 1.600.000 đồng;
3. Tiền mất thu nhập của vợ chồng bà N 07 chuyến lúa, mỗi chuyến từ 5 đến 7 ngày, tiền lời mỗi chuyến thấp nhất là 7.000.000 đồng x 07 chuyến = 49.000.000 đồng. Bà có đăng ký kinh doanh để thuận lợi trong việc vay tiền Ngân hàng, không thành lập doanh nghiệp và không có nộp thuế;
4. Mất tiền cọc 30.000.000 đồng, do bị đánh nên không đi lấy lúa được;
5. Tiền thuê ghe 70 tấn là 9.000.000 đồng để đi chở lúa;
6. Tiền tổn thất về tinh thần 10 tháng lương cơ sở x 1.490.000 đồng/tháng = 14.900.000 đồng.
Ngoài ra, ngày 30/7/2020 bà N có đơn khởi kiện bổ sung tiền thuốc 957.183 đồng, Tòa án chưa thụ lý bổ sung. Ngày 18/12/2020 bà N có đơn xin rút đơn khởi kiện bổ sung.
Trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa bị đơn bà Nguyễn Thị Thùy T (D) trình bày: Bà với bà N có mối qua hệ bà con chú bác ruột. Khoảng 19 giờ 00 phút ngày 24/4/2020, bà N đi bộ Nng tiệm bán điện thoại của vợ chồng bà (thuộc ấp P2, xã P) trên tay có cầm nón bảo hiểm. Nhìn thấy bà N đi ngang nên bà T đi theo sau bà N để nói chuyện mâu thuẫn ranh đất của hai gia đình, từ phía sau bà T vỗ vai bà N và nói “Tôi muốn nói chuyện với bà”, bà N quay lại nói “Mầy muốn đánh tao hả” và dùng nón bảo hiểm đánh vào đầu bà T. Theo phản xạ, bà T dùng tay đánh vào người và vùng mặt bà N. Hai bên xảy ra ẩu đả, trong lúc ẩu đả chỉ có bà T và bà N, do bà N la lớn tiếng nên những người dân ở gần đó nghe thấy và đến can ngăn. Khoảng 01 đến 02 phút sau chồng bà T là ông H có mặt, lúc này bà N nhào lại định đánh bà T thì ông H can ra và dùng chân đạp vào bụng bà N, bà N té xuống và đứng dậy chửi bằng những lời lẽ thô tục, mọi người khuyên bà N nên về nhưng bà N không chịu về và được mọi người đưa lên xe môtô, bà N vẫn tiếp tục chửi thô tục, bà T nóng giận quơ tay nắm bà N té xuống đường lộ nhựa, bà nằm im vài phút và tiếp tục chửi bà T. Ngay khi đó, bà N cùng chồng là ông S và nhiều người thân đến trước cửa tiệm điện thoại chửi bới và đòi dỡ tiệm.
Sự việc trên cả hai bên đều có lỗi. Lỗi bên bà N là do đánh bà T trước và trong lúc ẩu đả bà N chửi bà T. Lỗi bên bà T là đánh bà N nhiều hơn, ước tính lỗi khoảng 70%. Bà T bị thương tích đau vùng đầu do bà N đánh bằng nón bảo hiểm, bầm ở tay, không nằm viện, chỉ mua thuốc uống. Thương tích không đáng kể nên không yêu cầu bà N bồi thường.
Bà T đồng ý bồi thường cho bà N tổng cộng 15.943.000 đồng, gồm các khoản: Tiền thuốc điều trị 9.873.000 đồng + tiền xe 1.600.000 đồng + tổn thất về tinh thần 03 tháng lương cơ sở = 4.470.000 đồng (1.490.000 đồng/tháng x 03 tháng).
Các khoản còn lại bà N không đồng ý bồi thường, vì không hợp lý.
Bị đơn ông Võ Văn H (tên gọi khác là Đ) trình bày: Khoảng 19 giờ 00 phút ngày 24/4/2020 ông H đang ở tiệm điện thoại thì có người cho biết vợ là bà T với bà N đánh nhau gần tiệm điện thoại. Khi ông H đến thì thấy hai người đánh nhau, ông ôm bà T can ra, nhưng bà N cứ xông vào nhiều lần, ông dùng chân đạp trúng vào bụng bà N. Ông Hội đồng ý cùng bà T bồi thường cho bà N số tiền 15.943.000 đồng như bà T trình bày trên.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:
Tại văn bản ngày 25/9/2020 của ông Nguyễn Văn S (chồng bà N) và tại phiên tòa ông Lê Văn L (đại diện ông S) trình bày: Ông S nuôi bệnh bà N 04 ngày (từ ngày 24/4/2020 đến ngày 27/4/2020), còn lại 10 ngày (từ ngày 28/4/2020 đến ngày ra viện 07/5/2020) con ruột tên Nguyễn Thị Kiều Tiên nuôi bệnh bà N.
Phần mất thu nhập của ông S tính chung với bà N, vì vợ chồng ông S, bà N đi mua bán lúa gạo từ tỉnh A đến tỉnh K, thành phố C. Ông S không trực tiếp mua bán mà chỉ làm phụ bà N, như ông chạy ghe chở lúa gạo, bà N giao dịch mua bán với bạn hàng khác. Ông S không tách riêng được phần thu nhập của mình. Tóm lại, bà N là người lao động chính trong nhà, ông S chỉ là người phụ tiếp. Ông không yêu cầu vợ chồng bà T và ông H bồi thường mất thu nhập 04 ngày nuôi bệnh bà N.
Tại Đơn xin không tham gia tố tụng ngày 30/10/2020 của bà Nguyễn Thị Kiều T trình bày, bà T là con ruột và có nuôi bệnh bà N 10 ngày nằm viện. Bà Tiên không có yêu cầu bị đơn bồi thường tiền mất thu nhập. Bà T đang làm việc tại công ty không nghỉ phép được nên xin không tham gia tố tụng tại Tòa án.
Người làm chứng:
Tại Biên bản lấy lời khai của người làm chứng ngày 21/10/2020 của Toa án T, Bà Huỳnh Thị L trình bày: Bà có một chiếc ghe trọng lượng 70 tấn để chở thuê hàng hóa. Bà với gia đình bà Nguyễn Thị N không có mối quan hệ bà con ruột, chỉ quen biết nhau qua việc bà là chủ ghe, bà N thường xuyên thuê ghe chở lúa, có khi chở từ tỉnh K, có khi trong tỉnh A về lò sấy của ông Lê Thanh S cư trú cùng xã với bà để sấy. Trong năm 2020 không nhớ tháng nào, nhưng cách nay khoảng 06 tháng bà N thuê ghe đi huyện G thuộc tỉnh K để chở lúa về sấy, bà N cho biết mua lúa tại Giang Thành khoảng 70 tấn, không biết mua của ai, giá vận chuyển 130.000 đồng/tấn, thành tiền 9.100.000 đồng, bà N đưa trước 5.000.000 đồng, khi vận chuyển xong sẽ giao tiếp số tiền còn lại là 4.100.000 đồng (trước đây vận chuyển lúa cho bà N, có khi đưa tiền trước một phần để đổ dầu chạy máy, có khi không đưa), hai bên chỉ giao dịch bằng lời nói, không lập hợp đồng bằng văn bản. Ghe đã chạy vào huyện G trước, bà N sẽ đến sau cân lúa xong chở về, nhưng chờ 02 ngày bà N không đến, mà chồng bà N tên Nguyễn Văn S điện thoại cho biết bà N bị đánh nằm viện không cân lúa được nên chạy ghe không có lúa về. Sau đó bà N trả thêm 4.000.000 đồng (giảm 100.000 đồng), vì bà N không cân lúa được cũng phải trả tiền thuê ghe. Như vây, bà N đã trả đủ tiền thuê ghe 9.000.000 đồng. Ngoài ra, bà L không biết gì khác.
Ngày 22/01/2021 Tòa án T nhận qua bưu điện Biên bản lấy lời khai của đương sự ngày 23/12/2020 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh K (theo quyết định ủy thác thu thập chứng cứ của Tòa án T), người làm chứng ông Lê Văn C trình bày: Giữa ông với vợ chồng bà N, ông S, bà T, ông H không có mối quan hệ bà con. Ông Cuốt là chủ ruộng có 60 công và ông đại diện cho anh em gia đình bán lúa 150 công ruộng cho vợ chồng bà N, ông S. Ngày 28/3/2020 (âm lịch) hai bên lập hợp đồng mua bán lúa tại nhà ông Cuốt có xác nhận của ấp Mới, xã V, huyện G, tỉnh K, ông Cuốt có nhận của bà N số tiền cọc 30.000.000 đồng, hai bên thỏa thuận ngày 06/4/2020 (âm lịch) cắt lúa, nếu đến ngày này bà N không đến cắt lúa thì bị mất tiền cọc 30.000.000 đồng. Nhưng đến ngày 06/4/2020 (âm lịch) bà N không đến cắt lúa, do lúa chín ông Cuốt cắt bán cho người khác, sau đó bà N có xin lại tiền cọc vì bà cho biết bị người khác đánh nằm viện nên không đến cắt mua lúa được. Ông Cuốt không đồng ý trả lại tiền cọc vì ông bị thiệt hại phải bán lúa cho người khác với giá thấp.
Luật sư Phạm Thái B phát biểu ý kiến: Việc bị đơn gây thương tích cho bà N là bị đơn có lỗi toàn bộ, bà N không có lỗi. Đề nghị Hối đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của bà N, buộc bị đơn bồi thường toàn bộ thiệt hại số tiền 114.373.000 đồng.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 19/2021/DS-ST ngày 05 tháng 02 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh A tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị N. Buộc bà Nguyễn Thị Thùy T (tên gọi khác là D) và ông Võ Văn H (tên gọi khác là Đ) có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho bà Nguyễn Thị N số tiền 33.723.000đ (ba mươi ba triệu bảy trăm hai mươi ba nghìn đồng).
2. Không chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị N về đòi bồi thường thiệt hại tiền thuê ghe 9.000.000 đồng và tiền mất cọc 30.000.000 đồng.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo của các đương sự.
Theo đơn kháng cáo của bà Nguyễn Thị N: Kháng cáo yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh A xem xét sửa Bản án dân sự sơ thẩm số: 19/2021/DS-ST ngày 05 tháng 02 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện T, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn trình bày: Không đồng ý với bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm sửa bán án theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Bị đơn trình bày: Thống nhất với bản án sơ thẩm, không có kháng cáo, không có ý kiến khác.
Đại diện Viện kiểm sát trình bày:
Việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm: Người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đã làm đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Về nội dung vụ án: Tại phiên tòa phía nguyên đơn kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ mới để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của mình là có căn cứ, nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị N, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, ý kiến của kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:
Đơn kháng cáo của bà Nguyễn Thị N trong hạn luật định nên được Hội đồng xét xử chấp nhận và xét xử theo trình tự phúc thẩm. Các đương sự còn lại không có kháng cáo, Viện kiểm sát không có kháng nghị.
Xét đơn kháng cáo và các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử xét thấy: Giữa gia đình bà N và gia đình bà T có mâu thuẫn với nhau trước về tranh chấp ranh đất. Khoảng 19 giờ 30 phút, ngày 24/4/2020 giữa bà N với vợ chồng bà T, ông H có cự cãi dẫn đến xô xát với nhau. Hậu quả bà N bị thương tích phải điều trị tại bệnh viện 14 ngày.
Theo Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 207/20/TgT ngày 21/5/2020 của Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế tỉnh A đã kết luận đối với bà Nguyễn Thị N: Sưng nề vùng đầu, vùng mặt, vùng cổ trái và bầm hai mắt không tồn tại, chấn thương vỡ xương mũi (gãy xương cánh mũi phải) và gãy đầu gần đốt 1 ngón V bàn tay trái điều trị bảo tồn, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 09%.
Theo Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số: 19 ngày 29/6/2020 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện T thì hành vi của bà T và ông H không cấu thành tội phạm.
Xét kháng cáo của bà N, Hội đồng xét xử xét thấy ngày 28/3/2020 (âm lịch) bà N và ông Lê Văn C có lập hợp đồng mua bán lúa, bà N đưa số tiền cọc 30.000.000 đồng, hai bên thỏa thuận ngày 06/4/2020 âm lịch (nhằm ngày 28/4/2020 dương lịch) cắt lúa. Nhưng ngày 24/4/2020 bà N bị đánh phải nằm viện, tuy nhiên bà N và chồng con bà N không thông báo đến ông C về việc bất khả kháng không thể thực hiện theo thỏa thuận. Tại phiên tòa bà N xác định ngày 25/4/2020 bà đã tỉnh táo, biết đến ngày 28/4/2020 dương lịch phải đi mua lúa nhưng không thông báo cho bên bán biết việc bà phải nằm viện, còn chồng và con của bà không biết việc bà mua bán lúa với ông C.
Đối với số tiền thuê ghe 9.000.000 đồng giữa bà N và bà L không có lập hợp đồng, không thể hiện việc thỏa thuận quyền và nghĩa vụ của các bên. Tại phiên tòa bà N cho rằng ngày 28/4/2020 dương lịch bà L có chạy ghe vào huyện G, tỉnh K chờ 02 ngày để chở lúa nhưng không thấy nên quay về là chưa phù hợp với diễn biến thực tế (vì bà L không biết lúa của ông C ở đâu và phải chờ đến 02 ngày không thấy rồi về nhưng không thông tin liên lạc gì với người thuê là bà N) và bà N cũng không có thông tin, liên lạc với bà L về việc bà đang nằm viện.
Do đó cấp sơ thẩm nhận định bà N không có giải pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, thể hiện bà N không thông báo cho bà L và ông C biết bà nằm viện là trở ngại khách quan, theo khoản 5 Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”, là có cơ sở, đúng pháp luật. Cấp sơ thẩm còn nhận định nếu bà N có tranh chấp thì có quyền khởi kiện ông Cuốt, bà L bằng vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật là phù hợp.
Đối với yêu cầu mất thu nhập, Hội đồng xét xử xét thấy cấp sơ thẩm đã thu thập chứng cứ như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể, không có nộp thuế, lập biên bản xác minh ngày 27/01/2021, Phòng tài chính - Kế hoạch huyện T; Biên bản xác minh cùng ngày 27/01/2021, Chi cục thuế khu vực C - T cho biết bà N không có đăng ký thuế và không nộp thuế; Theo Công văn số: 918/LĐTBXH ngày 30/12/2020 của Phòng Lao động - Thương binh và xã H huyện T cho biết nếu bà N không có thành lập doanh nghiệp thì thuộc lao động tự do, không thuộc diện hợp đồng lao động. Do đó cấp sơ thẩm xác minh tại địa phương về thu nhập trung bình để tính bồi thường thu nhập cho bà N là 150.000 đồng/ngày là có cơ sở.
Từ những căn cứ nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy kháng cáo của bà Nguyễn Thị N là không có cơ sở, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm như đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của y ban thường vụ quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Không chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị N.
Phúc xử:
Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số: 19/2021/DS-ST ngày 05 tháng 02 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh A:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị N. Buộc bà Nguyễn Thị Thùy T (tên gọi khác là D) và ông Võ Văn H (tên gọi khác là Đ) có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho bà Nguyễn Thị N số tiền 33.723.000đ (ba mươi ba triệu bảy trăm hai mươi ba nghìn đồng).
2. Không chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị N về đòi bồi thường thiệt hại tiền thuê ghe 9.000.000 đồng va tiền mất cọc 30.000.000 đồng.
3. Về án phí dân sự sơ thẩm:
3.1. Bà Nguyễn Thị Thùy T (tên gọi khác là D) và ông Võ Văn H (tên gọi khác là Đ) phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 1.686.000đ (một triệu sáu trăm tám mươi sáu nghìn đồng).
3.2. Bà Nguyễn Thị N được miễn tiền tạm ứng án phí và án phí.
4. Về án phí dân sự phúc thẩm: Bà Nguyễn Thị N được miễn án phí dân sự phúc thẩm.
5. Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hằng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
6. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự./.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm số 54/2021/DS-PT
Số hiệu: | 54/2021/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân An Giang |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 26/04/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về