Bản án 973/2018/KDTM-PT ngày 30/10/2018 về tranh chấp hợp đồng vận chuyển

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 973/2018/KDTM/P T NGÀY 30/10/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN

Trong các ngày 26 tháng 9, 23 và 30 tháng 10 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 40/2018/TLPT-KDTM ngày 15 tháng 6 năm 2018 về: “Tranh chấp hợp đồng vận chuyển”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 12/2018/KDTM-ST ngày 03 tháng 5 năm 2018 của Tòa án nhân dân Quận O bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 3339/2018/QĐ-PT ngày 30 tháng 7 năm 2018 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng DV Địa chỉ: Số 191 đường BT, quận HBT, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Hoàng S và ông Trương Minh Cát Ng (Văn bản ủy quyền ngày 14/12/2016) (có mặt) 2. Bị đơn: Công ty TNHH Dịch vụ vận tải ĐĐ Địa chỉ: Số 10 đường BVĐ, Phường A, Quận O, Thành phố Hồ Chí Minh. Người đại diện theo ủy quyền: Bà Huỳnh Ngọc Y (Văn bản ủy quyền ngày 22/02/2017) (có mặt) 3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Công ty TNHH Vận tải đường thủy ĐD Địa chỉ: Thôn CĐ, xã AL, huyện TN, Tp. Hải Phòng.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Thành L và ông Nguyễn Hoàng Ph (Văn bản ủy quyền số 01/2017/UQ/ĐD) (ông Ph có mặt ngày 23/10/2018; ông L có đơn đề nghị xét xử vắng mặt) 3.2. Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất Nhập khẩu ĐP Địa chỉ: Tổ 5, ấp 6, xã SN, huyện TC, tỉnh Tây Ninh.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Lâm Phước L2 – Giám đốc (có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

3.3. Công ty Bảo hiểm DH Địa chỉ: Số 15 đường TP, quận NQ, thành phố Hải Phòng.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Hoàng Ph và ông Đỗ Văn H (Văn bản ủy quyền số 187/UQ-PVIBH ngày 26/9/2018) (ông Ph và ông H có mặt ngày 23/10/2018) 4. Người kháng cáo: Bị đơn Công ty TNHH Dịch vụ vận tải ĐĐ

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm đã thể hiện:

Nguyên đơn Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng DV trình bày: Ngày 22/12/2015 Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất Nhập khẩu ĐP (gọi tắt là Công ty ĐP) và Công ty TNHH Dịch vụ vận tải ĐĐ (gọi tắt là Công ty ĐĐ) đã ký Hợp đồng đại lý vận tải số 1004-DD16/HĐVT với nội dung Công ty ĐĐ sẽ vận chuyển tinh bột sắn đóng bao của Công ty ĐP từ cảng tại Sài Gòn đến cảng tại Hải Phòng trên tàu Đại Dương 16. Ngày dự kiến xếp hàng là 23/12/2015.

Lúc 06h30 ngày 27/12/2015, tàu Đại Dương 16 khởi hành chở 2.020.850kg tinh bột sắn và 424.125kg tôn cuộn từ cảng Biển Đông Thành phố Hồ Chí Minh đi Hải Phòng. Đến 23h00 ngày 28/12/2015, vì thời tiết xấu, tàu Đại Dương 16 neo tại vị trí 11033’600N, 109005’800E thuộc Vịnh Phan Rang, Ninh Thuận. Lúc 06h35’ ngày 29/12/2015, thuyền trưởng tàu Đại Dương 16 là ông Trần Trí Thuận quyết định nhổ neo đi tiếp đi Hải Phòng. Đến 06h55’ thì tàu va vào vật ngầm, mắc cạn tại 11033’000N, 109006’700E.

Kết luận của Công ty Cổ phần Giám định SV cho thấy: “Do tàu trang bị hải đồ thiếu thông tin và tàu không cập nhật thông tin mới cho hải đồ vùng biển tàu hành trình, thuyền trưởng và thuyền viên tàu chỉ sử dụng hải đồ của Hải quân nhân dân Việt Nam xuất bản năm 2006, không có đánh dấu các vị trí bãi cạn, ngoài ra không còn hải đồ nào khác tại vùng biển xảy ra sự cố dẫn đến tàu bị sự cố trên”. Hậu quả của việc tàu va vào vật ngầm là tàu bị thủng đáy (nước vào ballast) mạn trái phía hầm mũi tàu.

Ngày 12/01/2016, khi dỡ hàng tại cảng Vật Cách, Hải Phòng phát hiện lớp hàng tinh bột sắn phía mũi tàu bị ngấm nước, tổn thất. Sau khi thực hiện giám định, kết quả cho thấy bao hàng có tình trạng ẩm ướt, mốc, hàng trong bao có hiện tượng vón cục, đóng bánh.

Trước đó, ngày 23/10/2015, Công ty ĐP và Công ty Bảo Hiểm DV Hải Phòng (chi nhánh của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng DV) đã ký kết “Hợp đồng Bảo hiểm hàng hoá vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam” số BICHP- ĐPTN/10/2015 cho toàn bộ hàng hoá tinh bột sắn của Công ty ĐP được vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi là hợp đồng bảo hiểm). Theo hợp đồng bảo hiểm, Công ty Bảo hiểm DV Hải Phòng bảo hiểm cho hàng hoá tinh bột sắn của Công ty ĐP, phương thức vận chuyển là tàu biển hoặc sà lan. Hành trình được bảo hiểm là giữa các cảng biển thuộc lãnh thổ Việt Nam. Giấy chứng nhận bảo hiểm số 05154088 do Công ty DV Hải Phòng cấp ngày 24/12/2015 đã chứng nhận bảo hiểm cho lô hàng bột mì chở trên tàu Đại Dương 16 nói trên.

Sau khi xảy ra sự kiện hàng hoá tinh bột sắn bị tổn thất do tàu Đại Dương 16 va vào đá ngầm, ngày 15/6/2016 Công ty Bảo hiểm DV Hải Phòng đã thực hiện việc thanh toán bồi thường cho Công ty ĐP số tiền 841.640.500 đồng. Ngay sau đó, Công ty ĐP đã ký giấy biên nhận và thế quyền số BM.13/HD-GĐBT-02 cho Công ty Bảo hiểm DV Hải Phòng. Nội dung của giấy biên nhận và thế quyền là Công ty ĐP chuyển quyền và thế nhiệm cho Công ty Bảo hiểm DV Hải Phòng, nhân danh Công ty ĐP đòi Công ty ĐĐ bồi thường thiệt hại có liên quan đến hợp đồng vận chuyển số 1004-DD16/HĐVT ngày 22/12/2015.

Tại mục 9 về trách nhiệm đại lý vận tải, hợp đồng vận chuyển số 1004- ĐD16/HĐVT ngày 22/12/2015 quy định: “Trách nhiệm đại lý vận tải: Cung cấp tàu có đủ khả năng đi biển, đảm bảo hầm hàng kho sạch đủ tiêu chuẩn trước khi xếp hàng. Xác báo thời gian làm hàng trước 24h. Đảm bảo an toàn hàng hoá trong quá trình vận chuyển (trừ bất khả kháng). Trường hợp hàng hoá bị mất mát, hư hỏng do lỗi của tàu thì phải bồi thường tổn thất theo giá tại nơi trả hàng…”.

Dựa vào quy định của hợp đồng nói trên, Công ty ĐĐ phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hàng hoá tinh bột sắn của Công ty ĐP trong suốt quá trình vận chuyển. Tuy nhiên, Công ty ĐĐ đã không thực hiện theo đúng thoả thuận, làm hàng hoá của Công ty ĐP hư hỏng. Nguyên nhân tàu đâm vào bãi cạn là do thuyền trưởng của tàu Đại Dương 16 đã sử dụng hải đồ của Hải quân nhân dân Việt Nam xuất bản năm 2006, có mục đích quân sự, không phù hợp cho hoạt động vận tải thương mại. Hải đồ này không đánh dấu bãi cạn dẫn đến tàu va vào bãi ngầm làm rách đáy mạn trái phía hầm mũi tàu, nước tràn vào hầm làm hư hỏng hàng hoá.

Như vậy, trong trường hợp này bên vận chuyển đã không đảm bảo an toàn cho tàu và hàng hoá trong quá trình vận chuyển không phải là trường hợp bất khả kháng. Cục Hàng hải Việt Nam đã phát hành nhiều hải đồ dùng cho mục đích dân sự, tại vị trí mà tàu Đại Dương 16 va phải đá ngầm có đánh dấu bãi ngầm. Do vậy, bên vận chuyển đã chủ quan, thiếu trách nhiệm, thiếu kỹ năng chuyên môn, không đảm bảo được an toàn cho tàu và hàng hoá khi vận chuyển nên phải có trách nhiệm đối với tổn thất này. Việc Công ty ĐĐ không bồi thường cho tổn thất hàng hoá của Công ty ĐP làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng DV:

Vì những căn cứ trên, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Công ty ĐĐ phải thanh toán cho Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng DV số tiền bồi thường thiệt hại do hư hỏng hàng hóa là 841.640.500 đồng và chi phí giám định là 20.200.000 đồng. Tổng cộng là 861.840.500 đồng.

Ngày 07/9/2017, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng DV bổ sung yêu cầu khởi kiện buộc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải ĐĐ và Công ty TNHH Vận tải đường thủy ĐD liên đới chịu trách nhiệm bồi thường số tiền 841.640.500 (tám trăm bốn mươi mốt triệu sáu trăm bốn mươi nghìn năm trăm) đồng, tự nguyện không yêu cầu thanh toán chi phí giám định là 20.200.000 đồng. Tuy nhiên, tại phiên tòa Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng DV có đại diện hợp pháp xác định Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng DV vẫn giữ yêu cầu khởi kiện buộc bị đơn là Công ty TNHH Dịch vụ vận tải ĐĐ phải có trách nhiệm bồi thường tổn thất hàng hóa với số tiền là 841.640.500 đồng (Tám trăm bốn mươi mốt triệu sáu trăm bốn mươi ngàn năm trăm đồng).

Đại diện hợp pháp của bị đơn Công ty TNHH Dịch vụ vận tải ĐĐ trình bày:

 Công ty ĐĐ xác nhận có giao kết hợp đồng đại lý vận tải với Công ty ĐP theo hợp đồng đại lý vận tải mà nguyên đơn nộp cho Toà án kèm theo đơn khởi kiện. Mặc dù nguyên đơn đã trích dẫn đầy đủ thoả thuận tại Điều 9 của Hợp đồng đại lý vận tải nhưng nguyên đơn lại cho rằng trách nhiệm thuộc về Công ty ĐĐ. Theo thoả thuận tại Điều 9 của Hợp đồng đại lý vận tải về trách nhiệm của đại lý vận tải thì “Cung cấp tàu có đủ khả năng đi biển, đảm bảo hầm hàng kho sạch đủ tiêu chuẩn trước khi xếp hàng. Xác báo thời gian làm hàng trước 24 giờ. Đảm bảo an toàn hàng hoá trong quá trình vận chuyển (trừ bất khả kháng). Trường hợp hàng hoá bị mất mát, hư hỏng do lỗi của tàu thì phải bồi thường tổn thất theo giá tại nơi trả hàng. Tàu không được xếp hàng quá trọng tải cho phép. Chịu chi phí vận chuyển, bốc xếp, chèn lót, ngăn cách”. Do vậy, trách nhiệm bồi thường tổn thất trong trường hợp hàng hoá bị mất mát, hư hỏng do lỗi của tàu thuộc về chủ tàu, mà trong trường hợp cụ thể này trách nhiệm của chủ tàu chính là trách nhiệm của chủ tàu “Đại Dương 16”, tức Công ty ĐD phù hợp với thoả thuận tại Điều 9 của Hợp đồng vận chuyển cũng như thoả thuận tại Điều 9 của Hợp đồng đại lý vận tải và các quy định pháp luật liên quan.

Theo Văn bản số 148 của BIC Hải Phòng gửi đến Công ty ĐĐ thì Công ty ĐĐ căn cứ vào đoạn thứ 7 của Văn bản 148 với nội dung “như vậy nguyên nhân tổn thất phát sinh là do lỗi của đơn vị vận chuyển” cho rằng BIC Hải Phòng hoàn toàn nhận thức rõ về nguyên nhân tổn thất. Tuy nhiên, BIC Hải Phòng lại không liên hệ với “đơn vị vận chuyển” gây ra tổn thất để yêu cầu bồi thường thiệt hại mà lại yêu cầu Công ty ĐĐ bồi thường bằng các Văn bản 170 và 263, trong khi Công ty ĐĐ chỉ là đại lý vận tải.

Ngoài ra, khi nhận được Văn bản số 08 của Công ty ĐĐ, BIC Hải Phòng cũng có văn bản yêu cầu chủ tàu “Đại Dương 16” là Công ty ĐD bồi hoàn các chi phí mà BIC Hải Phòng đã chi trả cho người được bảo hiểm và Công ty ĐD cũng đã có văn bản phúc đáp rằng Công ty ĐD được miễn trách đối với tổn thất của hàng hoá vận chuyển trên tàu bởi lý do bất khả kháng, căn cứ vào Hợp đồng vận chuyển và Bộ luật Hàng hải Việt Nam, BIC Hải Phòng cũng khẳng định trong Văn bản số 273 rằng “nguyên nhân tổn thất trên là hoàn toàn do lỗi của đơn vị vận chuyển”.

Theo nội dung đơn khởi kiện của nguyên đơn đã thể hiện nguyên nhân tàu đâm vào bãi cạn là do thuyền trưởng tàu “Đại Dương 16” đã sử dụng hải đồ của Hải quân nhân dân Việt Nam xuất bản năm 2006, có mục đích quân sự không phù hợp cho hoạt động vận tải thương mại. Tuy nhiên nguyên đơn lại tiến hành khởi kiện Công ty ĐĐ và yêu cầu Công ty ĐĐ bồi thường mặc dù Công ty ĐĐ không phải chủ sở hữu tàu cũng không phải là “bên vận chuyển” và Công ty ĐĐ cũng không có bất kỳ lỗi nào gây ra tổn thất, nếu có, với hàng hoá của Công ty ĐP. Do đó, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là hoàn toàn trái với sự thật khách quan của vụ việc, trái với thoả thuận của các bên và trái với quy định tại Điều 247 Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005.

Theo quy định tại Điều 247 Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005 thì nguyên đơn là người bảo hiểm cho số hàng bị tổn thất/thiệt hại chỉ được quyền truy đòi người có lỗi gây ra tổn thất đối với số hàng sau khi nguyên đơn đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm là Công ty ĐP trong trường hợp này. Tuy nhiên, Công ty ĐĐ không hề có bất kỳ lỗi gì gây ra tổn thất hàng hoá của Công ty ĐP theo biên bản giám định. Do đó, nguyên đơn không có quyền truy đòi Công ty ĐĐ đối với tổn thất hàng hoá xảy ra không do lỗi của Công ty ĐĐ theo quy định tại Điều 247 Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005.

Do đó, đối với yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng DV thì Công ty ĐĐ không đồng ý bồi thường; đồng thời, Công ty ĐĐ xác định không có yêu cầu phản tố hay yêu cầu độc lập gì trong vụ án này.

Đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty TNHH Vận tải đường thủy ĐD trình bày như sau:

Công ty TNHH Vận tải đường thủy ĐD xác nhận có ký kết hợp đồng vận chuyển với Công ty ĐĐ để vận chuyển lô hàng tinh bột sắn của Công ty ĐP như trình bày của phía nguyên đơn và bị đơn. Quá trình vận chuyển đã xảy ra tai nạn dẫn đến làm tổn thất lô hàng tinh bột sắn, nhưng đây là trường hợp bất khả kháng nên Công ty TNHH Vận tải đường thủy ĐD không phát sinh trách nhiệm bồi thường của chủ tàu. Mặt khác, đơn vị Bảo hiểm DH với tư cách là người bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu đã chỉ định giám định độc lập là Công ty Cổ phần Giám định NL – Chi nhánh miền Bắc để có mặt tại hiện trường để tiến hành giám định, ghi nhận và điều tra nguyên nhân tổn thất. Đối chiếu với các điều kiện, điều khoản bảo hiểm giám định độc lập EIC-MB đánh giá nguyên nhân là do bất khả kháng, nằm ngoài mong muốn nên không phát sinh trách nhiệm dân sự chủ tàu đối với tổn thất hàng hóa trên tàu Đại Dương 16.

Tại phiên tòa, nguyên đơn khởi kiện và chỉ buộc bị đơn là Công ty TNHH Vận tải ĐĐ phải có trách nhiệm bồi thường nên Công ty TNHH Vận tải đường thủy ĐD không có ý kiến gì đối với yêu cầu của nguyên đơn và xác định không có yêu cầu độc lập trong vụ án này.

Đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan công ty TNHH sản xuất thương mại xuất nhập khẩu ĐP trình bày như sau:

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất Nhập khẩu ĐP có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt và có ý kiến cùng với ý kiến của nguyên đơn và không có yêu cầu độc lập.

Đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty Bảo hiểm DH trình bày như sau:

Bảo hiểm DH với tư cách là người bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu đã chỉ định giám định độc lập là Công ty Cổ phần Giám định Năng lượng Việt Nam – Chi nhánh miền Bắc để có mặt tại hiện trường để tiến hành giám định, ghi nhận và điều tra nguyên nhân tổn thất. Đối chiếu với các điều kiện, điều khoản bảo hiểm giám định độc lập EIC-MB đánh giá nguyên nhân là do bất khả kháng, nằm ngoài mong muốn nên không phát sinh trách nhiệm dân sự chủ tàu đối với tổn thất hàng hóa trên tàu Đại Dương 16. Và công ty có quan điểm đồng với đánh giá của giám định độc lập EIC-MB.

Tại phiên tòa, nguyên đơn khởi kiện và chỉ buộc bị đơn là Công ty TNHH Vận tải ĐĐ phải có trách nhiệm bồi thường nên Công ty Bảo hiểm DH không có ý kiến gì với yêu cầu của nguyên đơn và xác định không có yêu cầu độc lập trong vụ án này.

Bản án sơ thẩm số 12/2018/KDTM-ST ngày 03/5/2018 của Tòa án nhân dân Quận 4 đã tuyên như sau:

Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

Buộc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải ĐĐ có trách nhiệm bồi thường cho Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng DV số tiền 841.640.500 (Tám trăm bốn mươi mốt triệu sáu trăm bốn mươi ngàn năm trăm) đồng. Thi hành ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra, còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo cho các bên đương sự; Ngày 08/5/2018 Công ty TNHH Dịch vụ vận tải ĐĐ kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, - Bị đơn kháng cáo không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của nguyên đơn vì cho rằng Công ty ĐĐ không phải là chủ sở hữu cũng không phải là đơn vị khai thác tàu Đại Dương 16 mà Công ty ĐĐ chỉ là đại lý của chủ tàu- Công ty ĐD để ký hợp đồng đại lý vận tải với chủ hàng- Công ty ĐP theo hợp đồng đại lý đã ký kết ngày 22/12/2015. Do vậy, Công ty ĐĐ chỉ đóng vai trò là đại lý như quy định tại Điều 158 Bộ luật hàng hải, Công ty ĐĐ không phải là đơn vị vận chuyển nên không thể buộc Công ty ĐĐ phải có trách nhiệm theo quy định tại Khoản 1 Điều 77 Bộ luật hàng hải là không phù hợp. Công ty ĐĐ không có bất kỳ lỗi gì gây ra tổn thất cho lô hàng mà lỗi gây ra tổn thất cho lô hàng thuộc về chủ tàu Đại Dương phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Nguyên đơn kiện Công ty ĐĐ là không đúng, đúng lý ra nguyên đơn phải kiện Công ty ĐD là bên vận chuyển hàng hóa và làm hư hỏng hàng. Do đó, Công ty ĐĐ đề nghị hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 311 Bộ luật tố tụng dân sự.

- Nguyên đơn không đồng ý với yêu cầu kháng cáo của bị đơn với lý do Công ty ĐP khi ký kết hợp đồng với Công ty ĐĐ là hợp đồng vận chuyển có nêu rõ trong hợp đồng, theo đó Công ty ĐĐ có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa của Công ty ĐP từ Sài Gòn đi Hải Phòng, mọi giao dịch Công ty ĐP chỉ giao dịch với Công ty ĐĐ, việc thanh toán tiền hàng vận chuyển cũng như giao hàng hóa để vận chuyển thì Công ty ĐP cũng giao cho Công ty ĐĐ và khi thanh lý hợp đồng cũng thực hiện với Công ty ĐĐ. Phía Công ty ĐP không có thực hiện bất kỳ giao dịch gì với Công ty ĐD nên việc Công ty ĐĐ cho rằng phải khởi kiện Công ty ĐD mới là người có trách nhiệm bồi thường là không đúng. Nguyên đơn yêu cầu giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Đại diện của Công ty ĐD đồng thời là đại diện của Công ty DH cho rằng Công ty ĐD không có trách nhiệm bồi thường hàng hóa bị hư hỏng của Công ty ĐP vì Công ty ĐD đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của một chủ tàu khi vận chuyển hàng hóa của Công ty ĐP; Việc hàng hóa hư hỏng là việc xảy ra ngoài ý muốn và thuộc trường hợp bất khả kháng như kết quả giám định của Công ty Cổ phần Giám định Năng Lượng Việt Nam chi nhánh miền Bắc đã nêu. Vì Công ty ĐD không phát sinh trách nhiệm bồi thường nên với tư cách đại diện của Công ty DH cũng không phát sinh trách nhiệm của Công ty DH đối với việc tàu Đại Dương đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, của Hội đồng xét xử tại phiên tòa cũng như việc chấp hành pháp luật của các bên đương sự đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và đề nghị Hội đồng xét xử là không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Bị đơn và căn cứ Khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự là giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà; kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Đơn kháng cáo của Công ty TNHH Dịch vụ vận tải ĐĐ (gọi tắt là Công ty ĐĐ) còn trong hạn luật định, hợp lệ nên được chấp nhận.

[2] Xét yêu cầu kháng cáo của Công ty ĐĐ. Xét thấy, Hợp đồng đại lý vận tải số 1004-DD16/HĐVT ngày 22/12/2015 được ký giữa Công ty ĐĐ - chủ tàu và Công ty ĐP - chủ hàng có nội dung: cả hai cùng nhau thỏa thuận ký hợp đồng vận chuyển tinh bột sắn đóng bao của Công ty ĐP từ cảng tại Sài Gòn đến cảng tại Hải Phòng trên tàu Đại Dương 16. Trên thực tế, hai bên đã thực hiện hợp đồng nêu trên và đã thanh toán tiền vận chuyển theo hóa đơn giá trị gia tăng số 0000816 ngày 15/01/2016 do Công ty ĐĐ xuất hóa đơn cho Công ty ĐP thể hiện là Công ty ĐP thanh toán cước vận chuyển tinh bột sắn đóng bao Sài Gòn - Hải Phòng của hợp đồng số 1004-DD16/HĐVT ngày 22/12/2015 nêu trên; Công ty ĐĐ và Công ty ĐP cũng đã thanh lý hợp đồng theo biên bản thanh lý hợp đồng (không có ghi ngày tháng năm) đã được hai bên ký xác nhận có nội dung thanh lý hợp đồng vận chuyển nêu trên. Như vậy, mặc dù ghi là “Hợp đồng đại lý” nhưng nội dung hợp đồng cũng như việc thực hiện hợp đồng trên thực tế phù hợp với quy định tại Khoản 1, 3 Điều 70 của Bộ luật Hàng hải năm 2005 quy định về Hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển như sau:

“ 1. Hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển là hợp đồng được giao kết giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển, theo đó người vận chuyển thu tiền cước vận chuyển do người thuê vận chuyển trả và dùng tàu biển để vận chuyển hàng hoá từ cảng nhận hàng đến cảng trả hàng.

3. Cước vận chuyển là tiền công trả cho người vận chuyển theo hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển”.

[3] Mặt khác, tại phiên tòa phúc thẩm, Công ty ĐĐ và Công ty ĐD cùng xác nhận Công ty ĐP không có xác lập giao dịch gì với Công ty ĐD, toàn bộ việc giao hàng lên tàu Đại Dương 16 là do Công ty ĐĐ thực hiện được thể hiện bằng biên bản giao nhận ngày 27/12/2015. Trong hồ sơ không có tài liệu nào thể hiện là Công ty ĐP ủy thác cho Công ty ĐĐ làm đại lý để thực hiện các công việc vận chuyển hàng cho Công ty ĐP.

[4] Do đó, bị đơn cho rằng hợp đồng số 1004-DD16/HĐVT ngày 22/12/2015 là hợp đồng đại lý là không có căn cứ mà đây là hợp đồng vận chuyển được ký kết giữa Công ty ĐP và Công ty ĐĐ. Còn đối với việc Công ty ĐĐ ký Hợp đồng vận chuyển với Công ty ĐD để vận chuyển hàng hóa cho Công ty ĐP trong trường hợp này Công ty ĐD là người vận chuyển thực tế. Vì vậy, phải căn cứ vào những quy định về hợp đồng vận chuyển trong Bộ luật hàng hải để giải quyết tranh chấp đối với hợp đồng nêu trên.

[5] Xét thấy, căn cứ thỏa thuận giữa Công ty ĐĐ và Công ty ĐP tại mục 9 của hợp đồng số 1004-ĐD16/HĐVT ngày 22/12/2015, các bên có thỏa thuận: “Cung cấp tàu có đủ khả năng đi biển, đảm bảo hầm hàng kho sạch đủ tiêu chuẩn trước khi xếp hàng. Xác báo thời gian làm hàng trước 24h. Đảm bảo an toàn hàng hoá trong quá trình vận chuyển (trừ bất khả kháng). Trường hợp hàng hoá bị mất mát, hư hỏng do lỗi của tàu thì phải bồi thường tổn thất theo giá tại nơi trả hàng…” Và theo quy định tại Khoản 1 Điều 77 Bộ luật hàng hải về trách nhiệm của người vận chuyển, người vận chuyển thực tế và người làm công, đại lý như sau:

“Người vận chuyển phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ quá trình vận chuyển theo quy định của Mục này mặc dù toàn bộ hoặc một phần của việc vận chuyển được giao cho người vận chuyển thực tế thực hiện. Đối với phần vận chuyển do người vận chuyển thực tế thực hiện, người vận chuyển phải chịu trách nhiệm về các hành vi của người vận chuyển thực tế và của người làm công, đại lý của người vận chuyển thực tế đảm nhiệm trong phạm vi công việc được giao”.

[6] Căn cứ vào những quy định nêu trên thì Công ty ĐĐ phải có trách nhiệm bồi thường trong việc hàng hóa của Công ty ĐP bị hư hỏng trên tàu Đại Dương 16 gây ra ngày 29/12/2015 khi tàu va vào vật ngầm, mắc cạn. Hậu quả là tàu bị thủng đáy (nước vào ballast) mạn trái phía hầm mũi tàu, lớp hàng tinh bột sắn phía mũi tàu bị ngấm nước, tổn thất.

[7] Ngày 23/10/2015, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất Nhập khẩu ĐP và Công ty Bảo Hiểm DV Hải Phòng - Tổng Công ty Bảo hiểm DV tại Hải Phòng đã ký kết “Hợp đồng bảo hiểm hàng hoá vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam” số BICHP-ĐPTN/10/2015 cho toàn bộ hàng hoá tinh bột sắn của Công ty ĐP được vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi là hợp đồng bảo hiểm). Theo đó, sau khi thiệt hại ngày 29/12/2015 xảy ra, ngày 15/6/2016 Công ty Bảo hiểm DV Hải Phòng đã thực hiện thanh toán bồi thường cho Công ty ĐP số tiền 841.640.500 đồng. Ngay sau đó, Công ty ĐP đã ký giấy biên nhận và thế quyền số BM.13/HD-GĐBT-02 cho Công ty Bảo hiểm DV Hải Phòng. Nội dung của giấy biên nhận và thế quyền là Công ty ĐP chuyển quyền và thế nhiệm cho Công ty Bảo hiểm DV Hải Phòng, nhân danh Công ty ĐP đòi Công ty ĐĐ bồi thường thiệt hại có liên quan đến hợp đồng vận chuyển số 1004- DD16/HĐVT ngày 22/12/2015. Do đó, căn cứ Điều 247 Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005, xét thấy, yêu cầu bồi thường của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng DV là có căn cứ.

[8] Tại Chứng thư giám định số 16B6009/HP ngày 01/3/2016 của Công ty Cổ phần Giám định SV do nguyên đơn cung cấp đã xác định nguyên nhân gây ra thiệt hại là do tàu trang bị hải đồ thiếu thông tin và tàu không cập nhật thông tin mới cho hải đồ vùng biển tàu hành trình, thuyền trưởng và thuyền viên tàu chỉ sử dụng hải đồ của Hải quân nhân dân Việt Nam xuất bản vào năm 2006, không có đánh dấu các vị trí bãi cạn, ngoài ra không còn hải đồ nào khác và hầm hàng của tàu không đủ điều kiện kín nước dẫn đến việc nước xâm nhập từ bên ngoài vào hầm hàng gây tổn thất cho hàng hóa. Ngoài ra, tại Báo cáo cuối cùng ngày 21/8/2017 của Công ty Cổ phần Giám định NL chi nhánh miền Bắc do bị đơn cung cấp cũng xác định thiệt hại xảy ra là do tàu Đại Dương 16 đã hành trình theo hải đồ của Hải quân nhân dân Việt Nam đã va quẹt vào bãi đá ngầm – không thể hiện tại trên bản đồ Hải quân 2006 và đây là sự cố bất khả kháng. Xét thấy, việc Công ty Cổ phần Giám định NL cho rằng là sự cố bất khả kháng là không phù hợp quy định tại mục 27, chương V, Công ước Solas 74 – “ Các tàu phải trang bị đầy đủ và cập nhật các hải đồ và ấn phẩm hàng hải, ví dụ như các tuyến hàng hải, các danh mục đèn biển, các thông báo cho người đi biển, các bảng thủy triều và tất cả các ấn phẩm hàng hải khác cần thiết cho chuyến đi dự định” và quy định tại khoản 1 Điều 75 Bộ luật Hàng hải năm 2005: “ Người vận chuyển phải mẫn cán để trước và khi bắt đầu chuyến đi, tàu biển có đủ khả năng đi biển, có thuyền bộ thích hợp, được cung ứng đầy đủ trang thiết bị và vật phẩm dự trữ”. Như vậy, khi tàu sử dụng bản đồ Hải quân 2006 mà không cập nhật các hải đồ khác dẫn đến sự việc va quẹt vào bãi đá ngầm gây ra thiệt hại hư hỏng hàng hóa vận chuyển trên tàu Đại Dương 16 thì không thể cho là bất khả kháng. Do đó, theo thỏa thuận giữa Công ty ĐĐ và Công ty ĐP tại mục 9 của hợp đồng số 1004-ĐD16/HĐVT ngày 22/12/2015 thì việc hư hỏng hàng hóa đã xảy ra và trách nhiệm bồi thường thuộc về Công ty ĐĐ, với giá trị thiệt hại qua giám định là 841.640.500 (Tám trăm bốn mươi mốt triệu sáu trăm bốn mươi ngàn năm trăm) đồng.

[9] Công ty ĐĐ cho rằng trách nhiệm bồi thường không thuộc về Công ty ĐĐ còn thể hiện tại biên bản thỏa thuận ngày 20/3/2017 giữa Công ty ĐD và Công ty ĐĐ thể hiện tại Điều 3 với nội dung: Công ty ĐD cam kết sẽ không để cho Công ty ĐĐ phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì hay chi phí phát sinh liên quan đến yêu cầu bồi thường của Công ty Bảo hiểm DV Hải phòng. Công ty ĐD trực tiếp thanh toán, bồi thường cho Công ty Bảo hiểm DV Hải Phòng theo thỏa thuận có thể hoặc theo phán quyết của Tòa án.

[10] Xét thấy, đây là thỏa thuận giữa Công ty ĐĐ và Công ty ĐD không có sự thỏa thuận và đồng ý của Công ty ĐP hay Công ty Bảo hiểm DV Hải Phòng là bên thế quyền của Công ty ĐP. Do đó, không thể cho rằng Công ty ĐD là bên có trách nhiệm bồi thường cho nguyên đơn. Trong trường hợp cần thiết giữa Công ty ĐĐ và Công ty ĐD sẽ giải quyết với nhau trên những hợp đồng mà các bên đã ký kết.

[11] Quá trình giải quyết vụ án, phía bị đơn không có yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập mà chỉ có ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ngoài các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ thì phía bị đơn không cung cấp thêm tài liệu chứng cứ nào để loại trừ trách nhiệm bồi thường của mình.

[12] Từ những nhận định nêu trên, án sơ thẩm căn cứ vào các Điều 74, 75, 77, 96, 224, 247 Bộ luật Hàng hải Việt Nam để chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng DV, buộc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải ĐĐ có trách nhiệm bồi thường số tiền 841.640.500 (Tám trăm bốn mươi mốt triệu sáu trăm bốn mươi ngàn năm trăm) đồng cho Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng DV là hoàn toàn có căn cứ. Do đó, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn, nghĩ nên giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[13] Về án phí: Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án; Điều 147, 148 Bộ luật tố tụng dân sự: Công ty TNHH Dịch vụ vận tải ĐĐ phải chịu toàn bộ số tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 37.249.215 đồng (Ba mươi bảy triệu hai trăm bốn mươi chín ngàn hai trăm mười lăm đồng). Hoàn trả toàn bộ tiền tạm ứng án phí đã nộp là 18.927.000 đồng (Mười tám triệu chín trăm hai mươi bảy ngàn đồng) cho Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng DV theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0007335 ngày 06/02/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận O.

Do giữ nguyên bản án sơ thẩm nên Công ty TNHH Dịch vụ vận tải ĐĐ phải chịu án phí phúc thẩm là 2.000.000 (hai triệu) đồng.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Áp dụng Khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự :

- Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo Công ty TNHH Dịch vụ vận tải ĐĐ.

Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm như sau:

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

Buộc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải ĐĐ có trách nhiệm bồi thường cho Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng DV số tiền 841.640.500 (Tám trăm bốn mươi mốt triệu sáu trăm bốn mươi ngàn năm trăm) đồng.

Thi hành ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng DV có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Công ty TNHH Dịch vụ vận tải ĐĐ không chịu thi hành án thì hàng tháng Công ty TNHH Dịch vụ vận tải ĐĐ còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.

2. Về án phí:

- Công ty TNHH Dịch vụ vận tải ĐĐ phải chịu toàn bộ số tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 37.249.215 đồng (Ba mươi bảy triệu hai trăm bốn mươi chín ngàn hai trăm mười lăm đồng).

- Hoàn trả toàn bộ tiền tạm ứng án phí đã nộp là 18.927.000 đồng (Mười tám triệu chín trăm hai mươi bảy ngàn đồng) cho Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng DV theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0007335 ngày 06/02/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận O.

- Công ty TNHH Dịch vụ vận tải ĐĐ phải chịu án phí phúc thẩm là 2.000.000 (hai triệu) đồng được cấn trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp là 2.000.000 (hai triệu) đồng theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0009026 ngày 14/5/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận O.

Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án Dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1050
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 973/2018/KDTM-PT ngày 30/10/2018 về tranh chấp hợp đồng vận chuyển

Số hiệu:973/2018/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 30/10/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;