TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 962/2018/HNGĐ-PT NGÀY 26/10/2018 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN
Trong ngày 26 tháng 10 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 67/2018/TLPT- HNGĐ, ngày 29 tháng 6 năm 2018 về việc “Tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 19/2018/HNGĐ-ST ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Tòa án nhân dân Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 4516/2018/QĐ-PT ngày 02/10/2018, giữa:
1. Nguyên đơn: Ông Lương Hùng T, sinh năm 1980 (có mặt).
Địa chỉ: Phường A, thành phố V, tỉnh B.
2. Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Thúy A, sinh năm 1986 (có mặt).
Địa chỉ: Đường Đ, phường T, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Người làm chứng:
3.1 Bà Đặng Thị N, sinh năm 1964 (có mặt).
3.2 Bà Nguyễn Thị Thúy L, sinh năm 1990 (có mặt).
Cùng địa chỉ với bị đơn.
Do có kháng cáo của bị đơn là ông Lương Hùng T ngày 18/5/2018.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện ngày 25/9/2017 và các lời khai trong quá trình tố tụng, nguyên đơn là ông Lương Hùng T trình bày:
Ông và bà Nguyễn Thị Thúy A đã ly hôn theo Quyết định số 355/2016/QĐST-HNGĐ ngày 14/6/2016 của Tòa án nhân dân thành phố V, tỉnh B. Tại quyết định này, bà A là người trực tiếp nuôi dưỡng hai người con chung là trẻ Lương Ngọc Thảo M (nữ), sinh ngày 26/5/2014 và trẻ Lương Ngọc Thảo L (nữ), sinh ngày 12/02/2011. Ông T có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi mỗi trẻ 4.000.000 đồng/tháng, cho đến khi các trẻ lần lượt đủ 18 tuổi.
Sau khi, Tòa án giải quyết ly hôn và giao trẻ M, trẻ L cho bà A trực tiếp nuôi dưỡng thì bà A không tạo điều kiện cho ông thăm con. Bà A cắt liên lạc không cho ông gặp con, khi ông đến nơi bà A ở để thăm con thì bà A báo với nhân viên quản lý tòa nhà là bà A không biết ông là ai nên ông không được gặp thăm con. Ngoài ra, bà A còn dạy các trẻ những điều không tốt và nói xấu về phía gia đình ông.
Hiện nay, ông có điều kiện nơi ở và công việc ổn định, ông có đủ điều kiện nuôi con tốt, ông yêu cầu được trực tiếp nuôi dưỡng trẻ Lương Ngọc Thảo M (nữ), sinh ngày 26/5/2014.
Bà Nguyễn Thị Thúy A trình bày: Bà thừa nhận lời khai của ông T về việc bà và ông T đã được Tòa án nhân dân thành phố V giải quyết ly hôn và Tòa án giao cho bà trực tiếp nuôi dưỡng hai người con chung là trẻ L và trẻ M là đúng. Từ khi Tòa án giao cho bà trực tiếp nuôi dưỡng các trẻ thì bà đã nuôi dưỡng các trẻ phát triển tốt về mọi mặt, bà cho các trẻ nhập hộ khẩu vào Thành phố Hồ Chí Minh, cho các trẻ đi học, bà tạo điều kiện cho ông T đến trường thăm con và mỗi khi ông T nhắn tin đến nơi bà cư trú thăm con thì bà nhờ mẹ và em bà dẫn các trẻ ra cho ông T thăm con. Ông T lấy lý do là bà không cho ông được thăm các con nên ông khởi kiện yêu cầu xin được trực tiếp nuôi dưỡng trẻ M là không đúng.
Theo quyết định ly hôn thì ông T phải có nghĩa vụ đóng tiền cấp dưỡng nuôi con, nhưng ông T không thực hiện đầy đủ và từ tháng 8/2017, bà có đơn gửi cơ quan thi hành án thành phố V yêu cầu ông T đóng tiền cấp dưỡng nhưng đến nay ông T vẫn chưa thực hiện.
Bà đề nghị Tòa án bác yêu cầu khởi kiện của ông T.
Người làm chứng, Bà Đặng Thị N là mẹ ruột của bà A và bà Nguyễn Thị Thúy L là em ruột của bà A cùng có lời trình bày: Các bà ở chung nhà với bà A và phụ bà A nuôi dưỡng trẻ L và trẻ M. Mỗi khi ông T đến thăm con thì bà A nhờ các bà (bà N hoặc bà L) dẫn các trẻ ra cho ông T thăm con. Ông T khai bà A không cho ông thăm con là không đúng.
Tại bản án sơ thẩm số 19/2018/HNGĐ-ST ngày 15/5/2018 của Tòa án nhân dân Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông Lương Hùng T đối với bà Nguyễn Thị Thúy A về việc thay đổi người trực tiếp nuôi trẻ Lương Ngọc Thảo M (nữ), sinh ngày 26/5/2014 sau khi Ly hôn.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên người chịu án phí sơ thẩm, quyền kháng cáo, quyền thỏa thuận thi hành án... của các đương sự.
Ngày 18/5/2018, ông Lương Hùng T kháng cáo bản án sơ thẩm: Ông yêu cầu bà A giao trẻ Lương Ngọc Thảo M cho ông trực tiếp nuôi dưỡng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Ông Lương Hùng T trình bày yêu cầu kháng cáo: Bà A được Tòa án giao trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục con chung, nhưng bà A luôn gây khó khăn và không tạo điều kiện cho ông thăm con. Hiện nay, ông có đủ điều kiện nuôi trẻ Lương Ngọc Thảo M, ông có nơi ở và công việc ổn định, ông đã lập gia đình với người phụ nữ khác, nếu ông bận công việc thì có mẹ kế trẻ M đưa đón trẻ đi học và chăm sóc trẻ. Ông đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm giao trẻ Lương Ngọc Thảo M cho ông trực tiếp nuôi dưỡng.
Nguyễn Thị Thúy A trình bày: Ông T nại lý do là bà không cho ông được thăm các con là không đúng. Bà tạo điều kiện cho ông T đến trường thăm con và mỗi khi ông T nhắn tin đến nơi bà cư trú thăm con thì bà nhờ bà N (là mẹ của bà) hoặc bà L (là em của bà) dẫn các trẻ ra cho ông T thăm con. Bà cam kết, ông T được quyền thăm con theo pháp luật quy định.
Bà yêu cầu ông T thực hiện đầy đủ tiền cấp dưỡng nuôi con, hiện nay ông T còn nợ tiền cấp dưỡng tổng cộng 91.000.000 đồng. Bà đề nghị Tòa án bác yêu cầu kháng cáo của ông T.
Người làm chứng: Bà Đặng Thị N và bà Nguyễn Thị Thúy L cùng có lời trình bày nêu trên.
Phần tranh luận:
Ông Lương Hùng T phân tích và trình bày: Hiện nay, ông có đủ điều kiện nuôi trẻ Lương Ngọc Thảo M, ông chưa thực hiện đầy đủ tiền cấp dưỡng nuôi con là do bà A gây khó không tạo điều kiện thuận lợi cho ông thăm con. Ông đề nghị cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông.
Bà Nguyễn Thị Thúy A phân tích và trình bày: Từ khi Tòa án giao trẻ L, trẻ M cho bà nuôi dưỡng thì bà đã nuôi dưỡng các trẻ phát triển tốt về mọi mặt. Bà đã tạo điều kiện thuận lợi cho ông T thăm con. Ông T không đóng đủ tiền cấp dưỡng nuôi con, bà có đơn yêu cầu cơ quan thi hành án thành phố V buộc ông T đóng tiền cấp dưỡng, nhưng đến nay ông T vẫn chưa thực hiện còn nợ tiền cấpdưỡng 91.000.000 đồng.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm về vụ án. Về tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án, cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm đã tuân thủ đúng theo trình tự thủ tục tố tụng của Bộ luật tố tụng Dân sự quy định về địa vị tố tụng, người tham gia tố tụng và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của các đương sự cho đến thời điểm kết thúc tranh luận. Về nội dung: Cấp sơ thẩm đã xem xét nhiều mặt và đã không chấp nhận yêu khởi kiện của ông T là có căn cứ.
Đề nghị cấp phúc thẩm không chấp yêu cầu kháng cáo của ông T và giữnguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa và kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:
[1] Ông Lương Hùng T và bà Nguyễn Thị Thúy A đã ly hôn theo Quyết định số 355/2016/QĐST-HNGĐ ngày 14/6/2016 của Tòa án nhân dân thành phố V, tỉnh B. Tại quyết định này, bà A là người trực tiếp nuôi dưỡng hai người con chung là trẻ Lương Ngọc Thảo M (nữ), sinh ngày 26/5/2014 và trẻ Lương Ngọc Thảo L (nữ), sinh ngày 12/02/2011. Ông T có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi trẻ 4.000.000 đồng/tháng, cho đến khi các trẻ lần lượt đủ 18 tuồi.
[2] Xét, kháng cáo của ông Lương Hùng T yêu cầu được trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục trẻ Lương Ngọc Thảo M (nữ), sinh ngày 26/5/2014, Hội đồng xét xử xét thấy: Theo lời trình bày của ông T và bà A thì các bên đều có chỗ ở, chỗ làm việc thu nhập kinh tế ổn định và đều có khả năng nuôi dưỡng, giáo dục trẻ M tốt. Tuy nhiên, xét về nhiều mặt thực tế hiện nay thì:
[2.1] Bà A làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, có thu nhận ổn định, là chủ sở hữu căn hộ A, đường Đ, phường T, Quận C và hiện nay trẻ L, trẻ M đang sinh sống tại đây với bà A, bà N, bà L (mẹ ruột và em ruột của bà A); các trẻ đang học tập và vui chơi phát triển Tâm, Sinh, Lý ổn định. Nếu tách trẻ M giao cho ông T nuôi dưỡng sẽ ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt hàng ngày và tính ổn định của các trẻ. Nếu bà A có công việc đột xuất thì có bà ngoại và dì ruột chăm sóc các trẻ.
[2.2] Ông T khai là ông có việc làm và thu nhập ổn định, nhưng thực tế thì ông T chưa thực hiện đầy đủ tiền cấp dưỡng nuôi con với số tiền 91.000.000 đồng. Bà A đã có đơn yêu cầu cơ quan thi hành án thành phố V buộc ông T thực hiện việc cấp dưỡng nuôi con nhưng ông T vẫn chưa thực hiện là đã gây ảnh hưởng đến quyền và lợi hợp pháp cho bà A và cho các trẻ. Ông T cho rằng do bà A gây khó khăn không tạo điều kiện thuận lợi cho ông thăm con nên ông chưa thực hiện đầy đủ tiền cấp dưỡng nuôi con, lý do này là không đúng theo quy định của pháp luật, vì ông Triết phải có nghĩa vụ hàng tháng giao tiền cho cơ quan Thi hành án để cấp dưỡng nuôi con theo quy định.
[3] Cấp sơ thẩm xem xét hiện nay bà A nuôi dưỡng trẻ M thuận lợi hơn ông T và giao cho bà A tiếp tục nuôi dưỡng, giáo dục trẻ M trong giao đoạn hiện nay là phù hợp. Do đó, cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông T và giữ nguyên bản án sơ thẩm. Lời đề nghị của đại diện Viện kiểm sát được chấp nhận.
[4] Về án phí, các đương sự phải chịu theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng: Điều 293 và khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng Dân sự; Áp dụng: Khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;
Áp dụng: Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án,
Áp dụng: Luật thi hành án dân sự.
Xử:
1. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
2. Không chấp nhận kháng cáo của ông Lương Hùng T đối với bà Nguyễn Thị Thúy A về việc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi trẻ Lương Ngọc Thảo M (nữ), sinh ngày 26/5/2014 sau khi ly hôn.
3. Án phí sơ thẩm: 300.000 (ba trăm nghìn) đồng, ông T chịu và được khấu trừ vào số tiền 300.000 đồng mà ông T đã đóng tạm ứng án phí theo biên lai thu số AE/2014/0008451 ngày 06/10/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Án phí phúc thẩm: 300.000 (ba trăm nghìn) đồng, ông T chịu và được khấu trừ vào số tiền 300.000 đồng của ông T đã đóng tạm ứng án phí theo biên lai thu số AA/2017/0015188 ngày 18/5/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh.
5. Thi hành án tại cơ quan Thi hành án Dân sự có thẩm quyền.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án dân sự đươc thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 962/2018/HNGĐ-PT ngày 26/10/2018 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
Số hiệu: | 962/2018/HNGĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 26/10/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về