Bản án 95/2018/HS-PT ngày 25/10/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 95/2018/HS-PT NGÀY 25/10/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 25 tháng 10 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 138/2018/HSPT ngày 29 tháng 8 năm 2018 đối với bị cáo Phạm Thị Q . Do có kháng cáo của bị cáo và người bị hại. Đối với bản án số 45/2018/HS-ST ngày 13/7/2018 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Hải Dương.

Bị cáo kháng cáo:

Phạm Thị Q, sinh năm 1952 tại xã A, huyện T, tỉnh Hải Dương; Nơi cư trú: Thôn B, xã C, huyện T, tỉnh Hải Dương; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hóa: Không biết chữ; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; Con ông Phạm Văn X (tên gọi khác: Phạm Đình X) và bà Phan Thị N (đều đã chết); có chồng là Nguyễn Bá C (đã chết) và 05 con; tiền án, tiền sự: chưa; hiện tại ngoại; có mặt.

Người bị hại kháng cáo:

- Ông Dương Văn H, sinh năm 1935 (có mặt)

- Bà Bùi Thị G, sinh năm 1936 (vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại: Bà Ngô Thị XuânTh – Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Chị Dương Thị L, sinh năm 1964 ( có mặt).

Người làm chứng:

Chị Dương Thị N, sinh năm 1982 (có mặt). Chị Nguyễn Thị L, sinh năm 1984 ( có mặt).

Những người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và nhân chứng đều trú tại: Thôn V, xã C, huyện H, tỉnh Hải Dương

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Phạm Thị Q và ông Dương Văn H, bà Bùi Thị G là người cùng thôn. Chiều ngày 17/12/2017, Q gặp bà G ở khu vực cánh đồng xã Thanh Cường huyện Thanh Hà. Giữa hai người có lời qua tiếng lại dẫn đến mâu thuẫn. Do bức xúc, bà G về nhà kể chuyện với ông H (là chồng). Ông H liền đi bộ (dắt xe đạp) đến nhà anh Nguyễn Bá H (con trai Q) mục đích để nói chuyện nhưng anh H không có nhà. Khoảng 16 giờ cùng ngày, tại khu vực cổng nhà anh H, ông H gặp Q và hai bên có lời qua tiếng lại với nhau; lúc sau thì bà G cũng đi ra và tiếp tục có lời qua tiếng lại với Q. Bà G và Q lao vào túm tóc, giằng co nhau. Q nhặt được đoạn gậy gỗ tròn dài khoảng 1,5m, một đầu 3cm, một đầu 2cm (dạng cành vải) vụt vào tay phải bà G. Bà G giằng gậy vứt ra rìa đường. Chị Nguyễn Thị L (con G Q) xách hai thùng nước phân từ nhà anh H đi ra nhìn thấy, liền đặt hai thùng phân xuống vào can ngăn. Ông H lấy gáo múc nước phân té về phía Q. Chị L giơ tay lên đỡ, phân đổ vào người và bắn tung tóe. Ông H tiếp tục dùng cán gáo định chọc vào người Q. Q túm được đùn đẩy khiến ông H bị ngã xuống đường. Q dùng cán gáo gỗ tròn, dài 80cm, một đầu đường kính 2cm, một đầu đường kính 01cm vụt từ trên xuống dưới vào miệng ông H làm gẫy răng, chảy máu. Được can ngăn, Q đi về nhà. Ông H được đưa đi Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Hà điều trị đến ngày 22/12/2017 ra viện. Bà G đi chụp chiếu, không điều trị tại bệnh viện. Ông H, bà G có đơn yêu cầu khởi tố và yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật.

Kết luận giám định pháp y số 04 ngày 22/01/2018, Phòng Giám định pháp y, Bệnh viện đa khoa tỉnh H Dương kết luận: Bà Nguyễn Thị G chấn thương gây trật khớp đốt 1 - 2 ngón I tay phải đã xử lý không hoàn toàn, ảnh hưởng vận động, tổn thương trên có đặc điểm do vật tày gây lên, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 8% .

Kết luận giám định pháp y số 05 ngày 22/01/2018, Phòng Giám định pháp y, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương kết luận: Ông Dương Văn H chấn thương gây lung lay răng số 2.1 hàm trên bên trái, khuyết răng số một hàm trên bên trái, các răng khác rụng do tuổi già; Chấn thương gây chấn động não, điều trị khỏi, sưng nề, bầm tím vùng miệng, môi, hai tay, không để lại di chứng. Các tổn thương trên có đặc điểm do vật tày gây nên, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 2%.

Tại cơ quan điều tra, bị cáo Q thừa nhận hành vi khi hai bên giằng co chị L vào can; bị cáo dùng gậy đứng đối diện cách khoảng 1m vụt vào tay bà G; không thừa nhận hành vi gây thương đối với ông H vì đánh bà G thì ông H lấy gáo múc nước phân vào bà G và chị L, L bỏ về, Q vụt bà G xong đi vào nhà, ông H đi cầm gậy chọc về phía bị cáo, bị cáo túm được một đầu gây và hai bên đùn đẩy nhau làm ông H ngã ngồi ra đường. Khi đánh nhau chỉ có ba người là bị cáo và vợ chồng ông H ngoài ra không còn ai khác. Chị L chỉ can khi bị cáo và bà G chứ không đánh ông H.

Tại bản cáo trạng số 38/CT-VKS ngày 24/5/2018, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện H truy tố Phạm Thị Q về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a, c khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự.

Tại bản án sơ thẩm số 45/2018/HS-ST ngày 13/7/2018 của TAND huyện H áp dụng điểm a, c khoản 1 Điều 134; điểm h khoản 1 và khoản 2 Điều 51; điểm a khoản 1 Điều 47, Điều 48 Bộ luật hình sự; Điều 584, 585, 588, 590 Bộ luật dân sự điểm a, c khoản 2 Điều 106; Điều 136, 260, 331, 332, 333 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/QH14 ngày 30/12/2016 quy định về án phí, lệ phí Toà án;.

Tuyên bố Phạm Thị Q phạm tội “Cố ý gây thương tích”; phạt Q 06 tháng tù, tính từ ngày bắt thi hành án. Buộc bị cáo phải bồi thường đối với: ông H 6.280.000 đồng trừ đi 20% lỗi của người bị hại còn phải bồi thường 5.024.000 đồng; cho bà G 6.840.000 đồng trừ đi 20% lỗi của người bị hại còn phải bồi thường 5.472.000 đồng. Bản án còn tuyên xử lý vật chứng, án phí, quyền kháng cáo theo quy định.

Sau khi xét xử sơ thẩm:

Ngày 18/7/2018 bị cáo Phạm Thị Q kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm cho rằng việc gây thương với bà G, ông H là hành vi tự vệ nên bà không có tội, không đồng ý bồi thường cho ông H, bà G như cấp sơ thẩm đã tuyên .

Ngày 24/7/2018 người bị hại ông H, bà G kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xét xử tăng hình phạt và tăng mức bồi thường.

Tại phiên tòa, bị cáo khai: Do ông H bà G đến nhà bị cáo áp đáo tại gia; bà G lao vào túm tóc và dùng gậy đánh bị cáo hai bên giằng co, bị cáo giằng được gậy vụt vào người bà G không biết vào đâu. Bị cáo không đánh ông H, nhưng khi chị L sách hai thùng nước phân từ nhà anh Hùng ra thấy bị cáo và bà G đánh nhau đã vào can, ông H đứng cạnh thùng nước phân cầm gáo múc và té nhưng chị L đỡ làm nước phân bắn vào bà G và chị L; sau đó chị L về, Q cũng đi vào sân thì ông H đi theo cầm gậy cành vải chọc vào người bị cáo, bị cáo túm được một đầu du và đùn đẩy làm ông H ngã ngồi ra đường; không biết ông H bị chảy máu. Xác nhận cây gậy bị cáo dùng đánh bà G, cán gáo và gáo nhựa tại nơi sảy ra xô sát công an xã đã thu. Hành vi của bị cáo là phòng vệ không có tội và không chấp nhận bồi thường. Ông H khai: Sau khi nghe bà G nói chuyện về việc cãi nhau với Q; do bực tức, ông đã ra nhà anh Hùng con bị cáo để nói chuyện.

Do anh Hùng không có nhà; lúc sau thấy Q và chị L sách nước phân từ nhà anh H đi ra, mẹ con nhà Q chửi ông, L ôm phía sau còn Q đứng đối diện cách khoảng 1m dùng gậy đánh vào miệng làm ông bị thương và choáng ngã xuống đường; Không thừa nhận lời khai của Q. Giữ nguyên yêu cầu kháng cáo tăng hình phạt và tăng mức bồi thường. Chị Dương Thị N xác nhận: Chị nhìn thấy chị L ôm và đẩy làm ông H ngã, khi ông H ngã thì bà Q cầm gậy gỗ dài khoảng 01m đập, vụt vào ông H. Sau đó chị về nhưng vẫn nghe thấy cãi nhau, chị lại ra và đi đến chỗ đánh nhau thấy ông H miệng chảy máu đứng vịn hai tay vào bờ tường; lúc đó không để ý thấy bà G ở đâu. Sau đó chị đã đưa ông H vào trạm y tế xã để sơ cứu. Chị Nguyễn Thị L khai: Khi chị sách thùng nước phân từ nhà anh H ra cổng đã thấy bà G và bà Q túm tóc giằng co, đánh nhau, chị vào can đẩy hai người ra; nhưng sau đó hai người lại lao vào đánh nhau, chị không can nữa. Ông H lúc đó đứng cạnh thùng nước phân cầm gáo múc định hắt thì chị đỡ không cho hắt, nên nước phân bắn vào chị và bà G. Sau đó chị đi về thì thấy ông H cầm gậy đi theo dơ lên định đánh bà Q; bà Q túm được đầu gậy đùn ông H ngã; chị không ôm, không đánh ông H như ông H và chị N khai. Người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại vắng mặt tại phiên tòa và có bài phát biểu bảo vệ quyền lợi cho ông H bà G gửi đến Tòa án có quan điểm đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của người bị hại vì bị cáo có hai tình tiết định khung quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều 134 BLHS; hành vi thái độ bị cáo thể hiện sự coi thường pháp luật. Cả hai ông bà đều là người già yếu nên các chi phí do người bị hại xuất trình đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận; đề nghị tăng mức bồi thường tổn thất tinh thần cho bị hại trị giá 10 tháng lương cơ sở.

Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa, phát biểu quan điểm giải quyết vụ án. Phân tích đánh giá các căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị cáo và không chấp nhận bào chữa của bị cáo cho rằng hành vi gây thương đối với bà G và ông H của bị cáo là phòng vệ chính đáng. Đánh giá thái độ khai báo của bị cáo thể hiện sự thiếu tôn trọng và không chấp hành pháp luật; phân tích các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; các căn cứ L quan đến kháng cáo của bị cáo và người bị hại. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo; không chấp nhận kháng cáo của người bị hại. Giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm; nghĩa vụ chịu án phí.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

 [1]. Về hành vi phạm tội: Tại cơ quan điều tra cũng như tại các phiên toà, bị cáo khai: Khi bà G đến đã lao vào túm tóc làm bị cáo ngã sau đó bị cáo vơ được gậy cành vải ở rìa đường vụt vào bà G. Có lời khai xác định đánh vào tay bà G; nhưng có lời khai bị cáo xác nhận đứng bị cáo đứng đối diện cách khoảng  1m cầm gậy vụt bà G nhưng không biết vào đâu. Đối với ông H, do ông H dùng gậy chọc vào sườn bị cáo, bị cáo túm được đầu gậy và đùn đẩy làm ông H ngã ra đường, không biết ông H bị thương; xác định chỉ một mình bị cáo đánh nhau với ông H bà G. Chị L chỉ vào can không đánh. Hành vi của bị cáo là phòng vệ nên không phạm tội. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 22 Bộ Luật hình sự (viết tắt:BLHS) thì “ Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”. Trong vụ án này, ông H bà G đều ở độ tuổi ngoài 80, là người già yếu. Vụ việc sảy ra khoảng 16h chiều, người làm chứng là ông Trịnh Văn T sinh 1954 (người cùng thôn) xác định: …Khi ông đến nơi thấy bà G đang giằng gậy với bà Q, bà G đã giằng được gậy vứt ra rìa đường, L đang đứng đối diện bên đường; ông H nằm giữa đường miệng chảy máu và ông đã xuống xe mắng mọi người không đánh nhau nữa... Phù hợp với lời khai bà G xác định: ….Khi bà ra đến ngõ nhà bà Đ cách khoảng 10m thì đến cổng nhà anh H đã nhìn thấy ông H bị ngã, gần đó có mẹ con bà Q, đến nơi nhìn thấy ông H bị chảy máu mồm, tôi đi bộ vào chỗ Q, Q cầm một đoạn gậy vải, hai người đứng cãi nhau.Tôi bước tiếp cách Q khoảng 50m, Q dùng gậy vải vung lên vụt ngang người tôi,tôi dơ tay đỡ thì bị vụt 2 nhát tay phải và 1 nhát tay trái, lúc đó chưa đau,về nhà mới đau… Phù hợp với lời khai của ông H, xác định:… L ôm sau lưng ông và Q đứng đối diện cách 1m vụt vào mồm ông bị choáng và ngã... Phù hợp lời khai chị N xác định …Q dùng gậy vụt ông H… Như vậy khi sảy ra giằng co, cãi nhau chỉ có vợ chồng ông H, bà G và bị cáo; hậu quả là cả bà G và ông H đều bị thương. Ông H bà G đều là người già, yếu và không có hung khí. Diễn biến vụ việc sảy ra, mặc dù ông H bà G đến khu vực cổng nhà bị cáo và hai bên đã sảy ra cãi nhau. Hành vi của người bị hại chưa đến mức để bị cáo phải dùng gậy chống trả một cách cần thiết như quy định tại Điều 22 Bộ luật hình sự. Nên hành vi của bị cáo không thể coi là phòng vệ chính đáng. Vì thế, có căn cứ kết luận: Khoảng 16 giờ ngày 17/12/2017, tại khu vực cổng nhà anh Nguyễn Bá H ở thôn B, xã C, huyện H. Do mâu thuẫn cãi nhau, Phạm Thị Q đã dùng gậy gỗ tròn dài 1,5m, một đầu 03cm, một đầu 02cm vụt vào tay bà Bùi Thị G, gây thương tích cho bà G với tỷ lệ tổn thương cơ thể 8%; dùng gậy gỗ tròn, dài 80cm một đầu đường kính 2cm, một đầu đường kính 01cm vụt vào miệng ôngDương Văn H gây thương tích cho ông H với tỷ lệ tổn thương cơ thể 2%. Tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị hại dưới 11%; người bị hại có đơn yêu cầu khởi tố, công cụ phạm tội được coi là hung khí nguy hiểm; bà G , ông H đều ở độ tuổi ngoài 80 là người già yếu. Nên bị cáo phải chịu hai tình tiết định khung theo điểm a, c khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự. Và Tòa án cấp sơ thẩm xét xử và tuyên hình phạt với bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật.

[2]. Xét kháng cáo của bị cáo thấy: Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo không thành khẩn, quanh co chối tội cho rằng bà G và ông H đến “ áp đáo tại gia", hành vi của bị cáo là việc phòng vệ chính đáng; không thừa nhận việc gây thương cho ông H nhưng thừa nhận khi sảy ra sự việc chỉ có bị cáo, ông H và bà G đánh nhau và ông H, bà G là người bị thương. Lời khai của người bị hại phù hợp với trình bầy của những người làm chứng như chị N, ông T, thấy bị cáo cầm gậy vụt ông H từ trên xuống, miệng ông H chảy máu và bầm tím; phù hợp với kết luận giám định pháp y số 04, 05 ngày 22/01/2018 và vật chứng thu giữ tại hiện trường. Nên kháng cáo của bị cáo không có căn cứ chấp nhận. Bị cáo lần đầu phạm tội, việc dùng gậy gỗ được coi là hung khí nguy hiểm gây thương đối với người bị hại là người già yếu, tỷ lệ tổn thương dưới 11% và bị truy tố xét xử theo khoản 1 Điều 134 BLHS. Nên áp dụng cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Bị cáo có chồng là thương binh, được Nhà nước tặng thưởng Huy chương. Và trong vụ án này có căn cứ xác định người bị hại cũng có lỗi một phần là các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm h, i khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS. Bị cáo lần đầu phạm tội; tuy nhiên, thái độ khai báo của bị cáo thể hiện không thành khẩn, sự không tôn trọng và coi thường pháp luật. Sau khi gây thương không thực hiện việc bồi thường khắc phục hậu quả đối với người bị hại. Nên, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về hình phạt như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa. Có như vậy mới đủ sức giáo dục và cải tạo ý thức xấu của bị cáo; để hình phạt có tác dụng trừng trị, răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung trong xã hội, giữ gìn trật tự trị an trên địa bàn.

[3]. Thiệt hại của bà G và ông H là do hành vi trái pháp luật của bị cáo gây lên. Nên bị cáo phải có nghĩa vụ bồi thường cho người bị hại theo quy định của pháp luật như cấp sơ thẩm đã nhận định là có căn cứ.

[4]. Xét kháng cáo của người bị hại, đề nghị tăng hình phạt và tăng bồi thường, thấy rằng: Căn cứ diễn biến hành vi, nhân thân cũng như các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo. Mặt khác trong vụ án này xác định người bị hại cũng có một phần lỗi như đã phân tích phần trên. Nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo tăng hình phạt. Đối với yêu cầu tăng mức bồi thường trách nhiệm dân sự; căn cứ vào thương tích của người bị hại, số ngày điều trị đối với ông H; bàG không điều trị tại bệnh viện, nhưng  trên cơ sở xem xét thực tế đối chiếu với các quy định của pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá và quyết định theo hướng xác định người bị hại phải chịu 20% lỗi là phù hợp. Tại cấp phúc thẩm người bị hại không xuất trình thêm căn cứ mới, nên Hội đồng xét xử giữ nguyên mức bồi thường như cấp sơ thẩm đã tuyên.

[5]. Trong quá trình điều tra, lời khai của bị cáo; người bị hại có điểm chưa thống nhất liên quan đến diễn biến vụ việc; xác định vật chứng là hung khí bị cáo sử dụng đánh người bị hại. Mặc dù vật chứng đã được Công an xã thu tại hiện trường như bị cáo khai. Nhưng lẽ ra, giai đoạn điều tra Cơ quan điều tra phải tiến hành đối chất và cho nhận dạng vật chứng theo quy định tại Điều 189 190 - BLTTHS. Tuy nhiên đó không phải là vi phạm nghiêm trọng tố tụng, xong cũng cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với Cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm.

[6]. Án phí: Bị cáo, người bị hại kháng cáo không được chấp nhận nên phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định.

[7]. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, HĐXX không xét và đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 BLTTHS;

Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo; không chấp nhận kháng cáo củangười bị hại. Giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 45/2018/HS-ST ngày 13/7/2018 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Hải Dương về phần hình phạt cũng như mức bồi thường dân sự.

Áp dụng điểm a, c khoản 1 Điều 134, điểm h khoản 1 và khoản 2 Điều 51; điểm a khoản 1 Điều 47, Điều 48 Bộ luật hình sự; Điều 584, 585, 588, 590 Bộ luật dân sự điểm a, c khoản 2 Điều 106; Điều 136, 260, 331, 332, 333 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/QH14 ngày 30/12/2016 quy định về án phí, lệ phí Toà án; phạt:

Phạm Thị Q 06 (sáu) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Trách nhiệm dân sự:

- Buộc bị cáo phải bồi thường cho ông Dương Văn H 5.024.000 đồng( (Năm triệu không trăm hai bốn ngàn đồng)

- Buộc bị cáo phải bồi thường cho bà Bùi Thị G 5.472.000 đồng ( Năm triệu bốn trăm bẩy mươi hai ngàn đồng).

Tổng cộng bị cáo phải bồi thường cho ông H, bà G là 10.496.000 đồng ( Mười triệu bốn trăm chín mươi sáu ngàn đồng).

Khi bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án chưa thi hành khoản tiền trên thì phải chịu lãi suất đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh chậm trả do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự. Nếu không có thỏa thuận thì mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự .

3.Về án phí: Áp dụng Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; điểm a, c khoản 1 điểm b, đ khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 326/QH14 ngày 30/12/2016 về chế độ án, lệ phí Tòa án: Bị cáo Phạm Thị Q phải chịu 200.000đ án phí hìn h sự sơ thẩm; 200.000đ án phí hình sự phúc thẩm và 524.000đ án phí dân sự sơ thẩm.

Ông Dương Văn H và bà Bùi Thị G phải chịu 300.000đ án phí dân sự sơ thẩm.

Người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

335
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 95/2018/HS-PT ngày 25/10/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:95/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Dương
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/10/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;