TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
BẢN ÁN 91/2018/HSPT NGÀY 09/04/2018 VỀ TỘI TỔ CHỨC ĐÁNH BẠC VÀ ĐÁNH BẠC
Ngày 09 tháng 4 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang tiến hành xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 183/2017/HSPT ngày 26 tháng 10 năm 2017 đối với các bị cáo Phan Thị C và Lương Văn S do có kháng cáo của bị cáo Phan Thị C và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 62/2017/HSST ngày 21 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.
* Bị cáo có kháng cáo: Phan Thị C; sinh năm 1960; HKTT: ấp PN, xã M ThB, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Trình độ văn hóa: 02/12; Nghề nghiệp: Không; Con ông Phan Văn Ch (đã chết) và bà Phạm Thị Th; Chồng tên Lương Văn K (đã ly hôn) và có 03 người con, lớn nhất sinh năm 1977, nhỏ nhất sinh năm 1987; Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại (Có mặt tại phiên tòa).
Người bào chữa cho bị cáo Chơi: Ông Ngyễn Du - Luật sư Công ty luật TNHH Sava
* Người kháng nghị: Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang đối với bị cáo: Lương Văn S, sinh năm 1987; HKTT: ấp PN, xã MThB, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Trình độ văn hóa: 02/12; Nghề nghiệp: Sửa xe; Con ông Lương Văn K và bà Phan Thị C; Vợ tên Lý Thị Th; sinh năm 1987 và có 02 người con, lớn nhất sinh năm 2007, nhỏ nhất sinh năm 2009; Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại (Có mặt tại phiên tòa).
Người bào chữa cho bị cáo S: Ông Trần Hữu Phúc - Luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Kiên Giang, cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang (Có mặt tại phiên tòa).
Đại diện gia đình bị cáo Sự: Bà Lý Thị Th, sinh năm 1987, vợ bị cáo S (Có mặt tại phiên tòa).
Cư trú: ấp PN, xã MTB, huyện Châu Thành - Kiên Giang.
Ngoài ra trong vụ án còn có 15 bị cáo khác do không có kháng cáo, không bị kháng nghị nên Tòa án không triệu tập.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào ngày 09 tháng 02 năm 2017, Phan Thị C đến gặp Phạm Ngọc L hỏi mượn nhà của L tại ấp PN, xã MTB, huyện Châu Thành để tổ chức đánh bạc được ăn thua bằng tiền, C hứa sẽ đưa tiền xâu cho L tùy theo xâu được nhiều hay ít, được sự đồng ý của L, C đã rủ rê, lôi kéo các con bạc ở địa phương và nơi khác đến tham gia đánh bạc. Đến 15 giờ 15 phút cùng ngày bị Công an bắt quả tang C cùng với 15 người khác đang đánh bạc. Tang vật thu giữ trên chiếu bạc gồm: Tiền Việt Nam 8.673.000đ, 52 bộ bài tây trong đó có 03 bộ đã sử dụng , 03 điện thoại di động. Các đối tượng tự giao nộp tài sản trên người gồm 15.141.000đ và 11 điện thoại di động các loại.
Kết quả điều tra đã chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo như sau:
- Bị cáo Phan Thị C có hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc cụ thể: Vào lúc 14 giờ ngày 09/02/2017, C rủ rê các con bạc đến nhà Phạm Ngọc L để tổ chức đánh bạc bằng hình thức chơi bài cào 3 lá, khi đi C mang theo 700.000đ và 52 bộ bài tây dùng để đánh bạc, C hỏi mượn nhà của Lan để tổ chức đánh bạc, cho L tiền xâu và được L đồng ý. Sau đó C lấy chiếc chiếu lác trải ra nền gạch trong nhà sau của L C trực tiếp làm cái, hình thức chơi bài cào 03 lá cho khoảng 10 tụ đặt cược và khoảng 10 người đứng trên tham gia bằng hình thức hùn và bắt theo nhà cái thắng hay thua, mỗi tụ đặt số tiền từ 50.000đ đến 100.000đ. C làm cái 05 bàn ăn được số tiền 1.000.000đ, sau đó C giao lại cho Mai Giang Th làm cái, Th làm cái thì C tham gia đặt một tụ 50.000đ. C tham gia 2 bàn, một bàn ăn, một bàn thua nên huề vốn. Ngoài ra C còn thu tiền xâu của Th được 100.000đ, tất cả số tiền của C để trên chiếu bạc bị thu giữ khi bắt quả tang, ngoài ra Công an còn thu giữ của C một điện thoại di động hiệu Samsung J7 để trên chiếu bạc, chiếc điện thoại này C dùng để liên lạc với gia đình.
Ngoài ra C còn khai nhận vào ngày 28/01/2017 (ngày mùng 01 tết) C tổ chức đánh bạc lấy tiền xâu tại nhà, hình thức chơi là bài cào 03 lá, người nào làm cái thắng thì C lấy tiền xâu từ 50.000đ đến 100.000đ, thua thì không xâu, thời gian chơi bắt đầu khoảng 12 giờ trưa cho đến 17 giờ cùng ngày thì nghĩ C lấy tiền xâu được400.000đ, còn hai ngày sau thì không xâu vì C trực tiếp làm cái, C tổ chức tại nhà được 03 ngày thì nghỉ. Hiện tại C đã nộp lại số tiền thu lợi bất chính là 400.000đ cho Cơ quan điều tra.
- Bị cáo Lương Văn S có hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc cụ thể: Vào lúc 14 giờ 30 phút, ngày 09 tháng 02 năm 2017 Sự đi đến nhà Phạm Ngọc L để tham gia đánh bạc, khi đi Sự mang theo số tiền hơn 1.000.000đ dùng để đánh bạc, khi đó mẹ của Sự là bà Phan Thị C trực tiếp làm cái, thấy vậy Sự không tham gia đặt cược mà đứng ngoài cảnh giới, nếu có Công an đến thì cho mọi người biết dừng đánh bạc. Đến lượt Mai Giang Th làm cái thì S bắt đầu tham gia đặt cược, S đặt riêng một tụ với số tiền đặt cược 50.000đ, S tham gia được 03 bàn thua hết 100.000 đ, Sự chuẩn bị đặt bàn tiếp theo thì bị lực lượng Công an đến bắt quả tang và thu giữ của S một điện thoại di động hiệu Samsung note GT-N7000, màu trắng. S giao nộp số tiền giữ trên người mang theo dùng để đánh bạc là 1.200.000đ.
Ngoài ra, vào các ngày 28/01/2017 đến 30/01/2017 (nhằm ngày mùng 01 đến mùng 03 tết âm lịch), S còn phụ giúp C trải chiếu và lo phục vụ nước uống cho những người tham gia đánh bạc tại nhà của C, vào ngày 28/01/2017 C lấy tiền xâu được 400.000đ, C đưa cho Sự 100.000đ nhưng S không lấy. Đến ngày 08/02/2017 S trực tiếp gặp Phạm Ngọc L hỏi mượn nhà để tổ chức đánh bạc và sẽ trả tiền xâu cho L và được L đồng ý, ngày hôm đó bắt đầu chơi khoảng 14 giờ đến 17 giờ thì nghỉ, S thu tiền xâu được 300.000đ, S đưa tiền xâu cho L 200.000 đồng. Đến ngày 09/02/2017 C và S tiếp tục tổ chức đánh bạc tại nhà bà L thì bị bắt, đến ngày 07/04/2017 S đã giao nộp lại số tiền thu lợi bất chính là 100.000đ cho Cơ quan điều tra.
Về vật chứng trong vụ án: Cơ quan điều tra đã thu giữ các vật chứng gồm:
- Số tiền 8.673.000đ (tám triệu sáu trăm bảy mươi ba ngàn đồng) là vật chứng thu giữ trên chiếu bạc.
- 01 điện thoại di động nhãn hiệu hphone A179 màu đỏ, IMEI: 355256060450375; IMEI: 355256060450383 đã qua sử dụng, không kiểm tra tình trạng hoạt động, không xác định chủ sở hữu.
- Số tiền thu lợi bất chính của các bị cáo do phạm tội mà có gồm: Phan Thị C là 400.000đ, Lương Văn S là 100.000đ.
- Số tiền khám xét thu giữ trên người của các bị cáo mang theo dùng để đánh bạc cụ thể như sau: Lương Văn S là 1.200.000đ. Tổng cộng số tiền khám xét thu giữ trên người của các bị cáo mang theo dùng để đánh bạc là 1.200.000đ.
- 01 (một) chiếc chiếu lác chiều ngang 160cm, chiều dài 220cm; 52 bộ bài tây, trong đó 03 bộ đã qua sử dụng.
- 01 (một) điện thoại di động samsung Galaxy J7 màu vàng nhạt, IMEI: 352462/07/526649/0; IMEI: 352463/07/526649/8, đã qua sử dụng, không kiểm tra tình trạng hoạt động;
- 01 (một) điện thoại di động nhãn hiệu samsung Galaxy note GT-N7000 màu trắng, IMEI: 353520/00/610055/6, đã qua sử dụng, không kiểm tra tình trạng hoạt động.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 62/2017/HSST ngày 21/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang đã xử:
- Áp dụng khoản 1 Điều 249; khoản 1 Điều 248 điểm o, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48 và Điều 33 BLHS, xử phạt bị cáo Phan Thị C 12 tháng tù về tội “Tổ chức đánh bạc” và 06 tháng tù về tội “Đánh bạc”. Áp dụng Điều 50 BLHS tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo Phan Thị C phải chấp hành hình phạt chung của hai tội là 18 tháng tù. Thời điểm chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày bị cáo đi chấp hành án.
- Áp dụng khoản 1 Điều 249; khoản 1 Điều 248 điểm o, n, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48 và Điều 60 BLHS, xử phạt bị cáo Lương Văn S 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, về tội “Tổ chức đánh bạc” và 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, về tội “Đánh bạc”. Áp dụng Điều 50 BLHS tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo Lương Văn S phải chấp hành hình phạt chung là18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 36 tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Ngoài ra bản án còn xử phạt 15 bị cáo khác (không có kháng cáo, không bị kháng nghị) và quyết định về xử lý vật chứng, án phí và báo quyền kháng cáo theo luật định.
Ngày 25/9/2017, bị cáo Phan Thị C có đơn kháng cáo xin được hưởng án treo.
Ngày 06/10/2017, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang có Quyết định kháng nghị số 04/QĐ-VKS, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng không cho bị cáo Lương Văn S hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Bị cáo Phan Thị C vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo xin được hưởng án treo.
Người bào chữa cho bị cáo C có ý kiến: Đối với tội đánh bạc, bị cáo Phan Thị C có nhiều tình tiết giảm nhẹ (thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; đang mang nhiều chứng bệnh...), nên đề nghị Hội đồng xét xử giảm một phần hình phạt; Đối với tội tổ chức đánh bạc, bị cáo không tổ chức, chỉ thu tiền xâu dùm bà Lan chủ nhà,... không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm về tội tổ chức đánh bạc đối với bị cáo C.
- Bị cáo Lương Văn S có ý kiến: chỉ thu tiền xâu dùm mẹ để giao lại bà L, không tổ chức đánh bạc; xin được hưởng án treo.
Người bào chữa cho bị cáo S có ý kiến: Việc kết tội đánh bạc đối với bị cáo Lương Văn S là đúng, nhưng do bị cáo S có nhiều tình tiết giảm nhẹ (phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bản thân có bệnh hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi; hoàn cảnh gia đình khó khăn), nên đề nghị cho bị cáo Sự được hưởng án treo; Bị cáo S không rủ rê, lôi kéo người khác đánh bạc để hưởng lợi, nên không thể phạm tội tổ chức đánh bạc, đề nghị xem xét lại quyết định của bản án sơ thẩm đối với phần này.
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang có ý kiến: Có đủ cơ sở kết luận bị cáo Phan Thị Ci và Lương Văn S phạm tội tổ chức đánh bạc và tội đánh bạc.
Bị cáo Phan Thị C là người giữ vai trò chính trong vụ án, mức án mà tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo C đối với từng tội danh là phù hợp, nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo và ý kiến đề nghị của người bào chữa cho bị cáo.
Bị cáo Lương Văn S bị xét xử cùng một lần về nhiều tội nhưng Tòa án cấp sơ thẩm cho bị cáo được hưởng án treo là không đúng quy định, nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang, sửa án sơ thẩm, không cho bị cáo Sự được hưởng án treo, xử phạt bị cáo 9 tháng tù về tội tổ chức đánh bạc, 3 tháng tù về tội đánh bạc.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo:
Xét đơn kháng cáo của bị cáo Phan Thị C về nội dung, quyền kháng cáo, thủ tục kháng cáo và thời hạn kháng cáo đã đúng quy định tại các Điều 231, 233, 234 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003. Do đó Hội đồng xét xử chấp nhận xem xét giải quyết đơn kháng cáo của bị cáo theo trình tự phúc thẩm.
[2] Về tính hợp pháp của văn bản Kháng nghị: Xét thấy Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang có quyền kháng nghị, văn bản kháng nghị có nội dung, thủ tục và thời hạn kháng nghị phù hợp với quy định tại Điều 232, 234 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Do đó, Hội động xét xử chấp nhận xem xét giải quyết kháng nghị theo trình tự phúc thẩm.
[3] Về quyết định của bản án sơ thẩm:
Hành vi của các bị cáo Phan Thị C, Lương Văn S là nguy hiểm cho xã hội, có đủ yếu tố cấu thành tội tổ chức đánh bạc và tội đánh bạc đối với lần bị bắt quả tang vào ngày 09/02/2017. Cụ thể, bị cáo Phan Thị C dùng nhà của bị cáo Phạm Ngọc L tổ chức cho từ 10 người trở lên đánh bạc để thu lợi (nhận tiền xâu) và số tiền dùng vào việc đánh bạc từ 5.000.000đ trở lên (thực tế bị thu giữ trên chiếu bạc là 8.673.000đ). Ngoài ra bản thân bị cáo C còn trực tiếp đánh bạc để ăn thua với những bị cáo khác trong vụ án; Đối với bị cáo Lương Văn S biết bị cáo Phan Thị C tổ chức cho nhiều người đánh bạc, bị cáo giúp sức bằng cách cảnh giới, nếu có Công an đến thì cho mọi người biết dừng đánh bạc. Ngoài ra bị cáo S còn trực tiếp tham gia đánh bạc ăn thua bằng tiền với những bị cáo khác trong vụ án. Từ đó thấy rằng, phần quyết định của bản án sơ thẩm về kết tội các bị cáo theo khoản 1 Điều 249 và khoản 1 Điều 248 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
[4]. Về yêu cầu kháng cáo của bị cáo Phan Thị C:
Đối với tội tổ chức đánh bạc, bị cáo C là người giữ vai trò chính, lôi kéo, tổ chức cho nhiều người đánh bạc để thu lợi, nên Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng khoản 1 Điều 249 BLHS xử phạt 1 năm tù (mức thấp nhất của khung hình phạt tù ở khoản 1 Điều 249 BLHS) là tương xứng với tính chất, mức độ và vai trò của bị cáo trong vụ án, đồng thời đã xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà bị cáo được hưởng. Do đó không có căn cứ để giảm hình phạt cho bị cáo đối với tội này.
Đối với tội đánh bạc, xét thấy cấp sơ thẩm xác định bị cáo C phạm tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc nhiều lần, áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS cho cả hai tội đối với bị cáo là không đúng quy định. Bởi lẽ, đối với hành vi bị cáo C thực hiện vào ngày bị bắt quả tang (ngày 09/02/2017), thì chứng cứ trong hồ sơ thể hiện rõ đã đủ yếu tố cấu thành tội tổ chức đánh bạc và tội đánh bạc, nhưng đối với hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc thực hiện trước đó mà bị cáo tự khai nhận, thì quá trình đều tra ở cấp sơ thẩm chưa làm rõ về định lượng có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không (chưa xác định có bao nhiêu người tham gia đánh bạc, có bao nhiêu chiếu bạc, tổng số tiền dùng vào việc đánh bạc là bao nhiêu), nên chưa thể khẳng định những lần tổ chức đánh bạc, đánh bạc đó của bị cáo C là phạm tội. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào việc bị cáo C khai nhận có tổ chức đánh bạc và đánh bạc trước ngày bị bắt quả tang (ngày 09/02/2017), mà không xem xét đến các yếu tố cấu thành tội phạm về định lượng nhưng lại xác định bị cáo C phạm tội nhiều lần là không có căn cứ, không đúng quy định. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo C khai nhận, đối với những lần bị cáo tổ chức cho người khác đánh bạc và bản thân bị cáo tham gia đánh bạ c trước ngày bị bắt quả tang (ngày 09/02/2017) bị cáo không nhớ có bao nhiêu người tham gia, tổng số tiền dùng vào việc đánh bạc là bao nhiêu. Trong khi chứng cứ trong hồ sơ thể hiện những ngày đó chỉ có 5 người tham gia đánh bạc tại nhà bị cáo nhưng cũng không xác định được số tiền dùng vào việc đánh bạc là bao nhiêu (Bút lục số 246, 248, 250, 272, 297a, 297c, 348), nên cũng không có cơ sở để xác định đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Từ những phân tích trên cho thấy, chỉ có căn cứ xác định bị cáo C phạm tội một lần vào ngày bị bắt quả tang (ngày 09/02/2017), trong đó tội đánh bạc là phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS mà bị cáo được hưởng ngoài các tình tiết mà cấp sơ thẩm đã áp dụng. Vì vậy, do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, nên cần xem xét giảm mức hình phạt tù mà bản án sơ thẩm đã tuyên về tội đánh bạc đối với bị cáo là thỏa đáng.
Do bị cáo phạm tội với vai trò đầu vụ và bị xét xử cùng một lần về nhiều tội, nên theo quy định không được cho hưởng án treo. Vì vậy, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo C về việc xin được hưởng án treo.
[5]. Về kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang đối với bị cáo Lương Văn S:
Xét thấy, bị cáo Lương Văn S bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội (tội tổ chức đánh bạc và tội đánh bạc) cho nên thuộc trường hợp không được cho hưởng án treo theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ luật hình sự về án treo, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại cho bị cáo Sự được hưởng án treo là áp dụng không đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, pháp luật hình sự hiện hành chỉ quy định tổng hợp hình phạt chứ không quy định tổng hợp thời gian thử thách của án treo, cho nên việc Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt tù và cho hưởng án treo đối với từng tội danh, sau đó tổng hợp hình phạt tù và tổng hợp thời gian thử thách của hai tội cũng không đúng quy định của pháp luật. Do đó, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang đề nghị xử không cho bị cáo S được hưởng án treo là có cơ sở chấp nhận.
Tuy nhiên thấy rằng, đối với tội tổ chức đánh bạc bị cáo S chỉ đồng phạm với bị cáo C với vai trò giúp sức không đáng kể ở lần bị bắt quả tang vào ngày 09/02/2017. Không có căn cứ để xác định bị cáo có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phạm tội nhiều lần quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS như xác định của Tòa án cấp sơ thẩm. Bởi vì, như trên đã nêu, không có căn cứ để xác định hành vi bị cáo C thực hiện trước khi bị bắt quả tang ngày 09/02/2017 đủ yếu tố cấu thành tội tổ chức đánh bạc, nên hành vi của bị cáo S giúp sức cho bị cáo C đối với những lần đó cũng không có đủ yếu tố cấu thành tội tổ chức đánh bạc. Đối với lần bị cáo S tự tổ chức cho người khác đánh bạc vào ngày 08/02/2017 tại nhà bà L thu tiền xâu được 300.000đ, thì chứng cứ trong hồ sơ cũng không thể hiện bị cáo S tổ chức cho bao nhiêu người đánh bạc, tổng số tiền dùng vào việc đánh bạc là bao nhiêu, có đủ định lượng về số người tham gia đánh bạc và tổng số tiền dùng vào việc đánh bạc đến mức cấu thành tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc hay không, cho nên cũng không thể quy kết bị cáo S phạm tội tổ chức đánh bạc đối với lần này. Như vậy, chỉ có thể xác định bị cáo S phạm tội tổ chức đánh bạc một lần với vai trò giúp sức cho bị cáo C vào ngày bị bắt quả tang (ngày 09/02/2017).
Đối với tội đánh bạc, theo chứng cứ trong hồ sơ cũng như trong bản án sơ thẩm đã xác định, bị cáo S tham gia đánh bạc một lần vào ngày bị bắt quả tang là phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS mà bị cáo S được hưởng nhưng cấp sơ thẩm chưa áp dụng. Ngoài ra, bị cáo S còn được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác như: là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi; đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; không có thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội, hoàn cảnh gia đình khó khăn (điểm n, điểm p khoản 1; khoản 2 Điều 46 BLHS).
Từ đó, cho thấy nếu chỉ chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang để không cho bị cáo S được hưởng án treo và giữ nguyên mức hình phạt tù mà bản án sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo là không tương xứng với vai trò, mức độ phạm tội của bị cáo so với các bị cáo khác trong vụ án (nhất là so với bị cáo đầu vụ Phan Thị C) và chưa xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà bị cáo được hưởng đối với từng tội danh. Vì vậy, nghĩ nên quyết định sửa bản án sơ thẩm không cho bị cáo S được hưởng án treo, nhưng xem xét áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà bị cáo được hưởng đối với từng tội danh, giảm một phần hình phạt tù mà bản án sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo là phù hợp.
Từ các phân tích trên, trong thảo luận và nghị bàn, Hội đồng xét xử thống nhất chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Phan Thị C; chấp nhận một phần ý kiến đề nghị của người bào chữa cho bị cáo C, bị cáo S; chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang, sửa án bản án sơ thẩm số 62/2017/HSST ngày 21/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang theo hướng nêu trên.
[6]. Về án phí, do yêu cầu kháng cáo được chấp nhận một phần nên bị cáo Phan Thị C không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
[7]. Về các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên
QUYẾT ĐỊNH
Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Phan Thị C; Chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang đối với bị cáo Lương Văn S;
Sửa bản án hình sự sơ thẩm số 62/2017/HSST ngày 21/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.
- Áp dụng khoản 1 Điều 249; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 và Điều 33 Bộ luật hình sự năm 1999, xử phạt bị cáo Phan Thị Chơi 01 (một) năm tù về tội “Tổ chức đánh bạc”.
- Áp dụng khoản 1 Điều 248; điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 và Điều 33 BLHS năm 1999, xử phạt bị cáo Phan Thị C 03 (ba) tháng tù về tội Đánh bạc”.
Áp dụng Điều 50 BLHS năm 1999 tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo Phan Thị C phải chấp hành hình phạt chung của hai tội là 01 (một) năm 03 (ba) tháng tù. Thời điểm chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày bị cáo vào chấp hành án.
- Áp dụng khoản 1 Điều 249; điểm n, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 và Điều 33 BLHS năm 1999, xử phạt bị cáo Lương Văn S 06 (sáu) tháng tù về tội “Tổ chức đánh bạc”.
- Áp dụng khoản 1 Điều 248; điểm h, n, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 và Điều 33 BLHS năm 1999, xử phạt bị cáo Lương Văn S 03 (ba) tháng tù về tội “Đánh bạc”.
Áp dụng Điều 50 BLHS năm 1999 tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo Lương Văn S phải chấp hành hình phạt chung của hai tội là 09 (chín) tháng tù. Thời điểm chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày bị cáo vào chấp hành án.
4. Về án phí: Bị cáo Phan Thị C không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
5. Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 91/2018/HSPT ngày 09/04/2018 về tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc
Số hiệu: | 91/2018/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thành phố Rạch Giá - Kiên Giang |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 09/04/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về