Bản án 91/2017/HSST ngày 12/09/2017 về tội hủy hoại rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TUẦN GIÁO, TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 91/2017/HSST NGÀY 12/09/2017 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 12/9/2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Tuần Giáo xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 80/2017/HSST, ngày 31/7/2017 đối với bị cáo:

Họ và tên: Lầu A D; tên gọi khác: Không; sinh năm: 1992.

Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở hiện nay: Bản H, xã M, huyện T, tỉnh Điện Biên.

Dân tộc: Mông; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Tin lành phúc âm.

Nghề nghiệp: Nông nghiệp; trình độ văn hóa: Lớp 1/12. Con ông: Lầu Sếnh C, sinh năm 1942.

Con bà: Giàng Thị V, sinh năm 1957.

Bị cáo có vợ: Ly Thị D; sinh năm 1991 và có 02 người con, con lớn nhất sinh năm 2010, con nhỏ nhất sinh năm 2016.

Tiền án: Không; tiền sự: Không.

Bị cáo được tại ngoại theo Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú số: 07, ngày 29/3/2017 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tuần Giáo. Bị cáo Lầu A D có mặt tại phiên tòa.

* Nguyên đơn dân sự: Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo - Đại diện theo ủy quyền có ông Vũ Ngọc H; Phó văn phòng - Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo; có mặt.

NHẬN THẤY

Bị cáo Lầu A D bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuần Giáo truy tố về hành vi phạm tội như sau: Ngày 20/3/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Tuần Giáo nhận được báo cáo của ông Đinh Văn C - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tuần Giáo về việc: Ngày 15/3/2017 Tổ công tác của Hạt kiểm lâm huyện Tuần Giáo phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ và Ủy ban nhân dân xã Mường Khong tiến hành làm nhiệm vụ tại khu vực rừng phòng hộ thuộc khoảnh 4, 5, 8 tiểu khu 606 do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo làm chủ rừng đã phát hiện nhiều đối tượng chặt phá rừng tại 09 khu vực đều quy hoạch rừng phòng hộ, hủy hoại 272.190m2 với mức độ thiệt hịa là 100%. Sau khi xác minh đã xác định được nhiều đối tượng trong đó có đối tượng Lầu A D; sinh năm 1992; trú tại bản H, xã M, huyện T đã chặt phá 5.940m2, có trữ lượng gỗ tròn, loại gỗ tạp, nhóm VI, VIII 39,741m3; củi tận thu 33,162 Ster. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập có trong hồ sơ. Cơ quan điều tra Công an huyện Tuần Giáo đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lầu A D về hành vi Hủy hoại rừng để điều tra làm rõ.

Ngày 26/3/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tuần Giáo đã thành lập tổ công tác tiến hành khám nghiệm hiện trường, xác định Lầu A D chặt phá 5.940m2 rừng phòng hộ, mức độ thiệt hại 100%.

Ngày 05/6/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện Tuần Giáo đã ra Quyết định trưng cầu giám định số: 89/QĐTC và tại Kết luận giám định số: 27/KL- GTTS, ngày 14/6/2017 của Hội đồng định giá tài sản đã kết luận: Gỗ tròn, gỗ tạp từ nhóm IV, VIII có giá trị 39,741m3 × 1.800.000đ = 71.533.800đ; Củi có giá trị 33,162Ster × 200.000đ/Ster = 6.632.400đ; tổng giá trị tài sản định giá là 78.166.200đ (Bảy mươi tám triệu một trăm sáu mươi sáu nghìn hai trăm đồng).

Tại Cơ quan điều tra - Công an huyện Tuần Giáo bị cáo Lầu A D đã khai và thừa nhận: Vào khoảng cuối tháng 02 đầu tháng 3/2017; Lầu A D không nhớ rõ ngày, thấy dân bản cùng nhau lên rừng Huổi Nôm để chặt phá rừng làm nương. D cũng một mình đi theo vào trong rừng thuộc khu vực Thả Núa. Dơ gặp Ly A L; Ly A S, Ly Thị N và nhiều người khác D không nhớ tên. Sau đó Lầu A D, Ly A L và Ly Thị N tìm được một khoảng rừng có đường mòn ở giữa làm ranh giới. D và N nhận một bên còn Ly A L nhận một bên. Sau khi nhận xong, D đi về. Khoảng 02 tuần sau D lên rừng để phát cây dưới tán thì thấy Ly A L chặt phát cây dưới tán tạo thành đường mòn lấn sang cả phần rừng trước đó D đã chọn; còn Ly Thị N đã chặt phát xong cây dưới tán chỉ để lại cho D một diện tích nhỏ nên D không làm chỗ đó nữa mà đi tìm một khoảng rừng có diện tích lớn hơn để tự làm. Sau khi, tìm được khoảng rừng khác thì D một mình dùng dao phát cây dưới tán, chưa chặt phát cây gỗ to. Cùng khoảng thời gian này do bố vợ của Lầu A Dơ là Ly A N bị mổ ruột thừa và nghe bố vợ nói sức khỏe yếu thì bỏ không chặt phát rừng làm nương nữa, D nghĩ là bố vợ không làm được thì D đi chặt phá rừng tại diện tích rừng của bố vợ để làm nương. D một mình mang theo dao quắm vào khoảng rừng của bố vợ đã nhận trước đó để chặt phát những cây dưới tán. D chặt phát cây dưới tán mất khoảng 3-4 ngày thì chặt phát xong. Sau đó, D dùng cưa máy chặt hạ những cây gỗ to, mất khoảng gần một ngày thì xong. Sau đó chưa kịp làm nương lên diện tích rừng vừa chặt phá thì D bị khởi tố về hành vi hủy hoại rừng.

Tại bản Cáo trạng số: 56/QĐ-VKS-HS ngày 27/7/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuần Giáo đã truy tố bị cáo Lầu A D về tội Hủy hoại rừng, theo điểm b khoản 3 điều 189 BLHS năm 1999. Tại phiên Tòa đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên nội dung trong quyết định truy tố và căn cứ vào tính chất mức độ của vụ án, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX áp dụng điểm b khoản 3 Điều 189 và điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999; Điều 69 Luật thi hành án hình sự; khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 và Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13/9/2016 để áp dụng tình tiết có lợi cho bị cáo quy định tại khoản 1 Điều 243 BLHS năm 2015 xử phạt bị cáo Lầu A D từ 18 tháng đến 24 tháng tù, cho hưởng án treo; thời gian thử thách từ tháng 36 đến 48 tháng và không phạt bổ sung bằng tiền đối với bị cáo. Áp dụng Điều 42 BLHS năm 1999; Điều 584; Điều 585; Điều 589; Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015; buộc Bị cáo Lầu A D bồi thường thiệt hại số tiền là 78.166.200đ (Bảy mươi tám triệu một trăm sáu mươi sáu nghìn hai trăm đồng); bị cáo đã bồi thường thiệt hại được 1.000.000đ (Một triệu đồng), bị cáo còn phải tiếp tục bồi thường thiệt hại cho Nhà nước số tiền 77.166.200đ (Bảy mươi bảy triệu một trăm sáu mươi sáu nghìn hai trăm đồng). Áp dụng Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự và điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, đề nghị miễn án phí HSST và án phí có giá ngạch cho bị cáo Lầu A D.

Tại phiên tòa, đại diện của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo đã xác định thiệt hại hoàn toàn phù hợp với số liệu có trong hồ sơ. Tại phiên tòa đề nghị bị cáo Lầu A D bồi thường thiệt hại cho Nhà nước là 78.166.200đ (Bảy mươi tám triệu một trăm sáu mươi sáu nghìn hai trăm đồng) và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ cho bị cáo Dơ.

Tại phiên tòa bị cáo không thắc mắc gì về bản Cáo trạng của Viện kiểm sát, bị cáo khai hoàn toàn phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã thể hiện. Bị cáo đồng ý bồi thường thiệt hại như Ban quản lý rừng phòng hộ yêu cầu số tiền là 78.166.200đ (Bảy mươi tám triệu một trăm sáu mươi sáu nghìn hai trăm đồng); bị cáo đã bồi thường thiệt hại được 1.000.000đ (Một triệu đồng); bị cáo rất hối hận về hành vi của mình đã gây ra.

Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở đã xem xét đầy đủ toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của bị cáo, nguyên đơn dân sự.

XÉT THẤY

Bị cáo Lầu A D khẳng định đã được nghe tuyên truyền về việc không được chặt phá rừng phòng hộ, nhưng vì gia đình không có đất để sản xuất nên gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy từ cuối tháng 02/2017 đến đầu tháng 3/2017, bị cáo đã một mình đi phá rừng phòng hộ để làm nương với diện tích chặt phá là 5.940m2. Diện tích rừng bị cáo chặt phá cụ thể là: Gỗ tròn, gỗ tạp từ nhóm IV, VIII có giá trị 39,741m3 × 1.800.000đ = 71.533.800đ; củi có giá trị 33,162 Ster × 200.000đ/Ster = 6.632.400đ; tổng giá trị tài sản định giá là 78.166.200đ. Lời khai của bị cáo tại phiên tòa hoàn toàn phù hợp với lời có trong hồ sơ. Từ các chứng cứ trên, Hội đồng xét xử xác định: Bị cáo Lầu A D đã phạm tội Hủy hoại rừng. Tội phạm được quy định tại Điều 189 BLHS năm 1999; bởi vậy, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuần Giáo truy tố bị cáo Lầu A D về tội danh trên là chính xác.

Xét hành vi của bị cáo thấy, bị cáo cho rằng bị cáo muốn có thêm đất nương để sản xuất lương thực cho gia đình nên bị cáo đã tự ý đi chặt phá rừng mặc dù biết đó là rừng phòng hộ đã được tuyên truyền diện tích rừng phòng hộ đó cần được bảo vệ. Bị cá là người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự; bị cáo nhận thức được việc chặt phá rừng mà không có sự cho phép của cơ quan chức năng là vi phạm pháp luật nhưng bị cáo vẫn cố tình thực hiện. Điều này cho thấy bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp, do đó bị cáo phải chịu trách nhiệm đối với hành vi phạm tội của mình.

Xét tính chất của vụ án, hành vi chặt phá rừng của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng của Nhà nước, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường. Hành vi của bị cáo cần được xử lý nghiêm minh trước pháp luật mới có tác dụng dăn đe, phòng ngừa việc chặt phá rừng trong tình hình hiện nay.

Xét về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và nhân thân của bị cáo thì thấy: Bị cáo sinh ra và lớn lên tại bản Huổi C, xã Ẳ, huyện M, tỉnh Điện Biên. Được gia đình nuôi cho ăn học hết lớp 01/12 thì bỏ học, ở nhà lao động sản xuất. Năm 2008 kết hôn với chị Ly Thị D có 03 người con. Năm 2010 chuyển về sinh sống tại bản H, xã M, huyện T, tỉnh Điện Biên. Ngày 29/3/2017 bị khởi tố về hành vi Hủy hoại rừng và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị cáo chưa có tiền án; tiền sự. Sau khi phạm tội bị cáo đã thành khẩn khai báo, khi gây thiệt hại bị cáo đã bồi thường thiệt hại, khắc phục một phần thiệt hại đã gây ra; bị cáo là lao động chính trong gia đình, con còn nhỏ và nguyên đơn dân sự xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, đây là những tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 BLHS. Bị cáo không có các tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 BLHS. Tại phiên Tòa bị cáo xin được giảm nhẹ hình phạt để sớm được đoàn tụ gia đình, bị cáo hứa không bao giờ tái phạm, nên có thể được xem xét giảm nhẹ phần nào cho bị cáo.

Tại phiên Tòa đại diện Viện kiểm sát và người bào chữa cho bị cáo đề nghị HĐXX áp dụng điểm b khoản 3 Điều 189 và điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60 BLHS năm 1999; Điều 69 Luật thi hành án hình sự; khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 và Công văn số 256/TANDTC-PC ngày 31/7/2017 để áp dụng tình tiết có lợi cho bị cáo quy định tại khoản 1 Điều 243 BLHS năm 2015 xử phạt bị cáo Lầu A D để xử phạt bị cáo mức án từ 18 tháng đến 24 tháng tù cho hưởng án treo; thời gian thử thách từ 36 tháng đến 48 tháng và không phạt bổ sung bằng tiền đối với bị cáo vì điều kiện hoàn cảnh khó khăn. Hội đồng xét xử thấy: Hành vi của bị cáo xảy ra trước khi Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực. Tuy nhiên, cần áp dụng khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 và Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13/9/2016 để áp dụng tình tiết có lợi cho bị cáo quy định tại khoản 1 Điều 243 BLHS năm 2015 cho bịcáo Lầu A D là đúng với quy định của Pháp luật và qua đây, Hội đồng xét xử cũng để bị cáo D thấy rằng, mặc dù hành vi vủa bị cáo gây ra những thiệt hại cho tài nguyên và môi trường lẽ ra cần phải áp dụng một mức hình phạt nghiêm khắc, cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhưng Hội đồng xét xử thấy cần cho bị cáo được hưởng những chính sách khoan hồng của Nhà nước, mở đường cho những người có hành vi vi phạm pháp luật biết ăn năn, hối cải. Vì vậy, Hội đồng xét xử thấy không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội để bị cáo có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, trở thành người có ích cho gia đình và cộng đồng xã hội. Hơn hết là để bị cáo nhận thức được cần bảo vệ tài nguyên môi trường ngay chính địa phương bị cáo sinh sống, việc bảo vệ tài nguyên môi trường cũng chính là bảo vệ môi trường sinh thái cho thế hệ mai sau. Bởi vậy, cần áp dụng Điều 60 BLHS năm 1999 đối với bị cáo. Việc đề nghị của đại diện Viện kiểm sát về là phù hợp, cần chấp nhận. Về hình phạt bổ sung, thấy bị cáo có khó khăn về kinh tế, nên không phạt bổ sung bằng tiền đối với bị cáo.

Về vật chứng của vụ án: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 41 BLHS, căn cứ vào khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 76 BLTTHS tịch thu 01 cưa máy nhãn hiệu Husavarna gồm: cả lam cưa và xích cưa tình trạng đã cũ, cưa đã qua sử dụng để bán sung quỹ Nhà nước. Giữ lại 1.000.000đ (Một triệu đồng) bị cáo Lầu A D đã tự nguyện bồi thường thiệt hại, số tiền đã tạm giữ ngày 19/5/2017; để đảm bảo việc thi hành án.

Về án phí: Căn cứ vào khoản 2 Điều 99 BLTTHS và điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, đề nghị miễn án phí HSST và án phí có giá ngạch cho bị cáo Lầu A D.

Vì các lẽ trên, sau khi nghị án.

QUYẾT ĐỊNH

1. Tội danh: Tuyên bố bị cáo Lầu A D đã phạm tội Hủy hoại rừng.

2. Hình phạt: Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 189 và điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60 BLHS năm 1999; khoản 3 Điều 7; điểm c khoản 1 Điều 243 BLHS năm 2015; xử phạt bị cáo Lầu A D 18 (Mười tám) tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 (Ba mươi sáu) tháng, kể từ ngày tuyên án. Giao bị cáo Lầu A D cho Ủy ban nhân dân xã M, huyện T, tỉnh Điện Biên và gia đình bị cáo giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.

3. Về bồi thường dân sự: Điều 42 BLHS năm 1999; Điều 584; Điều 585; Điều 589; Điều 357 BLDS năm 2015; buộc bị cáo Lầu A D phải bồi thường cho Nhà nước số tiền là tổng giá trị tài sản định giá là 78.166.200đ (Bảy mươi tám triệu một trăm sáu mươi sáu nghìn hai trăm đồng), bị cáo đã bồi thường được 1.000.000đ (Một triệu đồng), bị cáo còn phải tiếp tục bồi thường thiệt hại cho Nhà nước số tiền còn lại là 77.166.200đ (Bảy mươi bảy triệu một trăm sáu mươi sáu nghìn hai trăm đồng).

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

4. Vật chứng vụ án: Áp dụng Điều 41 BLHS, Điều 76 BLTTHS tịch thu 01 cưa máy nhãn hiệu Husavarna gồm: Cả lam cưa và xích cưa tình trạng đã cũ, cưa đã qua sử dụng để bán sung quỹ Nhà nước. Đặc điểm vật chứng được ghi theo Phiếu nhập kho số: PNKVC61 ngày 25/7/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tuần Giáo, để bán sung quỹ Nhà nước.

Giữ lại 1.000.000đ (Một triệu đồng) bị cáo Lầu A D đã tự nguyện bồi thường thiệt hại, số tiền đã tạm giữ ngày 19/5/2017; để đảm bảo việc thi hành án. Số tiền được chuyển theo Phiếu nhập kho số: PNKVC61 ngày 25/7/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.

5. Về án phí: Căn cứ vào Điều 99 BLTTHS và điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, miễn án phí HSST và án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch cho bị cáo Lầu A D.

Bị cáo có mặt được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Nguyên đơn dân sự có mặt được quyền kháng cáo phần bồi thường thiệt hại trong bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

494
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 91/2017/HSST ngày 12/09/2017 về tội hủy hoại rừng

Số hiệu:91/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tuần Giáo - Điện Biên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 12/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;