TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 83/2017/HSPT NGÀY 30/11/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 30 tháng 11 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 76/2017/HSPT ngày 10 tháng 10 năm 2017 đối với bị cáo Phạm Văn N do có kháng cáo của người bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2017/HSST ngày 10 tháng 8 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện A, thành phố Hải Phòng.
Bị cáo không kháng cáo:
Phạm Văn N, sinh năm 1973 tại Hải Phòng; trú tại: Thôn F, xã E, huyện A, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hoá: Lớp 7/12; con ông Phạm Văn M và bà Bùi Thị B (đều đã chết); có vợ là Đoàn Thị S, sinh năm 1976 và 03 con, con lớn sinh năm 1999, con nhỏ sinh năm 2005; tiền án, tiền sự:
Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 28/12/2016; có mặt.
Người bị hại kháng cáo: Ông Phạm Tiến Đ (tên gọi khác là Phạm Văn Đ1), sinh năm 1950; trú tại: Thôn F, xã E, huyện A, thành phố Hải Phòng; có mặt.
Giám định viên: Ông Đoàn Văn K – Giám định viên Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế Hải Phòng; có mặt.
NHẬN THẤY
Theo bản Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện A, thành phố Hải Phòng và Bản án hình sự sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện A, thành phố Hải Phòng thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Do mâu thuẫn từ việc tranh chấp đất ở giáp ranh giữa gia đình Phạm Văn N và gia đình ông Phạm Tiến Đ (tức Phạm Văn Đ). Khoảng tháng 6/2016, ông Đ cùng với con trai là Phạm Văn C, sinh năm 1984 đã lấy đất, cát lấp vào bể phốt, hố ga của gia đình N nên hai bên xảy ra cãi nhau; N cũng đã trình báo sự việc với Ủy ban nhân dân xã E, huyện A nhưng chưa được giải quyết.
Đến khoảng 08 giờ 30 phút ngày 07/7/2016, khi thấy nước thải từ bể phốt và hố ga của gia đình N chảy tràn ra phần đất đang tranh chấp, gây mất vệ sinh nên ông Đ và anh C tiếp tục lấy đất cát để lấp vào; trong quá trình lấp đất, cát có làm vỡ hỏng nắp đậy phía trên bể phốt. Thấy vậy, N trèo lên mái nhà vệ sinh của nhà mình và nhặt được ½ viên gạch bằng đất nung chín rồi ném về phía ông Đ và trúng vào đầu ông Đ khi đó đang đội chiếc mũ cối, làm ông Đ bị thương. Ngay sau đó, N đã ra UBND xã E trình báo sự việc; còn ông Đ được đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Việt - Tiệp, Hải Phòng đến ngày 21/7/2016 thì được xuất viện.
Sau khi sự việc xảy ra, ông Đ đã có đơn yêu cầu Công an huyện A xử lý nghiêm hành vi của Phạm Văn N theo quy định của pháp luật hình sự.
Tại bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 271/2016/TgT ngày 01/8/2016, Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế Hải Phòng đã kết luận thương tích của ông Phạm Tiến Đ như sau: “…Vùng đỉnh đầu bên phải có 01 vết thương rách dập da phức tạp đã khâu, chưa cắt chỉ, còn sung nề, tổng chiều dài vết thương là 5,5cm. Ngoài ra, không còn thương tích nào khác… Kết luận: 1. Dấu hiệu chính qua giám định: Nạn nhân bị chấn thương tương đối mạnh vào vùng đầu nhưng chỉ gây rách dập da phức tạp vùng đầu, không tổn thương thực thể ở sọ não. Đã được điều trị đang dần ổn định. 2. Kết luận… Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của nạn nhân do thương tích trên gây nên là 09%. 3. Kết luận khác: Thương tích trên có đặc điểm do vật có góc cạnh cứng tác động trực tiếp gây nên.” Tại Công văn số 06-CV/2017 ngày 20/01/2017, Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế Hải Phòng đã trả lời: “…Nạn nhân Phạm Tiến Đ bị 01 vết thương vùng đỉnh đầu nằm ở phần có tóc che phủ nên không gây mất thẩm mỹ”.
Tại bản Cáo trạng số 04/CT-VKS ngày 12 tháng 02 năm 2017, Viện Kiểm sát nhân dân huyện A đã truy tố Phạm Văn N về tội "Cố ý gây thương tích" theo điểm a khoản 1 Điều 104 Bộ Luật Hình sự.
Ngày 10/4/2017, Hội đồng xét xử sơ thẩm - Tòa án nhân dân huyện A đã quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ có hay không có đồng phạm với Phạm Văn N trong việc gây thương tích đối với ông Phạm Tiến Đ.
Tại Công văn số 01/VKS ngày 14 tháng 6 năm 2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện A đã nêu rõ: Quá trình điều tra bổ sung đã đủ căn cứ kết luận không có đồng phạm với Phạm Văn N trong việc gây thương tích đối với ông Đ.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2016/HSST ngày 10 tháng 8 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện A, thành phố Hải Phòng đã quyết định: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 104; điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Phạm Văn N 09 (Chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 18 (Mười tám) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự; Điều 609; Điều 617 Bộ Luật Dân sự 2005 và khoản 1 Điều 688 Bộ Luật Dân sự 2015: Buộc bị cáo Phạm Văn N phải bồi thường thiệt hại cho ông Phạm Tiến Đ do sức khỏe bị xâm phạm, số tiền là: 30.494.000 đồng; bị cáo đã nộp bồi thường 15.000.000 đồng, còn phải bồi thường cho ông Đ 15.494.000 (Mười lăm triệu bốn trăm chín mươi tư nghìn) đồng.
Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí hình sự sơ thẩm, án phí dân sự sơ thẩm và tuyên quyền kháng cáo.
Ngày 23 tháng 8 năm 2017, người bị hại Phạm Tiến Đ có đơn kháng cáo với nội dung đề nghị tăng hình phạt, tăng mức tiền bồi thường đối với bị cáo Phạm Văn N, đề nghị giám định lại và trả lại vật chứng.
Đơn kháng cáo của người bị hại trong thời hạn luật định nên được Hội đồng xét xử chấp nhận xem xét.
Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Văn N khai nhận hành vi phạm tội như nội dung bản án sơ thẩm đã nêu.
Tại phiên tòa, người bị hại giữ nguyên nội dung kháng cáo.
Giám định viên giải thích cơ chế hình thành thương tích tại phiên tòa: Tại thời điểm giám định, người bị hại có 01 vết thương rách dập da dài 5,5cm ở vùng đỉnh đầu bên phải. Ngoài ra, không còn thương tích nào khác. Do đó, tỷ lệ thương tích của người bị hại là 9% là hoàn toàn phù hợp. Về vật gây ra thương tích: Thương tích có đặc điểm do vật có góc cạnh cứng tác động trực tiếp gây nên, phù hợp với lời khai của người bị hại khi giám định là bị viên gạch ném vào đầu, đồng thời khẳng định việc giám định hoàn toàn khách quan đúng quy định của pháp luật.
Quan điểm giải quyết vụ án của Kiểm sát viên thể hiện như sau:
Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Phạm Văn N 09 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.
Xét kháng cáo của người bị hại:
- Về yêu cầu tăng hình phạt: Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất vụ án, hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo quy định tại các điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, bị cáo đã nộp thêm 15.000.000 đồng tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện A để bồi thường cho ông Đ. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có nơi cư trú rõ ràng, nhân thân không có tiền án, tiền sự nên Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 09 tháng tù cho hưởng án treo là phù hợp.
- Về yêu cầu tăng tiền bồi thường: Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các khoản chi phí hợp lý mà người bị hại được hưởng, phù hợp với thương tích 9%. Tại cấp phúc thẩm, ông Đ không cung cấp được thêm tài liệu hay hóa đơn chứng từ nào liên quan đến việc bồi thường.
- Về đề nghị giám định lại: Tại phiên tòa, giám định viên đã giải thích cơ chế hình thành thương tích và khẳng định tỷ lệ thương tích của người bị hại là đúng, việc giám định đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
- Về đề nghị xin lại vật chứng: Vật chứng của vụ án là 01 chiếc mũ cối đã bị hỏng, không còn giá trị sử dụng nên Tòa án cấp sơ thẩm tuyên tịch thu, tiêu hủy là đúng quy định của pháp luật.
Do đó, không có căn cứ để chấp nhận các nội dung kháng cáo của người bị hại. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, lời khai của bị cáo, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác,
XÉT THẤY
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, lời khai của bị cáo tại phiên tòa hôm nay phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm, phù hợp với lời khai của người bị hại, người làm chứng và phù hợp với Kết luận giám định và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện:
Khoảng tháng 6/2016, giữa gia đình Phạm Văn N và gia đình ông Phạm Tiến Đ có xảy ra tranh chấp ranh giới đất ở (Tranh chấp đang được Ủy ban nhân dân xã E, huyện A xem xét giải quyết). Khoảng 08 giờ 30 phút ngày 07/7/2016, khi thấy nước thải từ hố ga, bể phốt của gia đình N chảy ra phần đất tranh chấp, làm mất vệ sinh nên ông Phạm Tiến Đ và anh Phạm Văn C (con ông Đ) đã xúc đất, cát lấp vào hố ga của gia đình N, trong quá trình này bố con ông Đ có làm hỏng nắp hố ga. Thấy vậy, N trèo lên mái nhà vệ sinh của nhà mình, nhặt được ½ viên gạch đất nung chín rồi ném về phía ông Đ và trúng vào đầu làm ông Đ bị thương. Kết luận giám định pháp y về thương tích cho thấy, ông Đ bị thương ở vùng đầu, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 09%. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Văn N về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất vụ án, hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo: Nhân thân bị cáo không có tiền sự, tiền án; phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; khai báo thành khẩn; tự nguyện nộp tiền bồi thường thiệt hại; sau khi phạm tội bị cáo đã ra trình báo cơ quan có thẩm quyền nên được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự.
Xét kháng cáo tăng hình phạt của người bị hại: Xét thấy trong vụ án này, người bị hại cũng có một phần lỗi, bởi lẽ bị cáo và người bị hại đã có mâu thuẫn với nhau từ trước và việc tranh chấp đất này đang được UBND xã E xem xét giải quyết. Khi ông Đ cho rằng bể phốt, hố ga của gia đình bị cáo gây ô nhiễm, ông Đ cần yêu cầu bị cáo có biện pháp khắc phục hoặc yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp, giải quyết. Nhưng ông Đ lại tự ý xúc đất, cát lấp hố ga của gia đình bị cáo, làm hỏng nắp đậy hố ga nên bị cáo đã bức xúc dùng gạch ném ông Đ. Đồng thời, theo bản Kết luận giám định pháp y về thương tích, ông Đ chỉ bị tổn hại 09% sức khỏe. Trước khi mở phiên tòa sơ thẩm, bị cáo đã đề nghị được bồi thường cho ông Đ nhưng ông Đ không nhận; bị cáo đã nộp bồi thường tại cơ quan thi hành án dân sự; việc bị cáo không trực tiếp bồi thường cho ông Đ là do mâu thuẫn giữa hai bên không hòa giải được. Sau khi gây thương tích cho ông Đ, bị cáo đã ra Ban Công an xã E khai báo sự việc bị cáo ném ông Đ. Trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, bị cáo đã nộp tiếp 15.000.000 đồng tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện A để bồi thường cho ông Đ. Như vậy, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự, có nơi cư trú rõ ràng nên Tòa án cấp sơ thẩm cho bị cáo hưởng án treo theo Điều 60 Bộ luật Hình sự là phù hợp, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật. Do vậy, không chấp nhận kháng cáo của người bị hại yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo Phạm Văn N.
Xét kháng cáo tăng mức bồi thường của người bị hại:
Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận các khoản chi phí hợp lý bao gồm: Tiền thuốc, viện phí chi phí cho việc cấp cứu, điều trị thương tích có hóa đơn kèm theo; tiền lệ phí, chi phí cho việc giám định thương tích; tiền thuê xe phục vụ cho việc điều trị; tiền bồi dưỡng sức khỏe trong thời gian điều trị; tiền thu nhập thực tế bị mất của ông Đ trong thời gian điều trị; tiền thu nhập thực tế bị mất của 01 người chăm sóc người bị hại trong thời gian nằm viện; tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Đồng thời, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét ông Đ cũng có một phần lỗi nên bị cáo phải bồi thường 5/6 thiệt hại là phù hợp. Tại cấp phúc thẩm, người bị hại không cung cấp được thêm tài liệu, chứng cứ nào liên quan đến việc điều trị thương tích. Do đó, Hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ chấp nhận yêu cầu tăng mức bồi thường của người bị hại.
Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên buộc bị cáo bồi thường cho ông Đ tổng cộng là 30.494.000 đồng, bị cáo đã nộp 15.000.000 đồng và còn phải bồi thường 15.494.000 đồng. Trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, bị cáo đã nộp 15.000.000 đồng theo Biên lai số AA/2010/8016 ngày 29/11/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện A. Do đó, bị cáo còn phải bồi thường 494.000 đồng cho người bị hại.
Về đề nghị giám định lại: Tại phiên tòa, giám định viên đã giải thích cơ chế hình thành thương tích và khẳng định tỷ lệ thương tích của người bị hại là đúng, vật gây thương tích cũng hoàn toàn phù hợp với đặc điểm thương tích của người bị hại; mặt khác, các thủ tục giám định thương tích đều được thực hiện khách quan, đúng quy định pháp luật, bản Kết luận giám định có chữ ký của Giám định viên và Hội đồng giám định đầy đủ. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận đề nghị giám định lại của người bị hại.
Về đề nghị xin lại vật chứng: Vật chứng của vụ án là 01 chiếc mũ cối đã bị hỏng, không còn giá trị sử dụng. Tuy nhiên, xét chiếc mũ cối là tài sản riêng và có giá trị về mặt tinh thần đối với người bị hại nên Hội đồng xét xử thấy cần trả lại chiếc mũ cối cho người bị hại.
Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật nên Hội đồng xét xử không xét.
Người bị hại không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên, Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 248; điểm d khoản 1 Điều 249 Bộ Luật Tố tụng Hình sự,
QUYẾT ĐỊNH
Chấp nhận một phần kháng cáo của người bị hại Phạm Tiến Đ (tên gọi khác là Phạm Văn Đ) về sửa quyết định xử lý vật chứng.
Về hình phạt: Giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần hình phạt: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 104; điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Phạm Văn N 09 (Chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Cố ý gây thương tích". Thời gian thử thách là 18 (Mười tám) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Giao bị cáo Phạm Văn N cho Ủy ban nhân dân xã E, huyện A, thành phố Hải Phòng giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án Hình sự.
Về dân sự: Giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần bồi thường thiệt hại: Áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự; Điều 609; Điều 617 Bộ luật Dân sự năm 2005 và khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015: Buộc bị cáo Phạm Văn N phải bồi thường thiệt hại cho ông Phạm Tiến Đ do sức khỏe bị xâm phạm, số tiền là: 30.494.000 (Ba mươi triệu bốn trăm chín mươi tư nghìn) đồng; ghi nhận việc bị cáo đã nộp bồi thường 30.000.000 (Ba mươi triệu) đồng theo Biên lai số AA/2010/7972 ngày 09/02/2017, số AA/2010/7975 ngày 10/4/2017 và AA/2010/8016 ngày 29/11/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện A; bị cáo còn phải còn phải bồi thường cho ông Đ 494.000 (Bốn trăm chín mươi tư nghìn) đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong khoản tiền còn phải bồi thường trên, hằng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
Về vật chứng: Trả lại cho người bị hại 01 (Một) chiếc mũ cối (Đặc điểm thể hiện theo Biên bản giao nhận vật chứng ngày 14/02/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện A).
Về án phí: Người bị hại không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.
Các quyết định khác của Bản án số 23/2017/HSST ngày 10/8/2017 của Toà án nhân dân huyện A, thành phố Hải Phòng có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 83/2017/HSPT ngày 30/11/2017 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 83/2017/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Phòng |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 30/11/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về